Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.127
123.140.170
 
Quà Trung thu của ba
Mang Viên Long

Mẹ tôi mất sớm, hai chị em tôi sống với ba. Sau khi sinh đứa em trai tôi được ba tuổi thì mẹ tôi mất. Bà ra đi nhẹ nhàng và nhanh chóng đến nỗi ai đến thăm cũng sửng sốt. Chị em tôi ngạc nhiên đến bàng hoàng khi lay gọi mẹ đến chục lần, nhưng đôi mắt bà vẫn khép kín, im lìm như đang ngủ say. Đời người rồi ai ai cũng sẽ có giấc ngủ cuối cùng, ngàn năm vĩnh viễn như thế sao?

 

Ba tôi im lặng, lầm lũi, cẩn trọng lo chu toàn mọi việc để tiễn mẹ tôi, giọng lạnh lùng, buồn buồn : “Ba không ngờ mẹ con đã từ giã cha con mình sớm như thế!”.

 

Những tháng năm sau này, ba tôi đã dành nhiều thời gian gần gũi chị em tôi nhiều hơn – nhất là cu An. Muốn được vậy, ông phải thu xếp việc trồng hoa ngay từ sáng sớm lúc hai chị em tôi còn mơ ngủ. Khi thức dậy, bao giờ tôi cũng nhìn thấy gương mặt ba tươi cười, vén mùng, đùa cợt: “Con gái gì ngủ dậy trễ thế? – Còn thằng kia, ngủ nướng thêm nữa à ? Chị em dậy ăn sáng, ba chở đến  trường, trễ học rồi kìa…”.

 

Ba tôi có một chiếc xe gắn máy cũ kỹ – hiệu Gobel, làm thêm chiếc “rờ-moọc” để kéo theo phía sau. Hằng ngày ông chỉ chạy hai chuyến : buổi sáng chở bạn hàng lên thị trấn mua bán, buổi chiều chở về… Lúc mẹ tôi còn, thỉnh thoảng trong thôn có gia đình cần xe chở vật gì, ông đều sốt sắng nhận. Ông nói với tôi : “Con giúp mẹ trông em, ba chạy chuyến này kiếm thêm tiền cho mẹ con đi chợ…”. Từ ngày mẹ tôi mất, ông luôn từ chối các chuyến xe bất ngờ như vậy, để được gần chị em tôi. Lần đầu, khi nghe ba tôi khước từ chạy xe chở hàng cho khách, tôi ngạc nhiên hỏi : “Sao ba không nhận chạy thêm để kiếm tiền đi chợ?” – Ba tôi cười, giọng vui vẻ : “Bỏ mất dịp làm thêm kiếm tiền cũng tiếc, nhưng bỏ hai chị em con ở nhà một mình lại đáng tiếc hơn!”.

 

Ngày nào cũng thế, ba chở hai chị em tôi trên chiếc “rờ-moọc” hoen rỉ, cũ kỹ ấy đến trường. Tôi đã lên lớp Năm, còn em An thì vừa vào lớp Một. Hai chị em học cùng trường, nên ngoài việc học, tôi còn phải trông nom, hướng dẫn cho em. Cũng rất may, cu An thông minh, dạn dĩ, hoạt bát nên được cô giáo rất thương, còn đám bạn ngỗ nghịch không dám ăn hiếp ! Nghe tôi kể chuyện về em ở trường, lần nào ba tôi cũng nói : “Mẹ con phải sống chờ nó đến ba tuổi mới ra đi, còn Phật Trời thì trợ giúp cho nó được như vậy để đỡ buồn tủi!”.

 

Kỷ niệm của chị em tôi với ba mà tôi nhớ nhiều nhất có lẽ là những dịp vào ngày Tết Trung thu. Trước Trung thu gần một tuần, tôi trông thấy ba đã lo chẻ tre, vót nan, làm sẵn sườn hai chiếc lồng đèn : một chiếc kiểu ngôi sao, một chiếc hình trái ấu. Sau đó mấy ngày liền, hễ xong việc vườn tược, tưới hoa, cắt hoa giao cho bạn hàng là ba tôi cặm cụi cắt dán giấy màu… Mỗi ngày, ba đều thêm vào hai chiếc lồng đèn nhiều kiểu trang trí, nhiều chi tiết rất đẹp mắt.

