Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
667
123.237.844
 
Gặp “ông chủ” Viet-studies
Nguyễn Thị Ngọc Hải

Các “fan” bất ngờ gặp ở Press Café trong cơn mưa lạ Sài Gòn. Hiểu vì sao trên trang web được coi như bộ lọc tri thức lớn nhất, có dòng báo cáo: “Cho đến ngày 16.8 trang này không được cập nhật thường xuyên – người làm trang về quê”. Vị khách cao gầy, áo pun giản dị, kêu “1 ly cà phê đá lớn” – giáo sư tại Mỹ nổi tiếng nhưng khiêm nhường - Trần Hữu Dũng.

 

Dị ứng với “trí thức” và “Việt kiều”

 

Dị ứng với cách gọi “trí thức” “Việt kiều” vậy thưa phải gọi ông là gì ạ?

 

Gíao sư Trần Hữu Dũng: Một người sống xa tổ quốc. Tôi không nghĩ mình là Việt kiều. “Trí thức” nghe quá kênh kiệu. Người khác dùng trung hoà hơn. Tôi cũng dị ứng với các từ “toàn cầu hoá” và “hiến kế”. Nghe to tát quá.

 

Ông quan niệm trí thức chỉ là một thuộc tính của nhiều ngành. Toàn cầu hoá sản sinh một giai cấp mới, làm việc sinh sống khắp nơi. Nhưng vì sao tham luận của ông trong hội thảo hè Nha Trang vừa xong lại là về trí thức Trung Quốc 20 năm gần đây?

 

Quan niệm mới của một nhà kinh tế - triết gia (Amartya Sen) viết về “toàn cầu hoá nhân thân” cho rằng toàn cầu hoá và yêu quê hương không trái nhau. Phải có một quê hương. Giúp toàn cầu hoá trọn vẹn đúng nghĩa hơn. Nhưng sống ở đâu cũng đóng góp được cho quê. Bên nhà lâu lâu lại nói “thu hút Việt kiều về nước đóng góp” là cổ lỗ sĩ. Trí thức là đầu óc mở rộng, không là bằng cấp. Nhiều người bằng cấp không trí thức.

 

Nhưng tại sao tham luận của ông không là nghiên cứu trí thức Việt Nam mà lại là trí thức Trung Quốc?

 

Tôi phát hiện thấy họ có sinh hoạt rất sinh động, bộc lộ được quan điểm công khai trên báo, có những phê phán chính phủ được lắng nghe. Nhiều chính sách ra đời từ ý kiến như thế. Trí thức mình ít bộc lộ - nước mình không như Âu Mỹ (mặc dù ai mà nói chỉ có Mỹ dân chủ là tôi “xin phép” đó). Nhưng tôi hiểu ở đâu cũng có những vùng trống cho phép. Thí dụ ở Trung Quốc đó là các vấn đề môi trường, y tế giáo dục, đất đai, hành chính, lãnh chúa đỏ… Họ thử từng bước, không ngồi than. Lãnh đạo phải tự tin, phải để vùng trống cho suy nghĩ, không sợ nghe phản biện.

 

Có phải vì thế mà trang web của ông có tờ Thời Đại Mới, “Một tạp chí nghiên cứu thảo luận” – và một web tiếng Anh (cùng làm với một giáo sư triết người Mỹ) - web này được giải lớn tương đương Oscar trong điện ảnh và tờ New York Times gọi đó là “chỗ hẹn trí thức toàn cầu”?

 

Sở trường của tôi là đọc nhiều trào lưu kinh tế văn hoá. Tờ Thời Đại Mới của chúng tôi viết khoa học cho dân đọc, những vùng trống có thể làm được. Nếu không thử, sẽ không tìm ra cách. Ở ngoài nước, cứ tối ngày ngồi than Việt Nam thiếu dân chủ, nhưng có nhiều vấn đề ích lợi học thuật sao không làm. Không ai thử, chỉ ngồi than. Tiếp xúc trong nước tôi cũng thấy vậy, 2/3 câu chuyện là than phiền.

 

Làm Viet-studies.info

 

Ông vừa giảng dạy đại học, hướng dẫn sinh viên vừa viết sách giáo khoa kinh tế bằng tiếng Anh, lại làm trang web như một bộ lọc tri thức lớn, ông lấy đâu ra thời gian và có ai giúp không?

