Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.071
123.164.392
 
Người đua diều của Khaled Hosseini
Lê Thu Trang

SỰ THỂ HIỆN MÔTÍP “PHẠM LỖI – CỨU CHUỘC” TRONG “NGƯỜI ĐUA DIỀU” CỦA KHALED HOSSEINI

 

1. Môtíp là những thành tố nghệ thuật đã trở nên bền vững, ổn định và có tính lặp lại có thể trong sáng tác của chính tác giả đó hay trong văn học nói chung. Có một số kiểu dạng môtíp mà ta dễ gặp: ra đi – trở về, gặp gỡ – phân ly – hội tụ, hình ảnh chàng ngốc, yêu quái bắt người đẹp… Thiết nghĩ, "Người đua diều" của Khaled Hosseini là sự thể hiện đậm đặc của môtíp có tính chất đặc trưng: “Phạm lỗi – cứu chuộc”.

 

2. Toàn bộ cốt truyện "Người đua diều" xoay quanh cuộc đời của nhân vật chính Amir. Cuộc đời của Amir có thể được chia thành ba giai đoạn chính:

- Trước mùa đông năm 1975: Amir – cậu bé hồn nhiên, trong sáng, luôn kiếm tìm tình yêu ở cha.

- Sau lễ hội đua diều năm 1975 đến tháng 6 năm 2001: Chuỗi ngày Amir sống với những ám ảnh, day dứt về tội lỗi của mình.

- Từ tháng 6 năm 2001 đến tháng 3 năm 2002: Hành trình trở về chuộc lỗi của Amir.

 

3. Khởi nguồn của mọi vấn đề bắt đầu từ mùa đông 1975 với lễ hội đua diều – mùa đông ta không còn thấy nụ cười trên đôi môi vừa lành của Hassan. Mùa đông Amir đã phản bội lại chính người bạn của mình. Cũng từ mùa đông này, chúng ta không còn thấy một Amir hồn nhiên, trong sáng, không còn thấy những cuộc vui đùa, những buổi đọc sách, kể chuyện của hai đứa bé luôn gắn bó với nhau như hình với bóng.

 

Cũng từ đó, Amir trở thành một con người khác: cậu bé mười hai tuổi nhưng mang trong mình cả một chuỗi bi kịch: bi kịch về sự hèn nhát, về tội phản bội; những ám ảnh, day dứt cứ trở đi trở lại không yên. Lần đầu tiên cậu bé mất ngủ, không dám đối diện với Hassan, luôn cố tình lẩn tránh người bạn nhỏ. Hình ảnh của chiếc quần nhung kẻ sọc nằm trên đống gạch đổ nát không biết đã bao nhiêu lần ám ảnh cậu: “Mấy tuần liền nhưng tâm trí tôi luôn luôn quay lại cái ngõ ấy, cái quần nhung kẻ màu nâu của Hassan vứt trên đống gạch, và những giọt máu nhỏ vấy bẩn…” [tr.123]. Rồi ngay cả sự tồn tại của Hassan bên cạnh cũng làm cho Amir không chịu nổi: “Khí trời rò rỉ hết phòng, ngực tôi thắt lại và tôi không thể hít thở đủ không khí” [tr.121]. Đến khi sang Mỹ, xây dựng một cuộc sống mới hạnh phúc, trong sâu thẳm con người Amir vẫn không chút bình yên. Với Amir từ lâu Kabul đã trở thành thành phố ám ảnh – thành phố của những bóng ma môi hẻ.

 

4. Và rồi điều gì đến cũng phải đến, khi được Rahim Khan tiết lộ sự thật, Amir đã trở về. Trở về để không chỉ chuộc tội lỗi cho chính mình mà còn cho cả người cha đã quá cố. Cuộc chạm chán với Assef  là điều không thể tránh khỏi. Cả tuổi thơ, Amir đã núp dưới bóng của Hassan, Amir bây giờ phải đối đầu và vượt qua Assef như một điều đã được định sẵn để trả thù cho người bạn, nhưng cái chính là để Amir vượt qua chính mình, chuộc tội với Hassan.

 

Kết thúc tác phẩm, Amir gặp lại “người đua diều” của mình trong hình bóng của Sohrab. Nụ cười đã trở lại trên môi thằng bé và giờ trong tâm hồn của Amir đã cảm nhận được tình máu mủ ruột thịt với nó: “Giờ đây khi nỗi đau của thằng bé thấm qua cả áo tôi, tôi thấy tình máu mủ cũng đã bén rễ giữa hai chúng tôi”. Cánh diều lại được bay lên và Amir, sau bao năm, nụ cười đã trở lại.

 

5. “Phạm lỗi – cứu chuộc” là quy luật, là vòng tuần hoàn đâu chỉ mình Amir mắc phải. Cái chính là mỗi chúng ta phải vượt qua nó như thế nào mà thôi. Một lần nữa, Khaled Hosseini lại chỉ ra cái điều căn bản sâu xa nhất của con người: con người có thể phạm lỗi nhưng “luôn có một con đường để tốt lành trở lại”, bởi tòa án lương tâm không bao giờ đứng yên.

 

"Người đua diều" xứng đáng là một bài ca tin yêu vào sự hoàn thiện, tin vào thiên tính tốt đẹp của con người.

