Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.187
123.150.824
 
Quà tặng bất đắc dĩ
Phạm Thanh Phúc

Nhà văn vừa nhận được giấy báo lãnh hàng nước ngoài, mặt ông phớn phở trông thấy. Chiều nay, chắc mụ vợ hiền sẽ hết chì chiết, đám con thân yêu sẽ hết hỗn láo. Nghĩ tới đó, ông cười một mình. Chà! Món quà từ trên trời rơi xuống, hệt như phép lạ. Ban sáng, ông đang ngồi tán gẫu bên quán cà phê trước nhà thì gã đưa thư tới. “Ông tên Trần Trật Tự, số nhà...”- Gã lạnh lùng hỏi. Nhà văn đứng đực ra chờ đợi. Gã đưa thư nói liến thoắng, ông nghe câu được, câu mất, nhưng cũng hiểu là mình sắp có một thùng hàng nước ngoài. Sướng rơn người, ông tất tả ra sau nhà lấy hộ khẩu, rồi nhanh nhẹn ký vào quyển sổ trên tay gã đưa thư. Ông vừa ngả lưng xuống giường thì có tiếng gọi cửa. Lại gã đưa thư. Chuyện gì nữa đây? Nhà văn rụt rè hỏi: “... Dạ, gì ạ?”. Giọng gã đưa thư tỉnh bơ: “Đâu?”. Ông ngạc nhiên: “Thì chính ông bảo tôi cất cái giấy...”. Gã lắc đầu: “Không, tôi hỏi là... khoản tiền bồi dưỡng...”. Nhà văn lúng túng, rồi chợt hiểu, ông vét nốt số tiền còn lại trong túi. “Chỉ có thế thôi  à?” Gã đưa thư chép miệng nhìn ông, lắc đầu mấy cái rồi bỏ đi.

 

