Crừm… ừmừm áoo… Crừ… ừm áoo… Hai mắt trắng dã thôi miên. Bốn cặp nanh trắng hếu đe doạ. Người đàn bà đứng như trời trồng dưới ánh trăng xanh mờ ảo. Đầu tiên là những sợi sắt cong vẹo sang một bên, rồi cái lỗ trống hoác hiện ra, lệnh từ não truyền liên tục đến đôi chân nhưng chân vẫn bất tuân, bất động. Bỗng một vệt tối sầm như trời vừa sập xuống. Con báo hất ngã ngửa người đàn bà thân không manh vải. Khối đen đè lên tấm thân trắng nõn. Nhanh như chớp hai chiếc răng nanh phập phập vào cổ nạn nhân. Bập! Rựp! Âm thanh lạnh toát xương sống ấy phát ra chính là cái kết thúc ghê rợn mà con báo dành cho người đàn bà, nó đã đớp một phát tợp hết khuôn mặt. Đôi mắt to có hàng mi rậm cong, cái mũi dọc dừa thanh tú, đoá hoa môi luôn mang nụ cười hàm tiếu… phút chốc chỉ còn là vốc thịt lẫn máu đỏ lòm. Người không còn mặt dồn sức tàn vồng nẩy người lên lần cuối rồi bất động, cái đầu máu ngoẹo qua một bên. Máu phun xì xì như vòi nước nén để tưới phong lan, nhưng đây là máu, những vòi máu phì phì yếu dần, yếu dần, vũng máu dày lên, duềnh lên, lan ra, lan ra…
Cảnh tượng rùng rợn ấy thường xuyên ám ảnh tôi trong từng giấc ngủ mơ. Thời gian đó, lần nào ngủ dậy người tôi cũng rịn ướt mồ hôi lạnh, giấc chiêm bao nào cũng là ác mộng, cũng đầy tiếng ú ớ thảng thốt, sợ hãi. Người tôi gầy rộc đi. Đó là thời gian tôi xung phong đi thực tế ở miền núi về, chuyến đi ấy để lại trong tôi nhiều vết thương, phần bị xe trượt lật xuống dốc núi, phần vì… lũy báo.
…Mưa tầm tã ba ngày ba đêm, mọi vật đều ứ trào nước, tôi lội bì bõm trong làn nước vàng đục chảy ngược con đường dốc. Theo hợp đồng với chủ tịch huyện, chúng tôi, mấy anh em ở Hội Văn Nghệ, phải đi thực tế và viết xong quyển sách giới thiệu truyền thống, các thành quả và tiềm năng của huyện T vào cuối tháng mười để sách ra kịp thời phục vụ ngày Kỷ niệm chiến thắng Đồng Rây, vậy nên giá nào chúng tôi phải có mặt đúng hẹn.
Đón tôi là một thanh niên đầu hớt tóc đinh nhưng râu quai nón rậm rịt quanh mặt. “Lên đường thôi !” Tôi dường như nghe tiếng nói phát ra từ bộ râu rậm rịt ấy. Chiếc jeep mui trần, hai cầu, chạng bánh ra leo từ từ lên dốc núi trơn trợt. Người đón tôi thỉnh thoảng ném vào tôi cái nhìn với hai đồng tử nhỏ bằng mũi kim. Nước chảy trơ lõi sét, trơn đến mức tôi cứ nghĩ khó có một thứ gì bám được trên dốc núi này, vậy mà chiếc xe vẫn trườn lần lên. Qua mấy khúc quanh gập ghềnh, qua một lòng suối lởm chởm đá và nước bùn, chúng tôi đến xã Koong Rư. Trạm kiểm lâm Số Một là địa điểm đến của chúng tôi, nhiệm vụ của tôi là tiếp xúc, phỏng vấn một phụ nữ giữ rừng đang là trạm trưởng ở đây.
