Đến ở trọ nhà Huệ một tuần lễ sau, tôi mới “để ý” tới cái khung cửa sổ của căn nhà bên kia bờ rào. Nói là “để ý” là sau một tuần, chứ thật ra, tôi đã “thấy” nó từ lúc ngồi vào bàn làm việc trong buổi chiều đầu tiên, vì cửa sổ phòng tôi mở ra vườn đối diện với nó.
Đó là một khung cửa sổ khá lớn ; hai cánh và chấn song sắt ngang, đều sơn mầu xanh nước biển. Tấm màn mỏng che khuất nửa dưới có mầu xanh da trời. Một khung cửa không có gì lạ hơn so với những cửa sổ khác.
Giữa khung cửa sổ và bờ rào rộng khoảng hơn ba mét ấy, là một giàn hoa ; có những sợi dây hoa mầu tím nhạt thõng xuống, lủng lẳng, giống như những dây đèn hoa treo trong ngày lễ hội.
Tôi chỉ thấy có thế.
Một buổi sớm mai, đang ngồi viết tiếp đoạn cuối thiên phóng sự ngắn về “Vùng quê bên kia đèo Núi Đó”, kịp ghé tòa soạn đưa cho Ngọc khi lên trường; thì tiếng nhạc từ bên kia cửa sổ đột nhiên vang dội “say you will, say you witt be mine, I just keep missing you to night…”; tiếng nhạc ầm vang, ồn ào. Tôi bỏ bút xuống, nhìn chăm chăm vào khung cửa sổ có ánh điện sáng; tức thì nghe những tiếng cười khanh khách vang lên, rất thích thú.
Tôi ngồi yên, đốt một điếu thuốc, thấy không cần viết tiếp nữa ; lắng nghe bản nhạc. Tiếng hát khỏe khoắn, réo gọi, tha thiết vang rền, gợi trong tôi bao xúc cảm sâu lắng, “won’t you be my guilding light, lead the way to be by your side, won’t you be…”. Tôi chợt nhớ Thu Hương lạ lùng. Giờ nầy nàng đang làm gì ở cái tỉnh cuối miền đất nước xa xôi ấy ; đang cặm cụi trong một phòng thí nghiệm bào chế, hay đang loay hoay trong một hiệu thuốc tây ở Sài Gòn? Những ngày còn là sinh viên, chính Thu Hương đã cho tôi nghe bài nầy đầu tiên; chép lời dạy cho tôi hát: “I need you than a moon light, say you will…”.
Khoảng vài phút sau, tiếng vang dội của âm thanh, tiếng hát Henry Trúc, bỗng lại lắng xuống, nhỏ dần, nhỏ dần. Tôi nhìn thấy vài ba cái đầu tóc xõa nhô lên từ sau bức rèm cửa. Tiếng cười vang lên, rộn rã, hồn nhiên.
Từ buổi sáng sớm hôm ấy, lời réo gọi “say you will”; mỗi lần trở về phòng, ngồi vào bàn, là tôi nhìn vào khung cửa sổ ấy. Tôi nhìn nó, như một hình ảnh thân quen; có lúc rất chăm chú như xem một bức tranh đẹp: Đó là môt tấm tranh lớn, vẽ những chùm dây hoa mầu tím nhạt, sáu cánh, nhụy vàng; thả xuống từ đám lá hình bầu tròn mầu xanh ; phía sau nền là một khung cửa sổ lớn mầu xanh da trời…
Tôi vừa qua một ngày dạy đến bảy tiết, cảm thấy thấm mệt, muốn ở ngoài vườn một chút cho mát. Tôi thầm phục Quảng, từ sáng đến tối,- không kể là ngày chủ nhật, bao giờ cũng có lớp dạy. Quảng thuộc lớp “đàn anh”- đã có vợ con, nhưng sức dạy của anh phải nói là vô địch trong thị xã nầy. Anh dạy Toán, được nhiều lớp học sinh luyện thi vào đại học khen hay, có nhiệt tình, có nhiều học sinh thi đỗ ; khiến anh thêm mệt. Ốm đi. Tôi thầm nghĩ: “Có lẽ vì mới ra trường, chưa có khả năng chịu đựng, làm quen, hay là mình chưa có những cái “kẹt” như Quảng đã tâm sự?”. Muốn dạy một tháng có trên một triệu rưởi đồng, thì cũng phải bể mình, bỏ ăn. Phờ phạc râu tóc. Cái nghề mà thuở xưa gọi là “bán cháo phổi” ấy quả thật khó mà dư dả, giầu có được. “Hai lá phổi có to lắm đâu mà bán hoài không mất?” – Quảng đã kêu lên như thế.
