Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.124
123.139.771
 
Một mình trong cơn khát
Phạm Thanh Phúc

Bị cáo Lê Thị Nhung sinh năm 1960. Nguyên quán: Tiền Giang. Thường trú: Chợ lớn. Bị cáo có hành vi ngoại tình và có hành vi cố sát chồng là…

 

Giọng người kiểm sát viên già khàn đục, gằn từng tiếng một. Cả phòng xử án im phăng phắc, tưởng chừng như nghe rõ tiếng thở trong mi – crô của người đang luận tội. Hằng trăm ánh mắt tò mò, kiếm tìm chỉa những tia sắc như dao vào hàng ghế bị cáo. Tôi lạnh toát người, mồ hôi vả ra hai bên thái dương. Người ta đang nói về tôi?

 

“Vào ngày… tháng… năm, bị cáo dẫn Đỗ Quang Thân, người cùng cơ quan về nhà và cả hai quan hệ như vợ chồng. Nguyên việc này đã vi phạm điều 144 Khoản 1 của Bộ luật hình sự nước CHXHCN VN chưa tính đến việc vi phạm phong tục  tập quán nước ta. Trong lúc đang quan hệ đồi bại thì anh Tâm, chồng bị cáo trở về bắt gặp. Bị cáo Nhung đã cầm dao đâm chết chồng, sau đó cùng tòng phạm – nhân tình – bỏ trốn.

 

Tôi nghe được đến đó thì phòng xử án trở nên ồn ào. Đám đông dự phiên toà xôn xao, bàn tán, chỉ trỏ. Một giọng rụt rè vang lên sau lưng tôi: “Ngó mặt đẹp vậy, không lẽ dám giết người?” Không có tiếng đáp lại. Bỗng dưng phía cuối phòng xử án phát ra giọng cười khả ố: “Đẹp gì, lẳng lơ thì có. Ngoại tình là phải. Còn có lẽ với không gì nữa!”. Mọi người chăm chú nhìn tôi như vừa trông thấy một con quái vật đáng kinh tởm nhất. Tôi bắt đầu mất bình tĩnh khi một cô bé khoảng 15 tuổi nhổ vào mặt tôi bãi nước bọt. Tôi muốn thét lên. Không! Không phải như thế. Các người không hiểu. Nhưng chạm vào ánh mắt họ, tôi chùn người lại. Ích lợi gì, chắc gì họ tin mình, hiểu và chịu nghe mình nói? Nghĩ vậy, tôi chán nản buông xuôi. Mặc kệ, tới đâu thì tới. Sợ quái gì bọn họ, những con người tầm thường, với các  xét đoán nông nổi ấy. Tự dưng, tôi quắc mắt lên. Tức thì có tiếng quát: “Coi, nó nhìn “Nghinh” với mình nữa kìa!”. Một quả chuối từ bên ngoài ném thẳng vào mặt tôi. Mũi tôi đau rát. Có một cái gì đó âm ấm, tưng tức trong mũi. Những người ngồi bên bục xử án chỉ ngăn chặn cho có lệ. Họ cũng căm ghét tôi thì phải. Tôi đành im lặng. Nhưng sự im lặng này lại bị hiểu lầm là một hành động đối kháng. Đám đông ồ lên, phẫn nộ: “Đánh chết nó đi. Con quỷ cái…”. Tôi hoa mắt lên, ngã vật xuống. Trong thoáng chốc đó, tôi khủng khiếp nhận ra hàng trăm khuôn mặt giận dữ đang vây lấy tôi. Tôi thét lên, ngất lịm.