 

CỐT TRUYỆN LỒNG GHÉP, SONG HÀNH TRONG “NGƯỜI ĐUA DIỀU” CỦA KHALED HOSSEINI

 

"Người đua diều" là sự thể hiện của hai tấn bi kịch cá nhân, bi kịch dân tộc trong thế song hành, lồng ghép vào nhau. Cũng chính lẽ đó mà Khaled Hosseini đã xây dựng kiểu cốt truyện có cấu trúc phụ trợ: câu chuyện về nhân vật “tôi” Amir và câu chuyện về đất nước Afghanistan được kể song hành, trong đó câu chuyện dân tộc được lồng trong lời kể của nhân vật trần thuật chính (Amir) về cuộc đời mình.

 

“Người đua diều” vấn đề nội dung trung tâm là bi kịch về một đất nước, về con người vì thế tất cả các sự kiện đều tập trung thể hiện tính bi kịch của tác phẩm.

 

Bi kịch của dân tộc Afghanistan vốn dĩ đã xuất hiện khi trong bản thân nội tại của đất nước tồn tại những phân biệt, kì thị về chủng tộc, tôn giáo. Chính điều này gây nên những bất công trong xã hội và gián tiếp tạo nên những bi kịch của các cá nhân trong tác phẩm. Tiếp theo đó là cuộc đảo chính của Daoud Khan (1973) lật đổ chính quyền cũ, thiết lập nền dân chủ, rồi sự xuất hiện của quân Nga (1979) theo yêu cầu của chính quyền cách mạng đương thời. Những cuộc xâu xé giữa các bè đảng chưa chấm dứt thì sự xuất hiện của lực lượng Taliban (1996) trở thành niềm kinh hoàng cho những người Afghanistan tội nghiệp.

 

Tất cả những sự kiện ấy đã đưa Afghanistan đến bên bờ của sự hủy diệt, những giá trị văn hóa, cuộc sống hạnh phúc thanh bình chỉ còn là quá vãng. Và cũng chính những bước đi ấy góp phần làm tăng tính bi kịch của con người: những số phận đau thương phải sống trong thân phận lưu vong với bao tủi nhục, đau đớn.

 

Lồng trong tấn bi kịch của cả một dân tộc là bi kịch của những cá nhân như Baba, Hassan, Ali… và Amir là trung tâm của những bi kịch đó. Hai mươi sáu năm sau, khi đang sống ở Mỹ, Amir đã hồi tưởng lại tấn bi kịch cuộc đời mình. Nếu như bi kịch của Baba là sự tồn tại của hai đứa con trong hai thân phận khác nhau mà ông không thể nào cùng thừa nhận thì bi kịch của Amir cũng xuất hiện từ những năm tháng tuổi thơ không có được tình yêu trọn vẹn của cha dù cùng sống dưới một mái nhà. Nhưng khởi nguồn của mọi bi kịch phải nói đến lễ hội đua diều mùa đông năm 1975, lễ hội đua diều Amir, Hassan là những người chiến thắng. Đây lại cũng là lễ hội mà Amir phản bội lại người bạn trung thành nhất của mình. Còn Hassan lại rơi vào bi kịch bị người cậu yêu thương suốt bao năm phản bội. Cũng năm đó, Ali và Hassan phải ra đi trong tức tưởi để rồi để lại niềm đau, sự trăn trở cho Baba và sự ám ảnh, day dứt về tội lỗi cho Amir suốt hơn hai mươi năm.

 

Amir, Baba vượt biên sang Mỹ (1981) kiếm tìm một cuộc sống mới nhưng rồi mỗi người vẫn ôm hoài một niềm đau riêng. Baba không thích ứng với văn hóa mới. Amir kết hôn nhưng không được hưởng niềm hạnh phúc được làm cha. Cú điện thoại của Rahim Khan cũng đồng thời là tiếng nói của quá khứ trỗi dậy, Amir làm cuộc hành trình trở lại quê hương tìm con trai Hassan cũng là tìm lại sự bình yên cho tâm hồn.

 

Mùa xuân 2002, cánh diều bay lên tại quảng trường Sanfrancisco, Amir được phục sinh đồng thời hình ảnh này cũng là một biểu tượng về những niềm hy vọng mới cho đất nước Afghanistan. Đây thực sự là kết thúc có hậu cho một tấn bi kịch dài.

 

Khaled Hosseini đã tái hiện lại toàn bộ hình ảnh của đất nước mình trong khoảng ba mươi năm, từ những ngày còn hòa bình đến những ngày đen tối trong chiến tranh. Bi kịch của dân tộc, của cá nhân được biểu hiện đậm nét thông qua cốt truyện lồng ghép, song hành. Sự đan lồng của hai cốt truyện, sự hợp chéo trong nhau của hai tấn bi kịch càng làm tăng tính nhân đạo của tác phẩm.

 

BI KỊCH KÉP TRONG “NGƯỜI ĐUA DIỀU” CỦA KHALED HOSSEINI

 

Phần 1

Bi kịch kép là một tên gọi khác của bi kịch song hành tức là sự cộng thêm, gia tăng về số lượng của những bi kịch. Nói một cách dễ hiểu, ở bi kịch kép, số lượng xung đột, mâu thuẫn ở đây không dừng lại ở một nhân vật, một vấn đề được phản ánh mà được triển khai lên nhiều hơn. Ở bi kịch kép, các xung đột, mâu thuẫn có thể song hành hoặc lồng ghép trong nhau.

Bi kịch kép “Người đua diều” của Khaled Hosseini chính là sự song hành, lồng ghép của bi kịch đời tư và bi kịch dân tộc.

 

1. Bi kịch đời tư

1.1. Tình cha – con: khát vọng và lầm lỗi

 

Baba – Agha Sahib – một thương nhân giàu có, một con người với ba niềm đam mê: kinh doanh, chính trị và bóng đá. Nhưng cũng ở ông, chúng ta nhận ra sự giằng xé của hai nửa yêu thương (Amir – Hassan) luôn thường trực.

