Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
918
123.136.356
 
Chuyện của Dần
Nguyễn Vĩnh Căn

1.

Ai lớn lên ở xứ Châu, ít nhiều cũng phải trải qua tuổi thơ mình trên đồi cầy và rọng (ruộng) Bà Lan.

Đồi cầy của một buổi mai thật rộn rã. Nắng mới lung linh, trải dài lên thảm cỏ xanh một màu vàng hanh thoải lên đồi. Những cây cầy cổ thụ - cây Kơ nia, lác đác ngã bóng dài, bên những lùm dứa rừng sum suê lá gai xanh mượt. Những cây cọ đứng liêu xiêu ngã tán xoè bên những cây sim màu hoa tím nhạt trông thật dễ thương. Những cây mận quân gai gốc, trái đỏ tím chát ngọt. Những cây mang thang chín đỏ trái ăn chát chúa. Và những trái mít rừng, múi màu vàng tươi ăn thơm ngọt vô vàn. Tất cả đã vẽ nên cảnh quan của đồi cầy thật đẹp mắt và ngoạn mục.

 

Trải dài xuống chân đồi là rọng bà Lan một màu mạ xanh mượt mà đến chân trời. Nơi đó có những đầm ao, hồ nước trong vắt, in bóng mây trời lãng đãng. Con suối ỏng ẻo chảy quanh, uốn khúc theo bờ lúa mạ non, trông cũng thật nên thơ và hữu tình. Ở đó, những trò đùa mò bắt cua cá, bùn non lún tới đầu gối, và những chú đĩa hút đến no máu cũng mãi chơi không hề hay biết. Nhưng tất cả cũng rất thú vị cho tuổi thơ thoả lòng trên đồi cầy ấy.

Đó là khung trời của tuổi thơ mới lớn.

Sáng nào cũng thế. Từ các ngõ đường làng, tủa ra hàng đàn trâu bò, dê cừu thả tản mác lên ngọn đồi cầy. Nông dân làm rọng đất, n ên nhà nào cũng phải nuôi trâu bò. Vì thế, tuổi mới lớn không kể trai gái, nhà nào cũng có trẻ thay phiên nhau buổi đi học, buổi đi b ò. Và đồi cầy l à điểm hẹn lý tưởng cho lũ trẻ trong thôn làng lên đó thả hồn rong chơi suốt bốn mùa.

 

Cái Nù và cu Bờn cũng đi chăn bò như bao lũ trẻ làng. Nhưng hai đứa đã qua cái thời nghịch ngợm hồn nhiên vô tư của tuổi mới lớn, để bước vào một khung trời mộng mơ đầy hoa thơm cỏ lạ. Mái tóc con Nù đang bù xù tổ quạ, bỗng óng ả mượt mà hơn trong đôi mắt lấp láy ý tình. Má nó sạm nắng cũng hồng hào lên như người nhấp phải men rượu nồng. Bờ môi tái nhạt hôm nào, cũng ửng thắm tưởng như tô son. Nhất là đôi ngực của nó, cũng dần căng tròn lên nhựa sống. Còn thằng Bờn, áo quần cũng trau chuốt hơn, chứ không còn mặc quần xà đùi như lũ bạn nữa. Tóc húi gọn làm khuôn mặt rạng rỡ thêm. Lời ăn tiếng nói của hai đứa cũng bớt ngô nghê thô mộc quê mùa nữa rồi. Nhưng cả hai cũng vẫn chung là một lũ đi bò.

 

Hai đứa thường tách rời lũ đi bò để cũng nhau lên đồi sim, hái trái sim ăn ngọt chát, lưỡi mầu mực tím. Đập những quả trám cho nhau ăn béo ngậy. Hái những trái xoài quéo chín ngon ngọt thơm bùi…Bắt những tổ chim chào mào, chim cu trên cây sim cây cầy…Và dường như hai đứa chỉ muốn thời gian ngừng trôi, để chúng nó mãi mãi quấn quýt bên nhau: sáng đi học, và chiều về lại gặp nhau trên đồi cầy. Bao nhiêu ước mơ mộng ước đang ở phía trước…

 

Nhưng thời gian có quy trình của riêng nó, để xuân hạ thu đông xoay vần, không ai có thể cản ngăn nổi. Hai đứa bước ra khỏi cuộc chơi…Và một người đi xa mãi, xa mãi nơi này… để một người lặng lẽ với cuộc sống thôn dã yên bình ngày qua tháng lại…

 

2.

Nghe đâu anh chàng rể có bố là Việt kiều, con Dần mới hám như thế, chứ lâu nay, nó cơ mãi không lấy ai để thành gái hâm( hâm một, hâm hai…), rồi qua tuổi gái bâm( bâm ba, bâm tư…), đến tuổi tứ tuần, nước đến chân nó mới cuồng cuống lên nhảy.

