Ngôi nhà nép dưới tàn lá cây rậm. Những chiếc lá thật to màu xanh đậm phủ lên cánh hoa màu tím nhạt. Và dưới tàn cây đó là chiếc ghế đá thật quen thuộc với tôi. Hai cánh cửa lớn thường được mở toang ra một cánh, thoáng mát và còn lờ mờ nét chữ viết bằng phấn trắng mà tôi đã tinh nghịch kẻ lên: “ Tại đây có bán một người khó tính!” vẫn còn đó, chỉ có khác một chút là lớp bụi màu xám đã phủ lên. Ngôi nhà vẫn còn đấy những nét quen thuộc. Đã sáu năm trời tôi không trở lại đó. Thoáng kỷ niệm chợt đến ngập ngừng dừng lại rồi đi qua thật nhanh như chú chim non một hôm trở về ngang qua tổ cũ, khẽ dừng lại rồi tiếp tục bay đi. Thời gian đó đủ để quên được những điều khó quên. Nhất là tình yêu, sáu năm trôi qua, tôi đã tốt nghiệp Đại học, về nơi phân công tác… Đối với mọi người, một thiếu nữ 27 tuổi, đảng viên, phó phòng tổ chức, lại xinh đẹp… vậy mà vẫn “chưa có gì” thì thật là lạ. Mọi người trong cơ quan bảo nhau: “ Hoa khôi của cơ quan mình đó. Nhưng… chẳng dễ gì chạm vào đâu. Kiêu lắm!” và còn khối những lời bàn tán không hay. Nhưng tôi vẫn một mực im lặng. Thành thử rồi mọi chuyện rồi cũng qua. Mọi chuyện rồi cũng quen dần. Và ít có người dám “đẩy đưa” với tôi những câu trêu đùa đầy hậu ý- ngay cả tay trưởng phòng nổi tiếng hào hoa với mấy cô nhân viên nữ cũng chỉ dám gật đầu chào tôi mỗi buổi sáng gặp nhau ở cổng cơ quan.
Thật sự, có những người sau khi chia tay với mối tình đầu, người ta thường có ngay mối tình thứ hai, thứ ba… nhưng cũng có những người mà khi chia tay với tình cảm đẹp đẽ đấy, người ta không thể yêu ai được nữa. Đó là trường hợp của tôi.
*
“ Yaourt ngon nhất” - chữ “ ngon” được viết bằng phấn đỏ với một kiểu chữ gô-tích thật đẹp. Tấm bảng ấy chợt đập vào mắt tôi và lũ bạn. Ừ! Cứ cho là Yaourt ngon thật đi, nhưng ai lại phô ra là ngon nhất nhỉ? Và lại còn kẻ bằng phấn đỏ. Như bị kích thích tính tò mò, tôi và lũ bạn ghé vào ngôi nhà ấy. Ngôi nhà có khoảng sân trước rất hẹp, vừa đủ cho chiếc bàn đá và mấy chiếc ghế con con. Phía trên được che khuất bởi vòm lá xanh thẩm có điểm vài nụ hoa tím, tạo thành một khoảng trống xanh mát. Nhỏ Hằng nhận xét ngay:
- Đúng là “ bồng lai tiên cảnh” đây rồi!
Chúng tôi cười phá lên. Một cái đầu rối bù và cặp mắt còn chưa hết vẻ ngái ngủ hiện ra. Đó là một thanh niên gầy ốm có nước da trắng xanh, một màu trắng yếu ớt “nước da của con gái cấm cung” - như nhỏ Hằng nhận xét. Anh chàng ngượng ngập hỏi chúng tôi cần gì rồi quay vào nhà. Bích giở giọng kịch sĩ của nó ra:
- Than ôi! Chúng ta đang lạc vào thế kỷ 18. Anh chàng này mang dáng dấp của Hămlet. Bất hạnh thay cho con bé nào là người yêu của anh chàng nầy!
Anh mang ra những lọ yaourt mát lạnh. Lúc anh quay vào, tôi gọi giật lại:
- Nè! Anh ấy ơi cho hỏi chút xíu.
