Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.272
123.157.740
 
Bậu cửa nhà mình
Quỳnh Linh

Xuân xanh non rón rén từng hạt mưa. Mẹ đưa tấm áo bông chần khẽ nhắc: Mặc vào đi con. Sao sớm vậy mẹ? Mới rét nhẹ mà. Xuân đến bậu cửa rồi đấy. Nhẹ ngọt thế mà giá buốt lúc nào không hay đâu con.

 

Mẹ vẫn còn nói thế. Thời bây giờ có ai làm bậu cửa nữa. Cái cũ qua rồi ! Thế sao bây giờ thanh niên quay trở lại diện mốt áo bông chần? Cái loại áo thời bà từng ước mơ. Thời mẹ anh cho là sang trọng. Thời anh coi đồ tẩm, sản phẩm của bao cấp. Còn thời con anh, nú lại nghĩ rằng sành điệu, đồ “zin”.

 

Im lặng. Mẹ ngẩn nhìn con mà như thể thấy gì phía sau con. Một ô cửa sổ? Cọng khoảng trời xanh? Thuở khuôn mặt con bầu bĩnh, lấp lánh ánh mắt trong, con cứ lon ton chạy là mẹ lại đi theo, để đôi lúc bất chợt lao tới giữ rịt con lại. Thường thì trước cái bậu cửa bằng gỗ bạc sơn mà nâu bóng dấu thời gian, đời người.

 

Chỉ có mấy chục phân bậu cửa mà con đã phải cố gắng dường nào để biết dừng, hiểu cách qua nó. Và mẹ thường xuất hiện đúng lúc bên con trước cái ngưỡng tưởng chừng bé nhỏ ấy.

 

Bước qua rồi mới thấy, đời người có bao chặng đường trải dài vô tận dưới chân ta, ai nhảng qua, ai đi đến tận cùng? Không ai có thể định trước, nhưng nhìn lại, thấy tồn tại quá rõ, thấy có lúc đã cố vượt cho được mà rồi mỗi lần qua vẫn thả bước như không. Quen thuộc quá thành ra hờ hững.

*

Nhưng nếu, một mái nhà không được hạ xuống, một nóc mới không được cất lên, bậu cửa vẫn ở đó.

 

Bậu cửa nhà mình, con bấu đến đỏ cả tay, lẫm chẫm cho tới ngày biết đi. Bậu cửa nhà mình, cái giới hạn quá sức cho con cố trèo qua lúc mới tập ăn cơm nát. Con từng khao khát được mẹ nhấc qua bậu cửa vào nhà vì những nỗi sợ rất vu vơ thủa nhỏ.

 

Có lần, vắng mẹ, con đã chạy oà về ôm lấy bậu cửa, tìm cách lăn cả người qua khi lá khô theo bóng nắng đột nhiên rơi đầy hiên nhà. Qua bậu cửa, vào nhà mình, con như được nằm trong vòng tay mẹ cha. Êm ấm, bình an.

 

Thủa nào xa, con cùng lũ bạn ào vào nhà, la gọi mẹ ầm ĩ: Khát, chúng con khát, đói lắm mẹ ơi. Mẹ bưng cả rổ ngô mà có lúc con đã nghĩ mẹ rang từ những giọt mồ hôi lăn theo tiếng cười, chìm giấu giữa cuộc đời bao dòng nước mắt. Lũ chúng con, dựa, ngồi, bấu chật khuôn cửa, trông dáng mẹ ngồi trên bậu cửa bốc từng nắm đẫy ngô chia đủ như một bà tiên.

Rồi có lúc, một mình lẩn mẩn, mải miết khắc vẽ hình mẹ cha lên bậu cửa, vô tư đan cùng thoáng hoa dại chợt thấy bên đường. Vẩn vơ tìm những nét vẽ đầu tiên của bức tranh Đợi có những người phụ nữ như bà như mẹ cắt ngang bậu cửa. Họ nhấn điểm sáng cho mỗi ngôi nhà có những người đàn ông đi ngăn tro máu chiến tranh.

Bậu cửa - thử thách đầu đời nhiều khi thành nơi con thể hiện tình cảm, ước mơ, tài hoa mà phần nhiều không bao giờ trở thành hiện thực. Nhưng cho con lớn khôn, biết nhìn khi bước.

