Ông là thầy thuốc giỏi, nhà thơ đích thực. Cả hai chức danh cao quý ấy, ông theo đuổi một cách đam mê quyết liệt và để lại nhiều dấu ấn với những người được ông tận tình cứu chữa và những ai đã từng đọc thơ ông. Hai trách nhiệm nặng nề (chăm lo thể xác và nâng đỡ tinh thần), ông đã hoàn thành một cách xuất sắc.
Những bài thơ về Hà Nội ông viết có những nét riêng khó lẫn: Bước chân đo rặng liễu (bài Hà Nội, tr 6), để Bên em nhẹ bước đêm Hà Nội / tưởng Chiếu dời đô vọng gió ngàn / mong buổi Thăng Long bằng trống hội / được về lễ Tổ dịp ngàn năm (Yêu Hà Nội, tr 105). Ước mơ của ông cũng là mơ ước của nhiều người! Rồi ông tự hỏi: Em từ đâu đến rước chim về tổ / mức chân thành đập mặc cảm tan tành / bình minh rạng so dây đàn rực rỡ / em đằm thắm chuốt rung tình ngút xanh.(Em từ đâu đến, tr 42).
Cho đến khi tóc đã bạc trắng trên đầu, những bài thơ về Hà Nội như vết dao cắt trong tâm tưởng khiến người đọc rung cảm cùng ông. Hà Nội quê nội, nơi cho ông những kỷ niệm, những bài thơ đầu đời. Với những từng trải nhiều lẽ hơn thiệt, thì Hà Nội trong ông là một Hà Nội khác: Ơi Hà Nội tảo tần mà quyến rũ / Hạn gặp mưa mừng vui đến lệ trào.
*
Ai cũng có một góc riêng tư, một phía khuất của đời mình cần giấu kín. Điều đó có thể giãi bày hoặc không “dám tỏ” cùng ai. Nhưng với Huy Dung thì lại khác. Ông gửi vào một “góc riêng tư” của mình vào thơ một cách thành thật, bất ngờ khiến người đọc cảm thông và chia sẻ niềm hạnh phúc lẫn nỗi khổ đau mà ông từng nếm trải: Vết thương em đâu có, để lành / nay hai đứa đã già, chưa héo / mà nếu có - còn đâu sẹo cũ / Gió mang đi tất cả xa bay / Tôi vô duyên đặt bày hoài cổ / em vô can ai nợ gì ai / Thôi tình phụ, đoái hoài chi nữa / gom thư đốt nhẹ giữa lòng đau (Một tình hờ mãi hờ tr 58-60).
Người như thế là thành thật lắm, thơ như thế là thành thật lắm. Vì lẽ đó, đọc thơ Huy Dung ta muốn đưa vai gánh vác cùng ông mọi nỗi niềm trắc ẩn. Và đây nữa: Tại vì sao khoét sâu nỗi đau / tại vì ai giọng khô cháy họng / tại vì sao trói buộc vào nhau / tại vì ai kêu người khát vọng? (Vì tình yêu, tr 61-62)
Thì ra cảm nhận tình yêu của một lão ông khác gì của một thời trai trẻ. Vẫn còn đó những câu hỏi day dứt thánh thiện!
Danh y Hải Thượng Lãn Ông đã từ bỏ “công hầu khanh tướng” mà lui về ở ẩn chốn Hương Sơn nuôi nấng mẹ già và để lại cho đời những cuốn sach thuốc của một bậc Thánh hiền để cứu đời, cứu người. Tình mẫu tử thiêng liêng lắm.
Thầy thuốc Huy Dung tóc đã bạc trắng trên đầu, trước nỗi đau mất cha, mất mẹ đã thảng thốt kêu lên: Cha ơi, mẹ ơi … / Bên thi hài Cha con lặng gác / đau xót tim con nhịp đập dồn. Và người mẹ đã: Thay cha / mẹ chống chọi trên đời / Suốt ba mươi tư năm thêm nữa / Bỗng môi tím bầm, thay nụ cười / lặng lẽ mẹ thăng đúng giờ sửu (Cha ơi, mẹ ơi, tr 107-110).
Mẹ sinh thành những đứa con biết thủy biết chung. Cái điều này không mới nhưng không hề cũ đối với các nhà thơ. Nếu ai đánh mất điều thiêng liêng ấy là tự đánh mất mình, họ sẽ không có được những câu thơ ân tình: Trăng hồn Mẹ/ nay nương gió núi về
Một người Mẹ có hai gái, hai trai hy sinh vì Tổ Quốc: Mẹ đã đợi xuân đầu sau Bảy Lăm… Bà Mẹ của nhà thơ Huy Dung cũng giống như bao bà Mẹ trên đất nước ta. Giấu nước mắt vào lòng…: Gương Mẹ sáng hơn vằng vặc ánh trăng / Trăng không ngừng thao thức, cả khi lên lúc lặn / Trăng mãi trăng. Dù tát cạn dòng Lam / (nhưng tát mấy cho vừa) không thể cạn / nỗi đau đời Mẹ.
Phải sống, phải yêu hết mình với đời, với người. Phải đối diện nỗi đau, buồn vui, cay đắng, thầy thuốc - nhà thơ Huy Dung mới có những câu thơ xé lòng ấy.
Ông lại có những câu thơ đầy suy tưởng vì lẽ đời, lẽ người sâu nặng…: Thơ thức lương tâm cứu rỗi người / Xua sầu, sưởi ấm trái tim côi / Chắt chiu huyền diệu, làm sao thiếu / Ôm cả lứa đôi, cả cõi đời.
Tháng 8-2008
(*) EM TƯ ĐÂU ĐẾN, Thơ Huy Dung, NXB văn học-2008)
Nguồn:SỨC KHỎE & ĐỜI SỐNG,số 505, tháng 9-2008, tr 12, mục ĐỌC SÁCH