Lên tàu cậu tôi lo nói chuyện văn chương với khách còn tôi lo ăn. Hết cái đùi gà rô-ti tươm mỡ đến miếng giò dày kẹp giữa ổ bánh mì nóng giòn, rồi bánh kẹo, trái cây, nước giải khát. Tôi chưa kịp nuốt thứ này đã có thứ khác tiếp đến. Đời tôi cho tới lúc đó chưa khi nào được ăn ngon và có người săn sóc như cô này. Cô ấy đưa thức ăn, ngồi nhìn tôi, cười thích thú.
Lúc đó tôi mười hai tuổi, còn sợ người lạ. Ban đầu tôi từ chối, sau cô ấy ép quá, thức ăn ngon, tôi không biết làm khách gì cả. Không hiểu tại sao mỗi khi đi xa bằng ô tô hay tàu hoả tôi thường thấy đói. Những người chung quanh tôi cũng thế. Họ nói vì đi đường xa, đổi gió. Cô gái cũng ăn, nhưng rất ít. Cô dùng cam quít, ăn rất chậm, cẩn thận, có lẽ cô sợ hư son môi. Cô cho tôi ăn nhưng không mời hai người kia, có thể cô để cho họ tự do nói chuyện. Hai người đàn ông vừa nói chuyện vừa nhìn phong cảnh hai bên đường. Họ chẳng chú ý gì tới hai cô cháu chúng tôi.
Sau kỳ nghỉ hè, cậu tôi thay mặt má tôi dẫn tôi vào Sài Gòn nhập học. Đi tới chỗ lạ, má tôi muốn làm sang, muốn khoe đứa con trai nên bảo tôi mặc bộ đồng phục của học sinh một trường Pháp nổi tiếng thời đó. Lũ học trò chúng tôi đều tự hào về ngôi trường và bộ đồng phục trắng may bằng ga-ba-đin có đính nhiều nút đồng sáng loáng. Trên áo có thêu huy hiệu nhà trường và có cả cái nón kê-pi chạy chỉ kim tuyến rất đẹp. Trông chúng tôi chẳng khác gì sĩ quan hải quân tí hon. Chắc cô gái tưởng tôi con nhà giàu hay con nhà quyền quí mới được vào học ngôi trường này. Sự thực tôi được đi học cũng nhờ uy thế bên ngoại tôi, tiền ăn học cũng nhờ ngoại vì cha tôi mất sớm, má tôi phải tần tảo nuôi con.
Nói thực ra bộ đồng phục này đem lại vinh quang thì ít, làm khổ thì nhiều. Mỗi lần áo quần dơ chúng tôi thường bị đánh đòn, có khi còn bị cấm túc mấy cái chủ nhật. Màu trắng rất dễ bẩn, chúng tôi là trẻ con hiếu động, làm sao tránh được vết dơ. Cô gái lấy khăn ăn quàng cổ cho tôi và lót một tấm khăn khác lên đùi. Thỉnh thoảng cô còn phủi vụn bánh mì rơi trên ghế.
Cậu cháu tôi chỉ biết hai người này từ lúc lên ga Nha Trang hồi ba giờ chiều. Tàu tới Ba Ngòi cách Nha Trang sáu mươi cây số hai bên đã xem như quen nhau lắm rồi. Cậu tôi và người đàn ông nói chuyện văn chương. Tôi biết được vì lâu lâu nghe hai người ngâm thơ, thơ Việt cũng như thơ Pháp và thơ chữ Hán. Hai người đàn ông say sưa chẳng thiết gì việc ăn uống.
