Cách trung tâm
Cách trung tâm thành phố Huế khoảng 13 km, Phước Yên (1) một thời là thủ phủ của chúa Nguyễn Phúc Nguyên.Ông con thứ sáu của Nguyễn Hoàng, sinh ngày 28 tháng 7 năm Quí Hợi (16-8-1563). Tương truyền khi mẹ ông mang thai có vị thần trao tờ giấy đề chữ “ Phúc”. Sau đó ông được đặt tên Nguyễn Phúc Nguyên. Từ đó về sau dòng họ ông mang lấy chữ Nguyễn Phúc. Sau khi lên ngôi chúa ông cải tổ lại mọi công việc và được dân tin dùng gọi là chúa Sãi.Sau khi Nguyễn Hoàng mất vào năm 1613, theo lời di huấn, ông ra sức củng cố sức mạnh cho mình bằng cách hoàn thiện bộ máy hành chính và quân sự....Năm 1626 ông dời phủ từ Dinh Cát vào đất Phước Yên để lập phủ mới.). Mục đích chính cho việc chuyển phủ vào đây là để chuẩn bị thực lực chống quân Trịnh.Song ông cũng gặp nhiều trở ngại trong quá trình gây dựng phủ của mình. Lúc này hai em trai của ông là Nguyễn Phúc Hiệp và Nguyễn Phúc Trạch (2) âm mưu cấu kết với triều đình nhà Lê nhằm tranh đoạt quyền lực. Nguyễn Phúc Nguyên đã nhanh chóng dẹp tan âm mưu này và từ đó quyết chí tách rời với thế lực của Lê Trịnh ở Đàng ngoài. Ông bãi bỏ hệ thống quan chức triều Lê, chăm lo luyện tập binh mã, phát triển kinh tế, xây dựng quốc phòng, tổ chức vấn đề ngoại giao.Ông quyết tâm xây dựng phát triển Đàng trong ngày một hoàn thiện hơn. Về đối ngoại, năm 1631 ông gả công chúa Ngọc Khoa cho vua Chiêm là Porome để kết tình hòa hiếu giữa hai nước, đồng thời đẩy lui mọi cuộc khiêu khích của các quốc gia ở phương nam như Chân Lạp, Ai Lao,Tiêm La…Tính đến ngày chúa Sãi lập phủ Phước Yên, đất Việt Nam đã kéo dài đến Phú Yên và những di dân Việt đầu tiên đã có mặt tại Mô Xoài (gần Bà Rịa ngày nay).
Tôi cùng anh bạn Nguyễn Như Minh lang thang suốt một ngày trong làng Phước Yên. Dòng Bồ lặng lẽ phả mát hai bờ cỏ vắng vẻ. Bên kia sông là làng Dương Sơn và Thanh Lương. Mấy hôm nay làng vào vụ gặt nên dân tập trung ngoài đồng. Dòng sông Bồ đoạn chảy qua làng Phước Yên uốn lựa như bàn chân đại bàng mà chân kia là làng Hương Cần. Đại bàng đang sải cánh hướng về phương nam. Có lẽ sau khi vào kinh lý phương nam lúc dừng chân bên dòng sông Hương, thấy Kim Long địa thế rất đẹp nên chúa Sãi đã có một sự chuẩn bị cho một hành trình mới sau này. Vì thế sau khi ông mất, chúa Nguyễn Phúc Lan đã di dời vào phủ mới.
Cổng chào của chùa Phước Yên được thiết kế bằng cây cán giáo trông khá đẹp. Chúng tôi viếng chùa.Chánh điện vắng vẻ. Nhiều hạng mục của chùa đang được xây dựng.Sư thầy Phước Chánh là người trong làng, sống đức độ được dân chúng yêu mến. Chuyến đi này chúng tôi không không được gặp thầy để tìm hiểu thêm một số thắc mắc.
