Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
794
123.240.532
 
Giọng điệu anh hùng ca trong tiểu thuyết “người người lớp lớp” của Trần Dần
Phạm Ngọc Hiền

Anh hùng ca (sử thi) với tư cách là một thể loại trong văn học cổ điển như Iliat, Mahabharata... đã không còn xuất hiện trong xã hội ngày nay. Nhưng các phẩm chất cơ bản của nó vẫn tiếp tục phát huy trong các thể loại văn học hiện đại, nhất là giọng điệu ngợi ca, hùng tráng. Trong các tiểu thuyết sử thi Việt Nam 1945-1975, tác phẩm thể hiện sinh động nhất giọng điệu anh hùng ca là Người người lớp lớp (1955) của Trần  Dần .

 

Giọng điệu trong tác phẩm văn chương thuộc lĩnh vực hình thức nhưng là “hình thức mang tính nội dung”, vì qua hình thức có thể hiểu được nội dung.   Giọng điệu anh hùng ca chỉ có được nhờ xuất phát từ hiện thực lịch sử hào hùng của dân tộc. Nghĩa là đầu tiên phải có những anh hùng, sau đó mới có cảm hứng ngợi ca. Giọng điệu hào hùng sôi động trong Người người lớp lớp là sự phản chiếu của lòng hăm hở quyết tâm chiến đấu của các chiến sĩ Điện Biên (mà chính tác giả cũng là người trong cuộc ). Dòng thác sôi sục khát khao chiến đấu đã được tuôn chảy ào ạt từ đầu tác phẩm : “... đại đoàn được lệnh xuất phát.Thật như đại hạn gặp mưa rào. Quân ta đùng đùng nổi dậy (....)  bước chân rầm rập ra đi. Mùa đông gió nổi ầm ầm, quân ta từ biệt hậu phương lên đường rong ruổi ra mặt trận (....) . Đêm đi ngày ngày nghỉ ròng rã (...) Cứ hết đêm này sang đêm khác, tuần này sang tuần khác. Đêm thì trăng khuyết, đêm thì trăng tròn . Đêm thì mây tạnh trời quang, đêm thì gió mưa lầy lội” . Hình thức láy và điệp của đoạn văn đã tạo nên sự đông đảo, trùng điệp của đoàn quân .Dòng thời gian cuồn cuộn trôi nhanh như những đợt sóng lớn thần tốc đổ về lòng chảo Điện Biên Phủ .

 

Để cho giọng điệu anh hùng ca thêm mạnh mẽ thì phải miêu tả một khí thế chiến đấu bừng bừng cao độ. Cuộc chiến càng dữ dội thì phẩm chất anh hùng càng ngời sáng. Thật hiếm có một tiểu thuyết Việt Nam nào có được những câu văn miêu tả không gian chiến trận giàu hình ảnh sống động như trong tác phẩm này: “Đột phá khẩu như một thác lửa rừng khói” , “Trong cái bể ngầm ngập khói, ngầm ngập lửa, chằng chịt đường đạn đỏ lừ hung dữ  (...), lửa tung thâm rập rờn”, “tung thâm mênh mông lửa đạn”, “chớp lửa rần rật”, “rừng bom lửa”, “biển khói lửa”, “mưa lửa”, “Từ khu đông bốp bốp pháo sáng tua tủa bắn ra rừng rực cả cánh đồng. Mấy chục  khẩu moóc, rồi cả đạn thẳng của khu đông bắn loạn xạ. Khí dữ bốc ngùn ngụt ám cả mặt trăng. Màn nghi binh lửa chớp loe loé, tưởng như không còn ai sống được dưới trận mưa sắt lửa đó. Các cỡ hỏa lực của ta cũng dội vào khu đông, pháo ta rít trong không khí bay tỏa đi kìm giữ pháo địch”. Sự dữ dội của trận chiến không chỉ được miêu tả dưới mặt đất, ảnh hưởng đến con người mà còn làm rung động cả vũ trụ: “Ánh trăng còn vẩn tia lửa dữ”, “mặt trăng ám khói sém lửa”, “những cuộn khói, đất đá tung cuộn lên mờ cả mặt trăng” , “mặt trăng đáng lẽ sáng trong mà suốt mấy tiếng lúc thì xám xịt, lúc thì cháy sém, lúc thì loe loé hung hung” ...Trời cũng nổi giông tố đầu mùa hạ để làm tăng sự khốc liệt của trận đánh: “không ai phân biệt tiếng đạn nổ với tiếng sấm sét nữa. Rầm rầm ! Chớp loé dữ dội (...) Rắc ! Rầm ! Thân cây hai người ôm cũng gãy như một chiếc đũa. Cây  cối đổ ngổn ngang (...) ngã đành đạch trong  sấm chớp, pháo nổ tứ tung”.  Sự dữ dội của trận chiến như để thử thách lòng dũng cảm của các chiến sĩ . Khí thế chiến đấu của họ cũng được miêu tả bằng những từ ngữ rất đắc địa “cả miền khu đông sát khí đằng đằng”, “quân ta chạy như bão” , “xô lên như biển động” , “quân ta đánh náo động cả lên, hai mũi cứ dọc ngang vùng vẫy, diệt một toán, lại diệt tiếp sang toán khác (...) khói lửa rập rờn, quân ta hiện lên đàng đông, vượt sang đàng tây, kẻ địch ôm đầu, chạy ngả nào cũng là ngả máu” . Tảc giả sử dụng nhiều biện pháp tu từ, đặc biệt là thủ pháp so sánh  tu từ và khoa trương làm cho câu văn sinh động, giàu hình ảnh  và có linh hồn như trong sử thi cổ điển .