Trong Va-gông cút-sét (toa giường nằm) chia thành nhiều ô, mỗi ô có bốn giường, hai trên hai dưới, giường nệm loại sang. Hai người đàn ông giành ngồi gần cửa sổ hóng mát và xem phong cảnh. Người đàn bà chăm sóc cho tôi. Bữa ăn này hoàn toàn bất ngờ. Cậu tôi, người Tây học đi đường không thích đem theo cơm nắm, cơm vắt. Trước khi đi, cậu dặn má tôi đừng lo thức ăn, trên xe người ta bán chán vạn. Ngược lại đi có một đoạn đường mà cô kia làm như cuộc viễn du, đem theo đủ thứ. Trong chiếc làn đan bằng mây cô ta rút ra nào gà rô-ti, chả giò, bánh mì, trứng gà luộc theo kiểu la-cót, trái cây, bánh kẹo, nước trà, khăn mặt, khăn ăn… Tất cả khăn tay đều đắm một thứ hương thơm rất đàn bà, giống như mùi thơm nơi má tôi treo áo dài. Tôi không đoán được tuổi cô vì tôi lúc đó chỉ mới mười hai, song tôi thấy người đàn ông đi với cô lại quá già. Về sau biết họ là vợ chồng, tôi chưa thấy cặp nào chênh lệch về tuổi tác với nhau đến thế. Người vợ đẹp và trẻ bao nhiêu thì ông chồng già và xấu bấy nhiêu. Da mặt ông sần sùi, gò má và chóp mũi đỏ như quả cà chua, hai vành tai quăn queo như tai chuột. Hồi ấy tôi chỉ thấy ông xấu xí và dễ sợ, sau này tôi biết đó là bộ mặt của người mắc bệnh phong hủi, đã tới thời kì nặng . Khi ấy tôi mới thấy cảm thông sâu sắc nỗi khổ của người vợ trẻ này. Từ nhỏ tôi chỉ thích bạn gái, họ dịu dàng, bạn trai thường ăn hiếp tôi. Tôi cũng thích phụ nữ hơn đàn ông. Phụ nữ chăm sóc còn đàn ông ép tôi học mà còn đánh đòn.
Chỉ mới gặp cô gái trên một đọan đường ngắn cô ta đã chinh phục hoàn toàn tình cảm tôi. Hình như cặp vợ chồng này giàu có nhưng không có con. Tôi không thấy người đàn bà có vẻ gì đã làm mẹ. Cô trẻ lắm, may ra chỉ bằng nửa tuổi chồng. Nét mặt, giọng nói, cách trang phục đều trẻ và có vẻ “Tây”. Ngay như ông cậu tôi, một người đàn ông bốn mươi hai tuổi, hai đời vợ, từng trải, giỏi nhảy đầm, sành chuyện trai gái thế mà lúc lên xe cũng đã lầm. Cậu tôi thốt lên một câu làm quen vô cùng tai hại:
- Chắc hai bố con du lịch Sài Gòn?
Người đàn ông chữa thẹn, đỡ lời:
- Tôi đi chữa bệnh, còn nhà tôi đi chơi.
Cậu tôi ngượng chín người, cố vớt vát:
- Ôi bà nhà biết giữ nhan sắc nên trông còn trẻ quá, ai không lầm?
Nghe thế cô gái liếc xéo chồng, cười. Lúc đó tôi chưa biết nụ cười biểu lộ sự đau đớn. Sau này tôi hiểu ấy là cô muốn chồng chia xẻ nỗi bất hạnh này.
Cô kéo tôi sát vào người để phủi mảnh vụn thức ăn. Tôi thấy cô trẻ thật. Lần đầu tiên tôi có dịp nhìn thật gần khuôn mặt một người đàn bà không phải là mẹ mình. Tôi thấy làn da cô trong bóng mịn màng. Làn da này không thể của người lớn tuổi, Má tôi trên bốn mươi nên da đã thô, có dùng phấn cũng không che lấp được. Mũi cô thanh tú, cao và trống, kiểu mũi đàn bà Pháp. Phải nói sau này nhiều chục năm, kiểu mũi đó vẫn ngự trị trong sự thẩm định về vẻ đẹp phụ nữ của tôi. Tôi luôn luôn có cảm tình với những người đàn bà có vẻ đẹp tây phương. Hoá ra thẫm mĩ hình thành ở trong ta rất sớm . Môi cô tô son màu huyết phượng, cẩn thận, sắc nét. Một làn môi rực rỡ. Về sau tôi cũng thích vẻ rực rỡ. Nhu mì kiểu Á Đông, tôi không chuộng. Tôi ngạc nhiên vì sao cô ấy cũng ăn uống như tôi mà son môi không nhoà. Cặp mắt cô to và đẹp lắm. Lông mi dài cong như lông mi giả. Tôi chắc trong huyết quản cô có dòng máu tây phương. Đó là một cô gái lai nhưng không rõ lắm vì tóc cô không vàng và quăn. Lông mi cô dù không chải sáp nhưng cong, rời ra từng sợi, chia đều và đẹp lắm. Nghệ thuật trang điểm của người này hơn hẳn chị tôi. Có lẽ chị tôi không đến nỗi tệ nhưng vì cái gốc không đẹp nên son phấn không làm nổi lên được. Tồi nhất là cái “gu” nước hoa của bà ấy. Chị tôi dùng mùi quen quá, giống như mùi ô đờ cô-lôn đựng trong chai nửa lít mà lão Tạo cắt tóc dạo, hớt xong đổ mấy giọt vào hai bàn tay xoa lên mặt khách làm cho mấy chỗ lão cạo đứt rất rát.
