Văn học thế giới hiện nay là văn học của kỷ nguyên chủ nghĩa hậu hiện đại. Trong xu thế "phẳng hoá" thế giới, văn học Việt Nam không thể không chấp nhận sự xuất hiện và tồn tại của yếu tố này kia của chủ nghĩa này.
Tiểu thuyết đương đại Việt Nam nói riêng là thế giới đa chiều kích. Tận dụng khả năng chưa đông cứng của tiểu thuyết, táo bạo trong thể nghiệm bút pháp hậu hiện đại, một vài cây bút trẻ đã mang đến cho độc giả những bữa tiệc văn chương với thực đơn đầy tính mời mọc.
Thoạt kỳ thủy của Nguyễn Bình Phương tiêu biểu cho những thể nghiệm nói trên. Cuốn tiểu thuyết dắt người đọc vào một mê lộ nghệ thuật. Độc giả muốn thâm nhập sâu hơn hoặc thoát khỏi mê lộ đó là phụ thuộc vào chính tầm đón nhận của họ.
1. Mờ hoá nhan đề
Cái nhan đề “Thoạt kỳ thuỷ” như một sự đánh đố, khiêu khích cuộc chơi của độc giả ngay lần đầu họ cầm lên cuốn sách. Phải dũng cảm đi hết mê lộ tác phẩm, người đọc mới lờ mờ vỡ lẽ: nhan đề tác phẩm được xây dựng trên ý niệm phân tâm học. Nhà phân tâm học người Pháp, Jacques Lacan từng nói: “Vô thức cũng được cấu trúc như một ngôn ngữ”. Với nhan đề “Thoạt kỳ thủy”, Nguyễn Bình Phương muốn dẫn người đọc đi thăm dò cõi vô thức mênh mông của con người từ khi sinh ra đến lúc mất đi. Cụm từ Hán-Việt đã mở ra một không gian buổi đầu hồng hoang của cõi người. Đáng nói hơn, suốt ba phần cụ thể của tác phẩm, cái cụm từ “Thoạt kỳ thủy” không một lần tái xuất hiện dưới bất kỳ hình thức nào. Với trò chơi mờ hóa nhan đề, tác phẩm đã tạo tâm trạng hụt hẫng nơi người đọc, họ không biết bám víu vào đâu khi mạch truyện và tên truyện dường như bị chia tách. Nhưng tĩnh tâm nhìn lại cuộc đời của Tính với những đối thoại ngầm trong mơ, những lời nói, hành động điên dại, người đọc sẽ nhận thấy dần cái thế giới ngầm được cài đặt trong “buổi đầu” ấy.
2. Mờ hoá cốt truyện
Một miền đời đi vào trang sách của Nguyễn Bình Phương tự do như nó vốn có, không hề lộ dấu vết sắp đặt của tác giả. Thực ra, tác giả cố ý tạo sự đứt gãy mạch tự sự, đối chọi lối viết tư duy mạch lạc.
Đọc Thoạt kỳ thủy, người đọc phải thật sự tĩnh tâm mới có thể tự lần dò ra mạch truyện chảy ngầm bên trong khối hỗn độn những mảnh ký ức được chắp nối nhiều khi tưởng chừng như vô lý, thậm chí vô nghĩa.
