Trước, lướt qua mạng, tôi có đọc Đồng Chuông Tử vì thấy cái bút hiệu là lạ. Sau, vì thấy Thơ ĐCT là lạ. Sau Festival Tây Sơn – Bình Định, tôi lại nhận được tập thơ “Thèm ăn” của ĐCT gửi tặng, ghi địa chỉ gửi tại Hội VHNT Bình Định, bên cạnh có số điện thoại DĐ. Cầm tập thơ, lại nghĩ ĐCT quê ở Đồ Bàn – Bình Định sao ? Là dân tộc Chăm ? Tôi cũng vẫn gặp nhiều thân hữu hỏi “Ông là dân tộc Chăm à? “ khi biết họ của tôi là “Mang” (MVL). Đến như ông V.P (đồng hương) khi viết cuốn “Văn Học…” cũng nhờ người em về nước hỏi lại tôi có phải là dân tộc Chăm không. Cách nay hơn 10 năm, tôi được dịp tham dự một cuộc họp nội bộ tại Tòa soạn báo G.N – sau lời giới thiệu của Cư sĩ Phó TBT Tống Hồ Cầm, Hòa Thượng TBT cười hỏi: “Anh thuộc dân tộc gì?”. Tôi đáp : “… Bạch Hòa Thượng, dù là dân tộc gì, cũng đều có Phật tánh ạ!”. (Tôi tránh né câu trả lời vì chính mình cũng chưa rõ – nhưng theo lời người chú ruột đã mất cho biết – hai đời trước – gia phả lưu lại là chính họ “Mai” (chứ không phải “Mang”)- nay gia phả đã bị đốt cháy trong chiến tranh. Coi như mù mịt.
Tôi dài dòng một chút về chuyện “sắc tộc” – bởi vì, Đồng Chuông Tử đã đem lại cho tôi sự ngạc nhiên kỳ thú : Cuộc đời anh, và Thơ anh – khiến tôi cảm thấy có cái gì lạ lạ.. Vừa trầm mặc vừa thống thiết .
Vào đầu trang Thơ, ĐCT đã ghi : “Tạ ơn Mẹ và Cha. Đấng sinh thành vĩ đại nhất cuộc đời con (…) Nhưng Mẹ ơi, con biết làm gì bây giờ? Con chỉ thích Thơ thôi. Cười khóc với cuộc đời này cũng chỉ bằng thơ thôi… Con khờ dại lắm có phải không?”.
52 bài thơ ở phần “Ngồi”. ĐCT với cái nhìn sâu và góc cạnh của đôi mắt “cười khóc với cuộc đời này cũng chỉ bằng thơ” – đã ghi lại mọi tình huống của dòng sống bằng sự diễn đạt tận cùng của cảm xúc Chân thành và hồn nhiên :
(…) “Cuộc đời tôi chỉ thiếu mỗi cái li
Cuộc đời tôi là cái bầu đựng đầy rượu đủ loại.
Tôi say trong vũ điệu và tiết tấu của chữ
Tung hứng ngẫu nhiên và điệu nghệ trầm luân”
(Bài Thơ Mở Đầu Năm Mới).
Tha thiết và buồn :
“Anh không về nơi hẹn thề nữa sao
Cây lúa vẫn xanh
ráng chiều vẫn đỏ
mây vẫn bay và
đồng bằng lộng gió
trăng vẫn tròn trăng tình yêu lung linh
…
Anh không về chiếc lá xanh xao
trăng mười sáu vàng thêm mấy độ
gió liu riu thổi
gầy nghiêng tháp cổ
chim chơ rao úp mặt lên ngày đời”.
(Bài Thơ Tình Tuổi 16)
Trăn trở - bộc trực :
“Đừng rủ tôi đi nữa
Cho tôi được ở nhà
Cho tôi được vui sướng
Rong đùa cùng thơ ca
Thời gian sống rất ngắn
Thi nhân cần khoảng lặng
Đừng rủ tôi đi miết
Kẻo đời tôi là cặn !”
(Khoảng Lặng)
Tâm tình bi thiết :
“(…) Tôi ăn lịch sử tổ tiên, ăn ca dao ngọt lịm của làng, ăn những tráng ca mượt mà khúc chiết, ăn những phận đời trôi lạc lênh đênh - Ở đây tôi thường ăn quê hương, nơi ấy tôi còn mẹ già da mồi tóc bạc cô đơn (…). Tôi ăn bằng mắt rồi lọc qua tim thông lên trí não tung bỗng vào giấy trắng đợi trên bàn”.