Ngạc nhiên, anh quay lại. Tôi chỉ nhỏ Hằng:
- Bạn tôi muốn hỏi anh một điều… hình như anh có họ gần với nhân vật Hămlet của Sếchpia phải không a!
Anh thoáng đỏ mặt đi vào nhà. Lũ chúng tôi lại được một dịp cười thoả thích. Lúc đó,chị Thuỷ ngồi im. Khi bị chất vấn về sự im lặng đó, chị Thuỷ chậm rãi đáp:
- Tụi bây ác khẩu! Chỉ có “chú em” của ta là trị được tụi bây thôi! Tiếc là không có nó ở đây.
Chị Thuỷ chỉ lớn hơn chúng tôi khoảng năm hay sáu tuổi chi đó, nhưng chúng tôi thường nghe theo lời chị, coi chị là người giàu kinh nghiệm nhất trong những chuyện tình ái lăng nhăng. “Chú em” mà chị vừa nhắc đến là Dũng. Dũng học trên chúng tôi một lớp. Dũng theo đuổi tôi ngay từ hôm mới vào trường và chăm sóc tôi như một người yêu thực thụ. Nhưng tôi cảm thấy được rằng, hình như có một cái gì đó ngăn cách giữa tôi và Dũng, một điều khó nói thành lời. Đẹp trai, học giỏi, con nhà giàu, lại thêm cái khoản lý lịch đủ ăn đứt những người đồng trang lứa – bố anh đứng ở chức vụ gì đó tương đương với thứ trưởng – nhưng tất cả những điều đó ở Dũng chẳng hề ảnh hưởng tới tôi chút nào. Có lần, anh bảo tôi: “Hương thật lạ lùng, cứ như phiến đá trơn tuột chẳng có gì bám được ngoài rong rêu, mà cũng chẳng giữ lại gì nữa”. Tôi cười nhạo: “thế ra anh là rong rêu?”, Dũng đỏ mặt. Dũng mời đi chơi, tôi nhận lời. Dũng mời đi pícníc, tôi nhận lời. Dũng tặng quà, tôi không thể từ chối… Tất cả những chăm sóc, những tín hiệu màu xanh mà Dũng bắn đi, tôi tảng lờ như không biết gì. Ở giảng đường, trên sân khấu, ngoài đường phố… đều có Dũng bên tôi. Nhưng trong trái tim tôi chưa bao giờ có Dũng cả. Có lần, tôi định nói thẳng với Dũng điều đó, nhưng lần nào tôi định cất tiếng nói là Dũng ngăn lại: “Anh biết Hương sắp nói gì rồi, Hương đừng nói nữa mà anh có yêu cầu gì Hương đâu…”. Thật vậy, Dũng chưa bao giờ tỏ tình với tôi. Lũ bạn chê tôi ngu và bảo rằng Dũng áp dụng chiến thuật “trường kỳ mai phục” đợi thời cơ “tổng phản công”. Cuộc sống cứ thế trôi qua, nếu như không có cái buổi chiều dự lễ tổng kết 10 năm hoạt động Thanh niên xung phong được trường tôi cho mượn hội trường tổ chức.
Lũ bạn tôi đứa nào cũng “ớn” cái “món diễn văn phát biểu” nhưng nghe đồn là có phần phụ là chương trình thơ nhạc nên kéo nhau đi. Thật bất ngờ, người thanh niên “có họ với Hăm lét” lại đọc báo cáo. Anh trình bày sinh động, tự tin. Đến lúc đó, chúng tôi mới hiểu vì sao da anh trắng xanh. Phần kết, anh đọc một bài thơ và chị Thuỷ đi nhanh lên sân khấu để tặng hoa, chúng tôi làm ầm ĩ về sự kiện nầy. Chị Thuỷ cười nhẹ – Chị trẻ lại ba bốn tuổi. Người thanh niên ấy tên là Đại. Chị Thuỷ giới thiệu Đại với chúng tôi. Rồi họ cùng đi. Lũ chúng tôi kháo nhau rằng chẳng biết họ yêu nhau từ lúc nào mà thân thiết vậy. Nhưng tôi thì chẳng để ý gì đến điều đó, bởi tôi nghĩ: “Tay này chắc gì học hết lớp 12, như thế thì đâu có đáng gì để mình nghĩ tới…”. Đã từ lâu tôi có suy nghĩ thật đơn giản. Những người gia nhập thanh niên xung phong thường là những người kém văn hoá, chẳng có nghề ngỗng gì… vì nếu có nghề nghiệp đàng hoàng thì ai dại gì lao vào đó cho cực thân?
