Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.088
123.198.830
 
Hành hương Đất Thánh (III)
Nguyễn Hữu An

Từ Giêrusalem, chúng tôi khởi hành đi Bêlem lúc sáng sớm. Qua trạm gác Palestine mỗi người trình Hộ Chiếu cho lính gác. Chúng tôi đi qua bức tường ngăn cách 2 nước IsraelPalestine. Bức tường dài 100km, cao 12m, Israel chỉ xây dựng trong một đêm.

 

BÊLEM

 

Thị trấn Bêlem hiện nay là một trung tâm thương mại, điểm thu hút nhiều khách du lịch, có một khu kỹ nghệ chuyên tạo các vật phẩm lưu niệm mang tính tôn giáo và và truyền thống nổi tiếng, có rất nhiều thánh đường, trường học. Dân số khoảng 50.000 người, thuộc quyền quản lý của chính quyền Palestine.

 

Thị trấn cách Giêrusalem 8km về hướng Nam. Bêlem nằm trên một ngọn đồi đá vôi cao trên mặt biển. Bêlem là một địa danh rất quan trọng vì trong Thánh Kinh đã đề cập tới nhiều lần. Bêlem là nơi an nghỉ của Rakel vợ Tổ phụ Jacob, được chôn cất trên đường vào Ephrata. Đây cũng là nơi Bà Ruth, bà cố của vua Đavid đã gặp ông Boaz và kết hôn với ông. Bêlem còn là nơi sinh trưởng của vua Đavid, chính nơi đây ông đã được tiên tri Samuel xức dầu tấn phong làm vua dân Do Thái.

 

Theo Thánh kinh, vào thời Giacóp, Bêlem được gọi là Erphrath, nơi chôn cất Rakel (St 35,16,19;48,7). Sau khi chinh phục Canaan, Bêlem thuộc chi tộc Giuđa. Bêlem còn gọi là xứ Giuđa, phân biệt với Bêlem xứ Zabulon (R 1,1). Ong Ibzan làm thủ lãnh bảy năm, khi qua đời được chôn cất tại Bêlem (Tl 12,8-10); ông Emilech, bố vợ bà Ruth là người Etrát thuộc Bêlem (R1,1-2), cũng như chồng của bà Ruth, ông Bôaz (2,1,4). Ong Bôaz sinh Ô bét, Ô bét là ông nội của Đavit (R4, 18-22). Đavit được Samuel xức dầu phong vương (1Sm 16,13- 15) và do vậy Bêlem còn gọi là thành Đavit (Lc 2,4-11). Bêlem là nơi Đấng Cứu Thế đã hạ sinh (Mt 2,1-7), một thành được xem là nhỏ nhất trong các chi tộc Giuđa (Mk 5,1) sẽ xuất hiện vị cứu tinh dân Israen, vì thế Bêlem đã xảy ra vụ tàn sát các hài nhi Hêrôđê... (Mt 2,16)

 

Bêlem một thành của dân tộc Dơvulun (Gs 19,15). Đối với Do Thái giáo, Bêlem là quê hương của Đavit, vua Israel trị vì năm 1000 trước CN. Đây cũng là một địa danh linh thiêng của Kitô giáo vì là nơi Chúa sinh ra.

 

Theo Phúc Âm, Chúa Giêsu sinh ra ở Bêlem trong một chuồng bò lừa. Theo một cổ truyền mà Thánh Giustinôthế kỷ thứ hai đã nói tới, ấn định nơi đó là một hang đá. Trên hang đá đó Hoàng đế Constantinô đã xây một Vương cung Thánh đường còn tồn tại cho đến ngày nay. Các mục đồng ban đêm canh gác đoàn vật ở cánh đồng chung quanh Bêlem được Thiên thần báo tin và thấy nhiều Thiên thần hát “Gloria in excelsis Deo”. Họ là những người đầu tiên đã đến thờ lạy Chúa Cứu Thế mới giáng sinh.

 

Hang Bêlem:

 

 Là một căn hầm nhỏ (12mx3m) nằm dưới cung nguyện của Thánh đường Giáng Sinh. Nền thờ được dát bằng đá cẩm thạch. Các cộng đoàn Kitô giáo vẫn luôn thắp sáng các ngọn đèn dầu, xông hương dâng Chúa Hài Đồng. Một chiếc ngôi sao bằng bạc với dòng chữ : “Nơi đây, Đấng cứu thế đã Giáng Sinh”. Hang Bêlem có lẽ là nơi bày tỏ sự hiệp nhất của Kitô giáo, người ta vẫn thường chứng kiến các linh mục, tu sĩ của Công giáo và chính thống cùng dâng lễ với nhau.

 

THÁNH ĐƯỜNG GIÁNG SINH

 

Một trong những thánh đường cổ xưa theo lưu truyền, Chúa Giêsu giáng sinh trong một hang đá. Thế kỷ thứ hai, thánh Justinô, giáo phụ Originê đều nói đến việc Chúa sinh hạ trong một hang đá. Năm 135, hoàng đế La mã Adrien đã ra lệnh cho dựng tượng thần Adonis tại chỗ để ngăn các cuộc hành hương sùng kính. Khoảng năm 333, hoàng đế Constantin và mẹ ông là Hêlêna đã cho xây một thánh đường trùm lên vị trí thánh đường ngày nay. Thánh Giêrônimô đã ở Bêlem từ năm 384-420. Qua nhiều thế kỷ, Bêlem là nơi đã nảy sinh nhiều cuộc tranh chấp mang tính chất tôn giáo. Thánh đường giáng sinh hiện nay được phân chia làm ba khu vực: Chính thống giáo Hy Lạp; Công Giáo và Chính Thống Armenia. Trên nóc thánh đường, có bốn cây Thánh giá nhỏ nằm sau cây thánh giá lớn biểu trưng cho bốn nước đã tham gia vào đội quân thập tự chinh thời bấy giờ gồm: Pháp, Ý, Đức, Anh.

 

Từ Thánh đường giáng sinh, chúng tôi đi xuống những bậc cấp, từng người một bước vào trong hang. Để vào bên trong, người ta phải khom mình xuống, vì lối vào chỉ cao 1m và rộng 0,8m. Lối vào có tên là “Cổng khiêm cung” vì khi vào ai cũng phải cúi đầu! Nguyên thuỷ, lối vào rất rộng, sở dĩ hẹp như bây giờ là do Thập Tự Quân dựng nên để ngăn ngừa quân Hồi giáo đang tàn phá các di tích Thánh. Mỗi người lần lượt quỳ gối hôn kính tảng đá ngôi sao bằng bạc ghi dấu nơi Chúa sinh xuống trần hơn 2000 năm trước. Nơi đây được gọi là Động Giáng Sinh, nơi đánh dấu một trang tình sử của Thiên Chúa, ghi nhớ một đêm đông giá lạnh, từ trời cao Thiên Chúa xuống thế làm người, giao hòa trời đất. Thật cảm động và chan chứa hồng ân, môi miệng con được hôn dấu tích thánh thiêng nhất lịch sử - nơi Chúa hạ sinh làm người. Kế bên có Động Sữa, theo tương truyền Đức Mẹ cho Chúa Giêsu bú, vài giọt sữa mẹ rơi ra. Vì thế động sữa là nơi chan hoà tình mẫu tử.

 

Chúng tôi cùng hát những bài thánh ca Giáng Sinh. Đêm nay Noel về, Hát khen mừng Chúa Giáng sinh ra đời Hát giữa ban ngày mà cứ tưởng như là đêm thánh vô cùng. Cảm nghiệm tình yêu cao vời của Thiên Chúa làm người để cứu độ nhân loại.

Tin mừng Lc 2,1-20 kể lại một câu chuyện tầm thường nhất nhưng cũng là vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại.

 

Một biến cố tầm thường nhất :

 

Một gia đình nghèo khổ không tìm ra chỗ trọ trong lữ quán. Số người Do thái trở về Giêrusalem để làm sổ khai sinh quá đông. Hai ông bà Giuse - Maria không có tiền để vào khách sạn, vào các nhà nghỉ đắt tiền. Các quán trọ đã hết chỗ. Mùa tăng giá và bắt chẹt khách hàng. Tăng giá để loại trừ người nghèo, ở đó không có chỗ trống cho tình người. Họ đành phải qua đêm ngoài đồng hoang tại Bêlem trong một hang đá nơi dành riêng cho chiên bò nghỉ ngơi. Đêm đông hôm ấy trong cảnh sương tuyết gió lạnh, Maria đã hạ sinh một con trai, bà đặt con trong máng cỏ, bạn hữu thân nhân chẳng có ai, chỉ có vài mục đồng đến thăm viếng, sự kiện chỉ có thế, thật là đơn giản.

 

Một biến cố vĩ đại nhất.

 

Thế nhưng em bé ra đời trong cảnh nghèo hèn đó lại là một vị Thiên sai. Người đã cắt đôi dòng lịch sử loài người thành hai phần : trước công nguyên và sau công nguyên, trước và sau ngày giáng sinh của Người. Em bé ấy không phải là một nhà bác học, không phải là một nhạc sĩ mà chính là Thiên Chúa, là Ngôi Lời Vĩnh Cửu của Chúa Cha, Đấng cao sang, quyền năng, Đấng sáng tạo vũ trụ hôm nay đã làm người. Ngài giáng sinh làm người trong thân phận một em bé yếu ớt nằm trong máng cỏ hang lừa chứ không phải trong một cung điện sang trọng lầu son gác tía. Thiên Chúa đã chọn làm một người nghèo sinh ra trong một gia đình nghèo chứ không phải quyền quý giàu sang. Bởi vậy, biến cố giáng sinh bên ngoài xem ra thật tầm thường nhưng lại là một biến cố vĩ đại. Quá vĩ đại đến nỗi nhiều người đã không tin. Ngay trong số những người tin có Thiên Chúa cũng đã có người không dám nghĩ rằng Thiên Chúa đã xuống thế làm người. Tin vào một Thiên Chúa là Đấng thần linh thì hầu hết các tôn giáo đều tin nhận; nhưng tin vào một Thiên Chúa nhập thể làm người, chấp nhận thân phận con người thì còn rất nhiều tranh luận. Làm sao một Thiên Chúa lại có thể làm những chuyện quá tầm thường như được cưu mang, được sinh ra ? Môt sự kiện táo bạo. Táo bạo đến độ sững sờ sợ hãi,chẳng phải vì khó tin giật gân cho bằng vì không dám tin vào điều vượt tầm quan niệm.Thiên Chúa, Đấng khôn tả của triết học bỗng dưng trở thành diễn tả được.Thiên Chúa,Đấng vô hình của tôn giáo đã chọn cho mình một thể thức xuất hiện hữu hình. Thiên Chúa, Đấng cứu độ trước đây chỉ muốn bày tỏ với con người khốn khổ qua trung gian của các thụ tạo được tuyển chọn,giờ đây lại ngỏ lời trực tiếp với con người qua Hài Nhi bé bỏng nắm trong máng cỏ.Quả là sự kiện táo bạo.

