Duyên chạy vội vào nhà. Cơn mưa bất ngờ đổ ập xuống ven đường. Chỉ trong chốc lát, mặt đường trắng xoá những nước. Ban nãy, đạp xe từ cửa hàng về, cô đã kịp nhìn thấy những đám mây đen ẩn hiện tít phía chân trời. Nhưng đến khi bước chân xuống bếp, chuẩn bị nấu nướng, Duyên mới hay mình quên mua rau. Vậy là cô lại tất tả dắt xe ra đường. Hơn nữa, những đám mây đen không làm cô sợ chút nào. Mà đe doạ Duyên sao được, bởi lúc nào cô cũng nghĩ: “Những đám mây đen chẳng có ý nghĩa gì so với những cái mà cơn mưa mang đến, cái mà cơn mưa có được”. Hơi triết lý, nhưng là triết - lý – có –lý?
Cũng vì vậy, Duyên không sợ mất Mẫn. Anh làm phóng viên cho một tờ báo văn nghệ, thỉnh thoảng cũng có các cám dỗ. Đôi lần, cô gặp nhiều gã lắm tiền, không ngớt mồm khen ngợi Mẫn viết hay, đồng thời giấm dúi vào xách tay của anh chiếc phong bì dày cộm. Đơn giản là gã nhờ Mẫn “lăng xê” tên tuổi, để họ có thể trở thành “nhà thơ”. Những bài thơ (chẳng biết gọi như vậy có đúng không?) đầy ắp các từ ngữ rỗng, kêu, xếp lộn xộn mà chắc chắn chỉ có thể được sáng tác bởi những trọc phú háo danh. Và cũng như bao lần, Mẫn từ chối nhẹ nhàng, nhưng cương quyết. Duyên càng mến phục và càng yêu anh hơn. Cái tính trung thực khảng khái vẫn còn y hệt như thời sinh viên. Lần khác, anh cho cô xem hàng tá thơ tình của các cô bé mới lớn gửi đến, với một lời bình phẩm; “Em xem, đúng là bồng bột chưa? Không biết mặt mũi, người ngợm người ta ra sao, mà dám đòi …yêu!” … Duyên an lòng ngay, cô biết những thiếu nữ trẻ trung ấy sẽ chẳng bao giờ “hớp hồn” anh được. Nhưng… đó là chuyện cách đây vài năm, còn bây giờ…
*
- Ai đó?
- …Em!
- Em là ai? Hả? H-h- a- ả…?
Giọng quát của Mẫn nhừa nhựa cơn say. Duyên đặt giỏ xách lên bàn, lẳng lặng xuống bếp. Không hiểu sao, độ rày những cơn say ấy xuất hiện thường xuyên hơn, và Mẫn luôn bỏ cơm nhà. Những cơn say kỳ cục. Mà thực ra hoàn toàn không kỳ cục với Mẫn. Anh nhớ rất rõ lần về thăm quê vợ ba năm trước. Hôm ấy, nhà rất đông khách, đông đến nỗi thiếu cả ghế ngồi. Mẫn bước vào nhà, khẽ gật đầu chào. Giữa tiếng động ồn ào, anh nghe được ai đó thì thào:
… Con hả?
Một giọng khác, khá quen thuộc:
Ừ, thằng rể tôi!
Nó làm nghề gì?
… Làm báo
Người hỏi sửng sốt:
Chà! Ghê vậy…
Ối dào! Làm báo “văn nghệ, văn gừng” ấy mà!
