Lão Mai thò đũa gắp miếng thịt heo luộc cho vào miệng, nói một câu gì đó, ồn ào quá, chẳng ai nghe. Mọi người đang cố ăn nhanh để còn lo việc khác. Lão Mai gắp thêm miếng nữa, lần này trước khi cho vào miệng, lão lật qua lật lại miếng thịt, xem, chấm nước mắm, nhai mấy cái, dừng lại chiêm nghiệm, rồi nhai tiếp, nuốt ực, hớp miếng rượu trắng, nói:
- Thịt thiu ! Bà con ơi, bà con ăn có nghe mùi thịt thiu không ?
Chị Sương, con dâu ông Cả đang cho con bú, nói:
- Thiu sao được? Mới luộc hồi sáng, luộc cả buổi, nước sôi sùng sục.
Lão Mai cãi:
- Trời mùa này nóng quá, cái gì không thiu? Con người ta sống nhăn răng đây mà còn muốn thiu nữa huống hồ chi là thịt luộc.
Mấy ngày gần đây không biết tại sao trời nóng quá. Mùa hè đã qua, sao nóng thế này ? Bây giờ là đuôi tháng chín dương, giữa tháng tám âm mà trời còn nóng như nung. Buổi trưa nằm ngủ nghe tre nứa trên mái nhà nở ra nổ lốp bốp. Cái chõng tre ông Cả nằm với bà vợ lớn trong căn buồng xép che tấm màn sơ sài, không ai nằm lên tre cũng kêu thành tiếng tách tách. Tấm phản gỗ kê ở nhà bếp, thường ngày làm chỗ dọn cơm cho cả nhà ăn, hôi mùi nhà bếp, đầy lọ nồi, cơm rơi vải, ngày khác thường ruồi bu đầy, hôm nay dưới bếp nóng quá ruồi chịu không nổi bay cả ra vườn đậu trong bóng mát tán lá. Mấy con ruồi khôn đáo để lựa mặt dưới lá mà đậu cho mát. Dưới tấm phản có con cò ruồi đứng một chân, chờ ruồi, không có nó cũng bước từng bước chậm và dài ra chỗ nước ẩm gần lu chứa nước mưa. Trong bếp là tổ con chó cái già, còn đẻ thêm một lứa tám con. Trời oi bức quá, chó con đè mẹ ra nhay hàng vú lép. Con mẹ khát nước quá ra giếng tìm, thấy chậu rửa chén bát đã úp, không một giọt nước, nó đi vô nhà bếp, thè lưỡi ra liếm nước trong bốn cái chén đựng nước kê dưới chân chạn, rồi nằm thè lưỡi nơi bậc cửa.
Lão Mai và vội chén cơm, đứng lên, ra vườn bẻ cái gai hồng quân làm tăm xỉa răng, vô nhà uống nuớc, nói:
- Trời nóng quá, thịt mới luộc hồi sáng còn thiu nữa huống gì là…ông Cả !
Người trong nhà không hiểu lão ta muốn ắm chỉ gì? Hỏi :”Ông Cả làm sao?” Lão Mai nói nho nhỏ, giọng nghiêm trang :” Liệu mà tắm rửa, tẩm liệm rồi di quan cho sớm. Mùa này không quàng để lâu được. Bà con thấy đó thịt luộc mới đó còn thiu huống chi người chết không trở mùi sao được?”
Cái lỗ mũi lão này thính thiệt. Thính như mấy con ruồi, ruồi mén, ruồi cơm, ruồi xanh, ruồi lằn…không biết từ đâu kéo về xôn xao đầy vườn. Thế nhưng chỗ ông Cả nằm trêncái giường tre đặt giữa nhà, chưa có con ruồi nào bén mảng tới. Hình như chúng biết đó là thứ trái còn xanh, món ăn ngon nhưng chưa chín, cần đợi một thời gian nữa.