 

Xế chiều ngày 14, ba chở chị em tôi – cũng trên chiếc “rờ-moọc” cũ kỹ ấy, về thăm bà ngoại. Như đã hẹn trước, chiều hôm ấy, chị em tôi được bà đãi cho một bữa ăn rất ngon, có cả chè xôi, trái cây rất hấp dẫn. Buổi tối, hai chị em tôi thắp sáng lồng đèn, hãnh diện theo bà lên chùa lễ Phật. Lũ trẻ trong xóm cũng kéo theo chị em tôi về chùa rất đông. Trăng trong, gió mát, cảnh vật trải dài trong mắt tôi một màu vàng êm đềm. Màu vàng êm đềm và tĩnh lặng ấy, sau này cứ ám ảnh, réo gọi tôi – kể cả trong những giấc mơ…

 

Chùa làng quê vào những ngày rằm, nhất là rằm tháng Bảy và tháng Tám, mọi người lũ lượt  về chùa rất đông. Chánh điện chật hẹp, nhiều người phải trải chiếu lễ lạy từ ngoài sân. Dưới ánh trăng thu trong sáng, êm ái, tĩnh lặng ấy ; mọi người thành kính đọc kinh, niệm Phật – làm cho chúng tôi không dám hó hé, mở to đôi mắt ngạc nhiên mà nhìn… Cảnh tượng an bình, hạnh phúc ấy của những mùa trăng thu đã khắc sâu vào tâm khảm tôi, theo tôi lớn lên từng năm tháng…

 

Chị em tôi ở lại chơi với bà ngoại đêm hôm ấy – bà  cháu  trải  chiếu  ngoài hiên  trò chuyện  đến khuya Càng về khuya, trăng càng sáng tỏ. Tôi cứ ngỡ là được chơi giữa ban ngày dịu nắng. Cu An thắp hết mấy cây đèn sáp mang theo, nằm nghe bà ngoại kể chuyện “Phạm Công Cúc Hoa” chưa đến hồi kết thúc đã ngủ say.

 

Khi tôi đã được lên cấp ba, vào dịp Trung thu, ba tôi không còn làm lồng đèn cho tôi nữa. Cu An nhìn thấy chỉ có sườn một chiếc lồng đèn ngôi sao treo ở góc hiên, nó hỏi: “Sao ba không làm lồng đèn cho chị My?”.

 

Ba cười :

- My lớn rồi, không cầm đèn đi dạo như trước được, ba sẽ có món quà khác !

- Quà gì vậy ba ? – Cu An tò mò.

- Bí mật. Rồi hai chị em con sẽ biết.

 

Tôi không dám hỏi ba, nhưng trong lòng thì hồi hộp lắm. Mấy ngày ghé mắt theo dõi, tôi chẳng hề thấy ba tôi làm gì cả, ngoài việc trang trí chiếc lồng đèn cho cu An. Có lẽ ba chỉ làm lúc tôi đi ngủ chẳng ?

 

Chiều 14 năm ấy, lúc chị em tôi đã lên ngồi yên trên chiếc “rờ-moọc” sau xe, ba tôi mang ra một chiếc hộp hình chữ nhật, dán kín, sáu mặt hộp đều có trang trí giấy màu rất đẹp. Ba dặn : “Đây là quà của My, má con vừa gửi đến, nhưng phải đợi đến nhà bà ngoại mới được mở hộp ra nhé !”. Tôi sung sướng đón chiếc hộp, nhìn ba với đôi mắt thầm biết ơn…

 

Khỏi phải nói, tôi và cả cu An đã nóng lòng mong được đến nhà bà ngoại sớm như thế nào. Nhưng chiếc xe Gobel ngày càng cũ, càng chạy chậm hơn. Chưa bao giờ tôi cảm thấy chiếc xe chạy chậm quá như thế. Cu An cũng có cùng tâm trạng náo nức như tôi, nó nói : “Chị My cho em coi quà của chị với nhé!”. Tôi gật đầu, cười sung sướng.

