Tôi quen Như thật dễ, có Như rất nhanh và mất em vội đến giật mình. Tính qua, tính lại vừa đúng một năm, kể từ lúc biết nhau đến khi xa nhau thật sự.
Một thằng bạn làm cùng cơ quan đã giới thiệu Như rồi sau đó, tôi được gặp lại em trong tiệc cưới của chính thằng này: thằng Long. Như đến thật đúng giờ và từ lúc em xuất hiện, tâm trí của tôi bị phân tán lung tung. Đêm ấy trời lạnh nhiều, Như mặc một bộ đồ thật hay: quần tây màu kem nhạt, áo khoác hơi dài trùng với màu quần và có những sợi len tết lớn, xù ra đan xen vào với nhau. Nhìn rất lạ mắt. Một chút son phấn làm Như đẹp hơn và giữa mọi người em nổi bật hẳn lên. Không phải ở cái hào nhoáng, sặc sỡ mà chính nơi sự đơn sơ, mộc mạc đầy sức thu hút của mình. Như đến một mình và thật may khi em về cũng vậy. Tiệc cưới chưa kết thúc. Tôi đưa Như ra bãi giữ xe. Vừa đi vừa chuyện trò và thích thú vô cùng với những tiếng “vâng”,“vâng”… rất tuyệt vời của em.
Những tiếng “vâng” khiến cho hồn vía tôi xô lệch. Tôi đã tát thương Như rất khẽ lúc em chào và đứng ngẩn người ra giữa lòng phố nhìn mái tóc Như buông dài, áo khoác bay dạt ra phía sau, khi em đạp xe đi. Nhìn Như khi ấy giống như là chim sẻ và tôi tha thiết mong em hãy đậu lại nơi này. Đêm tháng chạp ngát hương tình yêu khơi mở. Tôi bỏ cuộc vui giữa chừng quay về căn phòng tập thể không bật đèn để nguyên quần áo, giày vớ lăn vào giường, vùi người trong nỗi vui sướng đến choáng ngợp.
Tôi thật sự có Như sau đêm hôm ấy. Chẳng lẽ thứ tiếng miền trung thật khó nghe cùng những vụng về, lúng túng và cái tát thương rất nhẹ lại hiệu nghiệm hơn những lời tỏ tình và những trò theo đuổi hay sao! Nhờ có Như, tôi đã có một đêm ba mươi thật ý nghĩa và những ngày đầu năm không đến nỗi hụt trống, nản buồn. Quả thật, tôi sẽ như thế nào đây và những ngày tết, khi mọi ngôi nhà đều sum họp đông đủ và tôi ở lại cơ quan chỉ một mình. Cháy lòng bởi nhớ mẹ, các em, tổ ấm gia đình và quê nhà ngoài ấy. Sau mấy bữa đó ngày nào chúng tôi cũng tìm cách gặp nhau. Khi ở cơ quan của tôi, lúc ở bên nhà em. Và không cố ý vậy mà cái gì tôi cũng Như, Như, Như… khiến Long cười ré lên trong một lần hai thằng ngồi quán uống cà phê. Long nói: “Ngã đạn rồi sao con? Thấy mẹ rồi! Mày lâm nặng rồi. Như ngó vậy mà đáo để lắm đó. Khó chịu lắm đó !Dính vô là lụy gấp”. Long làm tôi cụt hứng nên dằn dỗi: “Vậy sao mày giới thiệu?”. Long vênh mặt: “Vì tao muốn mày lụy. Được chưa? Tao ưa mà”. Thằng…! Cái tướng thì nhỏ xíu mà cái chướng thì to đùng…
Chưa qua hết mùa xuân. Mới chỉ một tháng sau ngày có Như thật sự, tôi đã kịp nhận ra những lời cảnh báo của Long là đúng. Như không hiền như tôi nghĩ hồi mới quen và không dễ thương như tôi biết một đêm mùa xuân nào kỳ diệu. Tình yêu Như cho tôi rất nhiều ngọt ngào, êm đềm và cũng đem tới cho tôi rất nhiều nỗi bực mình, khó chịu. Tôi đơn giản mà Như thì phức tạp. Tôi nhút nhát hay lo lắng còn em thì mạnh mẽ đầy tự tin. Như sống với một tính cách nổi trội và rõ rệt trong khi tôi mờ nhạt, lững lơ. Em nói tôi là mưa bụi. Mưa bụi không làm ướt đầm nhưng làm vướng víu. Còn Như? Là thứ mưa gì đây chứ! Đã tuôn đổ xuống đời tôi, biến cho cuộc sống của tôi đang hanh hao nhẹ bẫng bỗng sũng ngập, nặng nề. Có chắc không? Tôi lụy như Long phán đoán. Tôi cố thoát ra khỏi ảnh hưởng của em. Vẫn ra cách làm le với chính mình và mọi người, là: tôi chưa cần thiết lắm phải có Như và lệ thuộc vào em trong tất cả mọi chuyện dẫu ở cơ quan của tôi, nơi trường Như dạy… Ở cái thành phố nhỏ xíu này ai cũng biết chúng tôi đang yêu nhau.