 

Chuyện tình duyên của Dần, mà xóm làng, ai cũng cứ mãi ngẫn ngơ tiếc nuối cho nó. Gần ngày đi lấy chồng. Mẹ Dần ốm liệt l ào, tưởng không qua nổi con tr ăng, để phải ho ãn ngày cưới. Dẫu rằng ở tuổi thất thập, bà không còn được khoẻ lắm, nhưng mấy khi b à phải nằm ốm liệt giường liệt chiếu như thế.

Ngày con Dần đưa thằng bồ ra mắt, bà lườm lừ soi mói:

- Cháu chào bác ạ!

- Chú là ai mà tui không biết hè?

Con Dần nhanh miệng;

- Anh ấy ở Nha Trang về đây thăm bà con, mẹ không biết được mô.

Con Dần nghĩ hai tiếng Nha Trang khác lạ, chắc cũng làm mẹ mình bớt sỗ sàng hơn. Nhưng nó đã lầm, vì hai tiếng ấy đã gây sốc cho bà, giống như gà mái mẹ đang ấp ủ gà con quây quần bên mình, bỗng thấy bóng quạ lảo đảo trên bầu trời, khiến mắt gà mẹ dáo dác canh phòng. Mặt bà bỗng trở nên hầm hực:

- Chú có đi thăm lộn nhà không? Chứ nhà tui không có ai bà con ở Nha Trang cả.

Con Dần quá bất ngờ, để thộn mặt ra:

- Thì anh ấy đến nhà mình chơi cũng có sao đâu mẹ!

- Nhà đàn bà con gái, không phải chuyện đùa được. Cậu về cho tôi nhờ.

- Mẹ làm chi mà ghê rứa?

Nói rồi bà lẳng lặng bước những bước chập chửng vào phòng, để lại sự ngỡ ngàng cho cả hai đứa. Chàng trai không ngờ mình lại bị đối xử một cách tồi tệ như thế. Còn cô nàng thì như bị kê cục đá vào mồm cứng họng. Mãi một lúc sau cô nàng mới vỗ về chàng trai:

- Anh đừng chấp trách và để bụng. Mẹ em vốn tính nắng mưa thất thường như thế đấy!

Tối đến. Con Dần nấu cơm xong. Dọn lên mâm, rồi bực mình bỏ đi sang buôn dưa lê bên lối xóm, cho bỏ ghét mẹ nó. Nhưng rồi khuya về. Mò xuống ăn cơm. Nó ngạc nhiên khi thấy mâm cơm vẫn còn nguyên. Con Dần chột dạ: tưởng làm mình làm mẩy với mẹ, để bỏ đi chơi, không ngờ bà lại nư lên nằm bỏ cơm không ăn. Dần lo lắng chạy vội v ào phòng kêu toáng lên: "Mẹ! Mẹ ơi, mẹ !?". Không có tiếng trả lời khiến Dần hoảng hốt: "Mẹ! Mẹ có sao không mẹ !?".

Con Dần khóc bù lu bù loa lên. Thế là cả xóm nghe thấy, dáo dác chạy đến thoa bóp, cạo gió, quạt than ủ ấm cho bà. Một lúc sau, bà tỉnh dậy ú ớ:

- Con Dần mô rồi ?

- Con đây mẹ! Mẹ làm con hết hồn.

- Hết hồn cái chi ! Thằng mô chứ thằng nớ mi không được lấy, nghe chưa.

 

Trong lúc mẹ ngã bệnh như thế, con Dần có quyết mười mươi, cũng không dám hé răng. Lỡ mẹ nó có mệnh hệ nào, thì nó phải chịu tiếng đời bất hiếu với mẹ.

 

Con Dần nhan sắc cũng dễ coi chứ đâu đến có xấu xí hẩm hiu chi mà phải lấy chồng vừa xa lại vừa xấu xí, chẳng tương xứng với nó chút nào! Cả xóm ai cũng lấy làm tiếc cho nó.

 

Dần là một cô gái miền quê, có cái dáng không thuần quê. Người thon thả. Mái tóc cụp ngắn với làn da trắng nỏn; khiến những khi đóng đồ tây vào, khó ai biết được Dần là một cô gái quê. Tuy vậy, tính tình cô rất kín đáo, lặng lẽ, ít tỏ b ày, lại rất đặc trưng của chất quê. Đẹp người nết na là thế mà qua tuổi hai mươi vẫn chưa có người đến tán tỉnh. Ai cũng lo cho o. Nhưng lạ thay, o vẫn bình tâm như không. Ai có hỏi: "Khi nào mi cho làng xóm uống rượu đây Dần”. “Chưa uống trước thì uống sau chứ lo chi mệ". O đáp tỉnh khô.