 

Tôi làm một mình từ A-Z kể cả đánh máy, còn bỏ tiền túi ra làm. Nhưng mỗi năm bỏ 2.000 USD không là vấn đề. Mà bỏ rất nhiều thời gian. Một ngày ngủ 4 tiếng, trừ thời gian lái xe trên đường là không làm việc. Còn thì ngồi computer. Cơm cũng dọn ăn ở bên computer.

 

Tôi ham nhiều thứ, luôn viết trễ. Giáo trình kinh tế lãnh nhuận bút rồi mà chưa nộp. Tôi ham chuyện này làm một nửa lại bắt chuyện khác. Tội tôi thường xuyên.

 

Ông làm Viet-studies như thế nào?

 

Tôi không coi đó là tờ báo, chỉ thu thập những bài vở có nhiều người thích như tôi để chia sẻ với bạn bè. Tôi đọc không phân biệt. Bài hay ở nguồn nào cũng đăng. Tờ Công An Nhân Dân có mục văn hoá khá.

 

Sao ông không cho đăng mục ý kiến ngắn như nhiều web làm?

 

Tôi không thích những comment, giống như “người tức giận chạy xe qua quăng lựu đạn rồi chạy mất”. Ngay cả nhiều trang hải ngoại nghiêm túc để cho độc giả phê bình, tôi thấy như có người đi ngang qua chửi, cười hà hà, bất công với tác giả.

 

Nhưng lời bình ngắn của ông sau các bài, tuyệt vời độc đáo đấy chứ! Nhiều câu đau. Nhiều câu hóm lắm, đọc rồi cười mãi không thôi. Ngay cả vấn đề nghiêm túc…

 

Vậy à?

 

Thí dụ: “Bộ trưởng chống lãng phí hội họp” – bình: Bộ trưởng cho biết không bao giờ ông ngủ gật lúc họp – xin lỗi bộ trưởng, tôi không tin”. Hoặc: “Cho ăn kẹo tôi cũng không dám bình luận chỉ thị này”. “Gia tăng xâm hại tình dục trẻ em” - bình: Một dân tộc mà không che chở được con cháu của mình là một dân tộc gì. “Tường đổ đè trúng 3 người đang uống café sáng” – bình: tự nhủ, về Việt Nam lần sau phải cẩn thận chọn chỗ ngồi uống café, không nên để fan của viet-studies dẫn đi đâu thì đi đó, hahaha!

 

Tôi vẫn thường nhờ anh em khi nào có lời bình quá đáng thì nhắc nhở giùm. Tôi cố khách quan, đúng đắn, không phá đám, cũng không cuồng tín.

 

Ông có lý giải được vì sao độc giả miền Bắc đọc Viet-studies nhiều hơn miền Nam?

 

Thắc mắc của tôi đó. Hỏi nhiều anh em. Có lẽ miền Bắc văn chương chú ý nhiều. Miền Nam kinh tế làm ăn năng động hơn.

 

Giáo dục – khó không do tiền bạc

 

“Một nhóm tư nhân” – chữ dùng của Ban tổ chức – thường tổ chức những hội thảo hè ở nhiều nước (vừa rồi ở Nha Trang). Ông còn tham gia đề án cải cách giáo dục Việt Nam cùng nhóm giáo sư – nhà nghiên cứu tên tuổi trong ngoài nước. Ông thấy khó nhất của Việt Nam là gì? 

 

Là cơ chế.

 

Xin ông nói rõ. Vì “cơ chế” như cái “bị bông” đấm hoài không đổi. Rất mơ hồ, xin ông nói cụ thể.

 

Ai cũng biết tình trạng giáo dục như thế nào. Chúng tôi làm đề án không thấy khó tiền bạc. 20 triệu USD là có thể có một trường đại học chất lượng cao. Bằng kinh phí cuộc thi hoa hậu hoàn vũ vừa rồi. Kinh nghiệm canh tân của Hàn Quốc, Nhật rất cần quyết tâm nhà lãnh đạo. Dự án nguyên tử Manhattan của Mỹ, hoặc dự án đưa người lên mặt trăng. Chọn người chỉ huy project toàn quyền, tổng thống đứng sau. Đó là cơ chế.

 

Còn ở Việt Nam? Làm sao chọn được người chỉ huy như vậy?

