Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.278
123.158.726
 
“Khai song” và cõi lòng đầy trắc ẩn của Nguyễn Du
Võ Phúc Châu

1. Truyện Kiều là phần tinh hoa phát tiết của đại thi hào Nguyễn Du. Một thời gian dài, ta tưởng chừng chỉ cần Truyện Kiều, thêm nữa là Văn chiêu hồn, Nguyễn Du đã đủ sừng sững và thành pha lê trong suốt, qua sự ngưỡng mộ và thấu hiểu của người đọc. Nhưng kỳ thực, Nguyễn Du vẫn còn phần ngọc trong đá, từng bị chôn vùi trong cát bụi thời gian và sự hững hờ của người đọc. Đó chính là phần thơ chữ Hán. Nó như phần nhật thực của một tâm hồn cô đơn suốt hai thế kỷ. Nó kết tinh nguyên chất những tư tưởng lớn, tài năng kiệt xuất, vượt tầm thời đại của một nhà nhân văn chủ nghĩa. Ngày nay, thơ chữ Hán Nguyễn Du đang được tìm hiểu, được nghiên cứu có hệ thống, đã phát lộ phần ngọc quý. Góp phần lau sáng chuỗi ngọc đó chính là các nhà nghiên cứu văn học, dưới góc độ thi pháp. Soi rọi tác phẩm từ góc độ này, người đọc từng bước khám phá được tầng sâu nỗi niềm, tầm cao tư tưởng của đại thi hào dân tộc.

 

Học tập người đi trước, bằng khả năng có hạn, chúng tôi xin được phân tích một trong số di sản thơ chữ Hán của Nguyễn Du, bài thơ Khai song:

 

“Môn tiền yên cảnh cận như hà,

Nhàn nhật khai song sinh ý đa.

Lục nguyệt bồi phong bằng tỉ địa,

Nhất đình tích vũ nghỉ di oa.

Thanh chiên cựu vật khổ trân tích,

Bạch phát hùng tâm không đốt ta.

Tái bệnh thượng tu điều nhiếp lực,

Bất tri thu tứ đáo thùy gia.”

 

Dịch nghĩa:

 “Cảnh khói mây trước cửa gần đây không biết thế nào?

Ngày nhàn mở cửa sổ thấy nhiều sinh ý.

Sáu tháng liền chim bằng cỡi gió lớn mà đổi chỗ,

Nước mưa đầy sân, kiến phải dời tổ.

Tấm nệm xanh là vật cũ, phải khó nhọc mà giữ gìn.

Tóc bạc rồi, dù còn có hùng tâm nhưng chỉ còn biết than thở.

Bệnh tái phát nên phải gắng sức điều trị,

Chẳng biết tứ thu đến nhà ai?”

 

 

2. Bài thơ lấy tựa đề Khai song, nghĩa là mở cửa sổ. Bản thân tựa đề đã gợi lên hai không gian: một mái che nhỏ hẹp và một đất trời mênh mông ngoài ô cửa. Nó cũng gợi lên hai quãng thời gian: trước và sau khi đóng cửa. Thông qua cánh cửa sổ đóng mở, lần lượt hiện lên chủ thể trữ tình – một Nguyễn Du đầy u uẩn, trong mối tương giao cùng vũ trụ. Theo quan niệm phương Đông, đối với căn nhà, cánh cửa luôn giữ phần trọng yếu. Nó là nơi liên thông, là trường giao cảm giữa con người với cuộc đời, giữa con người với vũ trụ. Ở đó, con người được gởi đi và thu nhận lại, mọi niềm vui, nỗi buồn, mọi tâm tư và ước vọng… Ngay cả, nó rộng hẹp, khép mở, hướng theo phương nào… đều tác động đến tâm tính, sự thịnh suy của người sống trong nhà. Căn nhà có sinh khí, vì thế, bao giờ cũng được mở rộng cửa, nhất là cửa sổ. Quan niệm đó đã đi vào thơ ca. Theo giáo sư Trần Đình Sử, do có sự tương thông giữa không gian con người với không gian vũ trụ nên trong thơ cổ, người ta miêu tả ngôi nhà bằng cái cửa, nó vừa mở vào thế giới con người, vừa mở vào vũ trụ[1].