Sự dồn nén thời gian kể càng làm cho truyện thêm mơ hồ, các sự kiện được trói chặt tối đa, những mảng màu siêu thực xuất hiện… Hệ quả là nó làm cho cốt truyện bị mờ hóa, nén ép, đa chiều. Phần “Tiểu sử” được tạo thành từ sự tổng kết, liệt kê (tựa như cách giới thiệu vai trong vở kịch). Cách ghi không thống nhất. Nhìn qua cứ nghĩ đây là tập gia phả một dòng họ, nhưng không, nó là “tiểu sử” của một cộng đồng - làng Linh Sơn! Dòng tiểu sử tựa như cách dựng bia mộ nhưng bất thường ở chỗ, bia mộ có ghi tên người phụng lập, còn ở đây, người ghi tiểu sử, người kể “biết tuốt” lại vắng mặt, cho nên lời kể trống trơ, vô cảm. Ở phần “Phụ chú”, tác giả còn khéo léo lồng tác phẩm Và cỏ của ông Phùng nhà văn vào… nới rộng thêm trường liên tưởng nơi người đọc. Và dĩ nhiên, ở phần này, sự đồng thời lồng khung những giấc mơ, những ám ảnh của Tính, của Hiền cũng tạo thứ ma lực dẫn dụ người đọc dò tìm những vùng miền xa sâu của tác phẩm.
Nguyễn Bình Phương đã khơi chụp những mảnh vỡ - những “tiểu tự sự” của cuộc sống. Tất cả hợp quần để kiến trúc nên lối tư duy tiểu thuyết của anh: hỗn tạp, rạc rời mà liền mạch, nhất quán.
3. Mờ hoá nhân vật
Con người trong Thoạt kỳ thuỷ bị phân tán trở thành những chủ thể phi trung tâm, những mảnh vỡ, và tất cả đều bị hoà tan trong bối cảnh xám xịt chung quanh. Con người ở đây phần lớn là những kẻ dở khùng dở dại, hoặc là điên hoặc là có triệu chứng điên. Bên cạnh thế giới người điên của làng Linh Sơn, ta bắt gặp thế giới của một Tính nửa điên, nửa vật, của một Phước suốt ngày gặm đít chén lách cách, của một Phùng trốn quê đi nằm mơ giữa ban ngày chờ giải thưởng văn học, của một Hiền chấp nhận cuộc hôn nhân với gã dở điên dở vật để thành một cái bóng khao khát không bến bờ… Ngoài ra còn là thế giới của nhà Bồi què, của vợ chồng bà Xuân toét, ông Xuân điếc, của nhà Lan lác, của vợ chồng Kim quắt… Mỗi người một cuộc đời vật vờ đến vô nghĩa.
Trong thế giới của những con người ấy, Tính được quay cận cảnh nhiều hơn cả. Đây là ngoại hình nửa người nửa ngợm: “Tay dài, lưng dài, chân ngắn. Lông tay đỏ hồng, ngón không phân đốt. Lông mày nhạt, hình vòng cung ôm nửa mắt. Tai nhỏ, mồm rộng, răng cải mả. Tiếng nói đục. Đi như vượn, ngồi như gấu. Không biết chữ”. Chính nhân vật này tập trung mọi vùng mờ vô thức của cộng đồng. Tính trở thành một con người dị biệt từ tuổi ấu thơ đến lúc trưởng thành: “Thích lê la một mình, bạ gì cũng cầm, bạ gì cũng liếm, cũng cho vào mồm”. Mặt Tính lúc nào cũng ngô nghê và sẵn sàng mơ bất cứ lúc nào, chìm ngập trong thế giới của tưởng tượng được tàn sát, hủy diệt. “…Tính ngồi nhặt kiến, di tanh tách. Tính nhắm mắt, trong bóng tối lảo đảo, hiện ra một cái tai cưỡi trên lưng con ngựa già đuổi theo một chú lợn. Cái tai xám, mơ màng, tay huơ huơ con dao chọc tiết lợn sáng quắc: “Chọc!” Tính hét lên, choàng mắt”. Tính thích giao du với người điên, thích lửa, thích máu, thích giết công cống, giết kiến và thích chọc tiết, nhìn ai cũng đắm đuối mỗi cái yết hầu… “Mắt Tính càng lớn càng vằn lên”. Bóng Tính “gù gù như bóng đười ươi”…Cái hình hài như ngợm, cái triệu chứng điên, cái bản năng tàn sát, cái sự không hề có cảm xúc ham muốn của một con đực… nơi Tính nói lên Tính dường như không - là - một - con - người!
