I- Từ một món ăn đặc sản
Hẹn đi hẹn lại mãi, cuối cùng thì tôi cũng đến thăm ông. “Thảo am” của nhà thơ Đỗ Tề Tặng, hội viên Hội VHNT Hưng Yên, nằm bên ao đình, dưới bóng cây đa làng. Khi rượu đã được vài tuần, men rượu Cảnh Lâm (làng bên cạnh, có nghề nấu rượu cao tay) đã ngấm, làm cho ai nấy đều cảm thấy hưng phấn, tôi đã được nghe ông hát chèo. Sau đó, nhằm làm cho khách có thêm “nhã hứng” uống tiếp, ông chỉ tay lên cây đa làng- đã hàng trăm năm tuổi, được ghi vào sách “Cây cổ thụ Hưng Yên” do Sở VHTT Hưng Yên xuất bản, và đọc một bài trong tập thơ “Hương cỏ mật” của ông, trong đó có đoạn thật buồn:
Thạch Sanh xưa dưới gốc đa trú ngụ
Giương cung lên cũng bắn được đại bàng
Trong ngục vắng một cung đàn khẽ gẩy
Nỗi oan tình thổn thức cả nhân gian.
Nay ta cũng dưới gốc đa trú ngụ
Ngẩng đầu trông chim sẻ cũng không còn
Giữa thanh thiên câu thơ ngâm rút ruột...
Vừa lúc ấy, thì người nhà đưa lên món chủ lực, món mà ông đã nhiều lần hẹn hò tôi về thưởng thức. Đó là món xôi đặc sản mà theo ông, chỉ ở vùng quê Tử Đông (huyện Yên Mỹ, Hưng Yên) của ông mới có. Loại xôi này được bán ở những quán ăn chuyên chim trời thường được đồ cùng những chú chim ngói nguyên con (như món xôi gà vẫn thấy trong các bữa cỗ quê), khi ăn có cảm giác béo ngậy mỡ chim. Nhưng món xôi của nhà ông Tặng thì khác hẳn. Đầu tiên, người ta làm thịt chim, thái sợi nhỏ. Khi xôi được đồ chín, bắc ra và trộn thịt vào đánh kỹ như xôi xéo. Sau đó lại bắc chõ lên bếp đồ tiếp đến khi thịt chín, cho hành răm, gia vị vào, ăn nóng với dưa muối. Quả thật món xôi chim ngói của thôn Tử Đông ngon và ấn tượng. Tuy nhiên, ấn tượng hơn cả, là những câu chuyện về những cuộc săn chim ngói của người dân nơi đây....
II- Mùa chim ngói bay
Khi còn đi học tiểu học, tôi đã được đọc và say mê phóng sự “Bắt được chim thích thật” trên báo Thiếu niên tiền phong lúc ấy. Phóng sự mô tả khá kỹ hai cách bắt chim truyền thống. Cách thứ nhất là dùng ống “xì đồng” thổi đạn bắn chim, cách thứ hai thì nấu nhựa, phết lên các que nhỏ để bẫy chim chèo bẻo, giống như trong truyện “Chèo bẻo đánh quạ” của nhà văn Tô Hoài. Tôi có thử làm cả hai cách ấy, nhưng đều thất bại. Sau này, vào mỗi vụ lúa mùa, khi tôi đi qua những cánh đồng mới gặt, lại thấy những người đàn ông lưng đeo giỏ đầy nhóc những chim sẻ, chim nhạn, đang giăng những chiếc lưới và ngồi rình sau mô rạ. Họ ra sức xua lũ chúng tôi đi, và khi đuổi không được thì họ bắt chúng tôi núp sau những mô rạ cùng họ. Để lúc sau, khi lũ sẻ đồng sà xuống, là lúc chúng tôi cùng reo ầm lên khi những tấm lưới đột nhiên tung ra giữa trời tóm gọn cả đàn chim.
