Giêrusalem
Thời Chúa Giêsu thành Giêrusalem ở trên hai ngọn đồi, giữa là thung lũng Tyropeon, xuyên qua hai đồi đó theo hướng bắc nam. Đồi phía tây là khu cư xá và đồi phía đông là khu Đền thờ. Mạn đông Đền thờ là thung lũng Cedron. Bên kia thung lũng Cedron là núi Cây dầu. Thung lũng Cedron gặp thung lũng Gehenna ở mạn nam Đền thờ. Thung lũng Gehenna là ranh giới thành Giêrusalem về phía tây.
Cuộc Tử nạn tại Giêrusalem của Đấng Cứu Thế được bốn Phúc Âm kể lại một cách tỉ mỉ nên có thể theo dõi một cách dễ dàng những việc đã xảy ra trong mấy ngày đầy những kỷ niệm thánh đó.
Đoạn đường cuối cùng của cuộc hành trình Cứu độ diễn ra từ thung lũng sông Giordan tới Giêrusalem. Ở đây Phúc Âm Thánh Luca đã cho biết khá đầy đủ về chi tiết. Từ Giêricô, trong thung lũng sông Giordan, Chúa Giêsu lên miền lân cận Giêrusalem.
Thành Giêrusalem có đồi vây xung quanh : bên đông là núi Cây dầu, trên núi có đường đi từ Giêrusalem tới Giêricô. Trên sườn núi phía đông có làng Bêthania, quê hương Matta, Maria và Lazarô. Trên đỉnh núi Cây dầu có làng Bethphagê, ở khoảng này Chúa đã bắt đầu cuộc khải hoàn vào thành Giêrusalem. Gần đó là nơi mà Chúa đã dạy kinh Lạy Cha và giảng về thế mạt. Trước những ngày Tử nạn, theo Phúc Âm Thánh Gioan, ta biết Chúa Giêsu đã nhiều lần tới Giêrusalem.
Phúc Âm Thánh Gioan còn cho biết những nơi Chúa đã qua : h ồ Bêzatha có năm dãy hành lang ở gần cửa Chiên (Ga 5,2) về mạn bắc Đền thờ; hồ Siloê ở mạn nam đồi Ophel (Ga 9,7) gần đó có tháp Siloê mà Phúc Âm Thánh Luca đã nhắc tới (Lc 13,4). Đền thờ là nơi Chúa hằng tới viếng mỗi khi tới Giêrusalem và cũng là nơi đã chứng kiến những cuộc tranh luận gay go giữa Chúa Giêsu và các kẻ muốn loại trừ Ngài. Đáng chú ý là hành lang Salomon về mạn đông. Góc đông nam sân Đền thờ là “Pinnaculum templi” (nơi cao của Đền thờ), là nơi, theo cổ truyền, quỷ đã cám dỗ Chúa Giêsu gieo mình xuống.
Nhờ đã đọc và học Thánh Kinh nên khi hành hương đến Giêrusalem, tôi càng xác tín và thêm lòng yêu mến Chúa.
Đọc 2 bài hành hương Đất Thánh trên mạng, Cha Tự Cường-OP gởi tặng cho tôi cuốn sách thật hay. Cuốn “What Jesus saw from the Cross” – “Những điều Đức Giêsu trông thấy từ cây thập tự”. Tác giả A. D. Sertillanges, O.P; Người dịch Fr. Thomas Tuý, O.P.
Cha Sertillanges là tu sĩ Đaminh, người Pháp sống ở đầu thế kỷ 20. Ngài là chuyên viên về Thánh kinh, khảo cổ, thuyết giảng, giáo sư nhiều năm ở trường Kinh thánh Đaminh ở Giêrusalem.
Tham khảo thêm cuốn “Trên đỉnh cao thập giá” của Đức Giám mục Fulton Sheen. Nhờ vậy tôi có nhiều tư liệu để viết về thành Thánh Giêrusalem.
Giêrusalem được xem là thành phố thiêng liêng của ba tôn giáo lớn trên thế giới: Do thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo. Tư liệu lịch sử cổ Ai Cập đã nói đến Giêrusalem, có từ 3.000 năm trước CN.
Với người Do Thái giáo, Giêrusalem là nơi Đavít lập thành đô.
Với người Kitô giáo, Giêrusalem là nơi xảy ra nhiều sự kiện cuối đời của Chúa Giêsu, nhất là biến cố tử nạn của Ngài.
Với người Hồi giáo, Giêrusalem là nơi giáo chủ Mahômét đã đến hành hương, là thánh địa quan trọng của họ sau Mecca và Medina trung tâm của đạo Hồi ở Ả rập Sauđi.
Giêrusalem, tiếng Do Thái gọi là Yerushalayim, người Ả rập gọi là Al Quds, có nghĩa là thành phố văn hoá đa dạng. Như một trung tâm tôn giáo quan trọng vào thời cổ, thuộc miền Cận Đông, Giêrusalem như ngã tư nơi xảy ra nhiều cuộc tranh chấp. Khảo cổ xác minh điều đó ở những di tích của thành cổ còn sót lại.
Sau chiến tranh giữa khối Ả rập và Israel vào năm 1948, Liên Hiệp quốc chính thức can thiệp. Sau nhiều tháng dàn xếp của thế giới bên ngoài, năm 1949 Israel và các quốc gia Ả rập (Ai Cập, Syri, Liban, Jordan) đã đồng ý việc phân chia ranh giới của Liên Hiệp quốc về một Israel theo như bản đồ, trong đó Giêrusalem chia làm hai: Khu Cổ thành thuộc về Cisjordani (xứ nằm bên kia bờ sông Jordan), khu mới thuộc về Israel. Nhìn vào bản đồ, cả hai bên không mấy hài lòng. Không chỉ là đất đai bình thường, ở những phần đất ấy còn liên hệ đến những gì linh thiêng nhất vì tôn giáo và lịch sử của Israel cũng như các nước vùng Cận Đông là một.
Năm 1956 chiến tranh lại xảy ra, nhưng không giải quyết được gì. Năm 1967, một cuộc chiến khác, người ta gọi là: Chiến tranh Sáu Ngày. Ở trận Jordani, Israel bất thần đổ bộ vào khu vực cổ thành, họ đã chiếm trọn. Họ tuyên bố sẽ tìm mọi cách để giữ Thánh địa Giêrusalem. Còn về phía Jordani thì vua Hussein đã tuyên bố với quốc dân: “...quân đội chúng ta đã đổ máu để bảo vệ từng thước đất của non sông và máu của họ còn chưa khô... Bây giờ sự tình như vậy rồi, lòng tôi nát tan khi nghĩ đến những chiến sĩ đã ngã gục trên chiến trường, nghĩ đến phần đất thiêng liêng của tổ tiên...”. Chiến tranh tranh giành phần đất thánh của hai bên vẫn tiếp tục xảy ra cho đến ngày nay. Thánh địa Giêrusalem vẫn là nơi xảy ra những cuộc tranh chấp, được khoanh vùng, thế giới đang tìm cách giải quyết, Giêrusalem không chỉ là quyền lợi của nhà nước Jordani mà của Cisjordani (hay Transjordani) một nước Palestine bị xoá xổ kể từ khi Israel đánh chiếm Giêrusalem vào năm 1967.
Giêrusalem chia thành hai khu: khu vực cổ gồm các Thánh Địa, masculin khu vực mới gồm nhà ga, các trung tâm thương mại...
Người Do Thái xem Giêrusalem như thủ đô, Liên Hiệp quốc không công nhận điều đó, ngày nay các trung tâm ngoại giao, hành chính đều nằm ở Tel Aviv. Giêrusalem ở trong một vị thế như lạc lõng với những vùng đất bên ngoài vì: ra khỏi Giêrusalem ít Km là những vùng đất núi đồi khô cằn. Phía đông là Biển Chết, nước rất mặn không sinh vật nào sống được. Trên bờ Biển Chết, còn lại di tích của Sodoma và những phát hiện Qumran gọi là “Những cuộn giấy da vùng Biển Chết”, ở Biển chết mặt đất lõm xuống, nơi thấp nhất thế giới, 394m so với nước biển.
Thánh địa từ nhiều thế kỷ chia thành từng khu. Hiện nay, khu người Kitô giáo 2,5% gồm cổng Goá phụ, Thánh đường Mộ Thánh, con đường Chúa vác thập giá. Khu người Hồi giáo 25% gồm cổng vua Herod, cổng thánh Etienne,masculin cổng Dorée gần vườn Giếtsêmani và núi Cây dầu bao gồm cả Đền thờ chính và giáo đường AlAqsa và giáo đường Omar xây năm 691 sau CN, bức tường Than Khóc. Khu vực Chính Thống Armêni gồm thành và pháo đài vua Đavít, dinh thự vua Herod. Khu vực người Do Thái 70% gần như bị phá huỷ năm 1948 và được xây lại từ năm 1967.
Giêrusalem nằm trên một ngọn đồi ở độ cao 800m. Khu vực mới do viện Knesset quản lý gồm nhiều tu viện, một trường đại học và đài tưởng niệm Yad Vashem.
Có thể hiểu nguyên nhân việc phân chia, tranh dành các di tích Thánh ở Giêrusalem của người Hồi, Do Thái và Kitô giáo. Cả ba tôn giáo độc thần, với Kinh Thánh, Abraham là Tổ Phụ. Tuy rằng Mahômét là người sáng lập đạo Hồi, người Ả rập tin Ismael là thuỷ tổ của họ, Ismael lại là con của Abraham và nàng hầu Agar. Mahômét nhìn nhận các sách của Môisen, Thánh vịnh và các sách Tin mừng như là sách Thánh. Chúa Giêsu như là vị ngôn sứ, Mẹ Maria cũng được tôn kính đặc biệt.
( Mahômét sinh tại LaMecque vào năm 570. Năm 610 ông bắt đầu giảng tại quê nhà về ngày phán xét của Chúa, một Thiên Chúa gọi là Đấng Allad mà ông tự xem mình là vị Đại tiên tri cuối cùng và ông mời gọi họ sám hối. Đồng hương của ông không nghe. Ông bèn qua thành La Mecque năm 622. Ở đây ông thành công. Rồi ông dùng võ lực khuất phục đồng hương. Ông mất năm 632. cuốn kinh Coran được xem như kinh thánh của đạo Hồi. Đạo Hồi lan tràn mạnh với khẩu hiệu – Tin hay Chết).
Lịch Sử thành Giêrusalem:
Lịch sử của Thành Thánh là những cuộc chiến tranh, thôn tính, tàn phá và xây dựng lại. Đế quốc Babilon, Batư, Hylạp, La Mã, Byzantine, Thỗ Nhĩ Kỳ, Ottoman, Đế Quốc Anh đều đã đặt chân lên Giêrusalem. Có lẽ ít nơi nào trên thế ghi lại chứng kiến sự biến thiên cũng như sự cộng hưởng của nhiều nền văn hóa, tôn giáo như miền đất này. Trong mọi thời kỳ, đền thờ vốn là biểu tượng của Israel vinh quang và nhục nhã, trung thành và phản bội.
Ba ngàn năm trước CN, Giêrusalem chỉ là vùng đất nhỏ bé. Người Canaan đã đến đó sinh sống, đồng hoá sắc dân bản địa. Họ ở trên vùng đất cao, dùng nguồn nước cạnh Gikhon, nằm giữa hai thung lũng Cedron và Tyropocon. Khoảng năm 2000, dân Amôri chiếm được miền này. Khoảng 1800, họ thành lập thành luỹ ở Giêrusalem, tường thành bao gồm cả đất của dixième dân và chiếm Ôphel ở phía bắc, họ còn đào một đường hầm xuyên qua đá để lấy nước ở suối Gikhon. Vào thế kỷ 14, các bức thư của El Amarna cho biết Giêrusalem lọt vào tay một quân vương tên là AbbiHepa. Sự thống trị của người Canaan kéo dài tới thời Đavít.
Nằm trên độ cao 800m, bao gồm thành phố mới và thành phố cổ. Thành phố cổ do vua Đavít thành lập và con ông, vua Salomon đã cho kiến thiết một Đền thờ vĩ đại nhất thời bấy giờ, nhưng Đền thờ đã hai lần bị phá huỷ và bị người La mã bình địa năm 70 sau CN. Giêrusalem trải qua một quãng thời gian dài thành nơi linh thiêng của người Kitô giáo, nhưng năm 637 người Ả rập chiếm đóng và Giêrusalem lại thành thánh địa của đạo Hồi, họ tin rằng: chính trên mỏm núi Moriah, Mahomet đã bay về trời, thế là họ cho xây đền thờ Đá (Dome of the Rock). Năm 1099, Thập Tự quân chiếm đóng, Giêrusalem thành một nước thuộc quyền người Kitô giáo và sau cuộc đánh chiếm người Hồi Ottoman 1250 lại đặt dưới sự thống trị người Hồi Ả rập.