 

Những đức tính của Amir khiến Baba thất vọng bởi một điều ông luôn nghĩ: “Một thằng con trai không tự bảo vệ mình sẽ trở thành một người đàn ông không thể bảo vệ bất cứ điều gì” [tr.37]. Đây có lẽ là bi kịch đầu tiên trong con người Baba. Một bi kịch có đôi chút vị kỉ của người cha nhưng ta hoàn toàn có thể đồng cảm. Nhưng đó không phải là tất cả. Vấn đề là ở chỗ, những gì Amir không đạt được (theo ước muốn của Baba) thì cậu bé Hassan lại có. Hassan lớn lên hồn nhiên, trong sáng và cam chịu trong thân phận của một người hầu cận để rồi nỗi day dứt của Baba cũng bắt đầu từ đó – từ chính sự vô tư, hồn nhiên của hai cậu bé dưới một mái nhà với hai thân phận khác nhau.

 

Baba ôm hoài nỗi day dứt ấy của mình cho đến ngày ra đi. Chỉ sau đó khi người bạn của ông – Rahim Khan nói với Amir: Hassan là người con bất hợp pháp mà ông không thể nào thừa nhận được. Tất cả vỡ òa trong Amir và trong lòng độc giả. Hassan là con của ông với Sanaubar – vợ của Ali – người hầu của ông. Hassan mang trong mình dòng máu của tộc người Hazara và là phần bất hợp pháp của Baba. Đạo Hồi lên án hành vi của ông, danh dự, địa vị không cho phép ông thừa nhận Hassan. Amir là nửa hợp pháp còn Hassan thì không. Điều ấy đã giằng xé, làm quặn đau trái tim của một người cha.

 

Đỉnh điểm của nỗi đau trong ông có lẽ là ngày mà ông phải tiễn Ali và Hassan rời khỏi ngôi nhà của mình. Baba đã cố níu kéo, đã van xin. Ông đã khóc, điều mà trước đó chưa thấy ở ông bao giờ. Trong cái khoảnh khắc đầy khổ đau ấy, hình ảnh của Baba hiện lên thật tội nghiệp: “Baba ướt sũng, cúi lom khom, một cánh tay dựa trên mui xe. Nhưng khi ông đứng thẳng lên, tôi thấy trên đôi vai rũ xuống của ông, cuộc đời mà tôi từng biết từ khi tôi được sinh ra đã qua rồi” [tr.145]. Buổi chiều hôm ấy, trời Kabul đổ mưa, có những con người đã khóc, trong đó có Baba – người đàn ông đầy kiêu hãnh vùi ngập trong nỗi đau dâng đến tột cùng. Nỗi ám ảnh day dứt ấy đã theo ông suốt cả cuộc đời. Sau này, những ngày ở Mỹ, ông làm tất cả các công việc, từ người bán xăng, bán hàng ở chợ trời… cũng chỉ vì lo cho tương lai của Amir. Ngày Amir đỗ đại học, ông hạnh phúc nhưng cuối cùng điều Baba thốt ra: “Bố chỉ mong Hassan ở đây cùng chúng ta, hôm nay” [tr.172]. Đó không phải là lời nói trong cơn say mà đó là tiếng nói từ tận sâu thẳm của tiềm thức. Với ông, Hassan vẫn là đứa con của niềm day dứt.

 

Baba lạnh lùng với Amir vì chỉ muốn tạo được sự công bằng cho Hassan. Nhưng Baba càng lạnh lùng bao nhiêu thì cậu bé Amir tội nghiệp lại càng cố gắng, khát khao đi tìm tình yêu ở người cha bấy nhiêu. Đã bao lần Amir mơ được cha gọi một tiếng “Amir jan” thân thương; đã bao lần cậu mơ được Baba bế ngồi trên đùi. Và hình ảnh Amir “thường ôm đầu gối ngay bên cửa. Đôi khi tôi ngồi đó một tiếng đồng hồ, có khi hai tiếng, lắng nghe họ cười, họ chuyện gẫu với nhau” [tr.15] mới tội nghiệp làm sao.

 

Baba muốn cậu mạnh mẽ thì cậu lại là một đứa bé yếu đuối, thích cậu trở thành người giỏi kinh doanh thì cậu lại chỉ yêu thích thơ văn. Dường như giữa hai con người ấy không hề có một điểm chung nào. Thật khó biết hết những cảm nhận của Amir khi nghe Baba nói: “Nếu như tôi không tận mắt trông thấy bác sĩ lôi nó ra từ trong bụng vợ tôi, tôi chẳng bao giờ tin nó là con trai tôi” [tr.37]. Nhưng Amir đã cố gắng làm tất cả để có được tình yêu của cha: cố tham gia đá bóng dù không thích, cố tỏ ra mạnh mẽ, và trong cuộc đấu diều cậu cũng cố thắng chỉ vì sự kì vọng của cha. Amir đã mường tượng ra viễn cảnh khi mình thắng cuộc: sẽ có những cuộc trò chuyện thân mật, sẽ có tiếng cười trong bữa ăn, họ sẽ dùng ngày thứ sáu lái xe đến Paghman, Baba sẽ đọc truyện của cậu và gọi cậu bằng tiếng “Amir jan” mà cậu hằng mong ước.

 

Amir, cậu bé mười hai tuổi nhưng đã mang trong mình một tuổi thơ không yên ổn, đầy ám ảnh và day dứt: “Tôi luôn cảm thấy như Baba hơi ghét tôi. Và tại sao không chứ. Rốt cuộc, chẳng phải tôi đã giết chết người vợ yêu dấu của ông… Điều tối thiểu mà tôi có thể làm, là phải cư xử cho đúng phép để trở nên giống ông hơn một chút”[tr.32].

