Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.138
123.146.392
 
Người khóc mướn
Nguyễn Minh Phúc

Từ ngày dọn về xóm nầy, cứ mỗi chiều, giác mờ mờ tối, tôi lại thấy bà Năm Mẹo bày mấy cây nhang ra bàn thờ nhỏ trước nhà sì sụp khấn vái, miệng lảm nhảm gì không rõ nhưng trông có vẻ thành kính lắm. Nghe nói bà tuổi mẹo, là dân cố cựu của cái hẽm nhỏ sâu hun hút nằm bên con kênh nước đen đặc quánh từ khi còn là cô đào hát trong các đoàn cải lương hạng hai chuyên về các vùng nông thôn hát kiếm cơm nên hàng xóm gọi tên là bà Năm Mẹo. Bà đâu chừng gần bảy mươi tuổi, mái tóc đã bạc trắng, nước da thâm đen tái tái và đặc biệt dễ nhận thấy nhất là cái miệng móm sọm, lơ thơ còn vài chiếc răng xin xỉn, đưa qua đưa lại cái hàm đen nhẻm nên đám con nít trong xóm rất sợ, không đứa nào dám gần. Thời còn theo gánh hát, nghe đâu bà có con với ông bầu, được vài năm, coi mòi không sống nổi với cảnh cơm ghe bè bạn bà bỏ ông về con hẽm nầy kiếm sống. Ban đầu, bà bán vé số, rửa chén bát cho lão chệt bán phở đầu hẽm, mấy năm sau lại thấy bà bày ra gánh hàng xôi đậu phụng, chủ yếu bán cho đám nhóc và mấy người đàn bà nhiều chuyện trong xóm. Họ vui vì thói ngồi lê thóc mách hơn là thưởng thức cái hương vị không lấy gì làm xuất sắc của nắm xôi bà Năm Mẹo nấu. Bẵng đi vài năm, phường cấp được miếng đất trước đâu là hố rác lấp lại, bà che vài tấm lá và mấy cây tràm khô thành chỗ ở và cũng được hàng xóm gọi là nhà khi có ai đó hỏi thăm. Đám con nít chỉ tay vào túp lều cây lá nham nhở kia, nhìn khách coi có cho quà cáp gì không rồi mới chịu buông câu: Nhà bà Năm Mẹo khóc mướn đó ...

              

Thật ra, tôi cũng chẳng để tâm làm gì chuyện của thiên hạ, nhất là trong cái xóm hàng ngày xảy ra bao nhiêu chuyện rắc rối trên đời, nhưng rồi có chuyện lại muốn nhờ bà. Sự đời kể cũng lạ. Riết rồi gì cũng quen được, kể cả mùi hăng hắc của nhựa tái chế cứ bay xộc vào người mà ai lần đầu vào khu hẽm nầy cũng đều phải bịt mũi mới chịu thấu. Thế mà thằng bạn tôi, không biết nghe ai giới thiệu cũng mò tới đây, hỏi thăm bà Năm Mẹo. Má nó mới vừa mất, nhà neo người, chỉ có vợ chồng nó còn anh em họ hàng đang ở xa, có người đâu bên Úc, bên Mỹ không về kịp. Hậu, tên thằng bạn tôi muốn tổ chức đám tang bà già cho đủ lễ “ sống dầu đèn , chết kèn trống “ nên mướn hẳn một phường bát âm khua chiêng gõ trống cho bớt vẻ ảm đạm, vài ba ông thầy chùa gõ mõ tụng kinh cầu siêu và cần nhất là phải có tiếng khóc, tiếng than cho ra một đám tang nhà giàu. Vậy là nó đến đây tìm bà Năm Mẹo. Hậu khẩn khoản:

-  Ông giúp tôi qua nói giùm! Hàng xóm láng giềng chắc bả nhiệt tình nhận lời. Ông cầm mấy trăm ngàn đưa trước gọi là tạm ứng! Xong đám tang tôi thưởng thêm ... Mà nhớ là phải khóc cật lực đấy nhé! Tôi đã chuẩn bị cả tá khăn cho những người đi sau quan tài ...