Sau chiến tranh thế giới lần I, năm 1922 Giêrusalem đặt dưới quyền kiểm soát của người Anh. Năm 1948, người Do Thái về lập quốc, chiến tranh xung đột giữa Israel và Ả rập xảy ra, Liên Hiệp quốc đã phân chia khu Cổ thành Thánh địa Giêrusalem thuộc về xứ Jordanie. Năm 1967, chiến tranh “Sáu ngày” Israel chớp nhoáng chiếm lĩnh khu Cổ thành. Năm 1980, viện Knesset (viện dân biểu) chính thức tuyên bố “thủ đô vĩnh viễn” bất chấp sự phản đối của khối Ả rập. Trong khu vực cổ thành có các bức tường từ thời Thổ Nhĩ Kỳ, những bức tường từ thời Salomon và Herod còn dấu tích và còn nhiều di tích thánh, những vết tích Đền Thánh còn sót lại. Mỗi tôn giáo đều có khu phố riêng: khu vực Kitô giáo nằm về phía Tây Bắc quanh mộ Chúa Giêsu; khu Hồi giáo năm hướng Đông Nam trên thung lũng Cedron.
Salomon xây Đền Thờ:
Thế kỷ thứ 10 trước CN, Đavít lấy Giêrusalem làm trung tâm của nước Do Thái. Ông muốn xây một thành Thánh. Kế nghiệp cha, Salomon đã cho xây dựng một Đền Thánh nguy nga, lộng lẫy.
Vua Salomon có vàng bạc, đàn gia súc, có mùa màng và lòng kiêu căng nhưng không có vật dụng hảo hạng, thợ lành nghề và ý niệm nghệ thuật xây dựng. Vì vậy ông phải nhờ đến các người Tyrians, họ có đủ tài nguyên cần thiết và quan niệm kiến trúc cơ bản cộng với nghệ thuật của Ai cập và Assyria.
Trong vòng bảy năm, từ 1013 tới 1006, nhà của Giavê được hoàn thành. Giống như các đền đài Ai Cập, phần căn bản của nó là Pylon hay tiền đường mặc áo, cung thánh ngoại vi hay nơi thiêng liêng, phần bên trong linh thiêng hơn, nơi cực thánh không ai được đặt chân vào ngoại trừ các thượng tế, một năm một lần. Một số các phòng phụ cận dùng vào việc phục dịch đền thờ. Toàn bộ kiến trúc được dẫy cột bao quanh gọi là hành lang có mái. Phần này được hoàn tất muộn về sau.
Bên dưới Haram của Salomon là các hồ chứa nước dùng cho các nhu cầu của nhân viên phục vụ đền thánh và việc tế lễ. Còn việc tắm rửa thì đã có một bể bằng đồng lớn gọi là "biển đồng" ( the sea of Bronze). Nó bắt chước các chậu tắm của Susa và cuối cùng là cung điện vua thượng vị với hoàng hậu của ông ở. Ông cư ngụ bên cạnh Đức Chúa của mình.
Như thế, Salomon hoàn thành công trình thật tráng lệ. Các kích thước cùng với hình thể, hoa văn, phù điêu, chữ nghĩa là phổ thông nơi não trạng Ai cập. Chiều kích của từng phần và các chi tiết được trù liệu như các yếu tố của một bài toán mà lời giải là toàn thể kiến trúc. Nền cao bên hông tam giác đều, phía trước là tam giác vuông - mà theo Platô tam giác đẹp nhất, hoàn thiện nhất là tam giác vuông góc các cạnh được đo như sau 3, 4 và 5.
Việc trang trí gồm có các tấm phù điêu dát vàng theo như thói quen người Babylon. Sàn nhà làm bằng gỗ bá hương và thông già, gồm luôn cả vỉa hè. Các bình thiêng thánh gần như bằng vàng ròng toàn khối. Các bàn lễ vật, các chân đèn, các cánh thiên thần Cherubim khắc bằng gỗ dát vàng. Các dụng cụ tuỳ tùng khác được trang trí hào phóng.
Dân Israel đã đồng hóa tình yêu đền thánh với lòng sùng mộ Đức Chúa: "Lạy Đức Chúa các đạo binh, cung điện Ngài xiết bao khả ái, mảnh hồn này khát khao mòn mỏi, mong tới được khuôn viên đền vàng. Cả tấm thân con cùng là tấc dạ những hướng lên Chúa Trời hằng sống mà hớn hở reo mừng" (Tv 83, 2-3).
Đất nước chia đôi, lưu đày
Vương triều của Salomon đến cuối đời thì bị phân chia. Trong số 12 chi tộc Israel chỉ có hai chi tộc – Giuđa và Benjamin – trung thành với nhà vua, còn các chi tộc khác lập một vương quốc mới, vương quốc Israel. Do vậy nước chia làm hai: Giuđa và Israel. Chiến tranh giữa hai nước xảy ra. Miền Bắc bị đế quốc Assyri xâm chiếm vào năm 721. Miền nam Giuđa Bị đế quốc Babilon tàn phá năm 587, Đền Thánh bị thiêu đốt, dân Do Thái phải tha phương cầu thực sống kiếp lưu đày.
Hồi hương, xây lại đền thờ lần thứ hai.
Đế quốc Assyri và Babylon bị đế quốc Ba Tư đánh bại. Năm 538, vua Ba Tư là Cyrus hạ chỉ cho phép người Do Thái lưu đầy được hồi hương trở về quê cha đất tổ. Vua Zorobabel xây dựng tạm đền thờ trên đống đổ nát. Nó được đặt trên nền cũ nhưng nhỏ hơn chút ít. Năm 537, Đền thờ bắt đầu được tái thiết nhưng 17 năm ròng rã vẫn chưa xong. Sau cùng, nhờ Khacgai và Giacaria, Đền thờ được hoàn thành, được xây cất theo Đền thờ của Salomon và cùng một kích thước. Năm 445, Nêhêmia xin vua Ba Tư xây dựng lại tường luỹ bảo vệ chung quanh. Ông thực hiện trong một thời gian kỷ lục, hai tháng thì xây xong.
Đế quốc Hylạp, anh em nhà Maccabê.
Rồi thành Giêrusalem bị đế quốc Hy lạp chiếm. Năm 166-165, một cuộc nổi dậy trong dân Do Thái, ngoài Mattathia còn có anh em nhà ái quốc Maccabê, họ nổi dậy và đã thành công. Tháng 12 năm 165 Giuđa chiếm được Đền thờ, tổ chức lễ Hanmica cũng gọi là lễ Ánh sáng, để nhắc lại ngày tẩy uế và dâng hiến lại Đền thờ cách trọng thể. Cuộc nổi dậy đó không là một sự thành công hoàn toàn nhất là về phương diện tôn giáo.
Hêrôđê xây đền thờ lần thứ ba.
Ngôi đền thứ hai tồn tại cho đến khi Pompey của Roma thôn tính Giêrusalem và Hêrôđê cả tự phong mình lên ngôi vua ở thành phố. Ông vua tiếm vị và sát nhân này cho xây lại đền thờ Zorobabel, để hoà giải với dân tộc Do Thái, nhất là giai cấp tư tế và đền bù muôn vàn tội lỗi đã xúc phạm đến dân tộc ấy. Ông cần tới ba năm để thu gom vật liệu cần thiết, và bám sát vào đồ án trước đây, chỉ tôn tạo dấu vết cổ xưa, cố gắng dựng lại cách sắp xếp thuở ban đầu, mặc dù chủ yếu dùng kỹ thuật Hy lạp – Roma.
Khi mọi sự đã sẵn sàng, Hêrôđê bắt tay vào việc. Mười ngàn thợ tốt được sử dụng dưới sự giám sát của một ngàn tư tế. Chỉ những tư tế này mới được làm việc nơi cung thánh và cực thánh. Trong vòng 18 tháng, phần "Naos" (nơi cực thánh) được hoàn tất và cung hiến. Tám năm nữa để xây dựng tiền đường và hành lang. Nhưng những công việc phụ kéo dài đến thời Agrippa, phỏng năm 64 sau công nguyên nghĩa là cho tới chiều hôm trước ngày lại bị tàn phá.
Xét theo tổng thể, thì ngôi đền Hêrôđê để lại, thể hiện quan niệm kiến trúc tinh tế. Các cột hành lang quay quanh một dinh cơ đồ sộ, cái nọ chồng lên cái kia, gọi là hiên hàng cột mà tuyệt đỉnh là chính cung thánh nằm ngay trên đỉnh đồi.
Coi từ phía xa, và trong nguồn ánh sáng thuận lợi, nó có một hiệu ứng ánh sáng kỳ diệu, tuờng đá cẩm thạch trắng, trang trí vàng bạc giống như một khối tuyết lóng lánh. Nhìn từ phía núi Olivêtê, khi mặt trời mọc nó sáng chói với các mái vòm mạ vàng, các cổng, các hoa văn, các dây leo to tuớng bằng vàng ròng ở cổng chính lấp loáng dưới ánh mặt trời lung linh. Trước quang cảnh rực rỡ đó, lòng khách hành hương không khỏi bùng lên một ngọn lửa kiêu hãnh, thì thầm lời Thánh vịnh: "Tại Sion, cảnh sắc tuyệt vời, Thiên Chúa hiển minh" (Tv 59,2).
Thế nhưng, khi thiên hạ tiến đến từng đoàn lũ từ khắp nơi để tham dự các lễ hội lớn, xô lấn nhau vào cổng, tràn ngập các sân. Khi các tư tế lăng xăng đây đó để chu toàn chức vụ. Khi các tiến sĩ tranh luận lề luật, chung quanh là học trò vãng lai hay thường xuyên. Khi hội đồng Sanhedrin nhóm họp để cân nhắc. Khi các chiên cừu, bò lừa, chiên dê được dẫn qua cổng để làm lễ hiến tế, khi các cùi hủi đến để được tẩy sạch, khi các người chồng lo lắng dẫn vợ tới chịu phép thanh tẩy bằng nước "cay đắng", khi những người đổi tiền, những lái buôn bồ câu và bánh tiến, thực hiện dịch vụ ồn ào, thì kiến trúc khổng lồ này trở nên náo nhiệt, sống động, diễn tả sức sống của tất cả những thứ mà nó đứng làm tiêu biểu. Lúc ấy toàn bộ nơi chốn uy nghiêm này đầy ắp tiếng lách tách của lửa cháy, tiếng rống của súc vật bị giết, tiếng nói, giọng cười, tiếng chân bước và kèn đồng thúc giục. Đền thờ giống như một “siêu thị”, tấp nập buôn bán, ồn ào náo nhiệt. Điều đó, khiến Chúa Giêsu nổi giận làm một cuộc “thanh tẩy đền thờ” (Ga 2). Khách hành hương phải chịu những tệ nạn của bọn đổi tiền bóc lột với giá cắt cổ.Thật là bất công và càng tệ hơn nữa khi người ta nhân danh Tôn giáo để trục lợi. Bên cạnh bọn đổi tiền còn có một số người bán bò, chiên, bồ câu để khách hành hương mua làm lễ vật toàn thiêu. Điều hết sức tự nhiên và tiện lợi là có thể mua đựơc các con vật ở sân Đền Thờ. Luật quy định các con vật làm của lễ phải lành lặn không tỳ vết. Có những chức sắc kiểm tra khám xét con vật. Mỗi lần khám xét phải trả 1/12 siếc-lơ, không được mua vật ở ngoài Đền thờ. Khốn nổi, mỗi con vật mua trong đền thờ đắt gấp 15 lần ở bên ngoài. Khách hành hương nghèo bị bốc lột trắng trợn khi muốn dâng lễ vật. Sự bất công này lại càng tệ hại thêm vì nó làm dưới danh nghĩa tôn giáo.
Chính vì những điều ấy đã làm Chúa Giêsu bừng bừng nổi giận.Chúa lấy dây thừng bện thành roi đánh đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi đền thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ.
Trong Phúc âm hiếm khi thấy Chúa Giêsu nổi giận. Ngài bình thản đón lấy nụ hôn phản bội của Giuđa; lặng lẽ trước những lời cáo gian buộc tội; xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ đóng đinh mình vì họ không biết việc họ làm. Chính Chúa Giêsu đã mời gọi hãy học lấy nơi Ngài bài học hiền lành và khiêm nhường. Vậy mà ở đây, Chúa đã nỗi giận đùng đùng, lật tung bàn ghế,lấy dây thừng làm roi xua đuổi tất cả.
Khung cành đền thờ phải là nơi yên tĩnh, thánh thiêng.Thế mà nay lại ồn ào huyên náo, mua bán đổi chác, tranh giành, cãi cọ, đôi co như là một cái chợ buôn bán sầm uất. ”Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha Ta thành nơi buôn bán” (Ga 2,16). “Nhà của Ta là nhà cầu nguyện, còn các ngươi làm thành hang trộm cướp” ( Mt 21,12-13). Chúa Giêsu thất vọng biết bao trong tiếng than thở ấy. ”Nơi buôn bán”, “Hang trộm cướp”, Đền thờ nơi tôn nghiêm thờ phượng Đức Chúa, nay lại quá bất kính, quá bát nháo khiến Chúa Giêsu phải đau lòng. Lời ngôn sứ Giêrêmia quở trách dân Do thái xưa đã nên ứng nghiệm ( x Gr 7,11).