Vợ ông thường nói mát về một tầng lớp “trí thức nửa mùa” . Ông dư biết bà ấy nói xiên, nói xéo mình, nhưng không dám cãi. Mà nửa mùa là gì nhỉ? Mười sáu tuổi thằng Tự đã học hết cấp ba. Hăm bốn tuổi, anh Tự đã tốt nghiệp Đại học. Tiếng Pháp, tiếng Anh đối với Tự chẳng có gì khó. Ngoại ngữ đối với anh như một trò giải trí – một trò chơi đầy trí tuệ - Con đường học vấn của anh bằng phẳng, trơn tru tưởng chừng như thượng đế đã vô tình ban tặng cho anh chiếc thang để leo lên đài danh vọng. Thế nhưng, đùng một cái, Tự bị động viên vào lính đi Nam tiến. Thôi thế là đi tong giấc mộng du học Liên Xô. Mẹ Tự lo lắng, chạy vạy, nhà có đến mười, mười một đứa con, lo cơm ăn áo mặc, chắt bóp cho con học hành cũng đã mệt nhoài. Giờ phải lo cho con trốn lính, làm sao bà không hụt hơi cho được. Càng gần đến ngày thi hành nghĩa vụ quân sự, bà cuống lên chạy hết chỗ này, chỗ khác. Rốt cùng, cái tên Trần Trật tự cũng phải mặc áo lính. Mấy chỉ vàng mà  mẹ anh vét hết của ăn, của để ra biếu lão Xã Đội Trưởng, không đủ để thằng con thoát nghiệp cầm súng. Cũng may, lão xã Đội Trưởng biết bà nghèo thật nên không hoạnh họe nhiều, Tự được “thi hành nghĩa vụ quân sự tại chỗ” – nói nôm na là làm lính kiểng. Cả ngày, anh không hề động đến khẩu súng. Công việc chính của Tự là dùng để ... sai vặt(!). Chàng sinh viên  ngữ văn trường tổng hợp Hà Nội ấy ngày ngày giặt giũ, chợ búa cho gia đình ông Xã Đội Trưởng. Đó là một lão già tai ác. Hắn sai bảo chú lính kiểng không thiếu việc vặt nào, từ chuyện mắc lại cái bóng đèn trong bếp cho đến việc giặt đồ trong nhà. Có khi bắt gặp trong đống quần áo ấy vài chiếc  quần  lót bằng sa tanh mỏng của mụ vợ lão, chú lính kiểng thoáng đỏ mặt, nhưng rồi cũng cắm cúi giặt cho xong. Anh giúp việc cho lão xã Đội hơn một năm thì sự cố xảy ra. Lão Xã đội bình sinh chỉ thích hai món: quà biếu và những trò chim chuột. Quà biếu thì lão không bao giờ thiếu. Riêng về cái khoản phụ nữ thì lão cũng có đến bà vợ thứ tư. Bà này trẻ hơn lão tới hăm nhăm tuổi – bằng tuổi đứa con gái lớn của lão – đang độ mơn mởn đào tơ - dĩ nhiên là phải được chăm sóc cẩn thận: Người đó phải là tai mắt của lão, kiêm luôn cả công việc người “ở đợ”. Không ai có thể tốt hơn anh Tự. Lão Xã Đội nghĩ: “Thằng này là học sinh, lại nhát đánh đấm. Lớ quớ là mình cho nó đi tong ngay. Chắc là nó không dám phổng tay trên của mình đâu...” Lão cũng có cái lý của mình. Nhưng tuổi trẻ, ai ngờ được. Lửa gần rơm lâu ngày thì bén. Bà Tư ngày ngày ngắm cánh tay rắn chắc của chú lính kiểng bên nhà bếp mà thèm thuồng, so sánh với cánh tay cong queo của lão Xã Đội mà “Bà” đã già gì cho cam. “Bà” chỉ mới hai mươi bốn tuổi. Làm sao một cô gái đương thì như vậy lại có thể kìm hãm được sức trẻ đang hừng hực sôi động trong lòng mình? Hôm đó, Bà mon men xuống bếp vờ phụ giúp chú lính kiểng một ít công việc nấu nướng, rồi bà làm như tình cờ cọ xát vào người chú lính kiểng. Phải đến lần thứ tư, chú lính mới nhận ra được ý muốn của bà chủ, chú thoáng ngần ngừ, nhưng rồi tuổi trẻ đã mạnh hơn. Chẳng mấy chốc, câu chuyện tày trời ấy đến tai lão Xã Đội . Thế là anh Tự bị đẩy ra mặt trận - Kết quả của một mối tình không cân sức!

 

