Tôi đã nhắm kỹ mới gắp, thế nào không phải thịt mà là miếng gân gà dai nhách. Tôi ghét cay đắng mấy cha ăn tiệc cứ bươi, hất, đá lựa miếng ngon. Thà nhắm kỹ chộp một cái cho vô chén mình. Nhai hoài òai cũng dở, nuốt chẳng xong, nhả ra thì kỳ cục, tôi trệu trạo dùng bia chiêu cục gân gà cho nó trôi qua thực quản thầm mong đừng bị sây sát gì.
Tay cựu bí thư chi bộ, lão X giờ trở lại nghề cũ, đánh cá ven sông, ngồi trước mặt tôi ngấu nghiến nhai cái đùi vịt luộc. Lão quá móm mém, cái đùi vịt già làm lão vất vã, mồm mép và hai tay lão dính đầy mỡ. Xưa, lão chùi mép kỹ lắm mà.
Quanh cái bàn đầy bia và thức ăn ê hề, đông đủ các vị lãnh đạo cái xứ nhỏ nhoi miền biển này. Ngôi nhà lầu còn thơm mùi vôi vữa. Ngày mừng tân gia cũng là ngày gia chủ đón con ở phương trời xa về. Tất nhiên, thực khách đủ thành phần. Nhưng quanh cái bàn tròn này, được mời vào giờ đặc biệt, đồ ăn thức uống cũng đặc biệt vì gồm tòan các vị cầm chịch ở cái làng biển này.
Hắn, kẻ ở trời Tây về, phốp pháp, hồng hào, đường bệ. Hắn để ria mép, tóc tỉa khéo, nung núc thịt từ cằm, má đến từng ngón tay. Hắn giơ cao lon bia, oang oang :
- Thưa ba má, thưa các bác, các chú, các anh! Hôm nay là ngày đòan tụ với gia đình, với quê hương. Xin mời các bác, các chú, các anh cứ tự nhiên…
Cứ tự nhiên ? Nãy giờ tôi cố tập tự nhiên đây. Này lão X cựu bí thư chi bộ. Này lão Y cựu chủ tịch xã. Này chú Z tân chủ tịch. Này bác A công an. Này anh B xã đội. Này đại biểu hội nông dân. Này chủ nhiệm hợp tác xã nghề cá. Này… tôi, cựu bí thư đòan xã nay là nhân viên văn thư ủy ban. Này…Này… Xin mọi người cứ tự nhiên cho. Dô! Dô! Bốp! Bốp! Mấy khi được uống bia lon xả láng thế này. Tiền Mỹ mà! Dô trăm phần trăm. Mọi người cứ tự nhiên. Tôi thì hết tự nhiên nổi rồi!
*
Bí thư X chủ trì cuộc họp. Chủ tịch Y quăng xấp giấy lên bàn. Chủ tịch gằn giọng:
- Lệnh trục xuất trong vòng hai mươi bốn tiếng đồng hồ của cấp trên. A lê hấp! Đi kinh tế mới!
Tôi và tay trưởng công an cùng chồm người chụp xấp giấy. Lệnh ký khống chỉ. Phong trào vượt biển trốn ra nước ngòai lan rộng cả tháng nay tòan thị xã. Ở xã tôi đã xảy ra vài chục vụ. Để răn đe những kẻ toan tính, cấp trên ký lệnh cưỡng bức cư trú những hộ có thân nhân vượt biển dù thóat hay không. ( Còn nếu thóat cả hộ thì miễn bàn ).
Bí thư X nhìn từng người:
- Ai thắc mắc gì không? Rồi bí thư phân công : công an theo dõi chặc các đối tượng có nghi vấn. Xã đội tăng cường tuần tra ven biển. Còn thanh niên – bí thư hất hàm với tôi – chuẩn bị đội xung kích ứng chiến đầy đủ vào sáng mai. Mai sẽ có xe “ xúc ” mười hai hộ ngoan cố còn lại…
*
Thức ăn ê hề. Bia lon ê hề. Ngôi lầu này xây lên do tiền của hắn gửi về. Cả nhà này sống cũng bằng nguồn tiền hắn gửi về. Qua đó hắn làm nghề cũ. Nghề biển.
Hắn trẻ, khỏe rất nhiều so tuổi ba mươi lăm. Tôi cùng tuổi hắn, học chung với hắn bậc tiểu học, bạn bè lối xóm chơi với nhau cho tới ngày hắn vượt biển năm 1978. Khi tôi mới vào nhà, hắn đã chào tôi bằng… chú. Đứng cạnh hắn, trông tôi già, nhếch nhác và tiều tụy quá.
Ba hắn ăn uống cầm chừng để tiếp khách. Ngòai bảy mươi mà ông cứng cáp lắm. Đang làm biển, ông bị…tai họa trời giáng. Tay quen cầm chèo, quăng lưới bị đưa lên miệt đồng cầm cuốc, cầm cày sao chịu thấu. Ông lộn về một mình đi biển thuê. Bị đuổi lên đuổi xuống, lận đận cả mười năm mới lo được cái hộ khẩu để đưa vợ con về lại nơi ông sơ bà sẩm đã sống.
Má hắn đang nhai trầu với mấy bà bạn già. Bà mập hẳn ra. Tôi cố tránh ánh mắt của bà. Qua một cuộc bể dâu, người đàn ông hay người đàn bà độ lượng hơn ?
