Có bao nhiêu nhà văn là có bấy nhiêu thi pháp. Thi pháp bắt đầu từ cội nguồn sáng tạo. Cảm hứng sáng tạo càng thăng hoa thì thi pháp biểu hiện càng rực rỡ, độc đáo. Cuộc sống là vô cùng, còn nhà văn là hữu hạn. Muốn viết gì thì viết đó là quyền của nhà văn, nhưng cần làm chủ tư liệu, vốn sống, trải nghiệm và quyền biết đưa cái vặt vãnh, cái mọi người không nhìn thấy thành cái lấp lánh, cái điển hình của xã hội. Phản ánh là sáng tạo để tìm ra cái đẹp của đối tượng miêu tả. Phản ánh mà như soi gương, như chụp hình nghe ra không ổn. Một hoạ sĩ người Đức có nói dí dỏm rằng: “Vẽ một con chó giống con chó thật ngoài đời thì anh ta có hai con chó, chứ không có nghệ thuật”. Nghệ thuật có trăm nghìn cách nói, có thể phóng to và thu nhỏ, lấy cái bình thường để nói cái phi thường; đi vào trực giác bản năng, tiềm thức để đào bới cái chìm nổi của số phận con người, đưa cái ước mơ thầm kín của những nhân vật ra ánh sáng, nghĩ tới tương lai để đổi lấy cái hiện thực nghiệt ngã đang trói buộc họ....
Với cảm thức như vậy, tôi tìm đọc tập truyện “Vú Cát” của Cao Hạnh, và tìm thấy ở những trang viết của ông những đồng cảm tương ứng. Mười sáu truyện trong “Vú Cát” là hàng chục số phận ngang trái khác nhau, có con người và ác quỷ, cao thượng và thấp hèn, lương thiện và bất nhân, ánh sáng và bóng tối...., nhưng lạ thay, phần lớn nhân vật trung tâm lại là những phụ nữ bất hạnh. Bà Chính với tấn bi kịch của người mẹ khi hai đứa con ở hai chiến tuyến (Vú Cát); Dì Hai mà tình yêu ngang trái, bị đánh lừa, vẫn chung thuỷ với mối tình đầu (Chiếc khăn che mặt); Năm cô gái thanh niên xung phong đã hy sinh, nhưng bất tử bởi họ đã hoá vào đá, lăn vào cây, biến thành khí thiêng sông núi (Năm cây hoa gạo). Chuyện người mẹ miền Trung mang cánh diều - một báu vật hoài niệm tuổi thơ của đứa con trai lúc 12 tuổi, đã hy sinh oanh liệt ở thành cổ Quảng Trị lúc tuổi 16.
Cánh diều ấy hôm nay bay lên giữa đài tưởng niệm trong thành cổ kiêu hãnh, và người mẹ không cô đơn trong vòng tay ấm áp của đồng đội con....(Người thắp hương trên cánh diều).....
Truyện ngắn của Cao Hạnh là bộ sưu tập gồm những chân dung cõi người vừa thiêng liêng, thánh thiện, vừa long đong trắc ẩn, vừa hư vừa thực. Ở đó chất muối mặn của đời đã lắng cặn, có cả lòng vị tha và sự trả thù hẹn hạ ngay cả người thân; ở đó có những tình cảm thiêng liêng vừa khó hiểu của con người, nhưng cũng có những biểu tượng, những ý tưởng....như một bài thơ. Vậy cái gì làm nên hiệu quả sáng tạo ấy?