 

Tôi ậm ừ rồi sang nhà bà Năm. Chẳng mấy khi gặp chuyện nầy nên tôi thấy khó mở lời. Khi bước vào căn lều trống hoác, tôi thấy bà đang lui cui nấu nướng gì dưới bếp. Cái lưng khom khom và trên đó là chiếc áo nâu xỉn cùng với nước da tai tái trên mặt bà làm tôi có cảm giác rờn rợn. Không cần rào đón, bà Năm nhìn tôi nói ngay khi tôi chưa kịp mở lời:

-    Ông chủ gặp tôi chắc rước đi khóc đám tang hả? Ủa! Mà hổm rày đâu thấy đám tang nào ở xóm nầy ... Tôi lúc nầy cũng yếu lắm, cổ họng lại đau ... Hay là ông chủ đi mời đám khác ...

-  Không không! Tôi vội cải chính. Nhà tôi không ai cần đến bà ... Là đám tang của má thằng bạn tôi ... Nó ở tận Gò Dưa, cách đây chục cây số lận ...

Lúc nầy tôi mới thấy bà giương cặp mắt đùng đục nhìn tôi từ đầu đến chân:

- À! Hóa ra là ông chủ giúp người ta mướn tôi! Người khác thì tôi nhận lời, còn bà con trong xóm lúc nầy có mướn bạc triệu tôi cũng không đi ...Tôi biết giọng hơi mình lúc nầy không khỏe, khóc lóc không ra gì, ăn tiền mang tiếng ...

 

Thôi thì trót phóng lao, tôi nằn nỉ:

-  Bà cố giúp cho thằng bạn tôi, nhà nó neo đơn, lại muốn tổ chức đám tang rình rang một chút cho người chết khỏi tủi. Nó lại có mấy anh em ở nước ngoài, chắc đám tang họ cũng về ... Đúng lúc bà bệnh, tôi không muốn mời chút nào nhưng thời gian gấp quá, bạn bè lâu lâu mới nhờ, nghĩa tử nghĩa tận, không lẽ từ chối ... Mà bà kêu tôi bằng ông chủ hoài, ngại quá! Tôi chỉ đáng con cháu bà ...

Bà Năm ngần ngừ hồi lâu mới lên tiếng, đổi cách xưng hô:

-  Thôi thì chỗ hàng xóm, tôi cũng ráng giúp cậu một lần! Nhưng chắc lần nầy làm xong, tôi giải nghệ luôn. Già quá rồi, tiếng hơi cũng kiệt. Không như lúc trước còn trẻ ở đoàn cải lương ...

Rồi như chạm vào nỗi niềm riêng tư nào đó, bà Năm nói luôn một hơi, mắt nhắm nghiền như kể lể cuộc đời mình với ai đó chứ trước mắt không phải  tôi:

-  Thời trước, tôi trẻ đẹp lắm! Thanh niên trai tráng chạy theo đuôi hàng tá. Mà tôi kiêu kỳ, lẳng lơ! Dễ gì đám trai tơ nhồng nhồng ấy rớ tôi được. Tôi lại mê cải lương ... Cậu biết lúc đó chỉ cần có Thành Được, Út Trà Ôn về đây diễn mà ba tôi đánh tét đít tôi cũng trốn đi coi ... Rồi lớn lên, cũng vì mê ca hát, tôi mới về làm lẽ ông bầu Thái ...

         

Đây là lần đầu tiên tôi chịu khó ngồi nghe tâm sự của một người không bà con họ hàng thân thuộc. Bà Năm trước mắt tôi hình như  ẩn chứa một điều gì không rõ. Đằng sau đôi mắt mờ đục kia vẫn tha thiết ánh lên cái nhìn tiếc nuối vô biên với những gì thuộc về quá khứ. Hơn nữa, tôi không nỡ bỏ đi trong lúc nầy, lúc mà tôi đang nhờ cậy bà ta. Ít ra, đó cũng là cách mà bà ta sẽ khó từ chối lời yêu cầu của tôi.