 

Ở một miền quê, con gái bước vào tuổi cặp kê 16,17 là đã có trai làng đến tán tỉnh ve vãn rồi. Thế là đêm nào cũng nhốn nháo khách vô ra tập nập tới khuya, có khi đến g à gáy. Nhà nào có gái đẹp, thì khốn khổ cho những người hàng xóm chung quanh mất ăn mất ngủ, để lủm bủm: “Cha nó chứ! Mấy cái mẹt này, làm chó sủa khô họng đã đành, người sống cũng không yên!". Chửi đổng lên rứa, nhưng con gái nhà mình đến tuổi cặp kê, không có mống trai nào đến cũng lo xón đái. Sợ con gái mình ế ẩm ê thiu thì khốn.

 

Mà cũng lạ! Nhà nào tốt số thì trai đến tập nập, không có chỗ mà ngồi. Tốp này chưa ra, tốp khác vào. Tán chị chưa xong, đến tán em. Rồi ngon trớn cưới cô em thứ ba để hai cô chị ngồi cồn cũng nên. Thực ra cha mẹ nào cũng khôn khéo lo đưa đẩy cho chị lấy chồng, rồi mới phất cờ cho tán con em. Nhưng rồi có mối Việt kiều béo bở thì phải cho cô em qua mặt, kẻo đứa khác tranh mất thì sít soa tiếc hùi hụi. Nhà đông khách, cha mẹ nào mà chẳng mát mặt để hãnh diện với xóm làng: con gái mình có thế giá. Vậy mà cũng có những nhà vô duyên. Chỉ kế cạnh bên, đông con lại đẹp gái nữa chứ! Thế mà không có một ma nào ngó ngàng. Hẩm hiu và bẻ bàng biết bao!? Nhưng rồi cũng có khi khách đang đông sập sập sạ sạ là thế; bỗng cha mẹ có chuyện chi tai tiếng, hay có đứa ăn cơm trước kẻng, thì như Bồ Chao bể ổ. Tan tác. Nhà vắng như chùa bà đanh.

 

Sống lâu với làng xóm, người ta có thể rút ra được một đôi điều tâm lý của trai làng. Hai cô gái cùng đẹp ngang nhau, tiêu chí của cánh con trai: Nhất giàu, nhì cánh (cánh họ đông bề thế trong làng), tam hiền, tứ khéo( mẹ và con gái khéo chài mồi đưa đẩy). Dĩ nhiên không phải bao giờ cũng theo thứ tự như thế. Rất nhiều trường hợp tiêu chí thứ tư đã thắng lợi to khi "mẹ khéo lo thì con gái sớm chồng". Nhưng ở nông thôn cũng lắm chuyện lạ lắm! Có cô ả lẳng lơ chán chê tai tiếng dân quậy một thời, bỗng đâu khéo chài được một anh chàng quê chân chất, đẹp trai, lại hiền lành nữa chứ! Có những cô ả, ban đầu khách đông tập nập là thế, mà sau cùng lại vắng hoe. Quả chuyện nhân duyên ở miền quê không biết đâu mà lần.

 

Xét về những tiêu chí trên, con Dần chỉ được có mỗi cái tam hiền là cùng. Vì thế bà Thí lo lắm! Thấy mấy đứa con gái nhà mình bằng trốc chắc, người mẹ nào lại không lo ngay ngáy khi để bom nổ chậm trong nhà mãi mà không sốt ruột. Mà số bà Thí cũng hết khổ. Con đầu nhỏ nhắn, lại mặt dắt lưỡi cày. Trai làng không đứa mô mự ử. Khéo mai mối mua chuộng mãi, mới gã được cho một đứa cầu bơ cầu bất. Người nhỏ thó, lại quá khiêm tốn chiều cao. Đã thế còn bù chì thêm cái làn da trụi đen. Quả nồi nào úp vung nấy, không có chi phải phàn nàn nữa rồi. Đến con thứ hai vóc dáng cao ráo hơn, lại mắc phải cái tính banh chanh bảnh chảnh. Ngồi chờ mãi. Mài mòn đến mấy cái đũng quần mới có một đứa khá đẹp trai vô tán. Nhưng phải cái tội nghèo rớt mồng tơi, khiến bà Thí chê dài: "Mi lấy cái thứ nớ, đã nghèo lại biếng nhác, không có cháo húp cho mà coi".

Đến con Dần, thì bà Thí ưng ý lắm!

 

3.

Mỗi khi buồn đời, con Nù cứ nhớ mãi cái ngày xưa ấy…Sáng nào cũng gọi nhau ơi ới đi học. Có bữa, trời mùa Thu. Mưa dầm lại hiu hắt gió lạnh. Hai đứa áp má, che chung nhau một áo tơi lá. Vừa đi vừa nhón những hạt ngô rang vào miệng nhai lạo rạo, hương ngô thơm toả, làm ấm áp hai tâm hồn. Đang vừa đi vừa tr ò chuyện vui vẻ, bỗng trơn trướt, hai đứa ng ã đ ùng lên nhau, lấm láp hết cả áo quần. Thế là phải bỏ học về nhà.

