Bình Định qua ba bài thơ của Yến Lan
Trả lời câu hỏi “Nơi nào đẹp nhất”, một nhà văn đã nói: “Nơi tôi đã được sinh ra và lớn lên…”. Quả thật tình yêu thương và lòng trân trọng của mỗi người đều đã được dành cho “quê nhà” của mình hơn bất kỳ một nơi nào khác. Ở người nghệ sĩ, tình thương ấy dường như đã được nhân lên, biểu lộ rõ nét trong tác phẩm nghệ thuật… Nhà thơ Yến Lan đã viết về chốn quê nhà đằm thắm, thiêng liêng ấy đến ba bài thơ. Dài 43 đoạn tứ tuyệt, gồm 172 câu, thời gian cách nhau từ 10 đến 30 năm…
Bài thơ đầu tiên: Bình Định 1935” được sáng tác lúc tác giả vừa tròn 20 tuổi. Trước khi tìm hiểu thêm về hoàn cảnh, tâm sự, tình cảm của ông khi viết nên tác phẩm này, thiết tưởng cũng nên ghi chú thêm một điều : địa danh “Bình Định” được đề cập, chính là thị trấn Bình Định – trước thuộc thôn Hưng Định, xã Nhơn Hưng, huyện An Nhơn, là thành Bình Định cũ, cũng thuộc phạm vi thành Đồ Bàn … Yến Lan tuy sinh ở thôn Ngãi An, nằm về phía bắc thị trấn vài cây số, nhưng ông đã sống ở thành Bình Định từ lúc nhỏ.
Với Yến Lan, Bình Định 1935 là một không gian cách biệt, buồn bã, làm héo hắt lòng người :
“… Ôi Bình Định, hương phong trường cách biệt
Những bâng khuâng trong đức hạnh sương hoa
Nhà ngơ ngẩn, những tường vôi keo kiết
Nam Quách sầu,Đông Phố quạnh,Tây Môn xa…”
Trong một nơi chốn quạnh hiu, ảm đạm như thế, Yến Lan lại về sống tạm ở một ngôi chùa – chùa Ông- như một kẻ xa lìa hẳn dòng sống với nỗi u buồn không nguôi. Nhưng ở vào tuổi thanh xuân, bầu nhiệt huyết luôn âm ỉ, thúc giục, nhà thơ đã có lúc nhìn lên, xa hơn, tới một khung trời thoáng rộng, xanh thẳm với bao ước mơ, hy vọng:
“Hoa tư tưởng phân thân chiều gió trải
Trời xa xôi hồ hải nói trong tâm
Ôi Bình Định sao nằm trong mãi mãi
Đĩa dầu vơi, tim cháy ngọn âm âm…”
Và nỗi khao khát, ước mong thầm kín kia, đã biến thành hiện thực – “Bình Định 1945”:
“Không ; Bình Định đã qua rồi cơn sốt,
Nước da vàng lột theo vỏ cây khô
Dấu xe ngựa đã niêm đầy ngõ cụt,
Trăng lạc loài gặp lại giữa đêm thu…”
Sự thay đổi mầu nhiệm, như có sức mạnh thần kỳ, đã làm chuyển hóa mọi cảnh vật, lòng người: Luồng gió cách mạng đã thổi vào quê nhà một sức sống mới, cuốn hút mọi trái tim ; Bình Định cũng bừng lên sau năm tháng dài chìm lắng , trong tăm tối. Trong niềm vui chung của đất nước, của quê nhà, nhà thơ luôn cảm thấy tâm hồn rạo rực, sống động, như vừa được hồi sinh cùng đất trời :
“… Tôi đi giữa những vườn gòn thẳng tắp
Ôm trong lòng biển lớn vỗ non cao
Bông rụng xuống mái đầu nghe ấm áp
Như mái đầu lót tổ đón chim sao”
Và mỗi bước chân đi dạo khắp quê nhà cùng với lòng hân hoan “Bỗng thấy quanh mình hát núi, ca sông”:
“Qua trường cũ thấy rạt rào sóng ngói
Lòng bỗng dưng thơm mùi giấy học sinh
Trên trang sách của cuộc đời đổi mới
Nghe thơ về bay vút cả trời xanh”
“Bình Định 1945” đã qua rồi cái thuở u uất, tối tăm – “Ôi Bình Định, đau thương gài trước ngõ”, để đón ánh bình minh của cách mạng – của độc lập, tự do… cho bao cảnh đời, bao trái tim, bao cuộc tình nở ngát hoa hy vọng.