Anh hình dung ra cái nhếch mép cười khinh thị của người khách. Ông ta – gọi bằng ông cho lịch sự, đúng thứ bậc, vì dù sao cũng là bạn của bố vợ- không khác gì mấy những gã chạy hàng, làm áp phe mà Mẫn vẫn thường gặp. Đó là những khuôn mặt đỏ gay bên mâm cỗ, những hình nộm trong áo quần bảnh bao và luôn dắt bên mình hàng đống carvisite bằng giấy ngoại cực tốt, với các chức danh tự phong khá kêu: trợ lý tổng giám đốc X, Phó giám đốc Y, trưởng phòng công ty Z… Mẫn không trách cách ví von khá đau của bố vợ về tờ báo văn nghệ mà anh đang biên chế công tác ở đó. Vì rằng làm việc tại những chỗ ấy, chắc chắn là lương thấp; vì rằng nếu “có tài”, người ta đã nhảy sang những chỗ “ngon ăn” hơn, làm ở các tờ báo “có uy” hơn. Mẫn thường bắt gặp ánh mắt ái ngại của những người hàng xóm tốt bụng(?) khi thấy anh hổn hển dắt xe đạp từ lầu 7 chung cư xuống đất. Phải chăng là sự thương hại? Mẫn thường tự hỏi mình như vậy, và anh cũng tự trả lời luôn cho mình. Biết đâu anh đã không chọn được cho mình cái nghề dễ sống như mọi người? Phải, biết đâu…Có lần, Duyên bảo anh, thím Hậu bên nhà hay so sánh “Thằng Mẫn làm báo mà sao vợ chồng mày có vẻ túng thiếu. Con Xuân cháu tao cũng làm báo, mà tụi nó toàn đi xe Dream không hà!” Mẫn lặng im không trả lời được câu nào. Hoá ra kết quả của những bài báo chỉ thô thiển là kiếm tiền thôi sao? Anh đâm ra ân hận. Hằng ngày, ngoài công việc ở toà soạn, Mẫn mãi mê với tập bản thảo truyện ngắn, truyện dài. Mỗi lần có bài thơ được đăng báo, anh mang khoe với vợ. Những lần ấy Duyên chỉ ừ à cho có lệ. Hình như cô bận quan tâm đến cái gì đó lớn hơn tác phẩm đầu tay của chồng. Điều mà Duyên dễ dàng nhận thấy là tiền nhuận bút của các bài thơ, truyện ngắn thường tỷ lệ nghịch với những chi tiêu trong gia đình. Mẫn đã kịp nhận biết được, qua những mẩu chuyện tưởng như tình cờ Duyên kể với anh…
Các bản thảo của truyện ngắn, truyện dài lập tức được vứt xuống đáy tủ. Mẫn lao vào viết tiểu phẩm, viết bài ngắn cho nhiều tờ báo. Tụi bạn đùa “Thằng, chạy “sô” còn hơn ca sĩ!”. Quả thật, ngoài cái tên Hoàng Mẫn còn hàng chục bút danh khác nhau. Anh nghĩ đơn giản hơn: “Viết ẩu để kiếm tiền, ký tên thật, khác nào tự chửi vào mặt mình!” Và chỉ dấn thêm một bước chân, Mẫn đã nhảy sang làm cho một tờ báo lớn. Những bài viết nhanh, gọn, nhưng lắp đi, lắp lại các thông tin cũ mèm, bắt đầu xuất hiện ở Mẫn. Thỉnh thoảng, có ai góp ý, Mẫn gạt đi: “Cần gì, vào thời buổi báo chí ùn ùn đua nhau ra đời như thế này, hơi đâu để ý tới chuyện đó. Miễn là nó đã đăng, được đăng, có tiền và có khách là đủ rồi!”. Thông tin tuy cũ nhưng được Mẫn “xào, nấu” lại, đặt tít giật gân là ra mắt khán giả ngay. Báo tỉnh, báo thành phố, báo ngành… lúc nào cũng có bài của Hoàng Mẫn. Đồng nghiệp có người cười mỉa: “Thằng viết nhanh như đi…vệ sinh!” Bạn bè cũ, ai cũng tiếc cho Mẫn. Những bài viết sắc sảo về tình hình văn xuôi, về thơ ngày nào đã bay biến. Thay vào đó là những bài rất “nhạy” với thời sự, nhưng “đọc sao cũng được”, hoặc “đọc được nhưng chẳng gây ấn tượng gì…” lên mặt báo như bươm bướm.
Duyên bắt đầu thích mua sắm. Những chiếc áo model Việt kiều đắt tiền, đầm, váy ngoại, mỹ phẩm loại sang… ngày xưa cô hằng ao ước, bây giờ chất đầy tủ. Duyên không nghĩ ngợi gì về số tiền Mẫn kiếm được. Theo cô, thu nhập đó hoàn toàn hợp lý. Viết bài - nhuận bút chẳng phải là công việc lao động được trả công xứng đáng đó sao? Có điều mọi việc đối với Mẫn lại khác. Anh sống không giống ngày xưa nữa. Hồi đó, Mẫn hay đạp chiếc xe đạp cà tàng của mình xuống tận cơ sở, có khi ra ngoại thành, để chỉ lấy một vài cái tin văn nghệ quần chúng. Được mời ly cà phê đá, vài điếu thuốc lá, là Mẫn vui lắm rồi – anh hiểu các cơ sở đang rất khó khăn lo kinh phí gây dựng phong trào. Còn bây giờ, phóng người trên xe gắn máy, nhưng Mẫn rất ngại đi về ngoại thành, vì biết rõ những chỗ ấy rất nghèo, chẳng vui vẻ gì. Mà nơi nào không “vui vẻ” thì Mẫn rất ít khi đến lần nữa. Đó là cách gọi nôm na của các phong bì nặng hay nhẹ. Có lẽ còn tuỳ thuộc vào mức độ vui vẻ của khách và chủ!