Nếu sức tưởng tượng, quy luật liên tưởng là cội nguồn của sáng tạo văn chương, thì trong truyện ngắn “Vú Cát”, Cao Hạnh đã sử dụng chúng như những biện pháp nghệ thuật “đắc địa” và ông đã thành công nhờ thế giới nội tâm phong phú của nhà văn. Vú Cát là hình tượng ẩn dụ, nói lên sức sống của con người, sự sinh sôi của người mẹ, chủ nhân chính đời sống tự nhiên của con người vừa khắc nghiệt, chứa đầy nghịch lý vừa khoan dung và “có hậu”, có hậu cả trong giấc mơ. Mượn truyền thuyết về mối tình siêu nhiên giữa trinh nữ tự do và hình nhân một vì sao sinh ra một trăm đứa con có cánh vv....người đọc liên tưởng ngay đến bà mẹ Âu Cơ; nhưng không chỉ dụng ý nói lên truyền thống dựng nước cha Rồng, mẹ Tiên của dân tộc Việt, mà còn muốn nói đến những mặt trái, xấu xa, thấp hèn ngay trong từng dòng họ mình, bi kịch trong gia đình bà Chính, nơi có hai người con ở hai chiến tuyến. Giả sử không có cái biểu tượng Vú Cát, không có truyền thuyết về nghĩa địa họ Hoàng, tôi tin chắc rằng, chuyện kể về bi kịch gia đình bà Chính sẽ rơi vào cấp độ truyện ngắn trung bình, nhàn nhạt của hàng trăm truyện khác viết về đề tài chiến tranh và hậu chiến. Nếu sức tưởng tượng là phẩm chất của nhà văn, thì ít ra ở tập truyện này Cao Hạnh đã đuổi kịp những bước chạy kỳ diệu của sức tưởng tượng. Đọc Truyền thuyết một làng hoa, người đọc chắc chắn sẽ đồng cảm với những câu văn có vẻ đẹp trong suốt về một làng hoa: “Vào những đêm trở trời, người ta thấy có một vầng sáng mang hình con rồng bay lơ lửng giữa không gian. Vầng trăng bay đến đâu nghe mùi hương thơm nức ở đó. Người ta còn nghe tiếng nói sang sảng từ vầng sáng vọng ra: “Hoa lá là hồn đất, hồn quê góp phần làm nên sinh khí....”.
Một trong những đặc điểm của truyện ngắn là ít nhân vật, ít sự kiện phức tạp, cốt truyện thường xảy ra trong một không gian hẹp, thời gian không dài, nhưng bù lại là nó được nhà văn săn tìm những chi tiết đắt (Chi tiết đắt chứ không nhồi nhét nhiều chi tiết) tức là đi tìm cái bản chất của chi tiết, biến cái tưởng như vặt vãnh thành cái có ý nghĩa, lấp lánh trước người đọc. Chi tiết đắt thường dẫn đến kịch tính của cốt truyện. Trong Sự tích chùa Trinh nữ, một câu chuyện bà kể vừa thiêng vừa tục, vừa đạo vừa đời, vừa phảng phất chuyện xưa vừa có không khí hiện đại. Chuyện cô gái xinh đẹp đi bán trinh để lấy tiền nuôi cha đau ốm là mô típ không mới cả trong văn chương và trong cuộc đời. Sức hấp dẫn của truyện là sự đan kết các chi tiết “đắt” tình huống bất ngờ. Cái bất ngờ ban đầu là chuyện cô gái không ra thành phố xa hoa, sợ lây bệnh, mà đến một làng quê, lại là miền đất thiêng, kiêng cử chuyện phàm tục; chuyện cô gái “mặc cả” với những tên hương lý về chuyện “bán phấn buôn hương” bằng bất cứ giá nào, miễn là có tiền nuôi cha. Nhưng không thành; tự sát là “phép mầu” của số phận bi thảm. Tiếng dữ đồn xa, cô gái bị hiếp! Nhưng ai là thủ phạm? Ba vị hương lý đổ cho nhau, và để hợp với lôgic quyền lực, họ đổ tội lên đầu thằng Cò, một cố nông, kẻ ngụ cư khốn khó lĩnh án tù. Nhiều năm sau mãn hạn tù, con người bị oan khuất ấy trở thành ông già Cò, một người đàn ông không may thiếu hụt cái vật thiêng Trời cho, thì làm sao có chuyện bịa đặt oan uổng? Chi tiết làm cho người đọc bàng hoàng, giật mình, xót xa thay số phận người trong truyện chính là chi tiết giải oan và được dân lập đền thờ. Thờ nàng Trinh nữ và cả người đàn ông xấu số. Đây là truyện ngắn hay nhất, đượm tính nhân văn nhất của tập truyện.