Nhưng tôi cũng không thể chịu nỗi khi chị Thuỷ là “bồ” của anh. Bởi lẽ ở chị Thuỷ không có nét gì đặc sắc cả. Tôi cho rằng chị không đủ tiêu chuẩn để có một người yêu như Đại – mặc dù tôi cũng chê cả Đại. Nỗi khó chịu đó càng tăng lên khi tối đến nghe chị Thuỷ “ca” về những đức tính hiếm có của Đại, nào là thông minh, dũng cảm… Bây giờ, buổi sáng đi học chị Thuỷ trang điểm đã gần nửa tiếng. Một điều hoàn toàn trái ngược trước khi có Đại. Tối đến, chị thoa mặt bằng một loại kem đắt tiền mà tôi biết rằng chị đã nhịn ăn sáng để mua. Và đáng ghét nhất là chị còn hát khe khẽ khi học bài. Giọng hát chua như dấm – nhưng tôi biết được đó là giọng hát của người đang yêu.
Hôm ấy, thư viện quốc gia thật đông người, mà hình như chủ nhật nào cũng vậy, tôi ngồi xuống dãy ghế chỉ toàn con trai. Họ nhìn tôi chăm chăm. Nhưng tôi vẫn bình tĩnh viết. Tôi đã quen với việc đám con trai nhìn mình vì tôi biết rằng mình đẹp. Khi tình cờ ngước mắt lên, tôi nhận ra Đại đang ngồi đối diện. Ồ! Anh chàng này vào thư viện quốc gia để làm gì nhỉ. Tôi phải phá chị Thuỷ mới được. Chỉ có phá chị Thuỷ, tôi mới chứng minh ưu thế tuyệt đối của mình đối với những người cùng giới và khác giới. Tôi sửa lại tóc, giả vờ như tháo viết ra rồi hướng về phía Đại, tôi nói nhỏ:
Anh làm ơn cho mượn cây viết bỏ không đó một tí, viết của tôi…
Đại ngẩng lên chợt nhận ra tôi, anh khẽ gật đầu chào, đưa cho tôi cây viết rồi lại cúi xuống đọc sách. Đám thanh niên nhìn Đại bằng cặp mắt ghen tị, nhưng anh chẳng hề quan tâm gì khác ngoài quyển sách đang đọc. Buổi trưa, mọi người ra về cả. Trong bàn chỉ còn tôi và Đại. Tôi trả cây viết, buông hai tiếng cảm ơn thật to. Anh chỉ khẽ gật đầu không nhìn lên và lại tiếp tục ghi chép. Tôi bắt đầu tấn công:
Xin lỗi! Anh học gì mà say mê vậy?
Tôi… học toán.
Tôi cười mĩa mai:
Dạ. Chắc anh thi tốt nghiệp đại học…
Đại vẫn chẳng hay biết gì:
- Không. Tôi thi đại học.
Xì. Vậy mà cũng bày đặt làm tàng. Nhìn chồng sách bày ra trên bàn mới ghê chứ. Toán học cao cấp, cách tính hàm đơn giản và cả một quyển gì đó bằng tiếng nước ngoài dày cộm. Tưởng ghê lắm, ai dè chỉ mới phổ thông…
Anh học trường nào vậy?
Không ở trường nào hết.
Tôi ngạc nhiên:
- Sao kỳ vậy?