 

                                                            * * *

 

Nhận được thiệp  hồng của tôi, bạn bè đứa nào cũng bảo rằng tôi tốt số. Nhỏ Hạnh còn đùa: “Chàng và nàng xứng đôi quá. Lạ thiệt! Chẳng bao lâu tụi tao lại có hàng đống cháu gọi bằng dì cho coi…”. Tôi đỏ mặt hạnh phúc và véo nó mấy cái thật đau. Bản năng thầm kín nào đó thúc đẩy, như một phản xạ, khiến tôi liếc nhanh về phía Tâm – người chồng tương lai của tôi – và chợt nhận ra rằng mấy đứa bạn nói cũng có lý. Tâm cao lớn, da trắng, đẹp trai như một Alain Delon thứ thiệt trong phim của Pháp. Tâm là đích nhắm của nhiều thiếu nữ trong trường đại học. Lẽ dĩ nhiên là trong số đó có tôi.

 

Hồi đó, đứa nào trong bọn tôi cũng muốn lấy Tâm làm chồng. Chồng thật chứ không phải là người yêu. Mỗi đứa đều có những lý do khác nhau. Oanh thích Tâm chỉ vì anh “bô trai”. Nó nói: “chiều chiều, bá vai ảnh đi ngoài phố, chắc bọn con gái phát điên lên vì ghen tức mất”. Hạnh thì lúc lắc mái tóc: “Đứa nào lấy anh ấy sẽ không bao giờ sợ đói!”  (giọng nó chắc như đinh đóng cột). Đơn giản là gia đình Tâm rất giàu, chắc chắn cuộc sống của đôi vợ chồng ấy sẽ được bảo đảm. Trước những lý do khá hấp dẫn đó, Liên, chị ruột của Hạnh ngang ngược bác bỏ: “Tụi mày toàn vớ vẩn, tao dám tuyên bố rằng những thứ đó chẳng thấm vào đâu so với giá trị thực của … hoàng tử”. Quả thật, Tâm có tài. Hồi còn sinh viên, anh đã nổi tiếng với điểm số cao và những phát hiện khoa học. Ra trường mới hai năm, anh đã trở thành bác sĩ phẫu thuật có tiếng của thành phố.

 

Khi đám con gái bàn tán,  tôi dửng dưng và một mực im lặng. Không phải tôi không nhìn thấy những ưu điểm tuyệt vời đó của anh, nhưng với tôi, điều đó nào có nghĩa lý gì đâu? Tôi chỉ biết một điều: Có lẽ anh sẽ cho tôi những đứa trẻ xinh xắn, thật khoẻ mạnh và những đêm vui bất tận. Tôi cười thầm khi thấy lũ bạn tấn công anh. Những phương pháp “cổ điển”: gây chú ý nơi đông người, quà tặng, ánh mắt, nụ cười, những lời bông đùa có kèm hậu ý… chẳng ăn thua gì. Tại sao tôi lại phải săn đón Tâm hở, tôi là “một đứa con gái chân dài” cơ mà? Đôi chân là niềm tự hào của tôi. Từ năm 17 tuổi, tôi đã nổi tiếng với cặp chân dài. Đi đâu tôi cũng nghe: “Con bé chân dài ngoằng, ngon ăn thiệt. Nếu như nó được điểm 10 thì cặp chân đã hết tám điểm. Trường túc thì đa … mà”. Mặc họ cứ nói, tôi vẫn cứ thích những gã đàn ông đi qua tôi một đổi xa còn ngoái cổ nhìn lại. Họ thèm khát đôi chân tôi. Nghĩa là tôi có lợi thế hơn so với lũ bạn. Tôi đã từng đọc câu nói của một danh tướng Trung Quốc: “Biết mình, biết người, trăm trận, trăm thắng”. Lẽ nào tôi không chiến thắng sao? Với lại lấy chồng là khát vọng chính đáng của bất kỳ người con gái nào – trong đó có tôi.