 

Trong mối quan hệ  Amir – Baba – Hassan, Hassan là nhân vật ít có sự day dứt nhưng lại là nhân vật tội nghiệp và đáng thương nhất. Hassan là hệ quả, là nạn nhân của tấn bi kịch của sự câm lặng.

 

Baba trăn trở bởi “tội lỗi” của mình, Amir đau đớn, ám ảnh bởi khát khao tình yêu của người cha, bởi cậu đã biết được sự thật. Còn Hassan, từ nhỏ cho đến lúc kết hôn, có con rồi bị giết, cậu không hề biết một chút gì. Cậu vô can. Nhưng nếu theo quan niệm tội lỗi của Baba thì chính bản thân cậu mới là người bị đánh cắp nhiều nhất. Sự im lặng của Baba ngần ấy năm trời đã cướp của cậu quyền được biết sự thật, được biết mình có một người cha khác và có một người anh trai.

 

Với Amir, với Baba, cậu đã yêu thương, đã sống hết mình nhưng cậu không bao giờ biết được rằng đó là ruột thịt của mình. Lẽ ra cậu phải được hưởng những điều như Amir được hưởng. Baba đã cố bù đắp cho Hassan trong chừng mực có thể: rộng lượng với Hassan và khắt khe với Amir. Nhưng có lẽ điều mà Hassan mong muốn nhất là Baba trả lại cho cậu cái thân phận thật sự của mình. Điều này, với Baba là không thể. Hassan, có lẽ là may mắn khi cậu không phải chứng kiến ngày sự thật được phơi bày như người ta luôn nói: khi ta không biết cội nguồn của đau khổ, không biết đau khổ thì nỗi đau sẽ vơi đi ít nhiều.

 

Amir – Baba – Hassan, ba con người cùng một mái nhà nhưng trong mỗi người đều mang trong mình một nỗi niềm tâm sự, đều chứa đựng trong mình bi kịch của tình phụ tử. Mỗi người trong số họ đều khát khao có được tình yêu và hạnh phúc trọn vẹn. Khởi nguồn của bi kịch là từ sự câm lặng của Baba song liệu có phải Baba là nguyên do tất cả hay ông cũng chỉ là hệ quả của một tấn bi kịch khác mà thôi?

 

1.2. Bi kịch của tình anh em – im lặng và muộn mằn

 

Sự im lặng của Baba không chỉ làm gia tăng bi kịch của tình phụ tử mà hệ quả của sự im lặng ấy còn dẫn đến bi kịch của tình anh em.

 

Hassan là con của Baba và Sanaubar – vợ của Ali, người hầu của ông; là phần bất hợp pháp mà Baba không thể nào thừa nhận được. Hơn hai mươi năm sau, khi sự thật được tiết lộ cũng là lúc Hassan đã không còn trên cõi đời. Những kí ức tuổi thơ lại hiện về trong tâm trí Amir. Nếu được biết sự thật thì biết đâu mọi chuyện đã khác. Amir và Hassan đều thiếu vắng tình yêu thương của mẹ từ nhỏ, Baba lại luôn bận rộn, bản thân Amir luôn khao khát có được tình yêu. Bao năm sống với Hassan, yêu thương gắn bó là vậy nhưng có bao giờ Amir vượt qua được cái ranh giới chủ – tớ. Mãi mãi Hassan cũng chỉ là đứa con trai của người giúp việc, thuộc chủng tộc hạ đẳng, còn Amir giữ thân phận của cậu chủ, thuộc đẳng cấp trên. Có lẽ vì thế mà nỗi đau, sự trớ trêu càng tăng lên gấp bội. Họ là hai anh em nhưng trong hai thân phận đối lập nhau.

 Hành động trở lại Kabul của Amir, tìm lại đứa con của Hassan, vừa là sự cứu chuộc cho tội lỗi của Baba, cứu chuộc cho chính mình nhưng cũng là hành động tìm lại ruột thịt của mình, “tìm lại một phần con người của Hassan – người anh em ruột thịt của tôi”.

 

1.3. Bi kịch của tình bạn và hành trình phục thiện

 

Bắt đầu cho tấn bi kịch tình bạn giữa Amir và Hassan trong “Người đua diều” có lẽ là từ mùa đông năm 1975 với lễ hội đua diều.

 

Amir, Hassan tham gia hội đua diều với tất cả niềm yêu thích và khát khao chiến thắng. Hạnh phúc đã ngập tràn khi cánh diều xanh – đối thủ cuối cùng bị cắt hạ, tưởng chừng như hạnh phúc của Amir dâng đến tột đỉnh. “Vì cậu, cả ngàn lần rồi”. Hassan mỉm cười, chạy đi tìm cho được cánh diều xanh, cho niềm vui của Amir trở nên trọn vẹn. Và cũng tại cái ngõ hẻm tối tăm ấy, bi kịch đau đớn đã xảy ra với Hassan. Đó cũng chính là biểu hiện đầu tiên trong bi kịch tình bạn Amir – Hassan.

