Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.827 tác phẩm
2.759 tác giả
273
122.868.435
 
Bản lĩnh sáng tạo của một cây bút trẻ ở miền gió lào, cát trắng
Cao Hạnh

Văn học Việt Nam đang ở trong không khí "tức mưa" chờ đợi có một cuộc trút nước ào ạt mang ý nghĩa cách tân cho sức sống mới, tầm cao mới. Đặc biệt đối với giới viết trẻ, thời đại đã trang bị cho họ đủ tri thức để có khả năng vượt khỏi rào cản của cách viết cũ, tung hoành theo cảm xúc, bùng phát ý tưởng mới, bứt phá trong cấu trúc, khởi sắc trong âm điệu cũng như sự biến hóa khôn lường và vẻ tân kỳ của ngôn ngữ, làm nảy nở trong người đọc những cảm thức, nhận thức mới. Tuy nhiên bên cạnh đó, vẫn còn không ít những cây bút sáo ngữ, phù phiếm đang xuất hiện trên văn đàn...

 

Phạm Minh Quốc thuộc phái nào trong giới viết trẻ?

Trước hết xin giới thiệu đôi nét về anh: Quê quán: Triệu Phong, Quảng Trị; Tốt nghiệp  Khoa Văn- Đại học Khoa học Huế và Học viện Báo chí- Tuyên truyền Hà Nội; thuộc thế hệ 7 X; những tác phẩm đầu tay xuất hiện trên Báo Tiền Phong  với bút danh: Phạm Thị Kim Oanh. Năm 1998, Phạm Minh Quốc đã  đoạt Giải thưởng Truyện ngắn "Tác phẩm tuổi xanh " do  chính tờ Báo này trao tặng.

 

Kể từ đó, Phạm Minh Quốc xuất hiện liên tục trên các Báo, Tạp chí Trung ương và địa phương với nhiều bút danh.  Cho đến khi Tập truyện ngắn "Cầu giải yếm" do Nhà xuất bản Hà Nội  ấn hành năm 2008 ra mắt;  một số Tòa soạn và độc giả mới ngớ ra rằng: Phạm Thị Kim Oanh và Phạm Minh Quốc chính là một.  Phạm Thị Kim Oanh té ra không phải là phái yếu liễu đào tơ mà là một đấng  nam nhi cao lớn, đẹp trai, đường đời, đường văn còn tươi rói...

 

"Cầu giải yếm"  gồm 17 truyện ngắn, mỗi truyện có dung lượng khác nhau, kết cấu khác nhau nhưng đều là cảm thức khôn nguôi về cuộc sống, lẽ sống, kiếp người, kiếp đời và ẩn chứa đằng sau là triết lý nhân sinh.

 

Đọc "Quê nhà" chúng ta  nhận thấy  sự biến đổi ghê gớm của một làng quê bởi cơn lốc của kinh tế thị trường và sự ồ ạt của quá trình đô thị hóa. Tác giả đã tìm ra mặt trái của sự biến đổi này. Viết mặt trái cũng là để khẳng định giá trị tốt đẹp của mặt phải cuộc sống  xã hội.

 

Hình ảnh ngôi làng đẹp như cổ tích với cánh đồng xanh mướt thẳng cánh cò bay,  những cây thị lung linh những chùm quả vàng... được thay bởi một dãy phố nhếch nhác với những ngôi nhà tân cổ...vô duyên và lò gạch nhả khói đen sì. Bên cạnh sự đổi thay về cảnh vật là sự đổi thay về con người: Hình ảnh bà cụ già tóc bạc trắng như cước, mặc áo nâu non bán nước chè xanh  bên gốc đa được thay bằng cô chủ quán mắt xanh mỏ đỏ, váy áo kệch kỡm, nở toe nụ cười khuyến mại,  chuyên bán cocacola...

 

Sự thay đổi về con người không chỉ thể hiện ở bên ngoài và còn ở bên trong. Đó là  nhân vật Thìn- gã lái chó vô học, đề cao thái quá đồng tiền, coi thường nhân nghĩa, văn hóa... đại diện cho lớp người "trọc phú mới" xuất hiện không ít  ở nông thôn thời  hiện đại.  Mặt trái của cơ chế thị trường và mặt trái của quá trình đô thị hóa ồ ạt đã nảy sinh ra cái ác mới, càng ngày càng cắm thêm cho cái các nhiều nanh vuốt...