Thế là Chúa Giêsu thực hiện một cuộc thanh tẩy Đền thờ vì Ngài yêu mến đền thờ. “Vì nhiệt tâm lo việc Nhà Chúa,mà tôi đây sẽ phải thiệt thân” (Tv 69,10). Lòng nhiệt thành với Đền thờ sẽ dẫn Đức Giêsu đến chỗ bị người đời bách hại (x Ga 15,5). Tại sao Chúa Giêsu lại hành động như vậy ?
Chúa Giêsu làm như vậy vì nhà Thiên Chúa đã bị xúc phạm. Trong sân đền thờ có thờ phượng mà không có lòng tôn kính.Thờ phượng mà không có lòng tôn kính là việc bất xứng.Đó là việc thờ phượng hình thức chiếu lệ.Trong sân Đền thờ người ta cãi vả về giá cả,tiếng ồn ào huyên náo tạo thành một cái chợ chứ không phải là Đền thờ.
Chúa Giêsu hành động như vậy để chứng minh rằng việc dâng thú vật làm lễ tế không còn thích đáng nữa.
Các ngôn sứ đã loan báo : “Đức Chúa phán, ngần ấy hy lễ của các ngươi đối với Ta nào có nghĩa lý gì? Lễ toàn thiêu chiên cừu, mỡ bê mập, Ta chán ngấy. Máu chiên dê Ta chẳng thèm. (Is 1,11). ”Chúa chẳng ưa thích gì tế phẩm, con có thượng tiến lễ toàn thiêu Ngài cũng không chấp nhận” ( Tv 50,16).Thái độ thanh tẩy Đền thờ của Chúa Giêsu chứng tỏ Chúa đòi hỏi lòng thành kính. Lễ vật đẹp lòng Thiên Chúa là tấm lòng chân thành.
Lý do thứ ba chính là “Nhà Cha Ta là nhà cầu nguyện”. Đền thờ là nơi Thánh, là chốn Thiên Chúa hiện diện tiếp nhận phụng tự của người dâng lễ và thông ban cho họ sự sống và các ân huệ của Người.Các chức sắc Đền thờ, các con buôn người Do thái đã biến đền thờ thành nơi huyên náo, nổi loạn.Tiếng bò rống, tiếng chiên kêu, tiếng rao hàng, lời qua tiếng lại mặc cả, cãi cọ mua bán làm cho khàch hành hương không thể cầu nguyện được.
Không có đền thờ nào đẹp bằng đền thờ Giêrusalem. Một công trình nguy nga tráng lệ xây cất ròng rã 46 năm. Khi đi qua, các môn đệ tự hào chỉ cho Chúa thấy sự huy hoàng của Đền thờ, nhưng Chúa Giêsu lại nói rằng : sẽ có ngày không còn hòn đá nào trên hòn đá nào.
Khi người Do thái chất vấn : Ông lấy quyền nào mà làm như vậy ? Chúa Giêsu bảo: cứ phá Đền thờ này đi, trong 3 ngày Ta sẽ xây dựng lại. Chúa ám chỉ đến cái chết và sự phục sinh của Người. Đền thờ ở đây chính là thân thể Chúa Giêsu mà mỗi người Kitô hữu là một viên đá sống động xây dựng nên đền thờ ấy.Thân thể phục sinh của Ngài là đền thờ mới, nơi con người thờ phượng Thiên Chúa cách đích thực trong tinh thần và trong chân lý.
Đế quốc Lamã phá đền thờ
Đối với người Do Thái, tôn giáo và chính trị là một. Những người kế vị Maccabê quá trần tục, họ tranh dành nhau địa vị, người thì tự xưng là vua: Aristôbôrô I; người tự xưng là Thượng tế: Hátmon. Người Do Thái phản ứng quyết liệt, họ phủ nhận quyền lãnh đạo tôn giáo cũng như chính trị đó. Trong bối cảnh đó, người La mã đã đặt chân đến theo lời mời giảng hoà việc tranh chấp giữa vua và Thượng tế. Dịp này, người La mã tiến vào Giêrusalem, nước Giuđa bị biến thành chư hầu. Hicanô được đặt làm vua Do Thái từ năm 37-4 trước CN, ông cho xây dựng Đền thờ. Dưới sự cai trị của quan tổng trấn La mã, Pônxiô Philatô (ông được hoàng đế Tibêriô bổ nhiệm năm 26, giữ chức vụ 10 năm, rồi bị mất chức năm 36 sau vụ giết hại một số người Samaria vô tội), Chúa Giêsu bị xử tử ở Giêrusalem.
Vào năm 70 sau CN, vị tướng La mã Titus đem đại quân vây hãm thành. Ông ra lệnh không được đốt phá. Một quân nhân như bị thúc đẩy bởi một sức kỳ lạ đã cầm bó đuốc đang cháy ném vào bên trong Đền thờ, lửa bốc cháy nhanh, không chữa được. Sau khi đám cháy tàn lụi, Titus ra lệnh phá huỷ thành và Đền thờ, ngoại trừ, như sử gia Josèphe cho biết, ba lều tháp và một bức tường, để cho hậu lai thấy sự kiên cố của thành bị phá.
Năm 132 vào thời hoàng đế Adrien, ông truyền xây một ngôi chùa thờ thần Jupiter, Giêrusalem gọi là Aelia Capitolina, là một thành chính thức thuộc về La mã. Năm 362, Julius mệnh danh là “người chối đạo” cho phép cũng như giúp mọi phương tiện cho người Do Thái xây lại Đền thờ, nhưng không thành vì khi khởi công có chuyện kỳ lạ là những ngọn lửa từ dưới nền móng bốc lên khiến thợ xây phải bỏ cuộc (sự việc đó đã được các giáo phụ như Grêgôriô Nazianze, Gioan Kim Khẩu và một số sử gia không có đạo sống vào năm 363 như Socrate, Sozomène, Theodoret kể lại).
Thời vua Constantin.
Năm 333 thời Constantin, người Do Thái được phép đến than vãn chỗ đặt Bàn thờ Toàn thiêu, ông cho phá đền Capitolina, để lộ thiên đồi Golgotha và mồ thánh. Thánh nữ Hêlêna, mẹ hoàng đế đã tìm ra Thánh giá của Chúa Giêsu và hai cây thập giá của hai tên tử tội, Constantin đã cho xây một giáo đường trùm lên khu vực đó.
Nhiều thăng trầm.
Thế kỷ thứ 5, bắt đầu có phong trào người Kitô hữu về hành hương Đất Thánh, Đức Giáo Hoàng Grêgôriô Cả đã cho lập nhiều lữ quán để đón tiếp các đoàn hành hương. Năm 614 người Ba Tư chiếm được Giêrusalem, đốt phá các nơi thờ tự, bắt thượng phụ Zacaria và lấy di tích Thập Giá đem theo. Ít lâu sau, Heracliô lấy lại được Thập giá trong tay người Ba Tư (629). Năm 638, người Ả rập chiếm được Giêrusalem, họ cho xây tại chính tâm Đền thờ giáo đường El Apsa, sau đó giáo đường Omar. Kể từ đó, người Do Thái thường đến than khóc tại bức tường Than Khóc. Người Hồi giáo đã chiếm Thánh địa từ lâu, nhưng các chủ nhân Ả rập này tương đối dễ dãi với các tín hữu địa phương và khách hành hương, miễn là nộp thuế cho họ. Hoàng đế Charlemange còn cho xây dựng một đan viện ở núi cây dầu. Nhưng từ năm 1009, vua Hakim phá Mồ Thánh. Năm 1071, Hồi giáo Ả Rập gốc Thổ Nhĩ Kì phá huỷ, bôi nhọ những nơi thánh thiêng nhất của Kitô giáo cũng như cản trản những đoàn hành hương Thánh địa.
Một cuộc chiến tranh mới xảy ra: chiến tranh của lòng tin. Bấy giờ, vua La mã, Alexius Commecus thỉnh ý Đức Giáo hoàng Urban II. Giáo hoàng cho triệu công nghị ở Clermont nước Pháp, người kêu mời mọi người sẵn sàng lên đường bảo vệ đức tin. Trước lời hiệu triệu vừa hùng hồn vừa thống thiết của Đức Giáo hoàng, như ngọn lửa nhiệt thành bốc cháy, mọi người từ tu sĩ, tín hữu la lên: “Chúa sẽ phù trợ”. Đạo binh Thánh giá không phải là quân đội có tổ chức mà là sự tập trung ô hợp, nhưng không vì thế mà không có người lãnh đạo. Một đội quân mà thành phần là: tu sĩ, hiệp sĩ, nhà quý tộc, binh lính, nông dân, người buôn bán, có cả trẻ em.. Họ tin rằng họ thắng chỉ vì có Chúa độ trì... năm 1096, đoàn quân thứ nhất lãnh đạo của Godfrey of Bouillon đa phần là hiệp sĩ và những nhà quí tộc. Sau chín tháng ở Antioch...Tháng 6 năm 1099 họ bắt đầu vào Giêrusalem vào ngày 15/07/1099 họ chiếm được Giêrusalem. Khi tiến vào Mồ thánh họ đi bộ, đầu để trần, đến nơi họ quì gối rồi hôn phần đất mà Chúa Giêsu chịu chết. Họ cho xây các thánh đường mới, trong đó có thánh đường Mồ thánh, nhà Tiệc ly...
Năm 1187, Saladin chiếm được Giêrusalem. Năm 1516, lại rơi vào tay người Thổ Nhĩ Kỳ.
Vào năm 1540, Soliman II cho xây một tường luỹ ở phía Bắc chạy dọc theo tường luỹ của Agrippa, còn phía Nam nơi từ tường thành phía nam Đền thờ chạy dài đến phía bắc Nhà Tiệc Ly. Đó là bức thành hiện có và cũng từ đó bắt đầu thời suy tàn...
Giêrusalem bây giờ được phân chia thành hai phần rõ rệt. Phần ngoại thành được xây cất hiện đại, với những cơ quan đầu nảo của chính phủ Dothái. Phần Cổ Thành, nằm trong bức tường đá cổ xưa, với các nơi thánh đối với Kitô giáo, cũng như Do Thái giáo và Hồi giáo.
Ngoại thành Giêrusalem
Từ sáng sớm, chúng tôi đã lên đường để kịp ngắm Giêrusalem trong ánh bình minh rực rỡ. Nổi bật là đền thờ Hồi giáo với mái vòm bằng vàng ròng lấp lánh dưới ánh nắng mặt trời.
Thành Giêrusalem, gồm hai khu vực chính là khu cổ thành được xây thêm từ ngày tái thiết quốc gia (1948) và thành Giêrusalem được gọi là khu Tân Trang.
Chúng tôi đang ở ngoại thành Giêrusalem, đứng trên đồi Ôlivata ngắm nội thành rồi đi thăm 3 nhà thờ.
Nhà thờ Kinh Lạy Cha.
Khi các môn đệ xin Chúa dạy cầu nguyện, Chúa đã dạy kinh Lạy Cha (Mt 6,7-15). Đây là lời kinh duy nhất Chúa để lại. Tảng đá Chúa ngồi để dạy Kinh Lạy cha vẫn còn đó. Nhà thờ này do các Sr Dòng Kín Cát Minh người Pháp coi sóc.
Nơi đây có 114 phiến đá ghi kinh Lạy Cha bằng 114 ngôn ngữ. Có bản kinh bằng tiếng Việt do Đức Cố Giám Mục Phạm Ngọc Chi đặt từ năm 1959.
Shamir và chúng tôi dừng lại trước bản kinh Lạy Cha tiếng Latinh, Shamir cất kinh, mọi người cùng hát, các bà thuộc lòng kinh Latinh từ bé. Mỗi ngày vẫn hát kinh Lạy Cha, sao hôm nay lại hát hay và cảm động đến vậy ?
Nhà nguyện Chúa thăng thiên.
Đi ngược lại một đoạn đường, chúng tôi viếng Nhà nguyện thăng thiên.
Có một viên đá khoảng 1m2, in dấu bàn chân Chúa khi lên trời. Nhà nguyện này do đoàn thập tự quân xây, ngày nay đã về tay người Hồi giáo quản lý.
Về địa điểm Lên Trời, Kinh thánh không nói rõ. Thánh sử Luca đặt nó chung quanh Betania. Khi họ rời căn phòng mà Chúa đã hiện ra với họ. Đức Kitô Phục sinh dẫn các môn đệ tới Betania và Ngài giơ tay lên chúc lành cho các ông. Đang khi chúc lành cho họ, Ngài rời khỏi họ và được đưa về trời (Lc 24, 50-51).Tông đồ công vụ thì viết: “Bấy giờ các ông từ trên núi gọi lá núi Oliva trở về Giêrusalem. Núi này ở gần Giêrusalem, cách đoạn đường được phép đi trong ngày sabát” (Cv 1,12).