 

Chính Chúa Giêsu đến thế gian để thực hiện điều đó. Người đến mang sự hoà bình cho nhân loại, tước bỏ khỏi lòng người sự thù hận. Tất cả mọi người là con cùng một Cha, Thiên Chúa nhân lành. Giáo lý quan trọng nhất của Chúa Giêsu là dạy cho mọi người biết Thiên Chúa là người Cha rất yêu thương và tất cả nhân loại là con cái của Ngài và là anh chị em ruột thịt với nhau. Chỉ có giáo lý cao đẹp này, chỉ có Tin mừng này mới giải thoát nhân loại khỏi chiến tranh để xây dựng hoà bình.

 

Hài nhi nằm trong máng cỏ mời gọi con người:

- Hãy mở rộng vòng tay : Đôi tay Chúa giang rộng như muốn ôm tất cả nhân loại, cử chỉ đó nhắn gửi rằng, hãy mở rộng vòng tay tiếp đón mọi người.

- Hãy mở rộng tầm nhìn : Anh mắt Hài nhi đơn sơ trong sáng như muốn nhắn bảo : Đừng chỉ nhìn hạn hẹp vào bản thân mình, hãy biết mở rộng tầm nhìn ra xã hội, ra giáo hội, ra thế giới. Đừng hạn chế tầm nhìn vào lãnh vực vật chất kinh tế, hãy mở rộng tầm nhìn sang lãnh vực tinh thần tâm linh.

- Hãy mở rộng trái tim : Mở rộng trái tim mình ra để đón Chúa sinh vào, để nghe và hiểu Lời Chúa. Lời Chúa nói thì thầm vào trái tim, Lời ấy nhẹ nhàng sâu thẳm.

 

Trong những giây phút hồng phúc đó, chúng tôi cầu xin cho mọi người trên thế giới được đón nhận giáo lý cao đẹp của Chúa Giêsu. Đó là Tin Mừng cho nhân loại, Tin Mừng dẫn đường soi lối cho nhân loại xây dựng hoà bình trên công lý và tình yêu.

 

Rời động Giáng sinh, chúng tôi lên phía trên. Trong Nhà thờ Giáng Sinh đang cử hành thánh lễ. Chúng tôi lại đi xuống lối khác để dâng lễ tại nhà nguyện các Thánh Anh Hài. Nơi đây còn có hai nhà nguyện nhỏ nữa, đó là nhà nguyện kính Thánh Gia lên đường trốn sang Aicập, nhà nguyện kính Thánh Giêrônimô (Ngài đã sống nhiều năm tại đây để dịch Thánh kinh từ nguyên bản Hylạp, Hipri, Aram sang tiếng Latinh, bản Vulgata.)

 

CÁNH ĐỒNG CHIÊN:

 

Rời Thánh đường Giáng sinh, chúng tôi thăm cánh đồng chiên nơi Thiên thần báo tin cho các mục đồng.

Những di tích nơi cũng đầy sự thánh thiêng. Các mục đồng chỉ là những người nghèo khó, đơn sơ, mộc mạc, không học cao hiểu rộng, không danh vọng cao sang, không tiền tài vật chất. Thiên Chúa đến ghé thăm, đem ánh sáng cứu độ đến cho họ. Ba Đạo sĩ Đông phương cũng được Chúa gọi, và họ đã mở lòng ra đón nhận Ngài là Cứu Chúa của họ. Ở Palestine, có những toán du mục quanh năm sống với đàn chiên, người ta gọi là “mục tử sa mạc”. Họ sống giữa thiên nhiên, khi đêm về giá lạnh, họ lùa đàn chiên vào những bộng đá, hoặc những chuồng nằm sau bờ làng. Người Do thái không thích những người chăn kiểu đó, họ nói: “Đừng dạy con làm nghề chăn cừu, thợ cạo, lái đò, hàng xén, vì là nghề của phường trộm cướp. Người Pharisiêu không bao giờ mua sữa, mua len của họ, vì sợ phải mua của gian”. Thế nhưng, Chúa sinh hạ làm người, kêu mời họ đến với Ngài.

 

Đêm hôm ấy là đêm bình an, đêm diễm phúc trước hết là các mục đồng, tức là thành phần nghèo khó trong xã hội, bởi vì Chúa đến để đem niềm an vui đến cho họ. Chính những người chăn chiên nghèo hèn mộc mạc ấy được thiên thần loan báo tin vui: “Hôm nay. Đấng cứu độ đã sinh ra cho anh em.” Khi các Mục Đồng canh giữ đàn chiên ở ngọn đồi Bêlem, họ bỡ ngỡ vì vẻ đẹp của Thiên Thần: Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, Đấng Cứu thế đã sinh ra cho anh em trong thành của vua Đavít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa ( Lc 2, 10 – 12 ). Còn các Đạo Sĩ ở bên kia xứ Mađian và Batư nghiên cứu bầu trời đã thấy một ngôi sao chiếu sáng như chiếc đèn của nhà tạm vũ trụ, điện thờ của Thiên Chúa. Họ theo ánh sao tìm đến Hang đá tìm gặp Hài Nhi.

 

Như những cánh bướm bị thu hút bởi ngọn lửa, các Mục Đồng và các Đạo Sĩ tiến đến ngai vàng chỉ là một Hang đá, đến với Thiên Chúa chỉ là một Hài Nhi. Thiên Chúa Hài Nhi ngước nhìn từ Máng cỏ chỉ thấy hai hạng người tìm gặp Ngài và chỉ duy họ tìm gặp Ngài cho đến tận cùng thời gian. Đó là các Mục Đồng và các Đạo Sĩ, những người đơn sơ và những người thông thái.

 

Các Mục Đồng là những người đơn sơ. Họ chẳng biết gì tới chính trị, văn chương, nghệ thuật. Họ chỉ biết hai điều quan trong là Thiên Chúa ở trên họ và họ ở giữa đoàn chiên. Đêm hôm đó bầu trời rộng mở để loan báo Tin mừng. Thiên Thần cho biết Đấng họ nóng lòng chờ đợi vừa sinh ra trong Hang đá Bêlem nhỏ bé. Họ đã tìm và gặp Đấng Chăn Chiên của họ.

 

Qua mầu nhiệm Nhập Thể, Thiên Chúa - Đấng tràn đầy vinh quang thánh thiện sinh ra trong cảnh bần cùng, Đấng là Ánh sáng muôn dân chấp nhận sinh ra trong cảnh tối tăm của hang bò lừa, Đấng là Ngôi Lời sáng tạo hóa thân làm trẻ sơ sinh yếu đuối. Do đó, không lạ gì khi “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà không đón nhận” (Ga 1,11). Và chỉ có những người nghèo hèn và bé nhỏ như các mục đồng mới đón nhận sứ điệp: Lạy Cha, con cảm tạ Cha, vì Cha giấu không cho hạng thông thái biết những điều  ấy, mà Cha lại mạc khải cho kẻ bé mọn. Vâng, vì ý Cha là như thế!

 

Đấng giàu lòng thương xót đã bị lôi cuốn bởi sự nghèo khó, mời nhân loại đến tựa nương bên máng cỏ như phương thế tốt nhất để nên giống Cứu Chúa, nhờ đó mà mỗi người được quyền làm con Thiên Chúa.

 

Thế giới hôm nay biến chuyển không ngừng và đầy những phức tạp: nhiều triển vọng cho tương lai nhưng cũng đầy những lo âu khắc khoải, yêu chuộng hòa bình nhưng còn quá nhiều chia rẽ, bất đồng, bất công và khủng bố. Dầu có nhiều tôn giáo lớn như Phật giáo, Khổng giáo, Lão giáo, Ấn độ giáo, Hồi giáo, Thiên Chúa giáo... nhưng con người vẫn có khuynh hướng mê tín, thích tìm sự lạ, khát khao huyền bí. Thế giới đang không ngừng tục hóa: chối bỏ những giá trị siêu việt để chỉ nhìn nhận những giá trị vật chất, con người sống bằng tính toán lợi nhuận, đánh giá thực tại và đồng loại bằng cân đo đong đếm mà không nghĩ đến phẩm giá con người, hành động dựa trên tự do cá nhân chủ nghĩa mà không quan tâm đến những tiêu chuẩn luân lý đạo đức. Vì thế, thế giới vốn đã nghèo lại càng nghèo thêm, nghèo tình thương, nghèo chân lý, nghèo công bằng, nghèo tự do, nghèo đạo đức, nghèo vật chất đến nỗi người nghèo vẫn hoàn nghèo và có biết bao gia đình phải túng đói cơ cực kiếm sống hằng ngày bên cạnh sự nhởn nhơ hưởng thụ của tầng lớp giàu sang mê say hưởng thụ... Trong một xã hội như thế, sống đạo quả là khó khăn nếu không nói là lạc lõng và thách đố, vì thực tế đi ngược lại vối Tin mừng của Đức Kitô là Tin mừng của sự sống, của tình yêu, của chân lý, công bằng và huynh đệ.

 


GIÊRICÔ:

Giêricô là nơi khi xưa Môsê từ trên núi Nebô đã được nhìn thấy đất hứa. Sách Giôsuê chương 6 kể lại cuộc đánh chiếm thành Giêricô.

 

Giêricô là nơi khi xưa Môsê từ trên núi Nebô đã được nhìn thấy đất hứa. Sách Giôsuê chương 6 kể lại cuộc đánh chiếm thành Giêricô.

Giêricô nổi tiếng với câu chuyện Ông Giakêu trèo lên cây sung để nhìn cho được Chúa Giêsu. Vì tò mò muốn gặp Chúa mà vóc người thấp bé nên ông đã trèo lên cây sung để được thấy Ngài. Hôm đó ông đã được Chúa ghé nhà ông ăn cơm tối: "Này ông Dakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi ở lại nhà ông." (Lc 1, 5). Và “ Hôm nay ơn cứu độ đã đến với nhà này”.

 

Chúng tôi thăm “Cây sung ông Giakêu”. Cây sung to lớn khoảng hai người ôm. Cây sung này được trồng

lại cách đây 700 năm. Bà cụ Dung hái và ăn luôn ba quả sung. Bà đang bị thấp khớp nên tin rằng ăn trái sung Giakêu sẽ được lành. Chúng tôi liền đặt tên cho bà là “Bà ba quả”, thêm nhiều tiếng cười vui vẻ quanh chuyện trái sung.


NÚI CÁM DỖ:

 

Từ cây sung Giakêu đi thêm chừng vài km, chúng tôi đến Núi cám dỗ. Chúa Giêsu đã vào sa mạc để ăn chay cầu nguyện trong 40 ngày. Thời gian 40 đêm ngày Chúa trải qua trong sa mạc đánh dấu việc khởi đầu một cuộc phiêu lưu, cuộc phiêu lưu của Giao Ước Mới. Cuộc phiêu lưu này tái hiện quãng thời gian 40 năm dân Do thái đã trải qua trong cuộc Xuất hành, đồng thời nhắc lại 40 ngày đêm ông Môsê đã ở trên núi Sinai.