 

Vào lớp ngồi chỉ cách một lối đi, n ên hai đứa thường trao đổi nhau, thước bút, b ài vở cho nhau cóp bi. Có bữa hai bài làm sai giống nhau như in. Cô gọi lên và đánh hai đứa mấy roi, con N ù sụt sịt khóc.

 

Rồi những hôm đón đưa nhau đi nhà thờ, dung dăng dung dẻ, t ình trong như đã mặt ngoài còn e. Đến bây giờ con Nù vẫn còn giữ được cái lưu luyến tình xưa ấy!

 

4.

Đến con Dần, bà ưng ý lắm ! Bà nghĩ nó đẹp người nết na, không phải lo chi mối don mồi chài như mấy chị nó. Thế mà đã qua tuổi 20 rồi, mà chưa có mống con trai nào thò chân đến nhà bà, khiến bà bắt đâu lo. Không khéo rồi cũng một duộc với mấy chị nó. Nhưng con Dần vẫn bình chân như vại, kể cả những lớp đàn em lần lượt đi lấy chồng. Mẹ nó càng ngày càng nôn nóng.

Lần đầu tiên có một chàng trai ở một giáo xứ Kim Mai ngoài thành phố vào cưa, mẹ nó vồn vả chài mồi săn vặn với anh chàng đó lắm! M à quả anh chàng này tướng tá cao ráo và cũng khá dễ coi. Người nhà thấy lâu này không có ai vào cô em mình, thì trọng vọng anh chàng này lắm. Anh chàng đi lại đều đặn. Chủ nhật nào cũng được mời lại ăn cơm nước hẳn hoi. Không nghe con Dần chê bai chi cả, mà vẫn tiếp chuyện vui vẻ. Hơn một năm sau, anh chàng này đặt vấn đề hôn nhân, ai cũng tưởng là làng xóm có rượu uống chứ! Ai ngờ con Dần dãy nãy lên không ưng. Mẹ nó trố mắt: "Mi ngọi chi nữa, hay muốn ngồi đó phơi khô cất chạn hả con tê!". Nó không nói chi. Chỉ im lặng. Đến khi anh chị em nó hội lại vặn hỏi: “Vì răng mà o không ưng thằng nớ? Bọn choa thấy hắn cũng được đấy chứ! O mà kén chọn cho lắm, rồi không khéo ngồi cồn đấy!”. Con Dần cười cười: “Chuyện chồng con của em là mệnh hệ cả đời, các anh chị và mẹ lo cho em, em cũng cám ơn. Em vào tuổi 30 cũng cao số rồi, muốn lấy chồng lắm chứ! Nhưng chưa thấy ai tâm đầu ý hợp với em, nên em chưa lấy đấy thôi”.

 

Anh chị em ai lo phận nấy, chứ hơi đâu lo ch o em út mãi được. Thế là chỉ còn mình bà Thí, thở ngắn thở dài, một mình đằng đẳng tháng ng ày. Bà cứ sợ con Dần quá thì, ngồi cồn, làm sao bà yên lòng nhắm mắt xuôi tay được.

 

Thế rồi có một thằng trong làng vào con Dần. Trong nhà ai cũng thích và bàn vô cho con Dần: "Con trai một, có cơ ngơi nhà cửa khá giả lắm! Lấy hắn gần nhà, gần mẹ mà chạy đi chạy lại là quá chuẩn rồi còn đòi gì nữa? Chỉ tội hơi sạm đen một chút, nhưng được cái khoẻ mạnh và hiền lành lễ phép không ai bằng". Bà Thí đánh tiếng: “Lần ni mà mi còn chê bai không hợp nữa, thì nói với mấy anh em đắp cho mi cái cồn mà ngồi cho yên phận gái già nghe chưa". Bà Thí mừng lắm, thấy anh ả tâm đầu ý hợp, chở nhau đi cà phê, chè cháo đều chi. Bà cười ha hả nói năng xởi lởi với hàng xóm: "Chuyến ni chắc nhà có chuyện, phải nhờ hàng xóm giúp con Dần một tay cho nó yên bề duyên phận rồi". Ngờ đâu khi anh chàng đặt vấn đề người lớn, con Dần lại từ chối: “Chắc Chúa Mẹ không định cho nhân duyên hai đứa. Anh cảm phiền, chứ không phải Dần chê anh chi mô". Bà Thí lại một phen cơ khổ với nó. "Mi mần răng chứ tau tưởng chắc ăn rồi, nên phô chuyện cưới xin cho cả xóm biết, dừ làm răng đây hả con tê". Con Dần nhỏ nhẹ đáp lại: “Thì mẹ cứ nói đ àng trai không ưng nữa là xong chứ khó chi mô". "Mi nói như mớ rứa nghe được à? Mi định chọn kén mãi để ngồi chết gi à rứa hử con tê. Mi muốn tau chết không nhắm mắt được hả”.