Lão Mai ăn xong ra hiên ngồi hóng gió. Không có ngọn gió nào. Mấy tàu lá chuối trong vườn đứng im phăng phắt, lá héo nhàu, cuốn lá gập xuống. Lão mở nút áo ngực quạt phành phạch, nói một mình:
- Thời tiết hầm hập thế này mà đi nghe ba cái thằng thầy cúng, coi cho được ngày, được giờ, thì có nước đem đi làm…mắm!
Bà vợ cả ngồi trên ghế khóc thút thít, lấy ống quần chùi cặp mắt đỏ hoe, nghe lão Mai nói thế, sợ quá, nói:
Thôi anh Ba liệu sao đó cũng được. Theo lời ông thầy Hữu Đức ở chùa Hồng An thì còn phải đợi tới giờ thân ngày kia, tức hai ngày rưỡi nữa, mùa này…chịu sao nổi ?
Lão Mai vứt cây gai làm tăm, đứng lên , dứt khoác:
- Thôi, đúng ngọ thì tắm rửa cho ông Cả, liệm, giờ thân thì nhập quan, cuối giờ dậu di quan.
Bà vợ hai hỏi:
- Ngọ là mấy giờ?
Lão Mai:
- Ngọ là mấy giờ, ai biết? Đồng hồ của ta vặn lên vặn xuống mấy lần. Chính phủ bảo hộ, nam triều, Cọng hoà, Việt minh…triều nào cũng có thay đổi. Thôi cứ coi khi nào đứng bóng là đúng ngọ. Bà con coi bóng cây cau lão ngoài sân bao giờ nó lấp gốc là đúng ngọ, nhắc tui tắm cho ổng. Tội nghiệp, tui ngã lưng đây.
Nói xong lão cầm cây chổi quét nền xi măng, lão đặt lưng xuống vội nhỗm dậy, la:” Xi măng thường mát mẻ láng lẩy như cái bẹ chuối, gìơ này lại nóng như lưng con trâu phơi nhiều giờ trong nắng. Nằm được một lúc, lão lồm cồm bò dậy, nói:
- Thôi, đúng ngọ rồi, đàn bà con gái đi chỗ khác chơi để tui cởi quần áo tắm cho ổng.
Không phải chỉ có đàn bà con gái mà bọn đàn ông con trai cũng bị lão đuổi ra vườn, một số tìm chỗ ngủ, số khác ra vườn ngồi tụm năm tụm ba nói đủ thứ chuyện, nhiều nhất là chuyện ma, đủ thứ ma, cũng may chuyện ma kể ban ngày nên ít sợ, đàn bà con gái xúm vào chuyện trò.
Ông Cả nằm trên chõng tre đặt ở gian giữa. Nhà ông thuộc hạng giàu có, phản gõ, giường Hồng kông, nhưng không để người chết nằm, vì theo tục lệ, cái gì dính dáng đến người chết đều đem hoả thiêu. Không có tờ giấy quyến dắp mặt, người ta lấy tờ báo che mặt cho ông. Trông chẳng khác gì lúc sinh thời buổi trưa ông nằm đọc thơ Lục Vân Tiên, đọc được vài câu đã ngáy như kéo súc.
Lão Mai mở tờ báo ra thấy miệng ông há to, giống như người đang ho hay khạc. Lại cũng giống như người dự mittinh hô khẩu hiệu. Trông nét mặt người chết đầy cả nét hài hước, không có cái gì là dễ sợ hay bi thương. Hai má ông hóp như lão già không còn răng, khoé miệng trễ xuống như khi ông bỉu môi chê bai mụ vợ ba nấu cơm khê. Cặp mắt ông không mở, không nhắm, lim dim, mơ mộng. Cũng rất lạ lúc sinh thời ông là người rất thực tế, không hề mơ mộng, mơ mộng sao được khi ông là chủ một gia đình ba vợ và một bầy con. Thôi lúc này ông đã khoẻ rồi, tha hồ mơ mộng. Đầu ông ngẩng lên, cố nhướn cao theo kiểu người thấp nhón gót chen chúc với những người cao to khoẻ hơn để tìm một chỗ đứng trong đời. Cũng may ông chỉ là một anh nhà quê, có chút ít tiền, ruộng nương, phạm vi hoạt động không ra khỏi luỹ tre làng. Ông mà ở phố phường, có chức phận, có học hành thì phải biết .