 

Đúng. Nếu ở Việt Nam cho tôi làm bộ trưởng, tôi cũng không biết làm được gì. Khó khăn nhất là cơ chế chồng chéo mê hồn trận. Sự cố lặt vặt hành chính giấy tờ không tưởng tượng được. Nhiều người Việt ở ngoài muốn giúp đất nước lắm, nhưng cơ chế xơ cứng ngăn cản. Thí dụ nhỏ thôi như ông Võ Tòng Xuân được mấy anh em bên Úc về An Giang thấy cơ sở của ông xài vi tính cũ quá. Anh em gửi, hải quan không cho nhập, bảo hàng second-hand, phải có lệnh bộ Tài chính. Ông chạy tới chạy lui. Mấy trăm cái vi tính nằm hải quan cả năm. Chắc hư hết rồi. Tôi cũng có mấy ngàn quyển sách quý muốn gửi về, nghe nói phải kiểm duyệt.

 

Là một giáo sư đại học Mỹ, ông thấy sự khác biệt nào trong giảng dạy, học hành so với Việt Nam?

 

Chuyện lương đủ sống để chuyên tâm giảng dạy, nghiên cứu thì biết rồi. Còn nạn xin điểm, dùng áp lực thì Mỹ chỗ tôi không có. Trưởng khoa tôi không có quyền nếu tôi cho học sinh rớt. Có chuyện con một giám đốc cỡ lớn, ông ta cho trường cả triệu đô. Tôi cho rớt vì điểm kém. Ban giám hiệu đứng sau giáo sư, ủng hộ. Đó cũng là cơ chế chứ gì?

 

Sinh viên tôi vào lớp không đọc – chép. Phải đọc sách trước đó, phải hỏi, phải thảo luận. Một cua tôi dạy mỗi người có thể chọn một SGK tham khảo, đọc các bài báo chuyên ngành để vào lớp thảo luận.

 

Nhớ mùi hương tuổi trẻ

 

Về Việt Nam lần này, ông thấy sao?

 

Tôi khá ngạc nhiên, tưởng lạm phát kinh tế suy thoái, mà dân thành thị vẫn ăn nhậu như điên. Giàu nghèo phân hoá sâu sắc. Kinh tế thuơng mại thiếu dữ liệu, nhiều tin đồn. Tập đoàn này của ông này, vợ ông kia, đúng sai không rõ, nhiều việc không biết địa chỉ ai làm. Về lần này tôi phát giác một điều: cuộc sống tôi may mắn. Bình ổn. Có cảm giác sống ở Việt Nam bon chen quá, ham kinh tế, quyền lực.

 

Biểu hiện nào làm ông nghĩ tới ham quyền lực?

 

Qua câu chuyện, họ tả xã hội Việt Nam ông này muốn làm cái này, muốn tranh chức kia. Bị ám ảnh quyền lực.

 

Cuộc sống của ông ở Mỹ thế nào?

 

Tương đối bình ổn, dù con người không bao giờ hết lo. Lúc trẻ lo lên, xuống, biên chế… tôi qua rồi. Làm chuyện nghiên cứu. Nhược điểm: ham nhiều việc, không có thời gian. Đời sống ở Mỹ khắc nghiệt so với châu Âu. Nhưng ít bị áp lực nhóm xã hội như ở Nhật. Chữ hạnh phúc cũng khó nói. Châu Á liên hệ gia đình nhiều. Thời kỳ tôi phỏng vấn đi làm, một người hỏi: mày li dị mấy lần rồi. Họ cho là thường nhưng ở Việt Nam đó là điều tổn thương nặng nề. Vậy mà người Việt bên đó bắt đầu như vậy.

 

Ông có như nhiều người lớn tuổi muốn về Việt Nam sống?

 

Ai cũng nhớ quê hương . Nhưng nhiều người nói để tôi ở bên ấy làm nhiều điều ích lợi hơn về đây dạy học. Mỗi năm chúng tôi cũng giúp cho các em sinh viên đi du học. Còn bây giờ bắt tôi vào lớp Việt Nam dạy cách đó tôi dạy không được.

 

Yêu và nhớ thương quê hương nhất là những khoảnh khắc: chiều mưa, một nụ cười cô gái, cụ thể chứ không hùng vĩ sông núi. Tôi nhớ mùi hương, khó nói lắm. Mùi sau cơn mưa. Nước, lá cây, gió lạnh mát… không diễn tả được. Sáng nay tôi nghe ở nội thành Sài Gòn có tiếng gà gáy. Tiếng bà hàng xóm quét lá. Quê hương là tố chất của con người. Không có thì thiếu thốn. Nghĩ nặng nặng, buồn buồn trong tâm hồn. Quê hương quá khứ của mình…

 

Buồn buồn vì nghĩ quê hương còn khổ, hay vì phải xa cách?