Không chối bỏ là Như biết cách làm cho tôi hạnh phúc, nhiều khi. Dường như em không những chỉ biết yêu mà còn biết yêu cho đẹp nữa kìa! Cũng là phải thôi bởi Như luôn yêu thích những cái đẹp trên đời: một đôi guốc xinh xinh, một cái muỗng khéo khéo, một mảnh trăng non hiu hắt giữa trời, một đứa trẻ con hay hay… và cụ thể là một tình yêu rất đẹp với tôi. Nếu không bởi thế thì mắc gì trong cùng một thành phố mà Như lại hay viết thư cho tôi đến vậy. Những lá thư thật ngọt ngào và nồng nàn mà em thường dúi cho làm cho tôi thích mê đi được. Cả nữa những món quà vặt vãnh, mấy thứ thức ăn rất tầm thường mà em hay gửi bác bảo vệ của cơ quan đưa lại, đã khiến cho tôi sung sướng đến ngợp lòng. Tôi có ý nghĩ Như hiểu tôi rất rõ. Em nắm gọn được tâm hồn tôi. Còn tôi thì trợt trơn, hẫng té mỗi lần bước vào cõi lòng Như đầy hốc ngách, những lùm cây tối và rất nhiều hang sâu… Thi thoảng em nói chúng tôi thật khác biệt. Cứ như hai thành phố được ngăn ra bởi núi, sông, biển cả và những lòng người. Có một buổi chiều đầu hè sau những giờ coi thi ở trường, Như rủ tôi ra biển. Em ngồi lặng yên, mông lung dõi mắt ra khơi xa rất lâu rồi mới khẽ khàng hỏi tôi có biết bài: “Bay đi cánh chim biển?”.* Tôi lắc đầu và Như hát “…Chẳng còn giấc mơ nào để giữ đôi chân em. Chẳng còn tiếng nói nào để trách cứ em…Em đã muốn ra đi nhiều lần…”
Không phải là một bài hát. Vấn đề không phải là một ca khúc, một quyển sách, một bài thơ… Là tất cả những gì mà Như có thể biết và cảm thấu. Còn tôi thì ngược lại. Đã rõ ràng ra đó như một khẳng định: Tôi khô hạn còn Như thì ướt át. Tôi thô thiển cứng ngắt mà em lại bay bổng dịu mềm. Tôi nông nỗi mà em thì sâu sắc… Tôi hơn Như bằng cấp và đã thua Như quá nhiều thứ, phải chăng? Khi tôi bộc bạch những điều đó với Long. Nó cười:
- Rồi sao?
- Như sao âm âm, u u. Tao thấy…Phải mà Như giống cô bồ trước của tao. Cô đó đơn giản nhiều vậy mà tao lại thấy dễ chịu.