Trời vừa sập tối nhưng trăng đã lên cao, mưa vẫn còn lây phây, tôi và cô trạm trưởng ngồi trên sàn nhà gỗ, từ lúc nào anh tài xế đã lăn kềnh ra ngủ cùng hai anh kiểm lâm vừa đi tuần về. “Ở đây, chúng tôi ngủ như gà vậy đó.” Cô trạm trưởng tự nhận xét. Hỏi và ghi chép liên tục cả tiếng đồng hồ làm cho cả hai đã bắt đầu thấy mệt mỏi. Với ý định lãng ra ngoài lề nhằm tạo không khí nhẹ nhàng, thoải mái, tôi chỉ ra bức lũy rào không phải đắp bằng đất mà xây bằng đá có nhiều cấp lên xuống từ bên trong, phải gọi đúng nó là bức thành lũy kiên cố bao quanh ngôi nhà gỗ, dưới ánh trăng, công trình bảo vệ này hiện ra như một mảng trắng mơ hồ, tuy đã sụp lở nhiều chỗ tạo vô vàn hốc đen nhưng vẫn còn hình thù của bức lũy rào, tôi nói: “Trưởng trạm là phụ nữ nên trạm có rào lũy kiên cố quá há”. Không ngờ câu nói vui lại làm ánh mắt cô căng hơn, hình như cô ấy vừa thoáng rùng mình, cô đưa mắt ra xa, giọng lạnh lùng: “ Không phải vậy đâu. Ngày trước, đây là nhà của hạt trưởng Hạt kiểm lâm, ông ấy đã chết ba năm trước rồi. Căn nhà gỗ quý giá này bị tịch thu làm trạm kiểm soát cửa rừng. Lũy rào đó một thời là nỗi khiếp sợ của con người quanh đây. Người ta gọi nó là “ lũy báo ”. Đột ngột đứng dậy bỏ mặc tôi ngồi đó, cô trạm trưởng vào bên trong nhà. Lát sau, cô đi ra với cây đèn hột vịt trên tay, cô ngồi xuống và kể câu chuyện rùng rợn nhất mà tôi được nghe từ trước đến giờ.
… Nhận chức hạt trưởng mới được nửa năm, Tuân đột ngột trở thành một con người hoàn toàn khác lạ, từ tính cách, lời ăn tiếng nói, thái độ hành xử như người nhà trời... Và khác lạ hơn hết là Tuân cho xây thành lũy dày cao bọc quanh vườn nhà mới, ngôi nhà mà Tuân vừa tạo cho vợ bé và người mẹ già đã lú lẩn của mình, trên toàn bộ mặt tường, Tuân làm lồng sắt phủ kín, chỉ thiếu cái hào sâu bên trong la nó giống y lũy thành của một căn cứ địa ngày xưa, nhưng lính tuần bên trên được thay bằng một thứ khủng khiếp hơn cả lính tuần của bất cứ thời đại nào. Một buổi sáng, người ta nghe từ chiếc lồng sắt ấy mấy tiếng kêu lảnh lói, dân làng ngước cổ nhìn lên, không ai tin vào mắt mình nữa: Một con báo gấm hai mặt dị kì, hai miệng, hai mũi, hai mắt, bốn cặp nanh, thân hình dài hơn cả thước đang trườn thoăn thoắt trên lũy thành. Con báo thấy người dừng lại, đứng nhìn. Kinh hoàng, người người im thin thít, không dám động cựa, biết là con báo trong lồng sắt nhưng người ta có cảm giác với con báo hai mặt đó, những sợi sắt tám đan dày đặc trên tường rào trở thành quá mỏng manh, nên vẫn sợ điếng. Sau một hồi chết lặng vì đi từ hướng nào, đi đến đâu họ cũng thấy mấy con mắt trắng hếu của con báo hai mặt nhìn chằm chằm vào mình, họ ù té chạy bỏ cả gùi, bỏ cả rựa. (Nghe đâu con báo đột biến gien đó là do kiểm lâm bắt được của bọn buôn thú rừng, nhưng Tuân đã giữ lại nuôi để tạo ra lũy báo ghê gớm có một không hai này).