Cô em gái hắn đã tay bồng tay bế. Tôi sợ… con quỷ cái này. Nó thù dai nhách. Dù ngày xưa, vâng , đã là ngày xưa tuy mới thập niên bảy mươi đây thôi, nếu hắn không nổi máu giang hồ thì không chừng tôi dám là… cha của đám nhi đồng lóc nhóc gọi hắn bằng cậu lắm. Mãi sau này con quỷ cái vẫn không quên chuyện cũ, gặp tôi nó làm mặt lạnh lùng, có lần nó còn cố ý nhổ tọet bãi nước bọt trước mặt tôi. Đến khi cả nhà về lại cái làng biển này nó mới thôi thái độ căm hận tôi.
Dô! Dô! Các đại biểu khác dô tự nhiên vì họ đều công tác sau này, không có vướng víu gì với gia đình hắn. Chỉ có lão X, bác Y và tôi là thâm niên cán bộ xã. Lão X và bác Y nghĩ gì ? Tôi thì hết muốn dô rồi. Tôi hối hận đã đến dự bữa tiệc này.
*
Người đàn bà nằm lăn lộn ngay cửa cái không cho đội thanh niên xung kích chúng tôi vào dọn nhà. Bà chửi…ông trời ác nghiệt.
Người đàn ông bình tỉnh hơn. Trong đôi mắt ông những sợi gân đỏ hằn lên tóe máu. Ông ngồi trên bộ ván trước hiên. Câm lặng. Cam chịu.
Cô gái mắt đỏ hoe, tóc rối bời. Đêm qua, các bạn trong chi hội liên hiệp thanh niên giải phóng đã năn nỉ, ỉ ôi với cô hết lời vì cái tai họa không ai muốn này.Tai họa cho gia đình cô. Và tai họa cho bạn bè cô phải thi hành cái lệnh quái ác kia.
Tôi, đêm qua họp tới khuya, khi về ngang nhà em định tạt vào nhưng rồi đi luôn ra biển ngồi một mình nghe sóng vỗ miên man đến khi lạnh run mới thất thểu trở về. Những ngày này biển động. Gió ào ào trên mặt biển đêm đẩy sóng chồm lên bủa bờ, giận dữ quăng đập vào kè đá làm bụi nước tung tóe trên người tôi. Lần đầu tiên tôi ngồi trên bãi khuya một mình.
Du kích mang súng đứng ngòai rào.
Công an và chủ tịch xã vào nhà, đọc lệnh.
Tôi và mấy anh em trong đội thanh niên xung kích lấp ló quanh nhà. Hắn đã đi, chưa biết sống chết thế nào nhưng với những người ở lại này, trong phút chốc chúng tôi không thể nào xem họ là…Là gì ta? Đại để là…” đồng lõa với bọn vượt biển trốn ra nước ngòai nhằm mục đích phản cách mạng, phản bội tổ quốc ” như cái lệnh trục xuất kia đã ghi rành rành.
… Cuối cùng cái xe cam nhông cũng chuyển bánh với tất cả tủ-bàn-giường-ghế-nồi-niêu-soong-chảo-gà-vịt-chó-mèo-lưới-chài của gia đình hắn. Người đàn bà chủ nhà được khiêng bỏ lên xe như một con vật.
Cô em hắn, người yêu của tôi, dịp này đã nhìn tôi bằng cái nhìn đầy hận thù và khinh bỉ. Cái nhìn của em làm tôi chùn tay, run chân, lóng ngóng thế nào mà cái tủ thờ do tôi và ba thanh niên ra sức khiêng đã ngã kềnh. Qua vụ này, lão X phê phán tôi một trận dữ dội và ghi vào lý lịch đòan viên của tôi ; “ Thành phần tiểu tư sản dao động, lập trường tư tưởng không vững vàng, cần xem xét lại, hõan đào tạo. ”.
*
Đôi lần, gặp con quỷ cái ra biển một mình, dáng em nghiêng trên đồi cát, tóc rối xỏa đầy vai, lòng tôi bỗng… “ trở gió”. Đã ba con mà em vẫn mặn mòi. Và tôi nhớ lại…Tôi thật tình ngượng ngùng, xấu hổ vì thái độ hung hãn, thậm chí dã man của tôi và các bạn tôi ngày xưa đối với gia đình hắn. Còn hắn, dù hắn không có mặt nhưng qua các thùng quà, các tin tức truyền miệng, nhất là khi cái nhà một trệt hai lầu sừng sững mọc lên thì hắn thực sự hiện diện đầy hào quang, biểu tượng của sự giàu có trong cái làng biển hàng ngày phải vật lộn với sóng gió để kiếm sống này. Hôm nay, kẻ đi làm ăn xa trở về, những kỷ niệm… không vui và chưa xa ấy chắc hắn không hề để bụng nhưng sao lòng tôi cứ áy náy. Tôi không ân hận hay nuối tiếc điều gì, tôi đã làm tốt công tác của mình, ngày đó cũng như hiện tại. Có điều phải chi ngày đó chúng tôi biết yêu người hơn, biết độ lượng hơn. Tôi chưa quên lời huấn thị của lão X với cánh thanh niên chúng tôi ; “ Quần chúng chưa giác ngộ, ta phải cưỡng bách họ, dần dần họ sẽ hiểu và sẽ theo ta ”.
Lũ con nít đầy trong sân, ngòai cổng. Người nhà của hắn đang phát quà cho chúng. Tôi thấy thằng con của tôi đang chen vai, húych cùi chõ, giơ tay cao mong được nhận quà. Tôi tu một hơi bia dài nhưng nuốt không vô nữa. Tật của tôi là vậy, uống đến độ nào đó thôi, nếu ráng thêm sẽ cho ra ngay. Tôi lặng lẽ không chào ai, lẻn ra cổng nhấc bổng thằng con lên vai vác đi về. Tôi dụi mặt vào bụng con, thằng nhỏ cười ú ớ vì trong miệng còn ngậm cục kẹo to./.
( 1991 )