Gặp lại Đào, tôi nhớ ngay lời nàng đã hỏi tôi hơn ba mươi năm trước : “Nhà văn có nói dối không?”.
Hồi ấy, đi dạy học, lương dư dả sống ; tôi không đi dạy thêm ở các trường tư thục, nên có nhiều thời gian rong chơi và viết lách lai rai… Viết là một nhu cầu rất cần thiết với tôi lúc bấy giờ. Thích là viết, không nghĩ tới bất kỳ một chuyện gì khác. Sống bình thường. Và viết cũng bình thường. Bởi vậy, câu hỏi của Đào đã khiến tôi bối rối, khó trả lời cho nàng thỏa mãn…
Có thể nói Đào là người con gái tôi quen thân đầu tiên ở Tuy Hòa. Nàng là chị của một cậu học trò lớp tôi hướng dẫn. Thỉnh thoảng, nàng ghé lại nhà trọ của tôi, để “ba má em nhờ thầy cho biết học lực và hạnh kiểm của Lân…”.
Dĩ nhiên là tôi đã tiếp nàng rất ân cần, đúng mực, bởi vì trước hết, nàng là “phụ huynh” học trò của tôi. Sau đó, vì nàng rất hiền và đẹp.
Sau nhiều lần nghe nàng trách xa trách gần : “Thầy nói mà không giữ lời hứa”, tôi xâm mình đến thăm gia đình Đào vào một buổi sáng chủ nhật.
Phố Tuy Hòa cuối xuân, đầu hè trông như rộng thêm ra, vắng, và dễ thương. Tôi đếm bước chậm rãi dọc theo phố Trần Hưng Đạo, xuống ngả chợ. Tôi cũng không vội vã gì đến nhà Đào, để bỏ mất một buổi sáng đầu hè lồng lộng gió nồm mát rượi và thanh thản. Hơn thế, tôi chưa tìm ra lời giải đáp chính đáng : “Mình đến nhà Đào để làm gì?”.
Chiều hôm qua, tôi cũng vừa nhận được thư của Giang, nàng cho biết đang bận lo thi tốt nghiệp, sẽ cố gắng đậu cao, để có thể chọn nhiệm sở nơi nào tùy ý – nhất là chọn về Phú Yên. Phần “Tái bút” nàng còn hỏi tôi một câu hóc búa : “Anh định bao giờ sẽ làm lễ hỏi”.
Nghĩ ngợi lan man cũng là một điều thú vị lúc đi bộ một mình. Tôi đã rẽ vào ngả chợ, dừng lại trước cửa nhà Đào : Nàng đang ngồi thu hai chân trong chiếc ghế salon, bộ jupe hoa ngắn, vội đứng dậy – chạy ra cửa : “Chào thầy, mời thầy vào chơi…”.
-Hai bác có ở nhà không ? – Tôi hỏi .
-Ba má em vừa đi về quê – Nàng cười, - hôm nay là ngày giỗ ông nội …
-Đào không thích đi ăn giỗ sao ?
-Thích chứ !- Im lặng một chút, nàng tiếp- Nhưng… ở nhà đón thầy, vui hơn !
Tôi thầm nghĩ : “Cô bé này thông minh và dễ thương đấy chứ?”.
Nàng pha hai tách trà lipton, mang đến một đĩa đường miếng, nhìn tôi – chúm chím cười (nụ cười rất quen thuộc và hồn nhiên): “Mời thầy uống trà…”.
-Hình như tôi có nói với Đào đôi ba lần rồi, tôi có dạy dỗ gì Đào đâu, mà cứ gọi tôi là “Thầy” hoài vậy?
-Em biết gọi bằng gì ? – Nàng hơi cúi đầu, để tóc chảy qua mặt.
-Tùy “hảo tâm” của em thôi !
Sau buổi sáng chủ nhật hôm ấy, chị em Đào thường đến nhà trọ thăm tôi. Chúng tôi có đôi lần qua sông Chùa, rong chơi ở xóm Ngọc Lãng để ăn dưa, cũng có đôi lần rủ nhau xuống biển lúc mùa trăng vắng tênh… Tôi cũng đã cùng Đào ngược lên cầu Ông Chừ, về Hòa Trị – quê nội của nàng, để thăm lại trường xưa, nhà cũ… Tóm lại, nhờ Đào, tôi hiểu thêm Tuy Hòa, thương và nhớ Phú Yên mỗi lúc đi xa… Có lẽ tình yêu đã làm cho cuộc đất trở nên mầu nhiệm, quyến rũ hơn chăng ?