Với giọng đều đều, bà Năm kể trong lúc cặp mắt ráo hoảnh:

-  Cậu biết không? Trong đoàn cải lương, vì không biết ca, người ta phân công tôi đứng sau cánh gà khóc thế cho vai diễn. Hễ mỗi lần có cảnh lâm ly, bi đát cần tiếng khóc của đào chính, tôi lại cất tiếng khóc của mình. Phải khóc như thật ! Mà tiếng khóc cũng có năm bảy loại ... khóc nỉ non,  sướt mướt, khóc ròng, khóc nấc, than thân trách phận, khóc cay đắng tình người bội bạc, vong ân, khóc giận khóc hờn, khóc mừng khóc tủi ... Mỗi hoàn cảnh trên sân khấu có những tiếng khóc khác nhau. Buồn khóc, vui cũng khóc được ... Cô đào chính trên sân khấu chỉ cần bôi tí dầu nhị thiên đường trên mi mắt, diễn tả gương mặt sao cho khớp với nội dung nhân vật còn tiếng khóc là tôi đứng sau tấm màn đảm trách. Không hiểu sao trời cho tôi tiếng khóc thật hoàn hảo, giống như in tiếng khóc thật ngoài đời ... Đứng sau tấm màn nhung, tôi thấy nhiều người lấy tay chùi nước mắt mỗi khi tôi khóc lên ... Rồi tôi cảm thấy tôi là họ, tôi khóc như khóc thật với lòng mình, với những gì xảy ra trên sân khấu. Ở đời, cậu ơi ! Nhiều khi hoàn cảnh thật của mình là sống kiếp vợ lẽ chồng chung, bao nhiêu buồn đau tủi hờn thì không khóc được mà chuyện đau chuyện buồn trên sàn diễn đâu đâu của thiên hạ thì lại khóc thật như chuyện của chính mình ...

Tôi ngậm ngùi hỏi bà, quên cả chuyện đến đây là để rước bà đi khóc mướn:

-  Rồi vì sao bà lại vào cái nghiệp khóc mướn nầy ?

-  Chẳng giấu gì  cậu ! Bà Năm thổn thức. Sau ngày bị ông bầu Thái bỏ rơi, tôi đã bụng mang dạ chửa. Biết đi đâu về đâu khi cái bụng đã vượt mặt chờ ngày sinh nở. Tôi có biết nghề ngỗng gì ngoài tiếng khóc trời cho. Cuối cùng đành lê thân về xóm nầy, nhờ bà con cưu mang, giúp đỡ. Đến khi sinh thằng con không cha, cậu tin không, tôi không một tiếng rên la, không nhỏ một giọt nước mắt. Mấy năm sau, tôi buôn bán có chút đỉnh vốn liếng thì thằng con bị bệnh nặng qua đời. Tôi như đứt từng đoạn ruột, chết lên chết xuống bao nhiêu lần vậy mà cũng không nhỏ được giọt nước mắt nào. Cậu có thấy lạ không ! Hình như trời cho mình cái nầy thì  lấy của mình cái khác ...

           

Tôi không biết nói gì để an ủi bà. Thì ra, kiếp người nhiều đau xót quá. Ngay cả lúc cần tiếng khóc thì lại không thể cất lên trong khi hàng ngày bà vẫn khóc cho bất kỳ ai với bao câu chuyện, bao thân phận không ăn nhập gì đến bà Cầm mớ tiền thằng bạn dặn đưa dúi vào tay bà, tôi cắt đứt câu chuyện, không muốn nghe nữa:

-  Vậy là bà nhận lời khóc cho đám tang má thằng bạn tôi. Đây là số tiền nó ứng trước cho bà. Khi đám tang xong, nó hứa sẽ thưởng thêm. Miễn là bà khóc cho thật, cho lâm ly để anh em nó ở nước ngoài còn động lòng. Bà hiểu chứ!

Bà Năm nhất định không nhận tiền tôi đưa dù nài ép cách mấy. Bà nói:

-  Thật tình tôi không chê tiền cậu nhưng chỗ hàng xóm, tôi có lời nguyền với tổ nhất quyết không lấy tiền ai. Cậu đừng áy náy! Tôi đã nhận lời thì cho dù có mệt, tôi cũng ráng lấy hơi lấy sức để khóc cho to, cho thật. Mà tôi đã kể chuyện khóc cho cậu nghe rồi! Nỗi đau buồn của thiên hạ cũng giống như nỗi buồn của tôi ... Cậu tin  đi, hôm ấy, cậu hãy nghe tôi khóc ...