 

Ở miền quê. Chuyện từ hôn nhau dễ lắm! Cái chi không phải, không nên, không thành, cũng đều đổ tội cho Chúa là xong ngay. Mới đi lễ hỏi ăn uống tưng bừng vui vẻ cả hai b ên dòng họ mới có mấy ngày chứ có lâu lắc chi. Bỗng cô nàng vẻ mặt buồn rầu với anh chàng: "Anh thông cảm cho em! Chắc Chúa Mẹ không định nhân duy ên cho hai đứa m ình lấy nhau rồi". Rõ khổ thân cho Chúa Mẹ. Mới cách có mấy ngày mà Chúa Mẹ mô mà thay đổi lòng dạ mau rứa!

 

Rên rỉ, than vãn với nó chán không được, bà nhờ lối xóm bà con khuyên bảo con Dần. "Chú Vĩnh, chú có ăn có học, nhờ chú khuyên giải cho con Dần may ra nể chú nó nghe lời". Vốn con Dần hay sang nhà chú Vĩnh chơi, hơn nữa vợ chú Vĩnh lại là bọ đở đầu nó. Vợ chồng chú thấy tình cảnh bà Thí cũng muốn giúp bà lắm, nhưng mỗi lần đề cập đến chuyện duyên phận, con Dần cứ cười cười, im lặng không nói chi. Nó không nói lên quan điểm ý thích riêng tư của mình, nên khó lòng chen vào chuyện tình duyên của nó, để phân tích cái được cái mất, cái hay cái dở...

 

Cuối cùng, nó chỉ cám ơn bọ mẹ đã lo cho con, nhưng cái duyên phận con cao số lắm bố mẹ ạ!

N ăm qua tháng lại, khiến cho bà Thí càng sốt ruột. Mà tuổi bà cũng đã qua tuổi thất thập. Sức khoẻ bà già yếu đi nhiều, càng làm bà ngán ngẫm về chuyện con Dần hơn.

 

Dần dà, con Dần cũng bước qua tuổi 40. Trong khi bạn bè đã con cái đ ùm đề, thì nó vẫn cứ yên bề gái ế. N ăm nào họp mặt lớp, con Dần cũng bị bạn bè chất vấn: "Liệu năm ni mi cho lớp uống rượu mừng được chưa?”. Rồi con Dần cứ hứa bừa: “Cứ lo tiền mừng đi! Năm nay thế nào cũng có rượu cho các bạn uống mà". Nhưng rồi lần họp lớp những năm sau, cũng cứ chẳng có chi chuyển biến, khiến bạn bè nản lòng, không còn hỏi han chi chuyện nó nữa.

 

Thế rồi có một đứa người Bắc, vào làm công cho nhà Vĩnh, làng xóm ai cũng thích nó cả. Con người to cao khoẻ mạnh lại bô trai, tính tình xuê xoà, đến Vĩnh là người ít quan tâm mà cũng phải thích nó. Nó sống có nghĩa có tình với mọi người lắm. Tiền làm công có là bao mà các cuộc ăn nhậu với bạn bè, nó bỏ tiền ra chơi rất thảo, nên đứa nào cũng nể nó. Nó chỉ làm công cho nhà Vĩnh một thời gian không mấy, thế mà khi vợ Vĩnh sinh đứa thứ tư, nó mua nguyên hộp sữa ngoại mấy trăm ngàn đưa thăm vợ chồng Vĩnh. Nhà Vĩnh quyết từ chối không lấy: "Mi làm được mấy trự mà mua sữa ngoại chi cho tốn tiền!". Nó cười: "Nghĩa tình là chính, chứ lon sữa này có đáng là bao mà anh chị bận tâm". Thấy con người nghĩa tình như thế, vợ chồng Vĩnh bàn vào với con Dần: "Mi lấy thằng nớ được đó! Nó to khoẻ gánh vách hết việc nhà, mi chỉ nằm ăn mà đẻ thôi, sướng quá chứ còn chi nữa". Rồi nó cười cười: "Lấy về mà hầu nó uống rượu hả bọ". Đó là lần đầu tiên thấy nó chê người ta. Vĩnh bảo: " Đàn ông ai mà không uống rượu, nhiều với ít mà thôi. Tau thấy, nó uống rượu vui vẻ chứ có thấy khi mô hắn quá chén mô. Như tau đây, nhiều khi còn uống khướt nữa là...".

 

Thật sự, Vĩnh tiếc cho con Dần lắm! Ngày cái thằng miền Bắc về, vợ chồng Vĩnh cảm thương hắn lắm!

 

Đêm cuối cùng. Nó hỏi ý kiến con Dần lần cuối trước khi về Bắc, nhưng con Dần một mực từ chối: "Chắc là Chúa không định rồi, mong chú thông cảm cho".

