Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.137
123.162.682
 
Năm mươi lăm cái răng
Nguyễn Thúy Hằng

I

Trung thu. Trẻ con trong làng thường tụ tập trong sân đình và bày lồng đèn, đốt nến. Cô cũng có mặt trong số đó, nhưng không có lồng đèn trong tay. Cô không thích lắm việc đốt nến, chỉ thích nhìn ánh lửa leo lét hắt qua miếng ni lông đo đỏ. Cô càng thích  hơn khi lửa bắt qua thanh gỗ chắn ngang để thiêu rụi lồng đèn. Những lúc vậy bọn trẻ con gầm rú lên, chúng lao vào dập lửa, nhưng đã muộn, dòng lửa kịp nuốt hết con công màu mè, chỉ còn lam nham vài đoạn giấy kiếng làm hở cái bụng quấn dây kẽm bên trong. Cô cười to, bọn trẻ thấy thế lao vào đánh và đuổi cô ra chỗ khác. Cô chạy về nhà, ngồi trên chiếc ghế gỗ, mồm há ra chơi trò đớp trăng. Mẹ cô nói: “con bé lại đớp trăng, nó đớp tổng cộng gần một trăm hai mươi cái trăng rồi, hệt như thế.” Đúng vậy, trò chơi của cô là đớp trăng, cô chờ nó chạy vòng vòng rồi đứng im mệt mỏi ngay chỗ cô ngồi. Việc gì mà không đớp, vả lại, đớp trăng thú lắm! Răng bập vào nhau kêu côm cốp, cảm giác sự gãy vụn của nó tan tành dưới hàm răng đặc biệt. Màu vàng chao đảo và bị cuốn trọn trong chiếc lưỡi. Cô đẩy phần trăng vừa tớp được sâu nữa, sau đó cô ngậm chặt miệng suốt hai tuần dài để nhốt chặt chúng trong bí mật. Mẹ cô thường nói: “mày tớp nó phỏng ích gì, chỉ đau bụng thêm, nên mở miệng nói con ạ.” Nhưng cô vẫn im lặng, cô luôn chống đối tất cả. Việc này càng đẩy thêm sự tích về người con gái được sinh trên cái lưng rộng của bố. Mẹ cô đã không chịu leo xuống để nằm trên cái giường êm ái, bà đẻ ngay trên lưng chồng, nặng nhọc và đau đớn. Người chồng chỉ biết cắn răng vào gối và dùng lưng cân  đứa bé nặng bao nhiêu kí. Cô gái được mẹ địu sau lưng, chứng kiến toàn bộ sự lớn lên của ba người anh trên lưng bố. Việc họ ăn, ở, nghỉ ngơi trên tấm lưng ấy khiến cô luôn bực dọc vì thấy mình không hề thuộc chủng loại của họ. Sự lẫn lộn về bộ phận trên thân thể của cô là nặng nhọc truyền qua bà mẹ. Bà luôn cảm thấy cô nặng, trì hông bà xuống, nên bằng mọi cách bà càng níu chặt chồng hơn. Họ đèo địu nhau qua mười năm. Nhất định không ngã xuống từ chiếc lưng của bố. Nếu năm người tuột dần thì ông lại xốc cả năm lên, gọn gàng như xốc bao gạo. Trong thời gian đó, vấn đề duy nhất được trao đổi từ bà mẹ sang cô con gái là việc bà dạy cô cách chăm sóc răng.

 

Câu chuyện đúng là kể về cô ta, cái cô người gầy như tăm tre, mắt lộ, tóc dài thượt. Ban đầu, răng chỉ là chấm nhỏ như hạt gạo, rồi nó cứ nhú lên, lần lượt trám đầy miệng cô. “Năm mươi lăm cái răng”, bà mẹ dõng dạc nói, “hết chỗ để mọc thêm rồi con ạ”. Năm mươi lăm cái răng là năm mươi lăm lần bà mẹ dạy con dùng lưỡi để chỉnh răng khi chúng còn non. Nhưng cô gái tính tình vốn lơ đễnh từ nhỏ nên chẳng thèm nghe lời mẹ, cứ để những chiếc răng mọc tự do, xiêu vẹo trên bộ hàm của mình. Sau đó cô ngậm chặt miệng, không cho ai biết thêm một chi tiết nào về bộ răng cho đến khi cô quyết định tuột xuống lưng bố và thoát khỏi đời sống tẻ nhạt đó. Lúc ấy, cô tròn mười tuổi.

 

II

Trong lúc này biết làm gì đây, làm sao đây. Luôn sống trong một xã hội xa lạ, lời nói và hành động là kẻ thù của nhau. Tất cả được quấn trong mối quan hệ bầy đàn, và lập tức tắt thở khi bầy đàn không chấp nhận sự đột biến. Tại sao gã ghét tất cả những gì phát ra tiếng, chỉ trừ tiếng cào đang lạo xạo trên chiếu manh, chỉ có sự giãi bày đó mới làm thoả mãn nhu cầu lười biếng.

 

Ông già vẫn lớn tiếng giảng giải một bài toán cho gã, khiến tất cả mọi người lập tức nói to hơn, nói to hơn, nói to hơn. Kết quả là toà nhà sập vì cái đuôi âm thanh không sao thoát khỏi trần nhà chật chội. Gã đang gắn máy nghe nhạc vào tai, tiếng động lách cách này luôn giúp gã phóng ra ngoài bất cứ lúc nào. Gã có thói quen không trả lời tất cả câu hỏi. Vì vậy mà thầy đỏ mặt tía tai, gân cổ nổi phập phồng với sự câm lặng cố chấp này.

 

Cô khiến tôi nhớ lại thời thơ ấu, về việc mỗi chúng ta đực mặt nhìn thầy cô viết những con số theo hệ thống rập khuôn và không biết phải trả lời thế nào cho phải…chúng ta quen im lặng, đè nén và không lối thoát….

 

Cuối cùng, những suy nghĩ của ông già được gã đọc đại loại trong đầu như thế. Ông già xếp tập, phẩy tay và biến mất. Gã đang leo lên cái đỉnh cao chót vót của học hành. Hai mươi năm cho việc học, tiếp xúc giảng viên này đến giáo sư nọ, nhưng gã vẫn ngồi thừ với đống răng ngậm trong họng. Họ không bao giờ hài lòng với im lặng, cô phải nói, cô phải trả lời. Nhưng, năm mươi lăm chiếc răng lại càng khít chặt với nhau, cố tình kéo miệng gã xuống. Họa chăng, mở mồm chỉ để đớp trăng hoặc phun nước bọt.

 

Đi bộ về nhà, gã vừa đi vừa nhớ lại những trận ẩu đảû với bọn quái vật trong làng. Mùa trung thu ấy, bọn chúng lại lần lượt xếp lồng đèn trước sân đình. Lẫn trong số đó có vài chiếc mới tinh, mùi giấy kiếng vẫn còn hăng. Mặt đứa nào đứa ấy nhâng lên, cứ đem mấy cây nến khẳng khiu đếm đi đếm lại. Bỗng dưng, một đứa lao vào nhập bọn với lồng đèn hình mặt trăng, tròn quay, vàng như mật. Gã liếm môi, nó ngon thật. Thế là gã dụ đứa bé ra một góc, chứng kiến gã cắn tan tành chiếc lồng đèn mới. Mặt trăng gẫy làm đôi, méo xọp đi. Đứa bé dậm chân thình thịch, lao vào cấu xé gã. Ừ, mày muốn thử sức thì cứ nhảy vào. Tối đó, đứa bé chạy về nhà, người thâm tím những dấu răng. Sau này, chính nó giáng một quả vào mồm gã, làm cho chiếc răng cửa chỉ còn phân nửa. Nhưng gã cao tay hơn, quyết định mồi chài nó bằng những bức thư tình. Thằng bé dính vào tròng, tự nó đón nhận một cuộc sống không mấy hay ho cho đến chết.


III

-    Con phải dùng lưỡi đẩy nó ra chứ, các anh đều làm như vậy cả, răng bọn chúng đều tăm tắp!

Gã cố gắng dùng lưỡi đẩy, nhưng chiếc răng vẫn cứng như sắt, chỉ làm rát lưỡi thêm.

-    Con phải từ từ, ngày qua ngày mới được, không dưng ai cũng răng thẳng thế đâu!