 Vào Nam chiến đấu, Tự bắt đầu viết tiểu thuyết, viết, một cách bất đắc dĩ. Lần đó, bị xăm hầm gắt quá, Tự chạy bán sống bán chết và ngẫu nhiên chui lọt xuống một căn hầm bí mật bỏ hoang. Trong ánh đèn le lói của lỗ thông hơi, Tự lần mò thấy một quyển nhật ký không có tên của một đồng chí nào đó bỏ lại. Đó là một câu chuyện tình tuyệt vời, sống động giữa cuộc chiến tranh ác liệt. Anh đọc mê mãi, một phần vì giọng văn, kể chuyện quá xúc động, phần là để chống lại cái đói kinh khủng đang dày vò. Hơn tuần lễ sau, du kích xã tìm thấy Tự gần ngắc ngoải bên miệng hầm với quyển nhật ký trong tay. Ai cũng tưởng đó là một tác phẩm của Tự. Rồi quyển nhật ký theo đường dân công, ra Bắc và được in thành sách. Sau khi bị buộc trở thành nhà văn, Tự đành phải viết thật sự. Nhân vật nữ trong các tác phẩm của nhà văn luôn mang một dấu ấn thiên tình sử- bà Tư ,vợ lão Xã Đội trưởng- nhớ đời. Có lẽ cũng chính vì vậy mà nhà văn hay bị mang ra phê bình trước đồng đội về sự đa cảm, lãng mạn, ủy mỵ. Chiến tranh đã làm giàu cho kho tàng trí tuệ của nhà văn  bằng cách giúp anh đẻ ra hàng chục cuốn sách, và nó cũng không quên để lại dấu vết khó chịu trên mắt trái của anh. Khi chiến tranh chấm dứt, nhà văn bước sang tuổi trung niên và vào ở hẳn trong Sài Gòn. Bà mẹ giục anh cưới vợ gấp, chẳng gì bà cũng thèm ẵm bồng đứa cháu đích tôn – dòng dõi của thằng con tài năng nhất nhà. Vân, vợ tương lai của nhà văn, là một thiếu nữ con nhà gia giáo, lại khá xinh đẹp. Vân biết anh Tự qua một tấm ảnh của bà mối mang lại. Tấm ảnh chụp anh từ hồi còn sinh viên. Cả nhà Vân tấm tắc khen ngợi chàng trai sáng mắt, bảnh chọe trong ảnh. Vân đồng ý ngay. Thời giặc giả loạn lạc vừa xong, kiếm được tấm chồng như thế là ưng ý lắm rồi, còn đòi hỏi gì nữa. Một đám cưới linh đình diễn ra ngay tức khắc. Đến lúc nhà trai tới rước dâu, họ nhà gái mới té ngửa rằng chàng rể đen đúa, lại chột một mắt. Cô dâu trốn ra sau buồng ngồi khóc. Bà mẹ vợ chép miệng “Chậc! Con nhà mình vô phước, vớ phải thằng đui. Vậy là mất đứt mấy “chỉ...”. Họ nhà gái xì xào, bàn tán. Nhưng tất cả đã lỡ. Cô Vân về với anh Tự bằng một nỗi ấm ức dai dẳng. Đêm tân hôn, cô dâu cấm cửa chàng rể. Nhà văn vừa tự ái, vừa tủi thân mình thương tật nên chỉ dám nằm quay lưng vào vợ. Tuần lễ đầu trôi qua thật khắc nghiệt với Tự. Một tối, cũng trong tư thế nằm đó, anh chợt nghe hơi thở lạ nóng hổi sau gáy mình. Nhà văn quay lại bắt gặp tia nhìn của vợ, ánh nhìn mang một nỗi ghê tởm, khinh ghét, đồng thời lại chứa đựng sự thèm khát mơ hồ nào đó. Như một tín hiệu đồng tình, thế là cả hai vồ lấy nhau. Mấy năm sau, họ đã có đến nửa tá con – đều là gái.

 

