Mỗi lần công cán tại Vũng Tàu, xong việc, Nguyễn Quyết Thắng thường hẹn tôi tới một quán ăn nào đó. Thường thì có thêm một vài vị nữa. Họ là bạn ông Thắng và là “VIP” của ngành dầu khí. Vũng Tàu bé nhỏ. Đường từ nhà tôi (có khi là từ cơ quan tôi) tới chỗ ông Thắng hẹn chẳng bao xa, nhưng đường từ đồng lương tháng của tôi tới đồng lương tháng của ông Thắng và đồng nghiệp của ông thì xa vời vợi. Tôi đã phải vất vả lắm mới vượt qua được mặc cảm “hoàn cảnh” của mình để tới đó. Phải sau này, qua nhiều lần nhậu, tôi mới ngộ được rằng, người chịu “thiệt thòi” trong các cuộc nhậu là tôi, chứ không phải là cái “túi” của mấy ông dầu khí. Tinh thần và sức khỏe của tôi không địch nổi cái “hầu bao vơi lại đầy” của mấy ông dầu khí.
Lần này thì khác, ông Thắng điện cho tôi từ sáng sớm. Ông không có công cán gì ở Vũng Tàu cả. Là ông chỉ chở Nguyễn Duy- nhà thơ đi Vũng Tàu chơi. Ông bảo tôi đừng đi đâu, ở nhà chờ ông xuống, đi uống bia với nhà thơ Nguyễn Duy. Thế thì oách quá! Tôi mừng rơn.
Tôi đã gặp nhà thơ Nguyễn Duy nhiều lần. Nhưng lần nào cũng chỉ là gặp Nguyễn Duy ở chỗ đông người. Nguyễn Duy chi có một, mà người quen thân Nguyễn Duy thì lắm. Và người muốn quen Nguyễn Duy cũng lắm. Do vậy, thường thì tôi cũng chỉ được nghe Nguyễn Duy nói chuyện, đọc thơ giữa đám đông . Lần may mắn nhất, là lần, sau cuộc họp, tôi được ngồi xe, đi nhậu cùng Nguyễn Duy. Nhậu tá lả, xong về nhà Phạm Văn Đoan, thuở Phạm Văn Đoan còn ở nhà tập thể cơ quan vợ. Cái nền nhà Phạm Văn Đoan không lấy gì làm sạch sẽ cho lắm, vậy mà Nguyễn Duy “ngọa” xuống nền nhà, hồn nhiên như đấy là giường khách sạn mấy sao. Không còn phân biệt được đâu là ông nhà thơ nổi tiếng Nguyễn Duy và đâu là ông nhà quê Nguyễn Duy tuế tóa, xuề xòa, chơi được với đủ mọi thứ người “thượng vàng, hạ cám” của cõi đời này.
Trông Nguyễn Duy nhỏ thó nằm bệt giữa nền nhà gạch bông của Phạm Văn Đoan, tôi chợt nghĩ, hình như tầm vóc văn hoá, tư tưởng, tinh thần của con người ta thường tỷ lệ nghịch với tầm vóc cơ thể của họ chăng? Tôi nhớ mãi, có lần, cô Cao Thái Bình- một cán bộ lịch sử Đảng cơ quan tôi kiên quyết không tin Nguyễn Duy là Nguyễn Duy. Phạm văn Đoan khi ấy cũng chẳng có cách gì chứng minh được Nguyễn Duy là Nguyễn Duy, nên, phải đến khi tôi đứng ra chứng thực, những hình dong mà cô Cao Thái Bình kể- (mặc dầu, để thuyết phục tôi công nhận là cô đúng, cô đã hơi “bé nhỏ hoá, nhà quê hoá” nhà thơ Nguyễn Duy) rằng chính xác đó là nhà thơ Nguyễn Duy. Thì ra ông Nguyễn Duy trong tâm tưởng bạn đọc cao lớn hơn ông Nguyễn Duy thực, ngoài đời.