Nhân vật trong Thoạt kỳ thuỷ tồn tại cô độc, còn nếu cặp đôi, cặp ba thì giao tiếp của họ không hề ăn nhập. Hãy lắng nghe cuộc “hội thoại” giữa hai người sắp kết hôn:
“ Hiền ngoảnh mặt vào trăng, thở sẽ:
- Anh làm sao thế?
Tính nhắm mắt:
- Lạnh!
- Xích vào đây một tý cho ấm. Anh Tính biết không, ngày bé ấy, bao nhiêu lần anh làm em sợ hết hồn.
- Cắn công cống thích lắm.
- Bố anh còn gặm chén không?
- Mắt chó vàng như trăng.
- Em về đây!
Tính nuốt nước bọt:
- Dạo ấy nhà em cháy to nhỉ.
Hiền gục đầu, tay bấu sâu vào cỏ…”
Những lời thoại thiếu ăn nhập, vô nghĩa đã vẽ nên những ốc đảo cô đơn bất tận. Nếu dõi theo để tìm kiếm những sự ăn nhập nào đó giữa 2 “vợ chồng” này nói riêng và những “người làng” nói chung trong tác phẩm này thì tất cả đều dần mất hút.
Thủ pháp phân mảnh, ghép mảnh của Nguyễn Bình Phương tỏ ra đắc địa khi đề cập đến yếu tố tình dục nhưng không đi vào miêu tả chuyện gối chăn mà hướng đến kiểu tình dục bất lực (mảnh vỡ) để nói sự trống vắng, cằn cỗi, không tái sinh của đời sống tình cảm, đời sống vật chất của con người. Đây là một cô Hiền với bao nhiêu khao khát rất người, rất đời, rất đàn bà nhưng trắng tay khi lắp ghép đời mình với một kẻ dở điên, dở vật như Tính:
“Hiền nhắm mắt, trong đầu hiện lên con dao nhọn. Mở choàng mắt. Hiền bảo:
- Em thương anh lắm.
Tính bĩu môi đứng dậy. Hiền níu lại, nhìn quanh, cầm tay chồng đặt lên ngực mình. Tính chụm các ngón tay lại thành hình con dao nhọn chạm vào cổ vợ. Hiền nấc lên tuyệt vọng. Tính nheo mắt, môi dưới giật giật như muỗi đốt. Hiền phanh áo, cúi ập người xuống, cà mạnh ngực vào tảng đá. Vú Hiền sây sướt, rớm máu. Tính quyệt tay vào máu trên đá, thè lưỡi liếm, mặt bừng sáng…”
Hiền phải chịu nhiều thiệt thòi khi lấy một người chồng như Tính, gặp ông Phùng tìm được chút đồng cảm nhưng ông lại “già rồi”, bất lực, gặp Nam trái tim Hiền thổn thức nhưng không dám vượt xa hơn… Nguyễn Bình Phương đã đẩy miền vô thức đi xa nhất ở nhân vật này qua bốn giấc mơ ở cuối truyện, nó tịnh tiến từ thực đến nhòe ảo, phái mạnh xuất hiện trong từng giấc mơ ấy: một con trâu mặt người, ông Bồi và Vinh, một người râu tóc màu vàng cởi trần, đóng khố nhìn Hiền, cuối cùng là hình ảnh một cái tai trong suốt cưỡi trên lưng trâu cũng ngoảnh về phía Hiền. Không một lời bình giá, chỉ có những biểu tượng trong giấc mơ vẫy gọi người đọc cùng khám phá bao khát vọng tình yêu, bao ẩn ức tính dục ở nhân vật đáng thương này.