Từ khi tách riêng nhà bên vợ, nhà văn lâm vào cảnh cực kỳ túng quẫn. Cái chức Ủy viên ban chấp hành hội nhà văn của ông chỉ là hư danh. Lương tháng của ông nhà văn – Ủy viên được non năm trăm nghìn. Ở giữa cái thời đại sách báo tràn ngập, ông không viết lách gì nỗi. Mà viết làm sao được, bởi chẳng ma nào chịu in sách của ông, vì sợ bán ế. Rặt trong tác phẩm của ông là kỷ niệm chiến đấu từ thời não thời nao; là những hình ảnh khô cứng, cũ rích đã có thời được tôn vinh; là các mối tình mà trai gái yêu nhau cũng không dám hôn nhau ( vì viết như vậy sẽ bị coi là khiêu dâm, đồi trụy!), là câu chuyện mà trong đó bao giờ cũng có những mẫu người hoàn hảo đến độ khó tin được trong cuộc sống thật và cái thiện lúc nào cũng chiến thắng một cách dễ dàng, thiếu hẳn logic, còn cái ác thì luôn luôn thất bại một  cách tự nguyện (!) Nhìn các bạn đồng nghiệp cứ cho ra tác phẩm đều đều, ông không bằng lòng, nghĩ thầm: Họ chạy theo thị hiếu, hay ho gì. Mình đâu có thèm chuyện ấy!”. Và ông nhơn nhơn tự dắc, vì tự cho rằng mình trong sạch. Chỉ có bà vợ và lũ con lãnh đủ. Không thèm viết lách, lại vốn là trí thức tiểu tư sản nên nhà văn không thể bước ra xã hội làm những nghề lao động phổ thông như mọi người, Ông ngại gặp lại bạn bè cũ, ngại bạn bè nhận ra mình trong bộ quần áo lao động chân tay. Ngẫu nhiên, ông... thất nghiệp. Vợ ông, nhờ chút nhan sắc còn lại đã được nhận vào làm ở một cơ quan kinh tế. Trước kia, bà vốn đã nhạt nhẽo với chồng, nay lại càng khinh rẽ hơn. Mấy đứa con đã sớm nhận ra cái kỳ quặc của ông bố và ngả về phe mẹ. Cả nhà bắt đầu gạt nhà văn ra ngoài, ông bị coi như không phải thành viên trong gia đình. Nhà văn thường vắng mặt trong mâm cơm – Giờ hội tụ của bất cứ gia đình nào. Buổi sáng, khi cả nhà còn ngủ say, ông rón rén ra đầu hẻm uống cà phê với mấy người bạn. Họ ngồi tán chuyện đến hơn nửa buổi sáng mới tản ra. Lúc đó, nhà văn vẫn chưa muốn về nhà, ông ngán bắt gặp những tia mắt của mấy đứa con ông. Càng lớn, chúng cáng hỗn láo vô kể. Chúng được mẹ giáo dục thiên lệch đến nỗi ngay từ khi còn bé, chúng đã tập so sánh nhan sắc giữa bố và mẹ. Rồi đến khi đồng tiền trở thành một chất liệu không thể thiếu được trong việc hàn gắn và xây dựng những tổn thương của gia đình, thì chúng công khai so sánh ra bằng lời về chuyện ông không mang tiền về nhà. Nhà văn đạp chiếc xe mi - ni cà tàng của mình đi lang thang khắp nơi. Ông ghé các bàn bán vé số. Thỉnh thoảng, ông cũng vét tiền mua một vé. Những tờ giấy chứa đựng biết bao rủi may, mà chiều hôm sau đã trở thành vô nghĩa. Nhà văn không quan tâm đến chuyện trúng hay trật. Ông chỉ mượn việc mua vé số để đứng quanh bàn bán vé số tán chuyện gẫu, giết thời gian. Họ nói với nhau đủ thứ chuyện trên đời: Từ chuyện vàng lên giá cho đến chuyện hôm qua báo công an đăng mấy tin rùng rợn. Hết bàn chuyện giá cả, thời tiết, thời sự, họ lại xoay quanh mấy cầu thủ bóng đá... cứ thế, câu chuyện kéo dài ra cho đến khi ánh nắng gay gắt rọi giữa đỉnh đầu, nhà văn mới chịu ra về. Hơi muộn một chút, bụng có đói hơn, nhưng ông thấy yên tâm hẳn, vì rằng, giờ ấy vợ con ông đã ăn cơm xong. Có lẽ, họ ngủ dậy rồi cũng nên, vợ ông chắc đã đi làm buổi chiều... Những hôm như vậy, nhà văn cảm thấy thoải mái, ăn cơm xong đánh một giấc đến chập tối. Ông cố tình ngủ thật lâu, đợi cho mọi người ăn tối xong, ông mới lục đục dậy ăn tối một mình. Có hôm, ông nằm đó nghe đứa con gái Út dọn cơm, tiếng bát đĩa chạm vào nhau lách cách, tiếng mỡ nổ ròn trong chảo… Ông thử hé mắt ra nhìn: cả nhà đang quây quần bên mâm cơm. Đứa con gái lớn đến lay bố dậy, nhưng ông thở mạnh, vờ ngủ say. Đứa con bỏ đi, nhà văn nằm đó, trùm chăn kín người. Chốc chốc, ông khẽ tụt chăn cho cánh mũi lọt thỏm ra ngoài, chúng khoan khoái hếch lên, phập phồng đánh hơi hít lấy, hít để cái mùi chiên xào đang bay lồng lộng khắp nhà. Chà! Mùi khen khét ấy là của sườn nướng, mùi hăng hăng dễ chịu là của canh chua, hơi thối một chút là của mắm tôm… đã quen nên chẳng có mùi gì là ông không đoán được. Sau khi cánh mũi đã thõa mãn, nhà văn nhẹ nhàng khép chăn lại. Lúc biết chắc chắn những đứa con ông đã sang nhà bên cạnh coi ti-vi, ông tung chăn dậy đi nhanh xuống bếp, vội vàng cho cơm vào tô ngấu nghiến một cách ngon lành, hoan hỉ.