Sau loạt bài chống tiêu cực, dẫn đến toàn bộ ban giám đốc một công ty phải ra toà, tên tuổi Hoàng Mẫn càng nổi tiếng hơn. Anh đi tới đâu, các nơi đều rất “vui vẻ” tiếp đón nồng hậu. Ai cũng nghĩ thầm: “Dù chỗ mình làm ăn đàng hoàng, nhưng biết đâu nó chẳng moi ra được chút xíu gì….tiêu cực!”. Những chiếc phong bì xanh, đỏ tự nguyện đến với Mẫn ngày một nhiều hơn. Anh càng trắng, mập ra, to bụng và bắt đầu phát phì y hệt những người thừa mứa vật chất. Mọi người – kể cả người thân – ân cần với Mẫn hơn bao giờ hết. Các vị hàng xóm tốt bụng(?) đã hết nhìn anh bằng cặp mắt thương hại, mà thay vào đó là sự khó chịu của kẻ biết người khác dư giả hơn mình – nhưng là cái đố kỵ được khôn khéo ngụy trang bằng bề ngnoài xởi lởi, thân tình. Mọi việc sẽ êm đẹp như thế, nếu như không có buổi chiều chết tiệt ấy…
*
Mẫn đang sật sừ ngủ, ban trưa anh có uống vài lon bia với đám bạn cùng cơ quan. Tiếng lầm bầm chửi rủa của Duyên làm Mẫn không khỏi ngạc nhiên “lạ thật, xưa nay Duyên có bao giờ ác mồm như thế đâu?”
Gì vậy em? Em đang cự nự anh đó hả?
Duyên lắc đầu chỉ vào tờ báo cô cầm, có đánh dấu bằng mực đỏ.
Anh xem, Thằng cha Nguyễn X., giám đốc xuất nhập khẩu quận Y. được “lăng xê” nè. Nào là “anh sống rất liêm khiết, trung thực, chưa bao giờ người ta thấy anh lảng phí của công…” Nào là “không chê vào đâu phẩm chất đạo đức tuyệt vời của anh…”
Mẫn buông thỏng:
…Thì đã sao? Vậy mà anh tưởng chuyện gì to tát!
Đột ngột, Duyên quát to:
đúng là các anh bênh nhau chầm chập! Anh không biết tức giận hở? Anh không nhớ có lần em kể cho anh nghe hồi chúng mình chưa lấy nhau, có một gã giám đốc đòi “thân mật” với hết nhân viên nữ này đến nhân viên nữ khác hả? Trong số đó, em suýt là nạn nhân của nó…
Mẫn tái mặt, còn Duyên vẫn nói thao thao:
… “Liêm khiết” cái con khỉ. Chẳng những “ăn” mấy thương vụ lớn, mà lão còn “ăn dơ” mấy lít xăng xe đi công tác nữa kìa! Ngày mai, em phải đi hỏi ra cha nhà báo Hà Minh là ai mới được. Nhất định tay này có ăn tiền của lão giám đốc!
Mẫn ngồi rũ ra, mặt trắng bệch. Duyên chẳng làm sao hiểu được tâm trạng của anh. Thời gian, phải, thời gian làm anh quên mất câu chuyện Duyên kể ngày nảo, ngày nao. Mẫn rên lên:
… Té ra là nó à!
Duyên nhìn Mẫn rồi thảng thốt kêu giật giọng:
Anh bị sao vậy?
Cô lật đật đi lấy đồ cạo gió, quên bẵng câu chuyện cô đang nói dở dang. “Ảnh bị trúng gió rồi!” – Duyên nghĩ thầm. Mẫn nằm thiêm thiếp, hình như anh đã ngủ say. Duyên khẽ lấy chiếc quạt giấy xua đi, xua lại vài cái, đuổi muỗi dưới chân Mẫn. Bỗng, cô nghe tiếng Mẫn reo lên trong cơn mơ: “…anh mới có cái truyện ngắn được đăng nè Duyên…” , nhưng cũng cùng lúc đó, mặt Mẫn nhăn nhúm lại. Và trên khuôn mặt thân yêu ấy, Duyên như đọc được một nỗi đau đớn tận cùng…
(*) Những tình tiết và tên nhân vật trong truyện ngắn này là hoàn toàn hư cấu.