*
Tôi đọc thơ Nguyễn Duy từ những năm bảy mươi của thế kỉ trước. Cũng là thơ chống Mỹ cứu nước cả, nhưng ngay từ hồi đó, thơ Nguyễn Duy đã khác lắm. Trong lúc thơ chống Mỹ của Phạm Tiến Duật, Nguyễn Đức Mậu, Hoàng Nhuận Cầm, Trần Mạnh Hảo v.v… là thơ trực tuyến nóng hổi, thì thơ chống Mỹ của Nguyễn Duy chỉ là thứ thơ “gián tiếp” với chiến trường, chiến đấu, chiến tranh. Đó là “Hơi ấm ổ rơm”. Đó là “Bát nước ngô của bà mẹ Việt ở Quảng Trị”. Đó là “Cây tre Việt Nam”… Ngay như bài “Bầu trời vuông” viết giữa chiến trường cũng là bài viết về phút yên tĩnh trong chiến tranh. Cái sáng tạo, cái phát hiện mới mẻ trong thơ Nguyễn Duy cũng chỉ nằm gọn trong cái “truyền thống”. Thơ Nguyễn Duy là thơ làm phong phú, sinh động và lấp lánh thơ truyền thống. Vậy mà, công bằng mà nói, thơ Nguyễn Duy “sáng láng” trong tốp mười, thậm chí là trong tốp năm của thơ chống Mỹ, trong cách chọn của nhiều người.
Tôi có một bạn thơ làm dầu khí, đã mất rồi, tên là Trương Xuân Hoàng, một lần tôi đến nhà Hoàng chơi, thấy Hoàng đang ngồi một mình với chai rượu, trước mặt là tập thơ mới xuất bản của Nguyễn Duy. Hoàng bảo tôi: Anh xem này, thơ của em có thua kém gì thơ Nguyễn Duy đâu! Anh đọc thử xem! Tôi chẳng biết nói gì! Thơ Nguyễn Duy không làm người khác thấy sợ, phải vòi vọi ngước lên, mà là làm cho mọi người có cảm giác mình cũng làm được thế… Ngày ấy, Hoàng mê thơ lắm, và luôn khao khát làm mới, làm lạ thơ mình. Nhiều nhà thơ cũng có chung khát khao ấy và họ đi tìm tòi sự mới lạ. Nguyễn Duy cũng đi tìm sự mới lạ, nhưng là người lặng lẽ đi tìm cái mới lạ trong cái thông thường, trong “bụi nhân sinh” của cuộc đời này, và dần dà người ta nhận ra thơ Nguyễn Duy “ trong quen thấy lạ”. Và tôi thấy, hình như người ta thuộc, người ta nhớ thơ Nguyễn Duy hơi bị nhiều…
Sau chống Mỹ, trong lúc các nhà thơ chúng ta có xu hướng tập trung sức làm trường ca sử thi : Hữu Thỉnh viết “Đường tới thành phố”, Nguyễn Đức Mậu viết “Sư đoàn”, Trần Mạnh Hảo viết “Mặt trời trong lòng đất”, Nguyễn Trọng Tạo viết “Con đường của những vì sao”, Thi Hoàng viết “ Gọi nhau qua vách núi ” v.v.. . Cùng với những trường ca “ Bài ca chim chơrao của Thu Bồn và “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm viết trước đó, những tập trường ca viết trong và sau chống Mỹ thực sự đã tạo được dấu ấn đậm nét trong lòng độc giả. Nguyễn Duy không xuất bản tập trường ca nào cả. Sau giải phóng, cứ vài ba năm, anh lại xuất bản một tập thơ. Năm 1984 là tập “Ánh trăng”. Năm 1987 là tập “Mẹ và em”. Năm 1989 là “Đường xa”. Năm 1990 là “Quà tặng”. Đến năm 1994, với tập “Về”, Nguyễn Duy tuyên bố là thôi, không làm thơ nữa. Sau này, trong một bài phỏng vấn, anh giải thích là “thơ bỏ tôi”. Nguyễn Duy “Về” có nhiều lí do. Nhưng, trước lúc về, nhiều người biết, trong những tập thơ “hiền từ” vừa kể trên, Nguyễn Duy đã viết, đã để lại ba bài thơ dài là : “Đánh thức tiềm lực”, “Nhìn từ xa Tổ quốc” và “Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ”. Có vẻ như việc xuất bản những bài thơ “nỗi niềm” như của Nguyễn Duy bây giờ thì bình thường, nhưng hồi đó, in những bài thơ “nặng đô” như vậy là can đảm lắm.