Đêm đó. Nó uống một bữa rượu say khướt. Nó khóc trông cảm cảnh lắm!

- Chắc chẳng có dịp em gặp lại anh chị nữa. Có gì phật lòng anh chị bỏ quá cho em. Nói xong nó khóc thê thảm, khiến vợ chồng Vĩnh cũng mũi lòng.

 

5.

Chuyện hai đứa yêu nhau đến tai người lớn. Gia đình thằng Bờn đánh tiếng khai hoả trước:

- Cái thứ mô chứ con nhà mụ Thí, mi không được lấy, nghe chưa Bờn.

Cha Bờn kiên quyết phản đối. Thằng Bờn cũng đấu tranh:

- Nhà Bà Thí, đàng nhà người ta cũng hiền lành và đàng hoàng chứ có chi mà thầy lại cấm đoán con như thế. Cha Bờn to tiếng:

- Mi không biết chứ đàng mụ Thí, ở nhà - ở Bắc, đấu tố ông nội mi đấy! Dừ mi lấy con nhà nớ, ông nội mi nằm dưới mà yên được ạ!

- Chuyện thời cuộc xa xưa rồi mà thầy cứ nhắc lại làm chi. Hơn nữa là chuyện của anh bà Thí chứ có phải là bà ấy đâu. Chuyện ai nấy chịu chứ thầy cứ bắt quàng vô làm chi cho tội người ta.

- Chứ mi nói răng lạ h è! Bữa mô rồi họ trai nhà mình không ngồi đối mặt với cái thứ nhà nớ ạ?

- Thầy cứ ăn cơm mới mà nói chuyện cũ làm chi phiền lòng đó mồ!

- Tao nói. Dứt khoát không là không. Mi ngon thì đi mà cưới nó đi, cho cánh họ choa khoẻ gánh, khỏi phải lo.

Chuyện đàng trai lên tiếng phản đối quyết liệt, đàng gái nghe được cũng tự ái, phản đối không kém. Thế là hai đứa không được ra gặp mặt nhau công khai nữa. Nhưng rồi hai đứa cũng lén lút gặp nhau.

Rồi bỗng thằng Bờn bỏ nhà đi biệt tăm...để con Nù ở nhà cô đơn với mối tình dở dang...

 

6.

Sau ba mối, chẳng đi đến đâu. Bà Thí cũng nản lòng lắm rồi. Bà làm giận chẳng nói chẳng rằng với con Dần. "Thôi thì mặc kệ mi, khôn sống vống chết". Con Dần cứ bình tâm vui vẻ, như chẳng có chi. Đã thế, sau đó có vài đám trai l àng vào, nó không tiếp, vì nghĩ: tiếp rồi làm mẹ càng nuôi hy vọng vào càng thất vọng hơn. Thật không ai hiểu nổi chuỵên con Dần.

 

Rồi bỗng, con Dần ốm một trận nặng tưởng chết. Tóc rụng gần hết. Mặt võ vàng. Nằm ốm liệt giường. Bà Thí lấy làm lạ, không biết có chuyện chi riêng tư xảy ra với nó, mà nó bỏ ăn mấy ngày, rồi nằm xếp xó. Hỏi chẳng nói. Thuốc cũng không chịu uống. Mấy anh em thấy nó mê sàng, đưa đi bệnh viện chuyền nước, thuốc thang và chuyền thêm máu, nó mới hồi phục.

Qua cơn ốm. Tự nhiên nó đổi hẳn tính tình. Ai cũng ngạc nhiên, thấy nó sôi nổi hẳn lên. Gặp ai nó cũng sởi lởi, hỏi han, chứ không như ngày trước nó chỉ từ tốn nói n ăng. Mẹ nó cũng lấy l àm lạ: Sao mấy bữa này nó cứ luôn miệng gợi ra chuyện chồng con, chẳng bỏ bèn cho lúc trước, có cạy miệng nó cũng không nói. "Mẹ ạ! Bây giờ mẹ muốn con lấy ai con cũng lấy tất, miễn mẹ ưng là đựơc”.

 

Thế rồi nó chủ động nhờ người mai mối, đánh tiếng hết đứa này sang đứa khác trong làng, mà lúc trước đến nó chẳng thèm tiếp chuyện. Mụ Lương rỉ tai mệ Long: "Con Dần này lạ thật. Nó nôn nóng lấy chồng, tưởng như nó đang dở dang với đứa nào, rồi muốn lấy cho được việc”. Nhưng ở đời là sự vay trả. Khi người ta theo mình, mình phớt, bây giờ mình cần, người ta lại phớt mình. Công bằng quá còn chi mà than vãn nữa.

 

Vào thời điểm đó. Xứ Châu làm ăn nên nổi. Mọi người đua nhau xây nhà. Thế là dân nhập cư xây cất về làng rất đông.