Đang đi thơ thẩn bên này bờ rào, tôi thấy một cô gái mặc áo dài trắng dắt xe đạp vào cổng, đi dưới hàng hoa tím. Những dây hoa sà xuống, đụng vào mái tóc, nên cô ta hơi cúi đầu thấp. Hay cô bé cũng đã nhìn thấy tôi?
- Cô bé, cho anh hỏi thăm một chút – tôi gọi tự nhiên qua bờ rào cây duối cắt gọn, giọng thân mật. Nhìn thấy mầu đỏ của tấm huy hiệu tên trường, tôi biết được cô bé đang học lớp mười hai, trường Nguyễn Huệ.
Cô ta dừng bước, đầu hơi quay lại; chiếc nón cầm ở tay trước guidon xe chợt rơi xuống.
- Chú hỏi ai? – Giọng cô bé rất khẽ.
-Tôi hỏi cô bé…
- Hỏi tôi? – Cô ta lộ vẻ ngạc nhiên, bối rối thực sự.
- Chứ còn hỏi ai nữa? – Tôi cười.
Im lặng, tôi thấy cô ta dùng dằng, nửa muốn bước vào sân sau nhà, nửa không đi được.
-Nhìn thấy mấy dây hoa đẹp quá, lạ quá, nhưng tôi không biết tên gì. Tôi có hỏi anh chị Huệ, nhưng cả hai cũng không biết. Cô cho tôi biết tên được không?
Cô bé chợt cười, để lộ chiếc răng khểnh chưa kịp dấu. Nụ cười đã hết nỗi e dè và hồn nhiên lạ lùng.
- Hoa Cát Đằng ấy mà, có gì mà đẹp đâu?
- Với cô có thể là như vậy, nhưng riêng tôi, tôi được biết lần đầu…
Cô bé cúi xuống nhặt nón lên, chớm bước đi, nhưng tôi gọi lại :
- Này, cô bé…
- Chú hỏi gì nữa à?
- Dĩ nhiên là chưa hết…
- Chú muốn hỏi…
- Cô cho tôi biết thêm hoa “Cát Đằng” – chữ “Cát” là C hay T?
- Chữ T – Cô ta che miệng cười, nhưng lần này tôi lại thấy chiếc răng khểnh rất rõ.
Tiếng nhạc từ bên kia cửa sổ thường êm dịu vang vang những tình khúc quen thuộc, trong đó có “I can I get You out of my mind, Baby no matter just how hard I try…” ; từ sáng sớm tới trưa, hay chiều tối. Tôi biết được trong những giờ ấy “Cát Đằng” đang ngồi cặm cụi học bài. Cô bé có lần bảo, đã có thói quen nghe nhạc – nho nhỏ thôi, để học bài. Cô ta bảo học như thế lại rất dễ thuộc, nhớ dai ; cảm thấy vui vui, ít mệt.
Tôi thật sự không biết điều Cát Đằng nói đúng hay sai; cái thời dùi mài kinh sử khổ nhọc của tôi cũng đã đi qua; nhưng tôi biết rõ một điều: Tôi cũng cảm thấy vui vui khi ngồi vào bàn viết mà được nghe tiếng nhạc êm ái từ bên kia giàn hoa Cát Đằng vọng sang – nhất là “say you will, say you will be mine…”
Năm ấy Cát Đằng thi đậu vào trường Đại học Ngoại thương; gia đình có tổ chức một bữa tiệc để cô bé từ giã thầy cô, bạn học cũ, những người thân. Tôi được Cát Đằng – lần đầu tiên, quẳng qua bên nầy bờ rào một tấm giấy. Tờ thư mời có nội dung như thế này: “…Nếu anh còn cảm thấy hoa Cát Đằng đáng nhớ, thì lúc 7 giờ tối nay, xin mời anh sang nhà, dự bữa tiệc thân mật với gia đình. Còn nếu đã quên, thì xin tùy anh.”