Phước Yên trong các thư tịch cổ như Ô Châu Cận Lục của Dương Văn An không được nhắc đến. Tuy nhiên theo các nhà nghiên cứu thì đây là một trong ngôi làng cổ của huyện Đan Điền thuộc phủ Triệu Phong. Trong Ô Châu Cận Lục có nhắc đến các làng gần Phước Yên như “làng La Vân có nếp văn vật…Lụa Niêm Phò còn thô…Phò Nam giặt lụa nhiều hồ, Lương Cổ xeo giấy to như trướng”.(3)
Với thế “Từ thuỷ quy triều" được sông Bồ bao bọc và dãy núi xa thuộc huyện Hương Trà làm bình phong, Phước Yên có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đặt phủ và phát triển về sau này. Từ nơi đây các cơ quan đầu não Đàng Trong tập trung gọi là chính dinh (Dinh Cát trở thành cựu dinh). Chúa Sãi đặt tam ti để giúp ông coi việc chính trị. Mỗi ti có quan Cai Hợp, Thủ Hợp và các lại ti để làm mọi việc.Từ thời Nguyễn Hoàng vào nam cho đến thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên đến năm 1631, mới bắt đầu thi hành việc duyệt tuyển để chọn người tài giúp nước. Việc duyệt tuyển trong một ngày tại các trấn, dinh gọi là kỳ thi “Xuân thiên quận thí “ . Người thi đỗ gọi là Nhiêu học, được miễn thuế sai dịch 5 năm. Triều đình lại tổ chức thi Hoa văn tại Phủ Phước Yên. Người nào trúng thì được bổ làm quan ở 3 ti là ti Xá sai (coi việc văn án, tố tụng), Ti Tướng thần lại (coi việc thu thuế, phát lương) và Ti Lệnh sử (coi việc tế tự, lễ tiết, quan điền).
Vào thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên có rất nhiều người tài giúp sức như Đào Duy Từ, Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Hữu Tấn(4)…Đào Duy Từ ở với chúa Nguyễn trong 8 năm. Ở Phước Yên hiện còn một địa danh là Dinh Ông được cho là nơi ở của vị quân sư tài giỏi này. Trong làng hiện còn nhiều dấu tích và nhiều di tích liên quan khác như Ụ Voi, Cồn Kho, Mô Súng, miếu Chiêu Vũ Hầu… Trong đợt đi thực tế gần đây (tháng 8 năm 2008), chúng tôi có dịp tìm hiểu kĩ về một số điểm di tích, và địa danh liên quan đến Phước Yên. Về địa danh Phước Yên, theo các thư tịch cổ như Quốc Triều Khoa Bảng Lục, văn bia tiến sĩ của triều đình hoặc 2 câu đối ở chùa Phước Yên (5) thì chữ "Yên" gồm bộ Hỏa, bộ Tây và bộ Thổ, trong khi các tài liệu của Trần Trọng Kim (Việt Nam sử lược) và Lê Nguyễn Lưu (Phủ Phúc An và sự phát triển của xứ Thuận Hóa) thì ghi là Phúc An (chữ"An" gồm bộ Nữ và bộ Miên).
Về di tích Ụ Voi: Theo truyền thuyết có vị tướng cỡi voi ra trận không may bị một mũi tên bắn chết. Voi tìm nơi cất giấu chủ rồi quay lại đánh tan quân thù. Sau khi được người ta chôn cất chủ xong, voi nhịn đói cho đến khi chết và được dân làng chôn cất ngay tại đây. Tuy nhiên trên thực tế, đây có thể là khu vực đặt chuồng voi như những phủ chúa khác vì thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên ở đây đã có “ trường bắn, trường tập voi, tập ngựa, cứ hằng năm luyên tập để phòng bị chiến tranh”.(6)
Về Cồn Kho: Có lẽ là di tích tồn kho, nơi xưa kia đặt kho chứa lương thực và vật dụng nội phủ. Một trong vị quan trông coi kho này là Đô đốc thiêm sự Trần Văn Nghĩa.
