Chiều hôm ấy, tôi nhận được cú điện thoại của anh Phụng, Trần Xuân Phụng: "Anh Thuận đấy à! Anh Nghĩa, nhân vật trong câu chuyện NGU LÂU của anh đang ngồi nhà tôi đây, anh ấy muốn nói chuyện với anh!". Tôi vội nói: "Thế ạ! Vâng, anh cho tôi gặp anh ấy đi!". Chỉ nghe mấy câu chào mở đầu, tôi đã nhận ra đích thị là Nghĩa Ngố rồi! Quả tôi chưa hề trò chuyện trực tiếp với Nghĩa một lần, mặc dù tôi vẫn bắt gặp anh với chiếc xe bò kéo hàng ngày, đi đi lại lại trước văn phòng cơ quan tôi làm việc, những năm tám mươi của thế kỷ trước. Nhưng câu "triết lý" của anh về sự "ngố" thì tôi biết, thông qua một người bạn của Nghĩa – Lê Phúc Lai. Câu nói đã ám ảnh tôi suốt mấy chục năm trời!
Nghĩa Ngố xin địa chỉ nhà tôi và ngỏ ý muốn đến đón tôi đi thăm "cơ ngơi" của anh:
- Em xin đến đón bác ngay bây giờ, được không?
- Xin lỗi, tôi đang có đám tang bố một người bạn thân, xin hẹn anh dịp khác, hôm nào trời dịu mát một chút, chứ như hôm nay, nóng bức quá!...
Đúng là tôi đang bận chuyện tang lễ thật, nhưng cái lý do chính là tôi thấy sự hẹn hò này đường đột quá, nên cũng chưa muốn nhận lời ngay. Sau này anh Phụng có kể: Hôm đó tôi đến hiệu phô-tô, thì gặp Nghĩa. Anh ta hỏi: Bạn có cái gì đấy? À, có mấy bài báo của ông bạn, tôi muốn phô-tô lại. Mà này ! Có một bài nói về anh đấy ! Rồi Nghĩa theo tôi về nhà. Vợ tôi thấy chuyện như vậy, thì hơi băn khoăn: Bố nó thật chả ra làm sao cả ! Anh Thuận anh ấy viết về người ta như thế, mà bố nó lại dẫn về nhà cho người ta xem, thì không sợ rắc rối cho anh Thuận cũng như cho mình à ? Chị Phụng chỉ thật yên lòng khi nghe trực tiếp Nghĩa Ngố trao đổi với tôi trên điện thoại nhà anh chị. Vâng, cho đến giờ, sau hơn hai chục năm, mặc dù anh ta đã sang tuổi thất thập, nhưng quan niệm của anh vẫn không thay đổi. Trong lần gặp anh sau đó mấy ngày, anh nói: Ai gọi em ngố là em rất thích !
Khác với nhân vật Thắng trong câu chuyện về bạn đồng môn của tôi, là một anh chàng ngố thật một trăm phần trăm, còn Nghĩa lại… là một kẻ giả ngố, thích được mọi người gọi mình là ngố! Thế mới cao thủ - ít ra cũng là điều tôi và một vài người biết anh, nghĩ vậy! Tôi nói với Nghĩa:
- Câu nói của anh thực sự là một triết lý sống đấy ! Cái triết lý ấy thoáng nghe tưởng bình thường, tưởng ai cũng bắt chước ngay được, nhưng không phải đâu. Học được anh, theo được anh, là cả một sự "rèn luyện" công phu đấy, nhưng cuối cùng, chưa chắc đã sống được đúng như anh đâu! Tôi nói thế với Nghĩa Ngố, khi đang ngắm nhìn bức chân dung hai vợ chồng anh treo tai phòng khách doanh nghiệp PHÚC THỊNH của anh. Tôi có cảm tình ngay với cái tên hiệu Phúc Thịnh đó. Vâng Phúc chứ không phải Phú Thịnh. Đã là Doanh nhân thì phải nghĩ đến PHÚ, chứ sao lại PHÚC? Nghĩa giải thích: tên đó do Nhà Chùa đặt cho em! Sự lạ thứ hai, thông thường các Doanh nghiệp rất thích khoe ảnh chụp các Lãnh đạo đến thăm cơ sở, nhất là những bức chụp chủ nhân với lãnh đạo. Không chỉ khoe ở cơ quan, mà còn trưng cả phòng khách tư gia nữa ! Vừa khoe mà cũng còn vừa..dọa thiên hạ! Ấy vậy mà, mặc dù khá nổi tiếng, lại đã được nhiều vị chức sắc đến úy lạo, nhưng ở phòng khách Doanh nghiệp PHÚC THỊNH, tuyệt không thấy một bức ảnh nào khoe chuyện ấy cả!
