Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.180
123.148.478
 
Người đồng dụ và tâm thế Phật pháp
Vũ Ngọc Tiến

Trên đất nước Việt Nam hôm nay, đi đâu ta cũng gặp những lễ hội cổ truyền, mang đậm bản sắc “Tam giáo đồng nguyên” của Nho- Phật- Lão giáo. “Tam giáo đồng nguyên” là nét đẹp đặc trưng trong sinh họat văn hóa của cư dân đồng bằng Bắc Bộ, là hệ quả tất yếu quá trình tiếp biến văn hóa của người Việt cổ xưa khi đón nhận các tinh hoa văn hóa phương Đông từ hai nền văn minh Hoa- Ấn vô cùng rực rỡ. Dù thế, trong tâm linh người Việt, dường như Phật giáo vẫn là nòng cốt của “Tam giáo đồng nguyên”. Phải chăng vì thế nên vua Trần Thái Tông trong sách “Khóa hư lục” đã viết: “Vi minh nhân vong phân tam giáo- Liễu đắc để đồng ngộ nhất tâm”. Nghĩa là: “Chưa sáng tỏ người ta lầm phân biệt ba giáo khác nhau-  Hiểu thấu triệt thì cùng giác ngộ: chỉ có một tâm”. Tâm ấy chính là tâm Phật!...

 

Hải Phòng, thành phố cảng lâu đời và sầm uất là cái nôi đầu tiên của Phật giáo Việt Nam. Theo nghiên cứu của nhiều vị cao tăng, cư sĩ học giả, khoảng 250 năm trước công lịch, đời Hùng Duệ Vương nước ta thì bên Ấn Độ diễn ra đại hội Phật giáo lần thứ năm, quyết định sẽ cử các tăng lữ đi du thuyết, truyền bá đạo Phật ở các quốc gia trong vùng. Chuyến thuyền đầu tiên chở vị sư Ấn Độ cập bến Đại Việt ở đất Hải Phòng truyền giáo. Sau đó  ngài mới theo đường bộ tìm về kinh đô Văn Lang, giữa đường thấy núi Tam Đảo tụ nhiều linh khí bèn chọn đất xây chùa trên núi, Hùng Duệ Vương đi săn đã từng gặp chùa và cung kính lễ Phật. Vì thế, năm 2005 các Thiền sư và Phật tử cả nước đã góp công sức, tiền của xây dựng Thiền Viện Tây Thiên trên núi Tam Đảo. Mỗi làng quê ngoại thành Hải Phòng đều đang lưu giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của một vùng đất đặc trưng tiêu biểu cho văn hóa Đại Việt cổ xưa, trong đó sâu đậm nhất vẫn là văn hóa Phật giáo. “Đồng Dụ có cam tiến vua- Đình thờ Đại Phạm với chùa Phúc Linh”. Lần theo câu ca dao ấy, tôi tìm về một làng văn hóa nổi tiếng của xã Đặng Cương, huyện An Dương.

 

Đặng Cương là xã thuần nông nghèo của huyện An Dương, mang tên một liệt sĩ anh hùng thời chống Pháp. Nơi đây xưa thuộc đất của hai làng Việt cổ là Đồng Dụ và Tri Yếu, kiến lập từ đời nhà Trần. Sử cũ chép rằng, 800 năm trước, huyện An Dương- Hải Phòng còn là nơi đầm lầy mênh mông, lau sậy um tùm. Nhà Lý suy tàn, nhà Trần thuận theo mệnh Trời, ý Phật, lòng dân lên nắm quyền đã ban hành nhiều chính sách khuyến nông, chấn hưng nước Đại Việt. Cư dân các nơi về đây khẩn hoang lập ấp. Họ tìm thấy rẻo đất bốn bề có sông ngòi bao bọc, ở giữa nổi lên một gò lớn theo thế “Kim tinh lạc thủy” là nơi quý địa nên đã quần tụ quanh gò này lập nên làng Đồng Dụ. Trải bao thăng trầm của lịch sử, làng Đồng Dụ xưa, nay thuộc xã Đặng Cương vẫn tiếp nối truyền thống anh hùng của tổ tiên, đem Hạnh vô ngã của Phật tổ mà xả thân vì nền độc lập của dân tộc. Thời chống Pháp, Đồng Dụ là cơ sở du kích mạnh vùng ngoại ô Hải Phòng. Giặc Pháp đã tổ chức 32 cuộc hành quân vẫn không thắng nổi 60 tay súng du kích kiên cường, được nhân dân hết lòng che chở, đào hơn 400 căn hầm bí mật bảo vệ. Sang thời chống Mỹ, máy bay giặc đã bắn phá vào xã 112 trận với 261 quả bom tấn, 10 vạn quả bom bi, bom xuyên… Đồng đất nơi đây với 7 trận địa pháo phòng không của sư 363 và 10 trận địa của dân quân đã thành pháo đài kiên cường đánh chặn máy bay Mỹ, bảo vệ thành phố cảng. 25% dân số của xã tình nguyện nhập ngũ hoặc tham gia thanh niên xung phong trên khắp các chiến trường. Sư sãi cũng tham gia vác đạn hay nấu ăn, lau nòng pháo cho bộ đội…