Mãi sau này, tôi mới biết, những người bẫy chim thuở ấy, chính là những người ở thôn Tử Đông, xã Lý Thường Kiệt tôi đã kể ở trên. Nhà thơ Đỗ Tề Tặng đưa chúng tôi đến nhà ông Đỗ Văn Mừng. Nắng đã chiếu gần đỉnh đầu. Giờ này, ông Mừng có nhà, đang vá lại mấy chỗ lưới thủng để chuẩn bị cho cuộc săn ngày mai. Gia đình ông Mừng có bốn người thì ba người ngày nào cũng ra cánh đồng Tam Thiên Mẫu trước làng bẫy chim, chỉ có bà Mừng ở nhà làm nhiệm vụ đón khách đến mua sản phẩm mà chồng và con trai “thu hoạch” được ngày hôm trước. Bà Mừng bảo, vào mùa này, mỗi ngày, gia đình bắt được khoảng hai mươi con. Ngày nào “ra ngõ gặp gái” cũng được bẩy, tám đôi. Mỗi đôi chim ngói bán xô là 20 ngàn đồng. Vị chi, mỗi ngày, bà thu được hơn trăm nghìn, bằng hai yến gạo, mà là gạo ngon hơn bất kỳ thứ gạo nào bà đã trồng được trên cánh đồng Tam Thiên Mẫu kia.
Nằn nì mãi, cuối cùng thì tôi mới được ông Mừng cho phép đi theo để săn chim, với điều kiện tuyệt đối tuân thủ lệnh của ông. Tối ấy, tôi cứ thao thức mãi, không biết vị “tư lệnh chiến trường” kia bắt tôi làm những gì. Đến khi chợp mắt được thì lũ chim mộng mị lại cứ rập rờn mãi không thôi...
Khi trời còn mờ đất sớm sau, trong cái se se lạnh của thời tiết giữa thu và mùi ngai ngái của con cún rơm đang cháy trên tay đứa con ông Mừng, chúng tôi đã lầm lũi lên đường. “Người ngậm tăm, ngựa khoá mõm”, cứ như là đi tập kích trong Tam Quốc Chí ấy. Ra đến khoảng ruộng đã được “tăm” sẵn, ông Mừng và các con người nào việc ấy thoăn thoắt “bày binh bố trận”: nào là đóng cọc, nào là chăng dây, căng lưới. Chỉ loáng một cái “trận địa mai phục” đã được làm xong. Lúc ấy, họ mới bắt những con chim mồi trong giỏ ra và thả vào “trận” để câu nhử và nấp vào một chỗ. Lúc này tôi mới nhận lệnh từ vị thống soái là ông lão An. Hoá ra chẳng lạ lẫm gì, mà hệt như hồi còn đi học, tôi phải lấy mô rơm phủ lên kín đầu, nằm yên thở khẽ đợi...chim.
Các cụ quả là thâm thuý khi cho rằng, mọi vật, cái đáng sợ nhất lại là... đồng loại của chính mình. Người đi câu cá lấy cá làm mồi, người đi săn thú lấy thú làm mồi, người đi bẫy chim lấy chim làm mồi... Triết lý này áp dụng trong cái nghề của bố con ông Mừng quả là đúng lắm lắm. Để bẫy chim ngói, người ta phải chọn những đồng loại thật khoẻ mạnh của nó, sau đó thuần hoá chúng và đặt làm “mồi”. Khi trời đông bắt đầu hừng lên và ở phía ấy, những bóng chim trời xuất hiện, thì loạt chim mồi “tiên phong” đã được phóng lên trời, chập chờn bay liệng một lúc thì hạ xuống. Đến khi đàn chim đến đã gần thì loạt thứ hai, thứ ba được phóng lên mời gọi… Theo “thuật ngữ chuyên môn” thì những con chim này được gọi là con “tung”, được khâu mắt bằng tơ chuối và níu buộc với người bẫy bằng một sợi dây cước. Cũng như bọn “tung”, con chim “gẩy” tuy được thuần hoá kỹ càng nhưng cũng phải chơi trò “bịt mắt bắt dê” khi xuất kích, nhưng bọn này bay thấp hơn, tà tà mặt đất và hạ xuống mổ thóc lích chích cùng với bọn mồi “lục quân” (những chim “vỉ” không cần bay, chỉ nhảy nhót quanh khoảnh đất được chọn sẵn). Với chiến thuật “nghi binh” y như binh pháp Tôn Tử như thế, đến người cũng dễ bị mắc lừa, chứ đừng nói đến bọn...chim ngói. Cả đàn chim ùa xuống, định đánh đuổi bọn “bản xứ” để xâm lăng. ấy cũng là lúc, “nhiệm vụ” của bọn chim “nghi binh” kết thúc. Ông Mừng khẽ huýt lên một tiếng, tấm lưới được ghim chắc một cạnh, cạnh đối diện bất thần quay một vòng chụp xuống. Bọn chim trời, loáng một cái, đang tự do tự tại đã biến ngay thành tù nhân, vùng vẫy một cách tuyệt vọng.