Hai mươi năm sau, quê hương hoàn toàn thống nhất, Yến Lan đã trở về quê nhà Bình Định – và “Bình Định 1975 – 1976” được ông ghi lại qua một bài thơ dài 13 đoạn tứ tuyệt.
Ở vào cái tuổi 60– sau hơn hai mươi năm xa cách, biết bao đổi thay, bao hạnh phúc– khổ đau; tác giả trở về với niềm vui, cùng nỗi buồn :
“Tôi trở lại với mái đầu đốm bạc
Bé u ơ nhà lạ đón nhìn “ông”
Láng giềng cũ quá nửa phần xiêu dạt
Cả bầu trời cũng vợi hết mênh mông”
Bình Định đã không còn những dấu tích kỷ niệm xưa cũ; đã “biến dạng” theo cuộc sống 21 năm khói lửa; tâm hồn người về bỗng trở nên xa lạ, có chút bàng hoàng, chua xót, trong cái gặp lại, nhìn ngắm ban đầu. Nhưng sau phút giây chạnh lòng, ngỡ ngàng ấy – nhà thơ đã có biết bao niềm an ủi, niềm vui về tình người, tình đất:
“Mặt bè bạn đông dần quanh gác xép
Trời rưng rưng, sông nước cũng rưng rưng
Ngoài nghìn dặm hai mươi năm cách biệt
Lạ vẫn từng quen hờn tủi vốn vui mừng”
Bình Định xưa đã sống lại cùng bao kỷ niệm một thời tuổi trẻ mộng mơ, tràn đầy nhiệt huyết hiến dâng; đã đem lại cho nhà thơ niềm tin yêu hơn, trân trọng hơn:
“Cùng nhớ lại những nguồn vui nhỏ nhất
Bông gòn bay, chùm me rụng thành xưa
Bình Định đây,từng sợi tơ cái tóc
Vẫn chứa chan, tin tưởng tự bao giờ”
Hòa chung cùng với niềm vui lớn của đất nước, Bình Định như cũng sống động hơn, tươi thắm hơn dưới đôi mắt nhớ nhung của người về:
“Trời Bình Định long lên mắt thức
Tôi bước trongrạo rực nhạc đời ngân
Xe nối tiếp đoạn đường Nam – Bắc
Ga dồn toa đầu ngõ những nông trường.
Xanh sắc lại, mênh mông trời rộng mở
Hồn ta nay ước choáng cả không gian
Ơi Bình Định, từ con tim ấp lửa.
Bừng lên – bừng thành một cuộc hoa đăng”
Có thể nghĩ nhà thơ Yến Lan là người đầu tiên viết về quê nhà Bình Định một cách đầy đủ, sâu đậm ; tạo nhiều dấu ấn lâu dài cho người đọc hơn hết. Ông nặng tình với quê, nhiệt tình với nước; trong một thời gian ròng rã gần 40 năm, để ghi lại thành 3 bài thơ bất hủ cho văn học…
(Báo Bình Định số 1312 ngày 28-7-2000)
Những bài thơ sau cùng của Yến Lan
Đầu tháng 6-2002 tôi có dịp được bà Yến Lan cho xem tập “Di cảo thơ Yến Lan” do bà sưu tầm, chọn lọc và ghi chép trong nhiều tháng qua. Theo dự tính thì tập Di cảo này gồm 250 bài thơ chưa được in trong một tác phẩm nào. Bà còn cho biết, hiện đang sưu tập, sắp xếp, cố gắng giới thiệu cùng độc giả trong vài tháng tới….
Đọc bản thảo “Di cảo thơ Yến Lan” tôi chú ý đến mấy bài thơ được nhà thơ sáng tác trong mấy tháng trước ngày ông giã từ cuộc sống. Thời gian này ông đã lâm bệnh nặng, không tự cầm bút viết được, phải nhờ bà Yến Lan ghi lại.