Chúa Giêsu đã chiến thắng các cám dỗ của ma quỷ, sau khi ăn chay cầu nguyện trong sa mạc.

Có ba cơn cám dỗ là ba biểu tượng mọi cám dỗ qua các thời đại.

 

1- Cám dỗ cơm bánh hay vật chất: Trong hoang địa, dân Do thái kêu ca vì thiếu tiện nghi và lương thực. Chúa cho manna để nuôi họ. Nhưng họ nhàm chán thứ bánh họ ăn hằng ngày. Lương thực nói đây tượng trưng nhu cầu vật chất chúng ta muốn hưởng thụ. Trong cơn cám dỗ vật chất, Chúa Giêsu đã trưng lời sách Đệ nhị luật: “ Người ta sống không chỉ bởi bánh, nhưng bởi lời từ miệng Thiên Chúa”. Mặc dù Chúa Giêsu cảm thấy đói, nhưng sự đói khát nghe lời Thiên Chúa còn quan trọng hơn là nhu cầu về cơm bánh. Ngài hơn hẳn dân Do thái xưa, Ngài tìm ý Thiên Chúa hơn là tìm sự thỏa mãn cho riêng Ngài.

 

2- Cám dỗ về sự thử thánh quyền năng Thiên Chúa: Dân Do thái luôn yêu cầu Chúa ban những dấu lạ điềm thiêng, nhưng Chúa từ chối vì họ không thực tâm tin vào Ngài, mà đơn thuần chỉ để thách thức Chúa. Hôm nay, khi ma quỷ cám dỗ Chúa Giêsu gieo mình xuống khỏi đền thờ, Ngài đã trả lời bằng cách trưng dẫn sách đệ nhị luật: “ Ngươi đừng thử thách Thiên Chúa”. Những gì dân Do Thái khiêu khích Thiên Chúa nơi hoang địa, nơi đây Chúa Giêsu đã chẳng hề làm.

 

3- Cám dỗ sấp mình thờ lạy ma quỷ: Xưa dân Do thái đã tạc tượng bò vàng và thờ lạy nó. Ngày nay, ngẫu tượng hay bò vàng chính là tiền tài, danh vọng, thú vui, vật chất, tiện nghi, sắc dục đem con người xa lìa Chúa và dẫn đi đến chỗ thỏa hiệp, phạm tội. Chúa Giêsu chẳng màng bất cứ điều gì ma quỷ trưng dẫn, kể cả vương quốc nó muốn dâng tặng Ngài. Ngài đã chẳng cúi đầu thờ lạy nó, trái lại Ngài dõng dạc tuyên bố: “ Ngươi chỉ thờ lạy một mình Thiên Chúa” (Đnl 6,13).

 

Đường lên núi cám dỗ dốc đá, nên phải có cáp treo để đi lên. Hôm ấy, thật đáng tiếc, trục trặc kỹ thuật nên cáp treo không chạy. Chúng tôi chỉ đứng bên dưới nhìn lên với tất cả tiếc nuối không lên đến đỉnh núi.

Chúng tôi trở lại chân núi để dâng lễ tại nhà thờ Chúa chịu cám dỗ .

 

QUMRAN :

 

Nằm trên bờ tây bắc của Biển Chết, là nơi cư ngụ của các ẩn sĩ Esseni, những người ghi chép các bản văn Kinh Thánh rất cổ xưa vô cùng quí giá cho việc học hỏi Kinh Thánh. Tại đây, năm 1947 hai người chăn cừu đã tình cờ khám ra một hang động có những bình chứa các văn kiện quan trọng này. Các nhà khảo cổ đã mua lại được một số văn kiện ghi chép Thánh Kinh. Họ cũng khám phá ra một tu viện đã bị vùi lấp. Những tài liệu quí giá này được lưu trữ và trưng bày tại một bảo tàng viện lớn của Do Thái là Shrine of the Rock.

 

Chúng ta được biết nhiều về nhóm Esseni nhờ các bản chép tay phát hiện được từ năm 1947 tại Qumran. Lịch sử và nhất là gốc tích của họ chưa được làm sáng tỏ. Hình như là vào thời kỳ bị nhà Maccabê bắt bớ, con cháu dòng họ Xađốc đã trốn vào sa mạc. Sau đó một cơn khủng hoảng xảy ra trong nội bộ. Những người khô đạo trở về quê quán, còn những người mộ đạo thì đi tới Qumran, nơi đã có mặt những người đầu tiên bị lưu đày. Ở đây họ sống có tôn ti đẳng cấp. Các tư tế, con cháu Xađốc, chiếm giữ một địa vị then chốt. Nhóm Esseni gắn bó với Luật trong sạch tỉ mỉ hơn cả người Pharisiêu và ở một vài điểm, họ còn bảo thủ hơn cả người Pharisiêu. Họ từ chối không dùng bộ lịch của nhà Xêlơxít mà chỉ dùng bộ lịch cũ. Do đó, họ không mừng lễ Vượt qua cùng một lúc với Do Thái giáo chính tông. Để được trong sạch, họ tắm nhiều lần mỗi ngày và nhất là họ không chịu lên Đền thờ, vì theo họ Đền thờ đã ra ô uế kể từ ngày thay bộ lịch và các tư tế không còn thuộc nhà Xađốc nữa. Họ thích lấy đời sống thánh thiện để thay thế cho các lễ phẩm, đợi cho tới ngày Thiên Chúa tái lập việc phụng tự và trả lại cho Đền thờ sự trong sạch nguyên thuỷ.

 

Những dãy núi đá mầu đỏ xám có nhiều hang. Chính ở nơi đây, mùa xuân năm 1947, hai du mục Mohammad el Dib và Ahmad Mohammad thuộc bộ lạc Ta’Amira đã khám phá trong một hang, bây giờ người ta gọi là I Q, bảy cuốn sách hầu như còn nguyên vẹn. Những cuốn sách đó sau ít tháng đã làm chấn động thế giới Kinh Thánh và Cận đông học. Đó là sách Tiên tri Isaia còn nguyên vẹn (I QIsa), sách chú giải (peser) Habacuc (I QpHab), cuốn Luật (Serek) Cộng đồng (I QS). Những cuốn trên đã do American Schools of Oriental Research xuất bản và do M.Burrows phụ trách; một cuốn Tiên tri Isaia thứ hai (I QIsb), sách những Bài ca (Hôdayot : I QH), cuốn Luật chiến đấu (Milhamah I QM) do Đại học Do thái xuất bản và do E. Sukenik phụ trách, một ngụy thư về Sáng thế ký đã hư hại nhiều cũng do Viện Đại học Do thái xuất bản năm 1956. Sau một thời gian tản mát đó đây, bây giờ các cuốn nói trên đều được giữ tại Viện Đại học Do thái ở Giêrusalem.

 

Năm 1949, các nhà cổ học đại diện Bộ Khảo cổ Jordania, trường Kinh Thánh các cha Đaminh Pháp và Bảo tàng viện Palestina bắt đầu cuộc tìm kiếm. Cuộc tìm kiếm đó kéo dài tới năm 1956 và thu được nhiều mảnh cảo bản trong 11 hang khác nhau, nhất là trong hang IV. Các nhà khảo cổ đó cũng khai quật hoang tàn Qumran. Cuộc khai quật này cho ta biết Khirbet Qumran đã là trụ sở của một cộng đồng đông đảo vào thời Hasmônêô (135 - 37 trước Công nguyên) (tiền đúc của Alexandrô Jannêô 103 - 76 trước Công nguyên) và từ năm 4 đến năm 68 sau Công nguyên.

 

Người ta chỉ mới xuất bản những mảnh cảo bản của hang I : D. Barthelemy - T.J. Milik, Qumran Cave I, Oxford 1955 ; những mảnh cảo bản ở các hang khác mới được nói tới trên tạp chí đó đây. Chúng ta còn phải đợi một thời gian nữa mới được biết tất cả các tài liệu và có thể những du mục còn giữ một số tài liệu quí báu. Họ đã đòi một số tiền khổng lồ để bán các tài liệu mà họ đã lấy được; bây giờ có lẽ họ còn đợi cho lên giá (mỗi phân vuông một Bảng Anh). Dầu sao tất cả các mảnh cảo bản đã tìm thấy, cả các mảnh cảo bản mà những tổ chức khoa học đã bỏ tiền ra mua đều được giữ tại Viện Bảo tàng Jordania và do một nhóm học giả thuộc nhiều quốc tịch và tôn giáo khác nhau khảo sát. Trong những cuộc tìm kiếm văn kiện Qumran, người ta đã khám phá ra hai kho cảo bản khác : ở Murabbaat và ở Khirbet Mird. Nhưng những tài liệu này không liên quan tới vấn đề của chúng ta. Trái lại phải kể vào loại văn kiện Qumran, tài liệu Damas (CD) do S. Schlechter tìm thấy năm 1896 - 1897 trong một hội đường Do-thái ở Le Caire (Ai-cập) và do ông xuất bản : Fragment of a Zadokite Work, Cambridge 1910. Tài liệu này đã là một bí nhiệm cho đến khi người ta khám phá ra những mảnh cảo bản ở hang IV, V và VI Qumran. Những mảnh cảo bản này cho ta biết chắc tài liệu trên là của các ẩn sĩ Qumran.


BIỂN CHẾT:  

 

Rời Qumran trong gió lộng và nắng chiều vàng nhạt chúng tôi đi Biển Chết. Qua nhiều cánh đồng chà là bạt ngàn, tôi nhớ đến những vườn dừa ven biển Phan thiết, những rừng cao su ngút ngàn ở Đồng nai. Biển Chết nằm trong vùng sa mạc của miền Giuđêa, miền nam Israel, mặt nước có diện tích khoảng 1.020km2, chỗ sâu nhất là 385m. Mặt nước của biển thấp nhất trái đất. Nơi đây không có một sinh vật nào có thể sống nổi vì quá mặn, 33% độ mặn so với các biển khác chỉ có 3%, mặn đến độ có thể nằm đọc báo trên biển. Hằng ngày nước sông Jordan và những dòng sông khác đổ vào đây khoảng 7 triệu tấn nước mang theo một khối lượng khoáng chất đáng kể.

 

Đến biển chết ai cũng thích tắm và trét bùn lên người. Bùn Biển Chết chữa bệnh được đóng gói bày bán tại nhiều cửa hàng. Tắm ở đây không được để nước vào mắt vào miệng, chỉ cần tắm 10 phút là đủ rát bỏng người. Khách hành hương quá đông, đủ mọi màu da sắc tộc. Người ta bảo rằng đi khắp thế giới mà chưa bồng bềnh trên Biển Chết thì chưa đủ. Trở về Giêrusalem, mỗi người mang theo muối mặn chát trên khắp cơ thể.