Trước đây, thôn Tử Đông có hơn chục hộ làm nghề săn bắt này. Sớm sớm, ngõ xóm rậm rịch tiếng chân người vác lưới ra cánh đồng Tam Thiên Mẫu chờ đón lũ chim từ phía đông bay lại. Hình như lũ chim chỉ sà xuống kiếm mồi trên cánh đồng khi trời còn tinh sương thì phải, bởi vì, các hiệp thợ săn chỉ giăng bẫy được có một lần trong một ngày. Khi những tia nắng đầu tiên chiếu xuống cánh đồng là họ đã ra về, dù bắt được nhiều hay ít. Chim ngói bay đến cánh đồng này mỗi năm một lần, vào lúc bông lúa vụ mùa đã đỏ đuôi và gió heo may thổi. Mùa di trú của chúng có thể áng chừng khoảng 100 ngày sau ngày “tua rua” (Mang chủng) hằng năm. Ngày chim bay nhiều nhất là ngày con nước mùng Ba tháng Tám âm lịch. Ông Mừng tâm đắc nhất là khoản này: “Các cụ thì bảo: Dù ai buôn bán trăm nghề/Đi ngày con nước thì về tay không nhưng chúng tôi lại chọn ngày con nước để đi “thu hoạch”. Ngoài ngày mồng 3, trong tháng Tám còn có những ngày 17, 18 rồi đến ngày 29 thì chim non bay nốt”. Trong vòng mười lăm, hai mươi ngày ấy, chính là “tháng củ mật” của người dân nơi đây, họ thu hoạch được nhiều hơn cả. Mùa khác, họ đi săn chim sẻ, nhạn đen hay chiền chiện, gà đồng... nhưng không bắt được nhiều và giá của các loại chim ấy cũng rẻ hơn chim ngói nhiều. Giờ thì những hiệp thợ săn của thôn Tử Đông đã tan hết. Một phần vì làm nghề khác ổn định hơn, một phần chim chóc bây giờ cũng ít đi nhiều. Cả làng chỉ còn có ông Mừng và anh Hách- người con thứ tư của ông, đeo đuổi nghề này “nó như cái nghiệp, như là một thứ gây nghiện, ham lắm”- ông Mừng nói thế...
*
Chúng tôi trở về trong sự hân hoan, hôm nay đại thắng, tổng cộng tóm được mười hai đôi chim béo mầm. Ông Mừng bảo: “Đấy chú xem, vất vả đêm hôm giãi gió dầm sương thế, mà nào có dám ăn đâu! Phải bán lấy tiền lo cho thằng cháu tuần tới nhập trường, còn đâu để đong gạo, mua thức ăn, chứ làm thịt một đôi cũng tiếc của hùi hụi”. Im lặng một lát, ông lại nói: “Thế mà có người mua liền một lúc cả chục đôi, chỉ để làm cớ để qua đi một cút rượu Tây, rượu Tàu gì đó, chẳng biết họ làm gì mà lắm tiền thế...”. Lúc ấy, dân làng đã tỉnh giấc, trên chiếc loa của hệ thống đài truyền thanh huyện, tiếng cô ca sĩ nào đó với giọng “chuông vàng khánh ngọc” của mình đang cất lên bài hát “Để gió cuốn đi” nghe rộn hết cả lòng: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng/Để làm gì em có biết không” rồi “Một sớm mai, chim bay đi triền miên/ Và tiếng hát vang trong trời gió lên”.
Rõ ràng là ca từ thật hay mà thể hiện cũng trên cả tuyệt vời. Tôi, và rất nhiều người, nghe xong chỉ muốn hoá thành...chim mà bay liệng, mà hót ca. Nhưng, cũng rõ ràng là, với bọn chim trong chiếc giỏ kia, chúng nghe hát mà “như vịt nghe sấm”. Chắc chắn, chúng có thể ý thức được rằng mình sắp thành “nem công chả phượng”, ấy thế mà vẫn không làm gì được, ngoài cất lên những tiếng kêu yếu ớt và ai oán...