Đây là tập thơ đầu tay của Vũ Trọng Quang (**), đọc qua, ta quả quyết họ Vũ đã từng làm thơ nhiều năm, tay nghề khá vững chắc, thận trọng từng ý tứ. Điều ngạc nhiên thích thú vẫn là hồn thơ bay phơi phới, gần như do bẩm sinh. Nhận ra năng khiếu của mình, nhà thơ không lấy đó làm tự hào để rồi tự phát, tha hồ “nhả ngọc phun châu”. Lời thơ nhẹ như hơi thở :
Tôi kiếm ăn bằng nhiều nghề khác
làm thơ để được nhẹ lòng mình
một dòng sông…
…và một đêm
Nhờ lăn lóc với thực tế, không vơ vẩn trên mây, thời kinh tế thị trường với bao vinh nhục thăng trầm, may rủi, nhà thơ đã giới thiệu nhiều khía cạnh của cuộc sống :
Mai anh không muốn đến nhà
bởi em có nghĩa nay là cuộc vui
bởi em rớt xuống bao người
tay không che nổi trận cười đàn ông
Thương vay khóc mướn cho người, cho chính mình, nhìn đời với thái độ bi quan mà vẫn ham sống. Viết thay lời một người bạn có vợ làm tiếp viên ( hiểu là tiếp viên ở quán bia bình dân), ta thấy sự chán chê của người đàn ông từng “dọc ngang ngang dọc”, rất cần tiền, lắm khi hái ra tiền rất dễ nhưng cũng nặng phần đắng cay như mọi người. Không là nhà luân lý, nhà thơ thấy con người cần giữ liêm sỉ, kiểu liêm sỉ thông thường mà tự bao giờ, người Việt Nam vẫn cố giữ, làm tiêu chuẩn của mình và của người khác. Cuộc sống khắc nghiệt, thay đổi nhiều nghề, với sinh lực tràn trề của tuổi trai, chàng chấp nhận việc mưu sinh ở thành phố hoa lệ là một thứ “chiến tranh lạnh” :
Năm tháng trôi qua năm tháng lạnh lùng chiến tranh
anh bại trận nên đầu hàng số phận
đầu hàng tiện nghi đầu hàng bữa cơm thịnh soạn
anh nguyền rủa anh cúi mặt đớn hèn
Tôi đã bắt gặp một tiếng thơ tươi mát của một bạn trẻ khác thế hệ, thoạt ngỡ rằng lời thơ sẽ tối tăm, khó hiểu, cầu kỳ, dè đâu Vũ Trọng Quang đã gởi gấm những lời thơ trong sáng, dễ hiểu nhưng gạn lọc, chẳng chửi rủa, oán trách, đổ lỗi cho người khác (ta từng thấy nhiều nhà thơ đã đổ lỗi số phận mình cho thế hệ ông cha, cho dân tộc Việt Nam). Thơ Vũ Trọng Quang hiền lành, gợi phong cách cổ diển, trong sáng. Dấn bước vào thể loại ấy không phải dễ. Ước mong nhà thơ họ Vũ sẽ vững tay, tin vào năng khiếu, trực giác của mình để rồi sẽ đưa ra những vần thơ hào hứng lạc quan.
8/1994
(*) “Đã Hết Giờ Của Lọ Lem”, thơ Vũ Trọng Quang, xuất bản 1994.
(**) Thật ra, đây không phải tập thơ đầu tay của Vũ Trọng Quang, trước 1975 tác giả đã có 2 tập thơ được ấn hành. ( VCV )
TRÍCH THƠ VŨ TRỌNG QUANG “ĐÃ HẾT GIỜ CỦA LỌ LEM”
VŨ NỮ
Em đang trôi trền dòng nhạc chảy xiết
anh thấy em sắp đuối
ném trái tim anh làm chiếc phao
sao em không thèm với tới.
TÌNH YÊU
Giống như điệu cha cha cha
anh đi tới em đi lui
em đi tới anh đi lui
vội vàng hai ta cùng đến
trách gì mình chẳng dẫm nhau.
ĐÃ HẾT GIỜ CỦA LỌ LEM
Em đang hát như em đang khóc
em đang khóc như em đang hát
bởi không nói nên lời nên em hát
bởi không nói nên lời nên em khóc
Cho em về mau cho em về mau
đã hết giờ của Lọ Lem
cánh cửa chung cư ác độc
anh hốt hoảng tìm em vô vọng
Tìm đâu tìm đâu
em để lại cho anh chiếc hài mang hình nốt nhạc
em để lại cho anh nốt nhạc mang hình giọt lệ
nhạc thì bay vào hư không
lệ thì tan vào sông biển
tìm đâu tìm đâu.
1994