 

BÊTANIA:

 

Một làng nằm ở phía đông nam núi Cây Dầu, thuộc vùng phụ cận Giêrusalem (Mc 11,1), trên đường nối liền với Giêricô. Nơi ở của Lazarô, Mátta và Maria (Ga 11,1). Là nơi Chúa cho Lazarô sống lại (Ga 11). Bêtania bây giờ là: El-Azariyeh, “Nhà của Lazarô”. Nhìn từ xa, làng Bêtania được mô tả như là “ nơi tốt đẹp đáng ghi nhớ, nơi ẩn nấu của sự bình yên, của nguồn yêu thương”. Bây giờ cũng chỉ là một làng nhỏ. Dân số hiện nay khoảng 5.000 người. Bêtania ngày nay là vùng đất tự do, chẳng thuộc quản lý của Israel hay của Palestine. Từ Giêrusalem về Bêtania xe hơi chạy khoảng 1 giờ vì phải rẽ nhiều ngã quanh thành phố.

Chúng tôi đến thăm ngôi mộ Ladarô, mộ đục sâu vào đá, mấy chục bước tam cấp đi xuống, ánh sáng mờ ảo hắt lên những phiến đá lạnh lẽo nhập nhoà lung linh nơi Ladarô đã an nghĩ 4 ngày; thăm căn nhà 3 chị em Matta, Maria và Ladarô ở, viếng nhà thờ dâng kính cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và Matta trước khi Chúa làm phép lạ cho Ladarô sống lại.

 

Đứng trước mộ Ladarô, tôi nhớ đến đoạn Tin Mừng Ga 11,1-45.

Matta và Maria sai người đến báo tin cho Chúa Giêsu hay:

- Ladarô, người Thầy thương mến đang đau nặng.

Chúa bảo: Bệnh này không đến nổi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang Thiên Chúa.

Cho dù Ladarô đã chết nhưng Chúa Giêsu vẫn nói với các môn đệ:

- Thầy mừng cho anh em, vì Thầy đã không có mặt ở đó để anh em tin.

Chúa Giêsu và các môn đệ lên đường tới Bêtania. Matta đón Ngài và biểu lộ niềm tin tưởng tuyệt đối của mình:

- Lạy Thầy, nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết. Nhưng bây giờ con biết: bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy.

Ladarô đã chết nhưng Matta tin tưởng chắc chắn Ngài có thể làm cho em trai mình được sống bởi vì Ngài là Đấng quyền năng. Chúa Giêsu đã trả lời cho Matta:

- Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Ta thì dù có chết cũng sẽ sống, và bất kỳ ai sống và tin Ta thì sẽ không phải chết bao giờ.

Với lời xác quyết vừa trang trọng, lại vừa lạ lùng này, Chúa Giêsu đòi hỏi Matta phải xác tín:

- Con có tin điều đó không?

Và Matta đã tuyên xưng:

- Lạy Thầy con tin, Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa, là Đấng phải đến trong thế gian.

 

Matta biết Chúa Giêsu là Đấng quyền năng, Ngài có thể truyền lệnh cho sự chết cũng như Ngài đã truyền lệnh cho sóng gió phải im lặng. Và Chúa Giêsu đã thực hiện phép lạ, Ngài truyền cho Ladarô sống lại bước ra khỏi mồ, sau khi đã cầu nguyện và cảm tạ Chúa Cha.

Trước sự thật hiển nhiên này, một số người đã tin theo Chúa, thế nhưng một số người khác, nhất là các Biệt phái và các Thượng tế lại chống đối Ngài một cách quyết liệt hơn nữa. Họ hội họp với nhau và nhất trí kết án tử hình cho Chúa.

 

“Ta là sự sống lại và sự sống ”, lời tuyên bố của Chúa Giêsu trước khi làm cho Ladarô sống lại, là một trong những lời “lạ tai” nhất đối với người thời đại cũng như bao người ngoài Kitô Giáo và những người vô thần ngày nay. Nhưng đối với chúng ta, lời tuyên bố đó là chính nền tảng, và là hy vọng của cuộc đời.

Là Kitô hữu, chúng ta tin có tội lỗi, tin vào thánh giá, tin có sự đau khổ và sự chết, tin vào ơn tha thứ, tin vào niềm vui, vào sự giải thoát, tin vào sự sống và sự sống lại.

 

Chính vì thế mà tất cả những lời chứa đựng trong Kinh thánh Tân ước được gọi là Tin mừng, Evangélion. Đó là Tin mừng cứu sống mà Chúa Kitô chính là nội dung; nói khác đi, chính Ngài là Tin mừng cứu sống (x.Mc 1,1). Thánh Phaolô thường gọi những lời thuyết giáo của Chúa là “Tin mừng Chúa Kitô” (x.1Tx 3,2; 1Cr 2,12; 4,4; 8,13; 10,14; Pl 1,27; Rm 15,19). Và chúng ta có thể tìm thấy trong thư gởi giáo dân thành Côrintô một toát yếu về Tin mừng ấy như sau: “ Thưa anh em, tôi xin nhắc lại cho anh em Tin mừng tôi đã loan báo và anh em đã lãnh nhận cũng như đang nắm vững. Nhờ Tin mừng đó, anh em được cứu thoát, nếu anh em giữ đúng như tôi đã loan báo, bằng không thì anh em có tin cũng vô ích.

 

Trước hết, tôi đã trình bày lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ 3 đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh thánh. Người đã hiện ra với ông Kêpha, rồi với nhóm 12. Sau đó, Người đã hiện ra với hơn 500 anh em một lượt, trong số ấy phần đông hiện nay còn sống, nhưng một số đã an nghỉ. Tiếp đến, Người hiện ra với ông Giacôbê, rồi với tất cả các tông đồ. Sau hết, Người cũng đã hiện ra với tôi, là kẻ chẳng khác nào một đứa trẻ sinh non .” (1Cr 15,1-8)

 

Chúng ta còn có thể tìm được những câu toát lược hơn nữa về Tin mừng Chúa Kitô, nhưng trong đó bao giờ cũng nêu lên hai điểm chính yếu: Chúa Kitô đã chết và Ngài đã sống lại (x.1Tx 4,14; 2 Cr 13,4; Rm 4,24-25; 8,34; 14,9).

 

Tin Mừng Cứu Sống chính là Chúa Kitô đã chết và đã sống lại. Chết và sống lại đó là hai sự kiện căn bản không thể tách rời. Không thể có sống lại nếu không chết, trái lại, nếu Chúa Kitô chết mà không sống lại thì nói như Thánh Phaolô “ đức tin của chúng ta chỉ là trống rỗng” (1Cr 15,14), nghĩa là vô giá trị, giả dối.

Hai sự kiện trên vì bất khả phân như thế nên thánh Gioan đã liên kết lại trong cái mà Van den BUSSCHE gọi là “biến cố bất khả phân”, biến cố đó là biến cố cuộc khổ nạn của Chúa Kitô trên thánh giá mà thánh Gioan coi như là chính sự “Thăng Thượng” (Elevatio) của Chúa Kitô (Ga 8,28; 12,32); nói khác đi là chính giờ phút vinh quang của Ngài (Ga 13,31).

 

Hai sự kiện, chết và sống lại đều cùng một mầu nhiệm Chúa Kitô. Lễ Vượt qua mới, hay là biến cố giải thoát, là môt biến cố bất khả phân. Tuy nhiên trong thực tế, biến cố này, tuy là một biến cố duy nhất nhưng rõ rệt phân làm hai đoạn chính: đó là chiều thứ 6 thụ khổ và sáng Chúa nhật Phục sinh. Vì thế, sự chết và sống lại của Chúa Giêsu là hai giai đoạn của cùng một biến cố Cứu độ duy nhất.

                                                                                                       

HÀNH HƯƠNG ĐẤT THÁNH (CUỐI)

EN KEREM :

 

Chúng tôi đi thăm quê hương thánh Gioan Tẩy Giả. Một ngôi nhà thờ lớn xây trên nơi Gioan được sinh hạ. Cũng như Động Giáng Sinh, nơi đây có một phiến đá ghi nhớ ngày ra đời của Gioan, bên trên có bàn thờ dâng lễ. Chúng tôi thành kính hôn lên tảng đá. Sau đó dâng thánh lễ trong nhà thờ.

Với sự chào đời của Gioan Tẩy giả, nhân loại như đứng trước một thế giới mới, sống động được loan báo bởi niềm vui. Họ hàng bà con đến chia vui. Êlisabét vui. Giacaria vui vì hết câm và dâng lời ca chúc tụng. Nhân loại vui vì đã đến thời kỳ ân sủng: Đấng Tiền hô chào đời dọn đường cho Đấng Cứu tinh xuất hiện ( Lc 1,57-66).

Họ hàng đều muốn đặt tên cho trẻ theo dòng tộc. Người ta hỏi ý cha nó. Ông viết tên nó là Gioan theo lời sứ thần đã báo. Gioan có nghĩa là “Chúa ban ơn”. Ông hết câm và nói tiên tri về con mình. Đây là một dấu hiệu. Mọi người kinh sợ: trẻ này rồi sẽ ra sao? Phải đặt tên cho trẻ là Gioan, vì Chúa muốn thế. Điều đó có nghĩa là Chúa đã có chương trình cho nó. Mỗi người sinh ra đều nằm trong chương trình của Chúa và Chúa có chương trình cho mỗi người. Cuộc đời là ơn gọi.

 

Lòng tràn ngập niềm vui, Giacaria xướng lên bài ca vịnh ngợi ca lòng từ bi của Chúa, tóm kết toàn lịch sữ Israel từ Xuất hành, Giao ước đến niềm hy vọng giải thoát, cứu độ. Lời kinh làm vang lên sự phó thác bền vững nơi lòng từ bi thương xót của Chúa. Lòng từ bi Chúa đến viếng thăm sự đày ải của con người, ban niềm hy vọng cứu thoát (Lc 1,67-79).

 

Ca vịnh diễn tả cho thấy qua thời gian lâu dài đợi chờ, nay Chúa đến giữa nhân loại, để từ đây ta mang lấy niềm hy vọng về vĩnh cửu. Niềm hy vọng ấy nhắc mỗi người sống cái hiện tại với niềm tin tưởng phó thác. Lòng từ bi Chúa như mặt trời xua tan mọi bóng đêm và dẫn ta đến an bình.

Bài ca Bênêđictus được viết bằng nhiều ngôn ngữ trên đá, kín cả bức tường phía ngoài.

 

Kinh Benedictus bằng Việt ngữ.

 

Gioan có một cuộc sinh ra kỳ lạ, một lối sống khác thường. Gioan chọn con đường tu khổ chế: ăn châu chấu với mật ong rừng, uống nước lã và mặc áo da thú, sống nơi hoang địa vắng người trơ trụi. Nhưng chính nơi đó mà Gioan đã lớn lên và trưởng thành trong sự gặp gỡ thâm trầm với Thiên Chúa.