Con đường làng qua đây đột nhiên vắng ngắt, bước chân người đã chuyển sang hướng khác. “Lũy báo” nghiễm nhiên trở thành nơi không một kẻ nào dám bén mảng. Ngày ngày, hai cánh cổng đóng im lìm, nó chỉ ken két mở ra khi chiếc xe jeep của Tuân rì rì chạy vào, rì rì chạy ra. Ngay cả người vợ lớn xanh mét mặt mày vì ghen tuông cũng không một lần dám có ý nghĩ sẽ đặt chân đến ngôi nhà ấy. Khi đã ra toà li dị, bà ấy càng chẳng có lý do gì để bước qua bức “lũy báo”. Thỉnh thoảng, ngoài chiếc xe jeep xanh rêu, người ta còn thấy có mấy chiếc xe con biển số xanh, biển số trắng lẳng lặng trườn vào, còn ra lúc nào thì không ai biết, họ có vẻ kín đáo, bí mật, đó là thế giới riêng, tách khỏi khả năng giải thích của mọi người. Có chăng chỉ vài người già cả thận trọng nói một cách chung chung: “đó là thế giới của quyền lực, bất khả tư nghị”, hoặc vài ám chỉ xa xôi của bọn thanh niên trẻ người non dạ chưa biết giữ mồm giữ miệng: “Chiếc xe biển số trắng ấy của trùm gỗ Sài Gòn”, “Xe mắt híp biển số xanh là của ông lớn trên tỉnh về”…”
… Cô trạm trưởng dẫn tôi đi vào khu vườn kiểng đủ loại phía sau trạm. Cô nói: “Khu vườn đã được sắp xếp lại từ khi nơi này trở thành trạm. Trước, chỗ đây có hàng trăm trụ cây cao quá đầu người được kết hàng ngàn cây lan ngọc điểm, tuyền một loại Đai châu, phiến lá cứng to dài và dày, là giống quý. Mùa giáp Tết, ngọc điểm bắt đầu ra hoa, hàng ngàn chuỗi ngọc điểm tím có, trắng có, tím điểm trắng, trắng điểm tím đều có, tất cả đồng loạt phát hương, khoe sắc, cả khu vườn thơm ngát và rực rỡ như một thế giới mộng ảo nào đó chỉ có trong tiểu thuyết. Những con đường lát đá vòng vèo quanh những trụ lan ấy là nơi dạo bước hàng ngày của Tuân và cô vợ bé. Cô vợ bé tên là Lan, nên Tuân mới mướn người vào rừng tìm phong lan về tạo ra khu vườn ngọc điểm có một không hai này để tặng cô ta với yêu cầu kèm theo: Khi dạo ở đây, Lan phải thoát y hoàn toàn để “hoà nhập vào thiên nhiên”. Chuyện tình của Tuân và Lan cũng là sự kết hợp ly kỳ mà Tuân cứ hay nói đó là “duyên kì ngộ”, ấy là lúc Tuân chưa nhận chức hạt trưởng Hạt kiểm lâm…
…Vào độ hai giờ khuya, trời mưa tầm tã, một chiếc xe tải nặng vừa lú đầu ra từ một con hẻm thì bị chiếc jeep chở ba người lính kiểm lâm trờ tới chận đầu. Tấm bạt lớn bị kéo tuột ra, trên xe, hàng trăm khúc gỗ bằng lăng chở lậu nằm lớp lang gọn gàng. Chiếc xe gỗ bị bắt, chủ hàng là một cô gái có cặp mắt như mắt nai, đồng tử mở rộng sẵn sàng hớp hồn bất cứ người đàn ông nào nhìn vào nó. Tuân tuyên bố bắt chiếc xe xong vội tì người lên đầu chiếc xe jeep, một tay cầm đèn pin, tay còn lại viết biên bản. Bất ngờ cô gái nhào vào ôm chặt lấy Tuân, vừa nũng nịu xin tha, vừa cạ sát cặp ngực như núi mềm mại của mình vào người Tuân làm Tuân sững sốt, bàng hoàng, không phản ứng gì cả. Khi Tuân hoàn hồn thì thấy các đồng nghiệp của mình cũng bị các thanh niên mình trần khác không biết từ đâu ra ôm chặt lấy. Chiếc xe từ từ chuyển bánh, các khúc gỗ bằng lăng lần lượt được đạp xuống khỏi xe và biến mất trong đêm tối. Tuân gỡ được bàn tay cô gái thì cô lại chụp được chân, cô ta lết theo làm Tuân vướng víu một hồi lâu. Khi Tuân chĩa súng lên trời nổ ba phát náo động giữa đêm khuya thì những thanh niên mình trần và những khúc bằng lăng đã không cánh mà bay đi sạch… Chẳng biết sự việc đêm đó diễn biến tiếp như thế nào mà sau đó, Lan, cô gái cạ vú vào người Tuân trong cái đêm ấy, dõng dạc tuyên bố với đám thợ rừng: “Mọi người cứ chở gỗ về thẳng phía sau nhà Lan, gỗ của người nào cứ ghi tên, thước tấc, giá cả tự tính, rồi vào gặp Lan lấy tiền. Khỏi lo chuyện bị bắt nữa, nếu ai còn sợ thì nghe đây: Bắt xe, Lan đền xe; bắt bò, Lan đền bò; bắt người, Lan sẽ đưa ra và đền ngày công, tiền phạt… Được chưa? Nhưng làm gì có chuyện đó!” Lan vừa nói vừa nháy mắt với đám thợ rừng rồi cười tủm tỉm.