 

Tôi ra về mà canh cánh nỗi lo. Không khéo lại làm bạn tôi thất vọng. Hơn nữa, tôi biết vì sao nó cần bà Năm phải khóc cho đám tang má nó đến thế ... Anh em nó toàn ở nước ngoài ...

 

*            

Tôi đã dự nhiều đám tang nhưng không có đám nào linh đình, nhiều nghi thức như đám ma má thằng bạn tôi. Chiêng trống, gõ mõ sáng đêm, kèn nhạc bát âm kéo lên liên hồi không ngớt, đèn đuốc sáng trưng, máy quay phim chụp ảnh xè xè, hàng chục vòng hoa vàng rực phúng điếu dựng đầy cạnh quan tài bằng gỗ quí. Khi chiếc áo quan sang trọng được hàng chục đạo tỳ khiêng ra khỏi nhà, tôi mới chú ý những người đi sau. Những người đàn bà mặt toàn đồ trắng và che mặt bằng những chiếc khăn cũng trắng tinh. Nhiều tiếng khóc ai oán, nức nở, nhiều giọng kể lể sụt sùi, ngấn lệ nhưng nếu tinh ý, tinh tai một chút vẫn thấy có gì đó gường gượng, không đau xót lắm, không vật vả lắm ...

 

Chỉ duy nhất có một tiếng khóc! Tiếng khóc được cất lên muộn hơn tất cả mọi người của một bà lão hom hem, chiếc miệng móm quắt nhưng lại thê thiết và cảm động hơn cả. Tiếng khóc như bao hàm cả một trời đớn đau, tuyệt vọng. Tiếng khóc như hàm chứa mọi sự tiếc thương, ân hận đối với người đã mất. Tiếng khóc như lay động cả những tâm hồn mạnh mẽ nhất, chai sạn nhất. Âm vực của tiếng khóc rộng và sâu lắng. Nó như xoáy, như đâm vào lòng người, như bật nhổ cả nỗi nín nhịn bi thương. Âm thanh của nó cứ cuồn cuộn, cuồn cuộn len vào mỗi trái tim, soi vào mỗi nỗi đau rất thật, rất người. Có một chút gì  gờn gợn, xót tím lòng tôi như chính người thân của mình vừa qua đời khi nghe tiếng khóc ấy.

 

Rồi bỗng nhiên, nhiều tiếng khóc cất lên. Bắt đầu là những người thân trong nhà, anh em bà con của bạn tôi rồi đến những người hàng xóm, người cùng cơ quan. Lạ lùng thay là những đạo tỳ, những người đàn trống. Họ đã quá quen với những đám tang, lòng chai sạn với bao nhiêu cái chết phải khiêng ra nghĩa trang hàng ngày cũng bật khóc nức nở. Những tiếng khóc lan ra, lan mãi. Người khóc to, kẻ sụt sùi. Đám tang kéo dài với bao thương cảm về người quá cố. Tôi thấy sự hài lòng trong mắt bạn tôi khi nhìn người đàn bà khóc mướn đang vật vả, kể lể, than van bằng tiếng khóc đã hụt hơi và cả điều khâm phục trong mắt anh em nó ở nước ngoài về khi biết rằng họ có người em hiếu thảo, một mình đứng ra lo chu toàn đám tang cho mẹ ...

 

*

Vài ngày sau đó tôi có việc phải đi công tác mấy hôm ngoài Trung. Nghe nói sau đám tang má thằng Hậu, anh em nó bù đắp lại cho nó khá nhiều tiền vì chăm sóc và lo liệu đám tang chu đáo và trọng thể. Họ hài lòng về những phút cuối của người mẹ mà họ chứng kiến trong đám tang. Nói nào ngay, khi lễ tang xong, Hậu có đưa tôi thêm một số tiền nhờ thưởng cho bà Năm Mẹo nhưng một lần nữa, bà cương quyết không nhận.

-  Đáng gì cậu ơi ! Chỗ hàng xóm láng giềng tôi khóc không lấy tiền công đâu. Mà tôi đã thề với tổ rồi ! Trả ơn tổ đã cho tôi tiếng khóc để tôi còn kiếm miếng cơm sống đến hôm nay. Bà phẩy tay , nói thế ...