Khi nói: “Ta lên cùng Cha Ta, cũng là Cha các con, lên cùng Thiên Chúa Ta, cũng là Thiên Chúa của các con” (Ga 20,17). Chúa Giêsu chẳng thể minh bạch hơn. Sự thực Ngài đã bày tỏ với các ông nhiều lần như vậy. Những lời Chúa nói lúc long trọng rời các ông dịu dàng biết bao! Nó giống như Ngài đang đứng bên bờ của các mầu nhiệm thiên giới: “Cha Ta cũng là Cha các con, Thiên Chúa Ta cũng là Thiên Chúa các con!”. Như thế, chúng ta và Đức Kitô chỉ có một Cha. Chúng ta là thành phần của gia đình thần linh. Chúa về trời để chuẩn bị “chỗ ở” cho mỗi người chúng ta.
Như vậy mỗi người đều sẽ có một cuộc “lên trời” hay tối thiểu một chỗ ở được chuẩn bị sẵn! Trước hết là cuộc “thăng thiên” tinh thần. Rồi ở cuối thời gian, cuộc “thăng thiên” như Chúa Giêsu: “ Hoa quả đầu mùa của những kẻ phải chết” sẽ đưa anh em mình vào chuyến xe lửa tốc hành về thiên cung. Đầu của Thân Mình Màu Nhiệm đã lên trời thì tất nhiên các chi thể sẽ theo sau một ngày nào đó.
Từ núi Cây Dầu nhìn về Giêrusalem trong nắng sớm càng thấy vẻ uy nghi, rực rỡ, sang trọng. Các môn đệ tiến lại gần và chỉ cho Chúa Giêsu những lâu đài, thành quách của Đền thờ; nhưng Ngài nói: “Sẽ không còn hòn đá nào trên hòn đá nào”. Các ông tò mò muốn biết điều Ngài nói sẽ xảy ra lúc nào. “Khi các con xem thấy sự tàn phá ghê sợ sẽ xảy ra trong nơi thánh mà tiên tri Đaniel đã đề cập đến, lúc bấy giờ những ai ở xứ Giuđa hãy chạy trốn lên núi; kẻ nào ở trên mái nhà thì đừng chạy xuống khuân đồ đạc ra khỏi nhà, ai ở ngoài đồng chớ nên trở về lấy áo choàng của mình. Khốn thay đà bà mang thai và nuôi con thơ trong những ngày ấy... Trong những ngày ấy sẽ có tai họa lớn lao chưa từng xảy ra...” (Mt 24,15-22; Mc 13,14-20; Lc 21,20-24). Những gì Chúa Giêsu nói đã thành sự thật vào năm 70 sau CN dưới thời Titus, vị tướng La mã.
Chúa đứng trên núi, nhìn xuống thành Giêrusalem và thương khóc cho thành này (Lc 19, 14-42). Nhìn xuống dưới là hàng ngàn nấm mộ cổ đã có đó trước khi Chúa Giêsu ra đời. Và từ trên cao nhìn xuống thành này thật đẹp, bao quát tất cả. Giêrusalem đúng là thành thánh được Chúa chọn, dân của Chúa diễm phúc biết bao. Đứng nơi đây, cảm thấy hạnh phúc và cảm động vì cũng được đứng ngay nơi Chúa đứng khi xưa. Dấu chân con được lồng trong dấu chân Chúa.
Vườn Giệtsimani.
Đi bộ xuống một dốc dài, đường lát đá, hai bên tường dựng đứng toàn là đá tảng, chúng tôi đến vườn cây dầu. Con đường nào cũng dẫn xuống thung lũng Cedron, đến cánh đồng Giosaphat, các mồ mả, cuối cùng tới định mệnh Giệtsimani, ở đây Chúa qua cơn hấp hối khủng khiếp.
Vườn có 7 cây oliu gốc to sần sùi, trong đó có một cây đã hơn hai ngàn năm.
Nơi đây Chúa quì cầu nguyện trước khi bước vào khổ nạn (Lc 39-44), Giuđa hôn Thầy một nụ hôn giả dối, phản bội bán Thầy. Rồi Chúa bị bắt, bị điệu đi xét xử qua 3 toà án.
Vườn Cây Dầu, Chúa quỳ cầu nguyện
Mồ hôi tuôn hòa lẫn máu đào
Xót thương Ngài rừng lá lao xao
Cảm Tình Ngài đất trời rơi lệ.
Nhà thờ của các dân tộc.
Gọi tên như vậy vì nhiều quốc gia đã đóng góp tiền của để xây nên Thánh đường này. Trước bàn thờ, tảng đá lớn được bao quanh bằng hàng rào như chiếc mão gai, có thể đưa tay để đặt vào tảng đá. Chúng tôi được một cha dòng Phanxicô dẫn vào quỳ trước tảng đá cầu nguyện. Thật bối hồi xúc động, được quỳ gối nơi Chúa đã từng quỳ gối cầu nguyện đến đổ mồ hôi máu. Mỗi người hôn kính tảng đá và thì thầm cầu nguyện với Chúa cách sốt mến lạ lùng.
Chính tại nơi đây đã diễn ra đêm sầu khổ tột cùng của Chúa. Thời gian là vào khoảng 10 giờ đêm, phía đông trăng tròn đã lên cao, tỏa ánh sáng huyền ảo xuống mặt đất, các tảng đá lớn phản chiếu rõ mồn một, những nấm mồ trắng lung linh nhập nhoà, những phiến lá Oliva màu bạc lấp lánh như dát kim loại. Các ngọn đuốc của đám vệ binh Đền thờ xem ra không cần thiết, tiếng lách cách gươm đao, lưỡi kiếm loảng xoảng trong đêm.
Chỉ cần vài bước lên khỏi thung lũng là Chúa Giêsu và các tông đồ đã ở dưới cái bóng to lớn của tháp đền thờ. Con đường đầy ánh trăng vì chị nguyệt đã lên cao. Bên phải Ngài là đường đi núi Môab, sông Giođanô và Biển Chết. Toàn bộ miền triền núi này người ta trồng nho, có nhiều nắng và nho xanh tươi. Vì vậy, Đức Giêsu đã nhân cơ hội để ví mình như cây nho: “Ta là thân nho, các con là cành…” (Ga 5,15).
Đêm cuối cùng Ngài không muốn gây phiền hà cho các bạn thân thiết. Cuộc Khổ Nạn đã bắt đầu. Ngày mai Ngài sẽ gặp cái chết và nấm mồ. Đức Giêsu vào vườn, chọn riêng ra ba tông đồ: Phêrô, Giacôbê và Gioan, những kẻ Ngài quí mến đặc biệt, mặc dù tất cả các tông đồ đều được Ngài yêu dấu. Ngài truyền các ông khác ngồi trên đám cỏ chờ đợi, như thể chẳng bao lâu Ngài sẽ trở lại với họ, và tiếp tục bài diễn từ hoặc đi tiếp lên đỉnh núi.
Nhưng lúc này linh hồn vĩ đại ấy, vốn vẫn dũng cảm phi thường, thì lại rùng mình sợ hãi vì viễn tượng kinh hoàng trước mắt. Tấn kịch bi thảm sắp diễn ra làm Ngài chết điếng. Phúc âm thuật lại: “Người cảm thấy hãi hùng xao xuyến” (Mc 14,33). Ngài quằn quại như không còn khả năng ở một mình với cơn ác mộng. Ngài tiết lộ nó cho các môn đệ, lo lắng như thể giải thích cho họ sự thay đổi đột ngột phong thái bình thường của mình: “Linh hồn Thầy lo buồn đến chết được”. Đấng Toàn Năng như các tiên tri loan báo, cố vấn kỳ diệu, kẻ chiến thắng sự chết và tử thần, lại xem ra ngã quị trước viễn tượng khổ giá. Ngài yêu cầu các môn đệ giúp đỡ: “Anh em ở lại đây mà canh thức với Thầy”. Ngài khẩn khoản họ (Mt 26,38). Nhiều lần Ngài từng dặn dò các môn đệ “canh thức”, nhưng chưa lần nào nói “với Thầy” như hôm nay. Rồi Ngài bắt đầu cơn hấp hối vượt khả năng hiểu biết của chúng ta. Điều này chẳng bao giờ tiết lộ cho loài người. Các tác giả Phúc âm không chỉ nói Ngài quì xuống đất mà dùng từ sấp mặt xuống hay ngã sấp xuống đất. Tức nằm phủ phục xuống đất. Một chén đắng mà Ngài không thể uống đã được Thiên Chúa đề nghị. Thân mình Ngài run rẩy khiếp sợ, đến nỗi nước mắt trào ra còn lẫn cả máu nữa. Ngài đã khóc với toàn bộ tồn tại của mình. Ngài khóc như một người rướm máu. Và đối với Ngài máu và nước mắt ấy là giọt sương của đêm cuối cùng trên trái đất. Câu nói: “Linh hồn Thày buồn sầu đến chết được” chưa bày tỏ hết thực tế. Lo buồn của Ngài vượt qua giới hạn của cái chết, vì chết chỉ đụng đến thân xác, và thân xác chỉ chịu đựng được có giới hạn. Có những nỗi khổ đau làm tan nát trái tim. Nhưng nếu muốn Thiên Chúa có thể trợ giúp sự yếu đuối của linh hồn, ngõ hầu tinh thần có khả năng chịu đựng xa hơn. Lúc này đối với Đức Giêsu, thần chết đã đứng ngoài ngưỡng cửa của cơn hấp hối. Nhưng về phần linh hồn thì không có giới hạn như vậy. Chén đắng chồng chất chén đắng cho tới khi giá gỗ tới như một giải thoát. Ai có thể thâm nhập được vào những đoạn trường này? Sau những giọt nước mắt hòa lẫn máu ấy, ai có khả năng mô tả? Còn bao nhiêu máu và nước mắt nữa tắm gội linh hồn Đấng Cứu Thế? Nó giống như dòng thác đổ vào vực thẳm của đại dương?
Loài người chẳng bao giờ có khả năng thấu hiểu viễn tượng khủng khiếp của Đức Giêsu, chỉ có thể phỏng đoán chút ít. Trên hiện trường thì là cái sầu khổ, đau đớn và cái chết. Đột nhiên hình bóng cây giá gỗ xuất hiện trước mắt Ngài. Cho rằng ý nghĩ về thập hình đã thường xuyên hiện diện trong tư tưởng của Ngài và Ngài đã chấp nhận nó ngay từ đầu. Ngài đã từng nói tới trong các bài thuyết giảng, thí dụ trong Gioan Ngài nói: “Chính vì giờ này mà Con đã đến” (12,27). Nhưng chúng ta không biết được tất cả sự hãi hùng bất ưng mà viễn tượng mang lại cho Chúa, sau thói quen suy tư làm cho đường nét của nó trở thành lu mờ. Khi đau đớn thâm nhập toàn bộ thân xác, và toàn bộ tâm trí tập trung vào hình ảnh của khổ nạn, thì sự hành hạ vượt ra khỏi mọi giới hạn. Đó là tình huống của Đức Giêsu xét như con người lúc này.
Thánh vịnh 54,5-6 mô tả: “Nghe trong tim mình đau thắt lại, bóng tử thần khủng khiếp chụp xuống con. Bao run sợ nhập cả vào người, cơn kinh hãi tứ bề phủ lấp’. Ứng nghiệm vào Đức Giêsu thật chính xác. Ngài bị đánh đòn trong tư tưởng và đóng đinh trong ý nghĩ trước khi sự việc xảy ra. Viễn tưởng đó kéo lê Ngài qua mảnh vườn, dốc ngược lên nhà Anna, tới chỗ ở của Caipha. Cho đến đồn binh Antonia, dọc theo các phố xá, đến lúc chết và mai táng trong mồ. Ngài trông thấy tất cả, và có lúc Ngài bị ám ảnh rằng chẳng làm thế nào thoát được. Mặt úp xuống đất, tay giang thẳng, Ngài phải nếm sự cay đắng tột cùng của kiếp người cô đơn.
Nội thành Giêrusalem nằm trong khu nội thành có chu vi 4km, được bao bọc bằng bức tường thành vĩ đại xây bằng đá, tường cao 12 mét, chung quanh có 8 cổng ra vào nằm ở 4 phía Đông Tây Nam. Cổng phía Tây bị người Hồi giáo xây bít lại.
