Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
656
123.195.954
 
Gã nhà quê vui tính
Mang Viên Long

Hân là một gã nhà quê, một nông dân chính hiệu chứ không phải xu thời – thấy hai chữ “nông dân” có giá, bèn man khai, gặp ai cũng giơ tấm thẻ “Hội viên Hội Nông dân” để lòe bà con. Gã thực sự cầm cày, cầm cuốc tay chai như da trâu, còn đôi chân thì đen bóng, da dày cộm, săn chắc như hai khúc tre già. Cha mẹ gã cũng một đời cầm cày. Tiếc là ông nội của gã không cầm cày mà cầm phấn – làm hương sư chăn dắt đàn con nít trong làng; nếu không thì gã đã đạt được danh hiệu “ba đời cầm cày ” rồi !

 

Gã thực sự cầm cày thay cha lúc mười bảy tuổi – đang học lớp đệ tam (lớp 10 bây giờ) sau cái tết Mậu Thân đem lại cho gia đình gã một biến cố trời giáng: Cha mẹ gã chết vì bom bay đạn lạc, còn nhà cửa thì bị cháy rụi ! Chỉ trong một ngày.

 

Bỏ học, về quê – gã dựng lại mái chòi tranh, dọn vườn, làm ruộng – nuôi hai đứa em còn học tiểu học, trời thương còn sống sót ! Gã bỏ ngang thời cắp sách nhanh đến nỗi – gã không kịp hối tiếc. Từ giã thời áo trắng quần xanh như cái bắt tay từ giã một người bạn lúc hè về ! Gã không có thời gian ngoái nhìn lại, vì trước mắt là một nỗi đau khổng lồ đang cuốn hút gã chạy tới như vụn sắt gặp cục nam châm cực lớn.

 

Về quê, học cầm cày cầm cuốc, làm một mẫu hai sào ruộng – xoay vần gã như một con vụ. Gã sống thầm lặng bên những lũy tre, và cần cù bên gốc rạ, góc vườn, quên tuốt hết mọi thứ, ngay cả tuổi tác. Gã bỗng nhiên trở thành gã đàn ông “ế vợ” ở tuổi “tam thập” trong làng. Thuở ấy, con trai trên 30 chưa vợ là hiếm. Con gái trên 20 chưa chồng là muộn ! Nếu có ai nhắc tới chuyện “hiếm muộn” này – gã chỉ cười. Coi như huề. Vui lắm, gã bắt chước người xưa triết lý vặt : “Dốt nát đừng mong làm quan lớn – nghèo khổ đừng mong có vợ sớm. Ấy là hai mối họa tày đình cho mình !”.

 

Và Hân đã được bạn bè đặt cho cái tên “gã nhà quê vui tính” khi họ nhắc đến gã. Nghe được, gã cũng cười : “ Cái biệt danh này nghe hay hơn cái tên Hân – Nguyễn Hân cộc lốc của ông già tao đặt ! ”. Cái biệt danh của Hân cũng mới được bạn bè đặt cho, sau một gặp gỡ hy hữu trời khiến trong cuộc đời của gã : Một dịp xuống thị xã thăm đứa em gái út đang học năm cuối trường Sư phạm, Hân gặp lại một người bạn cũ thời Trung học từ một hiệu sách vừa bước ra. Nhận ra nhau sau hơn mười mấy năm phiêu bạt, trôi nổi đây đó, họ mừng rỡ ôm chầm lấy nhau giữa phố. Vui như trẻ con được quà. Dường như, cho mãi đến lúc ấy – Hân mới “nhớ lại” rõ ràng hơn cái thời xa cũ của mình.

Trông thấy người bạn tay ôm một chồng sách – Hân ngạc nhiên : “Cậu mua sách nhiều vậy à ?”

- Không  - Thơ của tôi …

- Thơ của cậu ?

- À, tôi vừa xuất bản một tập thơ đầu tay, đem đi gởi bán…

- Cậu cũng làm được Thơ đem đi bán sao ? – Gã cười khoái chí, cậu sướng thật !

- Sướng cái con khỉ gì – người bạn nhếch  cười, khổ như con bò !

