“Cho Q. xin địa chỉ để gởi tặng tập bút ký Một ngày ở Mỹ”. Nhận được tin nhắn, tôi tự hỏi: “Sao Lê Minh Quốc đi Mỹ một-tháng mà lại kể chuyện một ngày?”. Hôm sau, sách gởi EMS đã tới; tôi bèn đọc thử, hổng dè làm một mạch hết 157 trang. Đúng là cốt cách Lê Minh Quốc - một nhà báo thông minh ở trong một nhà thơ lãng tử.
Quốc nói với nhà văn Nguyễn Nhật Ánh khi nhờ Ánh viết lời giới thiệu sách: “Tôi chỉ viết theo cái ý đi một ngày đàng học một sàng khôn thôi”. Vậy là rõ rồi. Gấp sách lại, tôi thầm nghĩ, cái “một sàng khôn” được tác giả chọn lọc khá công phu và bay bướm ấy, quả là bổ ích.
Hổng phải là kiểu “thấy đâu kể đó” dễ dãi và quen gặp, Lê Minh Quốc đã mượn cái hồn thơ của tập “Lá Cỏ” của thi hào Walt Whitman làm đề từ cho 9 chương kí sự. Mỗi chương một vẻ, lấy cái sự nhìn nhận và ngẫm nghĩ hiện tại lồng vào những chuyện xưa và nay, tác giả đã vẽ phác thảo được một bức tranh khá sinh động về Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ đặt trong mối quan hệ với Việt Nam.
Khi lang thang ở thủ đô nước Mỹ, Lê Minh Quốc đã nhắc lại sự kiện, từ năm 1873, vua Tự Đức đã phái Bùi Viện bôn ba sang Mỹ gặp Tổng thống Ulysse Simpson Grant để cầu viện chống thực dân Pháp. Ngược lại, người Mỹ đầu tiên đã đến Việt Nam sớm hơn, từ năm 1819, đó là thương gia John White. Đến một nơi khác, anh viết: “Sang Mỹ, tôi mới biết thêm một chi tiết khá thú vị ngay cả… người Mỹ chưa chắc đã biết. Tin không? Thật đấy. Đó là hiện nay người da đỏ ở Mỹ không “mặn mà” với tờ giấy bạc 20 USD”. Rồi anh giải thích bằng những tư liệu lịch sử, văn hóa và thực tế mà anh tìm gặp.
Là nhà báo (anh đang làm việc cho báo Phụ Nữ TPHCM) và là nhà thơ, khi thăm tòa soạn báo San Francisco Chronicle, The Star hoặc Trụ sở Báo chí Hoa Kỳ, tác giả hay hỏi báo chí Mỹ có in thơ không thì hầu như đều nhận được những cái lắc đầu. Anh tìm tiếp câu trả lời từ người trong cuộc: bởi vì báo giấy của Mỹ hiện nay đang cạnh tranh dữ dội với Internet, phải giảm trang in, nhất là các trang văn hóa văn nghệ, điểm phim, giới thiệu sách. Đến đây, nhà thơ Lê Minh Quốc bèn hạ bút: “Chao ôi! Cách đây hơn nửa thế kỉ, cụ Tản Đà đã than thở “Văn chương hạ giới rẻ như bèo”, không ngờ nay báo chí ở Mỹ cũng đối xử với nó như thế thôi!”.
Cũng vì là nhà thơ, nên dường như ở chương nào, Lê Minh Quốc cũng chép lại tặng bạn đọc những bài thơ anh viết dọc đường. Tỉ như khi nghe chuyện bà con Việt kiều ráng dạy con trẻ học nói tiếng Việt mỗi ngày để giữ gìn được tiếng Việt ở trong lòng người xa xứ, anh đã viết:
thèm nghe tiếng Việt ngọn tre cỏ dại
giọng nói quê mùa
trái ớt cay tê lưỡi
nước mắm thơm điếc mũi
rau muống xanh
tiếng Việt ngàn năm Hồng Hà, Cửu Long…
Dường như đi tới đâu, gặp chuyện gì khác lạ, “máu nhà báo” trong anh cũng nổi lên: luôn đặt câu hỏi, tìm kiếm lời đáp, so sánh, tự vấn… trước khi nhận xét, bình luận. Những câu hỏi kiểu như vầy thường gặp trong tập bút ký này: “Nước Mỹ được thành lập với nhiều chủng tộc khác nhau, vậy tính cách họ như thế nào?” (trang 43).
Khi đi thăm những bảo tàng văn hóa, âm nhạc, thư viện… Lê Minh Quốc tỏ ra trăn trở, anh viết: “Thú thật, trong những ngày ở Mỹ, ấn tượng nhất với tôi là được vào Bảo tàng Truyền thông báo chí (NewSeum) tại Washington D.C trên đại lộ Pennsylvania vừa khai trương vào ngày 11-4-2008 với kinh phí xây dựng lên tới 450 triệu USD… Tên của nó là sự kết hợp giữa News (tin tức) và Museum (bảo tàng), được đánh giá là bảo tàng có tính tương tác nhất thế giới… Nếu ai muốn tìm hiểu nỗi nhọc nhằn tác nghiệp, hiểm nguy săn tin của một nhà báo chuyên nghiệp, hãy dành một tháng tìm hiểu tại đây, sẽ có thể chia sẻ, đồng cảm… Còn tôi, tôi đã đến đây một ngày, tôi cảm nhận được những gì?”.
Để học được những “sàng khôn” như vậy, chắc hẳn Lê Minh Quốc đã lao động vất vả lắm dù anh chỉ nhận là mình đã “cưỡi ngựa xem hoa”. Nói như nhà văn Dạ Ngân - người đồng hành cùng chuyến du lịch với anh - khi chị viết lời bạt cho cuốn sách này: “Tôi đã chứng kiến Quốc suy tư và thành thật như thế nào trong hành xử cũng như trong công việc và trong văn chương”./.