Lưu Quang Vũ ra đi cách đây tròn 20 năm, ngày 29-8-1988. Hai mươi năm qua, theo dòng chảy thời gian, nền kịch nghệ nước nhà cũng có những thành tựu, nhưng nhìn lại một cách khách quan và điềm tĩnh, Vũ mất đã để lại một khoảng trống chưa thể bù đắp nổi cho sân khấu, nhất là không khí cực kỳ nóng bỏng và thăng hoa.
Có rất nhiều lý do chủ quan và khách quan dẫn đến tình trạng sân khấu xuống cấp, khán giả dửng dưng với kịch trường. Chúng tôi thiển nghĩ, trước hết và sau cùng vẫn là khâu đầu tiên - kịch bản văn học. Đội ngũ tác giả chưa bao giờ đông đảo như hiện nay, nhưng tác phẩm thực sự hay vẫn là của hiếm.
Khá nhiều cây bút đều “cảm thấy” mình có tài, nhưng những trang bản thảo vẫn nhạt nhẽo, vẫn tồn tại một thứ ngôn ngữ sân khấu “nhàm chán và cũ kỹ”.
Trong khi đó, hiện thực đời sống có lẽ chưa bao giờ sinh động, nhiều kịch tính như hiện nay. Sự quan tâm và đầu tư cũng chưa bao giờ dồi dào thấu đáo như bây giờ. Cũng chưa bao giờ không khí xã hội cởi mở rộng đường sáng tạo cho nghệ sĩ như vậy?
Thiếu lửa! Người viết thiếu lửa, người diễn thiếu lửa, nên người xem không thể có nhiệt tâm đến nhà hát. Nói vấn đề này bởi nhớ tới nhà viết kịch đã rời xa chúng ta 20 năm trước. Điều gì đã làm nên “hiện tượng Lưu Quang Vũ” náo động cả kịch trường và xã hội những năm 80 ấy? Đó chính là ngọn lửa luôn rừng rực trong trái tim cháy bỏng ở nhà biên kịch tài năng này.
Trước khi đến với sân khấu, Lưu Quang Vũ đã là nhà thơ. Nhưng Vũ thường đọc những câu thơ tuyệt mỹ của các thi sĩ khác. Trong đó, không ít lần Vũ nhắc đến câu thơ đầy chất lửa của thi sĩ cách mạng người Thổ Nhĩ Kỳ, Nadim Hitmét:
Nếu Tôi không đốt lửa
Nếu Anh không đốt lửa
Nếu Chúng ta không đốt lửa
Thì làm sao
Bóng tối
Có thể trở thành
ÁNH SÁNG!
Có thể võ đoán chăng, nhưng tôi đồ rằng, chính những vần thơ của Hitmét đã nhen trong trái tim nhà biên kịch trẻ tuổi ấy ngọn lửa, để từ năm 1980 và cháy đỏ suốt 10 năm liên tục, Vũ cho ra đời hơn 50 tác phẩm kịch, mà tác phẩm nào cũng ẩn chứa một “hỏa diệm sơn” nho nhỏ.
Nho nhỏ thôi nhưng cũng đủ thiêu đốt bao trái tim người xem, khiến họ không thể dửng dưng, không thể thờ ơ trước ngôn ngữ cháy bỏng trên sân khấu đang đề cập những điều mọi người quan tâm, xã hội phải quan tâm.
Ngọn lửa cao cả của trách nhiệm công dân chân chính trước hiện tình đất nước, dân tộc. Ngọn lửa của tình yêu vô hạn với con người, với cuộc sống. Ngọn lửa của những khát khao nồng cháy bảo vệ chân lý và lẽ phải. Ngọn lửa phẫn nộ phả rát mặt cái ác và bất lương...
Đầu những năm 1980, kịch phẩm “Tôi và Chúng ta” được đưa lên sàn diễn một cách dè dặt đầy âu lo. Vở kịch phê phán quyết liệt cơ chế quan liêu bao cấp đã trói buộc sự sáng tạo, dập vùi bao ước mơ. Nhưng Giám đốc Hoàng Việt, nhân vật trung tâm của vở diễn thì không chịu bó tay.
Ngọn lửa thiêu đốt lòng anh là ý nghĩa về cuộc sống: Cuộc sống mạnh hơn tất cả, một cuộc sống hướng tới sự hài hòa giữa một người và mọi người, giữa “tôi” và “chúng ta”. Nhưng Thanh, cô gái thanh niên xung phong năm xưa, nay là công nhân của Hoàng Việt lại thẳng thắn: Đi từ thế giới của cái “tôi” sang thế giới của “chúng ta”, nhưng cái chúng ta ấy phải được làm bằng mỗi cái tôi cụ thể, bằng sự tôn trọng hạnh phúc và phẩm cách của từng người. Nếu không, sẽ không làm được gì trong cái thế giới chúng ta chung chung.