Sau đó, Lan có trong tay giấy khai thác củi khô nên càng tha hồ tung hoành, không còn biết sợ ai. “Củi khô”, đó là một trò lừa độc đáo: Họ cưa cây sống rồi dùng chính chà chôm nhánh nhóc của cây ấy phủ lên, đợi vừa giáp tuần, họ châm vào đó một ngọn lửa. Cây lớn chỉ cháy sém da, mụi đen phủ lem luốc những lóng cây đường kính lớn . Họ độn nửa xe cây nửa xe củi, cứ thế những chuyến xe đi ra cửa rừng một cách minh bạch công khai. Trong khi đó, một người dân nghèo khổ đi xắn mấy mụt măng tre về cải thiện bữa ăn cũng không thể nào chui qua cái cửa rừng ấy. Có không ít trường hợp kiểm lâm choảng nhau bằng súng ống dao rựa với lâm tặc nhưng tuyệt đó không phải là người của Lan.
Lan càng trở thành một nhân vật được kính nể hơn khi công khai quan hệ với Tuân. Tuy nhiên Lan cũng là người biết phải trái, tế nhị với đồng nghiệp của người tình, cô mướn rất nhiều người chỉ ngồi uống cà- phê theo từng trạm dọc đường gỗ đi, từ đường huyện cho đến quốc lộ Một A, cho đến tận bãi tiêu thụ ở Sài Gòn. Mỗi chỉ điểm làm nghề “uống cà- phê” ấy được phát cho một điện thoại di động để kịp thời báo cho Lan biết hiện các đội kiểm lâm đang ở đâu và đi về hướng nào, họ đã quay lại quản lí các đội kiểm lâm mọi nơi mọi lúc vậy nên chuyến gỗ nào cũng đầu xuôi đuôi lọt mà không hề ảnh hưởng đến uy tín của Tuân. Đường đi nước bước ấy chính Tuân đã mớm cho Lan trong một lần làm tình. Cũng chính trong một trong nhiều lần làm tình mà Tuân buộc phải dính với Lan đến khi chính thức trở thành vợ chồng.
… Tuân là kẻ háo sắc nhưng “sức lực giới tính” chỉ đủ tạo ra những cơn mưa rào trên giường. Lan bị cụt hứng nửa chừng nên nũng nịu, ra mặt giận dỗi. “Anh sẽ đền cho mà!”, “Đền thiệt hôn?”, “Thiệt! Em muốn đền gì?”, “Em chỉ muốn anh, mà sợ anh hứa lèo quá à.”, “Anh hứa!”. Tuân đưa tay vuốt vuốt lên bụng Lan. “Hứa thì anh viết và kí tên lên đây này!” Lan cầm ngón tay Tuân di di lên bụng mình. “Viết thì viết, kí thì kí, chữ kí của hạt trưởng tương lai đấy nhá! Đây đã hứa là thực hiện, anh sẽ đưa em lên tận mây xanh.”…
Tuân tái mặt khi Lan doạ sẽ đưa bức hình chụp mấy dòng nghuệch ngoạc cùng chữ kí của Tuân trên bụng Lan đêm nào cho nhà báo và còn khoe đã dán băng keo trong lên chỗ ấy, có tắm cũng không phai được. Từ đó về sau, Tuân không còn đóng vai trò chủ động trong mọi chuyện nữa. Tuân đã lục trong bóp của Lan lấy bức hình và xé vụn đi nhưng hôm sau lại thấy bức khác và Lan vẫn tỉnh bơ như là không biết gì.