Trong thời kỳ đổi mới của đất nước, Nguyễn Duy thường “khuất lấp” đâu đó. Anh thoắt ẩn, thoắt hiện trong đời sống cũng như trên văn đàn. Khi thì nghe tin anh cùng bạn bè đang xuyên Việt đi tìm hiểu văn hóa Việt . Khi thì nghe tin Nguyễn Duy đang du kí Tây Âu. Làm triển lãm thơ Việt ở Hoa Kỳ. Khi lại nghe tin Nguyễn Duy đang ở Pháp, lần hồi theo dấu tích ba ông vua lưu đày ở đảo Réunion. Rồi Nguyễn Duy xuất bản thơ về Thiền. Nguyễn Duy làm lịch thơ. Nguyễn Duy triển lãm ảnh in trên giấy dó v.v. Một Nguyễn Duy phong phú, đa dạng và sáng tạo như vậy có họa là “bị thần kinh” mới không mong được gặp, được uống rượu cùng.
*
Khác với lần gặp Nguyễn Duy tại buổi họp mặt nhân kỉ niệm 55 nhà xuất bản Văn học tại Sài Gòn. Lần ấy, Nguyễn Duy vừa bị tai nạn té xe “trong chân đang có thép”. Trông Nguyễn Duy hom hem gầy yếu lắm. Anh bảo là có nhớ tôi nhưng không liên hệ được tên tôi và cái mặt tôi. Lần này, vừa gặp nhau là nhớ ngay. Lại còn bắt tay, hỏi han vồn vã nữa. Tôi trông thần sắc Nguyễn Duy thấy “vượng” hẳn. Anh bảo, anh vừa từ Ấn Độ về. Đang làm cái gì đó về thiền Việt bên Ấn Độ. Sắp tới lại sang Nêpan tìm hiểu về Phật học...
Tiện đây, tôi muốn nói đôi chút về ông bạn Tổng giám đốc, nhà thơ Nguyễn Quyết Thắng của tôi. Hình như tôi thấy, mỗi lần gặp nhau, ông Thắng chỉ toàn nói chuyện thơ. Nể mấy ông bạn dầu khí của ông, lúc đầu tôi ái ngại, nói lảng sang chuyện em út, chuyện linh tinh mẹt khác nhưng ông Thắng thì không. Ông mặc kệ họ. Ông tranh thủ xuất bản thơ ông, mà thơ ông nào có ít. Tôi đang lo, có ông Duy mà ông Thắng cũng “cướp” diễn đàn thơ thì gay. Nhưng hình như ông Duy đã quen nhậu với “ông nọ, bà kia” rồi. Không dễ gì ông bị người khác “tra tấn” trong các cuộc nhậu được. Quả nhiên, chỉ vài câu chuyện ngoài lề nhập cuộc, ông Duy, bằng cái tài của mình, đã nhanh chóng biến ông Thắng - Tổng giám đốc một công ty dầu khí tại thành phố Hồ Chí Minh, ông Trần Hồi- Phó Tổng giám đốc Liên doanh dầu khí Vietsovpetro, ông Văn Bản- đồng hương Thanh Hóa của Nguyễn Duy - kỹ sư địa vật lí và tôi, thành thính giả ngoan ngoãn hết. Một cách vui vẻ và tự nguyện, Nguyễn Duy đọc liền một lúc 3 bài thơ dài “gai góc” của anh; lại hát một bài xẩm- bài mà anh đã từng hát tại hội trương Ba Đình trong Đại hội nhà văn; lại đọc một bài vè về “Đại hội nhà văn bốn”…
Thơ “thế sự” của Nguyễn Duy bạo liệt, vừa hóm hỉnh vưà sâu sắc . Tôi vốn xuất thân là cán bộ tuyên giáo, không thích thơ “thế sự”, không thích thơ “chống tiêu cực”. Nhưng khi nghe thơ Nguyễn Duy, tôi phải mạnh dạn mở ngoặc (trừ thơ “thế sự” của Nguyễn Duy).
