Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.888 tác phẩm
2.761 tác giả
961
123.366.918
 
Vài giòng về Mường Mán (*)
Ngụy Ngữ

Vắng đi khá lâu chợt đạo diễn Hồ Quang Minh lại điện thoại cho tôi bảo vừa ở Pháp về, có ít sách báo, có mấy người bạn muốn gặp, hẹn cà phê. Sách báo điện ảnh. Mấy người bạn đều dân miền Nam du học Âu Mỹ xa gần trước năm 1975, trong số ấy có Trương Sỹ Đức, kỹ sư, hiện đang là ông giáo trung học ở Thụy Sỹ, người tôi đã vài lần gặp. Ăn sáng, cà phê, rề rà chuyện ta chuyện tây, Đức lại nhắc tới Mường Mán: Làm sao gặp ảnh? Thì ra không chỉ Đức mà cả mấy người bạn kia đều vậy: Làm sao gặp anh Mường Mán? Trước, Đức đã hỏi, nhưng khi thì Mường Mán còn ở Cần Thơ, khi thì Mường Mán đã lên Sài Gòn nhưng nhà quá xa, giờ thì không chỉ có quán gần mà còn điện thoại không thiếu. Tôi gọi, hẹn. Thẫm chiều, đúng hẹn, bên bàn rượu tất cả đủ mặt. Rượu vào lời ra. Và lời ra gần như tất cả đều là thơ Mường Mán. Họ say sưa nhắc đọc những bài thơ họ thuộc từ thời trung học xa lắc. Mường Mán ngồi lim dim gật gù nghe những người tóc hoa râm nói nhiều thứ giọng, và mang nhiều quốc tịch khác nhau ấy đọc thơ của mình.

 

Cách mấy hôm sau đó, tôi tình cờ gặp ông bạn nhà giáo già văn võ kiêm toàn Nguyễn Văn Dũng vừa từ Huế vào, và được anh rủ đi Đà Lạt chơi. Tại Đà Lạt, là thầy giáo võ, anh được cả trăm võ sinh nghiêm cẩn đón trong dịp thi lên đai lên đẳng, là thầy giáo văn anh được một người học trò thành đạt là ông giám đốc sở Giao thông Hứa Văn Tuấn đón. Nghe anh Dũng giới thiệu tôi, Tuấn hỏi qua chuyện phim ảnh mà rõ ràng cả anh ta và tôi chẳng thích gì rồi hỏi ngay tới người anh ta thích và biết tôi là chỗ quen thân:Anh Mường Mán dạo này sao anh? Như Đức, Tuấn là kỹ sư, thích thơ văn chỉ hơi lạ: Không rành chữ Hán nhưng Tuấn lại rành thơ Đường, thuộc hàng trăm bài, đọc đúng từng chữ cả những bài ít thấy trong các sách dịch thơ Đường.

 

Vừa thấy bản thảo tập thơ Mường Mán ghé đưa, tôi nhớ ngay tới Đức và Tuấn bởi đơn giản tôi mới gặp lại Tuấn. Và nhớ tới Tuấn, Đức tôi lại nhớ những người khác - những người yêu thơ Mường Mán. Khá nhiều. Với tất cả họ, thơ Mường Mán đã là một phần của tuổi thanh xuân cần được nâng niu giữ gìn của họ. Có người tới già vẫn chưa gặp Mường Mán. Có người vốn đã là bạn Mường Mán từ lâu - người là bạn trung học, đại học, bạn cùng quê, cùng xóm trọ, người là bạn lính tráng, bạn thợ thầy… Với những người quen cả Mường Mán và tôi thì gần như cứ nghe nhắc tới Mường Mán là tôi lại bị hỏi: Sao hai người thân nhau mà khác nhau quá vậy?