Di tích Mô Súng liên quan đến một nhân vật người Bồ Đào Nha lai Ấn Độ tên là Jean de la Croix (hay Joaz da Cruz) đến phủ Phước Yên vào năm 1631 giúp chúa đúc các vật dụng bằng đồng kể cả súng đạn. Một số súng đồng và vạc đồng đang ở viện bảo tàng mỹ thuật cung đình Huế và ở một số bảo tàng khác ghi rõ dấu ấn trong thời kỳ này. Croix coi sóc ti Nội pháo tượng 2 đội tả hữu cho chúa Nguyễn Phúc Nguyên.
Về tòa miếu thờ Chiêu Vũ hầu (7), theo nhiều tài liệu đáng tin cậy như Đại Nam thực lục, thì đó là miếu thờ danh tướng Nguyễn Hữu Dật (1603-1681)chứ không phải Nguyễn Hữu Đạt như tác giả Hoàng Lâm (VTV) trong "Hoàng Lâm Kinh Thành Huế" đã ghi)(8). Nguyễn Hữu Dật là cháu 8 đời của Nguyễn Trãi. Bố ông là tướng Nguyễn Triều Văn theo Nguyễn Hoàng vào nam. Nguyễn Hữu Dật thi đỗ khóa thi Hoa Văn do chúa Nguyễn Phúc Nguyên tổ chức và được bổ vào chức Tham cơ vụ.Năm 1631, Nguyễn Hữu Dật theo Đào Duy Từ đắp lũy Lũy Thày để chống quân Trịnh lâu dài(9).
Phước Yên có một miếu thờ Minh Đức Vương Thái Phi , vợ của chúa Nguyễn Hoàng, được một linh mục người Ý Francesco rửa tội tại làng này. Thánh hiệu của bà là Maria Madalena. Bà được xem là người Đồng Công khai sáng giáo hội Việt Nam.
Phước Yên được thiết kế theo kiến trúc đô thị. Trục lộ chính dọc sông Bồ, còn các trục phụ chạy song song theo hướng Tây Bắc - Đông Nam và đều quy tập ra trục đường chính tạo nên các khu dân cư bàn cờ. Nghĩa là các con đường đều được bố trí gần như song song hoặc thẳng góc với nhau. Phước Yên được xem là mô hình kiến trúc đô thị đầu tiên của vương triều Nguyễn. Nhờ hệ thống đường và cách bố trí các khu vực dân cư đặc biệt này mà vấn đề giao thông rất thuận tiện. Sắp tới sẽ có thêm một con đường mới chảy dọc theo sông Bồ từ làng Phước Yên đến La Vân. Nếu dự án khả thi sau này chắc chắn sẽ có một tour du lịch tham quan các di tích cổ ở Phước Yên, La Vân, Thanh Lương, Bác Vọng…
Chúng tôi tham quan vườn rau của các hộ Phước Yên trồng. Rau má được trồng hằng hà vô số kể. Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi mà cuộc sống dân làng trở nên khấm khá. Anh Nguyễn Công Toàn chủ nhân của một lò rượu mời chúng tôi nâng cốc chúc mừng hội ngộ. Anh sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này. Ruộng vườn nhà cửa khang trang. Chuồng heo khoảng 10 con to béo đang kêu đói.Chưa kể bầy heo con lúc nhúc đang rúc vú mẹ.
Nụ cười thân thiện dễ mến của Toàn làm tôi nghĩ rằng nó mang đức tính truyền thống của người con dân làng.Cuộc rượu tiếp tục. Anh H.T. cao hứng kể cho cho tôi cuộc đời thăng trầm của anh.Gia cảnh nghèo khổ anh phải lăn lóc kiếm sống nhưng luôn nung nấu chí hướng theo đuổi sự học. Khuôn mặt còn lưu dấu vết tích của một thời. Anh ở gần chùa nên ít nhiều có ảnh hưởng Phật môn.