 

*

Tuổi trưởng thành đã có lúc con ước, giá mình được quay lại những ngày hai cẳng chân thường xuyên bầm tím vì đểnh đoảng mỗi khi qua bậu cửa. Ngày tóc màu trăng, con cũng không bỏ được thói quen lấy ngón tay trỏ mân mê từng vết bầm tím - những dấu ấn nhạt dần theo sự trưởng thành của con.

 

Ngày tóc màu trăng con mong trở về với ngôi nhà cũ, ngắm mẹ ngồi rẽ tóc cho bà bên bậu cửa. Chả nhổ sợi tóc sâu nào mẹ vẫn rẽ đều tay. Con thắc mắc, mẹ trỏ ngón tay giữa trán, ngốc chi mà, bà có tuổi rồi, sợi nào bạc cũng bỏ thì hết tóc sao.

 

Bà ngủ lúc nào không hay, ngả đầu lên đùi mẹ. Tin cậy, bà dựa vào lòng người mình đã chọn dắt qua bậu cửa, đến ban thờ làm lễ nhận dâu. Bố đứng run trong hạnh phúc đón phút giây bà vẫy cho qua bậu cửa nhà mình bước vào cuộc đời mới.

 

Bậu cửa - ranh giới của gia đình và xã hội, giới hạn của sự bình an mỗi con người, bà dạy mẹ mà ngày ấy con chưa tỏ. Chỉ nghĩ một nhảng thôi qua bậu cửa thô mộc, bàn chân con đang nóng rẫy đã được luồng mát lạnh ngấm từ chân lên người. Lắng, nguôi những oi bức, vất vả ngoài đời.

 

Mẹ cứ mắng, tại sao con hễ chạy về đến thềm, thì y như rằng quăng dép, đu người, nhấn bàn chân trần lên bậu cửa rồi mới thả khựng người vào trong. Có lần con khù khăng, mẹ nói, mẹ không mắng chuyện đi đất mà mắng cái cách con thả dép trước bậu cửa nhà mình.

Một lần, con đã đi chân trần ra khỏi bậu cửa mà không tài nào nhớ nổi mình thả dép ở đâu, và mẹ cũng không còn mắng con nữa. ấy là bữa ông đi ra mà không tự nhảng qua bậu cửa. Con mặt  nhoè nước, hai bàn tay nhỏ nhoi cố bấu một đầu áo quan, chần chừ, níu, mắt nhìn như đóng đinh vào bậu cửa, làm ai đó hét tướng lên: Ai đấy, bước đều đi cho xuôi ma. Khênh áo quan chớ có lừng chừng.

 

Con bước như trôi, nhưng không nhớ nổi bằng cách nào đã qua được cái bậu cửa, khi lần đầu tiên mong nó ở xa, xa thêm một chút, một chút nữa mà bất lực. Chỉ một nhảng thôi, căn nhà đã lùi lại. Ông vĩnh viễn trở về với điểm bắt đầu.

 

Hư không, nơi bà từng nói ở đó con người thoát khỏi tất cả các ràng buộc, tự do, vô tận chẳng có giới hạn nào. Tuy nhiên con biết, bà với mẹ sau những khoảnh khắc nghĩ về những điều vô cùng ấy vẫn không thôi thẫn thờ trước khoảng đất lõm trước bậu cửa nhà mình. Nơi ấy, có dấu chân trước dấu chân sau. Bà thầm thì: dấu chân sâu của ông, dấu chân rộng của cha. Mẹ thêm: dấu chân thon của bà. Con hỏi, dấu chân của con đâu? Bà nhìn ra cửa: ở giữa dấu chân ông, bà, cha, mẹ đó. Ai đi rồi cũng để lại dấu hết.

 

Bên bậu cửa, mỗi chiều hôm, thay vì nhắc đến ông mẹ nói nhiều đến cha. Khéo léo mẹ cất nỗi trống vắng, vá nỗi buồn cho bà bằng hy vọng ngày mai.