 

Chán cái trò đẩy răng! Mà cũng có sao, miễn là nó không phiền ai cả…Khoảng sáu tuổi, răng gã rụng để thay vào đó những chiếc răng mạnh khoẻ, to tát hơn. Mẹ lại nói: “đứng thật thẳng, cấm không nghiêng người, ném răng vào gầm giường cho mẹ!” Gã đứng im như tượng, lạnh lùng thảy những chiếc răng vào gầm giường. Vậy mà, răng vẫn méo, và mọc nhiều nữa chứ! Suốt những năm thời thơ ấu, gã luôn chịu đau đớn kéo dài vì cơn sốt mọc răng, mồm sưng vều và lợi đỏ hỏn. Những chiếc sừng nhỏ thi nhau nứt thịt và chui lên, khiến gã không thể ăn cơm như người bình thường, cứ ngậm mồm cơm cho chảy nước rồi mới nuốt. “Thật đáng thương cho con bé, thế này làm sao lớn?” Mẹ vỗ vỗ vào lưng gã, bảo phải ráng lên, cho kịp các anh! Nhưng không ngờ gã vẫn ăn đều và khoẻ, nhét bất cứ cái gì trong tầm tay và cho vào miệng. Gã chán cảnh sống đu đưa trên lưng bố.  Bằng mọi giá phải mau lớn để tụt xuống đất. Nhưng gã không phải lo, vừa đúng mười tuổi, ngay lúc bàn chân dớm tuột khỏi lưng bố thì các anh đã giật gã té xuống đất, bắt tập đi và chơi trò bắn súng nước. Công việc của gã là đứng ngay cạnh cái vòi, bơm nước vào súng cho ba anh trai. Vậy mà gã làm rất hăng say, hết mình trong khi răng lợi vẫn đau nhức, nhễu nhại nước dãi chảy dài xuống cằm. Mãi ba năm sau, tức mười ba tuổi, tình cờ gã thấy ánh trăng lảng vảng ngay bể nước dẫn đến việc thèm thuồng cắn thử mặt trăng.

 

Và dọc những năm tháng ấy, người ta cứ thấy một con nhỏ gầy guộc, chạy hoài, chạy hoài với cái bóng vàng trên đầu, không buồn đến xung quanh.

 

IV

Gã bắt đầu chú ý đến hai chiếc răng cửa to cộ nằm chắn ngay miệng. Phải nói hai chiếc răng này có kích thước vượt hẳn những chiếc răng kia, chúng có vẻ bề thế, vững vàng. Gã thích cái vẻ ương ngạnh của nó, tự nhận đó là đặc điểm riêng. Hai chiếc răng nằm chắc chắn và không bị xô lệch. Bởi nó ngay từ đầu nhanh chóng xuất hiện trước và chiếm lĩnh một khoảng gấp ba lần răng bình thường. Từ đó, gã muốn chú trọng đến chúng và cho chúng cái quyền nhai cơm, nhai kẹo, thức ăn, cắn móng tay, cắn người, gậm muỗng sắt, bút, bìa cứng, tất cả vật dụng trong nhà, kể cả việc trọng đại nhất: cắn mặt trăng. Gã chỉ nhai cơm bằng hai chiếc răng cửa, lấy lưỡi đùn thức ăn ra trước và nhai. Mẹ gã tuyệt đối ghét bỏ hành động đó. Bà gọi nó là “hình ảnh kinh tởm”, “thói quen xấu”, “phản khoa học” và “kém thẩm mĩ”  Gã từ chối mọi cuộc hẹn nghiên cứu của bác sĩ nha khoa, làm họ thất vọng ê chề. Đó cũng chính là nguyên nhân bộ răng của gã được thổi phồng, lan nhanh trong làng. Mọi người nói, “con bé có những một trăm chiếc răng to kệch cỡm”, người khác thì đem bộ răng của gã để dọa con nít, ép chúng đi nhổ răng sâu và “nếu không ăn bằng răng hàm, mày sẽ có răng cửa to như…”. Gã không nói gì, im lặng ngồi chơi súng nước, tưởng tượng về ba người anh, giờ này họ vui chơi đâu đó. Có lẽ, sự nhức nhối của những chiếc răng mới nhú đã dần hết, kèm theo sự thay đổi về tính nết khiến tất cả không còn như cũ.

 

Gã trốn mẹ. Cạy cục dưới gầm tủ và lôi ra một hũ sơn. Gã lấy dao nạy hộp sơn lên, màu xanh trong hộp vẫn còn tươi, sền sệt nhưng trên mặt sơn đã đóng một lớp váng mỏng. Gã ôm hũ sơn, chạy ra giếng nước và bắt đầu quệt những chấm xanh lên từng chiếc răng.

 

Bây giờ, cô ta có hàm răng xanh, nhìn dễ sợ như hàm răng ma. Cô tự nghĩ ra trò chơi và nghịch với chúng. Ngồi gọn bên giếng nước, lẩm bẩm với cái bóng loang lổ và nhuộm đủ loại màu lên răng. Có bữa cô không muốn chùi đi màu vàng mới nhuộm. Chạy ra đuờng ban đêm, hù mấy đứa trong làng đi chơi về tối. Bọn nhóc nhận ra cái mồm đầy răng của cô, chúng trêu chọc, cười như điên như dại con bé dở người này. Cô giận quá dậm chân nhảy tới, thế là bọn nhóc hoảng, chạy toé về nhà.

 

Mẹ ngày càng buồn vì cô chẳng giống ai trong họ hàng hoặc trong tất cả các câu chuyện về người đời mà mẹ từng nghe thấy. Cô có quá nhiều tật. Mẹ khóc i ỉ trên lưng bố khiến không khí trong nhà thật ảm đạm.

 

Gã giận. Mẹ cũng giận. Nhiều năm sau, mẹ nhân cớ bệnh nặng, đổ cho thế giới này toàn điều u quái. Trong lúc nửa tỉnh nửa mê, mẹ quyết định tống gã đi xứ khác. Gã chẳng luyến tiếc gì, nhảy phóc lên xe, chạy thẳng lên thành phố. Từ đấy, gã được tự do tuyệt đối.

 

V

Sau khi giáo sư đi khỏi, gã chăm chú đọc báo, không cần nhìn thái độ mọi người đang bất mãn.  Như mọi hôm, giáo sư đến, ngồi trong quán cà phê này, giảng bài cho gã thì những người ngồi rải rác trong quán không chịu được thái độ học hành của gã dành cho giáo sư.  Gã ngồi im, không trả lời, không đưa ra ý kiến gì về bài giảng. Vị giáo sư rất bực nên giảng bài rất to.  Nhưng ngược lại, những nghiên cứu của gã về phương pháp phối giống các loại hoa thì cực kì tốt. Những loại khó cấy giống cũng có thể cho ra hoa đẹp rực rỡ, màu sắc và hình dáng rất đặc biệt. Gã say mê nghiên cứu trong một nhà ươm suốt thời gian dài. Gã vừa quan sát vừa ghi chép quá trình hoa phát triển vào sổ tay. Quá nửa đêm gã mới lục đục về đến nhà.

 

Những khi trời có trăng to và sáng thì gã dành chút thời gian nhìn nó, mồm tiết nước bọt. Mảnh trăng vừa tròn, to vành vạnh, tưởng như đung đưa giữa nhiều làn mây khiến gã thèm cắn nó khủng khiếp. Gã bước ra chính giữa sân, nhắm mắt và bộ răng bắt đầu hoạt động. Gã đớp nó từ từ, chậm rãi như uống một ngụm trà. Màu vàng đang chớm vào môi gã. Trong chốc lát nó trườn sâu, sâu nữa, nằm cuộn tròn trên lưỡi. Gã thở khoan khoái, lồng ngực như đang nở tung với dung dịch này. Bất giác gã nhớ đến thằng bé còm cõi giận tái người khi gã nhai nát lồng đèn mặt trăng của nó.  Lần ấy, trăng vỡ rôm rốp và rơi xuống đất. Răng gã khoẻ vô cùng, thằng bé chỉ có nước khóc tu tu nhìn mặt trăng tả tơi. Có thể lúc ấy, gã giống một con điên thì đúng hơn, đầu tóc xõa xượi, tay ghị chặt lồng đèn vào lòng, răng lởm chởm chìa ra ánh sáng. Nhưng nào có hề gì, chỉ vui thôi mà! Gã không nghĩ rằng thói quen này sẽ bám dai dẳng như người nghiện thuốc lá, lâu lâu thấy cổ ngứa râm ran, chỉ muốn chạy đi tìm mùi quen thuộc và tọng nó vào mồm, rít một hơi sảng khoái.

 

Giờ gã thấy bầu trời tối sầm lại. Trăng biến mất nhanh chóng, như có bàn tay giật phắt nó khỏi bầu trời. Trời tối mù, bên tai chỉ nghe được tiếng bụng sôi rào rạo. Gã trở vào nhà, soạn bữa tối.

Cuộc sống của gã bao quanh bởi đồ vật. Hai dãy bàn ghế nằm xô lệch hai bên tường, chừa lại lối đi nhỏ khoảng gần một thước. Gã thích đi trong bóng tối, mò mẫm giữa vật dụng trong nhà. Đường từ cổng vào nhà chạy thẳng theo lối đi nhỏ, dẫn đến một cửa sổ kích thước nhỏ nằm cuối tường luôn nhận ánh sáng từ cột đèn hắt vào. Qua cửa sổ bé đến gần như không thấy này, gã thấy được nhiều chi tiết vui. Có những người thích dựa cột đèn hàng giờ để viết, hoặc vẽ ngoằn ngoèo. Cũng có người đu lên cột đèn và tìm cách chui qua lằn song. Cũng có người cứ nhìn chăm chăm vào nhà gã bằng con mắt tò mò, đục ngầu.