 

*

... Hôm nay tôi mới về đến nhà. Chiếc xe vừa đưa tôi đến đầu hẽm thì đã thấy hai ba người hàng xóm khiêng một chiếc quan tài nhẹ hẫng, sơ sài, không kèn không trống đi thẳng tới chiếc xe ba gác gần đó đưa ra nghĩa trang người nghèo ngoài bãi rác. Tôi không tin vào tai mình khi nghe họ nói người nằm trong quan tài là bà Năm Mẹo. Mấy hôm trước ở đám tang về bà bỗng trở bệnh, miệng khô khốc, cổ họng viêm buốt không ăn uống gì được. Bà lọ dọ nấu cháo nhưng rồi mệt quá, ngã ngang bất tỉnh. Đến khi hàng xóm hay thì bà đã nằm co bất động dưới nền đất, hai tay quắp lại, mắt trợn trừng, cái miệng móm  giơ bộ răng đen nhẻm cứ há hốc lên trời. Bà chết nhẹ nhàng, lặng lẽ, giờ phút cuối bên cạnh không một người thân và cũng chẳng ai rỗi hơi cất lên tiếng khóc nào cho người đàn bà xấu số sống âm thầm, không họ hàng thân thích. Tôi vẫn thấy trong chái bếp căn lều dột nát của bà còn nồi cháo đã cạn nước nằm trơ trên chiếc kiềng sắt hoen rỉ và cái bàn thồ tổ nhỏ bà vẫn sì  sụp khấn lạy hàng đêm với những chân nhang xiêu vẹo.

 

Bỗng nhiên, tôi thấy mắt mình cay xè. Không hiểu bụi thốc vào mắt hay tôi khóc cho số phận của người đàn bà khóc mướn hẩm hiu kia .../.

Nguyễn Minh Phúc
Số lần đọc: 3636
Ngày đăng: 08.09.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hồn cát - Nguyễn Hiệp
Vầng trăng ngày ấy - Đàm Lan
Tiếng hát của người gác cầu - Y Uyên
Chai rượu tắc kè - Nguyễn Minh Phúc
Chạm đến tâm linh - Nguyễn Vĩnh Căn
Ghen - Hội An
Bà ngoại tôi - Mang Viên Long
Lũy báo - Nguyễn Hiệp
Những kẻ tài hoa …. - Diệp Hồng Phương
Sự nhầm lẫn - Đàm Lan
Cùng một tác giả
Đứa con trên cát (truyện ngắn)
Chai rượu tắc kè (truyện ngắn)
Người khóc mướn (truyện ngắn)
Gã đạo tỳ (truyện ngắn)
Con thỏ bông (truyện ngắn)
Hoa huệ trắng (truyện ngắn)
Đêm vô cùng (truyện ngắn)
Vai phụ (truyện ngắn)
Người sợ đàn bà (truyện ngắn)
Chiếc ghế (truyện ngắn)
Người hoang tưởng (truyện ngắn)
Người của biển (truyện ngắn)
Tiếng hát bay xa (truyện ngắn)
Hoa Dã Qùy vàng (truyện ngắn)
Tiếng đàn kìm (truyện ngắn)
Nhan sắc mùa xuân (truyện ngắn)
Đêm biển động (truyện ngắn)
Có thật vậy không ? (truyện ngắn)
Người đàn ông cùi (truyện ngắn)
Sông trôi về đâu (truyện ngắn)
Tấm ảnh (truyện ngắn)
Cái tát (truyện ngắn)
Cõi người (truyện ngắn)
Cuốn sách còn lại (truyện ngắn)
Người cùng nhóm máu (truyện ngắn)
Cơn mưa nghịch mùa (truyện ngắn)
Sát na (truyện ngắn)
Gió rừng u minh (truyện ngắn)
Viên ngọc trai (truyện ngắn)
Mây của trời (truyện ngắn)
Đờn ca tài tử (truyện ngắn)
Mùi của đàn ông (truyện ngắn)
Khúc lý chiều chiều (truyện ngắn)
Chùm hoa tím (truyện ngắn)
Đời không là … (truyện ngắn)
Mùa Nước Nổi (truyện ngắn)
Dáng Núi (truyện ngắn)
Bến Tình (truyện ngắn)
Bùa mê (thơ)