 

*

Ngoài sân, vết nắng in thưa dần theo từng đợt lá thay. Chỉ không thôi rỡ ràng cho mắt bà lâu loà chờ ngày cha trở lại. Rồi cha trở về sau khói đạn chiến tranh. Cái bậu cửa thành ra quá cao. Mỗi lần qua, cha phải khó khăn lắm mới cho được hai cái nạng đi trước, rồi vất vả đu người vào. Mẹ bảo: để em gọi thợ mộc đến cưa bỏ cái bậu cửa cho mình dễ vào ra. Nhưng bố lắc đầu: Đừng, cái bậu cửa này không phải chỉ cho tôi...

 

Ngày tháng trôi, mẹ và con quen dần dáng bố ngồi trên bậu cửa. Một ống quần thõng rơi, bệt xuống đất, một ống vắt xẹp trên bậu cửa. Tay chống vào ống điếu, bố ngửa mặt mơ màng. Sau cắm cúi cạp cái rổ cho mẹ. Hàn quai dép đứt cho con. Tiếng sáo môi cất lên. Chiếc nạng gỗ gác một bên. Ngoài giếng, mẹ thả rơi gầu lúc nào không biết.

 

Từ bậu cửa, cạnh những vết lõm ngang, cha tự tin rời khoảng trời riêng ra với thế giới, khi thì thừa mà lúc thì thiếu thế.  Nơi giới hạn của chính mình cha tìm thấy những khoảnh khắc vô biên.

Giờ nhà cửa hiện đại, cốt gạch, nền men, chả ai còn làm bậu cửa. Nhà mình cũng thế. Nhưng bà vẫn không quên kể “cái bậu cửa nhà mình...” trong câu chuyện không bao giờ hết về ngày xửa xưa:

 

“Này, cái bậu cửa nhà mình, mới là đẹp lắm, vuông thành, tròn cạnh. Chẳng bao giờ ông bà để mạng nhện chăng. Ông đi hằng tuần tìm chọn lũa gỗ mịn nhất, thơm nhất để làm nó đấy. Ngày có gió, có nắng, mùi gỗ xông lên ùa vào nhà cứ là hơn thứ nước hoa xịt phòng của chúng bay bây giờ. Giữa lúc ấy, thằng cha mày nó chạy từ đâu về, nhảy bụp lên bậu cửa, giơ tay huơ huơ tờ giấy, mà vì nó lũ em bay chậm ra đời có dễ chục năm đó. Ôi chao nó ngả người vào nhà làm bà sợ quá, chạy xô tới, đỡ vội. Nó liền nhảy xuống, doe miệng cười nhấc bổng bà lên: Con lớn rồi mẹ ơi. Không đi bộ đội thì chắc là không lớn?” Bà cười đấy mà lại khóc ngay.  “Nó xin đi. Nó nhảng qua bậu cửa. Ra vẻ dứt khoát, sau lại thần người, đứng ngó trân trân vào nhà.”

 

Một nhảng thôi để được trở che trong căn nhà của mẹ mà con không bước nổi. Con phải vùng lên chạy đi vì sợ mình không xa nổi mẹ, xa cái bậu cửa nhà mình. Mẹ ơi con sẽ về. Và chỉ một nhảng thôi, con sẽ lại trở về bé nhỏ, chìa bàn tay chờ mẹ xới cơm. Không biết mẹ phải cố gắng lọc từng hạt cơm bám vào những mẩu sắn độn, nên con từng trễ nải làm rơi vì không nhìn vào tay mà lại nhìn vào mắt mẹ, thuở nào.” Cha mày viết thư về cho bà như vậy đấy. Nhưng mãi nó mới về, cho mẹ mày hõm cả người vì mong.  Bà lại cười khóc như không, và vẫn nói “tao nhớ cái bậu cửa năm nảo, năm nào.”

 

Mẹ bảo, ngày mẹ mới về làm dâu, bà chỉ nhắc mỗi nhà có một cái bậu cửa, đến trước nó tự khắc mỗi người chỉnh cách đi, cách bước, con cũng thế, đừng để vấp ngã.

 

Mẹ theo bà tự xác định cho mình một cách ứng xử, làm những điều nên và được làm, tránh những gì không được phép và không tự cho phép...Người người như nhau, phải tự biết và có cái ngưỡng của mình.

 

*

Có chính bởi ngày xưa nhà ai cũng đóng bậu cửa nên chẳng nhiều người làm dại làm liều, phá ẩu, quá ngưỡng đến hồn nhiên như hôm nay?.