Phước Yên một ngày nắng đẹp. Trời mây hòa quyện lòng lãng tử. Cánh đồng lúa vàng thẳng cánh cò lên mùa chín tới. Chợt nhớ đến màu vàng trong tranh của Vincent Van Gogh. Lòng nao nao nhớ đến câu chuyện lãng mạn của một vị quân vương bên dòng sông Bồ ngày nào. Tôi chợt nhớ đến thi lão Cao Đăng Tòng mà tôi thường thỉnh thoảng có ghé thăm cụ trên đường Hàn Thuyên, Huế. Cụ mất cách đây mấy năm, là cháu nội của quan Bố chánh tỉnh Phú Yên Cao Đăng Đệ. Chính tại làng quê Phước Yên của mình, sau khi bị bãi chức, Cao Đăng Đệ đã ẩn cư hưởng ứng hịch Cần Vương bàn mưu chiêu hiền đãi sĩ lập căn cứ chống Pháp. Ông là người thứ hai trong làng này đỗ tiến sĩ vào năm Ất hợi niên hiệu Tự Đức thứ tám (1875). Người đầu tiên vinh quy bái tổ là Phó bảng Nguyễn Đình Tuân. Khoa thi Tân hợi 1851, niên hiệu Tự Đức thứ tư, triều đình trở lại lệ thi 4 kỳ (4 trường).(Kỳ đệ nhất thi bài chế và kinh nghĩa, kỳ đệ nhị thi văn sách, đệ tam thi bài chiếu, bài luận, bài biểu và kỳ thi cuối cùng là thi về thơ và phú.Người nào trúng đủ 4 kỳ được vào thi Điện. Thường thì vua trực tiếp ra bài văn sách. Ai được 4 điểm trở lên là đỗ Giáp bảng, từ 3 điểm trở xuống là Phó bảng). Khoa thi này triều đình lấy 10 tiến sĩ và 10 phó bảng. Nguyễn Đình Tuân sau đó được bổ làm quan đốc học tỉnh Quảng Ngãi. Dòng họ ông nhiều người đỗ đạt làm quan.
Trong làng có 12 họ chính là các họ Cao, Nguyễn Công, Hồ, Hoàng, Nguyyễn Đình, Nguyễn Hữu, Lê, Trần Phụ, Trần Văn…Trong đó có một số họ từ Thanh Hóa vào Đang Trong theo Nguyễn Hoàng nằm trong đạo “Trung Nghĩa Quân”, rồi theo Nguyễn Phúc Nguyên vào Phước Yên. Nhiều người trong làng xưa kia được chọn làm việc trong các tượng ti, tượng cục…Vào thời vua Nguyễn dòng họ Hồ và Nguyễn Công… được tuyển vào đội Thượng thiện và Lý thiện chuyên lo việc yến tiệc cung đình. Ông Hồ Văn Tá từng là đội trưởng đội Thượng thiện thời vua Khải Định và vua Bảo Đại. Hiện nay chị Hồ Thị Hoàng Anh cháu nội ông là một chủ nhà hàng, một đầu bếp nổi tiếng. Chị hiện đang mở nhà hàng Phú Xuân tại 128 Đinh Tiên Hoàng Quận 1 thành phố Hồ Chí Minh, và một nhà hàng Phú Xuân khác ở Tokyo. Nhà hàng chị ở Nhật được xếp hạng cao trong top 73. Các món ăn chị chế biến hầu hết mang phong vị truyền thống Huế. Chị từng được mời thính giảng tại trường đại học Woosoong về đề tài ẩm thực Huế.
Phước Yên lãng đãng trong ánh chiều tà. Nơi mảnh đất này xưa kia nhà thơ Từ Thế Mộng ra đời rồi giang hồ biệt xứ. Những cánh cò trắng muốt bay về hướng tây nam để lại sau lưng màu vàng óng ánh của cánh đồng lúa kéo dài đến chân trời. Nét cọ của Van Gogh đang độ cao hứng. Mùa thu lặng lẽ qua thềm gió. “Ôi! Hay buồn vương cây ngô đồng/ Vàng rơi! Vàng rơi thu mênh mông…”(10)
Mùa thu 2008
Chú thích:
(1)Phước Yên nay là thôn Phước Yên, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.