 

Gã mở tủ lạnh. Ánh sáng trăng trắng, nhẽo nhẹt phủ lên dãy trứng, bó rau cải bị úa lốm đốm hết phân nửa. Thức ăn chẳng có gì đáng kể, toàn đồ hộp bị khui nửa chừng. Gã rửa rau, bẻ từng cọng nhỏ, trải mì chua lên trên, cắt vài lát ớt, tưới nước sôi lên. Mùi mì gói làm bụng gã càng đói tợn. Gã đặt tô mì chính giữa bàn. Ăn trong im lặng và nhìn từng mặt bàn phủ đầy bụi. Gã có mười sáu bộ bàn ghế cả thảy. Chia ra mỗi vách tường tám cái. Nơi đây gã từng đứng bán cà phê suốt ba mùa hè liên tiếp. Cứ qua hè, gã đóng cửa, không bán buôn gì, xếp ghế chổng lên bàn, lau dọn và sắp sửa, hoàn trả sự lạnh lẽo cho riêng nó.

 

Lục lạo trong nhà chán. Gã đi tắm. Phòng tắm của gã giáp với phòng tắm căn hộ bên cạnh. Mỗi lần vào xả nước, khoảng hai phút sau, phòng bên cũng xả. Ba năm sống trong nhà này, người bên kia và gã tắm chung một giờ. Bất kể trưa hay chiều tối, hễ người kế bên nghe gã tắm thì cũng nhảy phóc vào tắm.  Cảm giác buồn cười, cứ như hai người cởi đồ trước mặt nhau và cùng bước vào tắm. Có khi cái tên láo toét nào đó cũng cố bắt chước tắm kiểu như gã, hoặc hắn ta cũng chăm chú lắng nghe và đoán xem gã đang tắm đến phần nào. Hình như hắn cũng thích trò chơi này nên bắt chước một cách miệt mài, nhiệt tình.  Chỉ khi nào hắn vắng nhà thì gã mới không nghe tiếng nước.

 

Bây giờ quá nửa đêm, thế mà cái thằng láo toét cũng ráng bò dậy bật nước. Có lẽ hắn cũng ở dơ cả ngày, người ngứa ngáy khó chịu để chờ gã về tắm chung. Cho đáng đời tên láo toét, thế nào cũng lạnh run lập cập và ốm toi xương.

 

Năm phút sau, chính gã rên hừ hừ bước ra phòng tắm, lau người vội vàng và nhảy lên giường trùm chăn kín mít. Thằng láo toét bên kia cũng tắt nước đột ngột và chắc hắn cũng vội chuồi người vào chăn ấm. Mùa đông lạnh lẽo, khu nhà cũ nát này chẳng biết đến khi nào thì sửa. Vài hộ cũng lần lượt dỡ sàn nhà lên, lót gỗ mới và sửa sang bên trong. Nhưng khu nhà hắn thì xem ra không ai buồn sửa lại. Mà có sửa xong thì giá thuê cũng leo thang đắt đỏ, ngoài tiền trường, tiền xe buýt và tiền cà phê cũng đủ ốm người. Dưới gầm giường, rêu đã mọc và bám từng lỗ đen đen, y như mặt người bị mụn rỗ nặng, khiến gã mỗi lần thay ga giường đều ôm bụng ói. Trong nhà tắm cũng thế, hơi đọng lại và nhỏ lộp độp xuống sàn. Đâu đâu cũng lạnh lẽo, ẩm thấp. Vài nấm rơm mọc trên thành cửa sổ bằng gỗ, trăng trắng, loang lổ như người bạch tạng. Gã phải mở tung tất cả cử sổ trước khi đi học, khi về nhà thì mau lẹ đóng ập cửa lại. Ban đêm, gã bật lò sưởi nhỏ bằng chiếc ghế con ra và buộc phải hít cái khí khô, nóng và làm quắt người lại. Vậy mà vẫn phải ở, vì thật ra, với không khí ẩm thấp này lại thích hợp cho các giống hoa gã đang nghiên cứu. Biết làm sao bây giờ, đành lưu lại ngôi nhà ẩm ướt, nước nhỏ tong tong này thêm vài năm nữa.

 

Ngọn đèn đặt cuối giường khẽ chớp tắt. Gã lấy chân đập đập vào chóp đèn. Nó rung rung tia mờ rồi sáng hẳn. Sáng nay gã quên tắt đèn, giờ nó cũng mệt, muốn cháy bóng. Bỗng dưng, gã nghe trong tai có nhiều tiếng lục bục. Các tế bào và mô xương gần như nứt ra.  Sốt thật rồi.

 

Nhìn xuống ngọn đèn.  Gã thấy nó đang chóng mặt, ánh sáng đảo loanh quanh rồi dừng lại. Chính giữa bóng, một chấm đen nhỏ lan toả như vết bầm.  Tai ong ong ù ù.  Hoá ra, không phải đèn làm gã mờ mắt. Mà tiếng hú vọng lên từ nó, xé nhỏ không khí, đâm vào tai vểnh của gã.

 

VI

Đó là những tiếng hú.  Tận cùng gầm giường.  Sáng lập loè, lập loè, đùng nổ như trận bão, lục sục khắp đêm và đục thủng vách. Nước! nước! nước! Những đốm sáng tiếp tục nổ như pháo hoa trên bầu trời, dưới gầm giường.  Sau sự tĩnh bốn bề chỉ giống cơn hoa mắt. Tia lửa chạm vào thịt sắc lẻm, mảnh và nhọn như kim châm. Lỗ chân lông bỗng nở to như ngàn miệng hậu môn nở ra cùng một lúc trên thân thể, ngậm chặt từng que lửa nhỏ, nuốt ừng ực hơi nóng bên trong lẫn khí lạnh bên ngoài.

 

Đêm hè. Trận mạc, địa ngục. Hoang đường của hắn.

Trên tường. Một ngàn lỗ khoan cắm chặt và lấy ra từng viên xi măng, như kiểu người ta cầm thuổng kem và múc ra từng viên kem tròn. Gã-hai vú khô, đôi vai cao nhòng vượt qua đỉnh đầu, giữa hai vai là cái đầu nhẵn thín như bôi mỡ trăn, lớn hơn cái vú một tẹo. Một miếng vải trắng, thô, hai cọng dây mảnh như sợi bún được nối với hai đầu miếng vải: áo ngủ chụp hẳn vào người, nhẹ hẫng, như lồng gà chụp vào cây sào tong teo. Đôi mắt to khủng khiếp choán lấy gương mặt, ngốn luôn miệng, kéo căng gần đến mang tai. Lúc nào cũng mở trừng, rỉ ghèn.

 

Gã- Mụ vú khô. Trong đêm hè khoan thủng hết bốn bức tường bằng đầu ngực, nuốt hết vụn vôi và xi măng vào dạ. Gã nhìn từng lỗ trên tường. Đốm sáng tiếp tục nằm trong các hốc, khè lửa. Nhưng chính giữa đốm sáng lại có tròng mắt sáng rực, trắng dã nhìn lại gã. Một ngàn cái lỗ, một ngàn đốm lửa bao quanh một ngàn con mắt. Một ngàn gã và một ngàn vú khô thở rốc từng ngày, hít vào rồi thở ra, chạy vòng vòng quanh nhà. Một nửa hàm răng bị nghiêng vì nghiến trèo trẹo cả đêm. Nghiến dọa mấy con mối. Nghiến nạt mấy đốm lửa trên tường và dưới gầm giường. Nghiến nạt tất cả con thú đang đến. Nghiến dọa tuần trăng đang ụp trên đầu. Nghiến và dùng tăm chọc chọc vào một ngàn lỗ hậu môn đang nở trên da, rồi xoay cây tăm nhè nhẹ, đẩy lui mùa chân lông nở rộ. Từng đốm sáng đang chĩa vào gã và cười khanh khách.

 

Gã cầm lấy chiếc lược gỗ mun, gãi gãi đỉnh đầu và đưa lên mũi ngửi. Mùi máu khô tanh thoang thoảng. Gã thấy Mụ cười thích thú, gã cầm lược cào dọc hai bên bả vai và chạy xuống gót chân. Gã chải mớ lông bùng nhùng, xoắn xuýt đang cố nhoi lên khỏi chiếc quần lót, chúng càng cong tợn như lò xo làm bằng sợi nhôm mảnh mai. Mớ lông của gã trông tựa nùi nhôm dùng rửa dầu mỡ, vết cháy khét bám trong nồi, ánh sáng hắt vào càng xanh biếc. cúi xuống bàn chân, từng móng chân cong vểnh, có khi một ngón nhưng hai ba lớp móng mọc chồng lên nhau, làm chân gã nhức suốt, nhưng không thể nào tách chúng ra được, đành để đến khô và tự chúng sẽ rụng. Mỗi lỗ trên tường đều có móng chân, móng tay và cả tóc của gã. Sự thân thiết của gã là những cái lỗ, khô khan, trơ hạt xi măng, lì lợm, cạ vào rát bỏng. Nói tóm lại, tất cả bộ phận trên người đều chống lại gã-Mụ vú khô, và thêm một vật nữa, nằm dưới gầm giường chịu đựng cơn thịnh nộ, khi buồn thì đem ra cào cấu, khi vui thì vặt cho trụi lông. Hết đường chạy trốn.

 

VII

Gã phải uống thuốc. Tâm thần hoảng loạn khi sáng thức giấc, nhớ những gì mơ đêm qua. Lại biết mình đang mắc bệnh, lảm nhảm câu chuyện từ đầu đến cuối giống hệt nhau. Gã mò bàn chải đánh răng nằm lăn lóc đầu giường, quệt quạt vài ba nhát, rửa mặt rồi lên trường.

 

Vừa bước vào lớp, có ba tốp chăm chú nhìn gã.