Tôi chỉ chờ có thế. Dĩ nhiên là tôi không thể nào dễ quên những dây hoa Cát Đằng những sáng sớm hay những buổi chiều tà, đứng bên nầy rào ngắm nhìn nó để mỗi ngày càng tìm thấy ở trong những dây hoa mầu tím kia có cả niềm vui và nguồn hy vọng của mình.
Tôi đã có mặt sớm hơn giờ quy định một chút. Để được gặp riêng Cát Đằng trước lúc nàng đi xa. Để phụ giúp gia đình nàng một tay bày biện gian phòng khách. Để nói đôi câu với đàn em gái nhỏng nhảnh ưa chọc phá. Và cũng để được ghé mắt nhìn kỹ căn phòng riêng của nàng sau khung cửa sổ mà bấy lâu tôi chỉ được thấy qua tấm màn che mầu xanh và các chấn song sắt…
Tôi thấy Cát Đằng ít nói cười hơn mọi ngày khi trông thấy tôi bên nầy bờ rào. Nàng như có vẻ trễ nải, mỏi mệt, và im lặng khó hiểu. Vì vừa mới trải qua môt mùa thi khổ nhọc, hay là nàng cũng cảm thấy buồn như tôi? Tôi tìm dịp gợi chuyện với Cát Đằng nhưng nàng chỉ chăm chú nghe, mà không đáp. Có lúc đôi mắt nàng như lấp lánh sáng – tựa hai giọt sương lạnh lẽo buổi sớm…
Bữa tiệc đang vui, mọi người thay nhau chúc mừng, thì cô bé lại ngập ngừng cúi đầu. Nàng đưa khăn tay che lấy miệng, như cố giữ lại tiếng nấc nghẹn ngào. Nhưng làm sao có thể ngăn được những dòng nước mắt đã tích tụ, đã tràn đầy bấy lâu? Làm sao cái âm thanh dễ vỡ kia có thể dìm lắng xuống trong tâm hồn trong trắng yếu mềm.
Cát Đằng đã khóc. Khóc sướt mướt. Như đã từ lâu rồi, nàng chưa được khóc bao giờ. Chưa một lần được nếm trải những giọt nước mặn nồng từ đôi mắt thơ ngây chảy xuống thành giòng…
Nhìn nàng, tôi có cảm tưởng, chính nàng đang uống cạn những giọt nước mặn nồng tình nghĩa kia, để hiểu ra lòng mình. Tôi ngồi im lặng. Tôi dần dần bị những giọt nước mắt nàng quyến rũ, bởi vì trong tôi cũng đang có một nỗi trống trải xao xuyến khi nghĩ vẫn nhìn thấy giàn hoa Cát Đằng ngoài cửa sổ mà người thì đã đi xa…
Tôi cố ý về muộn. Cô bé tiễn tôi ra đến ngõ. Anh trăng mười bốn đang sáng vằng vặc trên những chậu hoa, hàng cây bạc hà, từng tàn bóng lá xanh rậm trong sân vườn. Tôi cầm lấy cả hai bàn tay cô bé, đưa lên môi hôn. Cát Đằng im lặng. Giữ nguyên. Nàng nhỏ nhắn, dịu hiền, như một cô em gái lạc lõng. Tôi cảm thấy Cát Đằng không muốn rời tay tôi chút nào. Đồng thời, tôi cũng chợt nhận ra, đôi tay nàng như mềm nhũn, rã tan trong tay tôi. Đôi tay mầu nhiệm ấy đã truyền vào trong tôi bao nỗi xúc cảm tuyệt vời…
- Cát Đằng đừng buồn. Bắt đầu từ ngày mai, anh sẽ nhìn hoa mà nhớ em. Ngoài cửa sổ phòng anh chỉ có những dây hoa mầu tím ấy…
Tôi chia tay nàng ở đầu ngõ. Bước đi, mà tôi vẫn còn thấy Cát Đằng đưa tay lên lau vội những giọt nước mắt.