Giám đốc Hoàng Việt đã táo bạo đưa xí nghiệp vào công cuộc đổi mới, hiệu quả kinh tế là hàng đầu, con người được “cởi trói” những ràng buộc. Nhưng vì “cấp tiến” nên vi phạm những nguyên tắc hiện hành, mặc dù đó là những nguyên tắc quản lý đã lỗi thời, anh đã phải ra trước pháp luật. Đó không là “bi kịch”.
Nhân vật Bộ trưởng nói với Hoàng Việt và công nhân xí nghiệp: cả nước đang đứng trước một bước ngoặt lớn, hoặc tiến lên phía trước hoặc cứ ôm chân ôm tay nhau để cùng chịu lao xuống vực thẳm... Chúng ta xây dựng ngày mai bằng những con người của hôm nay... Đây thực sự là một cuộc chiến đấu, nhưng những gì thuộc về quy luật sẽ thắng”!
Tác phẩm kịch là tiếng nói của cộng đồng, là nguyện vọng của toàn xã hội, như một hồi kèn khởi động cho cả đất nước bước vào thời kỳ đổi mới mạnh mẽ, do Đảng ta khởi xuớng và chỉ đạo. Các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước tới xem, rất ủng hộ.
Chính vì thế “Tôi và Chúng ta” diễn ở đâu, nhất là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vào thời điểm năm 1985, cũng được công chúng hò reo hưởng ứng. Nếu không có dự cảm lớn lao, trái tim nhiệt huyết và sự dũng cảm của trí tuệ, không thể có một kịch bản tuyệt vời như thế.
Còn vở “Lời thề thứ 9” là một trong ba tác phẩm của Lưu Quang Vũ nhận được giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, tháng 9 năm 2000.
Kịch bản viết vào tháng 7-1988, nói về bốn chiến sĩ nơi biên cương, đã tranh thủ ba ngày thưởng phép để về một vùng quê với mục đích trừng trị những tên cường hào mới ở địa phương, giải thoát cho người thân của đồng đội.
Sự “manh động” bồng bột đã bị những người nắm quyền ở làng quê ấy giam giữ. Vị quan chức hàng tỉnh cho hành động ấy chứng tỏ bộ đội bây giờ là “hỏng”, không còn “đi dân nhớ, ở dân thương” như hồi nào.
Nhân vật Đỉnh, nguyên là Trung đoàn trưởng, một cựu chiến binh đã nói thẳng với vị lãnh đạo tỉnh, trước kia là thủ trưởng của mình: Bộ đội của dân, anh bảo bộ đội hỏng, có nghĩa tại dân hỏng. Nhưng dân có hỏng không, bộ đội có hỏng không? Không đâu anh ạ. Tôi e lâu nay anh không chỉ xa người lính, mà còn xa cả dân nữa... Những người lính đang bị vây trong kia, mới hôm qua thôi họ còn chiến đấu rất anh dũng, và mai đây khi Tổ quốc cần, họ sẽ lại chiến đấu quên mình…
Những việc không hay xảy ra, lỗi ở người lính chỉ một phần, phần lỗi chính ở các anh. Ai chức vụ càng cao trách nhiệm càng lớn... Tôi may mắn được xem vở diễn này cùng với tác giả trong đêm tổng duyệt của Đoàn kịch Quân đội, trong khu văn công Mai Dịch, đêm mùa thu năm 1988.
Khi vở diễn khép màn, Lưu Quang Vũ lặng người đi. Chúng tôi nắm tay nhau rất chặt. Tôi biết trái tim người lính năm xưa trong Vũ đang thổn thức. Ôi, lời thề “Trung với nước, hiếu với dân” sao thiêng liêng đến thế.
Lưu Quang Vũ còn rất thành công ở những kịch bản khai thác từ cổ tích, thần thoại, truyền thuyết, như “Nàng Sita”, “Ông Vua hóa hổ”… Trong đó đặc sắc hơn cả là kịch phẩm “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”. Vở kịch thấm đẫm triết lý nhân sinh sâu sắc. Hãy sống thực là mình, cả phần xác lẫn phần hồn. Với bao hạnh phúc ngọt ngào cùng những khổ đau vật vã, nhưng hãy là chính mình trên cõi thế gian này. Hãy cho tôi là Người, thật sự là Con Người như tạo hoá ban tặng. Đó là khát vọng sống. Khát vọng nhân sinh!
Ba kịch phẩm “Tôi và Chúng ta”, “Lời thề thứ 9”, “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” được giải thưởng cao quý, tiêu biểu cho phong cách sáng tác văn học kịch của cây bút đang dồi dào sinh lực.
Sự mẫn cảm chính trị, nhạy bén với thời cuộc, hàm lượng trí tuệ, trí thông minh thiên bẩm, sự lao động nghệ thuật miệt mài, và nhất là sự dũng cảm của một trái tim cháy lửa đã làm nên một tài năng trác tuyệt, một ngôi sao sáng chói trên bầu trời sân khấu đương đại mang tên Lưu Quang Vũ.
Nếu anh không đốt lửa... thì làm sao bóng tối có thể trở thành ÁNH SÁNG!
Hà Nội, 15-8-2008
(Nhân 20 năm ngày mất của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ)
Nguồn www.sggp.org.vn