Tốp một, khoảng mười người, quần áo sạch sẽ, trông mặt tử tế.

Tốp hai, khoảng sáu đứa con gái, ăn mặc bình thường.

Tốp ba, khoảng bảy người, trang sức loè loẹt.

Có thể chia ba tốp thành những công thức sau:

 

Tốp một:  hình tam giác (giày bóng lộn + tóc chải keo một bên hoặc hất ra sau + con nhà quan chức + có thể có một vài miếng đất nằm xa thành phố + xe con). Nhóm này xếp vị trí số một trong xã hội, nên hình tam giác mũi nhọn là biểu tượng thích hợp nhất cho họ.

 

Tốp hai: hình vuông (quần áo không đắt, không xịn, nhưng cũng không phải tệ quá + con thường dân, cố gắng học hành + giữ nếp sống lành mạnh). Nhóm này không cần cầu kì, ra trường chỉ mong lập gia đình, con cái, công ăn việc làm. Nên hình vuông là hình thích hợp nhất cho nhóm này, đơn giản, bình thường, nhàm.

 

Tốp ba: hình * (xuất thân lẫn lộn, khá có, trung bình có+ thích phục sức đắt tiền+ người nào chơi cũng được+ ăn xài tùy theo lúc tiền có hoặc không). Nhóm này không thích bận tâm thứ gì, trừ việc phải đẹp và “ngầu”. Họ có thể len lỏi khắp nơi, với nhiều bộ mặt khác nhau, nên dấu * rất phù hợp cho họ.

 

Cả ba nhóm này, đều có thái độ kì lạ khi gã bước vào lớp. Mắt họ có câu hỏi giống nhau, có nhận xét giống nhau về gã. Phải chăng, họ cũng xếp gã vào loại “mở ngoặc và đóng ngoặc”. Nghĩa là, gã không nằm trong công thức giống họ đã thấy, chỉ vì sự xấu xí, gầy đét, khô cằn như vỏ cây. Nhất là chẳng ai thích xếp vào nhóm một người không phân biệt được từ đâu tới, lạ hoắc với năm mươi lăm cái răng thô kệch. Nhưng xét cho cùng, chỉ vì gã cũng không muốn mở miệng với ai, không quan tâm đến sinh hoạt chung, không tham gia hoặc góp ý về công trình nghiên cứu xung quanh. Gã chăm chỉ, im lìm, đi đi về về, tay ôm củ cà rốt và một loại hoa vừa ghép xong. Thêm một lần nữa, gã chặt rụng hết mọi ý đồ của người nào muốn xen ngang công trình của gã, không ai biết được công thức đến từ đâu và họ không có dịp được ngắm nó một cách thoải mái trừ khi quán cà phê được mở vào mùa hè. Lúc ấy, mọi hoa lạ đều được gã trưng bày hàng tháng, theo thời tiết, chủ đề, cảm hứng. Gã đúng là người con gái được sinh ra từ châu lục đen. Nơi truyền thuyết về những con thằn lằn sống lâu năm, sinh ra loại người với thông điệp kì dị: dìm tôi dưới nước.

 

VIII

chuyện từ quán mở mùa hè

hay trích đoạn công trình nghiên cứu của nhân vật

 

Phòng tối tăm. Một thùng gỗ nhỏ đặt dưới đất. Trong thùng, ngọn đèn trắng bọc trong ống giấy hình trụ chiếu thaúng vào củ cà rốt ở một điểm nhất định. Cà rốt được vùi trong đất ẩm và tơi, cái bụng mập nhô lên khỏi đất như chứng tỏ söï khoẻ mạnh của nó. Một cây quạt nhỏ tự chế, nhỏ như hộp thuốc lá dùng để giữ độ khô cần thiết và thổi bớt sức nóng toả ra từ ngọn đèn. Qua mười lăm ngày, trong nhiệt độ khó chịu như thế, trên thân cà rốt sẽ mọc mầm và nở ra một loại hoa màu đỏ, nằm yên vị ngay trong vùng sáng.

 

Bây giờ, gã đang điều chỉnh ánh sáng. Vùng sáng càng to, mạnh, thì hoa càng nở lớn, đỏ rực. Vùng sáng nhỏ, mờ, thì cho kết quả ngược lại. Gã nương theo độ phát triển của hoa mà tăng ánh sáng từ từ lớn dần. Cà rốt được lớp đất mềm mại, giàu dinh dưỡng hỗ trợ nên vẫn tươi tốt, nhiều nước và không bị quắt đã đủ sức nuôi một loại hoa trên thân. Tuy vậy, gã cố gắng duy trì sự sống cho cà rốt càng lâu càng tốt. Nhưng chỉ trong vòng một tháng sau, cà rốt khô, nứt, kéo theo hoa héo và chết thối.  Nhưng gã vẫn hài lòng và thí nghiệm nhiều kiểu khác nhau. Trong mỗi hòm gỗ là một củ cà rốt và một loại hoa, cỏ khác chủng loại.  Gã ghép cả cỏ bợ, sử quân tử lẫn hạt cà chua lên cà rốt. Trong một tháng này, cà rốt có hình dạng thật tức cười: từng chùm cỏ bợ mọc ngang thân cà rốt và hướng lên trời.  Sử quân tử thì hoa đỏ mọc thành nhóm, quấn quanh củ cà rốt như cô nàng mặc váy hoa đỏng đảnh.  Cà chua thì mọc như mụn nhọt sần sùi nằm rải khắp nơi. Hàng đêm, gã mò xuống phòng thí nghiệm và ghi lại quá trình sinh trưởng của từng loại. Sau đó gã tưới nước, giữ độ ẩm, vuốt nhẹ chúng và đóng nắp lại.

Ấy vậy mà, đêm đến cùng nhiều huyễn tượng khác nhau.

 

Huyễn tượng một:

Cỏ bợ nứt ra từ bắp chân một người chết trôi. Nó mọc bình thản, từ tốn trên bắp chân Mụ. Tối. Các lá rũ xuống, Mụ cong lưng nhìn bắp chân mình. Mụ bấm thủng da, khơi rộng đường để chúng lớn nhanh hơn. Trong giấc ngủ này, Mụ thấy bào tử nang lớn đẻ ra nguyên tản cái và đực. Những đứa con này chớp lấy nhau nhanh chóng. Đôi khi từng cặp cái hoặc từng cặp đực quặp lấy nhau, không cần trưởng thành, không cần định hướng, tách rễ và từ chối sự dạy bảo. Chúng ngậm nhau, sinh sản hung dữ, hiền hoà, nhu nhược, phản kháng tràn lan trên bắp chân người chết.

Mụ đứng dậy. Lê bước ra đường. Vú khô dị hợm. Bắp chân lòi rễ và mặt bọn trẻ vừa sinh quết xuống đất.  Lúc ấy, Mụ thấy gã đang hút thuốc ngay đầu ngõ.

 

Huyễn tượng hai:

Sử quân tử biến thành người đàn ông tàn tật mọc hoang ngay bờ cống. Ông đi đến đâu, gieo bệnh cho người đến đó. Đâu đâu cũng là một đám người ẻo lả, dựa dẫm và trèo lên nhau mà sống. Họ chồng lên nhau, tay người này quấn lấy chân người kia thành một đống cao ngất. Họ bò trên những cái xác dậy mùi phía dưới đáy và tiếng em bé khóc oe oe ở phía trên. Những cái đầu đỏ loe ngoe mọc giữa cánh hoa và đòi nước. Cái bóng khổng lồ, bệnh tật và đau đớn này cố bò ngang thành phố. Bỏ lại sau lưng là máu và xác người vo viên trên đường. Ruồi xum xoe trên viên thịt lớn. Gã vẫn đốt thuốc và ngồi im vào lúc tám giờ bốn mươi lăm phút sáng.

 

Huyễn tượng ba:

A, lần này, vẫn là tiếng nổ dính thêm nước hồng, thịt hồng, nhớt hồng. Hắn chui ra từ những quả cà chua mọc trên cà rốt. Hắn đi chập chững quanh vùng đất màu cam này, thấy da mọi người thật mỏng. Hắn thấy hết cả ruột gan phèo phổi bên trong. Những con người có bộ óc mềm nhũn. Hắn thử chích vào người họ, nước hồng, thịt hồng, nhớt hồng lại chảy ra. Nhưng người hắn cũng bị thủng vài chỗ và những chất tương tự cũng chảy quanh. Hắn co chân phóng nhanh trên củ cà rốt to tướng, hòng tìm thấy rễ là nơi kết thúc. Hắn muốn lấy đà, nhảy thật xa cái rễ này. Bất ngờ, một bàn tay thọp lấy, ném hắn nằm bẹp xuống đất. Lúc này, một đốm lửa to và cái mồm phì phà khói để lộ năm mươi lăm cái răng lởm chởm hạ xuống, dí hắn và điếu thuốc xoáy xuống đất. Cuống rốn đứt tung. Lúc bấy giờ, cô gái năm mươi lăm cái răng, mang một gã chính cống cùng Mụ vú khô, tất tả đứng lên, mở chiếc cửa nặng nề, xoay tấm bảng con con hướng ra ngoài đường với hàng chữ:

Củ cải màu mỡ

Mở từ: 9h sáng đến 6h chiều”

 

IX

9h. Gã kéo toang cửa sắt. Bên trong, mười sáu bộ bàn ghế nép thẳng hai bên tường. Trong cùng, nước sôi và khói cà phê toả ngào ngạt, thơm nồng mùi bơ. Gã ngồi vào chiếc ghế đặt cuối phòng, chờ vị khách đầu tiên.