Nguyễn Bình Phương đã không có ý định hàn kết những gì đổ vỡ của thế giới. Với lối tư duy ảnh hưởng chủ nghĩa hậu hiện đại này, Nguyễn đã đặt chân đến bến bờ của cảm quan hiện thực mới hết sức bề bộn, cồng kềnh, nhiều chiều của tiểu thuyết. Điều đặc biệt khi truyện bắt đầu bằng sự xuất hiện của con vật và cuối cùng cũng khép lại bằng những động tác của con vật khi nó cố sức bay lên để vượt thoát không gian. “Dòng sông bị dứt khỏi đôi bờ” - một sự rạn vỡ không thể gắn kết!
4. Dị thường hoá, ảo giác hoá sự tha hoá của nhân sinh
“… Bát rơi. Tiếng vỡ thô, đanh.
Liên hạ mâm, toan quay lại nhặt mảnh vỡ, bị Phước đạp thốc vào bụng. Liên cắn răng ôm bụng ngồi bậc cửa, đầu tỳ lên cánh tay. Bụng Liên to, vồng tròn:
- Hết tiền à?
Phước hỏi.
- Hết.
Liên đáp, nhẹ hơn gió. Phước bặm môi, nén tiếng thở dài. Lúc ấy môi Phước xám đen, run run.
- Không có rượu, cơm cũng thành cứt. Thôi, dọn đi!
Mâm cơm lại về bếp, Phước đưa chén lên mồm gặm lách cách. Không có rượu, Phước toàn gặm đít chén cho đỡ nhớ. Tiếng canh cách vang lên trong căn nhà tối, ẩm. Liên sang bên vợ chồng Điện, lúc về, xách theo nửa chai rượu trắng đục. Mắt Phước sáng rực, trìu mến. Liên đặt chai trước mặt chồng, Phước vồ lấy. Liên hỏi:
- Lúc nãy anh đạp chết con thì sao?
Phước tợp chén, cười:
- Chết thì đền.
Liên ôm mặt, tóc xõa ra:
- Mạng người không phải cái lá.
Phước hồ hởi.
- Thiếu đếch gì, còn khối!...”.
“…Các buổi chiều trẻ con xúm lại nghe Hưng kể chuyện đánh Mỹ. Hưng lấy hai quả chuối gắn vào hai khóe mép, vươn cổ ra trước:
- Khoặp! Đấy, một nhát là đi đứt.
Bọn trẻ vừa sợ vừa khoái. Nhiều đứa đến trường thấy cô giáo, bèn chạy sấn lại, há mồm, rồi kêu:
- Khoặp!
Ý chúng nó nói, cắn cổ cô giáo. Ông Khoa đến góp ý, bị Hưng đạp trúng đầu gối, đuổi về. Thằng Chanh Linh quệt mũi đế vào:
- Anh mọc nanh cắn bỏ mẹ bác ấy đi.
…Hưng xui bọn trẻ vào bẻ mía nhà ông Mịch. Nhiều người ca cẩm, Hưng thè lưỡi, trợn mắt:
- Trẻ con không xui cũng biết ăn cắp…”.
“…Ông Phước ăn cơm xong, đứng xỉa răng ngoài bờ mương. Vinh lẳng lặng đi qua. Ông Phước gườm gườm. Vinh tái mặt, chào không xong, chạy cũng chẳng được, bèn nói nhanh:
- Bố cháu mời bác sang uống rượu.
Ông Phước đổi mặt, niềm nở:
- Mày ngoan quá.
Vinh chuồn thẳng. Tối, chưa tắt mặt, ông Phước sang. Nhà ông Bồi đang dọn cơm. Ông Phước liếc, không thấy có rượu, bấm bụng chờ. Ông Bồi khó chịu ra mặt, hỏi khách đã ăn cơm chưa. Ông Phước lắc đầu. Ông Bồi chỉ nói bên ấy ăn muộn nhỉ, rồi cả nhà ngồi ăn. Ông Phước uống nước vối suông, uất khí, về chửi đổng. Bà Liên đang khâu áo hỏi chửi gì. Ông Phước quát chửi cho sướng mồm, đời toàn quân lừa đảo. Lời qua tiếng lại, hai người quặc nhau. Ông Phước túm vợ, đánh. Tính đứng ngoài, hô: Chọc tiết. Nửa đêm hôm ấy, nhà ông Bồi đang thiu thiu ngủ, đá từ đâu rào rào đáp tới, chó sủa nhặng lên một lúc. Gần sáng, bà Liên dậy gánh nước tưới rau thì chẳng còn cây nào. Cả vườn bắp cải non bị nhổ, vứt quăng quật khắp nơi. Ông Phước đi đi lại lại, mắt đỏ vằn. Thấy ông từ xa, thằng Vinh lảng ra chỗ khác. Bà Liên than vãn. Ông Phước rít lên: Tao xin tiết cả nhà nó.