 

Vì xa cách theo hai nghĩa: địa lý và thời gian. Quê hương sinh đẻ. Đi con đường nghe mùi hương chợt nhớ mùi hương tuổi trẻ của mình. Thế mới biết công ơn nhân loại như Einstein hoặc mỗi ngày nghe nhạc Mozart đem lại cho con người niềm vui hoài hoài. Phần thưởng tạo hoá cho con người hưởng mãi.

 

Ông là con trai bác sĩ nổi tiếng Trần Hữu Nghiệp, yêu thích y khoa, văn học, báo chí, âm nhạc lại trở thành giáo sư kinh tế ở Mỹ?

 

Con người là sự tình cờ của lịch sử. Ngay việc tôi qua Mỹ, được học bổng, đổi nghề (ngày xưa tôi là kỹ sư), cũng tình cờ như tung đồng xu sấp, ngửa. Tôi thích sử. Hồi lên 7 tuổi, tết được tiền lì xì. Đang buổi tối tôi gõ cửa nhà sách xin mua cuốn Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim về đọc liền.

 

Ông có biết tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn?

 

Cũng tình cờ, mà đâu biết ông làm tình báo. Thời kỳ tôi mới học ở Mỹ về còn chờ việc làm, hay ra ngồi café với ông Ẩn và đám báo chí tán dóc. Thời kỳ ở Givral – tiệm Café.

 

Tôi học tiếng Việt thực sự

 

Qua Mỹ rất sớm, từ những năm 60, nhưng tiếng Việt của ông thật tuyệt vời – là do ông làm báo mạng?

 

Không dễ vậy đâu. Tôi học tiếng Việt thật sự. Câu nào hay, tôi chép lại. Hơn 10 năm về trước tôi viết tiếng Việt chưa thạo. Vì có nhu cầu viết nên tôi làm một từ điển kinh tế Anh Việt cho mình.

 

Ông thấy tiếng Việt trong nước có nhiều biến đổi không?

 

Tiếng Việt giàu có hơn. Tiếng đời thường đi vào viết lách nhiều hơn. Xưa miền Nam không đưa vào văn viết chữ “hầm bà lằng” chẳng hạn. Nguyễn Ngọc Tư viết nhiều tiếng dân dã. Tôi dám viết vì thấy xài rồi. Tôi yêu tiếng Việt có những cái hồn, người hiểu tiếng Việt mới thấm được. Ngay cả khi viết mail, đối với tôi tiếng Việt không dấu thì cũng như bỏ một đoá hoa thơm vào bao giấy kiếng, không có mùi hương gì hết.

 

Tôi viết có dựa vào cuốn từ điển của Hoàng Phê. Mua hai cuốn. Một để ở sở làm, một ở nhà. Nhiều người muốn viết hồi ký để lại cho các con, nhưng con đâu biết tiếng Việt. Thật buồn phải không?...

 

 9-9-08

Báo Người Đô Thị

Tháng 9/2008

http://www.viet-studies.info/THDung/NguyenThiNgocHai_THD.htm

Nguyễn Thị Ngọc Hải
Số lần đọc: 2121
Ngày đăng: 10.09.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thư ngỏ gửi ông Nguyễn Hòa : Tôi thất vọng về tư cách một người cầm bút - Lê Anh Hoài
ĐỌC SÁCH : Thơ Phan Vũ…tập thơ đầu đời của ông già 82 tuổi. - Trần Hữu Dũng
Vài nét về văn hóa Chămpa - Nguyễn Thị Hậu
Bình thơ Nguyễn Bính ,Thu Bồn ,Quang Dũng ,Nguyễn Khoa Điềm - Nguyễn Hoàn
Chúc mừng lễ thành hôn của Nguyễn Tý - Nhiều Tác Giả
Nhà thơ Nguyễn Miên Thảo bị nhồi máu cơ tim.. - Nhiều Tác Giả
1000 Nhà Thơ Huế Đương Thời - chút tình của những đứa con Huế - Võ Quê
Cội nguồn thi ca - Edgar Morin
ĐƠN ĐỀ NGHỊ THU HỒI SÁCH - Vũ Ngọc Tiến
Tác quyền không thể nhường cho ai! - Vũ Ngọc Tiến
Cùng một tác giả