 

Đất nước an bình, Đặng Cương trong quá trình phát triển, chính quyền nơi đây luôn trân trọng đời sống tâm linh của cộng đồng, chủ trương khôi phục và phát huy những giá trị văn hóa cổ truyền. Giờ đây xã đã phát triển thành nhiều thôn, nhưng vẫn lấy hai làng cổ Tri yếu, Đồng Dụ làm gốc để lập kế hoạch xây dựng làng văn hóa. Đồng Dụ là một trong những làng ngoại thành Hải Phòng có phong trào khôi phục Hương ước cổ, chuyển hóa thành Hương ước làng văn hóa mới vào đầu những năm 90 của thế kỷ XX. Đền thờ Phật bà của làng được dân đóng góp duy tu, tôn tạo vừa là nơi thờ cúng linh thiêng, vừa là nơi hội họp của các bậc phụ lão thường xuyên theo dõi, động viên con cháu thực hiện những điều khỏan thiết thực trong quy ước làng văn hóa mới. Tương truyền ngôi đền rất thiêng, có từ đời vua Lê Trung Tông (1548- 1556). Huyền tích dân gian kể rằng có bà ni sư Đào Xuân Nương trên đường chu du khắp nơi để tu tâm rèn tính, truyền bá giáo lý nhà phật, ghé trang Đồng Dụ, gặp cảnh trớ trêu giữa đường, bà phải ngâm mình dưới ao bèo lánh mặt. Vô tình bà gặp tảng đá trắng nổi lên, bèn mang theo bên người. Đêm ấy bà nằm nghỉ ở ngôi chùa nhỏ thuộc trang Trường Duệ, nửa đêm các phụ lão ở 4 trang Đồng Dụ, Trường Duệ, Hoàng Lân, Lương Quy bỗng mơ thấy Phật tổ về báo mộng, ban cho Phật bà hiện hình hòn đá, âm phù hộ quốc cứu dân qua cơn họan nạn suốt 2 thế kỷ. Sau này, Phật bà lại báo mộng phù hộ cho anh em Trịnh Kiểm, Trịnh Tùng đánh tan quân nhà Mạc, thu phục kinh đô, nhà Lê Trung Hưng kéo dài thêm 200 năm, còn dân chúng 4 trang vừa nêu cũng được phù hộ quanh năm mưa thuận gió hòa... Huyền tích xưa dẫu có đôi nét thần bí, nhưng nó thể hiện khát vọng ngàn đời của người Đồng Dụ đơn giản chỉ là hòa bình, an lạc để họ yên tâm sản xuất, nuôi dạy con cháu sống hiền hòa theo giáo lý của Phật tổ, Bồ tát…

 