 

Trước sự bao vây, dồn ép của Assef, Wali, Kamal, Hassan đã một mình kiên quyết chống cự, bảo vệ cho được cánh diều xanh để rồi chính bản thân cậu bị làm nhục: “Cậu cầm cánh diều xanh trong tay (…). Áo chapan của cậu đầy những vết hoen bẩn ở phía trước và áo sơ mi bị xé toạc đến tận cổ. Cậu dừng lại. Chân lảo đảo như sắp ngã” [tr.108]. Tận mắt chứng kiến cảnh ấy, tận mắt nhìn thấy sự đau đớn của Hassan, Amir đã làm gì? Cậu chỉ lặng lẽ khóc và quay đầu bỏ chạy. Sự hèn nhát đã khiến Amir chà đạp lên những gì thiêng liêng nhất của tình bạn. Hassan đã vì cậu bao nhiêu thì Amir lại phản bội lòng tin của Hassan bấy nhiêu.

 

Hình ảnh của Hassan trong con hẻm định mệnh ấy như lưỡi dao xoáy cắt vào tim độc giả. Nhưng đó chưa phải là tất cả. Nếu như hành động bỏ chạy không cứu bạn của Amir có thể dung thứ được bởi nó xuất phát từ bản tính hèn nhát của trẻ con, thì hành động sau đó của Amir khó có thể cảm thông. Mặc cảm tội lỗi, sự day dứt về hành động của mình khiến Amir không dám đối mặt mà trở nên xa lánh Hassan. Cậu bé Hassan tội nghiệp không hiểu, lại càng lo lắng, càng xin lỗi, Amir lại càng day dứt. Lỗi lầm này chưa được giải quyết thì Amir lại vướng chân vào một tội lỗi khác. Amir đã vu khống cho Hassan tội ăn cắp để bằng mọi giá loại Hassan ra khỏi cuộc đời mình. Từ hèn nhát, Amir đã phản bội người bạn luôn trung thành, hy sinh cho mình. Cái giá của Hassan nhận được sao chua chát đến thế! Mùa đông năm 1975, nụ cười rạng rỡ trên môi Hassan không còn trở lại và cũng là mùa đông Amir mang trong mình nỗi ám ảnh khôn cùng về tội lỗi. Lần đầu tiên Amir mất ngủ, và cũng từ đó lúc nào trong đầu cậu cũng xuất hiện hình ảnh chiếc hẻm nhỏ, cánh diều xanh, chiếc quần nhung kẻ trên đống gạch đổ nát...

 

Amir đã sai lầm, Amir đã trốn chạy nhưng Amir đã quay lại đối diện với tất cả để tìm lại chính mình. Hình ảnh Amir – Sohrab trong lễ hội đua diều đầu năm ở quảng trường San Francisco khép lại tác phẩm một cách hạnh phúc nhưng vẫn còn đó những dư ba âm ỉ trong lòng người đọc. Nụ cười của Sohrab cũng là sự cứu chuộc mà Amir đang kiếm tìm, và Amir đã có được nụ cười ấy theo một cách gần như diệu kì.

*

Mỗi cá nhân, mỗi con người trong “Người đua diều” đều mang trong mình những tấn bi kịch. Baba, Ali: bi kịch của một người cha; Hassan: bi kịch của người con không được thừa nhận, một người bạn bị phản bội. Nhưng có thể nói, Amir là nơi hội tụ của những tấn bi kịch. Trong con người ấy, sự sợ hãi, nỗi đau và ám ảnh đã trở nên thường trực. Khám phá tấn bi kịch cá nhân trong “Người đua diều”, chúng ta càng thấy được những vấn đề mang bản chất “người” một cách sâu sắc và ám ảnh: tình bạn, tình yêu, tình cha con, anh em… rồi hạnh phúc, phạm tội, sợ hãi, cứu chuộc… lẽ chăng mỗi con người chúng ta lại không có. Vậy nên, chẳng nghi ngờ gì khi tác phẩm nhận được sự quan tâm sâu rộng của độc giả trên thế giới.

 

Những bi kịch cá nhân trong tiểu thuyết này được Khaled Hosseini đề cập không hề đơn điệu, riêng rẽ mà được lồng ghép trong bi kịch của cả dân tộc Afghanistan.

 

Phần 2

 

2. Bi kịch dân tộc

 

Afghanistan liệu chăng chỉ có chiến tranh, khủng bố, đánh bom và bắt cóc…? Khaled Hosseini trả lời với chúng ta bằng cả tác phẩm “Người đua diều”. Nhưng tại sao hầu hết chúng ta lại chỉ biết đến đất nước ấy như một gương mặt dị dạng? Đó là cả một câu chuyện dài và cũng là bi kịch của dân tộc này: đối lập với quá khứ vàng son là hiện tại hoang tàn, đối lập với tươi đẹp là đổ nát. Phẫu thuật chính gương mặt của đất nước mình, tác giả của “Người đua diều” khó tránh khỏi những xót xa, đau đớn.

 

2.1. Afghanistan thanh bình và phồn thịnh

 

Những trang văn đẹp nhất, giàu sức sống nhất trong “Người đua diều” hẳn là những trang viết về phong tục về cuộc sống phồn hoa và nét đẹp trong truyền thống văn hóa của người Afghanistan.

 

Trong lễ hội đấu diều, cả Kabul dường như sôi sục, nóng lên vì những tiếng cười, lời chào, lời cổ vũ, động viên nhau. Người tham gia thi bận rộn, kẻ đi xem cũng náo nức, rộn ràng: “Từ những đường phố liền kề nhau tôi nghe thấy tiếng cười và tiếng chuyện gẫu. Trên các nóc nhà đã chật cứng những khán giả ngả trên ghế vải lanh, trà nóng bốc hơi từ những phích nước và nhạc của Ahmad Zahix oang oang từ những máy cát xét” [tr.86]. Người dân Kabul dừng công việc của mình và thả hồn theo những cánh diều. Và nếu như ở một nơi nào đó, đấu diều có những quy tắc chặt chẽ thì ở Kabul này điều đó không tồn tại: “Người Kabul yêu quý phong tục nhưng ghê gớm các luật lệ. Và với việc đấu diều cũng thế. Luật lệ thật đơn giản. Không luật lệ nào. Thả diều của bạn lên. Cắt hạ đối thủ. Chúc bạn may mắn”. Vâng, tất cả chỉ có vậy. Một truyền thống đẹp, một lối sống phóng túng và tự do. Đã là cuộc đua, ắt có kẻ thắng người thua, nhưng đây không phải là điều quan tâm chính của người Kabul. Họ chỉ đơn thuần nghĩ đó là một cuộc chơi. Đưa cánh diều lên để nỗi buồn bay đi và đưa niềm vui, khát vọng vút cao.