 

Càng lúc Gioan càng ý thức về sứ mạng của mình, nhưng Ông đã kiên nhẫn đợi chờ nhiều năm tháng cho đến ngày Ông nghe thấy Thiên Chúa ngỏ lời với Ông. Lời của Chúa đưa Ông ra khỏi hoang địa để đến gặp gỡ con người qua mọi vùng ven sông Giođan. Lời Chúa Ông nghe đã trở thành Lời Chúa Ông công bố. Tiếng Chúa gọi Ông đã trở thành tiếng Ông mời gọi mọi người.

 

Gioan đã sống trong dòng lịch sử của Đạo và Đời: Thời hoàng đế Tibêriô, hai Thượng tế Khana và Caipha, một Philatô, tổng trấn Giuđêa tham lam tàn bạo, một Hêrôđê tiểu vương Galilêa,kẻ giết Gioan sau này. Gioan đã đón nhận toàn bộ dòng lịch sử ấy để làm trọn sứ mạng Tiền Hô – Dọn Đường cho Đấng Cứu Thế.

Gioan là tiếng nói bất khuất. Vua Hêrôđê Antipas bỏ vợ, kết hôn với bà Hêrôđia, vừa là cháu vừa là chị dâu, một vụ loạn luân được dư luận bàn tán, một số tai tiếng không tha thứ được. Gioan đến trước nhà vua và nói: “ Nhà vua không được lấy bà làm vợ ” (Mt 14,3-5). Hêrôđê nổi giận truyền tống giam Gioan vào ngục Mechaerus, nhà vua muốn ngăn chặn một tiếng nói quấy rầy hơn là thủ tiêu một đối thủ, nhất là khi đối thủ là người đang có uy tín trong quần chúng. Vả chăng, chính ông cũng phải kiêng nể, hay đến thăm, trò chuyện với Gioan, có thể với hậu ý ve vuốt để cho qua chuyện.

 

Nhưng tại hoàng triều, Gioan có một địch thủ nguy hiểm hơn cả nhà vua ham danh và hiếu sắc. Đó là bà Hêrôđia, từ lâu vẫn tìm cơ hội trả thù. Thánh Marcô đã mô tả tâm lý của các diễn viên trong màn kịch hoàng cung mà Hêrôđia là người chủ mưu và đạo diễn. Ngăn trở chính phải vượt qua là sự do dự của nhà vua trước dư luận quần chúng vốn thuận lợi cho Gioan.

 

Cơ hội đã đến, vào mùa xuân năm 28, khi Hêrôđê Antipas mừng lễ sinh nhật. Từ ngày vua ruồng bỏ con gái vua Arêtas để kết hôn với Hêrôđia là cháu ruột, ông lo sợ một cuộc xâm lăng của bộ lạc Nabaton và có lẽ vì thế ông thường cư ngụ ở Machaerus, để trông chừng biên giới miền nam. Đây là một thành luỹ kiên cố, nhưng cũng là cung điện nguy nga tráng lệ. Nhà vua mời các quan đại thần trong triều, các sĩ quan và những người vị vọng tong xứ Galilêa đến dự tiệc sinh nhật.

 

Theo phong tục thời đó, dạ yến hay biến thành cuồng loạn. Khi thực khách đã ngà ngà, thấy một thành hai, người ta thường cho các vũ nữ vào nhảy múa. Lần này chính Salômê, con gái Hêrôđia đảm nhận việc mua vui. Cô gái mới 15 tuổi nhưng cũng rất lành nghề, làm cho nhà vua, quan khách say mê. Antipas nói với thiếu nữ: “Con muốn gì, trẫm sẽ cho dù là nửa nước!”  -một lời thề như người Do Thái hay làm. Cô ra hỏi mẹ, người phụ nữ không tham dự trong cùng tiệc. Hêrôđia bảo: “Xin đầu Gioan Tẩy giả đặt trên đĩa này”. Salômê trở vào ỏn ẻn như một lệnh truyền: “ Con muốn đức vua ban cho con cái đầu của Gioan đặt trên đĩa”. Hêrôđê hoảng hốt, nhưng việc đã rồi. Ông chần chừ trong khi cả triều thần nhìn ông, xem ông xử trí làm sao. Ông sai vệ sĩ đi lấy đầu Gioan trong ngục Machaerus bên cạnh tư dinh. Người cận vệ trở về với cái đầu loang máu. Nhà vua trao cho thiếu nữ, cô ta đem về cho mẹ.

Các môn đệ Gioan Tẩy giả đến lấy xác thầy và mai táng trong mộ (Mc 6,29). Hêrôđia hả dạ vì giết được kẻ thù nhưng nhà vua thì lại lo lắng phập phòng. Để rửa nhục cho con gái bị bỏ rơi, vua Arêtas của người Nabaton, xua quân đánh bại đạo binh của Hêrôđê Antipas. Hơn nữa, hoàng đế Caligula đặt em của Hêrôđia là Agrippa đệ nhất làm vua thay thế và đầy Hêrôđê Antipas đi mãi tới tận xứ Gaule. Người đương thời coi đó là quả báo vì đã dám giết hại một nhà tiên tri, một vị Thánh.

 

Gioan Tiền hô là gạch nối giữa Cựu ước và Tân ước, một ngôn sứ bất khuất trước bạo quyền, bảo vệ bênh vực cho sự thật, luôn bao dung và khiêm tốn. Cả đời Gioan chỉ có một tâm nguyện là làm người dọn lòng người cho Chúa đến. Dọn đường cho Chúa vừa là một hồng ân vừa là trách nhiệm đòi hỏi mỗi người thi hành nghiêm túc trong cuộc sống hàng ngày của mình.

 

NHÀ THỜ THĂM VIẾNG.

 

Đi bộ một đoạn đường khá xa, lên một đường dốc cao để đến Nhà thờ Thăm Viếng, nơi có tượng Đức Mẹ ngũ. Leo lên đúng 66 bậc thang mới đến Nhà thờ. Từ trên ngọn đồi nhìn xuống thung lũng tuyệt đẹp. Nhà thờ dâng kính cuộc thăm viếng của Đức Mẹ. Khi nghe tin bà Isave mang thai, Đức Mẹ đã vượt đường sá xa xôi đến thămvà giúp đỡ. Từ Nazarét về tới En Kerem cũng xa xôi lắm (90 km) và nhiều trắc trở hiểm nguy.

Mẹ đã thể hiện tình yêu thương và sự quan tâm đặc biệt đến người chị họ Isave.Nơi đây bài Magnificat đã được viết trên tường bằng nhiều thứ tiếng, trong đó có cả tiếng Việt Nam.

 

Thiên thần Gabriel chào Đức Mẹ: “ Vui lên, hỡi đầy ơn phúc, Chúa ở cùng bà” (Lc 1,28). Bà Isave khi nghe Maria chào mình, cất tiếng tung hô: “ Em thật diễm  phúc hơn mọi phụ nữ, và người con  em đang cưu mang cũng được  chúc phúc” (1,42). Đức Maria được diễm phúc vì Mẹ đã tin vào lời Chúa phán. Giáo hội đã nối kết hai lời ấy làm thành phần đầu kinh Kính Mừng để ca ngợi Đức Maria.

 

Trước lời chúc khen của bà Isave, Đức Maria xúc động, cảm hứng từ bài ca ngợi khen và tạ ơn của bà Anna, mẹ của Samuel, chỉ còn biết dâng lên Thiên Chúa lời kinh ca ngợi Magnificat. Qua lời kinh tán tụng này, Đức Mẹ bày tỏ lòng biết ơn sâu thẳm trước những việc kỳ diệu và trong đại mà Thiên Chúa đã thực hiện nơi chính bản thân yếu hèn của mình, để qua Mẹ mà đến với toàn dân Thiên Chúa: “ Ng ười đã đoái nhìn đến phận hèn tớ nữ … Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những điều cao cả ”.

 

Cuộc viếng thăm chan hòa niềm vui. Isave là người đầu tiên, nhờ ơn soi sáng của Thánh thần, nhận ra Maria là Mẹ Đấng Thiên sai, nên thốt lên: “ Em có phúc vì đã tin”. Gioan nhảy mừng trong lòng mẹ khi được hội ngộ với Đấng mà ông sẽ có sứ mệnh dọn đường. Đức Maria hân hoan cất tiếng ca tạ ơn Magnificat. Tất cả đều xuất phát từ niềm tin như ngọn nguồn của niềm vui.

Hình ảnh Mẹ vội vã lên đường đem Thánh Thần bình an, đem Ngôi Lời Cứu Thế, đem niềm vui cứu độ chia sẻ cho người chị họ là bản trắc nghiệm cho lòng tin của mỗi người. Tin mang đến niềm vui và chia sẻ niềm vui cho người khác bằng tinh thần phục vụ đến quên mình.

 

ĐỨC MẸ NGỦ:

 

Sau kinh cầu nguyện trong Nhà thờ thăm viếng, chúng tôi đi xuống tầng hầm, mỗi người thành kính quỳ gối lần hạt trước tượng Đức Mẹ ngũ. Nhìn Đức Mẹ thánh thiện ngũ giấc bình an, ai cũng cảm động nguyện cầu khấn xin. Nhiều người thổn thức, khóc nghẹn ngào bên Mẹ. Theo truyền thống xa xưa, Đức Mẹ không chết mà chỉ ngũ một giấc rồi Chúa đưa Mẹ lên trời cả hồn lẫn xác. Phụng vụ đã cử hành ngày qua đời của Mẹ dưới nhiều tên gọi: Dormitio (an giấc), Deposotio (an táng), Transitus (qua đời), Natalis (ngày sinh vào Nước Chúa). Tất cả những danh từ đó đựoc dùng để nói tới cái chết của Đức Mẹ. Tiếng «assumptio» ( bởi động từ assumere; sumere: cất lấy; ad: kết hợp, đoàn tụ) lúc đầu ám chỉ việc linh hồn Mẹ được vào vinh quang Chúa (giống như các thánh); về sau từ ngữ này được dùng để chỉ việc Mẹ được cất về trời. Giáo hội phân biệt hai từ ngữ«ascensio» áp dụng cho Chúa Giêsu vì Ngài lên trời do quyền năng riêng, còn«assumptio» áp dụng cho Mẹ để nói rằng Mẹ đựơc đưa về trời. Tín điều Đức Maria Hồn Xác Lên Trời được Đức Piô XII công bố vào ngày 1.11.1950: « Sau khi đã mãn cuộc đời dưới đất, Đức Maria được đem về trời cả xác hồn». Vào thế kỷ 19, có một luồng thần học chủ trương rắng Đức Maria không phải chết và xin Đức Thánh Cha hãy định tín như vậy. Họ cho rằng Đức Maria không mắc tội nguyên tổ nên không phải chết bởi vì sự chết là hình phạt của tội nguyên tổ. Tuy nhiên đa số các nhà thần học cho rằng Đức Maria đã chết và sau đó được sống lại. Đức Piô XII không đụng tới vấn đề này, không nói rằng Mẹ không phải chết cũng chẳng nói Mẹ đã chết và đã sống lại; nhưng chỉ nói rằng: sau khi chấm dứt cuộc đời dương thế Mẹ được cất về trời cả xác và hồn. Nhìn Đức Mẹ ngũ, tôi thấy toát lên vẻ đẹp thánh thiện cao quý. Mẹ tuyệt đẹp vì đầy ơn Chúa. Mẹ đẹp cao quý vì ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội,vì làm Mẹ Đấng Cứu Thế, vì niềm tin đơn sơ cuộc sống khiêm nhường. Nét đẹp ấy thoang thoảng như như một hương thơm hảo hạng toả ra lôi cuốn. Nét đẹp ấy mặn mà như thư muối thiêng liêng, lung linh như ánh sáng dịu mát, huyền diệu như âm nhạc dịu êm mời gọi con người nâng tâm hồn lên tới Chúa.