 

Hắn đến. Miệng móm mém, răng đen xỉn. Hôi nách. Hắn gọi cà phê đen. Trong lúc gã đổ cà phê vào phin thì hắn cứ lầm bầm: “tụi nó vẫn ngủ hả? Hôm nay có vẻ mệt…không biết..” Gã đưa cà phê, hắn im bặt nhưng mắt vẫn dán vào Mụ vú khô. Khi hắn bê cà phê và tìm chỗ ngồi, gã nói nhỏ một mình, “tụi nó chẳng sao cả, vẫn bình thường, vẫn không quen biết ông”

 

Người đàn ông dường như nghe gã trả lời, cười hề hề, liếc nhanh Mụ vú khô lần nữa rồi mới bắt đầu bắt chéo chân, tay quậy đường, mắt ngó ra ngoài cửa. Giờ này, khách vào lai rai, ngồi nép vào ghế và chõ mắt nhìn ba củ cà rốt kì dị bỏ trong hộp kính, treo từ trần nhà xuống. Một nhóm sinh viên bước vào, ngẩng đầu nhìn chăm chăm cà rốt. Mắt chúng thèm thuồng. Tay chúng đổ mồ hôi, chúng định sờ hộp kính có treo cà rốt nhưng không dám. Mọi người biết chủ quán rất dữ khi có người chạm vào. Trong hai giờ sau, quán không còn ai bước vào vì hết chỗ. Gã bắt đầu ngồi thừ quan sát khách hàng, trong đầu vơ vẩn nghĩ đến một hoàn cảnh khác, tối hơn, thưa thớt hơn cùng với người đàn ông đầu tiên bước đến tiệm cà phê và gây sự với Mụ vú khô của gã.

 

X

Ngôi nhà nằm sâu trong ngõ hẻm chằng chịt dây điện và nhấp nhô con số. Khi thì số chẵn, số lẻ và trong cùng một bên, vừa chẵn vừa lẻ. Ngửa cổ lên trời. Vô vàn cọc ăng ten khẳng khiu, xiêu vẹo như đứa trẻ suy dinh dưỡng vọt lên, cao nghệu như cột buồm. Tất cả đều trông giống như bãi chiến trường xô nhau chạy dài từ đầu đến cuối ngõ. Trong không khí âm ẩm chỉ dành riêng cho những bà nội trợ, cùng mùi vị xoong chảo thoát ra từ ô cửa sổ tự tạo, dễ dàng thấy một điều hết sức đơn giản: nghèo. Phải khó khăn lắm mới tránh được các vũng nước thải ra từ các căn hộ. Mùi thiếu thốn nhếch nhác ám trên từng vách tường. Thỉnh thoảng lại bắt gặp những mẩu xương vụn hoặc nước mỡ chảy lênh láng dọc hai bên đường đi. Vậy mà trong xó xỉnh bần cùng này lại có một thứ ánh sáng duy nhất phát ra, đó là ánh sáng của những kẻ đói chữ, bội thực vì chữ, lấp lửng vì chữ. Nhưng tóm lại, tất cả những kẻ ấy dù trong trường hợp nào vẫn muốn ăn thêm, càng nhiều càng tốt. Có lẽ đấy là lý do duy nhất để người ta gọi nơi tập trung của những kẻ ăn tham này là thư viện. Thật ra đấy chỉ là ngôi nhà nhỏ bé, bình thường như bao ngôi nhà ở đây, chỉ khác là trước cổng có treo một bảng gỗ tí teo: “Nhà đọc”.

 

Chủ nhà là người đàn ông nhỏ thó, trong túi luôn có một mẩu bút chì, vài viên kẹo và cuốn sổ cá nhân. Người không sống ở nơi đây hoặc từ nơi nào xa lắm chuyển đến thì không biết trong con hẻm tối tăm này lại có một thư viện bình dân, nhưng không kém phần kiểu cách: hai hàng ghế con bọc da, thấp lè tè chạy dọc hai bên vách tường. Cứ giữa hai chiếc ghế là một chiếc bàn nhỏ, một gạt tàn thuốc. Tất cả đều cũ, bàn ghế lõm đi vì ngồi và tì tay. Bên trong, một chiếc tủ lớn chứa một khối lượng sách đồ sộ, đằng sau chiếc tủ đó vô số các kệ sách nhỏ. Người đến đây mang phong thái nhàn rỗi, bụng héo, mặt thuỗn, nhếch nhác.

 

Cho đến bây giờ, khi gã có dịp ngồi nghĩ lại thì thời gian đó quả là hạnh phúc và được bình yên trong thị trấn nhỏ. Vào tối hôm đó, sau khi từ một nhà ươm tư nhân về, gã loanh quanh mãi ở những con đường lớn để nhìn những bộ mặt thiếu máu, răng cỏ đều đặn chạy phom phom trên những chiếc xe bóng bẩy, đèn đuôi chớp tắt nhoặng xị. Gã chạy cho đến khi đụng phải một công trình đang xây lở dở chắn ngang đường. Sau công trình này, một đám cỏ lau cao vượt mặt mọc trắng khoảng đất hoang. Gã quay đầu xe, chạy ngược ra, cảm nhận bầu trời hãy còn sụt sịt nước sau cơn mưa, mây mù ảm đạm, đen đúa. Gã tiếp tục suy nghĩ cho đến khi bất thình lình nhận ra gã đang chạy theo một chiếc xe bán bánh mì từ nãy giờ. Tiếng rao cùng hơi nóng toả từ chiếc xe đạp khiến gã cảm thấy dễ chịu. Người đàn ông vẫn gò lưng đạp lên dốc. Ngay chỗ giao của cột đèn sắt và con đường cắt ngang, ông ta cho xe rẽ vào góc tù mù ấy. Hẳn ông ta muốn quay về nhà hoặc muốn bán nốt những chiếc bánh mì còn nóng hổi cho những ai lười ra đường trong thời tiết như thế này. Sau khi đạp ngang qua vài vũng nước lõng bõng, người đàn ông dừng ngay trước ngôi nhà ấy. Thật ngạc nhiên, trong bóng tối u buồn của dãy nhà không dám tiêu phí hết đồng tiền nhỏ nhoi vào ánh sáng, gã lại thấy những khuôn mặt thuỗn ngồi san sát, chính giữa họ là một chiếc bàn nhỏ, trên bàn kê đầy những sách. Họ im lặng và giật mình khi thấy xe bánh mì thình lình đậu ngay trước cổng. Vài tiếng ghế khua, tiếng ngáp rũ rượi đồng loạt phát ra.

 

Gã dắt xe vào nhà tìm cho mình một chỗ ngồi thích hợp. Người đàn ông nhỏ thó, cái nhìn thờ ơ hỏi gã muốn đọc thể loại gì. Ông ta lê từng bước nặng nhọc đi tìm sách. Trong thời gian chờ đợi, gã có dịp quan sát những người đến đây. Hầu như họ đủ các loại thành phần, từ thanh niên sạch sẽ đến ông già gồ ghề gió sương. Mé trong cùng lại có anh hon đa ôm vắt vẻo, trên tay một cuốn sách, mũi hít hà điếu thuốc. Nhưng người gây chú ý nhất lại là hắn, người không đọc sách mà lại ngồi im. Gã bước vào, nhận cái nhoẻn miệng cười của người nọ. Hắn nhìn chòng chọc vào ngực gã, hỏi nhỏ “mày từ đâu đến?”

 

Gã còn suy nghĩ tiếp nếu chủ quán không đem sách ra. Bây giờ là chín giờ tối. Mọi người kéo nhau ra về. Hắn đứng lên, mùi hôi nách nồng nặc, choáng ngợp không khí. Gã khịt khịt mũi, đưa mắt nhìn lên kệ sách. Hắn cố tình lại gần gã, nói “tôi đã thấy nó, nhiều lần, khi cô cắn vỡ mặt trăng của tôi. Lúc đó, nó hãy còn nhỏ nhưng cũng kích động lắm” Hắn, chính là thằng bé nhà quê, giãy đành đạch khi lồng đèn vỡ tan tành dưới cú đớp của gã.

 

Nhiều tuần tiếp theo, gã hay đến nhà sách vào buổi tối. Nhưng càng về sau, càng bất thường. Khi vào buổi trưa, khi vào buổi sáng, vào bất cứ giờ nào gã thích. Dần dà, gã trở thành khách quen nơi đây. Nhưng một việc đã xảy ra khiến gã không đến nhà sách này nữa, khi hắn-đứa nhỏ ngu ngốc và nuôi lòng hận thù vì mặt trăng vỡ- nhân trong lúc mọi người chăm chú đọc sách, giơ tay tát thẳng vào Mụ vú khô đang treo toòng teng trên ngực ốm của gã. Tiếng bép vang lên, rõ mồn một khiến Mụ vú khô choàng tỉnh, gã và Mụ cùng kêu lên đau đớn.