 

Bên cạnh đua diều, những cuộc tỉ thí Buzkashi hằng năm được tổ chức vào đầu xuân – ngày tết năm mới cũng là niềm đam mê của cả đất nước Afghanistan. Một kị sĩ điệu nghệ – Chapandaz phải chộp được xác con thú từ  đám hỗn loạn, phi nước đại mang theo con mồi, chạy vòng quanh đấu trường rồi ném vào vòng tròn thắng điểm trong khi các đội khác không ngừng cản phá. Có người cho rằng đó là sự ham mê bạo lực nhưng có lẽ nó thể hiện tính mạnh mẽ của con người Kabul nhiều hơn.

 

“Người đua diều” cung cấp cho người đọc những tri thức phong phú, thú vị về phong tục, tập quán, những ngày lễ trong năm… của người Afghanistan. Đất nước này có hơn chín mươi phần trăm dân số theo đạo Hồi. Họ có những ngày lễ mang đậm tính chất văn hóa Hồi giáo: tháng ăn chay Ramandan, ngày lễ Eid – ba ngày sau đó, họ mặc quần áo đẹp để thăm hỏi nhau, tặng quà cho trẻ em và chơi những quả trứng luộc nhuộm màu. Ngày lễ Eid – Al – Adha kéo dài ba ngày – ngày tôn xưng nhà tiên tri Ibrahim suýt nữa đã hy sinh con trai mình cho thượng đế. Họ giết cừu để hiến tế, chia thịt cừu thành ba phần: một cho gia đình, một cho bạn hữu và phần còn lại cho người nghèo.

 

Mỗi dân tộc có một nét văn hóa riêng và dân tộc Afghanistan cũng vậy. Họ có những ngày lễ, những phong tục tạo nên bề sâu của truyền thống văn hóa. “Người đua diều” không phải là cuốn tiểu thuyết phong tục tập quán nhưng Khaled Hosseini đã lồng trong đó những bản sắc văn hóa riêng của dân tộc mình – những giá trị thiêng liêng đang có nguy cơ bị hủy diệt.

 

Một Afghanistan với truyền thống văn hóa lâu đời cũng là minh chứng cho một Afghanistan với cuộc sống phồn hoa và thanh bình.

 

Ngay phần đầu của tác phẩm, hình ảnh đất nước Afghanistan được vẽ lại không gì khác ngoài những hình ảnh của lễ hội đua diều náo nhiệt; cái nóng bỏng của trường đua Buzkashi, những con phố, những đại lộ, những ngôi nhà. Đó là Afghanistan rộn rã tiếng cười của trẻ em trong những ngày nghỉ đông hạnh phúc, những chuyến picnic, dã ngoại của gia đình, những chuyến dạo bộ xuống đường qua các khu phố chợ, những lời chào hỏi, những bữa tiệc gặp gỡ bạn bè, những cánh đồng mía trải dài ở Jalalabab và những vườn quả xanh mướt, trĩu cành ở Paghman.

Afghanistan đã hiện lên với tất cả những nét thanh bình, yên ả của cuộc sống – một Afghanistan thiên đường của những cánh diều, của ước mơ và khát vọng.

 

2.2. Afghanistan một nửa còn lại: chiến tranh, suy tàn và hủy diệt

 

Đằng sau cuộc sống thanh bình và yên ả thì xã hội Afghanistan vẫn còn tồn tại những vấn đề bức xúc ngàn đời chưa thể nào xóa bỏ, đó là sự kì thị chủng tộc và tôn giáo.

 

Bằng một giọng văn nhẹ nhàng, Khaled Hosseini đã đưa tất cả những vấn đề ấy vào tác phẩm của mình. Bắt đầu từ câu chuyện của gia đình Baba. Sau khi người vợ qua đời, Baba đã quan hệ với Sanaubar. Hành động ấy của Baba, rõ ràng đạo Hồi lên án, xã hội không chấp nhận. Nhưng sâu xa của vấn đề còn bởi Baba và Sanaubar thuộc hai tộc người khác nhau. Và Hassan đã mang trong mình dòng máu lai “đáng xấu hổ” ấy. Vì thế, dù bản thân có yêu thương Hassan, Baba cũng không thể nào công khai thừa nhận đứa con của mình. Chính sự hà khắc của tôn giáo, sự bất công xã hội là nguyên nhân sâu xa gây nên bi kịch của một gia đình.

 

Ngay một đứa bé như Assef mới hơn mười tuổi đầu đã tiêm nhiễm những tư tưởng kiểu: Afghanistan là đất nước của người Pashtun. Nó luôn luôn là như thế và mãi mãi như thế. Chúng ta là người Afghan thật sự, người Afghan thuần khiết, không có đồ Mũi Tẹt này ở đây. Dân nó làm ô uế quê hương chúng ta (…).  Chúng làm bẩn dòng máu của ta” [tr.60].