 

Việc gì đến sẽ phải đến, đã trông thấy rõ chiếc cổng vôi sơn vàng của nhà ngoại kia rồi. Chờ xe chạy qua ngõ, dừng lại, hai chị em tôi chạy ùa vào nhà bà, quên cả việc chào hỏi, cười vui với bà như các bận trước. Tôi ngồi bệt xuống thềm hiên, cẩn thận khui mở nắp hộp ra. Tôi lôi ra từng món một đặt ngay trên thềm: chiếc nơ kẹp tóc màu hồng, chiếc vòng giả ngọc màu xanh, cây bút máy hiệu Diamond, bốn bì bánh chocolate, một gọi kẹo…

 

Năm đầu tiên tôi phải xa gia đình để theo học Trường Đại học Y Dược- khoa Dược ở Sài Gòn ; Trung thu năm ấy ba tôi gửi cho tôi một phong thư lớn – trong ấy là một bài thơ , đề :”Tặng con gái thương yêu của ba”; viết trên khổ giấy lớn, được trang trí tỉ mỉ, công phu: “Quà Trung thu cho con”. Bài thơ thật chân tình, cảm động. Quà Trung thu cho tôi không là lồng đèn, bánh kẹo, mà ấy là trăng – một ánh trăng quê dịu hiền, một thứ “tình thắm thiết” - của trăng vàng và của cả quê hương !”.

 

Vừa tròn tuổi năm mươi nhưng ba tôi đã gầy yếu. Ông bị bệnh rối loạn trung khu tiền đình. Vài năm sau này, ông thường xuyên bị choáng, buồn nôn – kéo dài khoảng năm mười phút. Người thân, bạn bè đến nhà thăm chơi, thường nhắc ông hãy “bước thêm bước nữa” để có người chăm sóc, đỡ đần công việc. Ông chỉ cười : “Đời người, đã lỡ bước một bước là đã khổ rồi. Sao lại bước thêm bước nữa làm gì ?”. Nghe lời tâm sự của ông, tôi cảm thấy lòng mình trào dâng niềm thương kính vô bờ. Tôi đã dần dần hiểu được ba đã dành tình thương yêu cho hai chị em tôi, mà phải chịu cô độc, vất vả. Ba tôi thường nói với bạn bè: “Cuộc đời tôi bây giờ chỉ còn lại hai đứa con…”.

 

Một buổi chiều cuối Xuân, sau khi đã chở đám bạn hàng từ thị trấn về, ông chạy xe vào ngõ, bỗng cảm thấy chuếch choáng. Đã quá quen với bệnh tình của mình, ông gắng gượng, lảo đảo bước vào nhà định tìm thuốc uống. Đến bậc hiên ông ngồi xuống, cơn buồn nôn kéo đến dữ dội. Ông cố trấn tĩnh, chờ dịu cơn choáng sẽ vào nhà lấy thuốc ; nhưng ông chợt ngã lăn trên thềm hiên, và sau đó không bao giờ bước vào nhà nữa…

 

Ba tôi đã chờ cho tôi vừa tốt nghiệp đại học, An cũng kịp thi đậu vào trường Đại học Sư phạm- mới giã từ chúng tôi. Giống như mẹ tôi khi xưa, đã chờ cho An được ba tuổi.

 

Mỗi mùa Thu đến, mỗi lần trăng thu tròn đầy vằng vặc ánh sáng, là mỗi lần chị em chúng tôi ngồi bên nhau mà khóc. Suốt 5 năm ở đại học, dường như tháng nào tôi cũng nhận được thư ba tôi hai lần. Tôi đã gom tất cả những lá thư ấy, bỏ vào ba chiếc hộp chứa quà trung thu thuở nào của ba – xem chúng như bảo vật, sẽ theo tôi trong suốt cuộc đời. Mấy bài thơ của ba tôi gửi cho, tôi cũng cẩn trọng lồng chúng vào khung kính, treo ngay góc bàn ngồi…

 