 

Rồi bỗng anh chị nó giới thiệu cho nó một thằng thợ xây. Thằng này vốn quê ở Nha Trang, lên xây nhà ở làng Châu. Cũng vì nó mới xây xong nhà cho anh nó, nên chỗ thân tình đi lại, anh nó làm mối cho con Dần. Bữa đầu chị dâu nó bảo với anh nó: “O nó không chịu mô mà làm mai. Không khéo làm phúc lại rước hoạ, o nó chửi cho là có nả!" ." Được thì tới, không thì thôi, chứ mất vốn tốn lãi cho mô. Hơn nữa thấy o Dần nhà mình kỳ này đổi tính mới dám, chứ không ai dại chi".

 

Mới bữa đầu tiên, mà anh ả đã tâm đầu ý hợp vui vẻ trò chuyện suốt buổi không dứt ra được. Cả xóm ai cũng lấy làm lạ: người xấu như rứa, răng m à con Dần lấy được tề? Mà quả thằng thợ xây này cũng xấu thật. Chính bọ mẹ nhà Vĩnh, cũng tưởng chuyện họ đồn là chuyện đùa chứ!

- Lạ thật, mấy đám trước khá như thế, nó không ưng, răng dừ lại lấy cái thằng như ri?

- Là thợ xây giữa trời nắng mưa, lấy đâu mà trắng trẻo được.

- Nhưng cũng đen vừa vừa chứ ai lại đen như lọ nồi vậy.

- Đen thì cũng được đi, đằng này lại thấp lè tè, mặt nổi nhọt cóc như sao đầy trời, thấy mà ớn luôn. Ăn nói thì giọng nẫu Bình Định khó nghe vô vàn.

- Lại ngoại đạo nữa chứ! Thật không có điều chi xấu tệ hại lại không có nơi hắn. Thế mà con Dần cũng thương được mới lạ!

- R ăng mà thằng anh nó ưng mà làm mai cho con Dần được mẹ mi hè?

- Đẩy con Dần đi thì nó chiếm cái nhà bà Thí chứ không à!

Hàng xóm mà đang còn lời ra tiếng vào chuyện con Dần, bảo sao bà Thí không ức cho được.

Mẹ con Dần, lúc trước cầu mong cho nó lấy chồng, lấy ai cũng được. Nhưng đến khi cái thằng này vào hỏi, thì bà không thể nào chịu nổi. Người ngợm đen lùn, xấu xí đã đành, lại làm cái nghề thấp hèn - đi phụ hồ, chứ đi xây như thợ chính th ì không nói làm chi. Đã thế, lại ngoại đạo và ở xa xôi nữa chứ! Tâm nguyện của bà là gã con Dần quanh quẩn làng xóm, để chạy đi chạy lại cho có mẹ có con. Bà bực dọc hết sức. Lúc trước bàn tới bàn tấp cho nó lấy chồng thì nó ngủng ngẳng. Còn bây giờ, bàn lui, bàn tháo đủ cách nó cũng cứ một mực lấy chồng cho được. Nó bảo: “Bây giờ mà không lấy chồng thì lúc nào lấy nữa đây mẹ. Đời con đã quá thì xuân sắc rồi".

 

Bà Thí than thở với hàng xóm: "Thôi thì trời không nghe đất, đất phải nghe trời, chứ biết răng dừ!”. Rồi bà cũng phải chấp nhận cho thằng thợ hồ học đạo, để lấy con Dần. Chuyện tưởng đến hồi kết thì....

 

Thằng Đường - Việt kiều, con ông Phú về...Trông dáng nó bệ vệ cốt cách lắm! Chẳng bù cho khi còn ở quê nhà. Người đen đủi, ốm o gầy còm.

 

Con Dần kín đáo là thế đấy! Bây giờ người làng mới biết được hai đứa thư từ qua lại hẹn ước nhau, từ cái ngày thằng Đường vượt biên đi đến giờ. Thế mà con Dần không hề cho mẹ và anh chị nó biết. Hèn chi mà mấy đám trai làng vào tán nó không lấy. Chắc con Dần chờ cái ngày thằng Đường về vậy. Nhưng không hiểu sao, sau trận ốm tưởng chết, nó lại đổi tính nết: lấy bừa, lấy đại như thế, quả không ai biết được chuyện gì đã xảy ra với nó.

 

Bữa thằng Đường đến thăm, con Dần quyết không cho gặp mặt. Mẹ và anh chị nó cũng không hiểu tại sao con Dần lại thù ghét thằng Đường như thế. Trong khi ngày trước hai gia đình cản trở tụi nó không được.

 

Hôm đám cưới. Con Dần không mời thằng Đường đến dự. Thằng Đường muốn gặp con Dần để thanh thoả một lần cho đỡ ấm ức, nhưng con Dần quyết không cho.