 

Dịp may ấy đã đến. Một đoàn phẫu thuật người Mỹ ghé vào thành phố làm việc. Tôi len lỏi xin được tài liệu trong quá trình thực hành phẩu thuật vừa qua của họ. Đó là những tư liệu quý mà tôi biết rằng Tâm rất thích và rất cần. Vì vậy, tôi không hề ngạc nhiên khi nghe anh ngỏ lời xin mượn xấp tài liệu. Dĩ nhiên là tôi hẹn Tâm đến nhà với lý do là tôi không mang tài liệu theo mình.

 

Trời sẫm tối. Tôi đang loay hoay với đống quần áo thì nghe tiếng gõ cửa. Tôi biết ngay đó là Tâm. Nhưng… thêm một chút ngạc nhiên điểm tô, có sao đâu?

 

A! Anh Tâm. Mời anh vào nhà. Xin lỗi…

 

Rồi tôi ngượng ngùng nhìn xuống chiếc áo mình đang mặc. Đó là chiếc áo may bằng hàng Dalla mỏng của Mỹ. Chiếc áo tôi đã chuẩn bị rất lâu, chỉ dành cho hôm nay. Tôi biết giá trị của chiếc áo này. Nó không hở hang phô bày, mà nửa kín đáo, e lệ, nửa như gọi mời. Với chiếc áo này, những đường nét của cơ thể tôi sẽ  căng ra như muốn thoát khỏi lớp áo trần tục. Tôi sẽ hoá thành thiên thần trong chốc lát.

 

Cô đang nấu nướng phải không? Cứ làm việc bình thường nghen! Tôi đợi được mà.

Tôi dí dí mũi chân xuống nền nhà:

Để em đi lấy nước anh uống.

 

Tôi quay lưng lại, bước thật chậm xuống bếp. Trong bước đi của mình, tôi hình dung ra Tâm đang nhìn dán vào tôi. Khi tôi mang lên hai ly đá, Tâm vẫn còn đứng đó. Dường như anh đã quên mục đích đến nhà tôi. Chúng tôi nói với nhau đủ thứ chuyện trên đời: công việc, bè bạn, kỷ niệm thời đi học… Mãi đến lúc ra về, Tâm mới sực nhớ ra chuyện đến mượn tư liệu. Cá đã cắn câu. Buổi chiều đẹp nhất trong đời tôi đã diễn ra như vậy đó. (Thực tình sau này tôi mới nghiệm ra, đây chính là tiếng gõ đầu tiên vào cánh cửa thảm hoạ!).

 

Khi Tâm ngỏ lời cầu hôn, tôi ưng thuận ngay. Đám cưới diễn ra cũng nhanh. Hôm ấy, lũ bạn chuốc cho tôi mấy hớp bia. Tụi  nó cười: “Để cho cô nàng thêm can đảm trong đêm tân hôn”. Chúng không bao giờ biết rằng tôi nào có run gì đâu! Có chút hơi bia vào, người tôi phấn chấn lạ thường. Tôi thấp thỏm chờ đợi cái giây phút ấy.

 

Tâm cũng có uống chút rượu, nhưng tôi biết rằng anh chỉ nhấp môi vào ly (xưa nay anh chẳng uống rượu bao giờ) và như vậy có lẽ anh không mệt lắm. Thoạt đầu, Tâm vuốt ve tôi. Những nụ hôn dài muốn tắt thở. Khi bàn tay anh đi lần xuống ngực tôi, rồi nhẹ nhàng nhảy múa trên ngọn đồi bé con ấy, người tôi run bần bật. Tôi cũng chẳng hiểu vì sao mình không chấm dứt cơn run tội tình này. Từ một nơi nào sâu thẳm trong tôi vang lên tiếng thì thầm, lời khẩn cầu tội nghiệp: “Hãy đến đây! Đến đây…”. Và tôi nhắm mắt khoan khoái đợi chờ tiếng vọng ngọt ngào của tình yêu. Hai phút. Ba phút. Năm phút, thời gian chờ đợi kéo dài tưởng chừng như vô tận. Cho đến lúc cơn run biến khỏi tôi, tiếng vọng không đến, tiếng thì thầm trong tôi cũng  tắt hẳn, Tâm vẫn còn cựa quậy trên người tôi. Bộ phận đàn ông nhất trong anh nhũn ra như một đứa trẻ lên tám. Một nỗi tức tối không biết từ đâu ùa ra vây kín tôi, tôi quay mặt sang bên, hờn dỗi. Hình như đoán biết được điều đó, Tâm thì thào: “Anh xin lỗi. Hôm nay anh mệt…”. Tôi thoáng thất vọng. Chàng A Đam đã không vượt qua được điều răn của Chúa để ăn trái cấm. Rút cục, sau đêm tân hôn, tôi vẫn còn là trinh nữ!