Rồi chạy vào, lấy dao phay ra, mài xoèn xoẹt. Ông Bồi hiếng mắt nhìn, lòng run lên, giục vợ cất lưới…”.
“… Về qua bờ rào nhà Hoàng rỗ, ngó trước ngó sau không thấy ai, Hiền thụp xuống đái. Nghe tiếng động, Hiền ngẩng lên, gặp thằng Vinh đang nấp sau cây duối, nhìn. Hiền đỏ văng mặt, kéo quần, đi như chạy. Vinh ra, cúi đầu hít hít đám cỏ ướt, mặt dại hẳn…”.
“… Khi Hưng đi vào, Thương nấc lên. Hưng lập cập hỏi: “Đau à ?”. Thương nhắm mắt, lắc đầu. Hưng được thể, ra vào dồn dập. Một lúc Hưng trợn ngược mắt, rồi lăn sang bên.
Thương vùng dậy, hỏi lỡ có con thì sao. Hưng nói vứt đi. Thương sợ mẹ biết, mặt lo lắng. Hưng trấn an không được, cáu, nhe răng:
- Có muốn mọc nanh cắn thì bảo…”.
…
Lối viết của Thoạt kỳ thuỷ sắc lạnh, trần trụi như những gì chúng ta phải chứng kiến. Không một dòng bình luận, hiện thực sắc gọn, phân thành mảnh nhỏ nhàu nát trong mỗi hành động. Ở đó nhiều con người với thói vô trách nhiệm, sự u tối bản năng với những dục vọng không được kiềm chế bung phát những hành động phi lý trí, phi nhân tính… Cả một thế giới thu nhỏ trong ngôi làng Linh Sơn cháy sôi lên bởi những bản năng tính dục, bản năng xâm hại, hủy diệt… (Cái nghề đập đá của làng như thể phần nào giúp người ta giải tỏa cái ẩn ức xâm hại, hủy diệt kia. “Khi đập, bà Liên lẩm bẩm: “Chết cha mày, chết cha mày. Thằng già khốn kiếp!”. Đá vỡ đều hơn, chắc hơn”). Âm thanh tiếng đập đá, tiếng nổ mìn phá đá gầm rung núi Hột, bãi Nghiền Sàng… càng làm cho cái hoang sơ, man dã, ma quái, trống trơ tình người tăng thêm. “Không khí mù mịt, cuồn cuộn. Tiếng đập tràn lan khắp nơi. Khô khốc, lanh lảnh, triền miên bất tận”.
Nguyễn Bình Phương đã để người đọc ám ảnh, hoang mang với thế giới của Thoạt kỳ thủy ngay từ lối vào truyện. Thế giới ấy bắt đầu bằng sự có mặt của con vật và tiếp theo con người xuất hiện nhưng bằng những cục súc, thú tính: Một đứa trẻ tượng hình và ra đời không là niềm hạnh phúc của người cha bởi trong người cha đó đã choán đầy cơn khát rượu thịt.
“Vừa ra đời, Tính đã thấy trăng. Mặt trăng to bằng chiếc nong lừ lừ rọi qua vách liếp tạo thành một quầng trong suốt. Tính co rúm lại, rồi thét lên mặc dù cô đỡ quấn Tính trong chiếc khăn to, áp vào ngực mình. Tính lạnh, mắt nhắm tịt lại.