 

Những đứa con của nhà văn thật là tinh ranh. Chúng tìm đủ mọi cách để hành hạ ông. Biết ông không thường sẵn tiền trong túi, chúng khều nhau lúc thì xin ông hai nghìn, khi năm nghìn để cho ông phải ngượng nghịu lắc đầu. Rồi chúng nháy mắt nhau, ra ý “thấy chưa, đã bảo mà. Ổng đâu có tiền…”Thỉnh thoảnh nhà văn giả vờ quát chúng mấy câu cho đỡ ngượng. Thực tình, ông biết đám con chẳng coi lời quát mắng của ông vào đâu cả. Sau khi ông quát mắng, có đứa còn quay đi lè lưỡi ra trêu bố. Nào chúng có sợ bố đâu. Chẳng vậy, chúng còn khinh ông ra mặt. Một hôm tình cờ về nhà hơi sớm, nghe tiếng động lạ sau bếp, nhà văn ngờ có trộm nên chạy vụt xuống. Thì ra… đứa con gái lớn và một thằng nhóc lạ hoắc đang trần như nhộng. “Bố em đấy!”- con bé trâng tráo giới thiệu. Ông giận run lên, không nói được tiếng nào. Chiều hôm đó, ông liều lĩnh ra ăn cơm với gia đình, cốt ý khuyên răn con bé vài câu chiếu lệ. Không ngờ, nó phản ứng gay gắt: “Bố biết gì mà xen vào chuyện riêng của con?” Ngượng quá, nhà văn hét lên đòi đuổi nó ra khỏi nhà. Nó là con của ông mà? Sao nó dám láo thế? Đứa con gái đột ngột dài giọng ra: “Giữa tui và ông không biết a-i l -aà người ne ên đi kh -o-inh-a à –nàay à nha!?!”. Nhà văn nghẹn họng. Vợ ông im lặng không quát mắng con gái nửa lời. Một sự im lặng ngầm khuyến khích. Miệng nhà văn đắng chát. Ông lùa nốt mấy hạt cơm cuối cùng, rồi đứng dậy bỏ ra sau nhà. Thế là hết, chúng nó trắng trợn xua đuổi ông ra khỏi nhà này rồi. Ông gói bộ đồ cũ cho vào túi ni- lon, lẳng lặng bỏ đi. Nhưng ở tuổi của ông, biết đi đâu, làm gì giữa cái thành phố mà mọi giá trị đều đảo ngược này? Đến nhà chú Tư, chú Năm – em ruột ông- thì cũng không tiện, vì họ phải lo cho gia đình riêng của họ. Còn đến nhà đám bạn nối khố thì lại càng không nên, bởi vì ông biết họ sống cũng chẳng dư giả gì. Những thằng nhờ vả được lại… không cùng quan điểm(?) với ông. Rốt cuộc ông vẫn trở về nhà. Mấy đứa con được dịp cười khinh khỉnh: “Biết thừa, tướng ổng ai mà chứa!”. Từ đó, nhà văn sống còn thua một cái bóng…

 