Một mùa Thu nữa lại đến. Trung thu gần kề. Tôi đã hẹn với An, đêm 14, hai chị em sẽ cùng nhau đi chùa lễ Phật – và nguyện cầu cho ba mẹ tôi luôn được an lành, trong sáng như ánh trăng thu…

Mang Viên Long
Số lần đọc: 3201
Ngày đăng: 22.07.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hạt cát dưới đáy cuộc đời! - Trần Huy Thuận
Chuyện nghe được trong ca trực - Phạm Thanh Phúc
Con gái - Trần Trung Sáng
Bèo dạt, hoa trôi … - Mang Viên Long
Người đàn bà chết trôi - Nguyễn Lệ Uyên
Tình hoa - Nguyễn Đình Bổn
Nhân chứng về một cái chết - Phạm Thanh Phúc
Đêm địa ngục - Sâm Thương
Cái chết biện minh - Quỳnh Linh
Chuyện về một loài chó sắp tuyệt chủng - Nguyễn Đông Phương
Cùng một tác giả
Ngã rẽ(*) (truyện ngắn)
Bóng hạnh phúc** (truyện ngắn)
Vôi trường úc(*) (truyện ngắn)
Quán bụi (truyện ngắn)
Người chị(1) (truyện ngắn)
Dì Lucia (1) (truyện ngắn)
Chim trời (5) (truyện ngắn)
Ông ngoại tôi (truyện ngắn)
Quà nhỏ (tạp văn)
Bèo dạt, hoa trôi … (truyện ngắn)
Quà Trung thu của ba (truyện ngắn)
Giàn hoa cát đằng (truyện ngắn)
Mùa xuân đến muộn (truyện ngắn)
Gã nhà quê vui tính (truyện ngắn)
Bà ngoại tôi (truyện ngắn)
Chữ Hiếu (truyện ngắn)
Chim bay về đâu (truyện ngắn)
Bóng ngựa qua song (truyện ngắn)
Chuyện ngày xưa (truyện ngắn)
Vầng trăng khuyết (truyện ngắn)
Biển của hai người (truyện ngắn)
Chuyện xóm củi (truyện ngắn)
Dáng mộng (1) (truyện ngắn)
Lại một mùa xuân (truyện ngắn)
Ông Ba Phải (truyện ngắn)
Chim chuyền buội ớt (truyện ngắn)
Truyện ngăn ngắn -1 (truyện ngắn)
Truyện ngăn ngắn-2 (truyện ngắn)
Chiếc cà vạt (truyện ngắn)
Tiên Thủy (truyện ngắn)
Vội vàng (truyện ngắn)
Vết son (truyện ngắn)
Truyện ngăn ngắn-3 (truyện ngắn)
Truyện ngăn ngắn-4 (truyện ngắn)
Có những mùa trăng (truyện ngắn)
Một trường hợp (truyện ngắn)
Một cõi đời riêng (truyện ngắn)
Chờ bão (truyện ngắn)
Bên trời mơ ước (truyện ngắn)
Mèo con yêu dấu (truyện ngắn)
Phố người (truyện ngắn)
Một câu chuyện tình (truyện ngắn)
Bà già khòm (truyện ngắn)
Ăn tết ở chùa (truyện ngắn)
Những kẻ tạm trú (truyện ngắn)
Quê nhà , chiều 30… (truyện ngắn)
Phút chót (truyện ngắn)
Khoảng cách (truyện ngắn)
Một Ngày Cô Độc (truyện ngắn)
Chùa Cô Ba (truyện ngắn)
Thị Trấn Êm Đềm (truyện ngắn)
Mây hoàng hôn (truyện ngắn)
Ngôi Nhà Mùa Hè (truyện ngắn)
Quán Café Tulip (truyện ngắn)
Nỗi Khổ Không Rời (truyện ngắn)
Về Lại Chốn Xưa (truyện ngắn)
Bên Tách Trà Khuya (truyện ngắn)
Sáu Bẹo (truyện ngắn)
Lộn Ngược (truyện ngắn)
Quán Bên Sông (truyện ngắn)
Tách trà cổ (truyện ngắn)