 

Sáng hôm sau, khi tôi còn đang ngái ngủ thì Tâm chuẩn bị đi làm. Anh bảo rằng mình  có một báo cáo khoa học đang thực hiện dở dang. Tôi cũng không ngăn anh lại, nhưng lòng tôi cứ thắc mắc về sự  cố buổi tối hôm qua.

 

Bẵng đi hai ba hôm, Tâm không đả động gì chuyện ấy. Buổi tối, anh nằm cạnh tôi ngủ ngon lành. Tôi lờ đi. Thực ra, tôi chỉ sợ mang tiếng là người không có phẩm hạnh(!). Mãi đến hôm thứ sáu sau ngày cưới, tôi mới trở thành đàn bà – nhưng cũng không rõ rệt… Giữa khuya, tôi giật mình thức giấc nhận ra vật nặng đang làm mình suýt ngạt thở, đó là Tâm. Tôi mừng rỡ. Có thế chứ, chắc độ rày lo cho đám cưới nên anh mệt. Và tôi chờ đợi anh hái trái cấm trong tâm trạng đầy hưng phấn. Một vật gì đó mềm nhũn chạm vào người tôi, rồi dừng hẳn ở đó. Có lẽ nó không còn khả năng đi sâu hơn nữa. Lần này nỗi bực bội còn lớn hơn lần trước, khiến tôi đẩy phắt anh sang bên:

 

- Em buồn ngủ lắm!

Tôi nghe anh lầu bầu trong miệng:

- Nhưng… anh muốn…

 

Tôi bực tức thật sự:

- Thôi anh đi! Thà không còn hơn chứ…

 

Tâm khựng người, rồi buồn rầu mặc lại quần áo. Kể từ hôm đó, anh thường tránh những đêm phải nằm chung. Mỗi tối, Tâm ngồi ngoài phòng làm việc đến nửa đêm mới chịu vào giường. Anh ngủ say ngay sau đó, còn tôi cứ khắc khoải không ngủ được.

 

Nàng Eva lăn qua lăn lại, ngồi bật dậy. Da thịt nàng như nứt toác ra, nàng xé toang lớp áo bên ngoài, nàng vào toa – lét dội nước lên tóc, lên người. Để cho cái lạnh thấm vào cơ thể, nàng không thèm lau khô người nữa. Nhưng … lửa, phải!, lửa từ bên trong nàng cháy hừng hực, cái nóng của nó dữ dội đến mức  suýt thiêu huỷ chất Người bên trong nàng. Nàng cố chịu đựng cho đến khi cơn mệt mỏi đẩy nàng vào giấc ngủ. Lúc đó, tôi cũng mệt đừ người. Gần sáng, không khí đêm lành lạnh khiến tôi choàng tỉnh dậy. Tôi khẽ đặt tay lên hông Tâm. Tự dưng tôi run bắn người: cơ thể anh lạnh toát như nước đá. Hay anh đã chết rồi chăng? Nghĩ đến đó, tôi rùng rợn lật người Tâm lại, định ngó xem ngực anh còn phập phồng không. Giữa lúc đó, tôi nghe tiếng Tâm càu nhàu, ngái ngủ. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Mình tưởng tượng mất rồi! Tôi nghĩ thầm. Nhưng vì sao người anh lại có thể lạnh như thế? Cái lạnh giá ngoài cơ thể có liên quan gì đến cái lạnh bên trong của anh không? Biết đâu, đây chính là cái lạnh đã làm nguội đi ngọn lửa – chiếc cầu nối – khoảng cách duy nhất giữa giống đực và giống cái. Và chính  cái lạnh này đã đẩy chúng tôi xa nhau chăng?