Tin ông sắp lãnh thùng hàng nước nngoài  như chiếc đũa thần màu nhiệm gõ lên các đồ vật: Biến cái ác thành điều thiện, biến thằng mất dạy thành người đạo đức, kẻ xấu hoá người tốt… Bà vợ và lũ con ông đột nhiên vui vẻ và ngoan ngoãn hẳn. Từ bảy năm nay, vợ ông  “cách ly” không thèm ngủ chung với ông, mà không có một lý do chính đáng nào cả. Ay vậy, nhưng đêm qua ông lại nghe hơi thở quen thuộc mùi nước hoa rẻ tiền của bà bên cạnh. Sáng nay, đám con quây  quần giữa nhà “đặt trước” những món mà chúng nghĩ ông sẽ có. Đứa con gái lớn lên tiếng đầu tiên:

 

 - Bố cho tụi nó gì thì cho, để phần con cái xe máy được rồi!

 

Đứa con thứ hai lầu bầu trong miệng: “Mẹ! Đòi xe máy là sướng cha người ta rồi, bày đặt ra cái điều như thua thiệt!”. Những đứa khác cũng lao nhao lên đòi quà. Ông sung sướng mĩm cười gật đầu. Gì ông cũng ưng thuận hết, miễn sao không khí dễ chịu này là sự thật và tồn tại lâu hơn.

 

- Bố sẽ bán bớt đồ lãnh được, mua một ti-vi màu. Coi… phải đặt nó ở góc tủ, cho mọi người cùng xem với! Con Hương sẽ có một xe đạp mới. Xe Nhật đàng hoàng. Bố…

 

Tiếng gõ cửa đột ngột vang lên. Gã đưa thư xuất hiện. Đám con ông vỗ tay, reo mừng, hướng về phía gã, chờ đợi. Gã nhìn ông từ đầu đến chân, rồi chậm rãi hỏi:

 

- Tên ông đúng là Trần Trật Tự chứ?

 

Ông sốt sắng đáp:

- Vâng!

Gã tiếp:

- … Số nhà 92/15 phường 4, quận X, đúng không?

- Vâng!

- Nghề nghiệp: mua bán thịt heo, đúng không?

 

Ông giật nãy người, vỗ tay vào trán:

- Ồ không, tôi là nhà văn.

 

Gã nghi ngờ hỏi lại:

-  Xung quanh đây có ai trùng tên với ông không?

 

Đứa con gái út vọt miệng:

- Bố ơi, chú thằng Li cùng tên y hệt bố, nhà chú ấy đâu  lưng với nhà mình, bởi vậy số nhà…

 

Ông nhìn gã đưa thư, gật đầu, xác nhận lời con bé. Gã thở phào, vuốt lại chồng bì thư trên  tay:

- Vậy thì xin thành thật cáo lỗi cùng gia đình. Đây là một sự nhầm lẫn, vì tên họ, địa chỉ giống nhau, chỉ có nghề nghiệp là khác. May mắn thật. Một lần nữa xin…

 

Rồi gã giật phắt tờ giấy báo lãnh hàng trên tay ông, bước nhanh ra cửa. Có tiếng mĩa mai phát ra từ đám con ông: “Phải chi bố làm nghề bán thịt thì đỡ quá!”. Những đứa con, đống tác phẩm dày cộm, rồi thùng hàng tưởng tượng… xoay lơ lững trên đầu ông. Ngực ông đau nhói. Bỗng nhiên ông có cảm giác như mình đang được đôi cánh nâng lên dần dần và ông bay vào khoảng không vô tận…

Phạm Thanh Phúc
Số lần đọc: 2571
Ngày đăng: 31.07.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Sphinx* - Minh Thuỳ
Một ngày không bình yên - Nguyễn Lệ Uyên
Một chuyến xa nhà - Lê Mai
Giàn hoa cát đằng - Mang Viên Long
Chù Mìn Phủ và tôi - Vũ Ngọc Tiến
Một mình trong cơn khát - Phạm Thanh Phúc
Vách đá - Ngô Nguyên Nghiễm
Chim sẻ đã bay đi - Nguyễn Mỹ Nữ
Đêm không có mặt trời - Sâm Thương
Về làng - Minh Tứ