 

Nét đẹp đồng quê từ cảnh vật đến con người, tất cả chung quy lại là những giá trị văn hóa truyền thống quý báu. Một dân tộc tồn tại và phát triển được là nhờ cái Ren văn hóa. Mất văn hóa là mất tất cả. Với sự nhạy cảm của nhà văn, Phạm Minh Quốc đã gửi đến cho bạn đọc bức thông điệp mang nội dung cảnh báo.

 

Tiếp nối mạch cảm hứng nghệ thuật đó, trong " Ảo vọng ở biển", cái ác được thay hình đổi dạng một cách tinh vi, khó mà nhận ra được.

 

Tác giả kể câu chuyện về người phụ nữ trẻ có chồng tên Doanh. Hai vợ chồng đẹp đôi về hình thức nhưng trái ngược nhau về lối sống. Vợ Doanh là  một người đàn bà lãng mạn, tâm hồn hay mơ mộng, luôn khao khát một cuộc sống tinh thần. Ngược lại, Doanh là người làm kinh tế, đắm đuối với cuộc sống vật chất và những tính toán vụn vặt. Doanh lo cho vợ một cuộc sống vật chất đầy đủ nhưng thờ ơ trước khoảng trống vắng trong tâm hồn vợ mình,  làm nàng chán nản. Mâu thuẫn vợ chồng dẫn đến xung đột, người vợ bỏ nhà ra  biển để  tìm kiếm  sự thanh thản trong tâm hồn. Ở biển, nàng gặp một  người đàn ông  có vẻ đẹp  liêu trai,  lãng mạn...và anh ta đã ru cõi lòng nàng bằng những bài thơ tình truyền cảm. Một người đang khao khát cuộc sống tinh thần, nay gặp nhà thơ điển trai ở biển thì hỏi còn gì bằng?  Cảnh thơ, người thơ đã khiến nàng mở tung cánh cửa tâm hồn để đón ngọn gió mới. Dù lúc đầu có dè dặt một chút nhưng cuối cùng như mắc phải bùa mê, nàng đã đánh đắm thân xác của mình vào cuộc phiêu lãng. Và kết thúc trò lừa đảo là một cơn hoan lạc và tấn bi kịch cuối cùng là nàng đã bị gã nhà thơ giả danh, bệnh hoạn giết chết.

 

Truyện ngắn này có nhiều tầng, nhiều vĩa. Trước hết tác giả muốn nhắc nhở rằng: Hãy biết chấp nhận lấy những gì mà mình đã và đang có được trong cuộc sống, chớ nên mơ mộng hão huyền sẽ dẫn đến tai họa. Ở góc độ khác, người ta có thể nhận thức rằng: Chớ nên coi trọng thái quá cuộc sống vật chất, xem thường đời sống tinh thần vì đó là hai mặt có mối quan hệ hữu cơ, luôn tồn tại song hành trong đời sống của một con người cũng như trong cộng đồng xã hội.  Truyện còn có nội dung cảnh báo: Cái ác nhiều khi được ngụy trang bằng vỏ bọc ngọt ngào, nếu không cảnh giác con người ta sẽ rất dễ bị sa vào cạm bẫy...

 

Ngòi bút của Phạm Minh Quốc thăng hoa khi viết về" Miền cát". Một miền cát trơ trọi đìu hiu. Hình ảnh con người hiện lên thật nhỏ nhoi, buồn tẻ trước cảnh biển hoang sơ. Đó là hai người đàn bà lỡ thì sống với nhau trong một ngôi nhà nhỏ bé mọc lên ở đầu doi cát. Họ đã sống với nhau đến mười lăm năm dài đằng đẵng " cuộc sống ngưng đọng, đơn điệu và buồn tẻ,  có lúc tưởng chừng như không có cả những giấc mơ" . Hai số kiếp ấy đã bị cuộc đời đưa đẩy, trôi dạt vào nhau, quấn lấy nhau mà sống.