Một nhà văn nổi tiếng nước ngoài có lần nói rằng, viết về những người nổi tiếng không khó; nhưng viết về những con người không tên tuổi, những số phận bình thường thật không hề dễ dàng. Có thể tranh luận ở vế thứ nhất, nhưng lập luận thứ hai thì nhà văn nào cũng có thể chiêm nghiệm được. Bởi viết về những người không nổi tiếng, ngoài tư liệu, sự kiện, kỷ vật, nhân chứng vv.....nhà văn phải lao động cật lực, biết chọn lọc, khám phá, khái quát hoá. Năm Cây Hoa Gạo là một bài thơ bởi ở đó những trang viết là những dòng hoài niệm khăc khoải về miền đất máu lửa một thời. “Tại sai giữa đại ngàn lại có năm cây hoa gạo mọc thẳng tắp một hàng. Có điều gì bí ẩn của thiên nhiên đất trời đây chăng? Năm cây hoa gạo lẳng lặng đội một màu lửa râm ran dâng trời....Tôi đứng lặng thả hồn trong cơn gió thổi, ngắm nhìn những cánh hoa rơi rơi như một cơn mưa hồng thoáng nhẹ trước mắt”. Tôi không bình luận gì thêm nữa, chỉ biết rằng, Cao Hạnh đã có những giây phút xuất thần mượn biểu tượng cây hoa gạo có màu đỏ rực rỡ để tôn vinh công trạng to lớn của năm cô gái thanh niên xung phong đã hy sinh không hề biết tên tuổi nhưng lại trở thành những người con bất tử trong lòng sông núi quê hương.
Nguyệt trong Người Đàn Bà Lội Sương là một phụ nữ bình thường, là thanh niên mở đường Trường Sơn trong những ngày chiến tranh ác liệt, nhưng số phận lại hẩm hiu; đã đánh rơi hạnh phúc trong tầm tay, để rồi ân hận suốt đời khi được tin người yêu, chiến sĩ lái xe đã anh dũng hy sinh; để rồi khi ở tuổi xế chiều, khát khao mong được chức năng làm mẹ, thì Trời cũng chỉ cho chị đi tìm kiếm đứa con rơi của người lạ.....Cái nhan đề truyện mang tính ẩn dụ, gây tính hiếu kỳ của người đọc, Người ta nói: lội nước, lội suối, “Có phúc đẻ con biết lội.” Chứ mấy ai nói lội sương!? Lội sương chỉ ra một hành trình mờ mịt, con đường vô vọng giữa biển sương mờ đục trong đêm lạnh muộn màng của đời Nguyệt. Triết lý của truyện là hãy trân trọng giữ lấy những gì được coi là hạnh phúc mà mình đã đạt được, nhất là trong tình yêu thiêng liêng, trong lao động chân chính.
Còn có thể nói thêm những cái được và cái chưa được của tập truyện, nhưng để khỏi phiền hà người đọc, hơn nữa để tôn trọng sự thẩm định của họ, bởi sự thẩm định văn chương thường dựa vào sự cảm thụ thẩm mỹ mà thị hiếu là cơ sở. Xin nói đôi chỗ về sự thiếu hụt. Những tìm tòi từ ngữ mới trong truyện ngắn là cần thiết, nhưng cần thận trọng. Tiếng cười sắc lạnh như thuỷ tinh đập vỡ.........thả một nụ cười; đôi mắt như nắng .......còn có thể chấp nhận được; nhưng khi tác giả viết những hình dung từ kèm theo danh từ hay động từ quá “lạ” thì chưa chắc đã được số đông đồng tình: ngáy rường rược; giọng vóng vót, tiếng thở hào hển, dòng sông thao thiết, mắt làng ngàng nhìn ....
Trong tiến trình phát triển văn học nước ta mấy thập niên qua, truyện ngắn là thể loại có nhiều thành công và được nhiều người đón đọc, nhưng truyện ngắn hay mang đậm chủ nghĩa nhân văn không nhiều. Trong tình hình đó, sự xuất hiện Vú Cát là một đóng góp đáng khích lệ vào phương hướng sáng tạo nền văn chương Dân Tộc - Hiện Đại nước ta thời hội nhập.