Chùa Phúc Linh có từ đời vua  Lê Trung Tông (1548- 1556), tọa lạc trên gò đất cao của làng Đồng Dụ, bị thời gian và chiến tranh làm cho hư nát toàn bộ. Vườn chùa rộng hơn 3 mẫu đất Hợp tác xã cũng đã chia cho dân trồng trọt. Tháng 9 năm 2001, Thành hội Phật giáo Hải Phòng thể theo nguyện vọng dân làng đã cử Đại đức Thích Bản Hoan về cùng dân Đồng Dụ xây lại chùa Phúc Linh giữa muôn vàn khó khăn, thiếu thốn mọi bề. Vị Đại đức tuổi còn trẻ, nhưng tri thức thông tuệ, giàu nghị lực và quyết tâm nên chỉ trong thời gian ngắn đã xây xong ngôi chùa đơn sơ mà vẫn tôn nghiêm, thu hút đông đảo Phật tử về tụ họp, sinh họat tín ngưỡng ngày rằm, mồng một hay lễ tết. Thày Hoan luôn tâm niệm: “Hành Như Lai Sứ, Tác Như Lai Sự” (Nghĩa là đâu chúng sinh cần ta đến, đâu Phật pháp gọi ta đi). Thầy ưa giao tiếp, học hỏi nên nhiều vị cao niên, uyên bác mặc áo cư sĩ  cũng sẵn lòng cùng thày nghiên cứu kinh sách, đàm đạo Phật pháp. Uy tín của thầy Hoan bén rễ sâu vào các cấp chính quyền, đoàn thể và nhân dân trong vùng như một cơ duyên tiền định. Sức trẻ và niềm đam mê lý tưởng Phật giáo hun đúc nghị lực cho thầy Hoan miệt mài học tập để không ngừng trau rồi Hạnh vô ngã, Hạnh tinh tấn. Thầy tốt nghiệp Học viện Phật giáo cảm thấy vẫn còn chưa đủ, lại đang học thêm khóa bồi dưỡng MC do đài VTV tổ chức và hiện đang theo lớp hàm thụ đại học báo chí. Nhưng sự học của thầy không để cầu danh, cầu lợi mà vì chữ tâm được khai mở. Thầy cũng thấm nhuần lời dạy của Trúc Lâm Thiền tổ rằng, người tu hành có Hạnh vô ngã, Hạnh tinh tấn chưa đủ, còn phải có Hạnh tự giác- giác tha, đem sự học của mình gỡ bỏ cái vô minh cho chúng sinh khỏi vòng nghiệp chướng Tham- Sân- Si. Trong phép ứng xử Lục Hòa (gồm thân hòa- khẩu hòa, ý hòa, kiến hòa, giới hòa và lợi hòa), thầy Hoan tâm niệm Thân Hòa là quan trọng nhất. Và vì thế, thầy đem thân mình hòa vào mọi họat động xã hội của Hội liên hiệp thanh niên thành phố Hải Phòng và huyện An Dương, được chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trao tặng bằng khen trong lễ tuyên dương 75 thanh niên xuất sắc tiêu biểu của cả nước năm 2006.

 

Chùa Phúc Linh sau hơn 7 năm trụ trì của Đại đức Thích Bản Hoan, giờ mỗi ngày thêm khang trang, bề thế, trở thành trung tâm sinh họat tín ngưỡng đông vui, tấp nập của cộng đồng làng xã. Vườn chùa rộng 3 mẫu đất xanh mát bóng cây, đơm đầy hoa trái. Tiếng tụng kinh gõ mõ vang đều giữa khung cảnh yên bình càng khắc đậm thêm nét đẹp của làng văn hóa Đồng Dụ. Trong cái mang mang của gió, cái ngất ngây của hương sắc, cái mờ ảo của khói nhang nghi ngút…ta như lạc vào cõi Phật, được siêu thoát, đắm mình trong những câu kệ của Trúc Lâm Thiền tổ trong bài “Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca”, khi ngài hạ sơn giảng đạo ở chùa Sùng Nghiêm:

“... Trần duyên rũ hết

Thị phi chẳng nề

Rèn một tấm lòng

Đêm ngày đon đả

Ngồi cong trần thế

Chẳng quản sự thay

Văng vẳng ngàn kia

Dầu lòng dong thả…”

Chỉ ngần ấy thôi cũng đủ cho chùa Phúc Linh thu hút du khách thập phương về với Đồng Dụ. Cụm danh thắng Đình- Đền- Chùa ở đây là điểm nhấn văn hóa tâm linh, tạo nên giá trị trường tồn của một vùng quê đồng bằng Bắc Bộ và Đại đức Thích Bản Hoan là hình mẫu của phương châm sống “tốt đời đẹp đạo” trong giới tu hành đất cảng. Thầy tổ chức quỹ khuyến học giúp đỡ trẻ em nghèo, hóa giải mâu thuẫn cho từng hộ dân, giao lưu với sinh viên tình nguyện Hàn Quốc đến thăm thành phố Hải Phòng…Những đóng góp của Đại đức Thích Bản Hoan cho chùa Phúc Linh và cộng đồng làng xã là không nhỏ, được dân và chính quyền ghi nhận. Nhưng thầy Hoan luôn né tránh nói về mình, chỉ hết lời ca ngợi công đức của chư vị sư cao minh trong vùng và các đời sư trụ trì tiền nhiệm. Uống nước nhớ nguồn, đầu năm 2005, chùa Phúc Linh với sự đề xuất của thầy Hoan đã khởi công xây dựng ba ngôi bảo tháp: Một ngôi thờ công đồng chư vị sư tổ  tiền khai sáng; một ngôi thờ sư tổ chùa Đồng Giới; một ngôi thờ Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Thục, hiệu Viên Minh- nguyên là sư trụ trì chùa Phúc Linh, người đã hiến trọn đời mình cho đạo pháp của dân tộc trên quê hương Đồng Dụ. Ngày 11/12/2005, tức ngày 11 tháng 11 âm lịch năm Ất Dậu, lễ cung nghinh Xá lợi cố Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Thục nhập tháp được tổ chức long trọng với sự hiện diện của các vị cao tăng trong Hội Phật giáo Việt Nam và Thành hội Phật giáo Hải Phòng, cùng đông đảo tăng ni phật tử trong vùng. Kể từ đây, ngày 11 tháng 11 âm lịch hàng năm sẽ là ngày giỗ tổ của chùa Phúc Linh và đó cũng là tâm nguyện thầy Hoan hằng ấp ủ...