 

Bài xuất hiện- anh là một thương binh lâm vào cảnh ốm đau triền miên do vết thương chiến tranh tái phát. Người vợ nản lòng vì chồng đau ốm đã bỏ Bài mà đi. Khi gặp hai người đàn bà- hai kẻ khát tình, Bài trở nên có giá. Sự bạc bẽo của người vợ cũ đã khiến anh trượt chân về chốn khung thành không có thủ môn, chỉ cần hất chân là sẽ lập được ngay bàn thắng. Sự có mặt của Bài đã làm cho cuộc sống của hai người đàn bà trở nên xáo trộn.

 

Một đêm, với linh tính của phụ nữ  mách bảo,  "như người mộng du,  với quần áo phong phanh, chị vùng chạy ra khỏi nhà, lần theo con đường nhỏ dẫn ra trảng cát."  Sau một lúc quay quắt tìm kiếm chị nhìn thấy "  Sau bụi cây lúp xúp, có tiếng người thở hổn hển. Chị căng mắt nhìn. Trước mặt  chị,  một người đàn ông và một người đàn bà  trên người  không một mảnh vải  đang quấn riết  nhau trong cơn hoan lạc. Thân thể họ rung lên như  từng đợt sóng. Đôi tay người đàn bà xiết chặt vào tấm lưng trần của người đàn ông,  đam  mê, cuồng nhiệt... Nghe tiếng động, người đàn ông quay mặt lại. Bài! Tim chị đập thình thịch, cổ họng chị khô khốc, bỏng rát. Chị hét lớn một tiếng rồi vùng chạy điên dại qua những mô cát lô nhô. Mặc cho cát trắng níu chân chị ngã lên ngã xuống nhiều lần, mặc cho gai xương rồng đâm vào chân đau nhói, mặc cho tiếng kêu hốt hoảng của Bài và Thỉ... chị cứ nhằm  vào phía  có ánh đèn dầu le lói mà chạy...."

 

Một cuộc đánh ghen thật độc đáo. Người đánh ghen rất tội nghiệp, kẻ bị đánh ghen cũng tội nghiệp. Bởi chẳng béo bở gì, chẳng qua là một cảnh đói tình với nhau cả đấy thôi!  Cũng chính vì vậy mà sau những giờ phút ghen tuông đến điên dại, chị  đã nghĩ lại và thông cảm cho  Thỉ. Chị quyết định bỏ nhà ra đi, để Thỉ  và Bài  được hạnh phúc bên nhau.  Chị vào Nam và chủ động xin người đàn ông trong nông trường một đứa con. Lúc cuộc sống bắt đầu có những tiếng cười  chị trở về Làng cát để thăm người xưa cũ. Nhưng than ôi, làng cát đã bị cơn hồng thủy quái ác cuốn trôi và Thỉ- người bạn gái cũng đã ra đi...Chị nấc lên một tiếng rồi ngã quỵ xuống. Viết đến đây, lời văn của tác giả cũng òa thành tiếng nấc rồi lặng ngắt. Câu chuyện kết thúc, tạo cho người đọc nỗi bâng khuâng, xao xát trong lòng.

 

Cái hay của tác phẩm là tác giả đã lấy miền cát làm không gian nghệ thuật. Từ trên miền cát đìu hiu ấy, tác giả dựng lên những nhân vật đìu  hiu làm tôn  thêm lên vẻ cô đơn của thân phận,  kiếp người, kiếp đời. Tác giả xây dựng truyện này thông qua câu chuyện mối tình tay ba. Mối tình tay ba thường cũng là ngã ba trên con đường sáng tạo, bao thế hệ cầm bút đã đi qua. Nhưng với cây bút trẻ Phạm Minh Quốc đã nhặt lên một hạt cát trên con đường ấy để chưng cất thành một hình hài mới.

 

Truyện ngắn "Cầu giải yếm" lại là một nét phác họa mới. Lãng- một trai làng nghèo khổ, đi ở cho địa chủ Hương Hồ. Thấy Quỳ- con gái nhà chủ đẹp quá, Lãng quên mất thân phận tôi tớ,  đem lòng yêu tha thiết. Đến lúc không thể kìm được, Lãng lao vào Quỳ khi Quỳ đang tắm để thỏa mãn cơn khát dục vọng và  đã bị tôi tớ của Hương Hồ đánh đập đến thảm hại. Mẹ con Lãng trốn khỏi làng Nghèn, nuôi hận trả thù. Cách mạng tháng tám thắng lợi chưa được một năm, bọn quan Tây tràn về làng. Lãng theo giặc,  đưa tay chân  về  nhà Hương Hồ. Chính tay Lãng đã giết chết mẹ của Quỳ- người mà Lãng yêu đến si mê. Qua bao nhiêu biến cố thăng trầm, mấy chục năm sau, Quỳ trở về làng để trả hận. Nhưng oái ăm thay, khi tận mắt chứng kiến cảnh ngộ bần cùng, trớ trêu của Lãng, mọi hận thù trong Quỳ trở nên tan biến...