 

Thân. Đúng, Huế, nơi Hoàng Ngọc Tuấn vui vẻ bảo mọi người đều quen nhau, và Trịnh Công Sơn bảo có vẻ mọi người đều có họ hàng với nhau, tôi không nhớ tôi được quen thân với Mường Mán cũng như với nhiều người khác từ bao giờ. Chung những đường phố, những quán xá, chung bạn bè (bao nhiêu người đã chết và còn sống ở trong, ngoài nước). Chung bao nhiêu kỷ niệm, bao nhiêu tờ báo cùng viết, bao nhiêu lần đỡ đần cho nhau qua khốn khó… Chung đến vậy không thân còn gì. Ngay trong tập thơ này Mường Mán cũng cho thấy điều ấy: Tôi là người bạn duy nhất được Mường Mán tặng thơ. Và khác, cũng vậy. Vóc dạng khác đến áo quần không thể tạm mặc nhờ. Thời trẻ, một, là tôi, thích rong ruổi; một là Mường Mán, thích yên thân cố xứ. Tuổi già, một sáng sáng vẫn bình thường cà phê thuốc lá và chiều chiều vẫn lai rai vài cốc; một, chăm bẳm theo lời bác sĩ, tránh xa thuốc lá và rượu – dù chính mình đang là ông chủ một quán ăn khá đắt khách, đó là quán Ruốc ở Phú Nhuận, nơi thỉnh thoảng tôi vẫn ghé gặp bạn bè, nơi thỉnh thoảng tới lui của Đoàn Thạch Biền, Nguyễn Khắc Nhượng, Lê Cung Bắc, Nguyễn Hồ, Nguyễn Đông Thức… Những khuôn mặt vốn quá thân thuộc từ cuối thế kỷ 20 và cả những khuôn mặt già trẻ mới toanh của thế kỷ 21: Bùi Văn Nam Sơn. Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Quốc Hưng…

 

Rồi, chung việc viết lách, chúng tôi lại khác nữa: Một, từ lâu vẫn coi tất cả những gì mình viết ra, dù được viết với sự cẩn thận hay cẩu thả tới đâu chăng nữa thì cũng đều đã là của hôm qua, thì nên cho qua luôn cho đỡ bận lòng; một, lại không chỉ chăm chút những cái mới viết mà còn chẳng tiếc công lật tìm sắp xếp những cái đã viết từ thời nảo thời nào.

 

Nhờ sự chăm chút và không tiếc công ấy của Mường Mán chúng ta đang có tập thơ này.

Nhờ có tập thơ này tôi có dịp đọc lại nhiều bài thơ cũ của Mường Mán, trong số ấy có bài Nhịp sáu tám cho mùa thu nước lũ, bài thơ được viết sau ngày cầu Trường Tiền gãy trong vụ Mậu Thân và được in lần đầu trên tờ bào rô-nê-ô của một nhóm sinh viên đấu tranh ở Huế. Nếu đặt cạnh những bài hát, bài thơ và những truyện ngắn, truyện dài của những người khác cùng viết về những ngày tháng đầy tiếng động chói chang ấy, (như Hát trên những xác người, Chuyện một chiếc cầu đã gãy, hay Ngôi sao trên đỉnh Phú Văn Lâu chẳng hạn), bài thơ của Mường Mán ở hẳn một chỗ rất riêng: lạ hoắc. Có lẽ cũng vì cái lạ hoắc ấy mà chú em tôi, một ông giáo bỏ nghề, hiện đang là một nhà báo, người cùng lứa với Đức và Tuấn, đã có thể nâng ly cùng Mường Mán sang tuổi sáu mươi và đọc trọn cả bài – dĩ nhiên là hoàn toàn theo trí nhớ.

 

Còn tôi thì đang đọc thơ Mường Mán tặng tôi: Xuân sang chưa kịp chuyến đò. Bóng thu đông đã rợp bờ bến nhau…

 

(*)Trích lời tựa tập thơ Dịu Khúc của Mường Mán do Nxb Trẻ ấn hành 6/2008

Ngụy Ngữ
Số lần đọc: 3706
Ngày đăng: 15.07.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hàn Mặc Tử - hồn trăng trong mùa nhớ - Trần Ngọc Tuấn
Đám cưới em họ - Hội An
Chọn hướng xây nhà - Trần Huy Thuận
Bà Bắc - Nguyễn Mỹ Nữ
Bầu bán! - Trần Huy Thuận
Bích Khê - trong mùa trăng tượng trưng - Trần Ngọc Tuấn
Quà nhỏ - Mang Viên Long
Tản mạn về làng Lựu Bảo và tình sử Đặng Huy Trứ - Ngô Thiên Thu
Thơ xích lô - Trần Trung Sáng
Trao đổi lại với ông Văn Chinh * - Hà văn Thùy
Cùng một tác giả
Con Thú Tật Nguyền (tuyển truyện)
Rừng Trầm Mai Sau (truyện ngắn)