 

XI

Gã vừa chỉ ngón trỏ vào hắn vừa tát bôm bốp trên gò má đầy xương. Hắn dửng dưng như không biết đau, vẫn bấu mười ngón tay nhọn vào Mụ vú khô. Nắm, vặn, xiết. Gã dùng cùi chỏ nện liên tiếp, phủ những cú đấm vào mặt hắn. Từng cú huých như mũi dùi thúc thẳng vào lưng, mặt và ức. Hắn im lì lì, môi mím chặt, tái nhợt không còn máu. Hắn chỉ tập trung trả đòn vào Mụ vú khô. Đấm, cào, xoay. Gaõ giãy dụa, né và giáng từng cái tát mạnh như muốn lật ngửa đầu hắn ra đằng sau.

 

Cuối cùng, vị khách thứ hai trong ngày giằng họ ngồi xuống hai nơi. Gã cúi gập người ôm Mụ vú khô, cả hai đau lả tựa lấy nhau. Còn hắn thì ngồi bải hoải trên ghế, miệng kêu gừ gừ, vẫn còn nhăm nhe Mụ vú khô. “Mày là đứa người không ra người, đồ con quỉ có năm mươi lăm cái răng và vú khô tong teo. Tao thề sẽ bóp vụn chúng ra”. Hắn rít lên the thé. Gã đứng lên, đi vào trong, mở vú ra xem xét. Mồ hôi chảy ròng ròng trên ngực, Mụ vú khô khóc không thành tiếng, giơ cái mặt lên trời chaúng hiểu vì sao bị đòn oan. Gã lấy áo chùi ngực, Mụ vú khô giờ đây sưng tấy, đỏ lựng, bất mãn. Khi gã quay trở ra, thình lình hắn bật dậy và đấm cực mạnh vào mồm gã. Gã bụm lấy miệng, lưỡi rà soát hàm răng và phát hiện răng cửa bị gẫy phân nửa. Gã chùi miệng, gói nửa chiếc răng vào khăn giấy, ương ngạnh ngồi xuống ghế nhìn hắn trừng trừng.

Gã biết trước sau gì cái làng khốn khổ ấy sẽ cử một đứa đi đòi nợ, trả thù cho cả lũ con nít, mà thời ấu thơ cứ bị cái bóng của gã đuổi theo như ma ám. Bọn chúng đã nằm trong nhà, dậm chân đùng đùng trên giường, nửa chống cự phải nhổ răng, nửa lại sợ có cái mồm đầy răng giống gã. Nên chúng hè nhau căm thù gã đến tận cùng cực. Hình ảnh một con nhỏ ma quái ngồi đớp trăng giữa sân nhà càng tăng thêm sự ác cảm của chúng. Nhưng gã biết, sở dĩ hôm nay có cuộc đụng độ này chỉ vì hắn đòi hỏi một chuyện khác. Đó là lần đầu tiên, thông qua cuộc chạm trán giữa hắn và gã đêm trung thu, hắn nhận diện được Mụ vú khô với giấc ngủ non nớt đang nằm phẳng lặng, yên bình. Đêm đó, hắn mơ Mụ vú khô từ từ nhú lên khỏi khuôn ngực lép kẹp, nở ra nụ cười với năm mươi lăm chiếc răng gớm ghiếc. Hắn không ngại ngùng thò ngón tay vào chiếc miệng ấy, nhận cú đớp như trời giáng. Thức dậy, hắn loan báo là đã bị ma ám. Gia đình xiềng hắn ở nhà cho đến khi chân bị teo, nhưng không hiểu sao hắn lại tự giải thoát được, cắm đầu chạy một nước lên thành thị, dừng chân tại một nắp cống.

 

Lúc này, loài sử quân tử và huyễn tượng của nó bò qua thành phố, cuốn theo hắn. Buổi sáng, hắn nhập bọn với cái bóng hôi thối lướt qua chợ búa, trường học, những toà nhà công sở, các lô chung cư, bệnh viện, đồn cảnh sát, xe nước mía. Buổi tối, hắn trở về là người có tiểu sử như sau: nhân viên điện tín, làm ca đêm, độc thân và không thích thời trang.

 

XII

Suốt mùa hè, gã và hắn cứ gờm nhau. Mười lăm phút sau khi gã mở cửa hàng là thời gian để hắn lảm nhảm với Mụ vú khô. Cô chủ quán vẫn không nói lời nào từ khi răng cửa bị gãy, vẫn phục vụ hắn và mọi người tử tế, đến nơi đến chốn. Dần dà, thái độ của hắn cũng dịu bớt, ánh mắt dành cho Mụ vú khô cũng tình cảm, bớt hằn học. Hắn không nói mà chuyển sang nhìn chăm chăm Mụ vú khô, thái độ như vừa quan tâm, vừa dò xét, tò mò. Chuyện gây hấn giữa hai người chuyển biến tốt đẹp cho đến tuần cuối cùng của mùa hè, cũng là tuần cuối gã bán cà phê trước khi bước vào mùa học mới, gã viết thư tấn công hắn. Liên tiếp một ngày hắn nhận được hai bức, một lần do gã đưa trực tiếp vào buổi sáng tại quán cà phê, lần hai qua bà bán báo dạo. Lần nào cũng vậy, hắn ôm hai lá thư, đợi vào đến sở làm rồi mở ra đọc. Những bức thư được đọc vào lúc hai giờ sáng có sức hút ghê gớm. Tuy cô ta luôn kể chuyện xa xôi, nhưng hắn luôn cảm nhận, dường như cô ta viết về điều gì đấy, có liên quan đến hắn.

 

XIII

Ngày 1/1/05:

 

…“ Tôi đã sốt. Người quay cuồng, nong nóng và không đề kháng nổi tiếng gào đang tiến dần về tôi. Nó làm tôi thấy một cái miệng đang đứng giữa phòng. Hai cái. Rồi ba cái…Trong khoảnh khắc, căn phòng tôi chật ních tiếng cười, tiếng cãi cọ lẫn khen ngợi, chửi rủa nhau. Những cái miệng lấp đầy căn phòng, chúng ngồi trên bàn, dưới bàn, nơi đâu cũng là nhóp nhép tiếng chúng nói chuyện. Chúng bao quanh lấy tôi, răng, lợi và lưỡi đủ kiểu. Tôi nghe tiếng chúng hôn nhau, huýt sáo, trêu chọc và cười lớn. Cũng có vài cái mím chặt môi, thở khò khè như rắn. Có vài cái miệng liếm thử người tôi rồi hôn nhẹ, rà lưỡi vào gan bàn chân chọc tôi. Có đứa bảo tôi thơm, có đứa nói tôi quá gầy. Có đứa bắt chước tiếng nghiến răng của tôi. Chúng kinh hãi, dạt ra khi tôi bỗng nhe hàm răng lởm chởm. Chúng sợ vì chưa thấy có cái miệng nào giống tôi, dưới làn môi mỏng là một đống răng to nhỏ, xiên xẹo, lởm chởm như rừng chưa được cắt xén, lưỡi tôi nhọn và mỏng như lưỡi dao. Hơi nóng của tôi khiến một vài cái miệng bị chao đảo, bĩu môi chạy ra xa. Trong lũ môi miệng đó, tôi thấy một chiếc thật đặc biệt, nó cười mà như mếu, mồm rộng méo xuệch méo xoạc. Nó đang cười thông cảm cho tôi hay nó khóc, tôi cũng không phân biệt được. Nó luôn chen lấn, xô đẩy các môi khác để hướng về phía tôi, đứng ngay tầm nhìn để tôi thấy nó, nhất quyết không cho cái môi nào chiếm vị trí. Nó cứ há ra, lưỡi đen như tròng mắt nhìn về phía tôi, nhưng không lộ biểu hiện nào cho tôi biết nó muốn gì. Một lát sau, khi thuốc giảm sốt ngấm dần, mắt tôi gần như trở lại bình thường thì tôi chợt nhận ra, tôi đang ngồi trước tấm gương lớn đặt ngay đầu giường, miệng tôi há to, chính là nó cùng chiếc lưỡi đen đang nhìn tôi qua gương. Tôi trở dậy, lục soạn quần áo, tắm bằng nước đun sôi pha chút nước lạnh, gột kĩ những chiếc miệng bám vào tôi qua cơn sốt một ngày một đêm.”

 

Ngày 6/1/05:

 

…“ Một người đàn bà, mắt sáng quắc, lập loè. Bà ngồi thu lu trong bụi rậm, dương vật dài một mét đang rình rập, muốn hiếp dâm tất cả những ai đi ngang nghĩa địa.

 

Từ xa, người đàn ông đang bước tới, vẻ u sầu. Bà ta dùng cái vòi của mình cuốn chặt ông ấy, đẩy vào bụi, lột quần và đâm dương vật vào cuống rốn của ông ta. Năm phút sau, người đàn ông chỉ còn cái vỏ tái ngắt. Bà ta thổi hơi vào cuống rốn vừa mới bị đâm thủng của ông ta. Ông từ từ căng lên như lốp xe xịt được bơm hơi, tóc dựng đứng, mắt lòi tròng. Sau đó bà ta thắt rốn ông lại, để cái xác-lốp xe nằm bên vệ đường, phất phơ qua lại.