 

Liệu rằng trong thẳm sâu Baba, Amir – những người đã thật lòng yêu quý Hassan, Ali đã có sự bình đẳng hay vẫn còn đâu đó sự phân biệt chủ – tớ? Baba đã kể rất nhiều câu chuyện nhưng trong những câu chuyện ấy “không có câu chuyện nào ông kể mà trong đó Baba lại xem Ali như người bạn của mình” [tr.40]. Rồi cả Amir nữa, vẫn thấp thoáng đâu đó trong mình tiếng nói về Hassan kiểu: “Nó không phải là bạn tao! Nó là đầy tớ của tao” [tr.61]. Amir cũng đã thú nhận, dù đã gắn bó với Hassan từ những ngày thơ bé, cùng lớn lên từ một bầu sữa thì vẫn không thể xem Hassan là một người bạn. “Bởi vì lịch sử không dễ để mà vượt qua. Tôn giáo cũng vậy. Rốt cuộc tôi vẫn cứ là người Pashtun còn cậu ấy là người Haraza. Tôi là người Sunni và cậu ấy là người Shi’a. Và không gì có thể thay đổi điều đó. Không gì hết” [tr.41]. Có lẽ cả Baba và Amir đều muốn thay đổi điều đó nhưng bản thân họ không đủ sức vượt qua những điều đã ăn sâu vào tiềm thức.

Tôn giáo là niềm tin của con người nhưng đôi khi tôn giáo lại kéo tụt con người ra khỏi quy luật phát triển. Khi tôn giáo còn chi phối quá nhiều, và chi phối một cách hà khắc, phi lí thì con người làm sao có thể tự do phát triển. Đó là vấn đề đặt ra cho đất nước Afghanistan, cho tất cả những ai đang quá cuồng tín vào tôn giáo.

 

Sự xuất hiện của quân Nga, lực lượng phản động Taliban… đã khiến đất nước Afghanistan bị đảo lộn về chính trị, đặc biệt là dưới nòng súng Taliban thì sự phồn thịnh và thanh bình của đất nước này chỉ còn là quá vãng. Afghanistan trở thành một đất nước của chiến tranh và loạn lạc.

 

Kabul bị xâu xé bởi các bè đảng và kết cục là một Afghanistan đổ nát: “…làng mạc bị đốt cháy, trường học bị phá hủy” [tr.181]. Ngày Amir trở lại quê hương sau hơn hai mươi năm, cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt anh là: “Tôi thấy hàng loạt những ngôi làng nhỏ mọc ra đó đây, giống như những mảnh vụn đồ chơi giữa đám đất đá, những ngôi nhà và những túp lều bằng đất đổ nát chẳng còn gì ngoài bốn cột gỗ và mảnh vải rách coi như cái mái” [tr.301].

 

Bằng bút pháp đối lập, Khaled Hosseini đã dựng lên bức tranh Afghanistan hiện tại tiêu điều, xác xơ với bao niềm cay xót, đớn đau. Còn đâu nữa một Jalalabad – thành phố nổi tiếng với trái cây, rừng cọ và những cánh đồng mía trải dài mà thay vào đó là những ngôi nhà đã biến thành đống đất sét vụn nát. Còn đâu khu phố Jadeh Maywand với những cửa hiệu và khách sạn, đèn huỳnh quang sáng chói… giờ chỉ là một lâu đài cát khổng lồ và mùi cừu non Kabob được thay bằng mùi dầu diezel. Tất cả là hoang tàn và đổ nát!

 

Cảnh vật là vậy, cuộc sống con người cũng thảm thương không kém. Đâu đâu cũng hiện lên sự nghi ngờ, dò xét lẫn nhau, sợ hãi, hoảng loạn… Kabul năm 1986: trống vắng và cô đơn, “chẳng ai đón chào, chẳng có ai để cùng ngồi uống “chai” (trà), chẳng có ai để kể chuyện với nhau, chỉ có bọn lính Roussi tuần tiễu trên đường phố” [tr.266]. Để tránh bom đạn, người ta phải lén lút đi lại, khoét tường để đi đường tránh, đường ngầm. Bao trùm lên tác phẩm là sự ảm đạm của những bóng ma.

Trên khắp đường phố, đâu đâu cũng chỉ là khung cảnh của rác rưởi và ăn mày:“lũ trẻ ăn mày mặc rách rưới săn đuổi quả bóng đá bên ngoài những túp lều”, rồi cảnh “những người đàn ông ngồi xệp, trông như một đàn quạ, trên cái xác xe tăng Xô Viết cháy rụi” [tr.301].

 

Afghanistan trong chiến tranh khác quá, đến nỗi Amir không thể nhận ra: “Tôi cảm thấy như một khách du lịch trên chính đất nước của mình” [tr.301]. Nó là một hình ảnh khác xa đầy tiếc nuối đối với kí ức của Amir.

 

Đó là gương mặt của những con người Afghan khổ đau, tàn diệt ngay trên chính mảnh đất quê hương mình, nhưng còn biết bao mảnh đời bi kịch khác của những con người trong thân phận của kẻ di tản, lưu vong. Cuộc sống của Amir và Baba ở Mỹ đã là một minh chứng hùng hồn cho những số phận bi kịch của thân phận kẻ tha hương.

 

Cuộc sống của người dân ở những phiên chợ trời San Jose là hình ảnh thu nhỏ của những năm tháng phồn thịnh của Afghanistan khi xưa trên đất Mỹ, chỉ khác là nó đã mang theo trên mình một tấn bi kịch của đói nghèo và tha hương. Mỗi thân phận ở đây đều mang trong mình một hoài niệm day dứt. Vì lẽ nào mà Baba không thể hòa nhập vào cuộc sống mới, vị tướng Lahari vẫn luôn chỉn chu trong bộ quân phục, mơ một ngày trở về được khôi phục chức tước, danh dự như xưa… bởi dòng máu Afghan, văn hoá dân tộc Afghan đã ngấm sâu vào con người họ.