 

Thế đó, Tâm vẫn bình thản ngủ, còn tôi thì đêm nào cũng giống như một buổi tra tấn, Mới ba tháng sau ngày cưới mà người tôi gầy nhom, đến nỗi bạn bè ai gặp tôi cũng phải kêu: “Trời! Lấy chồng bác sĩ mà sao mày mau tàn tạ quá vậy Nhung?”. Tôi chỉ cười ậm ừ cho qua. Thực sự, tôi cũng chẳng biết phải trả lời như thế nào.

 

Tôi gặp Thân đúng vào  những ngày tháng khủng hoảng này. Đó là một gã đàn ông béo tốt, chưa đến 40 tuổi, mặt lúc nào cũng đỏ gay – không biết vì rượu hay vì cái gì khác. Thỉnh thoảng, sau những lần nói chuyện với gã, tôi cứ liên tưởng đến mấy miếng dưa hấu thối sau tết. Nhưng… cũng với bộ mặt màu đỏ đáng tởm ấy, gã đã chinh phục tôi.  Chuyện rất đơn giản: Gã là lái xe của bệnh viện, sau những chuyến xe cấp cứu, gã thường ghé phòng tôi  xin khám và cấp thuốc. Thấy tôi có vẻ chịu bắt chuyện, gã vờ “bệnh” để gặp tôi thường xuyên hơn. Vì chẳng bao giờ nghe gã đả động đến chuyện vợ con nên tôi nghĩ: “Ma nào mà dám lấy bộ mặt đỏ ké, gớm ghiếc ấy làm chồng. Hoạ chăng…”. Hôm ấy, mọi y tá trực đều đi dự liên hoan Ngày thầy thuốc Việt Nam, chỉ còn mình tôi trong phòng. Như mọi lần, Thân đến xin thuốc, tôi thờ ơ làm tròn phận sự. Gã hỏi: “Cô không đi dự chiêu đãi à?”. Tôi buông thỏng: “Ừ!”. Gã nhìn tôi đăm đăm, bỗng nhiên gã nắm chặt tay tôi, rồi bằng một sức mạnh phi thường, gã bế thốc tôi vào phòng khám. Chỉ có Chúa mới giải thích được vì sao tôi không kêu cứu. Khi ấy, quỷ Lu –xi – phe hiện ra. Hắn hoá thân thành chàng trai trẻ nhẹ nhàng đến bên tôi, buông lời cám dỗ. Những lời thủ thỉ mới ngọt ngào làm sao. Tôi ngoan ngoãn nghe theo chàng. Chàng mặc tình cởi bỏ lớp áo trần thế đã trói buộc thân thể tôi, rồi chàng bắt đầu âu yếm. Đang phiêu diêu ở lưng chừng trời, tôi chợt nghe giọng cười khằng khặc, trần tục vang bên tai. Lẽ nào chàng là người vừa phát ra tiếng cười đáng ghét ấy sao? Tôi mở choàng mắt, nhận ra khuôn mặt bự đỏ, thô bỉ của Thân đang cọ xát vào người tôi. Gã có vẻ khoái trá một cách man dại. Tôi càng khủng khiếp hơn khi nhận ra mỗi lúc người gã càng thít chặt lấy tôi. Đột ngột, một vật khổng lồ xuyên qua người tôi cùng với cơn đau xé ruột. Tôi thấy mình đang bay lơ lửng trên cao. Ai đó đã đặt lên tay tôi ly chè lạnh (Loại thạch đen mà tôi vẫn còn ăn lúc còn nhỏ). Miếng thạch mát lạnh trôi qua cổ tôi, để lại dư vị ngọt ngào của đường pha. Tôi càng ăn, càng thấy sung sướng và người tôi càng trôi bồng bềnh đến tận chỗ cao nhất của bầu trời…