-Tại sao phải giống? Mà nếu giống thì mày đâu có mê, ghiền. Đâu có quắt quay đến thế?
- Không phải quắt quay mà…
- Láo! Quắt quay. Thôi! Ông ơi! Cô bồ trước của ông đơn giản nên ông quen với cái sự ấy. Giờ Như trái khoáy. Ông bị bất ngờ đâm khó chịu. Thì…
- Thì… Sao?
- Hì hì… Cũng giống như mình quen với thuốc nhẹ đô. Là Aspirin. Là những loại cảm, cúm nhè nhẹ, thông thường. Giờ, đụng vô trụ sinh. Uống không quen “sốc” thấy bà nhưng quen dùng đô đó, đã thích hợp rồi, sau này dùng “đô” nhẹ hơn, là không đủ đâu! Có điều…
- Mày triết lý giống như ông cụ non. Rồi còn điều gì đây nữa, thầy?
- Muốn uống trụ sinh khỏi xót bụng thì phải ăn no. Phải ngốn vô, nhồi vô… tâm hồn mình nhiều món ăn cần thiết để tương ứng với nàng, để dễ hiểu nàng hơn và để… giữ được nàng.
Long kéo dài giọng ra, nghe đãi đãi rất khó chịu. Tôi nén giận, làm thinh. Thế mà Long vẫn chưa chịu buông tha. Nhướng mắt dòm tôi rất lâu mới mở miệng, thả ra từng chữ, từng chữ một… “ Chỏi đó. Là mày với Như. Chỏi nhiều nữa là khác. Muốn khỏi “ao” thì phải tìm cách cân bằng thôi. Vậy nghe!”.
Khi được một người quen kể lại cuộc tình của Như hồi trước – cũng chỉ kể lớt phớt, qua loa – tôi đã cảm thấy rất khổ sở: tim nhói, mắt hoa và lòng xám ngắt. Tối đó trở về căn phòng tập thể quen thuộc của mình tôi đã lục đục suốt đêm, không sao chợp mắt được. Tôi lấy giấy bút ra viết thư cho Như. Em đã viết cho tôi một cách dễ dàng. Tại sao tôi lại không thể? Viết không phải để ru ngủ như em đã làm mà để đề nghị. Gặp nhau, Như không hề né tránh cái nhìn của tôi mà còn đáp trả đầy thách thức pha một chút riễu cợt:
- Anh cần biết thật à?
- Ừ!
- Vì sao?
- Em hỏi gì lạ?
- Em đã nghĩ đến một lúc nào đó sẽ cho anh biết nhưng không phải bây giờ và nhất là sau lời đề nghị của anh.
- Anh không có quyền đề nghị à?
- Có đấy! Vì anh thấy cần. Còn em thấy không cần phải trả lời nên em…
- Em thế nào?
- Em phải về. Đó là cách hay nhất bây giờ.
Nhìn theo dáng Như bước nhanh ra khỏi quán với sự dằn dỗi và buồn bực. Tôi thấy tức khan. Có một cái gì đó như là sự hằn học, như là sự xót xa đè ngang nơi lồng ngực làm tôi thấy khó thở. Tôi nhìn xuống bàn và nhận ra ly nước của tôi không còn lấy một giọt trong khi ly nước của Như vẫn còn đầy. Vấn đề không phải là cách uống của mỗi người mà là một cái gì đó rất mơ hồ len vào giữa hai đứa và phủ trùm lên cuộc tình này. Tôi kêu tiếp một ly nước chanh, một ly trà đá lớn. Uống sạch cả hai thứ rồi lên quầy trả tiền và rời quán trong tâm trạng hết sức hoang mang. Sao em lại có thể như thế? Sao em không là chim sẻ: chim sẻ Như – nhỏ xíu và thiết thân – luôn nép mình trú đậu nơi nơi mái hiên đời tôi, dẫu chật hẹp và ẩm thấp. Sao tình yêu chúng tôi luôn bức bách, ngột ngạt? Sao không thể có những khoảng thời gian dành cho nhau thật bình yên và ngọt ngào?… Đó là điều khiến tôi luôn đau đớn bởi càng lúc Như càng thêm khó hiểu. Đôi khi, tôi có ý nghĩ Như đã lỡ yêu tôi và đang tìm cách để sữa chữa sự sai lầm này của mình. Chắc Như muốn dứt tôi cho đẹp và hay đó thôi. Không phải sao! Như vốn yêu tất cả những cái hay và đẹp có ở trên đời mà.