 

Như nhiều tác phẩm trung đại, cánh cửa sổ trong thơ Nguyễn Du cũng được mở ra, thể hiện sự liên thông kỳ diệu này. Duy có điều lạ, thơ Nguyễn Du lại từng nhắc cảnh bế môn. Nhà thơ chủ động tạo ra một không gian cá nhân, một tiểu vũ trụ đầy bí ẩn, trong lòng đại vũ trụ mênh mông.

 

3. Ngay dòng thơ đầu tiên, hồn thơ Nguyễn Du đã hé lộ, với một nội tâm đầy mâu thuẫn:

Cảnh khói mây trước cửa gần đây không biết thế nào?”

Con người khát khao hướng ngoại ấy quả luôn vọng tưởng những điều lớn lao: cảnh khói mây trước cửa. Nghĩ đến cảnh khói mây cũng tức là trăn trở về vũ trụ, về sự biến đổi của không gian và sự chảy trôi của thời gian. Cảnh tượng ấy chẳng đâu xa, ngay trước cửa nhà mình, đang gợn lên trong tâm trí mình. Con người quan tâm cuộc đời đến thế, lại có khi, trở nên lạc lõng, ngơ ngác với cả mây khói ngoài kia, đành phải tự hỏi chính mình: gần đây không biết thế nào?

 

Thì ra, đã lâu, nhà thơ tuyệt giao với cuộc sống bên ngoài căn nhà, tự khép mình vào không gian mái che bé nhỏ. Tâm hồn ấy, chắc hẳn, đang mang một khối tâm sự đầy u uẩn, luôn muốn biết tất cả, nhưng tự cách ly mình với tất cả. Thật lạ, một nho sĩ dấn thân, từng mơ vung kiếm giữa trời xanh, từng ngược xuôi, am tường sáu cõi, vì sao phải chịu ẩn mình trong nhà, lại còn gài chặt luôn cửa sổ? Xưa nay, cuộc đời bao kẻ sĩ phong kiến, phần nhiều, đều dong ruổi theo chân trời góc biển, chỉ mong thỏa chí tang bồng. Nguyễn Du, bình sinh đã là kẻ sĩ như thế! Giả như, nay chán công danh, về ẩn dật, sao không như Ức Trai ngày xưa, cứ thong dong rừng trúc mà hóng mát, ngâm thơ; hay như Bạch Vân cư sĩ, dựng am, nằm cười thế sự. Cớ gì, nhà thơ phải lặng lẽ thu mình trong nỗi cô đơn, biệt lập đến thế?

 

Ngẫm ra, giữa thời đại “giông bão nổ trăm miền”[2], “đâu đâu cũng là sông Mịch La”[3], con người tìm đâu một góc bình yên mà vui thú lâm tuyền? Giấu mình trong gian nhà nhỏ, phải chăng, nhà thơ đang trốn chạy một cái gì ghê gớm bên ngoài cuộc đời? Hay đó là cách quay lưng, để không phải nhìn một cái gì chán chường, chua chát lắm? Hay cũng vì mặc cảm thiếu cơm rách áo hàng ngày, vì nỗi buồn đau bệnh triền miên, nhà thơ không muốn bắt gặp cái nhìn thương hại, mối từ tâm của bất cứ một ai?

 

Thực tế, suốt chặng đời long đong phiêu bạt, trong nhiều không gian mái che tạm bợ, biết bao lần nhà thơ đóng cửa. Cả cửa sổ cũng im ỉm đóng, ngay lúc xuân về:

 

“Đóng cửa không hay xuân sớm hay muộn

Đường lê hoa đã rụng tơi bời”

(Tạp ngâm)

 

Bởi, thiết tha mở cửa làm gì, khi ngoài kia, xuân đâu dành ánh sáng cho người nặng tình đời:

 

“Chỗ cửa sổ nhỏ mở chỉ thấy bóng liễu âm u”

(Xuân dạ)

 

Dẫu không được đời ưu ái nhưng tấm lòng thơ ấy vẫn thiết tha gắn bó với đời. Nhà thơ nhiều khi tự rơi vào mâu thuẫn, đã đóng cửa rồi, lại cố mở ra, chỉ vì không đành hờ hững với vầng trăng:

 

“Gắng dậy mở cửa sổ xem trăng sáng

Bóng râm lớp lớp không để lọt tia sáng nào”

(Ngẫu hứng)

 

Lần nầy cũng thế! Nỗi khát khao hòa nhập với đời đã giục giã nhà thơ mở cửa:

“Ngày nhàn mở cửa sổ thấy nhiều sinh ý.”