Truyện ngắn này có nét mới ở chỗ: Nếu viết theo công thức cũ thì người nghèo bao giờ cũng theo cách mạng, kẻ giàu thường theo địch. Ngòi bút của Phạm Minh Quốc đã vượt ra ngoài sự sáo mòn để tung hoành theo một ý tưởng mạnh mẽ. Ở đây, chất liệu đời sống được nhào nặn với những suy tư để xây đắp lên tác phẩm. Các chi tiết, các tính cách nhân vật soi chiếu vào nhau,  lấp lánh chất nhân bản.

Mi- Ken- Lăng nói: " Người nghệ sỹ phải là kẻ lấy bức tượng ra từ khối đá". Khối đá ấy phải chăng là hiện thực cuộc sống?

 

Phạm Minh Quốc không xa rời hiện thực cuộc sống, anh phản ánh hiện thực một cách khách quan, đa dạng. Hiện thực về giới trẻ hôm nay với ước mơ, hoài bão, bằng trí tuệ, học vấn, họ muốn vươn lên để khẳng định mình, mong muốn được đóng góp nhiều hơn  cho gia đình và xã hội.  Tuy nhiên con đường đi của họ không bằng phẳng, rất dễ sa vào bãi lầy của sự suy đồi. Họ phải đấu tranh quyết liệt với những ham muốn tầm thường của bản thân, với sự ích kỷ của người đời để vượt lên khỏi cái hố thẳm sâu của dục vọng, hướng đến "đài minh triết". ( Truyện ngắn Chim trú đông, Mặt nạ).

 

Trong truyện ngắn Những nẻo đường khó đi, Phạm Minh Quốc  mạnh dạn đề cập đến thực tế:  Chính hiện thực về mối quan hệ xã hội, tư tưởng trọng già khinh trẻ... vô tình làm thui chột ước mơ và khả năng của lớp trẻ, khiến họ ít có cơ hội vươn lên, cống hiến cho quê hương đất nước.

 

Đọc Tập truyện ngắn Cầu giải yếm, chúng ta còn bắt gặp nhiều mặt, nhiều khía cạnh của  hiện thực cuộc sống thời kinh tế thị trường, nơi mà cái xấu, cái ác, cái thấp hèn  lẫn lộn với cái tốt đẹp, cao cả, đòi hỏi mỗi một con người phải có bản lĩnh để vươn lên, hướng đến cái đẹp và cái thiện.( Truyện ngắn Người dưng ở Hội Chùa Hương, Vũ điệu trơ trẽn...)

 

Đó còn là hiện thực của đất nước sau chiến tranh. Cho dù Đảng và Nhà nước ta đã có chính sách hòa hợp dân tộc nhưng thực tế trong cuộc sống vẫn còn tồn tại mối thù hận giai cấp âm ỉ. Nhưng tình yêu thương, sự cao cả của con người chính là liều thuốc diệu kỳ hóa giải thù hận( Người lái đò ở bến Nà Hang)...

 

Phạm Minh Quốc rất khéo dựng chuyện.  Anh không lệ thuộc vào thời gian tự nhiên mà thiết kế theo trí tưởng tượng với tri thức, văn hóa và nghệ thuật của mình. Tuyến tính rõ ràng. Có truyện được kết cấu theo con đường vòng, có truyện được xếp đặt theo mảng miếng. Đôi lúc, trong một truyện, đang phát triển theo luật nhân quả( nghĩa là phần trước làm nguyên nhân nảy sinh ra phần sau và phần sau là kết quả của phần trước) đột nhiên phá vỡ trình tự, nhảy cóc sang một điểm không gian, thời gian khác để kết thúc câu chuyện một cách mau lẹ mà rất hợp lý. Ví như truyện Ảo vọng ở biển, tác giả  viết đến đoạn cao trào( tên nhà thơ đồ tể đã lừa được cô gái). Viết đến đó,  tác giả ngắt mạch, không mô tả hành động giết người của tên đồ tể mà đưa người đọc đến một khoảng không gian, thời gian khác: "Bản tin sáng: Ngày 17  tháng  10  năm... trên địa bàn thành phố... xảy ra vụ án nghiêm trọng..."  Như vậy, độc giả cũng đã đủ hiểu cô gái kia là do tên đồ tể khoác áo nhà thơ giết chết, chứ không cần mô tả dài dòng.