Anh ngước lên nhìn tôi:
- Tôi vừa ở thanh niên xung phong về…
Chúng tôi cứ trò chuyện như thế: Câu hỏi buông cộc lốc và câu trả lời cũng chẳng kém. Tôi trổ tài châm chọc nhưng hình như chẳng làm xước da được địch thủ. Anh như được “miễn dịch”, vẫn không nhìn lên. Tức thật, thế là tôi bèn lì lợm mời anh xuống căn tin. Anh ngước nhìn tôi một chốc dường như để đánh giá lời mời rồi xếp chồng sách lại. Tôi cười. Ít ra thì cũng thế chứ. Dù sao tôi vẫn chiếm ưu thế. Sau lần gặp gỡ đó, Đại thường hay đến lớp chúng tôi hơn: Anh nói chuyện thân mật với nhóm bạn chúng tôi, nhưng bằng giác quan đặc biệt của con gái, tôi biết rằng anh đang chú ý đến ai. Tụi bạn chúng tôi cũng nhận ra được điều đó. Chị Thuỷ đã hết ca hát khe khẽ khi đọc bài, im lặng như trước kia. Tôi cũng chẳng còn thấy chị dùng kem thoa mặt. Bạn bè tôi nhìn tôi bằng ánh mắt trách móc nhưng chẳng đứa nào có ý kiến gì. Thật sự chẳng ai có thể trách móc được gì tôi, bởi trước kia chưa bao giờ tôi nói yêu Dũng. Như thế có nghĩa là tôi chưa hề yêu và bây giờ tôi có quyền yêu lắm chứ, nếu như tôi gặp một người thật sự là “ người mẫu” của mình.
Đại đến với tôi tự nhiên như tự bao giờ chúng tôi đã là của nhau. Còn tôi yêu Đại như người dự thi chạy ngược đường đua. Trước đó, tôi đùa bỡn bằng tất cả những khả năng mình có thể làm được. Bây giờ, tôi lại yêu anh bằng tất cả những điều mà tôi hiểu được ở anh. Những nông nổi ngày xưa đã bay đi đâu mất. Càng ngày tôi càng khám phá ra ở Đại những điều tưởng như là chuẩn mực của cái đẹp trong tâm hồn. Thỉnh thoảng, có một thoáng nào đó ở sâu thẳm trong tôi cho biết mình đã có hành động không đúng với chị Thuỷ. Nhưng điều đó chỉ là thoáng qua, mà những phút thoáng qua nào có ảnh hưởng gì đến tôi- nhất là trong lúc người ta đang bắt gặp tình yêu đến với mình. Mỗi chiều thứ bảy, Đại đạp chiếc xe đạp cà tàng đến đón tôi đi chơi, và tôi cũng chẳng hề cảm thấy ngượng ngùng vì điều đó. Mọi người trong Ký túc xá bắt đầu xì xào bàn tán rằng sao tôi ngu ngốc yêu chi một gã nghèo kiết, tầm thường đến thế. Tôi chỉ cười như không hề không nghe thấy điều gì. Đại luôn luôn đến đúng hẹn, mặc dầu anh chẳng bao giờ tới sớm. Nếu như trước kia với Dũng, tôi nằm khểnh ra giường đọc sách đợi đến thật gần giờ hẹn, tôi mới rề rà trang điểm và chậm rãi đi ra cổng thì bây giờ tôi trang điểm thật sớm, ra ngồi đợi ngoài cổng. Mỗi lần sắp đến giờ hẹn mà chưa thấy Đại đến là tôi bồn chồn, bực tức và tâm hồn đầy xáo động. Nhỏ Thuý hay đùa: “Thiệt đúng là oái ăm, trước kia nó cho gã Dũng đợi mòn cả đế giày thì bây giờ nó đợi lão Đại cũng đúng như thế”. Con Huỳnh thì cười: “ Hay nó ăn phải bùa mê của thằng cha cù lần nầy rồi”. Tôi