 

Thời này, muốn thấy, con phải lang thang nơi chốn chùa cũ. Còn chùa xây sửa, bôi xanh đỏ, chầu hẫu mấy đầu sư tử, chó xi măng quệt quạt nham nhở, ngỡ chốn chợ hơn chùa, thì cũng không còn bậu cửa nữa. Trơn tuột, ngỡ nhẹ tênh. Cả người vào ra, và người bám bíu, ăn theo bát nhang, gác chuông...

 

Mưa xuân buông êm. Cho lòng thêm thèm được trở về ngôi nhà mình cũ, có dáng mẹ ngồi dựa cửa. Thèm được bấu lấy tay, lặng ngắm, xót xa theo những giọt nước mắt lăn xuống khoé miệng mẹ cười. Người phải trông đợi nhiều thường dễ khóc cười thì phải. Thèm lại được nghe mẹ nhắc: Cẩn thận. Bậu cửa đấy con!

 

Mẹ nhìn cái cách con nhảng qua bậu cửa mà lo toan. Con vô tình đánh rơi thời gian của mẹ nơi bậu cửa. Còn nhiều khó khăn, chưa vội mừng. Sao mẹ biết? Yêu rồi phải không? Sao mẹ hay? Đường phải đi chớ tính trở về. Sao mẹ nhắc vậy? Nhìn cách cách con bệt xuống bậu cửa mà xem. Đời sợ nhất là làm tổn thương nhau. Sao mẹ lo thế? Đừng, nhé! Mỗi lần về là một lần nghe mẹ dặn. Sao ư con? Nhìn bước chân con qua bậu cửa là mẹ biết thế nào rồi. Thôi, nói mẹ nghe chuyến này hai đứa...Ra gọi nó vào đi...Trời sao mẹ đoán được? Buông lời vậy nhưng con ù chạy ra ngay, không kịp nghe nhưng kịp đoán thể nào mẹ cũng bảo: Cái cách con qua bậu cửa nhà mình, cũn...

 

Rối đôi chân con dắt vội bạn vào... Mẹ đưa mắt nhìn con, khẽ gật đầu như khắc thêm một dáng người nối bước mẹ qua bậu cửa  nay mai.

 

Sau những ngày dài nhung nhớ và chín chắn qua trải nghiệm cuộc sống, chúng con đã nên vợ nên chồng. Như bao lứa đôi theo nhịp sống hiện đại chúng con xin ra ở riêng. Mẹ gật đầu nhìn theo hút bóng.

 

Đầy hy vọng và khát khao tạo lập, chúng con đã biến ước mơ thành hiện thực mà chưa nghĩ đến việc dựng cho căn nhà của mình một bậu cửa. Hay tại con đã quá quen bậu cửa cũ, và suốt tuổi thơ cũng chưa bao giờ ước mơ một điều giản dị như nơi nghỉ trên bậu cửa nhà mình để lớn lên rồi lơ đễnh, núi hồn nhiờn.

Cho tới khi con nhận ra sự thiếu hụt thì cô ấy đã kịp nhảng bước ra xa, không phải qua một cái bậu cửa mà đường biên của nhiều quốc gia, trông đợi lối sống lạ. Tình yêu mới mở đầu cho sự đổi thay đó và muốn con mình cũng có thể lớn lên trong điều kiện như thế.

 

Có thể cô ấy đã sợ chính tuổi thơ của mình. Nếu cho vợ con sống lại, cô ấy có bước qua bậu cửa nhà mình, hay vẫn giật mình mỗi khi nó hiện về trong giấc mơ nơi đất khách như có lần viết thư về kể? Thậm chí cô ấy còn coi đó như một minh chứng cho sự trống trải rất cần sự bù đắp của mình và gợi sự tha thứ của con, mong được đồng ý cho đứa con gái duy nhất theo mẹ sang đó.

 

Con đắn đo trước quyết định không đồng ý để lại dễ dàng gật đầu khi cô ấy lừa rằng, thế thì cho con nó du lịch một chuyến thôi vậy. Con đâu nghĩ cô ấy muốn tạo dựng thế dựa cho bản thân bắt đầu từ cuộc hôn nhân mới của mình và của con trong tương lai với người bản địa. Cô ấy bảo ở xứ lạ may ra chỉ có thể tin được con mình tự đẻ, chứ ngoài ra thì được ngày nào hay ngày ấy. Như vậy nên cô ấy đã mang con sang cầu cho mình điểm tựa để tin để sống?