 

May mà có ngày nhàn nên cửa mới được mở ra. Nhưng không phải là cửa chính! Có lẽ, bởi chân người đâu muốn rời khỏi bậc thềm nhà, chưa muốn trở lại cuộc đời một kẻ sĩ dấn thân. Nó chỉ là cửa sổ thôi, chỉ là khoảng không bé nhỏ, đủ cho hồn người thôi khép kín, tạm gác những ngày tháng tuyệt giao cùng thế sự.

 

Lời thơ giản dị, tưởng mở hết nỗi niềm, ai ngờ, lại gói thêm bao ẩn ý. Hôm nay là ngày nhàn! Vậy, những ngày qua, nhà thơ bận bịu, ưu tư, trăn trở điều gì nặng nề lắm sao? Đã khép mình, khép lòng, xa lánh bao nhiêu rắc rối của đời, sao tâm hồn chẳng được an vui? Mở cửa sổ, chợt thấy nhiều sinh ý! Hóa ra, bấy lâu, cái không gian mái che bé nhỏ nầy chỉ chứa toàn ý tưởng buồn đau, u ám hay sao? May mà hôm nay, sinh ý đã tràn về, bao nhiêu nặng nề, u uẩn, dần như tan biến.

 

Vậy, nhà thơ đang thấy gì ngoài kia? Không phải mây khói của trời, cỏ cây của đất. Từ ô cửa vuông chật hẹp, của căn nhà và của cảnh đời tù túng, nhà thơ bất ngờ gặp được hình ảnh lớn lao, kỳ vĩ:

“Sáu tháng liền chim bằng cỡi gió lớn mà đổi chỗ”

 

Hình ảnh thật kiêu hùng! Nó chính là cánh chim bằng đã chở khí phách của Trang Tử ngày xưa: Chim bằng bay qua biển Nam, làm sóng nước nổi lên ba nghìn dặm, nương gió mà bay lên cao chín vạn dặm, bay sáu tháng liền mới nghỉ… Không có tầm nhìn vòi vọi, Nguyễn Du sao có thể gặp được cánh chim bằng của hàng nghìn năm trước? Không có khí phách ngất trời, Nguyễn Du sao có thể gặp được sinh ý, lại đồng điệu với một Trang Tử lừng lẫy bao đời? Dường như, chỉ cần giây phút rời bỏ con người lo âu, con người tráng chí trong Nguyễn Du liền trỗi dậy. Cánh chim bằng chính là biểu tượng đầy lãng mạn, kết tinh khí khách, khát vọng của đấng trượng phu chí lớn. Chẳng biết, Nguyễn Du đang vọng tưởng người anh hùng nào trong đời thực? Hay nó là hình ảnh, trong mơ ước, của chính nhà thơ? Rõ ràng, khi cửa sổ mở, Nguyễn Du đã thành chứng nhân cho một cuộc bể dâu, sững sờ nhận ra thời thế đang xuất hiện và cần thêm nữa, những cánh chim bằng cỡi gió. Có lẽ, lúc này, Nguyễn Du đang tự hồi sinh một cánh chim bằng, trong phần lãng mạn nhất của hồn mình, đời mình. Bởi, nó vốn là ước mơ náo động suốt một thời tuổi trẻ của thi nhân. Hỏi còn đợi bao giờ mới mơ làm đấng anh hùng, khi vũ trụ đang làm cuộc chuyển dời ghê gớm:

“Nước mưa đầy sân, kiến phải dời tổ”

 