cười trừ, chịu đựng, hạnh phúc. Khi tiếng tăm tôi yêu Đại vang đến tai Dũng thì Dũng chẳng hề có phản ứng gì. Một tối, gặp tôi ở lớp ngoại ngữ, anh hỏi: “… có thật như người ta nói…”. Tôi gật đầu, Dũng im lặng. Một lúc sau, anh đột ngột hỏi tôi: “ Hương có vui không?”, tôi cười lúc lắc mái tóc: “Anh nhìn vào mắt Hương thì biết”. Dũng cũng cười nhưng tôi có cảm tưởng như đó là một cái mếu thì đúng hơn. Rồi anh vắng mặt ở giảng đường suốt mấy tuần lễ và sau đó xuất hiện trở lại, hoàn toàn tươi tỉnh bảo rằng vừa đi nghỉ ở Đà Lạt về. Tôi cũng chẳng hề quan tâm tới điều đó, chính vì tôi đang có Đại bên mình. Bây giờ mỗi nơi tôi đến đều có Đại và mỗi nơi Đại qua đều có tôi. Ngày Đại thi đỗ đại học, tôi mừng còn hơn chính mình vừa thi đỗ. Bây giờ, thì sẽ không còn ai có thể thắc mắc về sự chênh lệch trình độ giữa tôi và Đại. Dĩ nhiên, Đại chẳng bao giờ biết được điều nầy.
“Mầy yêu như trong tiểu thuyết”- mấy đứa bạn tôi bảo vậy. Năm cuối cùng của Đại học cũng đã đến. Chưa gì mà tôi đã nghĩ ngay đến một khung cảnh êm ấm. Một căn nhà nhỏ có thể thiếu vài tiện nghi, nhưng chúng tôi được ở bên nhau. Tôi sẽ về công tác ở Viện khoa học Xã hội, còn Đại sẽ học thêm để bảo vệ luận án phó tiến sĩ. Tôi sẽ sinh cho Đại những đứa con thật ngoan, thật xinh đẹp để chúng có thể tiếp tục khả năng toán học của anh. Tôi mơ ước sẽ có ngày người ta nhắc đến đôi vợ chồng nhà khoa học trẻ tuổi. Đó là tôi và Đại. Năm cuối cùng mở ra cho tôi thật nhiều mơ ước. Tôi hay ngồi ngẫm nghĩ thêu dệt đủ thứ chuyện về ngày ra trường của chúng tôi. Rồi một đám cưới nho nhỏ sẽ diễn ra, không có nhẫn cưới cũng được, chúng tôi cùng nghèo mà. Tôi sẽ mặc áo choàng trắng, Đại sẽ vận bộ đồ vét có điểm một đoá hồng…
Chẳng nghe Đại có ý kiến gì đến chuyện cưới xin, tôi giục anh. Đại gạt đi: “Ôi dào, gấp gáp gì, mình còn mấy tháng nữa mới ra trường kia mà. Mấy tháng cuối cùng rồi cũng trôi qua. Tôi vẫn chẳng nghe Đại nhắc nhở gì đến chuyện cưới xin, tôi đâm ra lo lắng. Cuối cùng, tôi đã hỏi thẳng anh. Đại do dự rất lâu. Tôi mơ hồ cảm thấy có chuyện không hay sắp đến với mình. Anh dìu tôi đi dọc hành lang vắng người rồi đột ngột cất tiếng. Anh ngập ngừng bảo tôi rằng tôi hãy thông cảm cho anh, khoan nghĩ đến chuyện cưới xin. Tôi trả lời rằng tôi cần gì một đám cưới linh đình đâu. Quanh co mãi, anh mới nói ra rằng anh là con trai độc nhất trong gia đình, rằng mẹ anh đã già yếu, mẹ anh đã nuôi anh ăn học từ nhỏ, anh không muốn làm mẹ buồn, rằng anh phải rảnh rang để bảo vệ luận án phó tiến sĩ. Tôi đáp rằng tôi cũng đã nghĩ đến chuyện đó và sẽ giúp anh. Lúc đó, anh im lặng rất lâu, tưởng chừng như chẳng còn gì để nói. Tôi tưởng như mọi