 

Ngôi kể chuyện trong truyện ngắn của Phạm Minh Quốc cũng luôn được thay đổi. Lúc thì tác giả kể, lúc thì nhân vật kể, nhân vật này đang kể thì chuyển giao cho nhân vật khác kể, tạo sự sinh động, hấp dẫn, khiến người đọc không bị nhàm chán.  Sự thanh thoát là đặc điểm nổi bật trong Tác phẩm của Phạm Minh Quốc. Thanh thoát không chỉ thể hiện ở phần cốt truyện mà còn ở văn phong. Đọc văn của anh, người ta thấy thoải mái, nhẹ nhàng  bởi những câu chữ non tơ run rẫy cảm xúc...

 

Nếu được góp ý với Phạm Minh Quốc, tôi chỉ đưa ra một nhận xét ở phần chi tiết tác phẩm. Ở trong mỗi truyện, tác giả sử dụng chi tiết vừa phải, không lạm dụng, tuy nhiên một vài chi tiết chưa được khai thác một cách triệt để nên hiệu quả bị hạn chế.  Thử đưa ra một ví dụ: Trong truyện ngắn "Ảo vọng ở biển", khi gã nhà thơ giả danh xuất hiện, tác giả đưa ra chi tiết có tiếng sấm nổ ở phiá chân trời. Đó là ý thức lấy cảnh họa người, tiếng sấm  chính là  sự báo hiệu điềm không lành. Nhưng chi tiết này chết yểu ngang tại đó. Tiếc là tác giả đã không sử dụng nó cho những đoạn phát triển tâm lý, hành động, xung đột của nhân vật sau này nhằm tạo nên không khí căng thẳng, làm cho người đọc hồi hộp hơn...

 

Chi tiết là cái sống còn của tác phẩm. Có những chi tiết gắn liền với số phận của nhân vật và đưa nhà văn đến vị thế tài hoa. Ấy là tôi biết thế, nói thế chứ làm được thì chẳng dễ dàng gì...Với Phạm Minh Quốc là một tác giả trẻ, anh có đủ thời gian và khả năng vun đắp cho tác phẩm của mình. Qua tập Truyện ngắn Cầu giải yếm, chứng tỏ anh là một cây bút trẻ đầy bản lĩnh. Ước mơ đang ấp ủ, sức lực đang dồi dào, với bản lĩnh sáng tạo của mình, tin rằng, ngòi bút của Phạm Minh Quốc sẽ thăng hoa trong một ngày rất gần...

Cao Hạnh
Số lần đọc: 2345
Ngày đăng: 26.08.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Lịch sử vô lý. Đọc “Chốn xưa” của Lý Nhuệ. - Ban Mai
Đọc tập thơ Đêm Khát của Nguyễn Đức Phước- Nxb Hội Nhà Văn năm 2008 : Trái tim biết khóc - Bùi Công Thuấn
Vài cảm nhận về Thèm Ăn của Đồng Chuông Tử - Mang Viên Long
Phản hồi về bài viết sân chơi âm nhạc ai cũng có quyền vào - Ngữ Yên
Nhật Chiêu viết như là thở - Inrasara
Thời gian mãi tự do ! - Hồ Thế Hà
Về sự kiện “núi bài thơ” ở Hải Phòng : Người đáng chê trách là ai? - Dư Thị Hoàn
Trong chat room, Minh Thùy đang tán tỉnh chúng ta. - Đào Hiếu
Thưa cùng Giáo sư Lê Thành Khôi - Hà văn Thùy
Ngực cỏ và những dự báo không bất thường - Vĩnh Phúc