1962, tôi nhìn thấy nhà văn Sơn Nam lần đầu tiên, không ở trong một phòng khách, cũng chẳng phải trên một chuyến tàu xe. Ông đúng ở vĩa hè , gần tòa soạn báo Sài Gòn Mới, đối diện với trạm trung tâm của xe buýt Sài Gòn Gia Định, thường gọi là ga Dziên Hồng. Hồi ấy ông đã nổi tiếng là nhà văn đi bộ. Tôi là một học sinh lớp đệ ngũ (lớp 8), mê làm thơ nên thường lưu ý đến bậc đàn anh. Dọc theo vĩa hè có nhiều quầy bán viết pilot, paker cũ…xen với nhiều quầy sửa kính , đồng hồ, kể cả chơi cờ thế ăn tiền. Ông thường lui tới vì có một tác giả làm thơ , là chủ quầy bán các loại viết mực kể trên; và tôi ngoài giờ vào lớp cũng thường la cà chỗ ấy. Tôi ngưỡng mộ ông với tập truyện Hương Rừng Cà Mau;
Sau 1975, Có những năm thường xuyên gặp nhà văn Sơn Nam, và cũng nhiều năm vài ba tháng tôi mới thăm hỏi ông một lần.
Lẽ ra tôi phải thưa với ông bằng chú hay bác, ông nhiều hơn tôi hai mươi mốt tuổi. Vì nòi văn chương nên thân thuộc như trang lứa, ông rất cởi mở những suy nghĩ của mình với đàn em như với bạn:
Có lần ông nói với tôi, Một số nhà văn nghiện học thuật, viết văn mà ngồi tầm chương trích cú , nói lại những điều sách vỡ đã cũ nói , rồi gọt dũa , màu mè đủ cách thì sao gọi là sáng tạo.
Đúng vậy nên văn của ông phập phồng thủy triều sông rạch Nam bộ; và những ngẫm nghĩ dản dị của nông dân , mở cõi khai hoang lập nghiệp.
Lần khác ông thấy có vài cây bút mới cho ra lò một sáng tác; lại được các phương tiện quảng bá như thiên tài, nhà văn lớn…Ông nói nhỏ với tôi, nhà văn thật sự là phải viết bền, không phải làm kiểu mì ăn liền.
Vì vậy, văn ông không nêu chuyện giật gân; không kết cấu cầu kỳ, không triết lý vụn mà thấm đẩm hai đợt mưa nắng của gió mùa nhiệt đới; và không bị khuôn mẫu của học thuyết, hay giáo điều nào áp đặt được những trang văn của ông;
Trong một lần phát biểu về một nhà thơ thế hệ sau, trên sóng truyên hình ông nhắc nhở, đã đến lúc nên nhìn nhận thành tựu thơ của lớp sau, không chỉ ngày nào cũng ngâm nga thơ của mấy tác giả đàn anh thời trước;
Nhà văn Sơn Nam chưa hề lấy bóng của mình để đè lớp sau như biết bao nhà văn khác xem đó là chuyện thường tình, đôi khi họ còn cho rằng đó là quyền lực đương nhiên;
Nhà văn Sơn Nam, một cây bút lớn trong hậu bán thế kỷ 20, là phù sa cùa những cánh đồng mới ,vừa lấn biển vừa cho gạo thơm và trái ngọt./.
Lăng Ông Bà Chiểu, ngày 14/8/2008