Cho đến khi Lan móc nối được với tay trùm gỗ Sài Gòn cùng là ăn với mình thì Tuân là người nhận nhiệm vụ lớn lao là phải tặng quà để “gài độ” xếp lớn vào cuộc. Đường dây “ăn” rừng lớn nhất từ xưa đến nay ra đời bằng những cuộc gài độ chồng chéo nhau và họ cũng đã dùng tiếp cách này để kéo lôi ngày càng nhiều người vào cuộc. Trong tình hình làm ăn lớn như vậy chỉ có một cách chọn lựa duy nhất là Tuân phải li dị vợ và kết hôn với Lan. Đám cưới của họ là một trong những đám cưới đình đám trong khu vực. Hai chiếc xe tải chở bia đã leo tận vùng cao này để phục vụ đám cưới mà vẫn không đâu vào đâu, làm cho họ phải “độn” hai két rượu Johnnie walke của tay trùm gỗ Sài Gòn tặng, cho tiệc vui trọn vẹn. Khi sai người nhấc hai két rượu đắc tiền ấy trong cốp xe ra, tay trùm gỗ Sài Gòn gọi Tuân đến, choàng tay lên vai tân lang, đọc thuộc lòng một câu Kinh Thánh, đoạn người quản tiệc nói trong tiệc cưới ở Ca-na, miền Ga-li-lê: “Ai ai cũng thếch rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà say mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon cho đến mãi bây giờ”. Đọc xong tên trùm gỗ Sài Gòn nhìn vào khuôn mặt vui mừng, sởn sơ hẳn ra của Tuân mà cười khằng khặc, tiếng cười của hắn trầm đục, tưởng như tắc lại trong cổ họng rồi lại bung ra, tắt rồi lại bung từng chặp, hắn cười tưởng như không dừng lại được.
Lan về sống với Tuân trong ngôi nhà bên trong lũy báo ấy và điều khiển mọi chuyện qua điện thoại. Việc khai thác gỗ theo quy cách như thế nào, giao lại cho tay trùm gỗ, Lan và Tuân chỉ còn nhiệm vụ nhẹ nhàng là lo ứng phó cho gỗ “đi” êm xuôi, họ xem như ngồi mát ăn bát vàng.
Vào một đêm trăng sáng, con báo hai mặt chẳng biết làm thế nào mà tạo ra được một lỗ trống lớn từ chiếc lồng sắt ấy và bi kịch đã xảy ra…
Sau khi tợp hết khuôn mặt Lan, con báo bắt đầu đường đường chính chính bước ra cổng lớn, thân nó lượn dài bệ vệ, bốn mắt nhìn thấu cả bên phải bên trái, nó đánh mùi được cả trên gió dưới gió, mùi đàn ông đàn bà. Sáng ra, cả làng mất hết mặt, lạ lùng là nó chỉ ăn khuôn mặt. Tợp. Nhai rau ráu một thoáng là xong. Có người được cứu sống nhưng cũng không còn khuôn mặt, nhưng nhiều người không có khuôn mặt ở trong một làng thành ra chuyện ấy cũng trở nên bình thường. Những người không có khuôn mặt luôn cầm đèn bước đi, dù là ban ngày hay ban đêm, để họ luôn an tâm là người khác thấy họ mà né tránh. Thời ấy người ta còn thêu dệt: Cái mặt thứ hai của con báo ấy là do nó lấy khuôn mặt của những người chết chồng lên mà thành chứ chẳng phải đột biến gien gì cả, con báo này là một loại quỷ hiện hình. Nói vậy hoá ra khuôn mặt thứ hai của con báo là khuôn mặt quỷ, xếp lớp, chồng đống, huyền hoặc, hèn nào mà cái nhìn của nó thôi miên con người đến vậy.