Quan hệ của tôi và Như rồi ra cứ thế. Dùng dằng. Nửa như gần nửa như xa. Một phần hai là mất. Một phần hai lại còn trong khi ngày tháng trôi qua rất nhanh. Mới đó mà tôi đã ở thành phố này được hai năm. Thời gian đủ để tôi thân thuộc, gần gũi với nhiều thứ. Tôi có thêm bạn bè, những mối quan hệ. Tôi thấy yêu biển và những lúc ở đó, một mình lại nhớ tha thiết con sông ở quê nhà. Có còn người tình xưa, nơi ấy? Một người tình nhiều đơn giản đã làm tôi thấy dễ chịu nhưng cũng chẳng có gì khiến cho tôi rất mau quên. Đôi lúc cũng nhơ nhớ. Nhớ rất nhẹ nhàng. Một nỗi nhớ không làm bận bịu.
Những tháng hè oi nồng rồi cũng qua. Những đêm mùa thu se sắt rồi cũng qua. Mùa đông tới và những lẫy hờn, ghen tương… giữa tôi và Như rồi cũng chấm dứt. Cuối cùng chuyện hôn nhân của hai đứa cũng phải đến lúc được bàn qua và tính lại. Tôi đã thưa chuyện với bố mẹ Như và được cả hai ủng hộ. Tôi cũng đã viết thư cho mẹ tôi ngoài đó. Bà cụ rất vui và chúng tôi dự định cuối tháng chạp sẽ làm đám cưới. Chúng tôi muốn tổ chức một đám cưới tiết kiệm. Chỉ mỗi chuyện đó là hai đứa có ý chung còn tất cả thì không phải vậy. Tôi thấy lòng nhẹ nhõm khi hình dung đến lúc Như làm vợ tôi và những chuyện vớ vẩn, đã có, từ cái đầu hay suy diễn rối rắm và tiên đoán linh tinh của em phải kết thúc.
Tôi nói chuyện cưới Như với Long. Nó ậm ừ: “Có chắc không? Thật hả?” rồi ngửa mặt nhìn hoài lên trần nhà, cười. Cái thằng… Không cách gì Long bỏ được cái tật ngông nghênh và ương chướng, dù đã được lên chức ba. Chiều đó, sau khi tan sở, Long ở lại cơ quan và cùng xuống bếp ăn tập thể với tôi. Long ăn nhiều nói ngon miệng, chắc nhờ đông – vui. Xong bữa, hai đứa rủ nhau ra biển nhưng gió dữ dội nên đành rời xa những con sóng và đi lang thang. Đó là một chiều rất đẹp nhưng thật buồn: u ám, ẩm đục và ướt lạnh. Quê nhà ngập tràn tâm trí tôi và ứ đầy hồn, là: một mảnh trời, cái bờ giếng, giàn hoa trước nhà, con ngõ quen… Thêm nữa, bước chân rón rén, khẽ khàng của một ai đó. Một ai đó không hiển hiện rõ ràng. Chỉ lãng đãng trong nỗi nhớ khiến tôi lục tìm hoài không ra một tên gọi, thấy cho được một nhân dáng, bắt gặp cho được một con người… Một ai đó sao quá mơ hồ? Là Như chăng? Sao lại có thể là em, được chứ!