 

Một thủ pháp quan trọng tạo nên đặc trưng của sử thi là phép điệp, “Khó tưởng tượng được một sự miêu tả thể loại sử thi mà không biết đến những đoạn lặp lại, bởi chúng dường như cấu thành thể loại” (T. Todorov). Chính thủ pháp trùng điệp là biện pháp tu từ cơ bản nhất đã tạo nên tính chất hùng tráng của tác phẩm sử thi . Và chính thủ pháp này đã làm cho Người người lớp lớp có giọng văn đặc biệt không thể lẫn lộn được với các tác phẩm văn xuôi hiện đại khác . Biện pháp điệp được thể hiện ở nhiều cấp độ, trước hết là điệp từ ngữ, hình ảnh. Tác phẩm đã lặp với tần xuất rất cao các hình ảnh : mặt trời, trăng sao, gió, lá vàng, con đường, các bài hát ... Đặc biệt là hình tượng lá cờ (tượng trưng cho màu sắc chiến trận) được lặp trên 150 lần . Nhưng nhiều hơn nữa là từ “đi”, được lặp tới 756 lần, trung bình mỗi trang lặp 2,5 từ, có trang tới 10 từ “đi”, có lẽ đây là một kỷ lục trong văn xuôi Việt Nam . Nó góp phần tạo không khí sôi động của những cuộc hành quân vây đánh . Và có lẽ cũng chưa có tác phẩm nào trong văn xuôi Việt Nam sử dụng thủ pháp điệp với tần xuất cao và đa dạng như Người người lớp lớp (ngay cả nhan đề đã cho thấy điều đó). Không chỉ điệp từ ngữ mà còn có rất nhiều lần điệp câu và cú pháp câu . Chẳng hạn như câu “Quân ta vẫn tiếp tục đêm đi ngày nghỉ” được lặp lại nhiều lần . Nhưng nhiều nhất là điệp cú pháp câu : “Người nọ tiếp người kia ! Người trước dậy dỗ người sau ! Người sống dậy người sống ! Lớp lớp xô lên, mỗi lớp càng về sau càng giương cao lá cờ đỏ” . “Màu cờ đỏ trôi trong lửa khói, chói lọi và thôi thúc ! / (...) Lá cờ phất sang phía đông : xung kích ở phía đông nổi dậy, xông lên cướp phăng đột phá khẩu ! / Lá cờ phất về hướng tây : xung kích ở phía tây đã vào đồn, rồn rập đánh diệt các hào, các ụ ! / Lá cờ phất sang mũi điểm, mũi điểm thọc mạnh ! Phất sang mũi diện, mũi diện xô lên . Lá cờ phất đến đâu, chiến sĩ nổi dậy đến đó / (...) Lá cờ vẫn quẫy.  Lá cờ quay về hướng nào, xung kích ở hướng đó nổi dậy, kẻ địch ở đó tan, những người anh hùng ở hướng đó xuất hiện”. Biện pháp trùng điệp đã tạo cho các câu văn có sự cộng hưởng sức mạnh, cuồn cuộn như những đợt sóng cồn, tạo nên nhạc điệu hùng tráng của tác phẩm . Không chỉ điệp cú pháp câu mà Người người lớp lớp còn có hình thức điệp cú pháp đoạn, đây là hình thức rất hiếm thấy trong văn xuôi hiện đại. Ở chương tả cảnh bệnh xá tiền tuyến, tác giả đã dành thời lượng 5 trang để ngợi ca những thương binh dũng cảm : “Đây là đồng chí quân báo. Đồng chí đã lên đây chuẩn bị chiến trường từ những khi bộ đội còn đang học tập (...) Nhưng đêm kia, đồng chí đã vào đồn  mạo hiểm giắt từng lá truyền đơn vào bụng từng tên lính một, đến khi ra, khinh thường, bị lộ (... ). Máu đồng chí đã góp phần vào bản tin chiến sự mà chiều chiều các em thiếu nữ thường phát thanh ở hậu phương / Đây là  đồng chí công binh. Đồng chí đã hàng tháng nay xẻ núi, phá đường, bắc cầu (...) Nhưng đầu tháng vừa rồi, đồng chí bị tai nạn (...) Máu đồng chí này đã góp vào bản tin chiến sự mà chiều chiều các em thiếu nữ thường phát thanh ở hậu phương /. Đây là đồng chí lái xe hơi. Đồng chí là một công nhân đầu đã hai thứ tóc, cuộc đời đã lái xe qua hai chế độ (...) Nhưng cách đây một tuần thì một quả bom nổ chậm hất xe đồng chí xuống vực (...) Máu người công nhân này đã góp vào bản tin chiến sự mà chiều chiều các em thiếu nữ thường phát thanh ở hậu phương / Và còn nhiều nữa ... nhiều nữa...”. Tác giả đã dùng hình thức kể lể dài hơi giống như lối “trì hoãn sử thi’ . Giọng văn “cảm động một cách sử thi” (Hêghen), đó cũng là nốt trầm bi tráng mà bản anh hùng ca đích thực nào cũng có. Nhưng nhờ thủ pháp điệp và việc kể một lần cái xảy ra nhiều lần (“nhiều nữa...” ) làm cho giọng văn có khí thế sôi sục, mạnh mẽ, tạo ra “ một dòng sử thi cường tráng” (Hêghen). Và tác phẩm có kiến trúc tầng tầng lớp lớp như sử thi cổ điển. Những điều  đó tạo nên âm hưởng dài hơi và điệp khúc hùng hùng của Người người lớp lớp .