 

Tôi bước tới, không biết hiểm họa đang chờ trước mặt. Một người bạn vừa chết cháy tuần trước, đòi tôi phải tưới nước lên mộ anh ta. Tôi bước ngang bụi rậm, bà ta xông ra, ấn tôi xuống đất. Tôi nằm yên, nhưng bà ta biết tôi đang nghĩ gì trong đầu, cánh tay đè chặt tôi không cho tôi tìm cách chống trả. Bà cố tìm đường chui vào người tôi. Sau một hồi sục sạo, bà quay trở lại tìm cái rốn và tìm cách biến tôi thành cái vỏ như người đàn ông kia. Tôi giờ đây vật vờ, nhảy lờ đờ trên đất, đầu cụng vào thân thể người đàn ông kia. Chúng tôi là cái vỏ, nhìn từ xa như quả bóng hình người mà lũ trẻ hay chơi. Giống như ai đó đã đặt hình nộm hòng làm vui mắt cho người thân của họ nằm trong nghĩa địa. Khi cơ thể trướng lên, những chiếc răng của tôi càng chìa to ra hơn nữa, hàm trên quặp vào môi dưới như mụ hề trong rạp xiếc. Còn người đàn bà nọ, sau khi thỏa mãn, nằm cuộn tròn trong bụi rậm, nhìn chúng tôi, xoa xoa bụng, cười.

Đó là những gì tôi thấy, sau cơn sốt thứ hai trong tuần.”

 

Ngày 14/1/05:

 

“ Tôi thấy ông chạy về mách mẹ tôi rằng, con bé lì lợm sống trong thành phố buông thả và vẫn không khá hơn so với lúc còn ở trong làng. Rằng con bé vẫn dúi đầu vào nghiên cứu những điều không đâu, sinh ra từ cái đầu dở người và quen chống lại sự nghiêm túc của nó. Tôi vẫn tiếp tục đớp trăng. Ông biết rõ điều này. Tôi chạy vào một nơi ít người biết đến, rồi tha hồ làm trò một mình. Tôi không thích cộng đồng. Tôi không thích trường học nữa. Tôi không muốn phải chia sẻ những củ cà rốt mọc hoa cho ai. Tôi cứ thích lầm lũi trong căn nhà ẩm ướt, chờ cho nó lầy lội, chật chội với quần áo bẩn, bàn ghế vương vãi, tủ lạnh vắng teo và nước chảy róc rách từ tầng đá xuống tầng để thức ăn. Tôi thích chúng quết chặt như đầm lầy. Tôi thích tắm để cái thằng láo toét kế bên phải tắm theo. Tôi trần truồng ngồi ăn mì gói cho người ta nhìn vào cửa sổ bé tẹo. Tôi cứ trưng bày cà rốt mọc hoa cho lũ chúng nó thèm thuồng. Tôi cứ sốt để có thể thấy được ham muốn. Tôi cứ dạy cho trẻ con chành choẹ, giành giật và mắng chửi nhau, tập cho chúng khả năng tự vệ của thú. Tôi cứ đem đặc điểm của mình doạ mọi người.

Một điều cuối cùng tôi muốn hỏi: ông có chịu về ở chung với tôi?”

 

Hắn trở về nhà sau năm tiếng trực điện tín. Lúc này là bảy giờ sáng. Ngủ một tiếng. Thay bộ đồ của nhân viên điện tín và chuẩn bị trở thành đồng bọn của cái bóng khổng lồ hôi thối lướt ngang thành phố vào buổi sáng. Hắn lừ đừ tạt ngang quán cà phê của gã vào chín giờ, bước vào quán, không hỏi han Mụ vú khô mà nói với cô chủ tiệm cà phê: “tôi đồng ý ở chung”.

 

Bắt đầu từ mùa thu, gã chung sống với hắn, chia sẻ mùi hôi nách, răng vẩu với nhau. Mới đầu, hắn nằm trên sàn nhà, bên cạnh giường của cô gái. Nhưng chỉ trong ba ngày đầu, do sợ hãi những thí nghiệm của gã trên bóng sử quân tử mọc trên thân cà rốt, hắn chui vào gầm giường của cô gái, ẩn dật nơi đó.


XIV

Hắn nằm dưới gầm giường, hai tay quắp trước ngực, đôi mắt thao láo nhìn những củ cà rốt mọc hoa được cô gái mang vào, đặt trên sàn nhà, trong giai đoạn cuối gần tàn.

 

Gã từ ngoài phòng bước vào, đi quanh mấy củ cà rốt, nói “đêm nay là thời kì cuối của bọn chúng”. Hắn trong lòng hồi hộp, không biết trong đêm nay, bọn chúng có chết thật không, hay lại lây lất như ba đêm trước, khiến không khí trong phòng có mùi như chuột chết. Và trên tường, những cái bóng của sử quân tử dật dờ, múa may, cộng thêm tiếng nghiến răng của cô gái nằm phía trên khiến hắn không thể chợp mắt. Hắn nằm sấp, gối cằm trên tay, ngó những củ cà rốt lần nữa, trên thân chúng đã xuất hiện những lỗ tròn, đôi chỗ mềm nhũn, chỉ cần thêm nước là chúng rã ngay như bị nấu nhừ. Hắn cứ nằm như vậy trong gầm giường bụi bặm, giương mắt lên dò xét cà rốt và bàn chân của cô gái đi qua đi lại. Bỗng nhiên hắn thấy cô đứng im, rồi quần áo rơi xuống dưới chân.  Đầu cô cúi xuống, nhìn hắn. Sau một lúc quan sát, cô thò tay kéo hắn ra khỏi giường. Hai người nằm trên sàn, bên cạnh cà rốt, vuốt ve nhau. Hắn sờ, chạm chạm, nắn nắn da cô gái, mắt nhắm lại như hồi tưởng xem cô có đúng như hắn nghĩ không. Cô để yên cho hắn xem xét với sự thích thú. Hắn lần xuống ngón chân cô, bẻ tới bẻ lui xem độ cứng của nó. Hắn gãi gãi và bóc da thừa ở gót chân cô. Hắn còn lần xuống mắt cá sần sùi, bấu bấu vào vết chai của chúng. Hắn xoay xoay đầu gối cô, làm nó trượt tới trượt lui. Hắn chơi với bộ phận của cô gái một lúc lâu, nhưng tuyệt nhiên vẫn không chạm vào Mụ vú khô. Gã thình lình lên tiếng, sao không hỏi thăm chúng. Hắn nói, không cần, riêng Mụ vú khô thì hắn biết quá rõ, không chạy vào đâu được, cứ để mụ yên với thế giới của mụ. Hai người nằm sát bên nhau cho đến khi các cơ của hắn khẽ giật nhẹ, lúc ấy gã biết hắn bắt đầu ngủ say. Gã ngồi dậy, đẩy hắn vào gầm giường lại rồi leo lên giường, với tay tắt đèn, kéo tấm chăn qua thân thể trần truồng và bắt đầu ngủ.

 

Dưới gầm giường, hắn bắt đầu mơ thấy cỏ bợ biến thành một tốp trai gái, khoảng mười sáu tuổi chui ra từ bắp chân người chết. Vừa chui ra khỏi chỗ hôi hám và chật chội đó, bọn chúng bị một nhóm người lớn bắt ngay lấy, đòi bọn chúng phải tắm rửa sạch sẽ trước khi bước vào đất của họ. Bọn trẻ cúi người thoát khỏi vòng vây, lấy đá ném trả họ. Một người trong số họ thảy cho chúng quần áo, nhưng cả bọn nhất định không mặc, để người trần như nhộng ôm chầm lấy nhau, chống cự. Cuối cùng, bọn người vì muốn kéo chúng qua mảnh đất nên đã thảy lưới, chụp cả lũ nhốn nháo bên trong. Nhưng không ngờ, bọn trẻ bỗng dưng quay lưng lại với nhau, mặt mũi thâm sì lại, chân tay cứng như gọng kìm. Chúng đang bóp cổ lẫn nhau, lấy hết sức bình sinh mà bóp cho đến cả bọn xanh người, bàn tay bỗng to lớn khác thường. Còn bọn người đang đứng hò hét bên mảnh đất quay ra chửi rủa nhau. Lũ trẻ giờ đây nằm phủ thành một khối xanh lè, trần truồng với bàn tay to úp lên mặt.