 

Hân được người bạn học cũ ký tặng một tập, cho dầu gã cứ nằng nặc đòi “mua” – “Cậu làm thơ cũng như tôi làm ra lúa gạo, hoa quả - sao lại tặng vậy? ”. Gã nổi giận thật sự. “Cậu nghĩ là tôi nghèo, không có tiền mua thơ hay sao ?”

- Coi như chút quà nhỏ gởi cậu làm kỷ niệm – chứ cậu không bao giờ “tặng” cho ai lúa gạo, hoa quả sao ?

- À, à … cái này thì có! – Gã gật đầu, cẩn trọng bỏ tập thơ vào túi xách như bỏ một con gà. Gã nắm chặt tay bạn : “Nhà mình ở xóm Gò Dúi – thôn Mỹ Thuận - nhớ hỏi nhà “Hân ế vợ” là tìm ra ngay ! Nhớ ghé chơi nhé! ”

 

Từ buổi sáng hôm ấy, Hân mê đọc thơ như ham đi cày, có lúc còn hơn. Có dịp lên phố chợ, là gã sà vào các hiệu sách, sạp báo, lùng sục kiếm thơ mà mua. Lâu dần, cái tủ gỗ sang trọng đựng chén bát bình ly, được thay bằng những tập thơ, đủ loại dày mỏng, lớn nhỏ. Rồi người bạn học cũ cũng có dịp về xóm Gò Dúi, kéo theo những bạn thơ – dần dần- nhà của “Hân ế vợ” là chỗ tụ họp của các nhà thơ lớn nhỏ, trong huyện ngoài tỉnh. Thuốc lá, rượu, trà, cà phê cho đến gà vịt đều được gã mang ra đãi khách. Gã yêu quý mấy tập thơ bỏ chúng vào tủ gương đựng chén bát xưa thì gã lại càng yêu quý “cha đẻ” ra chúng hơn. Gã thường nghĩ : “Người ta đã dấn thân, trải lòng, vắt óc ra để có những câu thơ hay cho mình đọc – sao lại thờ ơ được nhỉ ?”. Và gã luôn ân cần niềm nở tiếp đón bất kỳ nhà thơ lớn bé nào tìm đến xóm Gò Dúi… Được sống gần gũi với Thơ, Hân cũng cảm thấy ở mình có cái gì khang khác. Gã cảm thấy cuộc đời mình nhẹ nhàng hơn, xanh mát hơn từ đấy…

 

Có một lần Hân bỏ buổi cày để ở nhà nấu cháo vịt, lôi hủ rượu thuốc chôn kỹ bên góc vườn lên – để tiếp người khách quý là một nhà thơ ở Saigon được người bạn học cũ dẫn đến chơi.

 

Sau lời giới thiệu về nhà thơ ở phương xa với Hân – người bạn chưa vào nhà vội – anh ghé vào tai gã hỏi nhỏ : “Sáng nay anh không đi cày à?”

 

Gã cười vang, khiến nhà thơ nọ giật mình – quay lại: “Có gì khoái chí mà cười ngon lành vậy, ông bạn ?”.

- Bạn tôi hỏi tôi sao bữa nay không đi cày – Chà, đi cày thì mai đi mốt đi cũng có  hề hấn gì đâu? – Gã lại cười - ở nhà với ông bạn nhà thơ đây chứ để mai mốt ông bạn đi tuốt rồi làm sao mà gặp đây?”.

 

Hân đọc một mạch ba bài thơ của ông bạn nhà thơ phương xa (trong tập thơ “Vầng Trăng Khuyết”), mà gã đã mua được từ năm 96. Ông bạn nhà thơ cảm kích, ôm lấy vai gã – “Anh đúng là một nhà thơ lớn – một tâm hồn lớn!”.

 

Gã lắc đầu lia lịa : “Không dám, không dám… tôi chỉ mê đọc thơ, thuộc thơ mà tôi thích thôi – có nặn ra được câu nào có hồn đâu mà đòi làm thi sĩ chứ!”.