Lão Mai chẳng lạ gì nét mặt người chết vì trong làng chỉ có lão là người chuyên lo việc tẫm liệm. Thế nhưng chưa lần nào lão thấy một con người lúc sống và lúc chết lại khác nhau đến thế. Sinh thời ông là người đĩnh đạt, phong lưu, kiểu người có vai vế trong xã hội. Ông nổi bật giữa những người nhà quê thô kệt, hiền hoà, xấu xí. Nơi đây ông giống như con chim phuợng hoàng sống giữa bầy gà vịt. Bởi thế ông là niềm ước mơ thầm kín của nhiều phụ nữ, có chồng, chết chồng, hoặc chưa chồng ở làng Cận Sơn này. Lúc sinh tiền ông thường mặc bộ áo quần bà ba trắng, nhàn nhã, phong lưu, ra khỏi nhà một bươc cắp ô, tới đâu ông cũng được gia chủ đón tiếp niềm nở xem như ông đã mang lại vinh dự cho họ. Ông ngồi ghế trên, chễm chệ oai phong, ông mở quạt giấy phe phẩy, nói vài câu có lẫn chữ Nho, dừng lại giảng nghĩa, ăn trầu, quấn điếu thuốc Cẩm lệ, khi nói điếu thuốc vẫn dính nơi đầu lưỡi, ông rít vài hơi thuốc rồi dán cái đuôi thuốc lên cột nhà. Ông không ở lại lâu, nói vài câu rồi cáo lui, chủ nhà đưa ra tận cổng kêu đầy tớ nhốt chó. Thật thì không phải chỉ có người nể nang ông mà lũ chó vốn hung hăng ở đất này cũng nể ông. Có con hít ống quần ông, vẫy đuôi mừng rỡ làm như ông là chủ của nó. Phải biết bọn chó này chuyên cắn vào những cái ống chân khẳng kheo, đầy ghẽ hờm của bọn ăn mày.
Thế nhưng không hiểu tại sao khi chết thấy ông thun lại, nhỏ nhoi, cỡ bằng đứa bé mười một mười hai, buồn cười, tội nghiệp…Bây giờ lão Mai mới bắt tay vào công việc chính, phun rượu trắng, nắn tay chân ông cho mềm cho thẳng. Thường thì cởi áo trước mới tuột quần sau, lão Mai làm ngược lại vì lão ta hiếu kì về việc tại sao người đàn ông này lại hấp dẫn phụ nữ của cả cái đất Cận Sơn. Lão, nắm sợi dây lưng quần lụa, kéo mạnh, nút thắc lõng mở tung. Lão Mai một cánh tay luồn xuống dưới đỡ lưng ông lên, một tay cầm lưng quần kéo mạnh xuống tới đầu gối. Và lão trố mắt ra nhìn, lạ quá, bất thường quá, lão trố mắt ra nhìn thêm một lần nữa, rồi cười ngất. Trời ơi, cái thằng cha này lấy làm gì ba con mụ vợ to sầm ? Lão thả lưng ông xuống, cầm hai ống quần tuột ra, vất xuống dưới gầm giường, nghĩ, cái quần lụa tốt quá, đem chôn đi thì uỗng. Thôi để đó mình lận vô người. Nghĩ, coi chừng nó thò ra người nhà thấy đòi lại xấu hổ lắm. Lão đã nghĩ ra cách. Lão liền vội cởi quần mình ra, mặc cái quần lụa vào, mặc lại cái quần màu nâu mông mốc của mình ra ngoài. Lão thấy hình như người chết trách hành động trộm cắp của lão. Lão nghĩ, thôi, kệ cha, hắn chết rồi tiếc của làm chi, có tiếc thì tiếc ba con vợ ngon lành bỏ lại, thế nào cũng có thằng hưởng của trời cho này.