Vận mệnh của Tuân đã đến hồi suy tàn thật sự khi một cán bộ về hưu quyết định di tản vợ con vào Sài Gòn, bán hết nhà cửa để mua một máy quay phim và một máy chụp ảnh thật xịn, rồi xuất quỷ nhập thần khắp nẻo, quyết vạch mặt bọn lâm tặc trá hình đang tàn sát cánh rừng già ở đây. Kết quả hiển nhiên: Tên trùm gỗ Sài Gòn và Tuân đã ra toà. Màn kịch “cứu chúa” cũ rích tái diễn, để cho vị xếp lớn trắng án, Tuân đã gánh chịu tất cả, với hy vọng xếp lớn sẽ lo cho anh ra tù trong thời gian sớm nhất. Sớm nhất là bao lâu thì đến giờ này cũng chưa ai biết được bởi sau đó vị xếp lớn này cũng nhận quyết định về hưu, “hạ cánh an toàn” và tung hết vốn liếng có được vào cuộc làm ăn khác, chắc chẳng còn thời gian để nhớ đến những “đàn em” một thời…”
Con báo ngang nhiên hoành hành, khi đầu làng khi cuối xóm, khi tợp một khuôn mặt đen nhẻm tận rừng sâu, khi lại tợp được khuôn mặt trắng trẻo giữa phố đông người, nó ranh ma đến mức các tay súng cự phách của huyện T đều bó tay, chỉ uổng công tốn sức phục rình, săn lùng. Cái khó ló cái khôn, đột nhiên, có một ý kiến sáng suốt: “chỉ có Tuân mới là người có thể hạ được nó mà thôi”. Với sự can thiệp của cấp trên, với sự bảo lãnh của chính quyền địa phương, Tuân tạm thời được cho ra khỏi trại cải tạo, được trao cho một khẩu AK báng đỏ. Tuân chẳng cần đi đâu cho xa, anh về phục ngay hiện trường nhà mình, nơi chân lũy báo, nơi những trụ hoa ngọc điểm tím ngát, nơi Lan, vợ sau của Tuân, dồn sức tàn vồng nẩy người lên lần cuối khi bị con báo bất ngờ nhảy bổ từ trên hàng rào xuống.
Đến ngày thứ ba thì con báo xuất hiện, có lẽ nó đánh hơi được mùi của người chủ. Tuy nhiên với linh cảm của mãnh thú già dặn, nó lượn một vòng quanh nhà rồi mới bước đến nằm từ xa, nhìn chòng chọc vào Tuân. Mồ hôi lạnh tuôn ra hai bên thái dương, Tuân rất khó khăn, phải nhớ đến hình ảnh Lan nằm trong vũng máu, khuôn mặt bị đớp mất, sự giận dữ dâng tới đỉnh, Tuân mới siết được ngón tay run run vào cò súng. Đùng! Một âm thanh sắc gọn vang lên xé toang màn đêm. Nhưng cũng ngay lúc ấy, nhanh như chớp, con báo trúng viên đạn giữa trán dồn hết sức tàn nhảy bổ đến nơi ánh lửa vừa loé sáng. Đặc biệt lần này nó không tợp khuôn mặt như thường lệ, nó chỉ đủ thời gian cắm phập bộ nanh của mình vào cổ Tuân. Bập! Rựp! Cả hai cùng đổ gục xuống chân lũy báo nổi tiếng một thời…
Anh tài xế đầu hớt tóc đinh, râu quai nón rậm rịt quanh mặt, khi chở tôi về, ném vào tôi cái nhìn với hai đồng tử lớn hơn mũi kim một tẹo, rồi vừa thì thào vừa bộ tịch kể thêm: Đêm ấy, cùng lúc với tiếng súng, người ta nghe một tiếng kêu lảnh lói, vang động: Crừm… ừmừm áoo… Crừmừmừm áoo…