Chuyện chia tay của chúng tôi, dẫu không mong đợi, rồi cũng phải tới. Có điều cách tới sao mà kỳ? Người bạn của Như mời chúng tôi đi dự đám cưới. Vẫn là một buổi tối mùa đông. Lại là một đêm đầu tháng chạp. Em đã làm tôi rất ngạc nhiên và thích thú, khi mặc lại bộ đồ đã mặc trong đám cưới của Long, cách đây đúng một năm. Vẫn là cái quần tây màu kem nhạt. Vẫn là cái áo khoác hơi dài trùng với màu quần và có những sợi len tết lớn, xù ra đan xen vào với nhau. Như không những lạ với tôi mà còn lạ với rất nhiều người trong đêm ấy. Thấy em được chú ý nhiều tôi đâm bực, đã vậy, lại còn có một thằng cha kề cà bám riết lấy Như, coi tôi chẳng ra gì khiến tôi điên máu. Tôi uống thật nhiều. Ban đầu là để được điềm tĩnh nhưng sau đó rượu ngấm, tôi đã làm rất nhiều trò lố bịch mà phải tới tận hôm sau, tôi mới giật mình khi nghe Long kể lại. Theo đó, tôi đã gào, khóc, la… Tôi hét lên giữa tiệc cưới rất đông người là Như muốn bỏ tôi, không muốn lấy tôi… Như thay lòng đổi dạ, luôn làm khổ tôi… Tôi không còn nhớ là mình đã được ai dìu vào nhà trong, đặt lên giường và thiếp đi trong bao lâu. Mở mắt chứ cũng chưa kịp hoàn hồn, tôi đã thấy có Như ngồi bên. Ánh nhìn em lạ hoắc và giọng em rắn đanh:
- Anh có biết mình vừa làm những gì không?
- Em không thể nào hiểu nổi vì đâu mà anh có thể cư xử với em như vậy?
-...
- Được rồi. Anh đã nói là em muốn bỏ anh, phải không? Vậy thì em bỏ anh đó. Em không lấy anh đó. Rồi sao?…
Khi Như đứng dậy và quay đi, bỏ lại tiếng sập cửa rất to, đầy tức giận tôi mới thật sự tỉnh táo. Hoàn toàn tỉnh táo để cho những câu nói cứng cỏi – lạnh tanh của Như, cứ âm âm trong cái đầu nhức như búa bổ của mình: “Em bỏ anh đó… Em không muốn lấy anh đó… Rồi sao! Rồi sao!…”. Câu nói đó của Như còn dội mãi vào tâm hồn tôi, rất nhiều năm sau này, khi tôi đã mất em thật sự. Sau “sự cố” xảy ra trong tiệc cưới của người bạn, cả Như và tôi đều lẫn tránh nhau. Suốt mười ngày tôi sống trong tâm trạng bức rức và khốn khổ. Đêm dài kinh khủng vì trằn trọc trong nỗi nhớ em, những thương yêu dành cho em và cả nữa những đớn đau vì biết sẽ mất em. Có một đêm khuya, tôi bỏ căn phòng tập thể và lững thững ra phố một mình. Đi lòng vòng hết mấy con đường quanh đó, tôi chui đại vào một cái quán còn mở cửa. Ở ngay phía đối diện, tôi thấy Như ngồi một mình nơi cái bàn ngoài vỉa hè của một cửa hàng bán chè nóng. Chẳng có ai điên gì mà đi ngồi ngoài đường vào một buổi tối mùa đông lạnh lẽo như thế này, ngoài em. Tôi thấy tim mình nhói lên và bóp thắt nhiều lần, khi nhìn dáng Như gầy xiêu, mệt mỏi rời nơi ấy và bước chậm trên đường về. Đâu rồi cái vẻ rất tự tin và đầy bản lĩnh của em hồi giờ? Rồi một buổi chiều, ngồi uống rượu với Long ở một ngã tư đường, tôi cũng thấy Như lủi thủi một mình và vẫn thế: gầy xiêu và mệt mỏi. Lần đầu không nghe Long nói gì về chuyện của chúng tôi. Chỉ trầm ngâm nhìn theo em mãi và uống liền tù tì mấy ly rượu rồi thở ra.