Tôi thấy mình đang đứng giữa cặp đùi người đàn bà đẹp và trong làn hương son phấn rất dễ chịu. Mới mười hai tuổi nhưng tôi đã biết liên tưởng, biết so sánh. Tôi thấy cái khuôn mặt trẻ trung kiều diễm như thế này thì làm sao kề cận được với bộ mặt già nua sần sùi, chỗ đỏ chỗ trắng dễ sợ của người chồng cho được? Biết cô ta có gớm ghiếc hay không? Họ có ngủ chung giường không? Chỉ một vài phút sau tôi biết việc này.
Cô chăm sóc khuôn mặt tôi xong, tới hai bàn tay bê bết mỡ và đủ thứ bánh mứt. Cô lấy khăn ướt lau cho tôi, lau thực kĩ. Tôi cho rằng đã quá sạch song cô gái chưa chịu. Cô nắm bàn tay trẻ con tôi đưa lên mũi, cô nói:
- Chưa được.
Rồi cô nói:
- Thứ nước mắm Phan thiết ướp giò này, lau không sạch, phải có nước với xà phòng.
Cô đứng lên, với tay lấy bánh xà phòng thơm và không cần hỏi han hai người đàn ông, dẫn tôi ra khỏi khoang. Chúng tôi đi qua ba hoặc bốn khoang khác. Có nhiều người nhìn ra, chắc họ tưởng mẹ dẫn con. Chúng tôi rất giống mẹ con vì cùng sạch đẹp và sang trọng như nhau.
Thuở ấy hình như tôi là đứa bé rất dễ thương. Tôi nghe anh chị kể lại, lúc nhỏ tôi là một chú bé bụ bẫm, rất đẹp. Mới mười một tháng, má tôi đã bế tôi đi thi bê - bê (thi bé đẹp). Tôi trúng giải nhất. Phần thưởng là hai lon sữa hiệu Nestlé và cái áo len săng-đai (Ao ấm dài tay) màu đỏ. Với chiếc áo này tôi đã ngã một cái gần chết vào lúc giáp năm. Cả nhà nói tôi được mười hai bà mụ đỡ. Lúc học tiểu học, nhờ có nước da trắng trẻo, mỗi khi nhà trường có diễn kịch, tôi dược đóng vai thiên thần, có đôi cánh trắng làm bằng giấy. Sau này mỗi khi trong lớp diễn kịch cần vai nữ, không có nữ sinh, tôi cũng được chọn đóng vai giả. Chỉ cần bôi chút phấn son, lấy khăn trùm cái đầu trọc lại, tôi đã biến thành một giai nhân.
Thuở đó xe lửa có vài toa sang dành cho người Pháp và người bản xứ làm quan hay giàu có. Cuối toa cút-sét có phòng toa-lét (phòng vệ sinh) rộng rãi, đèn sáng trưng, la-va-bô bằng sứ trắng tinh, có vòi nước bằng đồng đánh bóng sáng ngời, chung quanh phòng gạch men trắng và không một mùi xú uế. Cô dẫn tôi vào phòng toa-lét, quay lại khoá trái cửa gỗ rất chắc chắn đánh véc-ni màu cánh dán, có tay nắm hình quả xoài làm bằng sứ trắng, rồi cài chốt bên trong lại. Cô nói: “Sợ xe lắc le, cánh cửa bật ra” Đứng nơi đây tôi thấy sợ và ngợp. Xe chao đảo mạnh quá, chắc là đang đi qua đoạn đường xấu và chạy rất nhanh trong cơn gió thổi ngược. Tiếng gió, tiếng xe gào thét dữ dội. Tôi phải tựa lưng vào tường, nếu không thì ngã. Cô mở nước giặt mấy chiếc khăn, vắt khô, móc lên đinh. Cô kéo tôi lại la-va-bô rửa mặt cho tôi, rửa hai tay, lau khô.
Cô đặt tôi đứng tựa thành xe rồi ngồi như quì trước mặt tôi. Cô sửa lại áo quần và lặng lẽ ngắm nhìn tôi. Cô hất ngược mái tóc loà xoà trước trán tôi và rất tự nhiên cô đặt lên trán tôi một chiếc hôn vô cùng trìu mến. Hôn xong cô giữ chặt vai tôi, đẩy tôi ra một đọan, nheo mắt nhìn tôi mỉm cười. Anh mắt cô loang loáng. Cô lại kéo tôi vào, hôn lên trán, đúng vào nơi cũ, lại đẩy ra, nhìn và cười. Rồi liên tiếp là cái hôn thứ ba, thứ tư và hôn tới tấp. Lần này cô không đẩy ra nhìn và cười nữa. Mắt cô nhắm nghiền, sau đó cô không hôn trán, môi cô chuyển xuống dưới hai mi mắt, rồi má, rồi cằm. Cặp môi cô nhờn son, hăng hăng hơi người, mùi cam quít. Cặp môi rối rít tìm kiếm cái gì trên mặt tôi. Tôi sợ, tính kêu lên nhưng miệng tôi đã bị môi cô bịt chặt. Hồi lâu tôi mới thốt lên được:
- Mạnh quá, cô làm em ngạt, em đau!