 

Nhà gã thường đông vui hơn trong những ngày có trăng. Nhà gã cũng thường đông vui hơn vì hai cô em gái của gã rất xinh đẹp. Không ít nhà thơ đa tình đã làm thơ gửi tặng sau lần gặp đầu tiên mà gã chịu khó sưu tập lại thành tập cũng khá dày. Có mấy ông bạn nhà thơ tre trẻ còn ngẫu hứng tưởng tượng ra hai cô em gái quê mùa của gã là “Nhị Kiều”. Nhờ thơ của quý nhà thơ si tình ấy – Hân mới có dịp nhìn kỹ lại hai đứa em của mình – thấy chúng cũng na ná Thúy Kiều – Thúy Vân mà dạo nào được nghe cụ Nguyễn Du kể…Bà con ở xóm Gò Dúi thường xì xào : “Ở đâu có gái đẹp, có rượu là ở đó có nhiều nhà thơ!”.

 

Bẵng đi một thời gian khá lâu – Hân tình cờ nhận được Thiệp Mời dự đám cưới em gái cuả nhà thơ phương xa năm nọ. Đám cưới được tổ chức tại Saigon. “Xa quá. Nhưng cũng phải ra đi một chuyến” – gã gật gù cười thầm :“Người ta đã có lòng nghĩ đến mình, thì mình cũng phải đáp lại bằng tấm lòng chứ?”. Gã nghĩ bụng phải tạm gác lại chuyện cày bừa phân nước để ra đi, bay nhảy vài hôm cho đôi chân chúng khỏi bị cuồng vì cứ mãi quanh quẩn ở cái xóm Gò Dúi này . Lâu nay gã chỉ “thấy” Saigon chứ chưa “biếtSaigon. Muốn “biết” thì phải đi, ngồi một chỗ làm sao mà “biết” được? Gã nghe kể thứ gì cũng có ở Saigon cả- đủ loại đủ hạng – từ hạng bét đến thượng hạng; từ dỏm đến thiệt. Saigon pha trộn đa dạng chứ không phải như ở Gò Dúi ai cũng như ai! Hân náo nức chuẩn bị cho chuyến đi cả tuần; phân công cho hai đứa em thay nhau việc nhà (còn việc ruộng thì gã đã lo trước rồi). Trường hợp có khách thơ nào đến thăm – phải rượu trà tươm tất cho “đủ lễ”, không được thiếu sót.

 

Chiếc xe khách Hi Classes Phụng Hưng khởi hành tại phố chợ thị trấn lúc 5 giờ chiều – 5 giờ sáng đã đưa Hân đến bến xe Miền Đông. Đã dự tính từ trước, gã xách túi đi dọc dãy phố trước cổng sau bến xe, dò tìm một chỗ trọ. Rẻ mạt cũng mất năm chục ngàn một đêm. Vài nơi khác, nhìn thấy nhà cửa cao to, sang trọng – gã không dám bước vào nhưng hỏi thăm các nhà bên cạnh – có nơi một trăm đến hai trăm ngàn một phòng ! Một đêm ngủ mất toi hơn 30 ký lúa. Ngủ gì mà ghê vậy? Gã đành vào “nhà trọ” chọn cho mình một chỗ nằm – và nhờ điện thoại chủ nhà, gã gọi cho nhà thơ …

- À, đúng rồi – Tôi đây. “Gã nhà quê vui tính” đã vào tới Saigon rồi sao? – Vui quá ! Nhớ đến đúng địa chỉ ghi ở thiệp mời nhé – nhớ đúng giờ - Tiếng cười thân tình vang lên bên tai gã – À, tôi dặn trước – anh không được mang theo rượu trà gà vịt gì cả nhé ! Có anh đến chơi là quý rồi – nhớ không?

 

Buổi chiều, gã diện vào người một bộ đồ mới cứng vừa may hôm Tết chỉ mặc qua loa vài hôm. Nghe lời cô em gái giáo viên dặn – gã lôi đôi giày trong túi xách ra – cũng mới cứng. Gã đi lui, đi tới – thấy mình cũng có vẻ “cứng” quá ! Giá như được xỏ đôi dép nhựa thì khỏe biết chừng nào. Buổi sáng trước khi ra đi, cô em gái đã chuẩn bị, dặn dò gã thật kỹ như chị dặn em xa nhà ra tỉnh học.