Cuộc đời ông Cả làng này ai cũng biết. Rõ nhất là mấy chị đàn bà và họ thường đem ông ra làm đề tài bàn tán. Mấy chị bán hàng ở chợ Đầu Cầu buổi trưa vắng khách. Túm tụm lại nơi sạp bán trầu cau của chị Khải, bắt chí, tán gẩu đủ thứ chuyện trong làng, chuyện con cái, nhà cửa, vợ chồng, chuyện ai sướng ai khổ. Khi nào nói tới chuyện nhà ông Cả ai cũng khen. Mụ Tám Tiên thường lên tiếng nói trước :” Ai có phước mới về làm vợ ông Cả. Ba mụ vợ ông đều ăn sung mặc sướng như tiên!” Lão Mai không hiểu chị này nói phước là phước gì, và sướng và sướng là sướng cái chi? Mụ Soạn nói:” Thấy chồng người ta, ngó lại chồng mình phát chán!…Lão Soạn nhà tui không đáng xách dép cho ông Cả…” Lão Mai không hiểu vì sao mụ này tôn ông Cả lên Mây, dìm thằng chồng mình xuống đất đen. Theo chỗ lão nghe bọn chăn trâu trên cánh đồng Cọ thì chồng mụ Soạn về cái khoảng đó là một dị nhân. Thằng cha này ở truồng ngâm mình suốt ngày trong nước lụt cả ngày để vớt súc, phải người khác thì nó đã thun lại mất còn hắn ta chẳng suy suyển gì cả! Một thằng đàn ông ngon lành như thế lại bị vợ chê, đi thèm cái thằng cha như trái ớt nằm đây, người lớn không ra người lớn, trẻ con chẳng ra trẻ con… Còn mấy chị bán cá đồng nói:” Đàn ông con trai ở cái đất ni, không ai bằng ông Cả. Hai ba mụ vợ mà ai cũng có phần…trong ấm ngoài êm…” Lão Mai nghĩ bụng dạ đàn bà lạ quá, vàng thau không biết, hết người rồi mới ca tụng cái lão ớt này.
Lão Mai lần mở mấy hạt nút áo, bày ra một bộ ngực lép. Toàn da và xương. Những chiếc xương sườn nổi lên từng hàng, đếm không sót cái nào. Trên da có rất nhiều đồi mồi mông mốc giống như nấm mốc mọc trên vỏ cây. Ông nằm đó, người dán xuống giường nan tre giữa đống chăn mền cũ, trông giống như mấy thằng con trai nhà Sáu Lốp tắm sông, lên bãi cát nằm phơi nắng. Trong đầu lão Mai hiện lên hình ảnh ba mụ vợ to béo, số sề, lão không nhịn được cười.
Một vài con ruồi vo ve chung quanh. Có con háu ăn sà xuống, bị cái mùi rượu nồng lão Mai phun lúc nảy vội bay lên. Lũ ruồi bu vào sợi dây mùng lòng thòng, kiên nhẫn chờ thêm một thời gian nữa. Lão Mai làm việc xong, vén màn đi ra ngoài, tới nhà ngang thấy ba bà vợ ngồi khóc. Mỗi người khóc một kiểu nhưng tựu trung một ý:” Ông ơi ! Ông đi đâu bỏ ba chị em chúng tôi bơ vơ trên đời này?…” Lão Mai từng chứng kiến nhiều cảnh vợ khóc chồng rất mủi lòng, song lần này lão thấy tức cười. Lão cũng chỉ biết an ủi bằng câu quen thuộc:” Thôi sinh kí tử qui, số phận ông hưởng dương chừng ấy. Bây giờ ông đã thoát tục, trở về với Phật, sung sướng hơn. Đừng khóc lóc để cho vong linh ông dễ siêu thoát…”Lần này nhìn thấy ba con mụ to như cái bồ ngồi khóc kể một thằng cha nhỏ như con nhái, thực là chướng tai gai mắt. Lão bỏ đi ra sân.
