Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.888 tác phẩm
2.761 tác giả
812
123.366.486
 
Vĩnh biệt Sơn Nam: Con ong rừng U Minh đã bay về cõi
Anh Kiệt

Dù đã biết tin ông đột quỵ từ tuần trước, dù biết cái lẽ sống ở thác về là quy luật muôn thuở nhưng nhận tin ông mất vẫn thấy buồn rũ rượi. Trang sách sống về Nam bộ học vĩnh viễn đóng lại, cánh ong rừng U Minh tận tụy cả đời chắt chiu tinh túy mật ngọt không chỉ của Hương rừng Cà Mau mà cả nền văn hóa lịch sử của Nam bộ vĩnh viễn ra đi...

 

Sống thực

 

Suốt cuộc đời đi rất nhiều nhưng ông chỉ biết một phương tiện đi lại duy nhất là đi bộ. Có lẽ bàn chân luôn tiếp đất ấy làm cho cách nhìn, cách nghĩ của ông luôn sát thực với đời sống. Trong hàng ngàn trang viết, ông chưa bao giờ lập thuyết, lập ngôn nhưng cách sống, cách viết của ông đã tạc ra một dấu ấn đặc biệt - phong cách Sơn Nam không thể nào nhầm lẫn. Ông làm rất nhiều công việc, nghiên cứu, viết lách, cố vấn phim ảnh..., thậm chí là hướng dẫn viên du lịch nhưng tên tuổi của ông chưa bao giờ gắn với một chức danh nào. Ông là một trong rất ít người cầm bút chỉ sống bằng lao động của mình mà không lệ thuộc vào một cơ chế thu nhập nào khác.

 

Điều đáng trân quý nhất của phong cách Sơn Nam là cái thực từ đời sống đến trang viết. Khi được hỏi về thời gian làm tỉnh ủy viên, trưởng ban tuyên giáo hồi kháng chiến, ông trả lời rất nhẹ nhàng: “Hồi đó thiếu người, anh em cử mình lên chớ có làm được gì đâu”.

 

Từ một văn nghệ sĩ kháng chiến hồi cư về thành hoạt động, bị bắt bớ giam cầm, bị phân biệt đối xử, ông tự tìm đường riêng về văn hóa lịch sử Nam bộ và tạo chỗ đứng trên văn đàn Sài Gòn. Chính quyền thời ấy nhiều lần mời ông làm giám khảo cuộc thi văn học quốc gia, một danh vị nhiều người mơ ước nhưng với ông chỉ là thứ phù hoa.

 

Một thời gian dài, “văn phòng” làm việc của ông là quán cà phê lộ thiên ở nhà truyền thống Gò Vấp. Từ cô sinh viên đang làm luận văn tốt nghiệp, nhà báo đồng nghiệp, quan chức văn hóa các tỉnh, nhà nghiên cứu trong ngoài nước muốn xin mua kiến thức của ông cứ tới đây. Ai có hậu ý biếu phong bì cũng tốt, ai vô tình ông cũng sẵn lòng nói chuyện khề khà san sẻ kho kiến thức của mình không một chút câu nệ, phiền hà.

 

Chắt lọc sự thực

 

Ai cũng cảm nhận văn phong của ông cà tửng, viết như nói, chữ nghĩa nôm na mà rất thực. Hành trình của Sơn Nam là đi tìm, lắng nghe, chắt lọc những điều rất thực.

 

Một lần, nhà văn Võ Đắc Dự rước ông về Cà Mau đi thực tế. Xe dừng ở trạm thuế Tân Hiệp, Hậu Giang chờ khám xét, một chút đã thấy ông biến mất. Dự đi kiếm đã đời thì gặp ông đang đứng say sưa nghe một đám cãi lộn ở chợ Tân Hiệp. Ông khoái chí khoe: “Chữ nghĩa hay lắm mày ơi! Khi người ta nóng, bao nhiêu chữ nghĩa thiệt tuôn ra hết, nghe đã lắm!”.

 

Ông chan hòa trong cuộc sống thực, thực đến mức không sợ bị người đời xem là thực dụng. Ông mê đồ cổ, không chỉ sành điệu thưởng ngoạn mà còn sành sỏi cách mua hàng. “Nhiều khi chủ tiệm chưa biết hết giá trị món hàng. Chính cái cách săm soi của người mua mà họ nâng giá. Vì vậy, đi mua phải hai, ba người, xem lướt qua, ước lượng giá trị các món hàng, mua mão cả lố, giá rẻ mà có được món hàng quý. Những món dạt ra bán lại cũng lấy được vốn”.