Gã hỏi : “Vậy khoản tiền “đi đám” mày tính là bao nhiêu?”.

- Dễ ợt mà ! Cô em liếc nhìn gã cười cười – anh cứ tính ở đây 1 thì ở Saigon phải 5, phải 10...

- Dữ vậy sao ? Gã mở to mắt nhìn cô em gái để coi thử nó có nói đùa không.

- Thiệt không mày?

- Ai nói giỡn với anh làm gì? – Cô lại chiếu tia nhìn từ đầu đến chân gã, giọng buồn buồn – người ta veston, cravate, giày da – anh không có veston – cravate, thì phải mang đôi giày vào – có dịp thì phải dùng, cất kỹ hoài , nó mục...

 

Gã nhờ anh xe ôm đưa đến nhà hàng Sinh Đôi đường Lý Thái Tổ trước giờ qui định 15 phút. Khách vẫn chưa thấy ai đến nhiều, nhưng mặt tiền nhà hàng có đông nhân viên bảo vệ mặc đồng phục đen, tóc cắt ngắn chạy lui chạy tới, trông như các võ sĩ. Hai hàng nữ tiếp viên xinh xắn – đồng phục Jupe xanh, áo trắng đón khách ở cửa vào. Gã đi thẳng đến chỗ cột điện nơi có người giữ xe – đứng nhìn...

 

Khách lần lượt kéo đến. Đàn ông thì Veston, cravate, giày da – còn đàn bà, thì đủ kiểu áo quần lộng lẫy như ngày hội. Đến lúc ấy, gã mới thấy cô em gái nói chuyện gì cũng đúng, cũng có lý. Tuổi trẻ bây giờ chúng “lanh lợi”, kinh nghiệm hơn thuở xưa của mình nhiều quá ! Xã hội ngày càng “đẻ ra” nhiều điều ràng buộc phiền toái – chúng như lớp rong rêu phủ lên con người, ngày càng dày – khô cứng và lạnh lẽo. Ai không chịu được lớp bao phủ thời đại ấy – chỉ là kẻ lạc hậu, đứng bên lề. Hân đã làm kẻ “đứng bên lề” từ lâu rồi.

 

Cuối cùng rồi Hân cũng trôi theo dòng người đến trước cửa vào – tay cầm tấm thiệp mời như giấy căn cước. Nhà thơ năm nào từ đâu bay đến chộp lấy gã : “Anh vào được là tôi vui rồi!” – “Tôi nhờ anh mời mới vào được Saigon chơi...” – Gã lắp bắp nói trong nỗi choáng ngợp ánh đèn màu.

“Cậu này sẽ đưa anh vào đến ghế “đặc biệt” đã dành sẵn nhé, tôi đang bận ở ngoài một lát...”

 

Gã theo cậu nhân viên vào ngồi ở chiếc ghế trống dành sẵn. Bên cạnh còn một ghế trống nữa. Bàn tiệc đã có đến chín người rồi. Họ toàn là nhà văn, nhà thơ, nhà báo, họa sĩ, nhạc sĩ cả. Hân thử lướt nhìn từng khuôn mặt, trông họ đạo mạo, nhưng đều lạ. Gã thích thú ngắm nhìn bằng đôi mắt lạ lẫm.

Người ban trẻ, là nhà thơ ngồi cạnh – nói nhỏ vào tai gã : “Chỗ anh ngồi được anh ấy sắp xếp rồi. Chọn mặt, gửi vàng mà!”.

 

Hân không hiểu câu cuối “chọn mặt gửi vàng” là gì; nhưng chỉ cười không hỏi lại. Sao anh ta lại “gửi vàng” cho mình nhỉ?.