 

NHÀ TIỆC LY:

 

Tiếp tục hành hương đến phòng Tiệc Ly để thăm nơi Chúa thiết lập Bí Tích Thánh Thể, Bí Tích Truyền Chức. Căn phòng nhỏ chừng 40m2 , nền cũ kỷ, tường loang lỗ. Nơi đây đã diễn ra bữa băn cuối cùng của Chúa với các môn đệ (Lc 22,14-18). “ Chúa Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và người yêu thương họ đén cùng. . .nên trong một bữa ăn, Người đứng đậy , rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giêsu đổ nước vào chậu , bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau». Chúa dạy bài học yêu thương phục vụ: ” Vậy nếu Thầy là Chúa là Thầy mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” ( Ga 13, 1-15). Qua Thánh Thể, Chúa tiếp tục nuôi dưỡng nhân loại bằng Mình và Máu Chúa trên hành trình của con người về quê hương vĩnh cửu: “ Này là mình Thầy. Hãy cầm lấy mà ăn” (Mt 26:26), và “Tất cả hãy uống. Đây là chén máu Thầy. Máu Tân ước sẽ đổ ra cho nhiều người để được tha tội” (Mt 26:27-28). Trong đêm đó Chúa Giêsu đã để lại cho nhân loại một điều răn mới là « anh em hãy yêu thương nhau như chính Thầy đã yêu thương anh em”.

 

Cũng tại căn phòng này, Chúa đã hiện ra hai lần sau khi sống lại. Đây cũng là nơi Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, các môn đệ nhận lãnh ơn Chúa Thánh Thần trong ngày lễ Ngũ Tuần. Các tín hữu tiên khởi chọn Núi Sion làm trụ sở chính và xây cất thánh đường này sau khi được người Byzantin nới rộng và gọi là ‘Núi Thánh Sion’ để liên kết Giáo hội tiên khởi với lời tiên tri của Isaia: "Từ Sion sẽ phát sinh lề luật và từ Jerusalem sẽ phát sinh Lời Chúa ". Người Ba Tư đã phá hủy Nơi Thánh này vào năm 614. Vào thế kỷ thứ 12 Đạo Binh Thánh Giá lại tái thiết thánh đường khác và trùng tu phòng Tiệc Ly. Năm 1176, người ta đã khám phá ra mộ của Đavit ở nhà nguyện lầu dưới. Chúng tôi lần lượt vào viếng lăng mộ Vua Đavit.

Rời Em Kerem, chúng tôi đi thăm Điện Kinh Thư, nơi lưu trữ những cảo bản Thánh Kinh cổ. Tiếp tục hành trình về Tel Avil chuẩn bị bay về nhà sau gần 10 ngày hành hương Đất Thánh.

 

B . ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ.

 

Một dòng tộc bị nguyền rủa

 

Khoảng 3.000 trước CN, vùng mà người Do Thái (Jew-Israel) và người Palestines đang tranh dành nhau hiện nay, là đất của người Canaan, một dòng tộc được nhắc đến nhiều trong lịch sử và trong Thánh Kinh, nhưng dấu tích còn lại rất ít. Đó là vùng đất phía Đông của Địa Trung Hải. Tại đây, người Canaan đã sống trong những thành phố, trong đó có những thành phố rất nổi tiếng, thường được nhắc đến trong sách vở, như Giêrusalem và Giêricho. Họ đã có chữ viết và một tôn giáo sau này còn tồn tại nơi người Do Thái, và qua người Do Thái, ảnh hướng đến Thiên Chúa giáo và Hồi Giáo.

 

Theo thánh kinh, các thành phố của người Canaan đã bị người Do Thái huỷ diệt dưới thời của Giosuê (Gs 7-8). Người Do Thái thiêu huỷ thành Giêricho trước, sau đó đến thành Ai. Thánh kinh ghi rõ như sau: Israel giết chúng, không sót một tên, không để thoát một mống. Vô thành ai bị bắt sống và bị diệt bởi Giosuê” (Gs 7, 22-23). Số người bị giết lên đến 12000 người.

 

Trở lui lại lịch sử một chút, chúng ta thấy người Canaan và người Do Thái không phải là những người xa lạ. Theo gia phả được ghi trong Thánh Kinh, người Canaan và người Do Thái đều là con cháu của ông Nôe. Sau trận đại hồng thuỷ, ông Noe sống sót với 3 người con là Sem, Ham và Jaspheth người Do Thái thuộc dòng của Sem và người Canaan thuộc dòng của Ham. Dòng dõi của Ham bị ông Noe chúc dữ, vì khi ông Noe uống rượu say và ngủ trần truồng, ông Ham đã chỉ trỏ và chế diễu. Canaan là con của ông Ham. Lời nguyền rủa của ông Noe như sau: “ Canana đáng bị nguyền rủa! Nó phải là đầy tớ của anh em nó.

Rồi ông nói: “ chúc tụng Chúa là Thiên Chúa của Sem; Canaan phải là đầy tớ nó! Xin Thiên Chúa mở rộng Japheth, nó hãy ở trong lều của Sem, và Canaan là đầy tớ của nó.”

 

Dòng tộc Canaan là dòng tộc đầu tiên đến chiếm vùng đất mầu mỡ ở phía Đông Địa Trung Hải nên vùng đất đó được gọi là vùng Canaan. Dòng tộc Philistines – sau này gọi là Palestines – là một trong những dòng tộc thuộc dòng dõi của Canaan, một dòng dõi đã bị ông Noe chúc dữ, sống ở phía Nam vùng Canaan.

 

Vùng đất hứa

 

Abram thuộc dòng của Sem được Thiên Chúa trọn lãnh đạo dân Do Thái. Khi ông đến vùng đất của dòng Canaan, tức vùng phía Đông của Địa Trung Hải, Thiên Chúa phán: “ ta sẽ ban đất này cho dòng dõi ngươi.” (St 12,7). Từ đó đất Canaan được gọi là đất hứa của người Do Thái.

 

Khi nạn đói xảy ra Abram, Abram dẫn dân Do Thái sang Ai Cập, nhưng bị vua Pharao đuổi, ông dẫn dân lên miền Negeb. Sau những trận đánh ác liệt, người Do Thái đã đánh bại nhóm vua Chodorlahomor ở vùng thung lũng Siddim, Thiên Chúa đã lập lại giao ước với Abram, tổ phụ của người Do Thái: “ Ta ban cho dòng dõi ngươi đất này, từ sông Ai Cập đến sông Cả (tức Euphrates), đất của những người Cinietes, Cenezites, Cedmonites, Hethites, Pherezites, Raphaim, Amorrites, Canaan, Gergeites và Jebusites.” (St. 15.19-20)

Do đó, đi đâu thì đi, đến đâu thì đến, nhưng người Do Thái vẫn cố tìm về đất Canaan. Tuy Thiên Chúa đã hứa như vậy, nhưng cuộc chiến đấu trở về và giữ vững vùng đất hứa này rất căm go, nó đã kéo dài trên 5.000 năm và đến nay vẫn còn được tiếp tục.

 

Đến thời Giacob làm lãnh tụ của Do Thái, khi ông đến thành Bethel của người Canaan, Thiên Chúa lại nói với ông: “ tên ngươi là Giacob, nhưng người ta sẽ không gọi ngươi là Giacob nữa, ngươi sẽ được gọi là Israel. Vậy người đặt tên cho ông là Israel. (St. 35,10-11). từ đó, con cháu của dân tộc Do Thái được gọi là dân Israel. Người Do Thái giữ mãi tên này cho đến bây giờ.

 

Biên giới Do Thái theo Thánh Kinh

 

Khi nạn đói lại xảy ra, Giacob dẫn dân của ông đến Ai Cập và ông đã chết tại đây. Cuộc sống của dân Israel tại Ai Cập lúc đầu khá thoải mái và ngày càng lớn mạnh, nên vua Ai Cập lo sợ, đã tìm cách khống chế. Môisê đã làm một cuộc cách mạng, dẫn dân Israel ra khỏi Ai Cập, đi qua biển Đỏ và đến sa mạc Sinai. Sau nhiều cuộc chiến đấu vất vả, họ đến thảo nguyên Moab, gần sông Jordan, đối diện với thành Giêricho, rồi vượt qua sông Jordan vào chiếm đất Canaan. Thiên Chúa nói với Môisê: “ Hãy ra lệnh cho con cái Israel và bảo chúng: khi anh em vào đất Canaan, phần đất rơi vào tay anh em là gia nghiệp, chính đất Canaan với biên giới như sau:

 

“Phía nam của anh em bắt đầu từ sa mạc Sin, giáp giới Edom. Ranh giới phía nam sẽ khởi sự từ cuối biển muối (Salt Sea), ở mạn đông. Rồi ranh giới đó sẽ vòng xuống phía Nam, lên giốc Acrabbim, đi qua Sin, đến phia nam Cadesbarne, tiến về Hasar-Addar; sau đó từ Asemon ranh giới vòng xuống suối Ai Cập và đến biển.

 

“Phía tây anh em có biển lớn làm ranh giới. Đó là ranh giới phía tây của anh em.

“ Và đây là ranh giới phía Bắc: từ biển lớn, anh em sẽ vạch một đường lên núi Hor, anh em sẽ vạch một đường đến cửa Hamath, ranh giới sẽ đi đến Sedada, rồi chạy tiếp đến Zephrona và chấm dứt ở Hasar-Enan. Đó là ranh giới phía Bắc của anh em.

 

“Sau đó anh em vạch một đường làm ranh giới phía Đông từ Hasar-Enan đến Sepham. Từ Sepham, ranh giới đó sẽ đi xuống đến Ar-Baal, phía đông của Ain. Đi xuống nữa ranh giới đó sẽ tiếp giáp với các đồi phía đông biển hồ Chenereth; rồi biên giới sẽ tiếp tục chạy đến Jordan và chấm dứt ở Biển Muối.

“Đó là đất của anh em với các ranh giới chung quanh.”

Ông Môisê ra lệnh cho con cái Israel: “ đó là đất mà anh em sẽ bốc thăm để chia nhau làm gia nghiệp, đất mà Thiên Chúa truyền phải ban cho chín chi tộc và một chi tộc.” (Ds 34, 1-13).