Với thơ ca, mỗi người một quan niệm, chẳng ai giống ai. Vẫn biết, thơ hay thì không cứ là viết về đề tài gì. Nhưng mỗi bài thơ đều có một đích nhắm. Đích nhắm là con “chim sẻ” thì phải dùng “súng hơi thơ”. Đích nhắm là chiếc “xe tăng”, “cái lô cốt” thì phải là “trọng pháo thơ”. Giữa lúc, nhan nhản những nhà thơ xách “súng hơi thơ” đi bắn “chim sẻ”, khối nhà thơ hạ gục được cả “xâu” “chim sẻ” mái. Có người nhắm bắn “chim sẻ” non, . Có người nhắm bắn “chim sẻ” sòn sòn, có chồng yếu sinh lí. Có người nhắm bắn “chim sẻ” nhàn cư, đang rập rình phiêu lưu tình ái, trước lúc “mãn thanh”v.v… Và vì thế, có cả một trào lưu thơ đi gần tới sự dung tục.
Thời nào cũng vậy, luôn có một dòng thơ công dân.Tuy không phải lúc nào nó cũng được bảo chứng bằng pháp luật, bằng dư luận chính thống. Nhưng lúc nào nó cũng được trân trọng, gìn giữ trong trái tim, khối óc của nhân dân. Nó được sàng lọc và tồn tại qua nhiều sự biến thiên của thời thế.
Nguyễn Duy kể rằng, vào những năm 1980, giữa lúc thành phố cũng như đất nước đang khó khăn bộn bề, ông bắt đầu bài thơ “Đánh thức tiềm lực” bằng nhưng ray rứt của người lính sau chiến tranh, của nhà thơ đa cảm và của cả một thường dân trước gánh nặng kinh tế gia đình. Bài thơ tượng hình từng chút một, đến năm 1982 thì hoàn thành. Ông Võ Văn Kiệt, bấy giờ là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh đã lắng nghe trọn vẹn bài thơ “Đánh thức tiềm lực” của Nguyễn Duy. Sau một lúc im lặng, ông chỉ bảo “Nặng lắm! Nhưng chịu được”. Sau “Đánh thức tiềm lực”, Nguyễn Duy viết tiếp “Tổ quốc nhìn từ xa” và “Kim-Mộc-Thủy-Hỏa-Thổ”. Ba bài thơ dài này của Nguyễn Duy hợp lại, có thể đại diện được cho “thế giới quan - nhân sinh quan” của thi sĩ Nguyễn Duy. Một học giả, tôi không tiện nhắc tên, gọi thơ Nguyễn Duy là “lương tâm thời đại”. Có thể, đấy chỉ là một nhận xét cá nhân, nhưng ít nhiều nó cũng “gợi” một cách nhìn về “tầm vóc” các nhà thơ.
Sẽ còn rất sớm để rút ra một điều gì. Và, cũng không nên rút ra một điều gì.
Trật tự và hỗn độn chỉ là sự phân biệt tương đối và ngay cả hỗn độn cũng có lí thuyết của nó.
Chia tay Nguyễn Duy, tôi cứ bâng khuâng mãi. Có thể, giờ này, trong khi tôi đang viết bài này, Nguyễn Duy đang lang thang đâu đó trên đất Phật “Tây Trúc”. Phải chăng, ngược với số đông, Nguyễn Duy đang bươn bả, lặn hụp với quá khứ - quá khứ văn hóa dân tộc và quá khứ văn hóa của nhân loại, để nhặt ra trong đó những “bụi vàng” văn hóa đang bị sương khói thời gian che khuất. Không hiểu sao, tôi như thấy, Nguyễn Duy cũng đại diện cả cho mình, trong mọi cuộc tiếp xúc văn hóa với rộng dài nhân thế./.
Vũng Tàu, 8/2008
Ảnh : Chân dung Nguyễn Duy do Trịnh Công Sơn vẽ