Tối đó, tôi sửa soạn để tới nhà Như. Tính mời em đi uống nước và “…cũng một lần để kết thúc tất cả…”. Đã dặn lòng là thế và chỉ còn có việc leo lên xe và phóng vụt đi, tôi lại thấy lòng mình hoang mang quá sức. Tôi có ý nghĩ mình không làm nổi chuyện này nên chần chừ mãi để rồi ngồi thụp xuống bậc thềm, dựa lưng vào khung cửa sắt, khép mắt. Tôi không chịu đựng được ý nghĩ sẽ xa Như hẳn, sau đêm này. Khi những linh cảm cho tôi biết chắc không còn có em, tôi nhận ra mình đã yêu em biết bao và cần có em biết là dường nào. Chăng rõ ngồi như thế được bao lâu, thì tôi nghe tiếng Như gọi dưới lòng đường. Rõ ràng là thứ tiếng rất dễ thương và thân thuộc của Như và thứ tiếng nói ấy không thể lẫn với một ai được. Khi tôi chạy vội ra, không hiểu vì sao em bỗng cúi mặt. Chúng tôi cùng yên lặng. Rất lâu, Như mới ngẩng đầu lên nhìn tôi. Từ ánh đèn đường hắt xuống, tôi xót xa khi thấy khuôn mặt em có màu tái xanh và đôi mắt em không còn nét cười và đầy sự lém lỉnh, sinh động như thường ngày. Như nói bằng giọng khàn đục của một người đang bị đau: “Mình kiếm một cái quán nào ngồi đi anh”. Hai đứa đạp xe song song bên nhau. Vẫn chẳng nói gì. Cái quán ở gần biển, vắng hoe. Đêm tháng chạp hun hút và lần đầu có Như một bên mà sao tôi thấy mình bơ vơ. Tôi muốn nói với em cả ngàn lần lời xin lỗi mà sao không thể mở lời. Muốn nói tiếng cám ơn Như đã đến để yêu thương và chịu đựng tôi ngần ấy tháng ngày mà sao không thể thốt nên được. Cả em nữa: lặng im và dường như cố nén tiếng thở dài.
Khuya. Như đòi về. Tôi nói: “Anh muốn chở em được không?”. Như “vâng” và tôi thảng thốt. Chỉ một âm, một từ mà làm bỏng rát tâm hồn và làm trái tim tôi đập miên man, hỗn loạn. Tôi đã đạp xe chở Như đi qua biết bao con đường, trong đêm cuối năm giá rét ấy. Từ chỗ ngồi phía sau, em như co người lại và mái tóc Như mềm chảy ôm lấy lưng tôi. Bao lần tôi đã thèm muốn được dừng xe lại để ôm em trong vòng tay, dụi mặt vào mái tóc em buông dài và kêu lên: “Như ơi!”, “Như ơi!” mà không thể.
Và vậy đó! Tôi mất Như. Con chim sẻ nhỏ bé và tinh nghịch đã ghé lại nơi này vào một đêm mùa xuân nào kỳ diệu. Đã chuyện trò líu lo. Đã vui chơi thỏa thích. Đã bay nhảy chuyền cành và cũng có hồi chim bực bội bẳn gắt hót lên những câu nóng nảy, giận hờn. Và bỏ lại nhánh-cây-đời-tôi gầy khô, xơ xác mà đi trong một khuya tháng chạp.
Và vậy đó. Chúng tôi lạc mất nhau. Giữa dòng đời thao thiết chảy tuôn: thênh thang mà chênh vênh, ghềnh thác. Để rất nhiều đêm, ngày, tháng, năm… trong nỗi nhớ em ngập tràn, tôi đã luôn phải tự hỏi: Chim sẻ ơi! Như ơi! Em giờ ở nơi đâu? Vẫn còn mãi miết bay dưới bầu trời mênh mang, lồng lộng hay đã dừng chân đậu lại nơi một nhánh–cây–đời ai đó khác ?./.