Đột nhiên ý định ma quái ấy cứ bám lấy, xâm chiếm tôi, tôi phải nói chuyện với những người chết ấy, tôi phải gặp lại Tuân, tôi muốn biết, muốn giáp mặt với sự khinh mạn, sự nông nỗi thái quá, cơ sự nào đã dẫn đến nỗi bi thống cho xã T, cho khu rừng già ở đây, tôi phải gặp Lan, người bị con báo đớp hết khuôn mặt, không còn mặt nữa thì ở thế giới bên kia, Lan có biến hoá vô cùng tận những trò thao túng, gài bẫy điên khùng của mình hay không. Tôi phải gặp Tuân. Tôi phải gặp Lan. Tôi phải đối mặt với sự thật huỷ hoại lá phổi của chúng ta, với lòng tham vô đáy, với cái gì gọi là “cơ bản đã diệt xong rừng”, cái gì gọi là “chặt trắng”. Quá trình tự diệt đến đâu thì dừng lại?! Sự băng hoại về lối sống nhờ đâu mà kết thúc, mà được cảnh tỉnh, thức tỉnh?! Những câu hỏi, những suy tư thiêu đốt đầu óc tôi, tôi chìm trong nỗi đau rát của một thời đại mà mình đang sống trong nó. Quả thật linh nghiệm, ngay khi ý định tưởng là không thể thực hiện tràn ngập tâm hồn, ám hết suy nghĩ của tôi thì cũng là lúc chiếc xe jeep trôi đi, người tài xế hoảng hốt xoay tròn vô- lăng, con đường ngoằn ngoèo xuống dốc, trơn trợt làm cho tôi có cảm giác như là mình đang trôi trong những rãnh não rối loạn, nhầy nhụa mơ hồ nào đó. Chiếc xe sốc mạnh vài lần rồi dừng lại, tôi thật sự thấy mình đang ở một thế giới lẫn lộn cả về không gian và thời gian. Một tiếng nói âm âm từ những tảng đá rỉ sét vàng nâu như màu lửa thiêu và tôi thấy mình bỏ chạy, bóng nhoè trong bóng. Một loại kí ức tức thì nào đó vừa hiện lên rồi nhanh chóng biến mất. Tôi chạy, bóng tôi chạy mãi lên đỉnh núi, nơi trước đây là rừng già, nơi những ngọn cây cao vút, những cơ thể cổ thụ cường tráng năm ba vòng tay người ôm chưa xuể, vậy mà giờ đây cả một mảng núi trắng trơn hiện ra dưới từng bước chân tôi. Tiếng nói âm âm rượt theo cái bóng tôi, tôi dừng lại thì tiếng nói ma quái ấy im bặt, nhưng tôi bắt đầu co giò chạy thì nó lại vang lên, làm như cái bóng tôi đã thực sự bị buộc vào những âm thanh kia.
Ai ? Tôi hét lên trong cơn hoảng loạn, tôi hét lên trong cơn sợ sệt đến quỵ ngã, tôi đã quỵ ngã thật sự, hai chân nhũn ra như hai chú ốc sên. Tôi quỳ xuống đám cỏ cháy. Thật bất ngờ, ngay lúc ấy, một người đàn bà khoả thân, không có khuôn mặt hiện ra. Trảng cỏ cháy trước mặt tôi biến mất từ lúc nào. Dường như người đàn bà kia đang đứng trong vùng nhiệt lực hừng hực bốc cao của một buổi trưa hè nào đó vừa như hiện tại vừa rất xa xưa.
- Cô Lan phải không? Chẳng hiểu ma xui quỷ khiến thế nào mà tôi lại hỏi đích danh như vậy. Cái đầu khẽ gật, hai chân bước tới, mùi đàn bà nồng nặc. Tôi nhắm mắt lại.
- Ký đi! Anh ký vào đây nè. Giọng người đàn bà nhão nhoẹt, ỏng ẹo. Một giọng đĩ thoả tôi chưa từng được nghe. Tôi dồn hết can đảm mở mắt ra, tràn ngập hai mắt tôi là hình ảnh cặp đùi non trắng hồng tròn căng đang khép tréo nhau, hơi nóng lan ra đến rạo rực muôn vật.
- Ký đi! Ký đi mà!
- Khô… ôông! Tôi nói gắng gượng nhưng cùng lúc tôi lại thấy ngón tay mình đã chạm vào mảnh da bụng nóng hôi hổi, ngón tay tôi bị điều khiển bởi một ma lực, không cưỡng được.
- Khô… ôông! Trong đầu tôi âm âm cái quyết định dứt khoác cuối cùng đó rồi tôi mơ hồ thấy lũy báo lần hồi hiện nguyên hình. Khi tôi rụt ngón tay của mình về thì mùi âm khí đã thấm ngập vào người tôi, tiếng con báo hai mặt ấy lại vang lên lảnh lói từ đâu đó trên cao: Crừm… ừmừm áoo… Crừ… ừm áoo.
Dưới chân núi Tà Cú, 2/2008