 

Giọng điệu sôi động của anh hùng ca thể hiện chủ yếu ở cách dùng từ và ngắt nhịp. Để tạo không khí sôi động của chiến trường, tác giả dùng động từ với tần xuất rất cao và rất đa dạng. Bên cạnh đó cũng sử dụng hàng loạt các từ láy tượng hình, tượng thanh để góp phần tạo nên những âm thanh, hình ảnh sống động của trận đánh. Không phải tác phẩm nào cũng tập hợp được một số lượng từ láy đa dạng thuộc trường nghĩa chiến tranh như trong tác phẩm này : ầm ầm, rầm rập, rộn rịp, ồn ã, mù mịt, rập rờn, rầm rầm, rì rì, rầm rầm rộ rộ, tung tóe, vun vút, inh ỏi, loe loé, lộp cộp, nhốn nháo, nhộn nhịp, tấp nập, chi chít, xồng xộc, ầm ĩ, sì sà sì sèo, lổn nhổn, loằng nhoằng, hừng hực, sèn sẹt, tằng tặc, rùng rục, hùng hục, quần quật, tới tấp, nhằng nhịp, chao chát, tùm tùm, ngùn ngụt, kìn kìn, rình rình, ầm ã, rần rật, ì ì, nhấp nhô, đùng đùng, lả tả, mù mịt, lia lịa, rồ rộ, hầm hập, ngầm ngập, thoăn thoắt, bần bật, hăm hở... Nhịp điệu sôi động của trận đánh còn được thể hiện ở cách ngắt nhịp ngắn, nhanh, mạnh, dồn dập thể hiện không khí khẩn trương, dứt khoát của các chiến sĩ : “Thoắt cái: lựu đạn ném tới tấp. Thoắt cái : chiếm một ổ súng (...) Thoắt cái: tổ 1 đánh tan một ổ súng nữa”.  Nhịp văn nhanh mạnh, thời gian trần thuật phải vội vàng để theo kịp thời gian sự kiện. Giọng điệu của anh hùng ca phải náo nức, say sưa khi miêu tả lòng dũng cảm tuyệt vời của các anh hùng : “Lửa chớp hung dữ, những tiếng nổ như tầm sét đánh (...) Cao xạ pháo ta đang đan lửa trên không.  Bà già rụng, B 26 rụng, bọn phi cơ hớt hải từ Hà Nội lên, mấy chục cái húc phải lưới lửa, cái cháy, cái bị thương, cái lồng lộn thả bom bừa phứa, cái chạy, chả cái nào xông được vào trận địa bộ binh ta ! Một trận đấu pháo, đấu phi cơ kịch liệt, vang trời dậy đất diễn ra từ hai tiếng . Trong khi đó, bộ binh bộc phá dấn thân trong mưa lửa đánh phá hàng rào Him Lam ! Người trước ngã, kẻ sau xô lên tiếp ! Mặc dù đạn xé lửa thiêu, mặc dù xương tan thịt nát, người người lớp lớp xông lên . Nhạc điệu chuyển dần từ văn xuôi sang thơ ca. Có lẽ phải dùng thơ nhạc mới ngợi ca được  sâu sắc hào khí anh hùng chăng ? .

