Có thể nói, Thơ Mới là loại thơ nói, rất gần với văn xuôi. Một văn xuôi đẹp. Người đọc chỉ cần ghép các câu thơ lại là thành một đoạn văn xuôi có vần điệu.
Xuân Diệu: “Khách ngồi lại cùng em trong chốc lát. Vội vàng chi, trăng sáng quá khách ơi. Đêm nay rằm, yến tiệc sáng trên trời. Khách không ở, lòng em cô độc quá. Khách ngồi lại cùng em, đây gối lả. Tay em đây, mời khách ngả đầu say…”. Hay Chế Lan Viên: “Một ngày biếc, thị thành ta rời bỏ, quay về xem non nước giống dân Chàm…”
Còn thơ hiện đại thì khác. Thanh Tâm Tuyền:
Ở cuối đêm
em rũ tóc nói những lời mê sảng
những ám hiệu
của mặt biển đen không tình yêu tuyệt vọng
anh xé tóc em cùng những cánh lá chết
mùa thu
gây thương tích nơi cườm tay
anh xô ngã em tờ chóp đỉnh hạnh phúc
(“Đêm” trong Tôi không còn cô độc)
Nguyễn Bình Phương:
Nhìn thật kĩ hàng cây thành đỏ
Màu đỏ giăng trập trùng ngang trời
Sáng trong bóng tối
Một đôi mắt mèo
Một ngày không ai
Con đường vắng hồn hoa đi lảo đảo…
(“Đêm ngà ngà”, trong Nguyễn Việt Chiến, Thơ Việt Nam, tìm tòi & cách tân, NXB Hội Nhà văn & Công ty Văn hóa trí tuệ Việt, 2007)
Không thể ghép chúng thành một đoạn văn xuôi. Sự đứt quãng của ý nghĩ, hình ảnh, như thể chúng không ăn nhập gì với nhau. Chỉ còn lại nhịp điệu nội tại, hay nói khác đi, hơi thơ-hơi thở có mặt ở đó, tạo thành thể thống nhất để ta gọi: nó là thơ.
Đó là một trong những cái đẹp của thơ hiện đại. Một cái đẹp hơi… khó hiểu đôi chút. Khác hẳn với truyền thống thơ ca từng được biết đến trước đó.
Một cái đẹp khác, là sự thiếu và thừa chữ trong thơ hiện đại. Xét trường hợp của hai nhà thơ Thơ Mới trên, ta thấy không có từ thiếu hay thừa (có, nhưng rất ít, và không tiêu biểu) để làm chúng thành đoạn văn xuôi có nghĩa. Nhà thơ hiện đại thì khác. Có thể “thiếu từ” như Trúc Thông:
GỞI BẠN
buổi sáng nguyên
tâm hồn nguyên
bạn hiền in nét
lúc
không giọt cà phê đậm
làu khói thuốc
sáng – tâm hồn con gái sắp lên hai
xuyên bức tường vô tận nhất – thời gian
một mũi tên bay mãi
hôm qua nó xâu táo quả tim ba chúng ta
giữa ngày tôi gặp nạn
lẳng lặng mũi tên xuyên
ba chàng trai đã sống trên đời
nửa thế kỉ
ba phương trời
(trong Ma-ra-tông, NXB Văn học, H., 1993)
Muốn thành một đoạn văn xuôi, ta cần thêm vài hư từ với diễn giải cần thiết, để dễ nắm bắt. “Thiếu” này tạo nên chông chênh, dễ đổ của nhịp thơ Trúc Thông. Có thể nói, cái hay của thơ Trúc Thông là cái hay “thiếu”, Nguyễn Quang Thiều thì ngược lại, cái hay của sự “thừa”.
Những cái tên đều đều vang lên trên mặt đá hoa cương rồi đời đời im lặng
Tôi nhìn thấy hàng cây mới trồng trên bến bờ của thế gian
Một ngôi sao bay về đậu lên trên trán
Ánh sáng chan hoà chảy trong máu xương tôi.
Đêm rền vang tiếng thở hơi của những cây kèn
Tôi là nhạc công sót lại cuối cùng bước dần ra phía sáng
Trong nghi lễ của đất đai, của bầu trời, tôi nâng kèn, ngước mắt
Tất cả những cánh đồng loa kèn bùng nổ – Bình Minh.
(Trong Bài ca những con chim đêm, NXB Hội Nhà văn, H., 1999)
Khá nhiều từ có thể lược bớt cho tươm tất hơn, mà đoạn thơ vẫn trọn vẹn ý nghĩa. Nhưng sự thừa này góp sức không nhỏ tạo nên nhịp điệu của riêng Nguyễn Quang Thiều, không thể lẫn. Mà thơ hiện đại, nhịp điệu (rhythm) nội tại mang tính quyết định, chứ không phải vần. Bởi, nói như Charles Hartman: “Nhịp điệu đóng góp toàn bộ ý nghĩa của bài thơ, và phép làm thơ là chuyển nó trở thành ý nghĩa”.
Sài Gòn, mùa nắng 2008.