Nhà cửa, đền đài trong thành cổ đều được xây dựng bằng đá, kể cả các đuờng phố chằng chịt cũng được lát đá. Đá ở đây là nguồn nguyên liệu hầu như vô tận, dễ dàng khai thác tại chỗ. Cả một thành phố, đá chồng trên đá, nhìn xa,màu đá trắng sáng, tạo cho Giêrusalem một hình ảnh kiên cố, vững bền, pha chút ngạo nghễ. Người Dothái rất tự hào về thủ đô của họ, có đến gần 5000 năm lịch sử. Họ cất cao lời thánh vịnh 17:
“Người là núi đá con nương nhờ,. là thành lũy cho con ẩn mình,là Đấng giải thoát con…Tôi ẩn náu nơi Chúa Trời tôi. Người là núi đá, là khiên mộc, là thành lũy chở che. Tôi chỉ cần hô lên: Tôn vinh Chúa, là thắng ngay hết mọi địch thù. Họ thâm tín rằng: Thành thánh luôn được Thiên Chúa chúc phúc. Xin Chúa từ Sion xuống cho muôn vàn ân phước. Để trong suốt cuộc đời, bạn dược thấy Giêrusalem luôn phồn vinh” (Tv 127).
Người ta thường ví Giêrusalem như viên ngọc quý trên vương niệm nhà Israel. Vì thế trong cuộc tranh chấp hiện nay, Giêrusalem là mảnh đất không thể khoan nhượng…!
Cổ thành Giêrusalem chỉ có diện tích 0,9 km2, hiện có 36.500 dân sinh sống trong đó chỉ có 4.000 người Do Thái, trên tổng số 700.000 dân của thành phố Giêrusalem hiện nay. Hình thù của nó bây giờ có từ năm 1538 khi Soliman II Magnifico cho xây tường thành hiện hữu.
Thành Cổ Giêrusalem chia làm bốn khu phố: khu phố Do Thái với bức tường phía Tây, cũng gọi là bức tường than khóc, nơi người Do thái vẫn đến cầu nguyện và than khóc, đặc biệt trong ngày Sabát và các ngày lễ lớn; khu phố Hồi giáo từ cửa Damasco tới sân thượng với các đền thờ Hồi giáo; khu phố Kitô giáo với Vương Cung Thánh Đường Mộ Thánh; và khu phố Armeni chung quanh nhà thờ kính thánh Giacobê, vị Giám mục đầu tiên của Giêrusalem.
Hình thù của cổ thành Giêrusalem chịu ảnh hưởng của tình hình xung khắc kéo dài từ 60 năm qua. Vào cuối cuộc chiến tranh 1948-1949, Giêrusalem do nước Giordani hoàn toàn kiểm soát, và các người Do Thái buộc phải rời khỏi khu phố của mình. Sau cuộc chiến 6 ngày vào năm 1967, Israel kiểm soát toàn bộ cổ thành, và người Do Thái trở lại sống trong khu phố của họ, với các cộng đoàn nhỏ cả bên trong các khu phố khác. Trong khu phố Hồi giáo có trường Rabbi, theo khuynh hướng cực đoan Ateret Cohanim.
Nút thắt khó giải quyết nhất là khu vực bức tường phía tây (tường than khóc) và khu vực sân đền thờ Do Thái xưa kia, nơi hiện có hai đền thờ Hồi giáo.
Hành hương Đất Thánh (IV)
Đền thờ Hồi giáo.
Ngược dòng lịch sử hồi năm 638, người Hồi giáo đánh chiếm Giêrusalem, và xây đền thờ ngay trên nền cũ của đền thờ Do Thái ngày xưa, vì đền thờ Do Thái đã bị quân La Mã thiêu hủy năm 70 sau CN. Giữa bầu trời trong xanh rực rỡ một vòm khổng lồ bằng vàng ròng. Đó là vòm tảng đá (the dome of the rock), một trong những đền thờ đẹp nhất trong thế giới Hồi giáo được xây dựng từ năm 691 do Umayyad Caliph. Người Hồi giáo tin rằng Đại Tiên tri Maohomét đã thăng thiêng từ địa điểm đó…Chúng tôi chỉ đứng nhìn vào bên trong Đền thờ qua vài ô nhỏ vì cửa đóng kín mít.
Người Hồi giáo còn xây thêm một đền thờ khác trên nền hoàng cung của Salômon. Từ đó người Dothái chỉ có thể đến cầu nguyện tại bức tường phía tây do vua Hêrôđê xây, khi ông mở mang và tái thiết đền thờ. Họ đến than khóc cho ngôi đền vua Đavit và người con là vua Salômon đã bị phá hủy sau cuộc vây hãm khủng khiếp của đoàn quân La Mã do đại tướng Titô dẫn đầu. Theo sử gia Joseph Flavius, khi tiến vào thành, quân La Mã đã tàn sát không thương tiếc bất luận đàn ông, đàn bà hay trẻ em. Quân lính đã nổi lửa lên đốt phá thành kể cả đền thờ, đến nỗi không còn hòn đá nào chồng trên hòn đá nào như lời Đấng Cứu Thế đã tiên báo. Vì thế bức tường phía tây, phần còn sót lại được gọi là bức tường than khóc (Wailing Wall). Nó trở thành nơi hành hương, cầu nguyện cũng như tổ chức các lễ hội công cộng thiêng liêng của người Do Thái ngày nay. Họ đến than khóc, kêu gào nuối tiếc hình ảnh quá khứ của đền thờ và cầu mong đấng Mêssia mau đến.
Thỏa hiệp tại trại Đavít, Hoa Kỳ, năm 2000, xác định khu vực bên trên với sân, và hai đền thờ hồi giáo thuộc quyền kiểm soát của người Palestine. Người Do Thái sở hữu Bức Tường Than Khóc và vùng đất phía dưới, tức móng của đền thờ Do Thái cổ xưa.
Bức tường than khóc (The Western Wall).
Sau khi thăm 2 đền thờ Hồi giáo, phái đoàn chúng tôi đến thăm bức tường lịch sử. Đông nghẹt khách hành hương. Sân chia làm hai phần rõ rệt: một bên dành cho các ông, một bên dành cho các bà. Các quân nhân phụ trách an ninh được trang bị súng ống như thời chiến.
Đây là nơi cực thánh đối với người Do Thái, bức tường này là một phần của bức tường do Herođê xây xung quanh Đền Thờ thứ hai vào năm 20 trước CN. Bức tường này cũng là bức tường cầu nguyện. Trên bức tường giữa các kẻ đá đầy kín những giấy xin ơn.
Theo luật do thị trưởng Giêrusalem đặt ra, bất cứ du khách nào đến đây, đều phải ăn mặc chỉnh tề, không được mặc quần soọc và áo không cổ, phải đội mũ. Nếu ai không có mũ thì ít ra phải đội mũ chõm (Kippa) có để sẵn ở lối vào. Người Do Thái thì phải khoác thêm áo choàng ngoài màu trắng có sọc đen. Tôi lần vào hành lang bên trong, áo choàng la liệt trong các tủ đứng để tùy nghi sử dụng. Ngoài sân, người đến càng đông, chỗ thì tụ họp cầu nguyện bên các cuốn Thánh Kinh có các Rabbi hướng dẫn; chỗ thì đám đông đọc Thánh Vịnh cầu nguyện hai tay ngữa ra, tha thiết trầm buồn! Chỗ vui nhộn do các bé gái Do thái nhảy múa. Ai cũng thích ngắm nhìn các em bé, chúng dễ thương làm sao.Tôi cùng cha Quang, Cha Hội cố len vào gần bức tường, đặt tay lên tảng đá, chụp vài tấm hình lưu niệm.
Bức tường lịch sử này đã trở nên biểu tượng cho cuộc sống trở về Đất Hứa của dân tộc Israel. Một biểu tượng đầy bi thảm! Một vết thương không bao giờ lành!
14 chặng đàng thánh giá.
Rời khỏi bức tường phía Tây chúng tôi tiến vào Cổ Thành Giêrusalem.Tên cổ là Moriah. Tương truyền ông Abraham đã sát tế Isaac ở đây.
Đây là “Thành của các Tiên Tri”, “Thành Hòa Bình”. Đối với người Hồi giáo, Giêrusalem là miền Đất Thánh thứ ba, sau Mecca và Medina. Người Do thái giáo thì coi Giêrusalem là nơi khai nguồn tôn giáo của họ. Còn với người Kitô hữu, Giêrusalem gắn liền với những ngày cuối cùng của Đấng Cứu Thế, nơi Chúa đã từng được tôn vinh khi tiến vào thành, chịu khổ hình thập giá và đã sống lại.
Với thập giá trên vai, Chúa Giêsu ra khỏi dinh Philatô ; vì Chúa kiệt sức nên họ đã phải bắt ông Simon Cyrênê giúp Chúa. Một đội trưởng và 4 người lính Rôma dẫn Chúa với hai tội nhân đến nơi xử, Golgôtha, một đồi nhỏ ở ngoài thành mạn tây bắc và không cách xa thành lắm. Lúc đó vào khoảng trưa. Chúa phải đóng đinh giữa hai người trộm cướp, một tên hùa với những người Do thái xỉ nhục Chúa, còn tên kia hối hận và tin tưởng vào Chúa, đã được Chúa hứa cho vào nước Thiên đàng (Lc 23,43). Khi quân lính chia nhau áo Chúa và các Thượng tế cùng với những người qua lại chế nhạo Chúa, một số những bạn trung thành tới bên thánh giá : Đức Maria Mẹ Chúa, Gioan môn đệ yêu quí, và những người nữ đạo đức. Họ được nghe những lời sau cùng của Chúa và lời Chúa kêu lên (lúc 3 giờ chiều) khi Chúa thở hơi cuối cùng dưới một bầu trời tối tăm và đất động, như thiên nhiên cũng muốn dự phần vào cái chết của Đấng Thiên Chúa tạo thành.
Hôm đó là ngày thứ sáu 14 Nisan, tức là ngày 7 tháng tư dương lịch năm 30.
Về ngày Chúa chịu Tử nạn, chúng ta biết chắc chắn đó là ngày thứ sáu vì các Phúc Âm đều ghi hôm đó là ngày vọng ngày Sabbat (parasceve) (Mt 27,62 ; Mc 15,42 ; Lc 23,54 ; Ga 19,31). Theo Thánh Gioan, Chúa Giêsu đã chịu chết ngày người Do-thái ăn tiệc chiên, tức là ngày 14 tháng Nisan (Ga 13,1 ; 19,14 ; cf. I Cor 5,7). Vì thế ngày thứ sáu năm đó cũng là ngày vọng lễ Vượt qua. Chúa Giêsu chịu chết ngày 14 tháng Nisan và là ngày thứ sáu trong tuần. Năm Chúa Giêsu chịu chết phải hội đủ những điều kiện sau đây : dưới thời Philatô làm Tổng trấn xứ Giuđêa (từ năm 26 đến năm 36), ngày thứ sáu và ngày 14 Nisan. Chỉ có những năm 27, 30, 33 hội đủ 3 điều kiện đó. Theo những điều đã nói ở trên về năm thứ 15 triều Hoàng đế Tibêriô, về khởi điểm và thời gian đời công khai của Chúa Giêsu, những năm 27 và 33 không thể chấp nhận được vì vào dịp lễ Vượt qua năm 27 Chúa Giêsu chưa bắt đầu hoạt động ; năm 33 lại muộn quá. Trái lại, năm 30 chính là năm mà những tính toán tóm tắt ở trên đều quy lại. Trong năm 30, ngày 7 tháng tư dương lịch là ngày thứ sáu và là ngày 14 Nisan. Những chứng lý xác định niên hiệu này rất có giá trị và ta có thể coi đó là niên hiệu cuộc Tử nạn của Chúa. Khi chịu chết, Chúa được từ 34 đến 36 tuổi. Số tuổi tùy theo niên hiệu Giáng sinh được chấp nhận.
Vì là ngày vọng Sabbat, năm đó trùng ngày với đại lễ “Vượt qua” do đó phải cất xác trước khi mặt trời lặn. Giuse Arimathia, thuộc Hội đồng Tối cao, một phú hộ bí mật theo Chúa, đã xin Philatô cho phép cất xác Chúa đã bị đâm thủng cạnh sườn. Với sự giúp đỡ của Nicôđêmô và các gia nhân, ông đỡ xác Chúa xuống khỏi thập giá, và sau khi đã rửa xác theo tục lệ, quấn xác Chúa bằng băng vải có tẩm mộc dược và thuốc thơm và lấy khăn bọc xác Chúa, Giuse Arimathia đã an táng Chúa vào huyệt mà ông làm sẵn cho mình trong một thửa vườn gần núi Sọ.
Đi Đàng thánh giá là đỉnh điểm cuộc hành hương. Đoàn Philippin mượn một cây thánh giá lớn hai người vác. Họ sốt sắng suốt hành trình thương khó. Chúng tôi chuẩn bị các bài hát, bài suy niệm để đi trên con đường khổ nạn, từng bước sống lại con đường Chúa đã đi qua. Con đường khổ ải có 14 chặng theo truyền thống, dài khoảng 500m từ dinh Philatô đến đồi Golgotha. Phần đầu qua khu Hồi giáo, phần còn lại đi qua khu Kitô giáo. Bài ca "Lạy Chúa, con đường nào Chúa đã đi qua, con đường nào Ngài ra pháp trường, mão gai nào hằn sâu trên trán? Lạy Chúa thánh giá nào Ngài vác trên vai, đau thương nào phủ kín tâm tư? Đường tình đó Ngài dành cho con.." được hát lên với tất cả xúc động trào dâng.