Trăng không đi hình vòng cung lên cao. Trăng tiến theo đường thẳng, lừng lững áp lại. To bằng miệng giếng, bằng cái hủng, rồi trăng choán kín bầu trời. Tính ngợp trong thứ ánh sáng vàng trắng, lạnh lẽo, rên riết.
Đôi ba tiếng chó sủa.
Phước vẫn gặm chén…”
Khung cảnh chào đời đã được “lạ hóa” qua điểm nhìn của Tính: chỉ có tiếng chó sủa, tiếng gặm chén (cho đỡ nhớ rượu) của Phước, ánh trăng như một hung thần…; không vành nôi, không câu hát, không háo hức đợi chờ của người bố (vì “thiếu đếch gì, còn khối!”). Những lạnh lẽo, đe dọa, khiếp sợ mà buổi lọt lòng Tính đã chứng kiến sẽ ám Tính, vây bủa Tính suốt đời. Hơn ba mươi lần trong truyện nhắc đến nỗi ám ảnh của Tính qua câu văn tựa hồ câu thơ: “Mắt chó vàng như trăng”. Nó trở thành hình ảnh phản truyền thống đắc địa, trăng không còn thơ mộng, bao dung mà là biểu tượng của hủy diệt, đe dọa, vùi lấp và chứa cái lạnh lẽo, rên riết bất tận. “Đêm. Tính không ngủ được vì trăng. Trăng làm Tính lạnh, càng bịt tai, co người, càng đau đớn khổ sở. Trăng rơi u u, miên man, rên xiết”.
Liền kề với trăng là hình tượng máu. Có thể nói, tác phẩm ngập trong sắc máu: máu đổ trong chiến tranh, máu trong câu chuyện “khoặp cổ” của Hưng, máu từ cổ lợn “phun ra đỏ rực” dưới bàn tay của ông Điện, ông Thụy, của Tính, máu từ miệng ông Xuân, cô Nheo thổ ra trước khi chết, máu phun thành tia từ yết hầu thằng bé điên, máu trong giấc mơ bà Liên, máu rớm từ vú Hiền cà mạnh trên đá, máu nhuộm đỏ mặt Hưng, máu trào từ cổ của ông Phùng, ông Khoa, Tính, máu từ trán con trâu khi núi Hột đổ, máu từ ngực con cú trên sông… Đặc biệt ám ảnh hơn cả là máu trong những cơn khát của Tính, giấc mơ nào của Tính cũng ít nhiều vấy máu, ngay cả trăng và đá cũng như thể tuôn máu. “Quả núi bị khoét vẹt một nửa, trông như cơ thể mất thịt, lộ ra màu trắng pha chút đỏ của máu”, “Mỗi hòn đá bị vỡ là máu túa ra”, “Gió thổi. Tảng đá nâu nổi gân hồng. Máu lênh láng tràn từ núi xuống dìm ngập đất”. Máu tứa ra từ những vô thức bám lấy giấc mơ Tính làm cho màu sắc siêu thực, dị thường, ảo giác tăng lên.
Câu chuyện mà Tính say mê đầu đời không phải là một bài học, một câu chuyện cổ tích mà đó là những chuyện “khoặp”, “cắn cổ” Mỹ, cảnh đốt trại tù binh “lửa cao như cái lưỡi, liếm từ bẹn đổ lên”… của Hưng, cảnh Tây thu từng đống người chúng tàn sát “đem ra rừng lấp hờ. Tối hổ xuống bới lên ăn bằng hết. Chừa độc cái đầu…” của ông Thụy. Vật mà Tính say mê đầu đời không phải là đồ chơi, cây bút mà là con dao chọc tiết lợn sáng quắc của ông Điện... Lời cổ xúy đáng kể mà Tính lưu tâm là “Mày sợ gì. Hồi ở chiến trường tao giết người như ngóe” của Hưng… Càng về sau trang truyện càng dày đặc thêm những đoạn ghi lại những cơn mơ hỗn loạn của Tính và tác phẩm khép lại cũng bằng sự ghép nối những giấc mơ của anh. Sigmund Freud đã từng nói: “Giấc mơ là hình thức đã được sửa đổi của một biến cố vô thức và sự giải thích giấc mơ có mục đích tìm ra cái vô thức này”. Trong Thoạt kỳ thủy, giấc mơ là thấu kính nhiệm màu để Nguyễn Bình Phương soi vào những biến động nơi tâm hồn nhân vật của mình. Tính ngày nay là sự phản chiếu mang tính nhân quả hành động của những con người mà căn nguyên từ thói bất nhân, vô trách nhiệm, sự u tối bản năng.
