Hậu hiện đại là hậu hiện đại là hậu hiện đại là...
Khi còn cả tin lí tính là phương tiện duy nhất chiếm lĩnh Sự thật tuyệt đối, còn mê tín lí trí có thể giải quyết mọi chuyện trên đời, là ta chưa hậu hiện đại. Khi còn nuôi bao nhiêu là nỗi duy: duy tâm với duy vật, duy linh hay duy lí, duy cảm, duy danh, duy mĩ,… là ta còn xa lạ với hậu hiện đại.
Khi còn mang tâm phân biệt ngoại vi với trung tâm, dân tộc thiểu số với đa số, da trắng hay da màu, nam và nữ, trung ương và địa phương, chính thống với phi chính thống, là ta còn nằm ngoài tầm với hậu hiện đại.
Khi còn mắc kẹt lại giữa cõi bờ nhị nguyên là ta chưa hậu hiện đại.
Khi mãi đuổi theo lí tưởng định sẵn, làm đồ đệ thuần thành của chủ nghĩa độc tôn văn hóa hay độc tôn chính trị như là thứ đền thiêng bất khả xâm phạm, là ta không cơ hội đối mặt hậu hiện đại.
Khi còn ôm chân Chân lí tuyệt đối, Cái đẹp vĩnh cửu, là ta còn cư trú bên này chân trời hậu hiện đại.
Khi còn thiết lập cơ man bàn thờ, từ đó phản bác hay manh tâm đàn áp, triệt tiêu kẻ không bàn thờ, không nhận bàn thờ đó hoặc kẻ có bàn thờ khác, là ta tự dựng tường thành cách ngăn hậu hiện đại. Cho dù bàn thờ đó có choàng tấm áo bào truyền thống và bản sắc, học thuyết hay chủ nghĩa, tôn giáo với dân tộc tổ quốc, tự do công bằng bác ái cùng vô số thần tượng các loại, tất tần tật. Là ta đánh mất hết con đường nhập lưu hậu hiện đại.
“Đừng tin tưởng một điều gì vì phong văn. Đừng tin tưởng điều gì vì cớ được nhiều người nói đi nhắc lại. Đừng tin tưởng điều gì dù là bút tích của thánh nhân. Đừng tin tưởng điều gì dù thói quen từ lâu khiến ta nhận là điều ấy đúng. Đừng tin tưởng một điều gì do ta tưởng tượng ra lại nghĩ rằng một vị tối linh đã khai thị cho ta. Đừng tin tưởng bất cứ một điều gì chỉ vin vào có uy tín của các thầy dậy. Đừng tin tưởng ngay cả lời ta nữa mà chỉ tin tưởng điều gì chính các người đã tự mình từng trải, kinh nghiệm và cho là đúng mà thôi.” (Angutara Nikaya).
Khi còn nhân danh là ta còn chưa hậu hiện đại.
Khi còn tôn sùng nền triết học vào đó, học thuyết kinh tế - chính trị nào đó, đức tin tôn giáo nào đó, dân tộc thượng đẳng nào đó có thể dẫn đạo thế giới thoát khỏi nỗi hỗn mang, là ta còn chưa sẵn sàng cho hậu hiện đại.
Khi ta yêu cả nhân loại nhưng không thể sống hòa hợp nổi với kẻ láng giềng ta, còn lo lắng chuyện đại sự thế giới mà thiếu quan tâm đến sinh hoạt nhỏ bé thường nhật ta, là ta còn xa cách cả vực thẳm với hậu hiện đại.
Khi chưa buông xả, là ta chưa hậu hiện đại.
Khi còn ngây ngô tin vào ngôn ngữ có thể giải thích bản chất sự vật như vai trò kẻ môi giới chiếm hữu chân lí, là ta còn chưa hậu hiện đại. Khi còn rắp tâm phân biệt đối xử ngôn từ cao hay thấp cấp, sạch hay dơ, đẹp và xấu, thô tục hay thanh cao, văn chương với không văn chương, là ta còn chưa nhuần cảm thức hậu hiện đại. Cả tâm phân biệt truyền thống và hiện đại, mới và cũ, dân tộc và thế giới, văn chương bình dân với văn chương bác học, là ta còn chưa tiếp cận hậu hiện đại.
Khi còn núp bóng, dựa hơi Nguyễn Du, Tolstoi, Goethe với vô vàn vĩ nhân văn chương khác như là thứ chuẩn không thể phá, là ta còn chưa đáo bỉ ngạn hậu hiện đại.
Khi còn ảo tưởng độc sáng, là ta còn mon men ngoại ô hậu hiện đại.
Khi còn dựng rào các thể loại văn học không cho chúng xâm nhập hay tan hòa vào nhau, cản trở chúng vô ngại thong dong qua lại hỗ trợ bồi đắp nhau, là ta còn vời xa lối viết hậu hiện đại.
Khi ta quyết phân thời gian làm ba lô rõ ràng rành mạch quá khứ hiện tại tương lai, là ta chưa vào làng hậu hiện đại.
Khi đã nhập lưu hậu hiện đại mà chỉ biết hậu hiện đại, ngoài ra không gì cả, là ta còn chưa thật sự LÀ hậu hiện đại.
Sài Gòn, 5-5-2008.