Trở lại Tuy Hòa sau nhiều năm xa cách, tôi thật sự không muốn tìm gặp ai cả. Tôi trôi dạt đến Tuy Hòa thì đúng hơn. Tôi muốn đi qua những con đường đã đi, ngồi lại vài nơi đã từng ngồi. Nhìn ngó đất trời Tuy Hòa đã từng sống. Chỉ có vậy thôi! Nhưng Đào đã nhận ra tôi …
-Em sống ở đây một mình sao? – Tôi đưa mắt nhìn căn nhà trống trải.
-Không, với bà ngoại các cháu…
-Một mình em nuôi được hai đứa con vào đại học, thật giỏi!
-Đó là bản năng sinh tồn, có gì là giỏi đâu anh? – Nàng nhếch miệng cười.
Từ ngày Minh – chồng nàng chết, gia đình nàng trở nên sa sút hơn. Muốn nuôi con vào đại học, Đào phải dìu dắt con vào Sài Gòn, làm đủ mọi việc, kể cả nhận làm việc nhà cho nhiều hộ trong ngày để kiếm tiền lo cho con ăn học. Đứa con gái đầu đã tốt nghiệp, ngành kinh tế – đang làm việc tại một Công ty liên doanh với nước ngoài. Cậu con trai út, đang theo học năm thứ tư Đại học kỹ thuật. Đào cho biết nàng mới trở về Tuy Hòa vài tháng nay, để chăm sóc cho mẹ đang nằm điều trị ở bệnh viện…
Nghe nàng nhắc kể lại chuyện nhà, chuyện chồng con, bạn bè… tôi có cảm giác như đã từ lâu lắm nàng chưa được nói, chưa được tâm sự, chưa có chút thời gian nào thư thả để có thể nhìn lại quá khứ, nhìn lại đời mình! Khi con người chỉ mải loay hoay, quần quật với cuộc sống thì mọi vật và thời gian chỉ là những ý niệm trừu tượng, hay trống rỗng. Qua nàng, tôi đã được biết những người bạn đã chết, những người quen còn sống, gặp thời, những người đang phiêu bạt…
Thời gian chỉ ngần ấy năm, ngoảnh lại như một giấc mộng.
-Chị và các cháu vẫn khỏe cả chứ anh? – Nàng nhìn tôi áy náy.
-Vẫn khỏe! – Tôi đáp.
-Anh ở lại chơi với Tuy Hòa được mấy hôm?
-Chưa biết là mấy hôm…
-Thong dong dữ vậy à?
-Tôi rất thong dong…
Tôi chỉ cho Đào nhìn lại chiếc xách tay cũ, nhỏ gọn, đang nằm ẩn mình dưới chân, cười: “Hành trang chỉ hai bộ đồ, vài quyển kinh sách…”.
-Anh định đi tu sao? – Nàng cười chúm chím (nụ cười hơn ba mươi năm đã trở lại).
-Tu thì nơi nào tu mà chẳng được, “Phật pháp tại thế gian” mà, tôi đi rong chơi như một cánh bèo…
Im lặng một lát, nàng nói như với chính mình: “Cũng có nhiều lúc em đã nghĩ tới việc xin vào ở trong chùa, ngày đêm vui với kinh kệ, cho vơi bớt phiền não, nợ trần…”.
-Em nghĩ dễ vậy, chứ đâu phải vậy? – Tôi cười – Em đã sống như lâu nay, là đã tu rồi. Nợ trần chúng ta còn nặng, có phải vậy không?
Chiều hôm ấy tôi theo nàng xuống bệnh viện để thăm lại mẹ nàng như để từ biệt bà, vì Đào cho biết bà đang bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối. Gặp tôi, bà thoáng nhìn tôi giây lâu, rồi gật đầu, rồi khép lại đôi mắt lõm sâu giữa hai gò má xương xẩu. Tôi không còn nhìn thấy chút dấu vết gì của cái thời son trẻ, giàu sang nơi bà, hơn hai mươi năm về trước. Tất cả đều im lặng. Và tan biết dần…
-Bây giờ em còn muốn đi đâu nữa không?
-Tùy anh…
Ra khỏi bệnh viện, tôi và nàng thả bộ, đi về hướng biển…
Nhìn chậm lên mắt nàng, tôi hỏi :
-Em còn muốn anh trả lời câu hỏi cách đây hơn ba mươi năm nữa không?
-Không– Nàng đáp, đã gần đến tuổi năm mươi, em đã hiểu rồi, anh à !
