Từ lâu nhiều người biết đến Phan Vũ là đạo diễn, nhà biên kịch, vẽ và làm thơ. Bài hát “Em ơi, Hà Nội - Phố” do nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc, vang lên tha thiết trong các đêm nhạc, trên sóng các đài phát thanh, truyền hình …làm thính giả ray rứt, nuối tiếc về mối tình dang dở sáng trong những ngày máy bay B52 Mỹ rải thảm bom ở Hà Nội.Phải đợi đến khi bước vào tuổi 82 ông mới cho ra mắt tập thơ đầu đời “Thơ Phan Vũ” do NXB Văn Học ấn hành vào tháng 6 năm 2008. Tập thơ gồm 34 bài, 104 trang, trong đó có hai bài thơ dài là “Em ơi, Hà Nội- Phố” và “Bài thơ về một câu hỏi”. Bài “Em ơi,…” gồm 23 đoạn, chiếm từ trang 9 đến trang 36, là khúc chiêu niệm tình yêu thời chiến tranh chống Mỹ năm 1972, dành cho “…những người Hà Nội đi xa”. Còn bài “Bài thơ về…” là bài thơ viết về giấc mơ thống nhất đất nước như một bài kinh cầu siêu độ :
“Bao giờ về Sài Gòn?
Em sẽ nằm trên căn gác nhỏ
Đợi tiếng rao đêm vào giấc ngủ
Ôi! Thèm quá một ly chè đậu đỏ
Câu hỏi thì thào trong giá lạnh”
Những bài còn lại sắp xếp giống như một thứ nhật ký riêng dành cho người tình, người vợ, trăn trở về nghề nghiệp, cuộc sống, đất nước :
“Tôi vẽ mặt hề
Một tôi đích thực
Trong những cuộc tình vô vọng
Tôi vẽ một người yêu
Mãi mãi vô hình…”
(Tôi vẽ)
Hay lúc ông nhớ về người vợ Phi Nga :
“Thu úa vàng lá cỏ hiu hiu
Mùa đông dừng lại trong anh
Lạnh lẽo
Đã một lần anh nói thương em
Ngày tháng trôi nhanh
Nấm đất bên đường câm lặng”
(Đã một lần anh nói thương em)
Ông tự xem như mình là người mắc nợ thời gian, nợ nhân gian, nợ sự thật tự thân phải chối từ, nợ hàng ngày dối trá câu đầu lưỡi :
“Tôi là chiếc phi thuyền
Trong không gian mắc nợ
Những vì sao không đến được bao giờ
Cả cuộc đời mắc nợ những câu thơ
Còn tình em hoài hoài xin khuất nợ”
(Nợ nần)
Tập thơ chỉ có 34 vỏn vẹn mà chất chứa bao tâm sự ấm nồng,cay đắng của một kiếp người ở trần gian. Lạ là thơ ông trải qua một chặng đường dài 82 tuổi đời vẫn giữ được sự tinh khiết long lanh của những xúc động chân thật với giọng điệu triết lý nhẹ nhàng thấm sâu vào lòng người. Tiếc là tập thơ còn có một số bài lập lại ý cũ, nhiều chỗ chính tác giả phải sửa lỗi bằng bút bi, nhiều câu lộn hàng khiến nó giống những vết xước móng tay khó chịu. Ông bảo do Tập Thơ in ấn lúc ông còn đang bận lo triển lãm tranh một tháng ở Pháp nên không chăm sóc được đứa con tinh thần của mình.
“Ta còn em hồi chuông thu không
Ngôi chùa ẩn trong cùng hẻm phố
Những hàng xoan
Nghiêng bóng đổ”
(Em ơi, Hà Nội - Phố)
“Thân tặng…tập thơ đầu đời của ông già 82 tuổi”, ông viết gửi tặng nhà văn LVT, đó là lời xúc động ngậm ngùi của một kiếp người tài hoa trót dan díu với thi ca.