Hình ảnh thơ chuyển đột ngột, từ tột đỉnh chín tầng mây trở về mặt đất, từ cánh chim cỡi gió trở về cùng cái kiến con ong. Trong thơ Nguyễn Du, thỉnh thoảng, lại xuất hiện những côn trùng bé nhỏ. Nhà thơ luôn quan sát cái thế giới tí hon đó, để rồi, soi rọi, chiêm nghiệm sâu sắc hơn về cuộc đời, về bản thân mình. Đêm tha hương, nằm thao thức, nghe tiếng côn trùng kêu, lòng thi nhân thêm xót xa, buồn bã (Đêm thu). Nhìn côn trùng chim chóc bay mất hết, người rơi nước mắt vì cảnh binh lửa hoang tàn (Xua nỗi buồn). Kiên quyết không sống như loài kiến mối, con người muốn giữ mãi được hùng tâm (Tạp ngâm)… Ở bài thơ này, hình ảnh mang đầy ẩn ý. Nhà thơ đâu dễ mơ đến cánh chim bằng, rồi chỉ quay về tả thực, cơn mưa dầm sùi sụt của tiết trời tháng Bảy. Có thể, lúc này, nhà thơ đang nhìn ra cuộc sống bằng cảm quan lịch sử. Hình ảnh nước mưa đầy sân, theo đó, là cảnh chấn động thê lương của đất nước. Còn cảnh kiến phải dời tổ cũng là khúc xạ của thời buổi thay đổi sơn hà. Ý thơ đọng lại một nỗi ngậm ngùi, thương cảm trước tình cảnh ly tán của thân phận cái kiến con ong. Mưa gió thiên nhiên và giông bão thời cuộc đã đẩy biết bao số phận bé nhỏ vào cảnh màn trời chiếu đất, nghèo khổ tha hương. Nhìn đâu xa, chính nhà thơ cũng từng mang thân phận như thế: long đong trôi dạt, trong tận cùng cơ cực, suốt mười năm trời, có lúc phải xin nhờ miếng ăn như người hành khất.

 

4. Xã hội biến động, mọi giềng mối quan hệ lung lay, nhiều giá trị cũ xưa gãy vỡ. Hơn ai hết, Nguyễn Du – người một dạ trung thành với lý tưởng cao đẹp của nho gia – càng không ngăn được nỗi âu lo, phiền muộn. Nhà thơ như người phải tránh né, chống chọi bão giông, trong căn nhà dột nát:

“Tấm nệm xanh là vật cũ, phải khó nhọc mà giữ gìn”

 

Ý thơ gợi nhớ câu chuyện của Vương Hiến Chi đời Tấn. Con người dòng dõi học nho này đã có lần thấy trộm vào nhà. Thay vì hoảng hốt, ông ung dung bảo trộm: “Lấy gì thì lấy, nhưng cái nệm xanh là vật cũ nhà ta, nên bỏ lại trả ta”. Từ đó, hễ nhắc hai tiếng thanh chiên, người ta nghĩ đến những nhà dòng dõi học nho. Nguyễn Du hôm nay cũng chỉ còn tấm nệm xanh vật cũ. Nhưng nhà thơ không có được cái ung dung, nhẹ nhõm như người xưa. Bởi, đâu phải chuyện trộm vào nhà kẻ thanh bần. Đây đã là chuyện thế gian biến cải: xã hội rối ren, đạo đức suy đồi, giá trị xưa đảo lộn. Nguyễn Du đang phải sống giữa thời buổi con người cô đơn, tự vệ yếu ớt trước cảnh đảo điên khủng khiếp của lịch sử. Con người không còn biết đâu là giá trị thực. Biết bao ngọn cờ vẫy trước nhà thơ. Ai anh hùng, ai loạn đảng; ai chính nghĩa, ai tà gian? Biết bao tiếng khóc não nề vây lấy nhà thơ. Ai nhân từ, ai bạc ác; ai độ thế, ai sát nhân? Sẩy chân, rơi vào vòng xoáy đó, con người, may ra, chỉ níu giữ được sinh mệnh và phần nhân cách sắp bị hủy hoại của mình. Tấm nệm xanh của Nguyễn Du là chứng tích cho tấm lòng nho khái, luôn khát khao sống đẹp, nhân ái theo đạo lý người xưa. Nhà thơ lo âu và khó nhọc để có thể giữ gìn nó. Bởi, chỉ cần cái nghèo, cái hèn, sự tiêu ma tráng khí,… cũng đủ cướp đi những giá trị tinh thần cao quý của mình.