Nghĩa Ngố dẫn tôi và anh Phụng đi thăm cơ ngơi của anh tọa lạc ngay cạnh đường quốc lộ số mười Thái Bình – Hà Nội. Với ba trăm mét mặt đường và hai mươi bẩy ngàn mét vuông trong khu Công nghiệp vào loại lớn nhất tỉnh Nam Định, Nghĩa Ngố đã thật sự làm tôi kinh ngạc! Bởi trong trí nhớ của tôi, Nghĩa vẫn chỉ là một anh đánh xe bò kéo năm xưa ! Phép thần diệu nào đã biến đổi Nghĩa Ngố ghê gớm đến như vậy? Tôi chợt nhớ lại câu nói bất hủ của anh: Các bác đều thích tranh khôn, còn em, em xin nhận phần dại, phần ngố. Đã ngố thì bác nào còn tranh chấp với em nữa, phải không?!.
Trong buổi hội ngộ ngắn ngủi hôm ấy, nghĩa Ngố còn khoe với tụi tôi: anh là ân nhân của vợ chồng một vị to lắm, nhưng vợ chồng họ vô ơn với anh rồi ! Khiếp không ? Chưa hiểu thực hư câu chuyện thế nào, tôi định bụng, lần gặp sau, sẽ hỏi Nghĩa Ngố điều đó cho cặn kẽ.
Về nhà, tôi đem chuyện trên kể với anh bạn hàng xóm, được anh cho biết: Thế thì ông nghỉ hưu lâu, lạc hậu rồi. Tỉnh ta không thiếu gì những Đại gia kiểu ấy. Chúng tôi gọi họ là ĐẠI GIA ÍT HỌC, bởi vốn học của họ phần lớn chỉ hết cấp một, thậm chí mới vừa thoát nạn mù chữ. Ngay đến một quan chức đầu ngành, cũng có vị chỉ có bằng bổ túc cấp hai! Để làm bằng chứng, anh bạn hàng xóm kể cho tôi nghe lai lịch cụ thể của dăm bẩy Đại gia có tiếng mà một người vô tâm đến như tôi, cũng đã từng nghe tên: Đại gia bất động sản, Đại gia vàng, Đại gia xuất khẩu gạo, Đại gia ô-tô, Đại gia dược phẩm, Đại gia hóa chất,… Không hiểu sao cái Tỉnh tôi lại có lắm Đại gia ít học đến như vậy! Chẳng biết rồi đây, ở cái ĐẤT HỌC nổi tiếng cả nước này, các bậc phụ huynh sẽ định hướng cho con em mình như thế nào đây?!.
Nghĩa Ngố có ít học thật, nhưng không nằm trong số các đại gia ấy. Con đường đi lên của anh hoàn toàn riêng, không giống ai và cũng khó có ai có thể bắt chước – Nó xuất phát từ "triết lý" NGỐ của anh: Các bác đều thích tranh khôn, còn em, em xin nhận phần dại, phần ngố. Đã ngố thì bác nào còn tranh chấp với em nữa, phải không?!.
Tiễn tôi và anh Phụng ra về, Nghĩa Ngố lại nhắc lại: "Ai gọi em ngố là em rất thích!". Vừa về đến nhà, đã có điện thoại của Nghĩa: Em rất thích bác! Hôm nào có điều kiện, em lại mời bác đi thăm một cơ sở khác của em ở Nam Trực. Bác nhất định phải đi với em đấy ! Đương nhiên rôi ! Còn nhiểu, rất nhiều bí ẩn về con người giả ngố này mà tôi cần biết. Tôi nói với anh:
- Nhất định tôi sẽ đi. Anh cứ bố trí đi nhé! Tôi cần được thấy tận mắt những thành quả do triết lý sống của anh đem lại, cái triết lý NGỐ ấy!
Cả tôi và Nghĩa Ngố đều cười vang trong máy điện thoại! Nghĩa nhắc lại:
- Em rất thích bác!
- Tôi cũng vậy, tôi rất thích anh, anh NGHĨA NGỐ thân mến ạ!