Tôi cầm lấy tay nàng, thầm cảm ơn.
Bãi biển tuy đã vào cuối hè, sang thu nhưng người tìm về biển vẫn đông đúc, nhộn nhịp. Các dãy quán giải khát, quán nhậu hình như không còn chỗ trống. Ngoài bãi cát bày ghế dựa, khăn trải ; từng nhóm người cười nói ồn ào, trẻ con nô đùa, hồn nhiên với sóng cát như những con còng…
Tôi chọn một tảng đá nằm dọc phía xa cuối bãi, đưa Đào tới đó.
-Đời mình lúc này, chỉ nên chọn một nơi vắng vẻ!- Tôi như nói với chính mình.
-Tuổi trẻ bây giờ hơi khác với thời của chúng ta, phải không anh? – Đào quay lại nhìn tôi vẫn còn chút hoang mang.
-Khác nhiều đấy chứ… Họ năng động hơn, nhạy bén hơn và cũng thực tế hơn – Tôi cười.
-Có lẽ thời của chúng ta thì ngược lại: yên lặng, thong dong và mơ mộng hơn nhiều…
Tôi ngồi bên cạnh nàng, nhìn xa ra mặt biển đang thẫm dần, lóng lánh những sóng bạc của những tia nắng cuối cùng của một ngày.
Tôi chậm rãi châm một điếu thuốc – hít một hơi dài, cảm thấy điếu thuốc rất cần cho đời sống tôi – nhất là lúc này:
-Sự thay đổi nhanh quá – chỉ chưa đầy ba mươi năm, thời của chúng ta đang lùi xa, chẳng biết tốt hay không tốt, nhưng rõ ràng mảnh đất tâm của tuổi trẻ đang chất đầy những thứ có thể làm khô cằn dần đời sống….
-Em rất lo ngại cho con…
-Em đã nuôi con bằng tất cả tình yêu thương tinh khiết, bằng sự hy sinh, bằng tâm hồn cao thượng như thế, ắt là chúng sẽ hiểu…
Tôi nói tiếp:
-Có nhiều người con chỉ biết đòi hỏi ở cha mẹ, mà không hề biết cần phải làm gì cho cha mẹ vui lòng… Không hề để ý đến cha mẹ nghĩ gì, thậm chí cha mẹ đã sống như thế nào để nuôi dạy chúng… Nhu cầu vật chất đổ xô vào như nước tràn vào đất khô hạn cũng là một lẽ tất yếu…
Đào vẫn lặng lẽ nhìn ra biển.
Gió thổi lồng lộng.
Tôi bỗng dưng cảm thấy, gần ba mươi năm qua, buổi chiều hôm nay rất giống những buổi chiều tuổi trẻ trong ký ức. Tôi cảm thấy mình được thanh thản, rũ bỏ mọi phiền não khổ đau đang vây bủa, và đang sống những giờ phút yên ả, hạnh phúc nhất… Trong nhiều năm qua, tôi đã sống lận đận, quay cuồng với “cơm, áo, gạo, tiền” – chỉ với bốn chữ ấy, mà đời tôi nẩy sinh biết bao khổ đau không ngờ…
- Sao anh hút thuốc nhiều vậy ?
Tôi như chợt tỉnh, nhìn nàng, cười:
- Có bao giờ anh nghĩ là sẽ được ngồi lại bên em để hút thuốc đâu? Em thông cảm cho anh…
- Anh không sợ chết sớm sao? – Nàng lấy tay che miệng, cười rất thoải mái; nỗi lạ lẫm, hoang mang đang dần tan biến.
- Đã trên năm mươi, gần sáu mươi rồi, chết lúc nào mà chẳng được! Sống với chết đâu có gì khác, em? Đó chỉ là một sự thay đổi thôi mà !
- Có chứ! Như chúng ta sẽ không được gặp nhau như hôm nay chẳng hạn… nếu anh hay em chết đi!
- Mà chúng ta đã gặp rồi còn sợ gì nữa đâu? Có duyên là sẽ gặp!
Đào bỗng nhìn tôi giây lâu, giọng khô ráo, chậm rãi:
- Cho phép em hỏi anh một câu, nhé?
- Em hỏi anh mười câu, anh cũng trả lời đàng hoàng, huống chi một câu… Anh đang ao ước được nói chuyện đây mà- Tôi cười lớn- Bây giờ chúng ta chẳng có gì để giấu diếm cả!