 

5. Càng hướng ra không gian vũ trụ, nhà thơ càng thấm thía sự suy sụp của không gian cá nhân. Nhà thơ quay về ôm lấy nỗi buồn, nỗi đau đời, tự buồn đau cho số phận:

“Tóc bạc rồi, dù còn có hùng tâm nhưng chỉ còn biết than thở”

 

Hai tiếng đốt ta (lấy làm lạ mà than thở) bỗng nhắc về chuyện cũ: đời Tấn, Ân Hạo đang làm quan, bị phế truất, cả ngày cứ lấy tay viết lên không bốn chữ “đốt đốt quái sự” (chà chà sự lạ!). Chuyện lạ của người xưa, không ngờ, nay đã vận vào tác giả. Nguyễn Du ngạc nhiên với chính mình, bởi tráng chí còn hừng hực trong huyết quản, nhưng soi gương, tóc đã bạc rồi. Còn gì chán hơn, khi tuổi chưa cao mà đầu đã bạc? Còn gì buồn hơn, khi thoáng thấy tuổi già mà chưa gặp công danh? Còn gì đau hơn, khi có hùng tâm nhưng làm người vô dụng? Đã bao lần, Nguyễn Du đưa mái tóc bạc vào thơ. Mái tóc xõa dài như nỗi bất đắc chí dãi ra cùng trời đất. Nỗi buồn chen lẫn nỗi đau, nhà thơ đành bật lên tiếng thở dài xa xót. Cánh chim bằng còn cơ hội nào tung cánh, tấm nệm xanh chẳng biết có lành không? Nguyễn Du như ngọn cỏ bồng phiêu bạt, tự vận lấy thân phận của kẻ sinh bất phùng thời.

 

Thật đáng buồn, con người mở cửa tìm sinh ý nhưng chẳng được bao sinh khí. Hình như chính cảnh khói mây, trời mưa gió khiến người tóc bạc trở lại bệnh xưa:

“Bệnh tái phát nên phải gắng sức điều trị”

 

Bật ra tiếng than đã buồn, biết mình tái bệnh lại càng buồn hơn. Nguyễn Du phải lâm bệnh cả đời, không hẳn vì phong trần lang bạt, không hẳn vì cửa nhà ngột ngạt, âm u. Bệnh xưa tái phát chỉ vì bao u uất, nghẹn ngào không sao giải tỏa. Thanh kiếm sắc bên mình là để xông pha trận mạc, cánh chim bằng sinh ra là để cỡi gió tận chín tầng mây. Thế mà, tất cả cứ lẽo đẽo sau lưng kẻ tuổi già. Hễ con người tráng chí càng trỗi lên thì con người âu lo càng đổ bệnh. Bệnh xác thân thuốc thang còn dễ, bệnh tinh thần biết trị làm sao? Còn ai có thể chạy chữa cho một người thất chí, giờ sắp bị cướp cả tấm nệm xanh. Nguyễn Du thành ra cùng cực cô đơn, đành tự lo liệu lấy thân mình, đành phải “giật mình, mình lại thương mình xót xa”[4].

 

6. Khi đã bi quan, con người dễ sinh mặc cảm. Gặp toàn rủi ro, mất mát, người ta càng cảm giác mọi thứ tốt đẹp xung quanh đều không phải cho mình. Nguyễn Du chừng như đang ôm nỗi mặc cảm như thế! Bắt gặp mùa thu thơ mộng hiện hữu ngoài song cửa, nhưng nhà thơ không khỏi ngơ ngác, hoài nghi:

“Chẳng biết tứ thu đến nhà ai?”