 

Chính cách nhìn chắt lọc ấy, ông đã thấy nhiều điều ngược với cách nhìn chung của xã hội. Khi cả nước hào hứng, sôi nổi khánh thành cây cầu Mỹ Thuận, ông cũng đồng cảm nhưng bùi ngùi “Vĩnh biệt 100 năm bến phà Mỹ Thuận” với những sắc màu văn hóa lịch sử mà nó đã ghi dấu ấn.

 

Viết thực

 

Giá trị tác phẩm của ông không chỉ là lối đi riêng về đề tài Nam bộ, là phong cách, ngôn ngữ mà còn là kết tinh của chất liệu thực hết sức chi li dù là nghiên cứu văn bản, tư liệu lưu trữ hay đúc kết từ đời sống. Sách của ông không pha trộn, thêm thắt, suy diễn chủ quan mà chắt lọc cho người đời sự thật của quá khứ mà ông khổ công tìm kiếm.

 

Viết về thiên địa hội, ông đối chiếu từ lịch sử hỏa thiêu Thiếu Lâm Tự ở Phúc Kiến đến các tổ chức thiên địa hội ở Mã Lai, Nam bộ. Sưu tập từng nghi lễ, lời thề, quy ước của từng tổ chức. Viết về phong trào Minh Tân, ông trích dẫn gần như đầy đủ các bài viết quan trọng của phong trào, từ lời rao quảng cáo đến những cuộc tranh luận trên báo Nông Cổ Mín Đàm và Lục Tỉnh Tân Văn; độc đáo hơn nữa là cả những báo cáo mật của mật thám và chính quyền thực dân về phong trào này. Viết về lịch sử khẩn hoang ông có cả giá lúa, giá thuế, diện tích đất từng làng, từng xã...

 

Có thể nói không phóng đại, sách của ông chính là nguồn tư liệu, là cuốn sách cái cho hầu hết các công trình nghiên cứu văn hóa Nam bộ hiện nay.

 

Cả một đời cần mẫn, con ong rừng U Minh đã bay về cõi nhưng những giá trị chắt lọc, những dấu ấn lịch sử khẩn hoang và chuyển mình của Nam bộ thì còn mãi với thời gian...

 

Ngôi mộ ông sẽ mang nét rất riêng

 

Trong một lần nói chuyện về những ngôi mộ phá cách, không theo khuôn mẫu nhất định như mộ Nghệ sĩ nhân dân Bảy Nam, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ông cho rằng đó là một hiện tượng lạ nhưng đẹp bởi các ngôi mộ đó không hề phô trương. Nó giúp người đi viếng bắt nhịp được với người đã mất, gợi được những cảm xúc, suy nghĩ về cuộc sống. Rồi ông trầm ngâm: “Vấn đề là tiền. Ai mà không muốn nhưng lấy tiền đâu mà làm được như vậy?”.

 

Cảm kích trước những đóng góp cho văn hóa Nam bộ của nhà văn Sơn Nam, từ sự giới thiệu của Báo Pháp Luật TP.HCM, tháng 6-2007 Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Chánh Phú Hòa đã dành cho ông một phần huyệt mộ. Huyệt mộ của ông có diện tích 80 mét vuông, nằm trong khu đất đẹp nhất của nghĩa trang công viên Bình Dương - nơi dành cho mộ của các danh nhân văn hóa. Dự kiến mộ của ông được làm đặc thù, phản ánh được những nét đặc trưng của Hương rừng Cà Mau. Tất cả các chi phí về huyệt mộ, xây mộ, chăm sóc phần mộ về sau... đều được công ty lo miễn phí. Theo TM (báo Pháp luật TP.HCM)

 

Mừng thượng thọ nhà văn Sơn Nam 80 tuổi. Ảnh: Nguyễn Tý

 

Theo Báo Pháp luật Tp.HCM

Anh Kiệt
Số lần đọc: 2646
Ngày đăng: 14.08.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thử nhận diện : Chân Dung Nhà Văn - 1 - Lê Xuân Quang
Chân dung một người chơi - Lê Huy Mậu
Người về phía bên kia núi - Lê Huy Mậu
Những bóng hồng dự phần vào văn nghiệp Tú Xương - Lê Hoài Nam
Giới thiệu Đồng hồ một kim của Phan Trung Thành ,NXB Văn học, 2008. - Inrasara
Khôi Vũ - Vỡ dần trong mắt - Trần Đức Tiến
Hoàng Đình Quang , Kẻ lưu lạc nơi cánh đồng - Lê Huy Mậu
Vị Tổng biên tập Tạp chí Văn Học một thời - Phạm Quang Trung
Orhan Pamuk , lưu vong như là một định mệnh - Inrasara
Đi…và tìm thấy người bạn - Inrasara