Chặng thứ I khởi đầu từ pháo đài Antonia. Nơi Chúa bị lên án tử hình, bây giờ là trường Hồi giáo Omarya. Có một nhà nguyện nhỏ ghi lại sự kiện này... Chúa rời dinh quan Philatô phỏng 12 giờ trưa Ngài phải vác lấy giá gỗ của mình. Cổ đeo lủng lẳng tấm bảng sơn trắng nêu rõ tội danh. Đi trước mở đường là đoàn kỵ binh. Hai bên là đội binh đầy đủ vũ khí gươm đao. Cùng bị điệu đi xử tử với Chúa là hai tên trộm cướp đúng như Phúc âm mô tả. Dân chúng ùa theo sau, người nguyền rủa, kẻ chửi bới, thù hằn hoặc chỉ đơn giản vì tò mò. Con đường qua các phố xá chật hẹp, nếu tính thẳng như chim bay thì phỏng chừng 200 mét, nhưng thực tế ngoằn ngoèo lên đồi xuống dốc khoảng 500 mét. Đoàn diễu hành tiến ra ngoại thành bằng cổng Ephraim, bình dân gọi là cổng vuông, vì cổng xây vuông góc với tường thành phố Giêrusalem, sau này cổng được gọi là chợ Roma (Forum Roman). Cổng Ephraim hình cái răng cày nhọn hoắt, nhô ra phía ngoài, người ta chỉ có thể vào cổng từ phía bắc xuống phía nam và ra cổng từ hướng đông sang hướng tây.
Đi qua Vòm “Đây là Người!”, chúng tôi đến từng chặng thứ thứ II, III.
Chặng thứ IV Chúa gặp Đức Mẹ, nơi hiện nay là nhà nguyện của Hội Thánh Công giáo Armenia… rồi đến các chặng khác chỉ có con số La Mã ghi trên tường VI, VII, VIII, IX. Đi qua những khu phố chật chội, lát đá, gập ghềnh lên xuống, người qua kẻ lại ồn ào mua bán đủ thứ những vật kỷ niệm, những sản phẩm địa phương v.v. những người đi đàng thánh giá, vẫn âm thầm nhìn lại từng chặng của cuộc khổ nạn. Cảnh đi đường thánh giá quá quen thuộc đến mức như một thứ sinh hoạt thường ngày ở đây, chẳng gây ngạc nhiên hay chú ý của bất cứ ai! Kẻ buôn người bán trả giá náo nhiệt, tiếng chuông lắt rao hàng inh ỏi, những người khuân vác chen vào cả khách hành hương đang suy niệm, những tay chụp ảnh ra dấu mời gọi v.v... coi như hồn ai nấy giữ, việc ai nấy làm… Tôi liên tưởng đến cảnh hỗn loạn mà Chúa phải dùng roi để xua đuổi bọn con buôn ra khỏi đền thờ ngày xưa…
Chúng tôi dừng lại mỗi chặng ít phút, gợi một ý tưởng để suy niệm, để thông phần thống khổ với Đấng đã yêu thương cho đến cùng. Cuối cùng chúng tôi đến khu vực Vương Cung Thánh Đường Mộ Thánh. Năm chặng cuối cùng đều ở trong khu vực này. Nơi Chúa chịu lột áo, nơi Chúa chịu đóng đinh, tắt thở trên thập giá, hạ xác xuống và chịu mai táng trong mồ. Địa điểm Chúa chịu treo trên thập giá, dưới gầm bàn thờ, có một cái lỗ mà ai đến cũng muốn đặt tay vào và quỳ gối hôn kính vì tương truyền vì đó là nơi cắm thánh giá Chúa.
Khu vực này thật đông người. Bầu khí cầu nguyện trang nghiêm. Nhiều người quỳ gồi trên nền đá cầu nguyện sốt mến.Mọi người xếp hàng dài chờ đến lượt hôn kính chặng thứ 11 và 12. Thời gian dài chờ đợi là lúc để tâm suy gẫm về cây thập giá.
Cây thập tự là khổ giá của người Roma ưa dùng để hành quyết các tội phạm nguy hiểm, ngõ hầu nêu gương cho kẻ khác. Chúa Giêsu đã ám chỉ tới nó khi tuyên bố: “Khi nào bị treo lên cao, Ta sẽ kéo mọi sự lên cùng Ta” (Ga 12, 32). Điều mà loài người chủ ý dùng để hạ nhục Ngài, thì Ngài sử dụng như khí cụ vinh quang. Nó là một cây gỗ dài chừng hơn ba mét, được bào vuông. Chiều dài và sức nặng được tính toán để phạm nhân có thể vác bổng lên vai đi ra pháp trường. Không có chuyện kéo lê thân cây dọc theo đường phố. Đòn ngang bên trên cũng phải được tính toán hợp lý. Như vậy cây khổ giá có hình chữ thập, di chuyển dễ dàng, nhưng phải đủ cứng cáp để có thể chịu đựng một thân xác vài chục kilô và đứng vững lâu dài.
Còn gỗ thì thuộc loại cây nào? Có rất nhiều truyền thuyết hoang đường. Có người lý luận phải là loại quí báu, để mang lại hoa quả tốt lành cho nhân loại. Khả năng đúng nhất là loại gỗ thông, thường mọc đầy trong vùng ấy. Thông vùng Palestine có nhiều chủng loại, người ta vô phương xác định giá gỗ Chúa Giêsu thuộc chủng loại nào? Có chuyện còn nói rằng cây đó được đốn ở thung lũng phía nam thành phố Giêrusalem, bây giờ thuộc phạm vi tài sản của tu viện Hy lạp gần đấy gọi là tu viện Thánh Giá. Có hàng lô sưu tập thập giá ở Giêrusalem, nhưng không có chỉ dẫn chúng ở đâu tới. Phụng vụ Hội Thánh đặt bài ca đầy ý nghĩa thiêng liêng cho thập giá Chúa Giêsu: Ta tin thật muôn rừng cây chẳng thấy, Một cây nào cành, hao, lá, như ngươi. Mấy mũ đinh nhẹ quá thập tự ơi, Sao mang nổi tấm hình hài vô giá. Rủ cành xuống hỡi cây cao bóng cả. Giãn thớ ra cho thân cứng hóa mềm. Như chiếc giường vừa trải mệm ấm êm, Cho vua cả đến đặt mình nằm xuống. (Kinh sáng, thứ sáu tuần thánh). Phía cao, trên tấm bảng viết mấy chữ nội dung bản án. Trường hợp Chúa Giêsu là: Giêsu người Nazareth, vua dân Do thái, bằng ba ngôn ngữ: Do thái, Latinh, Hy lạp. Ngày nay chúng ta thấy chữ Latinh viết tắt: INRI: Jesus Nazareth rex Judeorum. Trước khi đóng đinh, lý hình thường lột hết quần áo của phạm nhân, trói chặt vào khổ giá, rồi mới đóng đinh. Đầu Chúa Giêsu vẫn đội mão gai để thêm phần sỉ nhục. Nhưng sự thực, là biểu tượng được tôn vinh làm vua vũ trụ, vua yêu thương mọi linh hồn.
Đóng đinh Chúa Giêsu xong, quân lính kéo thập giá lên. Giá gỗ rớt xuống hố, đụng mạnh vào mặt đất làm rung chuyển thân xác đã bị nhừ đòn đêm qua không thương xót. Của lễ hiến tế đã được treo lên giá, đợi lửa toàn thiêu, tức cái chết. Vì cú sốc của giá gỗ, thân xác rung động chùng xuống, máu ở các vết thương xối ra, nhất là từ các lỗ đinh chân tay. Máu cũng xối trào từ chân các gai nhọn thấu vào da đầu. Các vết cắt trên thân thể lộ rõ vì dòng máu mới. Vầng trán và mặt mũi vấy đầy máu khô. Sách Isaia mô tả rất đúng: “Người chẳng còn hình dạng như trước nữa”. Tuy nhiên nạn nhân không thể cử động hay giẫy dụa vì chân tay đã bị ghim chặt vào giá gỗ. Thật quá đau đớn. Tại sao loài người lại có thể tàn nhẫn với nhau như vậy được? Sau cái lắc mạnh, thập giá lọt vào vị trí, thân thể nạn nhân quặn đau mà không thể cựa quậy, là giây phút hấp hối. Trời đất ảm đạm như sắp tới cơn mưa bão, nhưng nắng vẫn chói chang trên triền núi. Chẳng bao lâu nữa cái chết sẽ ập tới.
Cuối cùng chúng tôi đi xuống tấm phiến đá màu huyết dụ là nơi đặt xác Chúa sau khi hạ xuống khỏi thập giá. Mọi người quỳ xuống hôn kính. Các bà hôn rất lâu, hôn nhiều lần, khóc nghẹn ngào, thương Chúa quá đỗi.
Đã 12 giờ trưa, chúng tôi xếp hàng hơn một tiếng đồng hồ để vào nhà mồ nơi Chúa đã được chôn cất và sống lại. Đoàn Phi châu đông hơn trăm người. Họ hát những bài thánh ca trầm buồn. Mồ Thánh lấy ánh sáng tự nhiên từ trên cao toả xuống.Từng người một đi vào mộ do một tu sĩ Chính thống giáo hướng dẫn. Mộ huyệt tối tăm, tôi chỉ được vào một phút, chỉ kịp sờ và hôn phiến đá của mộ huyệt, bên trái có một bức tranh bằng đồng diễn tả cảnh Chúa sống lại… Quá đông người chờ đợi đến lượt nên không thể cầu nguyện lâu hơn, thật đáng tiếc !
Chặng thứ 12.
Ngôi mộ của Chúa Giêsu chỉ cách Thánh giá chừng vài chục mét. Đau khổ và sự chết là hai mặt của thực tại con người. Đau khổ hạ thấp con người. Sự chết tàn phá họ. Nhưng nơi Đức Kitô, hai mặt đó liên kết để nâng phẩm giá người ta lên. Để lên trời con người phải qua ba giai đoạn: Thập giá, nấm mồ và thiên đàng.
So sánh các chi tiết trong Phúc âm với khảo cổ, họa đồ, người ta có khả năng hình thành ý niệm chính xác về ngôi mộ Chúa Giêsu mà Giuse Arimathia đã đào, và tình trạng nguyên thuỷ của nó ra sao.
Đường đi xuống mộ là một rãnh hào, khá dài vì thế đất thấp dần. Chiều dài dần dần ngắn hơn khi chiều sâu gia tăng. Từ ngưỡng cửa mộ cho tới tiền đường thế đất thấp hơn, người ta lập những bước bậc thang. Phía trước mặt là cánh cửa thấp dẫn đến phòng tẩm niệm. Nghi thức này gồm: tắm rửa xác, xức thuốc thơm và cầu nguyện. Lui xa hơn là một cánh cửa khác cũng thấp mở vào lỗ an táng. Lỗ là một cái hang vòm khung đục vào tường bên phải để đặt xác. Mọi chuẩn bị nói trong Phúc âm về việc chôn táng Đức Giêsu là được làm đồng thời chiều thứ sáu vì ngày mai là Sabbat, mọi việc phần xác đều bị cấm. Thánh Gioan cho biết là họ buộc phải mau chóng vì ngày thứ bảy cận kề và ngôi mộ lại gần (Ga 19,42).
Như vậy ông Giuse Arimathia được diễm phúc biết bao! Ong hân hạnh giống như Simon người Cyrênê. Simon vác thập giá giúp Chúa còn Giuse mai táng. Mấy năm trước Nicôđêmô đã đến phỏng vấn Chúa vào ban đêm (Ga 3,11) nay mua 100 cân dầu thơm và hương liệu xức hang đá. Như thế ông lại được gặp Chúa nhưng là lần cuối cùng.
Tuy nhiên, việc xức xác chiều thứ sáu là vội vàng. Cần một cuộc xức trọng thể hơn theo tục lệ do những bàn tay đạo đức. Đến sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần các phụ nữ ra mộ thì gặp thiên thần xuất hiện báo cho họ biết về phép lạ phục sinh.
Phiến đá trong Mồ Thánh.
Trong tâm trí Đức Giêsu trên thập hình những điều này rõ ràng và trái tim Ngài xúc động biết bao. Lúc này Ngài không thấy ngôi mộ. Nhưng cảm nhận nó rất gần và Ngài biết rõ điều đó. Ngài suy nghĩ về tầm quan trọng của nó đối với công trình cứu chuộc. Ngài cần nó để nghỉ ngơi như một công nhân mệt nhọc và dự kiến cho các biến cố vào sáng thứ nhất của tuần lễ mới. Ở ngôi mộ này Ngài ban tặng sự sống để rồi lấy lại. Ngài đặt gánh nặng tình yêu xuống đó trong giây lát.