(Thèm Ăn)
Lãng đãng kỷ niệm :
“Phan Thiết sớm mai
Trời thơm mây sáng
Thơm như mới từ em bước ra
Sáng như mới khoác em vào
… Phan Thiết buổi tối
Buồn như lát khói
Trong thành phố này
Trăng thành con rối”.
(Một Ngày Phan Thiết)
Rưng rưng thơ mộng :
1. “Mưa thả xuống đồi một tràn nước
Em quét vào anh một rừng đau
Buổi chiều sao vỡ rơi ngập phố
Tình vỡ buồn rơi ngập đời nhau
2.Cuộc đời là cuộc đời
Khúc khuỷu và hầm hố
Nhoẻn cười vấp lá mùa thu đổ
Ngờ đâu lòng rụng khắp đời sau”
(Hai Bài 4 câu)
Lướt qua phần “Nhặt” (tr.71…), ĐCT “nhặt” được 13 bài 6/8 còn lại trong cuộc đời Thi Ca của anh : Đó là những ca khúc mới thể hiện nét sáng tạo riêng, lạ trong ngôn từ và thâm thúy, bất ngờ trong diễn đạt :
“Trăng sao thắp sáng lũng đồi
Phía đêm bóng tháp tôi ngồi thắp tôi”
(Thắp)
“Làm người sống để yêu thương
Yêu thương để sống vô thường thế thôi
Cuối xin nhân loại con người
Đời như chiếc lá sẽ rơi một ngày (…)”
(Vô Thường)
1. “Lá rơi bít cả phố phường
Tôi bươi lá nhặt chút phiền muộn tôi
Muộn phiền càng nhặt càng trôi
Tôi như biển nhớ đầy vơi – muộn phiền (…)”
(Nhặt)
Chạm đến phần “Mộng” (từ trang 87) cuối tập – lại gặp một “sự cố” : Từ trang 87 đến 96 đều lộn ngược (!). Chín trang thơ phải đọc xoay ngược lại. Thế là cái gì nhỉ ? Tôi chắc là lỗi ở nhà in khi xếp đóng – chứ “đâu có sự đổi mới nào lộn ngược”? (chỉ có J.Prévert được xem là nhà thơ “nhào lộn” mà thôi). Cái này chỉ có ĐCT biết. Lẽ nào “kỳ quái” đến vậy? (!) Lướt qua phần “Mộng” – gồm 4 bài – có bài dài đến 8 trang (Trở lại, tr.98). Trong “Mộng” có những gì? Có nhiều thứ lắm. Trong đó có : (…)
2. “Những cánh đồng nhỏ và hẹp của miền Trung
Sinh ra những câu thơ rộng dài thánh thiện
Những câu thơ phát ra ánh sáng của nắng
Tinh khôi và đong đầy (…)”
Bài “Trở Lại” nằm ở cuối tập thơ, gồm 11 đoản khúc – như những khúc tâm tình về Thơ. Có thể xem như lời “tuyên ngôn” cho chính mình. Cho Thơ mình.
(…) “ Sự trở lại có ý nghĩa lớn lao
Trên đầu là mặt trời, trong mặt trời là lửa
Lửa để đun nấu hằng ngày và lửa để sáng tạo
Đun nấu là cần và sáng tạo là đủ
Tôi trở lại chính tôi (…)”
Kết thúc “Thèm Ăn”. ĐCT có đôi dòng “xin lỗi” (không biết “xin lỗi”, về chuyện gì?) :
“Thật lòng xin lỗi thế gian
Tôi làm thi sĩ không màng lợi danh
Chỉ mong thiên hạ thái bình
Cho chân thơ tiếp hành trình chân thơ”.
Xếp tập thơ lại – tôi nghĩ : “Đồng Chuông Tử “thèm ăn” những món mà người đời ít thèm ăn ! ĐCT đã cho tôi phút giây thoải mái hòa nhập cùng dòng suy tư, những uẩn khúc tình cảm, cũng như những trăn trở thao thức về phận người, về đất nước… Nhưng giá như ĐCT tỉnh giác hơn, tránh được đôi lần vì sự kích động thái quá dẫn đến không tưởng, xa rời thực tại và trở nên lập dị, hình thức – giá như anh vẫn cứ hồn nhiên, nhiệt thành vì Thơ (như anh tâm sự / giải bày) thì “Thèm Ăn” sẽ hấp dẫn hơn (…)”
7.8.2008