 

Ngày đi lấy chồng. Nó đốt những chứng tích cũ như để đoạn tuyệt với dĩ vãng đời nó. Những tờ thư cháy rụi như những đồng tiền mạ vàng cúng cô hồn.

 

Khi đưa dâu nó về thành phố biển êm xuôi. Anh chị nó soạn sửa lại nhà cho bà Thí, mới phát hiện ra một tờ giấy nháp viết thư còn sót lại. Hình như nó chỉ viết nháp dở chừng, không có đầu đuôi, và có lẽ lá thư này, chẳng được hoàn thành để gửi cho Đường.

 

" Anh có biết tôi đắng cay đến dường nào, khi nhận được lá thư của anh không? Chờ đợi mỏi mòn hơn 25 năm để rồi cuối cùng anh phụ bạc tôi thế này ư? Anh nói anh bất lực khi không kiếm đủ tiền để bao lãnh tôi sang. Chẳng lẽ anh lại hèn kém đến mức đó sao? Mà tôi cũng đâu cần anh đưa tôi sang. Ở b ên đó, anh không làm nên tích sự thì về lấy tôi rồi ở Việt Nam sinh sống thì có chết ai không chứ!? Tôi chờ anh, vì tình yêu, chứ đâu phải vì cái mác Việt Kiều. Anh lại nói rằng: Vì định kiến gia đ ình, cha mẹ anh ngăn trở cuộc tình duyên. Anh lớn ngần ấy tuổi đầu, được sống b ên một nước văn minh tân tiến như Mỹ, anh lại không học được cái dân chủ bình đẳng hay sao mà phải sợ điều vớ vẫn đó!? Chẳng lẽ anh lại ấu trĩ như thế? Thế thì tại sao lâu nay anh không nói cho tôi biết, để anh cứ hứa hẹn tôi suốt 25 năm đợi chờ. “Anh sợ làm em lỡ một đời, và anh van xin em hãy lấy chồng để cho anh đỡ ân hận”. Gớm! Sao anh tử tế và tốt với tôi quá vậy nhỉ!? Tôi thật không ngờ, mình lại cả tin, để đem lòng yêu một con người tồi tệ và bạc nhược như anh.

 

Lẽ ra tôi phải oán giận anh lắm mới phải! Nhưng tôi nghĩ: một con người hèn kém bạc nhược như anh, tôi căm giận làm chi cho phí đi lòng tự trọng trong tôi...."

 

Và lấy chồng, đối với con Dần là một sự trả thù nợ tình chăng?

Nó lấy chồng sung sướng, hạnh phúc thì làng xóm ai tiếc nối làm chi. Đàng này, lấy chồng về, gánh chè cháo đi bán chè cháo phơi hết nắng mưa giải dầu. Lần sinh con so cũng suýt mất mạng cả hai mẹ con, may mà cứu được mẹ. Thế là con Dần phải chịu cảnh tuyệt tự vô sinh suốt đời.

 

Con Dần lấy chồng có hạnh phúc hay không chẳng ai biết? Chỉ có nó biết, nhưng nó lại im như thóc để cam phận không nói ra. Nhưng làng xóm thấy nó mấy năm không về thăm mẹ và cả cái ngày mẹ nó chết không thấy nó về chịu tang, cũng đoán biết số phận nó khốn khổ nhường nào rồi.

Nói gì thì nói, xóm làng vẫn tiếc nuối cho cuộc đời nó không mấy suôn sẽ hạnh phúc!

Nguyễn Vĩnh Căn
Số lần đọc: 2729
Ngày đăng: 14.09.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Sự tích Chùa Trinh Nữ - Cao Hạnh
Tin nhắn - Trương Anh Sáng
Chuyện nhỏ từ những bữa ăn - Hội An
Sống còn - Đậu Nữ Vệ
Người khóc mướn - Nguyễn Minh Phúc
Hồn cát - Nguyễn Hiệp
Vầng trăng ngày ấy - Đàm Lan
Tiếng hát của người gác cầu - Y Uyên
Chai rượu tắc kè - Nguyễn Minh Phúc
Chạm đến tâm linh - Nguyễn Vĩnh Căn
Cùng một tác giả
Khát vọng sống (truyện ngắn)
Chạm đến tâm linh (truyện ngắn)
Chuyện của Dần (truyện ngắn)
Đôi mắt ấy… (truyện ngắn)
Luỵ đời (truyện ngắn)
Gã ngố ! (truyện ngắn)
Một mảnh đời… (truyện ngắn)
Đời gia sư (truyện ngắn)
Đồ đểu! (truyện ngắn)
Trò đùa số phận (truyện ngắn)
Ngỡ như giấc mơ (truyện ngắn)
Cuộc đời mẹ Monica (truyện ngắn)
Sau mười năm... (truyện ngắn)
Mẹ tôi (truyện ngắn)
Mê cảm (truyện ngắn)
Một số phận (truyện ngắn)