 

Hắn mở trừng mắt. Ngó trân trân vào mấy củ cà rốt. Giờ là ba giờ sáng. Mùi thối của cà rốt hắt lên nồng nặc. Hắn nhìn đám cỏ bợ héo đang bẹp nhẹp trong vũng nước của cà rốt vừa thải ra. Hắn nhìn lên gầm giường, nói với cô gái: “nó chết rồi đấy”. Gã chỉ ừ hử: “chưa chết hẳn đâu, phải ba tiếng nữa mới thối hoàn toàn”. Hắn không nói thêm tiếng nào, quay mặt vào chân tường, nhìn mấy lỗ nấm đen đen. Khoảng năm phút sau, hắn thở dài quay ra, nhìn chăm chăm vào màn tối trước mặt. Gã đập gót chân xuống giường, “ngủ!”. Hắn lẩm bẩm: “đêm nay không trực điện tín”. Khi nghĩ đến điện tín, hắn lại lơ mơ đầu óc, vì liên tưởng đến tiếng rò rè của máy phát điện đặt ngoài hành lang ở công ty, thậm chí hắn còn nghe được tiếng máy lạnh chạy rì rì trong đêm và cái lạnh khô của nó. Bỗng dưng hắn giật phắt người, vì thấy được sự chuyển động của cô gái xuyên qua giường. Hắn thấy máu cô đang dồn cục, sôi lõng bõng rồi trở lại bình thường. Ruột cô trắng phếu như con trăn giãn nở bên trong cơ thể đầy máu, nước và nhớt hồng, hệt như sản phẩm cà rốt-cà chua của cô. Dưới dạ cô còn vài chiếc răng sữa nằm lót dưới đáy. Hắn bật cười khục khục, à thì ra hắn đang là cái bóng hôi thối buổi sáng lướt qua thành phố để nhìn ruột gan người sống. Cái bóng của hắn và của đồng bọn thường xuyên chứng thực những bộ ruột gần chết, những tảng máu đông gây tắt nghẽn hơi thở và làm họ gục giữa đường, những miếng xương đầy vết lủng vì mục và nước miếng sôi ùng ùng của người ăn uống đầy đủ. Bọn hắn thấy họ, nhưng họ lại hoàn toàn mù về thế giới của bọn hắn. Có thể họ nghĩ bọn hắn là khói xe đường ùn lên cùng một lúc hoặc hơi ống cống thoát ra chăng? Hắn biết họ không thấy, nhưng luôn cảm nhận qua mùi vị khi họ đi ngang thịt gà ươn, cá ươn, mèo chết, chuột chết, người chết quẳng ra đường, rau quả ung, trứng để quá hạn bằng cách lấy tay bịt mũi. Hắn tiếp tục cười, lăn lộn trong gậm giường, tay vẽ theo đường máu đang chạy của cô gái nằm trên đầu hắn. Đường máu khi đậm khi nhạt, mấp mô theo nhịp thở của cô gái. Hắn nằm quan sát được khoảng mười phút thì đường máu có vẻ nhạt dần, mờ đi, không rõ nét và mất hẳn. Hắn giật phắt mình, chẳng lẽ cô ta chết trong khi ngủ? Hắn giơ tay sờ thử nóc gầm giường, gõ thử vài cái nhưng cô vẫn không lên tiếng. Hắn định bò ra để xem thì ngay lúc ấy, một cái bóng khổng lồ, từ từ bay ra từ củ cà rốt-sử quân tử, nó lớn lên và đụn thành khối đen ngòm trên trần nhà. Sử quân tử đang giãy chết chăng? Nó có thực, hay hắn vẫn đang nằm ngủ trong gầm giường? Hay hắn tiếp tục mơ qua câu chuyện khác? Hắn thấy khối đen vẫn quanh quẩn trên trần và hạ xuống, nhìn vào cái xác của chính nó đang rữa, nước từ cà rốt chảy ra, đọng lại vũng sền sệt, lăn tăn bọt khí vỡ. Rồi hắn thấy nó dang tay ôm mặt khóc hù hụ, vẻ rất đau đớn. Hắn bỗng nhiên thấy căn phòng thật lạ, càng không hiểu tại sao hắn lại nằm mọp trong gầm giường, bên cạnh đống cà rốt thối này? Hắn nhìn chăm chăm củ cà rốt như tìm câu trả lời về tên hắn, nhà cửa, nơi chốn, hoặc ít ra hắn sẽ lí giải được tại sao mình ở đây. Hắn bắt đầu nghe được tiếng khò khè của cô gái, tiếng thở này cũng không gợi được chi tiết nào về bản thân hắn. Cùng lúc đó, cái bóng sử quân tử gầm lên một tiếng, đầu nó xoay như chong chóng, cánh tay lằng nhằng rễ và hoa của nó tóm tất cả những cái bóng đồ vật đang lung lay, cột túm chúng lại bằng rễ của mình và quẳng vào một xó. Nó đang muốn hủy diệt tất cả, nó sẽ tóm lấy cái bóng của hắn thôi! Hắn sợ quá, tay chân cuống cuồng, quờ quạng túm bốn chân giường, ngực cà vào vách tường tìm lối thoát. Nhưng gầm giường như hộp khí kín bưng, mà màn đêm làm mờ con ngươi, khiến hắn loay hoay, chống trả cái nghẹt thở đang đến gần. Đầu óc, chân tay, mũi miệng đều rối rít, chân này quắp chân kia, tay phải nắm lấy tay trái, các bộ phận, giác quan trong người hắn bỗng rối mù lên. Hắn cứ mò mẫm lung tung, lùng bùng dưới gậm giường. Hắn cảm thấy ngực như có ai giẫm nát, miệng ai như kề miệng hắn và hớp hết giọt khí cuối cùng trong chân răng. Trước khi hắn ngã ngửa, mồm mếu máo khóc thì hắn nhận thấy đây không phải là gầm giường nữa, mà nó là đường hầm không lối thoát, và ai đó đã lợi dụng bóng tối này để cưỡng bách, ép hơi thở cuối cùng của hắn vọt ra miệng, đen như cái bóng hôi thối và khổng lồ của bọn hắn. Hơi thở của hắn nép vào từng kẽ hở của nóc gầm giường, lẩn sâu vào từng lỗ ẩm mốc của vách tường cho đến khi hắn không còn nhận ra chúng nữa. Tay hắn quắp chặt chân giường lạnh lẽo, ngủ một giấc nặng nề chưa từng có.

 

XV

Gã nhỏm dậy vào lúc tám giờ sáng  như thường lệ. Điều đầu tiên là nhìn vào đống cà rốt nằm nhẹp dưới sàn. Lẫn lộn trong đám cỏ bợ, vỏ cà chua, nước và bã cà rốt thì những con dòi bé li ti đang nhúc nhích và bám chặt vào từng cọng rễ héo của sử quân tử. Gã đứng lên đi vào phòng tắm. Sau mười lăm phút gã đã ra khỏi nhà. Trên đường đến đồn cảnh sát, gã nhận thấy đây là lần đầu tiên gã tắm trong vòng mười phút mà vẫn không nghe thằng láu cá kế bên chạy ào vào tắm cùng thời điểm.

 

Gã đi thẳng vào đám cảnh sát đang đứng tụ tập trước sân. Một tốp người theo gã về nhà. Tại đây, chính tay gã hốt sạch xác cà rốt bỏ vào sọt rác trước khi gã tháo từng ngón tay vẫn bấu chặt vào chân giường của hắn, nhìn mặt hắn đau khổ cùng những sợi tóc cứng đơ. Gã lôi hắn ra, đặt giữa phòng trong khi cảnh sát bắt đầu nghi chép và lật tung chiếc giường lên. Gã chẳng thấy gì ngoài những lỗ đen mục dưới chân tường, ngày càng đen hơn.

 

XVI

Giờ gã đang ngồi trong quán cà phê gần trường, chờ giáo sư đến để nộp phác thảo cho dự án kế tiếp. Quán này vẫn luôn đông đúc vào ba mùa xuân, thu, đông, chỉ trừ mùa hè thì chẳng ma nào thèm tới. Các sinh viên ngồi theo từng nhóm, cãi cọ hoặc học chung với nhau. Đúng mười giờ, vị giáo sư ngồi phịch xuống ghế, thở hổn hển ngay trước mặt. Thầy hỏi gã: “dự án đâu?”, gã mở cuốn tập, chìa ra cho thầy đọc. Lần này, gã lại nghiên cứu về “những loại giống có thể kí sinh trên người”. Thầy góp ý, hắn ngồi nghe. Thầy bảo nên thay đổi đề tài, hắn lắc đầu không đồng ý. Thầy la lên: “nói?” Hắn ngồi im ngó người ta đang từ từ rời quán. Thầy giận dữ đứng lên, mắt long sòng sọc nhìn hắn. Xung quanh bỗng im lặng, lần đầu tiên họ thấy gã nhe răng ra cười, những chiếc răng vừa mới sơn màu nâu, bóng loáng. Còn vị giáo sư thì hất tung cả ghế và cuốn tập của gã, gầm lên: “chẳng thà cô dìm tôi dưới nước!”

 

Gã tản bộ về nhà, tạt vào sạp bán rau ngay đầu đường, mua một ít rau cải và gói mì chua. Gã bước vào nhà với sự dễ chịu và ấm áp. Căn nhà đầy lồng đèn hình mặt trăng.

 

 

T4.23.3.05   5h40’

Café trên đồi, Berkeley

 

 ( trong tập "Bởi từ lâu chúng ta không thể ngủ" của Nguyễn Thúy Hằng)

Sách phát hành toàn quốc:

Nhà sách Kiến Thức : 17A Hàng Chuối , Hà Nội.

Van Art Gallery: 2B Chu Mạnh Trinh, Q1, Tp HCM."

 

Nguyễn Thúy Hằng
Số lần đọc: 1950
Ngày đăng: 31.07.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Sphinx* - Minh Thuỳ
Một ngày không bình yên - Nguyễn Lệ Uyên
Một chuyến xa nhà - Lê Mai
Giàn hoa cát đằng - Mang Viên Long
Chù Mìn Phủ và tôi - Vũ Ngọc Tiến
Một mình trong cơn khát - Phạm Thanh Phúc
Vách đá - Ngô Nguyên Nghiễm
Chim sẻ đã bay đi - Nguyễn Mỹ Nữ
Đêm không có mặt trời - Sâm Thương
Về làng - Minh Tứ
Cùng một tác giả