 

Cái đặc biệt của Người người lớp lớp là giọng văn sôi động không chỉ được dùng để miêu tả hành động chiến đấu mà tác giả cũng dùng nó để miêu tả dòng nội tâm của nhân vật sau khi chiến tranh kết thúc . Hào khí Điện Biên Phủ vẫn còn ngùn ngụt trong lòng các nhân vật : “Cũng như cái cảm giác chung No chiêm nghiệm những khi đi Bắc về Đông, trong cuộc đời kháng chiến.Cuộc sống ngầm ngập cuộn sóng , người người lớp lớp xô lên ... Cũng có người ngã, người tụt sau, người rẽ ngang, người chắn đường ! Con đường có quành, có rẽ, có ngoặt, có khúc khuỷu gồ ghề. Nhưng cuộc sống vẫn xô lên bất chấp kẻ địch, mọi chông gai”. Giọng văn hào sảng tưng bừng không chỉ có ở một nhân vật, mà còn nhiều nhân vật , tạo ra âm vang trùng điệp của sử thi.  Tinh thần chiến thắng Điện Biên không chỉ dừng lại ở hiện tại mà còn cuồn cuộn chảy đến tương lai . “Đồng chí Trần nghĩ tới Giơ ne . Ta đi đường thương lượng là vì có điều kiện, có lý, có lợi, có thể làm được, ai cũng cầu mong ! Hòa bình có thể có, do ta.  Có hoa mừng hoa, có nụ mừng nụ . Giơ ne còn mới mẻ, nhưng ta cứ mừng Giơ ne đi hãy...”

 

Giọng văn anh hùng ca trong Người người lớp lớp không chỉ là sự phản chiếu từ hiện thực sôi động của chiến trường mà còn xuất phát từ nhiệt huyết trào dâng trong lòng tác giả . Nói như Hêghen, tác giả sử thi đã mang trong mình một “nội cảm sử thi” sâu sắc và “một hơi thở sử thi hùng mạnh” (Mỹ học). Ta có cảm tưởng như Trần Dần không thể ngồi yên khi miêu tả cảnh chiến đấu bừng bừng khí thế của quân ta trong trận Điện Biện chấn động địa cầu . Tác giả phải vừa đi vừa viết còn độc giả phải vừa đọc vừa đi vì được “truyền lửa” từ tác phẩm. Có thể nói: Tiểu thuyết sử thi Người người lớp lớp đã làm sống lại giọng văn hùng tráng đích thực của Iliát và Mahabharata.

 

 

* Tài liệu tham khảo

1. Hêghen - Mỹ học - NXB Văn học -H. 1999   

2. Nguyễn Thái Hòa - Những vấn đề thi pháp của truyện - NXB Giáo dục.  H. 2000

3. Nguyễn Văn Khỏa - Anh hùng ca của Hômerơ - NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp - H. 1978

4. Trần Đình Sử -  Dẫn luận thi pháp học - NXB Giáo dục - H . 1998

Phạm Ngọc Hiền
Số lần đọc: 4655
Ngày đăng: 01.08.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng không như tôi hình dung - Phan Hoàng
Bắt gặp những ý niệm nghệ thuật của họa sĩ Lê Bá Đảng - Nguyễn Hoàn
Hà nội mở rộng và thách thức mới về tam nông - Vũ Ngọc Tiến
“Khai song” và cõi lòng đầy trắc ẩn của Nguyễn Du - Võ Phúc Châu
Trật tự không trật tự - trình bày quan niệm của nhà thơ Đặng Huy Giang - Dương Kiều Minh
Những thành tựu văn chương phú yên thế kỷ xx - Phạm Ngọc Hiền
Những cách hiểu khác nhau về hai truyện ngắn “ chí phèo” và “đôi mắt” của nam cao - Phạm Ngọc Hiền
Viết ngắn 30. Về một thế hệ thơ … - Inrasara
Nông dân cần được đối xử công bằng - Vũ Ngọc Tiến
Mỹ học trong chủ nghĩa tồn tại của M. Heidegger (1889-1976) - Khổng Ðức
Cùng một tác giả
Bốn bức tranh (truyện ngắn)
Bên nấm mồ thi nhân (truyện ngắn)
Thuở Ban Đầu (tạp văn)