 

Là người say đắm mùa thu, Nguyễn Du từng mang cả rừng phong đỏ rực, hoa cúc chói chang vào những áng thơ thu. Mùa thu ướp thêm sắc hương lãng mạn cho tâm hồn thi nhân Mùa thu tăng thêm dư vị u buồn cho tấc lòng sầu não. Bao giờ, ở nơi nào, Nguyễn Du cũng ưu ái mùa thu. Nhà thơ nhạy cảm nhận ra hơi thu, lắng nghe tiếng thu, đi trong gió thu, đằm mình trong nắng thu, mưa thu, hiểu được cả ý thu, dâng tràn cảm hứng từ tứ thu. Biết bao lần, hồn thơ bay theo tứ thu: tứ thu trên mái đầu tóc bạc (Tín Dương tức sự), tứ thu trên dòng sông thả trôi theo chiếc thuyền con buổi chiều tà (Lỗi Dương Đỗ Thiếu Lăng mộ II),… Thế mà, hôm nay, nhà thơ cảm giác tứ thu lại hờ hững với mình. Thu không muốn làm tri âm với con người thất chí, vừa trỗi dậy hùng tâm đã cúi mặt thở dài. Tứ thu như không muốn ghé vào cái không gian chật hẹp, đầy ắp nỗi ưu tư, sầu muộn. Càng lúc, Nguyễn Du càng không thể hòa nhập vào vũ trụ mênh mông.

Ở bên ngoài tứ thu, lạc lõng trước mùa thu, nhà thơ đúng là một vũ trụ tách biệt, đầy bí ẩn. Bài thơ khép lại bằng nỗi buồn ngơ ngẩn của một tâm hồn cô đơn, mở cửa tìm sinh ý nhưng không thể sống nồng nhiệt, hân hoan cùng nguồn sinh ý đó.

 

7. Khai song quả là bài thơ chữ Hán ẩn chứa nhiều tư tưởng phức tạp, ấp ủ bao nỗi niềm thầm kín của Nguyễn Du. Nhà thơ mở cửa sổ căn nhà, cũng là cách để mở rộng hồn mình, lòng mình với cuộc đời, với thời cuộc. Bài thơ tái hiện một Nguyễn Du đa chiều kích: con người lãng mạn khí thế vượt trời xanh, con người âu lo đau buồn dưới mái che u tối. Bài thơ cũng phản chiếu một tâm hồn Nguyễn Du đa sầu đa cảm: buồn vì chí lớn không thành, thương cho sinh linh khổ nạn, tủi vì thân phận cô đơn, phải ôm lấy khổ lụy của một đời người không đắc vận…

 

Với một trữ lượng tình cảm và tư tưởng lớn, Khai song thật sự là bài thơ đáng được mọi người nhớ đến, sau cuộc hành trình thâm nhập vào thế giới thơ chữ Hán Nguyễn Du.

 

Mỹ Tho, tháng Giêng, 2003

 (Bài đã đăng trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học các nhà Ngữ văn trẻ  – Khoa Ngữ văn – Trường ĐHSP TPHCM, năm 2004)



[1] Dẫn theo TS. Lê Thu Yến – Đặc điểm nghệ thuật thơ chữ Hán Nguyễn Du (tr.144).

[2] Lời thơ Huy Cận (Các vị La Hán chùa Tây Phương).

[3] Ý thơ Nguyễn Du.

[4] Lẩy Kiều.

 

Võ Phúc Châu
Số lần đọc: 3215
Ngày đăng: 29.07.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Trật tự không trật tự - trình bày quan niệm của nhà thơ Đặng Huy Giang - Dương Kiều Minh
Những thành tựu văn chương phú yên thế kỷ xx - Phạm Ngọc Hiền
Những cách hiểu khác nhau về hai truyện ngắn “ chí phèo” và “đôi mắt” của nam cao - Phạm Ngọc Hiền
Viết ngắn 30. Về một thế hệ thơ … - Inrasara
Nông dân cần được đối xử công bằng - Vũ Ngọc Tiến
Mỹ học trong chủ nghĩa tồn tại của M. Heidegger (1889-1976) - Khổng Ðức
Trường Sa trong thơ Trần Đăng Khoa - Nguyễn Hoàn
Viết ngắn 10. Các trào lưu văn chương - Inrasara
Nguồn gốc sáng tạo nghệ thuật: tính trực giác - Khổng Ðức
Viết ngắn 09. Truyền thống - Inrasara
Cùng một tác giả