 

                                                            * * *

 

Cái vực thẳm đỏ ấy đã nuốt chửng lấy tôi, đẩy tôi sa xuống địa ngục. Ác một nỗi, tôi lại bằng lòng, và không còn đủ can đảm để bước ra khỏi địa ngục. Người tôi trở nên đẫy đà, những đường nét rực rỡ, màu mỡ như cây cối hồi sinh sau mùa nắng hạn. Còn cái đoạn sau tồi tệ ấy, tôi đã kể hết trong bản tự khai trước toà. Tôi biết sẽ không một ai chịu tin khi tôi nói rằng Tâm vấp ngã vì tấm đệm chùi chân với con dao lăm lăm trong tay. Một ngẫu nhiên oan nghiệt.

 

- Có lẽ họ sẽ cho tôi một bản án thật nặng phải không anh?

Người luật sư trẻ ngỡ tôi đang lo sợ lắm, nên anh  xua tay trấn an:

- Không sao đâu! Nếu qua pháp y có bằng chứng ngoại phạm tôi sẽ minh oan cho chị.

 

Từ “nếu” thoát khỏi cổ họng một cách khó khăn. Tôi biết nó chỉ dừng lại ở 1% hi vọng. Vạn nhất “nếu” mọi sự sáng tỏ, tôi chỉ trắng án tội giết người. Còn vết nhơ ngoại tình thì không gì có thể khoả lấp được.

 

Người luật sư bỏ đi. Nỗi cô đơn trống trải lại bao trùm lấy tôi như bao giờ. Biết sao được. Tôi chỉ là một người đàn bà bình thường như bao người đàn bà khác trên đời. Làm sao tôi có thể bơ vơ giữa sa mạc, một mình chống chọi với cơn khát mà không phạm tội?

 

Ở đây đồ vật đơn sơ lạ. Bốn phía kín như bưng. Sàn nhà giá lạnh. Chỉ độc một chiếc ghế đẩu nằm lăn lóc trong phòng. Tôi đứng dậy, nhón người nhìn qua chấn song sắt. Ngoài kia là mảng trời xanh quen thuộc. Tôi còn thấy cả những mái nhà lô nhô, xa xa và phía dưới là sự sống với những chiếc xe đang lăn bánh, dòng người qua lại rộn rịp. Tôi cố căng mắt để nhìn một cặp trai gái đang đi bên nhau. Cô gái che chiếc dù màu sặc sỡ, còn chàng trai thì choàng tay qua vai người bạn. Đẹp thật! Tôi quay người lại. Đón lấy tôi là bốn bức tường màu xám đục. Và bất ngờ, chính trong lúc đó, tôi nhận ra mình đã chờ đón kết thúc như thế này từ lâu lắm rồi…

Phạm Thanh Phúc
Số lần đọc: 2727
Ngày đăng: 27.07.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chim sẻ đã bay đi - Nguyễn Mỹ Nữ
Đêm không có mặt trời - Sâm Thương
Về làng - Minh Tứ
Về Tuy Hòa - Nguyễn Lệ Uyên
Quà Trung thu của ba - Mang Viên Long
Quán chiều, rượu – dé đắng môi - Nguyễn Mỹ Nữ
Hạt cát dưới đáy cuộc đời! - Trần Huy Thuận
Chuyện nghe được trong ca trực - Phạm Thanh Phúc
Con gái - Trần Trung Sáng
Bèo dạt, hoa trôi … - Mang Viên Long