 

Cô ấy thiếu mà con quá thừa niềm tin đến độ bỗng thành người khờ khạo, nhìn ngày đang qua mà ước trở lại thời xa xưa. Tất cả không phải chuyện cổ tích hay trong cỗ máy thời gian, cùng chiếc nhẫn có khả năng làm lại mọi điều của trí tưởng tượng. Không thể chỉ bằng một vòng xoay, không thể chỉ cần nhấn nút có thể lấy lại, trở về cái thời đã trôi, những điều đã mất. Dẫu vậy, con vẫn tin từ chính sự hồn nhiên lẫn giữa ngốc ngếch của mình. Nên con cho rằng không thể bập bập lấy lại hay xoá đi bước nhảng đã qua bậu cửa nhưng có thể quay đầu bước trở về. Bậu cửa làm ngưỡng để ra cũng là giới hạn dẫn lối và cho thấy mình đã vào.

*

Thời xưa, cửa hẹp bậu cao, ít đóng. Thời nay cửa rộng, không ngưỡng, ít mở. Mẹ nói khi thôi ngó ra ngoài sân. Thì bây giờ là thời của phương tiện mà mẹ. Cái bậu cửa không khéo hoá thành trở ngại. Đơn cử cái xe máy thôi, mẹ bảo dắt làm sao..Mẹ nhao lại, bực bội nhìn con. Ý con bảo, thời của phương tiện, nên người ta có thể vuốt bỏ tất cả, vượt mọi ngưỡng, để có thể dễ dàng lấy nhau làm phương tiện phải không? Không, không mẹ ạ. Nhưng sẽ đến lúc người ta phải lấy nhau, lấy từ cuộc đời nhau làm cái giới hạn, cái ngưỡng cho mình mẹ nhỉ.

 

Ấy là cứ nghĩ gần xa, còn đời lúc nào chả vậy. Thực thì nó vẫn ở trong đầu mỗi người và hình thành tồn tại đôi khi rất vô thức, giữ bình yên cho từng gia đình. Bà đón miếng trầu mẹ vừa mới têm bỏ gọn vào miệng nói như tiếng gió lùa.

 

Mẹ đóng cửa đi vào. Chả biết mẹ con chúng nó giờ này, bên xứ tuyết ấy, có biết rằng sắp tết hay không. Qua bậu cửa rồi, mẹ cũng đâu giữ được cho con. Con ngỡ ngàng, nãy giờ con mơ mãi về mình, với những kỷ niệm, còn mẹ, bao năm vẫn thế, đắm đuối cho con. Mẹ sợ cái lạnh trong lòng và giới hạn chịu đựng của con.

Con nói nhanh, như cố gỡ lại từng khắc thời gian: Còn chưa giao thừa mà, mẹ con cô ấy sẽ trở về.

 

Bà mân mê cái áo bông trần: Tự nhiên lại giận chuyện không đâu. Mặc áo vào đã! Bậu cửa - nếp nhà, thời nào vẫn có. Nghĩ gì cho xa xôi...

Quỳnh Linh
Số lần đọc: 3909
Ngày đăng: 27.07.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
bên cạnh vấn đề - Khaly Chàm
gái – ghế – ghệ trong nỗi buồn thơ Đương Đại - Chu Vương Miện
Nói rõ thêm vài điểm trong bài “Người về phía bên kia núi” của Lê Huy Mậu - Trần Đức Tiến
Vài giòng về Mường Mán (*) - Ngụy Ngữ
Hàn Mặc Tử - hồn trăng trong mùa nhớ - Trần Ngọc Tuấn
Đám cưới em họ - Hội An
Chọn hướng xây nhà - Trần Huy Thuận
Bà Bắc - Nguyễn Mỹ Nữ
Bầu bán! - Trần Huy Thuận
Bích Khê - trong mùa trăng tượng trưng - Trần Ngọc Tuấn
Cùng một tác giả
Cái chết biện minh (truyện ngắn)
Đổi đời (truyện ngắn)
Ô cửa hổng (truyện ngắn)
Ô cửa hổng (truyện ngắn)
Nếm người (truyện ngắn)