Bài thơ đầu, bài “Đường về quê bạn”, viết vào ngày 8-4-1998 nghĩa là trước lúc ông ra đi khoảng 6 tháng. Bài thơ nửa mộng nửa thực, nửa tỉnh, nửa mê – trong một cơn đau dài ngày, điều này cũng đã phản ánh rất chân thực tâm hồn ông, suy nghĩ của ông lúc bấy giờ:
Đường về quê bạn nước tràn lan
Lạc ngựa mương qua nước quáng quàng
Tiếc một ván cờ chưa kịp thắng…
Hẹn chừng nước rút đón em sang!
Bài “Điều bất hạnh” sáng tác ngày 24-7-1998 trước lúc mất 2 tháng, Yến Lan còn tỏ ra rất sáng suốt, tài tình, trong thể hiện tình ý cô đọng, sắc bén, với thể thơ tứ tuyệt sở trường của ông:
Chim non lót tổ gếch cành tơ
Chờ đón người yêu hót thẫn thờ…
Đâu biết đêm qua luồng gió lốc
Đẩy vào đông lạnh bước bơ vơ!
Ba bài thơ cùng có tựa là “Vô đề” được trích giới thiệu sau đây, được nhà thơ sáng tác trước lúc vĩnh biệt từ 1 đến 2 tháng. Bài “Vô đề” thứ nhất, có thể gọi là bài tự thán – giây phút tỉnh giác nghĩ về thân phận mình, về cuộc đời mình, khi cuộc sống còn lại rất ngắn ngủi:
Sấm sét gầm vang đánh tốc cây
Trận đau trời đất xé tan mây…
Thiên nhiên vần vũ bao đau đớn
Không ướt chùm lông cổ vịt gầy !
(7-8-1998)
Bài “Vô đề” thứ hai, ông nghĩ về tình bạn – nói rõ hơn, là nhớ về những người bạn thơ tâm giao, trong “tứ linh” của Bàn Thành cũ, với tâm sự của người sắp từ giã cõi đời {ở đây ông nhớ đến Quách Tấn (Rùa) và Chế Lan Viên (Hạc)}:
Cánh động chuông rung tắt nghẽn rồi
Một nền nghi vệ đã tàn hơi…
Chỉ thương con Rùa nằm xa quá
Mơ Hạc đi đâu lạc bóng người!
(13-8-1998)
Bài “Vô đề” cuối cùng được viết vào ngày 14-8-1998, nghĩa là sau “Vô đề” thứ hai một ngày. Tuy gọi là “vô đề” mà chẳng phải là “vô đề”, mà chính là có “chủ đề” của nhà thơ, trong những ngày tháng biết mình không còn sống bao lâu nữa. Bài này, Yến Lan dành nghĩ về người bạn đời thủy chung, son sắt của mình. Trải bao năm tháng đồng cam cộng khổ, sẻ chia từng nỗi niềm hạnh phúc – khổ đau, nhưng ước mơ vẫn còn ở phía trước…
Ngày tháng soi chung gương chẳng mờ,
Bút thay vần, nới rộng hồn thơ…
Chỉ thương mái tóc dài vô tận
Vén mãi chưa thành chuyện ước mơ!
Những tháng ngày sau cùng, Yến Lan thường chỉ viết thơ tứ tuyệt. Điều này cũng dễ hiểu : thơ chỉ có bốn câu, ngắn, gọn – phù hợp với sức khỏe đang cạn kiệt của ông. Hơn thế, thơ tứ tuyệt là loại thơ sở trường của ông, Yến Lan đã rất thành công khi sáng tác thể thơ này. Lời, ý trong thơ tứ tuyệt của ông được chắt lọc, được dồn nén, tích lũy để bùng vỡ thành tiếng thơ –dịu dàng mà sâu sắc ; luôn thấm sâu vào hồn người đọc.
Đọc những bài thơ sau cùng của Yến Lan, chúng ta cảm nhận rõ một điều : suốt cả cuộc đời ông đã luôn dành cho thơ, sống với thơ cho đến những giờ phút cuối cùng. Và dầu thân tuy bệnh, mà tâm ông vẫn ngời sáng, vẫn nhiệt tình với thi ca …
( Bình Định Nguyệt san số 10-2002)