Với Thoạt kỳ thủy, bằng lối viết “đa thanh”, Nguyễn Bình Phương còn để cho nhân vật của mình hồn nhiên giải thiêng, hạ bệ những gì mà nhiều người nhầm tưởng là thiêng liêng, cao quý. Chiến tranh, chính nghĩa cũng như phi nghĩa, chỉ là trò “khoặp”, “cắn cổ”, “chọc tiết” lẫn nhau. Chiến tranh là ngọn gió thổi bùng ngọn lửa bản năng thú tính, sức hủy diệt của ngọn lửa này là bất tận. Nhà văn là người có thể ăn thịt chó đã chôn dưới hố (do anh bạn “cựu chiến binh” bới lên) trong những ngày dài mòn mỏi chờ giải thưởng. “Hai tiếng giải thưởng thoát ra khỏi miệng làm ông Phùng mê đi. Ông Phùng cố lắc đầu cho tỉnh”. Chúa chỉ là “người chết treo”, là “thằng Mỹ nằm dạng chân dạng tay”, là “một người râu tóc màu vàng cởi trần, đóng khố”. Chúa nơi chiếc thánh giá lóe sáng rung rinh trên cổ ông Khoa cũng bó tay trong việc giúp ông, đứa con chiên hành nghề hoạn lợn của mình, có thể tránh né lưỡi dao sắc ngọt của tên khát máu…
*
Thế giới của Thoạt kì thủy là thế giới của những bất an. Dũng cảm, tĩnh tâm đi hết mê lộ tác phẩm, bạn đọc sẽ gặp lời phản tỉnh: Đừng bao giờ là không con người! Hãy cảnh giác và kịp thời ngăn chặn nguy cơ mất nhân tính khi còn chưa muộn! Hãy nói không với chiến tranh! “Thượng đế đã chết”. Chúa bất lực. Chỉ có tình người mới cứu sống được tính người!
Các vùng mờ hoá đã được tạo dựng. Người đọc sẽ tiếp tục suy nghĩ, viết tiếp câu chuyện theo cách của mình. Thoạt kỳ thuỷ dành quyền cho độc giả (và quan toà thời gian) tự do phán xét./.
* Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2004.
Tài liệu tham khảo
1. Lê Huy Bắc, Mờ hoá - Bản chất tự sự của văn xuôi hiện đại, hậu hiện đại.
2. Lê Huy Bắc, 2005, Truyện ngắn lí luận tác gia và tác phẩm, Tập hai, NXB Giáo dục, Hà Nội.
3. Phương Lựu, 2001, Tiếp tục khơi dòng, NXB Văn học, Hà Nội.
4. Jean – Francois Lyotard, 2007, Hoàn cảnh hậu hiện đại, Ngân Xuyên dịch, NXB Tri thức, Hà Nội.
5. Nhiều tác giả, 1993, Số phận của tiểu thuyết, NXB Tác phẩm mới, Hà Nội.
6. Phan Trọng Hậu, Văn hoá hậu hiện đại nhìn từ nhiều phía (Lược thuật từ Thế giới văn hoá 05/06), Báo Văn nghệ số 33 (19-8-2006).