(2) Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn: "Chúa Thượng sai Đăng Quận Công là Nguyễn Khải đi đón Văn Quận Công và Hữu Quận Công. Phúc Nguyên biết rõ âm mưu ấy, lùng bắt Văn và Hữu rồi giết hết cả đảng phái. Phúc Nguyên oán giận và khinh nhờn triều đình từ đó"
(3) Ô Châu Cận Lục, Dương Văn An, tân dịch hiệu đính của Trần Đại Vinh và Hoàng Văn Phúc.Các làng này hiện thuộc xã Quảng Thọ, Quảng Điền. Theo chúng tôi bản dịch hiệu đính này có ít nhiều nhầm lẫn về các chú giải địa danh.
(4) Nguyễn Hữu Tấn người Thanh Hóa di cư vào Bình Định. Ông có tướng mạo oai hùng . Lòng bàn chân có 7 nốt ruồi. Ông được Đào Duy Từ gả con gái và tiến cử với chúa Nguyễn. Ông có công lớn trong công cuộc bảo vệ giang sơn cho chúa Nguyễn. Người bắc gọi ông là Hổ uy đại tướng. Ông mất năm 1666 tại Quảng Bình. Thời Gia Long ông được đưa vào thờ ở miếu Khai quốc công thần. Năm Minh Mạng thứ 12 truy tặng là khai quốc công thần Đặc tiến Tráng vũ tướng quân Tả quân Đô thống phủ Chưởng phủ sự Thái bảo, thụy là Tương vũ, phong là Anh quốc công.
(5) Chùa trong văn bản có tên là Quảng Phúc Tự. Phía mặt sau cổng chùa có hai hàng chữ Hán :Thiên ứng địa linh trang nghiêm tự/ Thần phù Phật độ Phước Yên Thôn. Trong chùa còn lưu giữ một số di vật xưa như chuông đồng đúc thời Minh Mạng.
(6)Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược.
(7) Miếu được trùng tu vào thời Minh Mạng.. Miếu được trùng tu sau cùng là vào năm 2000. Phía trên cao chính diện có hàng chữ Hán: Trung Thiên Chính Khí. Hai bên có hàng câu đối: “Trần thanh ma giới giã vô yên/ Ngân điện sơn hà triều hữu phước”. Ông sau được nhà Nguyễn thờ tại Thái miếu và được truy tặng khai quốc công thần Đặc tiến Tráng vũ tướng quân, Thái phó, thụy Nghị vũ, phong là Tĩnh quốc công Nguyễn quý công tôn thần.
(8) Hoàng Lâm, Kinh thành Huế và Vương triều Nguyễn (Phần VI): “Sau khi Nguyễn Hữu Đạt qua đời, Nguyễn Phúc Lan đã lập bài vị thờ ông tại đây như một hành động đền đáp ơn nghĩa vị trung thần.”.
(9) Lê Quý Đôn chép trong Phủ biên tạp lục: “Năm thứ hai niên hiệu Đức Long vua Lê Thần Tông, tức năm 1630, mùa xuân, Đào Duy Từ xây đắp một lũy dài từ núi Trường Dục xuống đến vùng đồng nội, tiếp giáp với bãi cát biển cạn”. Lũy Thày kéo dài từ núi Đâu Mâu đến cửa biển Nhật Lệ rồi men theo sông Lệ Kỳ và sông Nhật Lệ tiến lên phía đông bắc đến làng Đông Hải.(Di tích được xếp hạng cấp quốc gia năm 1992 hiện xuống cấp trầm trọng. Hàng chục ngôi nhà xây ngang nhiên trên di tích trước sự hững hờ của các cấp quản lý.Tháng 8 năm 2008 chúng tôi có tham quan địa điểm này.Một số hộ dân nói rằng chính quyền đã cấp chủ đất cho họ ngay trên đất di tích này!!!).
(10) Thơ Bích Khê