chuyện sẽ chẳng có gì ghê gớm lắm. Nhưng đúng lúc đó, Đại nói toạc ra rằng mẹ anh muốn anh cưới con gái một vụ trưởng nào đó mà gia đình quen biết, rằng anh có thể tiến xa hơn ở nước ngoài, rằng anh… Tôi chẳng còn nghe kịp điều gì nữa. Đầu óc tôi ong ong như sắp vỡ. Cái thai trong bụng tôi đã hơn ba tháng. Tất cả đã rối tung lên. Cái thai thì dễ dàng giải quyết ở bệnh viện – bây giờ người ta không đặt nặng vấn đề đạo đức nữa. Tôi không hề quan tâm đến việc Đại bỏ tôi, điều đó cũng như chuyện một cô gái ngây thơ gặp một thằng sở khanh vậy thôi. Nhưng cái nhức nhối hành hạ tôi đó là con đường tiến thoái của Đại. Lâu nay tôi chẳng hề nhận ra điều đó. Đại quay ngoắt đi 180 độ nhanh như chong chóng xoay để đến khi tôi kịp nhận ra điều đó là đã muộn. Tôi băn khoăn tự hỏi không biết những năm tháng thanh niên xung phong của anh đã mất đi từ lúc nào? Cả một thời gian khổ, chẳng lẽ bây giờ không để lại gì? Rồi cả một vẻ ngoài đơn giản thật thà chẳng cần gì đến vật chất. Sao tôi lại có thể nhầm lẫn đến thế nhỉ? Tôi chẳng thể nào tự giải thích được.
Tất nhiên, Đại năn nỉ tôi đừng làm rùm beng lên, vì một vụ “xìcangdan” như vậy chắc chắn sẽ làm tiêu tan hy vọng cưới con gái ông vụ trưởng và cả việc đi học nước ngoài với những nấc thang danh vọng. Tôi đứng dậy bỏ đi. Có một cái gì đó đang vỡ vụn trong tôi. Tất cả đều như bẹp dí dưới chân tôi…
*
Bên ngoài có tiếng xe lam nổ máy. Có lẽ trời đã gần sáng. Cô gái ngồi bên tôi im lặng. Tôi nhìn đăm đăm vào mắt chị như muốn phát hiện ra điều gì mới mẽ. Mãi một lúc sau, tôi mới nói được thành lời:
thế còn Dũng…
Hôm Đại cưới vợ, Dũng biết và tìm đến tôi an ủi. Tôi đã nói với Dũng tất cả, kể cả cái thai trong bụng của mình. Anh vẫn còn yêu tôi như cũ và hứa sẽ chu toàn cho tôi. Thế nhưng… sau một cú sốc như thế, tôi chẳng còn lòng nào mà nghĩ đến chuyện gì khác và điều chủ yếu là tôi không yêu Dũng.
Chị định đứng dậy. Nhưng tôi vẫn còn thắc mắc muốn hỏi thêm. Như đoán được ý tôi, chị hỏi:
Chắc anh định hỏi về chị Thuỷ
Vâng.
Chị Thuỷ may mắn hơn tôi, ra trường được hai năm, chị lập gia đình với một người cùng cơ quan.
Tôi hỏi lại:
Bây giờ chị đã hiểu lý do vì sao Đại làm như thế chưa?
Cô gái cụp mắt xuống. Im lặng thật lâu. Tôi chỉ còn nghe được hơi thở đều đều của chị. Hương không nói nhưng tôi đoán ra được chị đang nghĩ điều gì. Cô gái đứng dậy đến bên cửa sổ nhìn ra ngoài. Trời đã rạng sáng. Đám công nhân trẻ sắp vào làm ca mới đây. Tôi phải ngủ một giấc thật dài mới được, đêm qua tôi đã thức suốt. Bóng Hương in trên khung cửa sổ thật đậm nét, ngả thành vệt dài xuống nền đá hoa của phòng bảo vệ. Tôi ngắm Hương thật lâu, rồi nhủ thầm : “ … Chị ấy vẫn còn trẻ…”