Đứng ở sân nhìn ra thấy ngoài hàng rào lô nhô những mái tóc dài, tóc ngắn, tóc uốn, tóc bới lên đỉnh đầu như đội cái bánh ú to. Ai cũng nhón gót cố nhìn vô nhà chỗ ông Cả nằm. Trời còn nắng lắm, bọn đàn bà vẫn đầu trần đứng nhìn, không chịu về làm công việc nhà. Ngoài vườn bóng cây cau lão ngã nghiêng nằm vắt ngang qua vại nước mưa. Lúc này mấy con ruồi trốn nắng bay vào nhà. Chúng bu đen kịt mâm cơm dọn cho bọn trai tráng ăn, chiều nay khiêng áo quan. Con chó cái từ bếp mò lên nhà trên kiếm ăn. Lũ chó con mới biết đi bám theo. Có con bám lủng lẳng vú mẹ. Thấy bầy chó con lão Mai lại nghĩ tới cái lẽ sinh tồn. Mới hôm qua ông Cả còn như con bướm bay lượn nhởn nhơ giũa những mụ đàn bà, nay thành người thiên cổ và chốc nữa đây ra bãi tha ma nằm với giun dế. Bỏ lại cái chõng tre với ba mụ vợ béo. Lão bắt chước cách nói thầy Hữu Đức trên chùa Hồng An luận về cuộc đời:” Không tức thị sắc, sắc tức thị không…” Rồi lão nghĩ, kệ cha nó sắc với không. Đi uống rượu ăn thịt chó cái đã!
Lão đi tới quán, ngồi xem chị Sáu Liễu xắt lòng chó. Chị này vừa xắt vừa đuổi ruồi, mấy con ruồi hung quá, cứ lao vào. Lão Mai nghĩ , chắc là mấy con ruồi từ nhà ông Cả bay tới đây.
Sáu Liễu quay lại hỏi:
- Anh Ba ở nhà ông Cả tới đây phải không?
- Ừ, đúng rồi.
- Tội nghiệp!
Lão Mai hỏi vặn:
- Tội nghiệp cái gì?
Sáu Liễu không trả lời, hỏi:
- Chừng nào chôn?
- Tắt mặt trời mới di quan. Nắng kiểu này kéo một lô đàn bà con nít lên bãi tha ma Hàm Rồng, trúng nắng lại nhiểm cái hơi người chết, về nhà bệnh hết.
Quán Sáu Liễu ế khách, chị ta muốn vào nhà ngủ, lại sợ mất hàng, chị ta đi tới ngồi đối diện với lão Mai, hỏi:
- Người ta đồn ông Cả của nổi cuả chìm nhiều lắm phải không anh Ba?
Lão Mai hiểu cả nhưng giả vờ không biết, hỏi:
- Của chìm, của nổi là của chi?
Sáu Liễu ngáp, nói:” Buồn ngủ quá” song vẫn cứ giảng giải:
- Của nổi là thứ ruộng nương trâu bò, nhà cửa, đồ đạc trong nhà, ai cũng thấy được. Còn của chìm là vàng bạc, tiền nong, cất trong tủ, trong rương xe, bỏ trong túi, lận trong người, người ngoài không thể biết…
Lão Mai nói:
- Của nổi nhiều ít cả làng đều biết. Còn của chìm của ông Cả, tui chắc cả làng này không ai biết, nhất là mấy chị, tưởng bở, tưởng nhiều, tưởng to lớn, ham lắm. Trong làng này chỉ có mình tui với ba mụ vợ của lão biết…
Chi Sáu Liễu nôn nóng hỏi:
- Nhiều ít ? to nhỏ làm sao?
Lão Mai thủng thẳng đáp :
- Chẳng ra làm sao…
Sáu Liễu vẫn chưa hiểu hỏi lại:
- Chẳng ra làm sao là làm sao? Lớn nhỏ?
Lão Mai cười ruồi:
- Nhỏ lắm, chán lắm, chỉ một tẹo !
Sáu Liễu vẫn còn phân vân, không hiểu gì cả, nói bâng quơ một mình :
- Tội nghiệp !