 

Khởi đầu cuộc chiến giữa Israel và Palestines

 

Giosuê là người kế vị của Môsê lãnh đạo dân Israel, đã mở những trận đánh lớn để diệt những dòng tộc của người Canaan và chiếm đất Canaan. Khi nghe tin Giosuê đã chiếm thành Giêricho và thành Ai, vua thành Giêrusalem là Adonicsedec và các vua khác đã cầu hoà với Israel rồi liên kết với nhau đánh chiếm miền Nam do người Philistines (tức Palestines) đang chiếm giữ. Các vua ở phía đông sông Jordan cũng bị Israel đánh bại. Cuộc chiến giữa Israel và Palestines bắt đầu từ đó. Thánh kinh cho biết, khi ông Giosuê đã già, vẫn còn nhiều vùng đất lãnh thổ Canaan đang do 5 thổ mục của Palestines chiếm giữ, đó là các vùng Gaza, Azotus, Ascalon, Geth và Accaron. (Gs.13). Các thế hệ nối tiếp của cả hai bên đã tiếp tục chiến đấu để được làm chủ vùng đất này.

 

Một vài nét đại cương như thế cũng đủ cho thấy rằng mặc dầu dòng tộc Israel và dòng tộc Palestines đều là con cháu của ông Noe, nhưng họ đã tranh nhau vùng Canaan, tức vùng đất màu mỡ phía đông Điạ Trung Hải, bằng những cuộc chiến tranh đẫm máu và bất khoan dung, kéo dài đã trên 5000 năm và đến bây giờ vẫn chưa dứt.

 

Thăng trầm qua lịch sử

 

Khoảng năm 722 trước công nguyên, người Babylon đã đánh chiếm vùng Canaan và phá huỷ thành Giêrusalem của người Dothái và bắt người Do thái phải lưu qua Babylon.(Trong cổ sử, Babylon là một quốc gia ở vùng Mesopotania, giữa sông Tigris và sông Euphrates, ngày nay là khoảng từ Iraq đến vịnh Ba Tư). Tuy nhiên, người Do Thái vẫn được cho giữ quốc tịch và tôn giáo riêng của họ. Năm 539 TCN, Đại đế Cyrus của Ba Tư chinh phục được Babylon, người Do Thái được trở lại vùng Judea, khu vực của người Palestines. Mặc dầu bị đặt dưới sự bảo hộ của Ba Tư, người Do Thái vẫn được phép xây dựng thành Giêrusalem và sống với tôn giáo riêng của họ.

 

Vào năm 333 TCN, Đại đế Alexander đã chiếm vùng đất Palestines, nơi người Do Thái đang cư ngụ. Đại đế này và những người kế vị ông đã không thành công trong nỗ lực đồng hoá người Do Thái bằng tôn giáo và văn hoá Hy Lạp. Năm 141 TCN, dân Do Thái đã nổi dậy thành công và thiết lập một nước Do Thái độc lập, nhưng sau đó lại bị Đại đế Pompey của La Mã đến đánh chiếm và cai trị. Thời gian Chúa Giêsu giáng sinh và truyền đạo là thời gian Do Thái đang bị người La Mã đô hộ.

 

Trong thời gian từ năm 66-73 và năm 132-135 sau công nguyên, dân Do Thái đã tổ chức hai cuộc nổi dậy chống người La Mã nhưng không thành công, nhiều người Do Thái bị hành quyết hay bắt đi làm nô lệ. Người theo Do Thái giáo cấm đến viếng thăm Giêrusalem. Dưới thời Đại đế Constantine, Giêrusalem và vùng đất Palestines trở thành nơi hành hương của Thiên Chúa giáo.

 

Năm 638, Hồi giáo đánh chiếm Palestines và Giêrusalem. Thành Giêrusalem bị biến thành thánh địa đầu tiên của Hồi giáo. Các tín đồ Hồi giáo mỗi khi đọc kinh thường quay mặt về Giêrusalem. Sau này thánh địa của Hồi giáo được chuyển về Makkah và Medina. Người Do Thái bị buộc phải chọn hoặc theo Hồi giáo và nộp cống hoặc chết. Nhiều người Do Thái vượt qua khó khăn bằng cách sống thầm lặng, hoặc di cư đến những nơi khác để tiếp tục sinh sống và giữ đạo của họ.

 

Năm 1517 Đế quốc Ottomans của Thổ Nhĩ Kỳ chiếm vùng Địa Trung Hải, cai quản đất Palestines trong gần 400 năm. Nhà cách mạng Ai Cập là Mohammed Ali đã thực hiện hai cuộc nổi dậy trong hai thập niên 1830 và 1840 nhưng không thành công.

 

Quyết tâm trở về của người Do Thái .

 

Năm 1897, Theodor Herzl (1860-1904) đã đi khắp nơi vận động một phong trào gọi là Zionimus (hay Zionism hoặc Sonisme), thường được gọi World Zionist Organization để đưa người Do Thái trở về “đất hứa” của họ trên vùng Canaan ngày xưa. Sion là tên của hòn núi thánh ở phía đông Giêrusalem, nơi tượng trưng tinh thần của người Do Thái. Phong trào này trước được thành lập tại Châu Âu, về sau lan ra rộng khắp nơi.

Sau đại chiến thứ I (1917-1918), khối Arập đã giúp Anh đánh bại Đế quốc Ottomans và chiếm vùng Palestines, vì Anh hứa sẽ trao trả độc lập cho các dân tộc Arập. Nhưng Anh cũng đã hứa như vậy với người Do Thái. Do đó, khi kí kết hiệp ước với Pháp và Nga năm 1916 tại Sykes-Picot, Anh tuyên bố sẽ chia vùng này thành hai vùng, đặt dưới sự cai quản của đồng minh. Ngày 2.11.1917 Ngoại trưởng Anh là Arthur James Balfour đã đưa ra một tuyên bố nổi tiếng, hứa sẽ cho thành lập một quốc gia Do Thái tại đất Palestines. Năm 1922 Anh chính thức chia vùng Palestines làm 2 khu vực, phần phía tây được giao cho người Do Thái, phần phía đông cho hình thành một quốc gia mới lấy tên là Transjordan do Abdullah cai quản. Abdullah là người A-rập bị khối A-rập trục xuất. Tính lại, phần đất của Do Thái chỉ bằng 22% phần dành cho người Transjordan. Năm 1946 Anh trao độc lập cho Transjordan và tạo thành một nước Palestines - Arập mới.

 

Khối Arập đã phản đối mãnh mẽ sự phân chia này. tướng Azzam Pasha, Tổng thư ký Liên Đoàn Ả Rập tuyên bố sẽ mở “Jihad” (tức thánh chiến) đẻ chiếm lại. còn Hajamin nói: “tôi tuyên bố một cuộc thánh chiến. hỡi những người anh em hồi giáo! Hãy giất người Dothái! Hãy giết tất cả chúng!”.

 

Không làm gì được trước tình trạng này, năm 1947 Anh đưa vấn đề cho liên hiệp quốc giải quyết. ngày 29-11-1947, đại hội đồng liên hiệp quốc đã họp và quyết định 2/3 phiếu thuận, chia phần phía Tây phe Aletresttine cho người Do Thái. phần đất này chỉ có 25% là màu mở còn 75% là sa mạc. người Ả rập cương quyết chống lại, Jordan đem quân chiếm phía đông Giêrusalem và một phần lớn ở phía tây sông Jordan, thu hẹp lãnh thổ Dothái lại.Ai Cập đem quân chiếm dãy Gaza và bao vây phía nam Giêrusalem. mặt sdầu bị mất mát lớn như thế, Dothái vẫn tồn tại.

 

Cuộc trở về đầy gian khổ.

 

Trong khi cuộc chiến xảy ra, trên đất Arập có khoảng 870.000 người Dothái đang sinh sống. Nhiều cộng đồng của họ đã có cách đây khoảng 2500 năm. những người Dothái này bắt đầu bị khủng bố, tài sản của họ bị tịch thu. Khoảng 600.000 người Dothái đã phải từ bỏ vùng của người Arập, trở về định cư tại vùng dành cho người Do thái. nhiều người Do Thái đã thoát khỏi cuộc tàn sát của Đức quốc xã trong thế chiến thứ II cũng quay về.

 

Năm 1948, do sự khuyến khích của các lãnh tụ ARập, khoảng 720.000 người ARập di cư ra khỏi vùng đất dành cho ngưòi Do thái. Các lãnh tũ A Rập Chúa sẽ đưa họ về sau khi đánh bại Dothái. thủ tướng Dothái Đavítd Ben-gurion đã khuyến khích người Ả Rập ở lại và hứa không làm hại họ nhưng họ cứ đi. khối A Rập thành lập những trại tỵ nạn cho người Palestines chung quanh vùng lãnh thổ dành cho người Dothái và người Palestines để chống lại Dothái.

 

Ngày 7-1-1949 một hiệp ước ngưng bắn đã được ký kết giữa Dothái với Aicập, Syria, Libanon và Tansjordan (sau này đổi thành Jordan), nhưng tới lúc đó Dothái đã chiếm thêm được khoảng 50% phần đất đã đựơc Liên Hiệp Quốc giao cho, gồm vùng phía tây vùng gallile làm thành một hành lan rộng lớn xuyên qua trung tâm Palestines tới Jerusalem và một phần của Jerusalem. Nhưng cuộc chiến vẫn tiếp tục.

 

Tháng 4-1950 Jordan chiếm thêm West bank và Ai Cập chiếm vùng Gaza, nhưng không nước nào dành cho người Palestines quền tự trị. Hai vùng Juđea và Samaria đưỡc xác nhập vào Jordan. Đây là hai vùng được dùng làm địa bàn để thực hiện các cuộc khủng bố người Dothái. Họ đã thành lập một tổ chức gọi là FATAH (hay Fatek hoặc Fedayee) để khủng bố dân chúng Dothái. từ 1949-1956 đã có khoảng 1300 thường dân Dothái bị giết. Aicập phong toả hải cảng Eliat làm Dothái gặp nhiều khó khănm trong việc giao thông với ngoại quốc. ngày 29-10-1956 Dothái liền mở cuộc tấn công vào khối A Rập. Anh và Pháp cũng mở cuộc tấn công Ai Cập để giải toả kênh đào Suez. Nhưng các cuộc xung đột vẫn tiếp tục.

 

Sự xuất hiện của PLO và YESSER ARAFAT

 

Năm 1964 tổ chức giải phóng Palestines (Palestines liberation Organistion- PLO) đã được thành lập dười sự tài trợ của Liên Đoàn A Rập để traanh đấu lấy lại phần đất mà họ cho rằng Dothái đã chiếm của họ.

Yesser Arafat có cái tên khá dài là Mohammed Yesser Abddul-Raouf Qudwa Al-Husseini, sinh ngày 24-8-1929 tại Cairô (có sách nói là tại Jerusalem). Ông có người vợ tên là Suha At-Taweel và mọt ngưòi con gái tên là Zahwa. Ông tốt nghiệp bằng kỹ sư canh nông năm 1951 tại đại học King Fuad ở Ai Cập. Năm 1958 ông tham gia tổ chức Fatah chống lại người Dothái. Năm 1967 tổ chức Fatak liên kết với tổ chức PLO và năm 1968 ông được bầu làm chủ tịch tổ chức PLO.