Khi phán “mọi sự đã hoàn tất”, Đức Giêsu nghĩ ngay đến ngôi mộ. Lời ấy là bình luận về hiệu quả của thập giá, về chính thập giá và về con đường của nó trong tương lai. Con đường cho chúng ta hôm nay và mãi mãi về sau. Vì chiếc hang bằng đá này là chứng tá cho biến cố thuyết phục nhất, dấu chỉ rõ ràng nhất của biến cố phục sinh. Nó vừa là bằng cớ vừa là tặng phẩm cuối cùng của Ngài. Việc mai táng là kết thúc cuộc khổ nạn. Đối với kẻ thù, nó là việc săn đuổi cuối cùng. Đối với Đức Giêsu nó là hy sinh sau hết, là hoàn thành nhân đức hạ mình ra không. Khi chết chúng ta chẳng còn sự sống. Đó là cú ngã cuối cùng của một đời người. Nhưng nơi Đức Giêsu, Ngài vẫn giữ sự sống và quyền năng vì Ngài là Thiên Chúa.
Ngài niêm dấu ấn trên công nghiệp của mình bằng ngôi mộ. Và bất chấp thù ghét, hội đường Sanhedrin Do thái đã vô tình giúp đỡ Ngài làm điều ấy. Ngôi mộ này là biểu trưng cuối cùng của Phúc âm đầy màu sắc, là hình ảnh cuối cùng liên quan đến thực tế cao siêu của ơn cứu vớt. Với hình ảnh này lời rao giảng của Con Loài Người trở thành bất tử. Y nghĩa vĩnh hằng của sứ điệp Ngài không tranh cãi được nữa. Lúc này và mãi mãi về sau các môn đồ của Nước Trời chẳng thể ngủ yên, kể cả lịch sử loài người. Mầm sống phục sinh đã được cấy vào nhân loại. Cây sự sống lại trổ hoa lần nữa. Từ đó, chỉ còn một biến cố vĩ đại duy nhất trong dòng chảy của các thời đại, là biến cố khởi sự và kết thúc ở ngôi mộ đá thiêng liêng.
Biến cố này không chỉ liên quan đến loài người, tuy khổ nạn nhằm mục tiêu cứu rỗi, nhưng còn là một nền thờ phượng đúng nghĩa, Đức Giêsu đạt đến cực điểm của việc thờ phụng Thiên Chúa khi người ta tháo xác Ngài khỏi giá gỗ, đặt vào lòng Đức Maria và đem đi mai táng.
Ngài phải hạ mình xuống sâu đến mức độ ấy để tôn vinh Thiên Chúa Cha, nêu gương cho nhân loại. Ngài đi đến tận cùng của khiêm tốn để ban tặng vinh hiển cao siêu nhất mà tình yêu có khả năng thực hiện. Đây là chân lý không ai chối cãi được. Việc hạ mình xuống tận đáy của hư vô để ngợi khen Thiên Chúa Cha, Ngài hiến dâng lên Cha công việc cao quí nhất của tạo dựng là công trình cứu độ.
Ban sáng phục sinh giãi bày quyền năng của Đấng “ làm mau lẹ kẻ chết và kêu gọi những chi chưa hiện hữu”. Sự khôn ngoan của kế hoạch Đức Kitô được tỏ rõ rực rỡ. Tình yêu thúc bách khôn ngoan sẽ được đáp trả bằng yêu mến tương xứng. Nó sẽ biểu lộ mình thực chất là chi? Là một tình yêu ở đỉnh cao nhất của thực tại: Tình yêu thần linh là mẫu mực cho mọi thứ tình yêu – tình yêu cứu vớt. Ý niệm “lễ tế hy sinh” không được làm chúng ta bỏ qua mong đợi vinh quang. Trái lại, trong tâm khảm Đức Kitô chính niềm mong chờ này ban ý nghĩa đích thực cho ngôi mộ của Ngài và hết thảy ngôi mộ khác.
Vì Đức Kitô là Thiên Chúa của mọi thời đại, trên thập tự Ngài đã trông thấy từng diễn biến của thời gian. Ngài kinh nghiệm vui thích của tương lai, mà các tiên tri reo mừng, Ngài thấy rõ các việc xẩy ra trong “ngày mai”. Tất cả qua nội dung của cuốn “sách hằng sống”.
Ngài chết và được mai táng trong mồ, dầu thơm và hương liệu khuếch tán vị ngọt ngào ra khắp vũ trụ, các phụ nữ im lặng canh thức, các thiên thần đứng gác mộ. Cận vệ đền thờ nghĩ rằng dấu niêm phong của lãnh đạo Do Thái có khả năng thách thức được quyền phép Đức Giêsu. Nhưng sáng sớm ngày thứ nhất đầu tuần mới, tảng đá cửa mồ vỡ nát ra. Mặt trời công chính đã phục sinh. Những lời thì thầm kín đáo truyền đi từ cửa miệng này đến lỗ tai người khác, trước hết từ thiên thần nhanh băng qua con đường còn hoang vắng buổi sáng sớm, vừa sợ vừa run. Tin vui làm ấm áp cõi lòng đang buồn phiền vì mất mát quá to lớn, đã lau khô đôi mắt họ. Mầu nhiệm sự sống qua cái chết mà Thầy từng rao giảng thực sự được khai trương. Hai môn đồ đi làng Emmaus vào lúc chiều tà hôm ấy, chiếc thuyền câu sau cùng còn chòng chành ở bến cảng. Các thiên thần cúi xuống nhìn lỗ huyệt trống, dây các phép thắt chéo ngang trứơc ngực, buồn thảm đang cuốn gói nhường chỗ cho niềm vui đến. Bảy lời trăn trối không thể dập tắt hoan hỷ, Giáo Hội được hình thành. Chẳng bao lâu nữa tin mừng được công bố long trọng trong Giáo Hội ấy. Hai cánh tay giang rộng trên đà ngang giá gỗ sẽ biểu trưng cho cử chỉ Ngài sai các môn đệ đi rao giảng khắp tứ phương thiên hạ. Còn niềm vui nào bằng? Còn an ủi nào lớn hơn?
Surrexit Christus, Spes mea : niềm hy vọng của tôi là Đức Kitô phục sinh. Nấm mồ là hy vọng của thế giới và đặc biệt của Đức Giêsu trên ngọn đồi Calvario. Vậy thì hãy suy tưởng đến Ngài, Đấng chẳng hề quên nhân tính nơi mình, mặc dầu loài người có lẽ quên. Ngài bằng lòng chịu đựng đau khổ và chẳng bao giờ không ước ao khổ đau. Ngài tình nguyện ẵm lấy cái chết, nhưng không xao lãng tương lai. Khi khổ đau chấm dứt là lúc kết thúc công trình cứu độ. Thánh vịnh 29 ca hát: “Lệ có rơi khi màn đêm buông xuống, hừng đông về đã vang tiếng hò reo” (29,6). Chiều tà băng qua màn đêm để gặp gỡ ngày mới.
Đối với nhân loại, mộ chí là ngục tù tăm tối, ở đó con người bị bỏ quên cho đến thiên thu. Tuy linh hồn bay đi chốn khác, nhưng thân xác thối rữa tại chỗ, và chẳng ai nhớ đến chúng ta nữa, coi như chưa hề tồn tại trên trái đất. Về phần Đức Kitô thì không phải vậy. Ngôi mộ chỉ là giai đoạn chuyển tiếp. Nó giống như lối đi ngầm dưới mặt đất, sẽ mở lên một vòm trời vinh quang. Ngài dùng nó như cánh cửa mở vào miền đất tử thần và từ đó biến nó thành ngõ mở vào cõi thiên thu, nhờ Đức Giêsu từ đây về sau nấm mồ giam giữ chúng ta một thời gian và Ngài sẽ thỏa mãn khát vọng sống muôn đời của mỗi người vì Ngài đã an nghỉ trong mồ chỉ là khoảng khắc.
Hai ngày nữa nấm mồ bằng đá nặng nề của Ngài sẽ vỡ tan như vỏ trứng. Hai ngày nữa chiếc hang lạnh lẽo, chật hẹp, tối tăm sẽ mở tung ra như cánh hoa hồng hay đôi môi thắm tươi của nụ cười thiếu nữ, đầy sức sống và bình an: Sự sống thần linh xuất hiện.
Pascal nhận xét rằng: “Đức Giêsu không thực hiện phép lạ nào trong mồ”. Điều đó đúng, nhưng phép lạ xẩy ra ngay sau mồ. Nó là phục sinh và đời sống diệu kỳ sau cái chết. Thần khí Ngài trối lại cho nhân loại là căn nguyên của phép lạ ấy. Nó sẽ hoạt động khắp vũ trụ: Cờ vua cả tung bay phất phới.
Thánh giá Ngài chói lọi oai phong.
Phải chăng đây là sự kiện: ”Người gánh vác quyền bính trên vai?” (Is 9,5). Phải chăng: “Vương quyền” trên đôi vai nặng trĩu thánh giá? Thập tự đã cất cánh bay cao như chim phượng hoàng tung hoành từ đông sang tây, từ nam chí bắc? Nơi đâu nó chiếu sáng, nơi ấy linh hồn được nghỉ ngơi và Đức Kitô nhận lấy vương quốc của mình.
Nếu lịch sử là khoa học các biến cố có tương lai, thì Đức Kitô phải được quyền thống trị toàn bộ lịch sử. Ngay khi Ngài trỗi dậy từ cõi chết thì các điều kỳ diệu nối tiếp nhau xuất hiện trong lịch sử. Sau trình thuật thương khó thì đến Công vụ các tông đồ. Sau phục sinh thì đến nhiệt tâm rao giảng Tin Mừng của các phụ nữ nhân chứng và các tông đồ, cùng với đức tin của những kẻ làm được điềm thiêng dấu lạ và của những kẻ thụ ơn. Bóng của Phêrô trải trên các bệnh nhân có năng lực chữa lành. Các tầng trời mở ra trên đầu Stephanô khi ông chịu ném đá. Tiếng sét kinh hồn khiến Saolô trở lại trên đường đi Đamát. Cuộc chinh phục tín hữu khởi sự chậm chạp nhưng vĩ đại, dần dần lan rộng ra và được Thần Khí củng cố. Các cộng đồng tôn thờ Đức Kitô được thiết lập và hiệp thông khăng khít với nhau. Sự hiệp nhất lòng tin được làm giầu có bởi giáo lý tông truyền và củng cố nhờ ơn thánh. Quyền bính dân sự nổi giận phản ứng lại, bách hại và nhường bước. Thế giới qui phục đức tin Kitô giáo cho đến thế kỷ thứ tư thì chậm lại. Nhưng các nền văn minh đã được gọi là Kitô giáo.
Theo sau là nhiều cuộc thăng trầm do chia rẽ nội bộ. Bởi tự do của con người là bất khả kiềm chế. Ngươì ta từng chứng kiến tự do ấy có thể đảo ngược hiệu quả của công trình cứu độ, bất chấp ước nguyện hiệp nhất của Đức Kitô. Tuy nhiên nếu xét về mặt tích cực thì phải nói sự phát triển bao giờ cũng mạnh mẽ hơn thay vì than van về khía cạnh tiêu cực, điều do tội lỗi gây ra.
Và cũng không nên quên rằng dưới con mắt quan sát không thành kiến thì Kitô giáo và văn minh nhân loại là đồng nghĩa. Ở đâu có ánh sáng Đức Kitô soi rọi ở đấy man rợ đẩy lùi. Ở đâu Đức Kitô bị khinh chê ở đấy văn minh tàn lụi đi. Văn minh và ánh sáng tiến bước cùng với Đức Giêsu. Lịch sử chứng minh rõ ràng như thế. Nhưng lịch sử vẫn có hai mặt: Ân sủng và tội lỗi. Trong vườn cây Dầu, Đức Giêsu đã trông thấy hai mặt đó. Lúc ấy Ngài chỉ kinh nghiệm mặt đen tối, còn trên thập tự, nhìn qua nắm mồ, Ngài thấy bộ mặt vui tươi của ân sủng. Lòng độc ác dai dẳng của những kẻ bách hại Ngài, việc can thiệp bỉ ổi với Philatô để cắt đặt vệ binh canh gác nghiêm ngặt nấm mồ Ngài, sự hối lộ trắng trợn khi vệ binh báo tin biến cố sống lại và lừa đảo khôn khéo nhà cầm quyền cùng quần chúng là những điều sau cùng Đức Giêsu xem thấy trên thập tự. Chúng là những hình dạng khác của nấm mồ. Đức Giêsu trông thấy trước tất cả. Tuy chúng đều qua đi sau ngày Sabbat. Nhưng chúng ta ưa thích giới hạn ý nghĩ của Ngài vào những kẻ Ngài mến yêu. Ngài chẳng hề quên những khốn cùng, đau buồn, thất vọng, nghi nan, lưỡng lự của họ. Đặc biệt Ngài nhìn thấy trước niềm vui mừng lớn lao mà họ sắp được hưởng.