 

Làng văn hóa Đồng Dụ giờ đây gồm 3 thôn Dân Hạnh- Hòa Nhất- Tự Lập là trọng tâm quy hoạch phát triển của xã Đặng Cương theo hướng dịch chuyển cơ cấu cây trồng từ cây lúa sang hoa, cây cảnh và nuôi trồng thủy sản, kết hợp với dịch vụ văn hóa và du lịch sinh thái. Ngoài đặc sản hoa hải đường, những năm gần đây dân Đồng Dụ đã đưa về một nghề mới là trồng đào cảnh, quất cảnh, đạt thu nhập hàng trăm triệu đồng một ha mỗi năm, đời sống vật chất và tinh thần của dân Đồng Dụ được nâng lên rõ rệt. Có lẽ đây là thế mạnh vốn có lâu nay của Đồng Dụ. Song theo thầy Hoan, để đánh thức tiềm năng của làng, tiến lên sản xuất hàng hóa lớn, chiếm lĩnh được thị phần trong nước và xuất khẩu, người Đồng Dụ cần được Nhà nước hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, cơ sở hạ tầng và tiền vốn. Mặt khác, những hộ nông dân trồng hoa, cây cảnh cũng cần liên kết lại trong tổ chức Hội nghề nghiệp để hỗ trợ nhau đa dạng hóa sản phẩm, khai thác thị trường, thiết lập mạng lưới tiêu thụ…Hương ước làng cổ mộc mạc, chân quê và phép ứng xử Lục Hòa của Thiền tổ Trúc Lâm là cơ sở nhân văn cao đẹp, dễ hiểu, mau thấm biết bao so với các mớ giáo điều xơ cứng khác, giúp họ liên kết làm giàu cho mình và cho quê hương Đồng Dụ- Đặng Cương. Thầy Hoan luôn động viên dân làng cố làm được điều đó, góp phần làm giàu thêm bản sắc văn hóa một vùng quê đất cảng.

 

Hà Nội ngày Vu Lan- Mậu Tý

Bài đăng báo văn Nghệ Trẻ số 34 (2008)

Vũ Ngọc Tiến
Số lần đọc: 3529
Ngày đăng: 30.08.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Có một dòng sông để thương, để nhớ - Minh Tứ
Phác thảo sử ký rượu quý Kim Long - Nguyễn Hoàn
Saigòn – những ngày tháng 9 – 1945 - Khổng Ðức
Lại Ốc - Bao giờ chú Tễu lại cười - Phạm Minh Hoàng
Dấu tích người vợ bất hạnh của vua Thành Thái bên dòng Ô Lâu - Nguyễn Hoàn
Gửi lại PLeiku - Minh Tứ
Những mộ phần không cô đơn - Nguyễn Hoàn
Thịt chuột ký sự - Phạm Minh Hoàng
Trở lại Xứ Thanh - Nguyễn Nguyên An
Phương nam ký sự - Minh Tứ
Cùng một tác giả
Âm bản chiến tranh (truyện ngắn)
Gà ô tử mỵ (tuyển truyện)
Rồng đá (truyện ngắn)
Chàng gàn (truyện ngắn)
Lão Hợi (truyện ngắn)
Tam tấu hoa (tạp văn)
Thế là…Chị ơi ! (truyện ngắn)
Quán thiêng (truyện ngắn)
Hà Chính (truyện ngắn)
Tam ngưu tương mệnh (truyện ngắn)
Ma mèo (truyện ngắn)
Lục hòa (truyện ngắn)
Thằng hủi (truyện ngắn)
Chù Mìn Phủ và tôi (truyện ngắn)
Lớp trẻ (tạp văn)
Thiền Sư Kiến Đức (truyện ngắn)
Dốc Đầu Lâu (truyện ngắn)