 

Năm 1970 lực lượng PLO đã đụng độ đẫm máu với lực lượng của Jordan và bị trục xuất qua lebanon. Năm 1982, khi Do Thái tấn công Lebanon, khoảng 12 000 quân võ trang của PLO di chuyển đến Syria và các nước A-rập khác và đặt bộ tư lệnh tại Tunisia. Bộ tư lệnh này đã bị Do Thái phá huỷ năm 1985.

Năm 1974, Hội nghị thượng đỉnh của khối Arập họp tại Moroco đã công nhận PLO là tổ chức đại diện chính thức của người Palestines.

 

Cuộc chiến 6 ngày.

 

Năm 1967 các nước Arập quyết tâm đánh bại Do Thái. Syria từ cao nguyên Golan pháo kích liên tục vào các thành phố của Do Thái. Ngày 15 – 5- 1967 lực lượng của Ai Cập tiến chiếm Sinai. Các nước Jordan, Iraq và Arập Saudi cũng đem quân phong toả Do Thái. Tổng thống Nasser của Ai Cập tuyên bố: “mục tiêu của chúng tôi là tiêu diệt Do Thái…”. Trước tình trạng này, ngày 5-6-1967, với võ khí tối tân được Hoa Kỳ cung cấp Do Thái đã mở cuộc tấn công Ai Cập và kêu gọi Jordan đứng ngoài cuộc chiến, nhưng Jordan từ chối. Ngày 8-6-1967, Do Thái đánh bại trận Jordan và chiếm vùng Juda và Samaria. Sáng 9-6-1967 Do Thái đánh bại quân Syria trên cao nguyên Golan… chỉ trong 6 ngày, quân Do Thái đã chiếm trọn bản đảo Sinai, dảy Gaza, vùng Judea, và Samaria, và cao nguyên Golan. Qua các cuộc thương lượng, một cuộc đình chiến đã được thiện hiện, nhưng Do Thái không chịu rút ra khỏi tất cả những vùng họ đã chiếm được. Khối Arập dùng chiến dịch khủng bố để tiếp tục chống lại Do Thái. Năm 1973, Ai Cập và Syria lại mở cuộc tấn công Do Thái nhưng thất bại.

 

Một giải pháp cho Palestines.

 

Tháng 11-1988, Hội Đồng An Ninh quốc gia Palestines họp tại Algiers, tuyên bố thành lập một nước Palestines độc lập và lấy Giêrusalem làm thủ đô. Hội đồng cũng quyết định sử dụng nghị quyết số 242 và 338 của Liên Hiệp Quốc về quyền tự quyết của người Palestines để làm căn bản cho cuộc thương thuyết hoà bình. Sau những cuộc thương thuyết gây cấn và kéo dài, Do Thái và PLO đã kí hiệp ước hoà bình ngày 13-9-1993 trong khuôn viên toà Bạch Ốc của Hoa Kỳ, trước sự chứng kiến của tổng thống Clinton và hai cựu tổng thống George Bush và Jimmy Carter. Theo hiệp ước này Do Thái thừa nhận quyền tự trị của người Palestines trên vùng GazaWest Bank, bắt đầu là tại thành phố Giêricho. Ngày hôm sau, Do Thái lại ký hiệp ước sống chung hoà bình với các quốc gia Arập. Ngày 28-9-1995 hai bên đã trở lại Washington kí hoà ước chính thức công nhận quyền tự trị của Palestines trên vùng West Bank.

 

Tính sổ lại, chúng ta thấy sau nhiều cuộc đấu tranh đẫm máu và cam go, Do Thái đã có một vùng rộng 8.020 dặm vuông trên vùng đất hứa với dân số 5.938.000 người (Do Thái chiếm 82%), trong đó thủ đô Giêrusalem có 550.000 người. Tổng sản lượng quốc gia của Do Thái là 105 tỉ mỹ kim và lợi tức theo đầu người là 18.300 mỹ kim. Đây là một mức tương đối cao. Tại vùng Gaza rộng 140 dặm vuông có 925.000 dân và vùng West Bank rộng 2.270 dặm vuông có 2.500.000 dân. Mặc dầu đã có hiệp ước hoà bình, cuộc chiến vẫn chưa dứt và có thể nói là không bao giờ dứt, vì nhiều người Arập vẫn chủ trương phải tiêu diệt Do Thái.

 

Do thái cương quyết bảo vệ đất hứa của họ trên vùng Canaan ngày xưa, một vùng đất mà họ đã phải chiến đấu liên tục trong hơn 5.000 năm để chiếm đoạt và bảo vệ. Người Palestines cũng cương quyết bảo vệ mảnh đất mà cha ông của họ đã từng sinh sống trên đó cách đây hơn 5.000 năm trước.

 

Người Palestines tuy yếu nhưng có khối Arập đứng đằng sau, nhất là khối tín đồ Hồi giáo trên thế giới. Trước một khối sức mạnh như vậy, Do Thái vẫn đương đầu được vì các lý do sau đây:

 

Lý do thứ nhất là Do Thái có những võ khí tối tân nhất thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ. Mỗi năm Hoa Kỳ viện trợ cho Do Thái khoảng 3 tỷ 500 triệu Mỹ kim về quân sự. Có thể nói, hầu hết các võ khí tối tân nhất của Hoa Kỳ đều đã được chuyển cho Do Thái, vì Do Thái được coi là tiền đồn của Hoa Kỳ tại vùng Trung Đông. Bất cứ chuyện “ngổ nghịch” nào xảy ra trong khối Arập, Do Thái cũng có khả năng can thiệp ngay tức khắc. Nếu không có Do Thái đóng trụ ở đó, các nước Arập sẽ liên kết lại và bất thần giáng hoạ cho Hoa Kỳ cả quân sự lẫn kinh tế. Ngoài ra sự lớn mạnh cuả Do Thái bắt buộc các quốc gia Arập lại bỏ tiền ra mua vũ khí cho Hoa Kỳ canh tân canh tân liên tục để bất trắc đây là một mối lợi lớn của Hoa Kỳ.

 

Lý do thứ hai là khối người Do Thái lưu vong trên thế giới, nhất là tại Hoa Kỳ, luôn yểm trợ cho người Do Thái ở quê hương. Tại Hoa Kỳ hiện có 6 triệu người Do Thái, ở Châu Âu có khoảng 2 triệu 200 ngàn người (đa số ở vùng Liên Xô cũ), Pháp có 6.000 người, Anh có 3.000 người, Đức 50.000 người,…. Trong những người Do Thái lưu vong này có những người rất giàu có hoặc đang giữ những chức lớn trong chính quyền tây phương như Henry Kissinger, Joseph Liebeman…, những người Do Thái lưu vong đã vận động hậu trường rất giỏi để các nước phương tây luôn yểm trợ Do Thái.

 

Lý do thứ ba là người Do Thái có một niềm tin bất diệt nơi Thiên Chúa Yahweh, Đấng luôn che trở và bảo vệ và bên vực dân tộc Do Thái. Họ tin chắc dân tộc Do Thái nhất định phải toàn thắng. Từ năm 638, Hồi giáo đã mở cuộc thánh chiến chiếm toàn khối Arập và phía Bắc Phi Châu biến vùng này thành những quốc gia Hồi giáo. Họ buộc người Do Thái phải chọn: “ hoặc theo Hồi giáo và nộp cống hoặc phải chết”. Nhưng đa số người Do Thái vẫn giữ đạo của họ.

 

Ngoài ra, dù ở đâu trong hoàn cảnh nào, ngươi Do Thái vẫn gắn bó với nhau và sống cho quê hương. Họ lại là những người rất thông minh, có đầu óc thực tế, cương quyết, chịu khó làm và hoạt động có phương pháp, các lãnh đạo có chiến lược và chiến thuật. Thiếu những đặc tính đó, người Do Thái lưu vọng đã bị đồng hoá từ lâu và ngày về sẽ không có.

 

Người Palestines biết mình là kẻ yếu, không thể đương đầu nổi Do Thái, nhưng họ không chịu ngồi yên, họ dùng vũ khí của kẻ yếu là khủng bố để chống lại. Thêm vào đó là sự trợ giúp và xúi biểu của các thành phần Arập chống lại Do Thái và chống Hoa Kỳ. Do Thái dĩ nhiên không bao giờ chịu ngồi yên cho kẻ địch chơi thọc nách như thế. Chiến thuật của Do Thái là thỉnh thoảng mở cuộc hành quân “ lùng và diệt địch” ngay trên những sào huyệt của những tổ chức khủng bố, phá đi tiềm lực của chúng về cả võ khí lẫn con người. Sau những cuộc hành quân “lùng và diệt địch” như thế Do Thái tin rằng nếu muốn phục hồi lại, người Palestines phải có một thời gian rất dài, trong thời gian đó Do Thái sẽ được bình an.

(Theo tài liệu của sử gia Lữ Giang; thamkhảo: Our visit to the Holy Land, Fr.Peter R. Vasko, OFM; The Holy Land, Palphot).

 

Israel là hình ảnh của Giáo Hội. Kinh Thánh Cựu Ước liên quan rất nhiều đến lịch sử Đất Nước và Dân Tộc Israel. Biết thêm được đôi điều về địa lý, lịch sử Israel để có thêm sự hiểu biết về Cựu Ước và Tin Mừng.

Những người hiền lành sẽ được đất làm sản nghiệp”,đó là lời Chúa Giêsu khẳng định trong Bát Phúc,lấy lại Thánh vịnh 37. Hy vọng mọi nổ lực của thế giới, của Giáo hội sẽ mang lại hoà bình cho miền đất Thánh Thiêng.

Nhà thờ trên nến móng nhà Phêrô : Ảnh tác giả

Nguyễn Hữu An
Số lần đọc: 2612
Ngày đăng: 09.09.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Người đồng dụ và tâm thế Phật pháp - Vũ Ngọc Tiến
Có một dòng sông để thương, để nhớ - Minh Tứ
Phác thảo sử ký rượu quý Kim Long - Nguyễn Hoàn
Saigòn – những ngày tháng 9 – 1945 - Khổng Ðức
Lại Ốc - Bao giờ chú Tễu lại cười - Phạm Minh Hoàng
Dấu tích người vợ bất hạnh của vua Thành Thái bên dòng Ô Lâu - Nguyễn Hoàn
Gửi lại PLeiku - Minh Tứ
Những mộ phần không cô đơn - Nguyễn Hoàn
Thịt chuột ký sự - Phạm Minh Hoàng
Trở lại Xứ Thanh - Nguyễn Nguyên An
Cùng một tác giả
Hòa bình vĩnh cửu (tiểu luận)
Mùa Xuân Chín (tạp văn)