- Vậy xưa nay, anh đã sống như thế nào? – Giọng Đào to, rõ.
- Thì anh vẫn sống như em thấy…
- Ý em muốn hỏi, anh sống có hạnh phúc không?
- Điều này không phải anh trả lời cho em, mà chính Giang đã trả lời: “Nàng luôn kêu ca, luôn nguyền rủa, xa lánh, đòi ly hôn với anh…”, thì còn chút gì hạnh phúc?
-Sao kỳ vậy? – Đào rất đỗi ngạc nhiên. Anh đã yêu thương chị ấy như thế kia mà?
-Tình yêu thật chẳng ăn nhập gì với cuộc sống. Có tình yêu, mà … ít tiền quá, thì làm sao? – Tôi lại cười.
-Thì anh phải gắng làm cho có tiền…
- Mấy chục năm nay, anh đã vắt kiệt sức để làm, nhưng làm “thợ”, giỏi lắm cũng chỉ đủ sống qua ngày, chứ có phải làm giám đốc đâu? Mà Giang thì cần nhiều thứ quá!
Im lặng một lát, tôi nói như nói vào khoảng không trước mặt mình:
-Thực ra là Giang không hề có lỗi gì cả, chỉ vì anh dở quá… anh biết làm sao hơn được đây? –
Tôi thở dài, hít một hơi thuốc. Tâm người là vô thường, biết đâu mà dò khi đã điên đảo… Người không hề biết đủ. thì dù có bỏ người này, theo một người khác nào đó, cả đời vẫn không hạnh phúc…
-Theo em nghĩ, chị Giang phải là người hạnh phúc nhất…
- Em nghĩ vậy, nhiều người cũng nghĩ như vậy nhưng ngặt nỗi, Giang đã nghĩ ngược lại…
Đào bỗng cầm lấy tay tôi, nhìn vào mắt tôi, giọng nàng tha thiết buồn:
-Điều mà chị ấy không cần, thì đời em đang rất cần. Cuộc đời thật trớ trêu, thật phũ phàng phải không anh? Đôi mắt nàng thẳm sâu và ươn ướt.
-Tất cả chúng ta đều không thể ngờ rằng, cuộc đời ba mươi năm sau sẽ như vậy, có đúng không?
Tôi hôn nhẹ lên lòng bàn tay khô sạm nhưng vô cùng ấm áp của nàng; thầm nghĩ : “Đời mình vẫn còn có một nơi để nghĩ đến…”
- Sao anh lại bỏ đi vậy? –Đào khẽ rút bàn tay lại, đặt lên gối – hỏi.
- Mỗi lần ra đi, là mỗi lần anh chấp nhận mình thua cuộc! Anh đã ra đi, mỗi năm có khi ba, bốn bận… Khi không thể nào chịu đựng nổi sự dày vò, khổ đau là anh xách túi ra đi, bất kể ban ngày hay ban đêm, không biết là sẽ đi đâu, miễn là không còn nghe thấy tiếng Giang nữa… Anh đã sống như thế, hơn hai mươi năm nay, mà anh vẫn còn sống… Sống mà chẳng làm được gì cho đời mình, cho gia đình, cho xã hội; thà chết đi còn khỏe hơn, phải không em?
Bãi biển về đêm đã thưa dần người ngồi hóng gió ở bãi cát, nhưng các dãy quán lại vẫn còn đông, còn ồn ào tiếng cười nói bên những chai bia, lon bia bày la liệt từ dưới sàn lên đến mặt bàn. Ngày nay, dường như người ta chỉ có hai việc để làm: Cắm cổ làm bằng mọi cách để có thật nhiều tiền, và vùi đầu vào các cuộc vui hưởng thụ. Tôi nói với Đào ý nghĩ vừa thoáng đến trong đầu- Đào cầm tay tôi, đi nép vào người tôi- thì thầm: “Nếu chỉ có vậy thì vô vị quá phải không anh?”.
- Dĩ nhiên là cuộc đời không chỉ có vậy…
Chúng tôi ghé vào một quán “Cơm bình dân”, Đào gọi hai dĩa cơm. Tôi gọi thêm: “Cháu cho chú hai ly đá và một chai bia Sài Gòn”.
Tôi nói với Đào:
- Chúng ta cần phải “ăn mừng” lần tái ngộ này! Anh và em cũng cần uống một tý rượu…
Đào mở xách tay lấy xâu chìa khóa trao cho tôi, dặn:
- Anh về trông nhà hộ em, em phải ở lại bệnh viện với mẹ…
Tháng 7/2002