Các người thân yêu của Đức Giêsu nghĩ rằng họ mất Ngài mãi mãi, như Đức Maria và thánh Giuse mất trong đền thờ, rồi lại tìm thấy ngồi giữa các tiến sĩ luật trò chuyện. Ngài cũng đặt ra một kết thúc cho cuộc chuyện trò với tử thần. Và Ngài sẽ hội ngộ mầu nhiệm với các người thân yêu.
Trên đồi Golgotha Ngài có rất ít bạn hữu và đa số là phụ nữ. Nơi ngôi mộ cũng chẳng được bao nhiêu nhân chứng và cũng lại là đàn bà. Trước khi rời nghĩa trang các phụ nữ đã có ý nhìn xem nơi người ta đặt xác Đức Kitô, Thầy dấu yêu của họ, hầu hết ngày hưu lễ trở lại xức dầu thơm theo đúng nghi lễ. Họ im lặng canh thức và mua hương liệu chuẩn bị. Khi ngày Sabbat chấm dứt vào rạng sáng đầu tuần họ vội vã chạy ra mộ để thi hành cử chỉ thương yêu cuối cùng đối với Thầy, thay cho loài người.
Họ hết sức sững sờ khi thấy cửa mộ mở toang, hai thiên sứ mặc áo trắng canh gác mồ, một phía đầu, một phía chân, nhưng không thấy xác Thầy nằm đấy. Họ nghĩ lại mất Thầy lần nữa. Họ hối hả chạy về báo tin cho nhóm Mười hai. Tuy tư tưởng phép lạ không mới mẻ gì đối với họ, nó luôn phảng phất trong tâm trí và hy vọng của nhóm Mười hai, nhưng lúc này vì bối rối nên không nhớ đến nữa. Mãi đến lúc Thầy hiện ra nhiều lần họ mới dám tin là thật. Anh sáng huy hoàng của sự phục sinh chiếu rãi rực rỡ trong tâm trí mỗi người.
Đến đây ta phải nghĩ đến Maria Magđala nhiều nhất. Vì câu truyện này liên quan đến người em của cô: Ong Lazarô và bữa tiệc ở nhà ông biệt phái Simon. Mới đây là trên ngọn đồi Calvario.
Cùng với các phụ nữ khác, Maria Magđala hiện diện ở đó. Những Maria khác trùng tên với cô đều được dấu kín trong trái tim cực thánh của Thầy. Mặc dù ánh sáng thiên sứ, mặc dù lời loan báo của họ, thì sự việc khá rõ ràng đôí với trái tim đang lo âu. Nếu như sự việc xẩy ra với những người khác thì họ ít bồn chồn hơn, nhưng đối với cô thiếu nữ thôn dã đa cảm này thì chỉ rõ có một điều: “ Người ta đã lấy mất xác của Đức Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Thày ở đâu?” (Ga 20,13).
Các nhà phân tâm giải thích như sau: hiện thời cô ta như một cái xác vô hồn, đang phải đối mặt với một tội ác thứ hai. Tội ác thứ nhất là giết Thầy. Tội ác thứ hai là tước đoạt thân xác Thầy mà cô coi như kho tàng tình yêu, trái tim cô hằng ấp ủ. Cô nhìn sự cố nhưng không thấy chi cả, có nghe nhưng không hiểu, hiện diện nhưng lòng trí không ở đấy. Trái tim cô đang bám sát vào Thầy Chí Thánh, Thiên Chúa của cô. Đó là tâm trạng khi cất tiếng hỏi người làm vườn: “Xin ông cho biết ông đã để Người ở đâu?”
Giọng cô xem ra có chút bẳn gắt pha chua xót. Cô bật lên những lời nóng nẩy lòng không chút sợ hãi. Người ta chỉ sợ sệt khi yêu mến. Nhưng lúc này tình yêu của cô bị thu hút vào đối tượng mà người ta mang đi rồi, nên cô không cần chi nữa. Đối với Magđala trên mặt đất này chẳng còn chi ngoài người yêu mến mà cô đã mất.
Vì thế Đức Giêsu mạc khải sự hiện diện của mình bằng cách gọi tên cô: Maria. Giọng nói quen thuộc làm cô nhận ra liền. Cô đã từng nghe giọng nói ấy nhiều lần. Nó ngọt ngào và êm dịu như bạn hữu thường gọi tên nhau. Cô không thể nhầm lẫn với ai được nữa. Đây là tâm lý thông thường, giữa đám đông người, chúng ta vẫn không thể nhầm giọng nói của bạn bè với giọng nói người lạ. Vậy khi nghe người làm vườn cất tiếng gọi tên Maria cô nhận ra đích thị là Thầy dù hình dạng có khác. Nhiều lần Thầy gọi cô bằng giọng ấy làm sao cô có thể nhầm lẫn. Ngài gọi không những bằng môi miệng, nhưng cả bằng trái tim. Đức Giêsu mạc khải chính mình theo cách ấy, trường hợp của Gioan bên bờ hồ Tiberia cũng vậy. Cho nên, Magđala chẳng thể làm gì khác ngoài tiếng đáp lại: Rabboni – Lạy Thầy.
Lòng đầy háo hức và mừng rỡ cô muốn chạy ngay lại ôm chân người làm vườn. Nhưng Ngài giơ tay ngăn cản. Ngài dè dặt trong giây phút linh thiêng, bởi vì nó ở giữa sự sống và sự chết, trái đất và thiên đàng. Tình yêu đã hiện hình nguyên dạng, lời vĩnh hằng đã được trao đổi, nhưng thực tại còn vướng mắc. Đấng kêu gọi mọi sinh linh vào cõi đời đời, đã gọi tên cô là kẻ Ngài yêu thương. Nhưng cô chỉ dám đáp lại: Rabboni. Tại sao?
Đây là bài suy gẫm cho các tín hữu. Maria Magđala dạy chúng ta rằng: Nước mắt và tình yêu có sức mạnh vô song. Nước mắt của cô mang lại ơn tha thứ. Tình yêu lòng khiêm tốn. Nước mắt đem lại sự sống cho người em, tham dự thẳm sâu vào cuộc khổ nạn của Chúa, niềm vui khôn tả của vinh hiển nấm mồ. Tình yêu khiến cô thấu triệt ý nghĩa công việc của Thầy. Cô trở nên người đầu tiên đón nhận sứ vụ loan báo tin vui, là tông đồ của các tông đồ. Đặc ân của tình yêu là như vậy. Chân lý này sẽ mãi mãi trong dòng chảy của lịch sử giáo hội. Tình yêu giữ vai trò độc tôn trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng, quan trọng hơn quyền bính, năng lực và học vấn.
Tuỳ theo mức độ, những chi Maria Magđala kinh nghiệm, thì tất cả những ai đồng chí hướng với cô đều được chia sẻ, kể cả sứ vụ của cô. Như vậy, các phụ nữ trong nhóm cũng mật thiết liên hệ với vô. Nhưng qua các Tin Mừng người ta khó mà xác định những nội dung nào riêng cho Magđala, những điều chi chung cho cả nhóm đạo đức. Dĩ nhiên, các tông đồ có vai trò đặc biệt: “Phêrô con có yêu mến Thầy không?” Như người ta dự đoán, các ông nổi bật trong các biến cố quyết định và quan trọng. Tuy nhiên tất cả đều có phần nhiệm vụ phải chu toàn. Bởi lẽ, các con tim đều trỗi dậy cùng với Thầy. Tuy nhiên chúng ta vẫn chứng kiến các môn đệ đều cảm thâý ngỡ ngàng, là lạ, do dự vì sự bất toàn của đức tin còn dao động.
Liệu trong nhóm có ai hoàn thiện tuyệt đối ? Có đấy và chỉ một. Đó là trinh nữ Maria, mẹ Đức Giêsu. Mẹ đã nếm trải niềm vui được lại người con yêu dấu, đến mức độ tràn đầy màu nhiệm, sau khi đã can đảm nêu gương nhẫn nhục vâng theo thánh ý Thiên Chúa Cha suốt thời kỳ thử thách. Mẹ đã trỗi dậy trong sự nghiệp đồng công, như Con Mẹ trong khổ nạn, như Maria Magđala trong đau buồn, như các tông đồ trong sợ hãi và hy vọng.
Nếu Tin Mừng im lặng về Đức Maria, thì không phải là lãng quên Mẹ nhưng là chẳng biết nói làm sao cho cân xứng. Một cảm xúc tinh tế sẽ khiến chúng ta choáng váng trước mầu nhiệm qúa dịu dàng. Lời nói chẳng thể mô tả hết vẻ diệu kỳ của nó. Sự im lặng của các sách Tin Mừng về Đức Maria không có nghĩa lãng quên Mẹ Chúa Giêsu, nhưng chỉ có dụng ý nhấn mạnh về sự vĩ đại của Ngài.
Từ ngôi mộ trống, ánh sáng Phục sinh bừng toả. Từ đây các môn đệ bắt đầu một hành trình mới, loan báo Tin mừng Phục sinh.
Sau khi viếng mộ Chúa, chúng tôi đến nhà nguyện dâng thánh lễ. Đây là một trong năm ngôi nhà nguyện vây quanh mồ thánh.
Thật hạnh phúc khi được dâng Thánh Lễ và suy niệm bên Mồ Chúa. Chính nơi đây, sáng tinh sương hôm Chúa nhật, những người nữ đạo đức trong số đó có Maria Mađalêna đã đem thuốc thơm tới viếng mộ. Khi tới nơi, các bà thấy tảng đá to đóng cửa mồ đã được lăn ra một bên. Những quân canh của Hội đồng Tối cao không còn ở đó nữa. Trong khi Maria Mađalêna chạy về báo tin cho Tông đồ Phêrô và Gioan, các bà khác vào trong mộ đã được thiên thần báo tin cho biết Chúa Giêsu đã sống lại. Các bà đã trở về Giêrusalem trong khâm phục và sợ hãi (Mc 16,8). Đến lượt Phêrô và Gioan chạy tới mộ và thấy mộ trống ; những băng vải ở trên đất, khăn phủ mặt để riêng một nơi (Ga 20,7). Maria Mađalêna còn nấn ná ở lại. Bà cúi xuống nhìn vào nơi để xác Chúa, thấy hai thiên thần ở hai đầu tấm đá trên đó đã để xác Chúa. Rồi quay lại đằng sau, bà thấy một người mà bà tưởng là người coi vườn. Khi người đó gọi: “Mariam !”, Maria nhận ra Chúa Giêsu và sấp mình dưới chân Ngài (Ga 20,16).Bà Maria Mađalêna kể lại việc Chúa hiện ra cho các môn đệ, nhưng các ông không tin. Sau lần hiện ra đó, Chúa còn hiện ra nhiều lần ở Giuđêa và Galilêa. Chính ngày sống lại, Chúa đã hiện ra với Phêrô (Lc 24,34 ; I Cor 15,5), với hai môn đệ trên đường đi Emmaus (Lc 24,13-35), với các Tông đồ và các môn đệ hợp nhau ban chiều trong một ngôi nhà ở Giêrusalem (Lc 24,36-39 ; Ga 20,19-23). Tám ngày sau Chúa lại hiện ra với các môn đệ ở Giêrusalem để thuyết phục Tôma vắng mặt trong khi Chúa hiện ra lần trước (Ga 20,24-29). Sau tuần lễ Vượt qua, các Tông đồ trở (Ga 20,24-29). Sau tuần lễ Vượt qua, các Tông đồ trở về xứ Galilêa, Chúa Giêsu lại hiện ra với 7 môn đệ, trong đó có Simon, Phêrô và Gioan trên bờ hồ Tibêriađê. Chúa xác nhận quyền chủ chăn tối cao của Phêrô (Ga 21,15-18). Trong lần hiện ra trên một ngọn núi xứ Galilêa, Chúa Giêsu trao cho các Tông đồ sứ mệnh giảng dạy các dân tộc và hứa sẽ ở với các Tông đồ cho đến ngày tận thế (Mt 28,18-20).
Bốn mươi ngày sau khi sống lại, lần sau hết Chúa Giêsu hiện ra với các Tông đồ đang họp nhau ở Giêrusalem để đợi Chúa Thánh Thần hiện xuống. Chúa dẫn các môn đệ lên núi Cây dầu, về hướng Bêthania. Ở đó Chúa đã lên trời, ngự bên hữu Chúa Cha (Mc 16,19).
Rời Giêruselam lòng bồi hồi xúc động, chúng tôi tiếp tục hành trình đến Bêlem, Giêricô, Núi cám dỗ, Qumran,Biển chết, xuôi về Ain Karim thăm nơi Gioan Tẩy giả sinh ra rồi viếng lăng mộ Vua Đavit…nhiều địa danh hấp dẫn khác đang chờ đợi.
Từ núi Tabor nhìn về : Ảnh tác giả