Cô như sực tỉnh, buông tôi ra, cười gượng, chữa lỗi?
- Dễ thương lắm, thơm tho lắm, không còn hôi hám như trước nữa.
Tôi nói:
- Em muốn đi ra.
- Được rồi, để cô sửa soạn chút đã.
Cô đứng lên, nhìn khuôn mặt mình trong gương, hơi sững sờ. Hình như chính khuôn mặt cô, một khuôn mặt đàn bà rất thật, rất nghiêm trang, đánh thức cô bừng tỉnh, nhắc nhở cho cô biết mình là ai, lôi cô quay về hiện tại. Cô thoáng buồn. Cô chải tóc, sửa quần áo, tô lại son môi. Cô xoay người nhìn trước nhìn sau thực kỹ. Cô đưa tay nắm cái chốt cửa toan mở, chợt dừng lại, nói: “Ôi may quá, một tí nữa đã mang bộ mặt hề ra cho mọi người cười!”. Rồi cô bế tôi lên cao để có thể nhìn mặt mình trong . Ôi đúng là bộ mặt hề. Mặt tôi đầy vết son môi, tóc tai bù xù. Tôi còn nhớ trước đây, trong khi ăn uống, người phụ nữ xinh đẹp này đã khéo léo đến nỗi không để lại một vết son nhỏ nào trên những chiếc cốc làm bằng giấy, thế mà giờ đây mặt tôi đầy vết son đỏ, đủ thấy phút giây ấy mãnh liệt biết chừng nào. Tôi đã chìm đắm giữa một vùng hương thơm son phấn, thức ăn và cái chất son môi nhờn nhờn trong một khung cảnh xáo động ghê gớm của tiếng gió hú, tiếng bánh sắt siết trên đường ray, bảo sao tôi không hoảng? Người đàn bà lau thực kĩ vết son trên mặt tôi, sửa lại áo quần, rồi xoay tôi một vòng kiểm soát lại lần cuối cùng trước khi dẫn tôi ra.
Tôi không ý thức được câu chuyện xảy ra trong bao lâu. Thời gian đó hai người đàn ông có đi tìm hay lo lắng gì cho chúng tôi hay không? Trở về toa cũ tôi thấy hai người đàn ông vẫn nói chuyện. Họ hoàn toàn không chú ý tới sự vắng mặt của chúng tôi. Lúc này đã hoàng hôn. Cảnh vật hai bên đường đã chìm vào một thứ giống như khói màu vàng, ngày càng hoá đen. Hàng cây hai bên đường lướt qua như chiếc bóng kéo dài vô tận . Gió lạnh tràn vào phòng, đồng ruộng mờ mờ, không biết nơi đâu là bờ, xóm làng mất dần trong màu núi tím than. Những tàn lửa từ ống khói bay ngược về phía sau, gió chiều thổi khói vào khoang tàu. Người đàn ông hạ cửa xuống.
Cô ấy chuẩn bị món ăn cho chồng và cậu tôi. Không ai hỏi nhưng cô ấy vẫn nói láo: “Cu cậu đi xe không quen, lại ăn nhiều, vào toa-lét trút ra hết rồi. Chắc bây giờ đã đói” . Mười hai tuổi, tôi đã biết khôn, tôi không ăn và cũng không cãi. Tôi leo lên giường ngủ. Xe lắc lư , tiếng động xình xịch đưa tôi vào giấc ngủ ngon lành. Tôi chẳng bị câu chuyện vừa qua làm cho khó chịu. Tôi ngủ dễ và sớm như gà.
Sáng hẳn, xe tới Sài Gòn. Khi hai cậu cháu tôi thức dậy, xe đã vào sân ga. Mọi người chuẩn bị hành lý xuống. Hai người đàn ông lưu luyến chia tay. Tôi tưởng cũng được cô gái ôm hôn tiển biệt. Nhưng không, cô không nhìn đến tôi dù một ánh mắt thoáng qua...
( viết theo hồi ký của ba tôi )