 

Rồi gã cũng chợt hiểu ra khi cậu nhân viên phục vụ lúc nãy – đưa đến chiếc ghế trống bên cạnh anh một thiếu nữ rất xinh đẹp. Cô hồn nhiên cười chào mọi người chung bàn, khẽ kéo chiếc ghế ra, đưa tay lấy chiếc “ba lô nhỏ” đang đeo sau lưng móc vào thành ghế - đỉnh đạc ngồi xuống. Có người đẹp vào bàn như có hoa tươi cắm vào lọ; mọi người chuyện trò, hỏi han rôm rả hơn. Gã ngồi yên. Cười theo. Nâng ly uống. Có điều, mọi người chỉ uống một hớp, ba mươi hay năm mươi phần trăm – còn gã cứ đưa ly lên là đặt ly không xuống !

- Tửu lượng anh cũng khá đấy chứ! Nhà báo ngồi đối diện khen gã. Gã gật gù :

-Tôi “chơi” với Bàu Đá riết rồi quen... Gã cười khà khà.

 

Nhà thơ ngồi cạnh lại ghé vào tai gã : “Người đẹp của nhà thơ Chơn Ngữ đó! – anh “giữ vàng” giùm cho anh ấy!”. Nhà thơ kể tiếp cho gã nghe một “giai thoại làng thơ” xảy ra cách nay ít lâu, cũng trong một dịp gặp mặt đông đủ - có vài “ông nhà thơ” tán tỉnh liều lĩnh, còn giở trò sàm sỡ với người đẹp – suýt xảy ra tai nạn!

 

Nghe xong, gã nổi sùng : “Sao lại có “kiểu nhà thơ” quái dị như thế, cậu?. Làm thơ, đâu phải chỉ nói đến tình yêu – còn quá nhiều thứ ... cơ mà?”

- Cuộc đời mà anh – gã nhà thơ nốc một ngụm bia – có người đẹp, là có chuyện ...

 

Suốt buổi tiệc, Hân chỉ ngồi nhìn các ca sĩ ca hát nhảy nhót trên sàn diễn phía trước – thỉnh thoảng chỉ trả lời (hay hỏi thăm) người đẹp ngồi cạnh vài câu. Tiếp viên tiếp khách thật chu đáo, nhưng gã còn được cô gái “săn sóc” gắp bỏ thức ăn từ chén của cô sang nữa – nên gã chỉ biết ăn và nghe cho xong. Cô gái có vẻ sành thạo kể cho Hân nghe về cái tên nhà hàng “Sinh Đôi” vì có hai anh em sinh đôi là chủ, làm MC rất hấp dẫn. Về chiếc xe gần 3 tỷ chở cô dâu chú rể đến nhà hàng dự tiệc, về hệ thống trực tiếp truyền hình từ bên ngoài cho quan khách bên trong xem... Tóm lại là gã “được nghe” (và ăn uống) nhiều hơn nói. Mà gã cảm thấy rất hạnh phúc – cái hạnh phúc chợt đến như một giấc mộng giữa khuya.

 

Nhà thơ vừa đến bàn mời rượu – chung vui với khách; gã đứng bật dậy thì thào vào tai nhà thơ : “... Ông ơi, cô ấy cứ gắp bỏ thức ăn, rồi sang rượu vào ly tôi hoài – chắc phải ... ngã!” – “Anh cứ việc ăn thế, uống thế, nhưng không được “yêu thế” đó nhé!” – Nhà thơ bỗng cười lớn!

- Mình đâu dám chạm tới “nàng thơ” của ông! Gã lừ đừ ngồi xuống và giơ ly lên mời – “Ở đời, làm gì có chuyện yêu thế nhỉ?”.

 

Hai người thợ chụp ảnh và quay phim lần lượt đến ghi hình ở bàn Hân – cô gái bỗng kéo ghế sát vào ghế của gã, nghiêng người , nâng ly – và ra hiệu cho người thợ bấm máy. Tình cờ được chụp ảnh chung với người đẹp – gã cảm thấy mình lâng lâng như muốn bay lên khỏi mặt đất. Gã nhìn lại cô gái – giọng ngà ngà : “Cám ơn... Cám ơn cô nhiều nhé!”.

 

Cô gái đã ôm chiếc ba lô nhỏ trên tay, hình như cô ta muốn rời bàn, về sớm.

- Cô về à ? Gã hỏi – giọng thoáng buồn.