 

Với bút pháp đối lập, Khaled Hosseini đã tạo lập một khung cảnh sinh động về đất nước và con người Afghanistan trong "Người đua diều". Từ một đất nước phồn hoa, hòa bình đến một đất nước chỉ còn sự đổ nát với những con người tàn tạ, lưu vong. Đối lập quá khứ – hiện tại, cùng tái hiện hai chiều thế giới, tác giả cho ta một cái nhìn khá toàn diện về đất nước Afghanistan, và cũng cho ta thấy rõ nét bi kịch của một dân tộc đang trong nguy cơ của sự hủy diệt.

 

3. Mối quan hệ giữa hai tấn bi kịch

 

Với "Người đua diều", Khaled Hosseini đã thể hiện sự lồng ghép giữa hai tấn bi kịch trong những quan hệ đan chéo nhau: bi kịch cá nhân và bi kịch của cả một dân tộc.

Trong bi kịch cá nhân, mỗi nhân vật của "Người đua diều" mang trong mình một số phận, một nỗi niềm trăn trở khác nhau nhưng tất cả đều gặp gỡ trong bi kịch của người dân mất nước. Họ đều phải đối diện với những đổi thay của dân tộc, có nguy cơ đi vào con đường hủy diệt.

 

Lý giải căn nguyên bi kịch của tình cha – con, tình anh – em, thì một trong những lý do quan trọng đó là sự hà khắc của tôn giáo, của các luật tục khắc nghiệt của xã hội. Vì điều kiện bên ngoài ấy mà con người đôi khi không thể lên tiếng nhận và sửa chữa những lỗi lầm của mình để rồi tất cả rơi vào bi kịch của sự im lặng. Đây cũng chính là một phần bi kịch của xã hội Afghanistan – xã hội bên cạnh nhiều nét đẹp văn hóa là những ràng buộc với những hủ tục lạc hậu. Nhưng căn nguyên của bi kịch cá nhân, dân tộc đâu phải chỉ ở đó.

 

Cội nguồn bi kịch của Amir là do bản tính hèn nhát  – bản tính cố hữu của Amir. Vì hèn nhát mà Amir đã phản bội lại người bạn, cũng là người anh em cùng cha khác mẹ của mình. Hosseini đề cập đến nhưng không phải là truy cho ra nguyên nhân của bi kịch mà chỉ muốn viết về nó như một vấn đề bình thường, gần gũi, dễ gặp ở con người: phạm lỗi và cứu chuộc, ám ảnh và day dứt, sợ hãi và hoảng loạn… lẽ nào trong cuộc sống chúng ta chưa từng gặp? Những giá trị nhân văn sâu sắc của tác phẩm cũng khởi nguyên từ những điều bình dị mà Khaled Hosseini đã chuyển tải.

 

Bi kịch của dân tộc Afghanistan là bi kịch về một nền văn hóa, một đất nước tươi đẹp đã và đang trên con đường diệt vong nếu không có một bàn tay chặn lại. Nguyên do của nó có thể được lý giải bằng các yếu tố chính trị – xã hội, khi đất nước này trở thành nơi tàn phá của những lực lượng phản động trong và ngoài nước.

 

Nỗi đau kết tiếp nỗi đau, bi kịch lồng ghép bi kịch. Bi kịch về một dân tộc đang bước những bước chân suy vong cũng là bi kịch của biết bao con người trong xã hội. Tính bi kịch của tác phẩm được đề cập tập trung trong một vấn đề có ý nghĩa to lớn: sự đánh mất mình của cá nhân bởi sự sợ hãi và sự “đánh mất mình” của một dân tộc đã làm nên sức sống cho "Người đua diều".

 

4. “Người đua diều” “một khám phá thực sự… Không chỉ là chuyện về sự trưởng thành của con người hay những nỗi vất vả của người di cư… Tất cả đã được dồn nén vào trong một khung cảnh đau thương, trong bức tranh của Afghan, quả thực, một sự hấp dẫn không thể cưỡng lại” (Kirkus Review)../.

Lê Thu Trang
Số lần đọc: 5586
Ngày đăng: 04.08.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thử khai mở kiến trúc hậu hiện đại trong tiểu thuyết thoạt kỳ thuỷ* của Nguyễn Bình Phương - Hoàng Đăng Khoa
Lối ra nào cho tam nông nước ta hiện nay? - Vũ Ngọc Tiến
Giọng điệu anh hùng ca trong tiểu thuyết “người người lớp lớp” của Trần Dần - Phạm Ngọc Hiền
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng không như tôi hình dung - Phan Hoàng
Bắt gặp những ý niệm nghệ thuật của họa sĩ Lê Bá Đảng - Nguyễn Hoàn
Hà nội mở rộng và thách thức mới về tam nông - Vũ Ngọc Tiến
“Khai song” và cõi lòng đầy trắc ẩn của Nguyễn Du - Võ Phúc Châu
Trật tự không trật tự - trình bày quan niệm của nhà thơ Đặng Huy Giang - Dương Kiều Minh
Những thành tựu văn chương phú yên thế kỷ xx - Phạm Ngọc Hiền
Những cách hiểu khác nhau về hai truyện ngắn “ chí phèo” và “đôi mắt” của nam cao - Phạm Ngọc Hiền
Cùng một tác giả