- Em về. Em muốn đi long rong một chút cho mát...

Im lặng một lát – cô nhìn đứng lên mặt Hân :

- Anh có muốn đi dạo Saigon ban đêm một chút rồi sáng mai về quê không?

- Muốn lắm – gã ngập ngừng, nhưng tôi không biết phải đi đâu ?

Mang Viên Long
Số lần đọc: 3297
Ngày đăng: 27.08.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Người dưng ở Hội chùa Hương - Phạm Minh Quốc
Con dao và lát bánh mì - Nguyễn Lệ Uyên
Khi trời đã tạnh mưa - Lê Nguyệt Minh
Người có hàm răng chuột - Trần Huy Thuận
T&P - Nguyễn Hiệp
Lời hẹn thiên đường - Trần Lệ Thường
Buổi chiều sau cơn mưa - Minh Tứ
Khúc xuân ca của chàng Trư - Lê Vũ
Nghề thầy không bạc bẽo - Mang Viên Long
Huyết nhân ngải - Nguyễn Hiệp
Cùng một tác giả
Ngã rẽ(*) (truyện ngắn)
Bóng hạnh phúc** (truyện ngắn)
Vôi trường úc(*) (truyện ngắn)
Quán bụi (truyện ngắn)
Người chị(1) (truyện ngắn)
Dì Lucia (1) (truyện ngắn)
Chim trời (5) (truyện ngắn)
Ông ngoại tôi (truyện ngắn)
Quà nhỏ (tạp văn)
Bèo dạt, hoa trôi … (truyện ngắn)
Quà Trung thu của ba (truyện ngắn)
Giàn hoa cát đằng (truyện ngắn)
Mùa xuân đến muộn (truyện ngắn)
Gã nhà quê vui tính (truyện ngắn)
Bà ngoại tôi (truyện ngắn)
Chữ Hiếu (truyện ngắn)
Chim bay về đâu (truyện ngắn)
Bóng ngựa qua song (truyện ngắn)
Chuyện ngày xưa (truyện ngắn)
Vầng trăng khuyết (truyện ngắn)
Biển của hai người (truyện ngắn)
Chuyện xóm củi (truyện ngắn)
Dáng mộng (1) (truyện ngắn)
Lại một mùa xuân (truyện ngắn)
Ông Ba Phải (truyện ngắn)
Chim chuyền buội ớt (truyện ngắn)
Truyện ngăn ngắn -1 (truyện ngắn)
Truyện ngăn ngắn-2 (truyện ngắn)
Chiếc cà vạt (truyện ngắn)
Tiên Thủy (truyện ngắn)
Vội vàng (truyện ngắn)
Vết son (truyện ngắn)
Truyện ngăn ngắn-3 (truyện ngắn)
Truyện ngăn ngắn-4 (truyện ngắn)
Có những mùa trăng (truyện ngắn)
Một trường hợp (truyện ngắn)
Một cõi đời riêng (truyện ngắn)
Chờ bão (truyện ngắn)
Bên trời mơ ước (truyện ngắn)
Mèo con yêu dấu (truyện ngắn)
Phố người (truyện ngắn)
Một câu chuyện tình (truyện ngắn)
Bà già khòm (truyện ngắn)
Ăn tết ở chùa (truyện ngắn)
Những kẻ tạm trú (truyện ngắn)
Quê nhà , chiều 30… (truyện ngắn)
Phút chót (truyện ngắn)
Khoảng cách (truyện ngắn)
Một Ngày Cô Độc (truyện ngắn)
Chùa Cô Ba (truyện ngắn)
Thị Trấn Êm Đềm (truyện ngắn)
Mây hoàng hôn (truyện ngắn)
Ngôi Nhà Mùa Hè (truyện ngắn)
Quán Café Tulip (truyện ngắn)
Nỗi Khổ Không Rời (truyện ngắn)
Về Lại Chốn Xưa (truyện ngắn)
Bên Tách Trà Khuya (truyện ngắn)
Sáu Bẹo (truyện ngắn)
Lộn Ngược (truyện ngắn)
Quán Bên Sông (truyện ngắn)
Tách trà cổ (truyện ngắn)