NGƯỜI NÀO CẦN HỌC VÀ CÓ THỂ HỌC?
Bất luận lứa tuổi nào, dù là thanh niên, dù đã cao tuổi, làm nghề gì, ở xứ nào cũng cần học. Và ai cũng thích hợp sự học, cũng có thể học, cũng đều có trong tầm tay mình khả năng để tự học, tự phát triển. Miễn là không quá lười, không ngại ngùng, không cầu toàn.
Quá thông thái rồi, quá cao tuổi rồi thì không cần học hoặc ‘còn học làm gì’ nữa chăng? Không phải như vậy! Bất cứ ai, kể cả các bậc hiền minh sâu rộng đến đâu cũng không có thể hiểu biết tất cả, vẫn thích làm bạn với sự học. Đại thi hào Gớt từng khuyên “ngay cả thiên tài cực kì vĩ đại cũng không thể tiến xa nếu chỉ muốn lấy mọi thứ từ nội tâm của riêng mình”.
HỌC BAO LÂU ?
Học là một quá trình không ngưng suốt dọc cuộc đời. Điều thật sự đáng sợ là ngưng học.
CHỌN HỌC GÌ?
Tri thức cần học phải phù hợp nhu cầu thực tiễn nghiệp vụ cấp thiết, đáp ứng vấn đề thời sự bức xúc. Chọn tri thức nào khả dĩ sớm biến thành năng lực và kịp vận dụng đúng chỗ để ứng phó với biết bao cục diện phức tạp.
Học cả thực hành và lí luận (kim chỉ nam cho thực hành). Quan hệ giữa lí luận và thực hành, rồi giữa nói và làm cũng có thể tìm thấy trong ‘Cổ Ngữ’ xưa:
“Muốn nói phải nghĩ đến làm
“Muốn làm phải nhớ đến nói”
Chọn học ngay từ thực tế từng con người xung quanh, trong đó có những bạn bè ưu tú: rút ra những điều có thể học được. Càng nên học những kinh nghiệm rút ra từ những hoàn cảnh nào mà mình và họ đã phạm phải sai lầm, đó cũng là nguồn học quý mà ta thường quên.
Coi trọng cả học nói năng, luyện ngôn từ . Có thể nghĩ ngôn từ chỉ là bề ngoài, không là gốc-căn bản của con người? Trong nội dung ‘luyện gốc tâm hồn để làm người’ đang bàn có bao gồm sự tu luyện ngôn từ không? Khởi đầu, không nhất thiết phải có phần này: để đạt gốc tâm hồn nhân hậu, nếu ban đầu nói năng còn vụng về cũng không sao vì ‘tì vết đâu che mất ánh ngọc’, và bản chất nội tâm vẫn giàu sức thuyết phục hơn lời nói bên ngoài. Hơn nữa nên ít lời: ‘lắm lời nhiều chuyện’ thường kéo sang loại ‘tâm sự vô ích’ thậm chí chỉ gây thêm khó xử cho cả hai phía. Hoặc kéo sang loại ‘tâm sự lộ bí mật người vắng mặt’ chỉ càng dẫn tới không ít điều đáng tiếc.
Nhưng, về lâu dài lại rất cần luyện ngôn từ. Có hai cái lí. Một là, nếu không có lời nói thì công dụng của tâm không biểu đạt ra bên ngoài được, tâm hồn không mở rộng tác động được. Hai là, chính vì cái tâm nội tại là cái tâm tôn trọng tha nhân, và có trách nhiệm đối với mọi người nên không bao giờ có thể tự cho phép sơ suất thốt ra lời nói tuỳ tiện, thiếu suy nghĩ, xúc phạm... Cho nên đâu có thể coi nhẹ nói năng được, phải trau dồi ngôn từ , học ăn nói (và cách giao tiếp nói chung). Không nên nghĩ sao vội nói ngay, phải ‘quay lưỡi 7 vòng’ đã, suy nghĩ ki trước sau, nhiều mặt:
“Gà ba lần vỗ cánh mới gáy,
“người ba lần ngẫm nghĩ mới nói”
Nhưng cái gốc vấn đề vẫn chỉ là một: vẫn từ tâm hồn trung thực, chứ không uốn mình theo động cơ thực dụng (bên ngoài). Những khi đàm luận, ta rất thận trọng tâm lí của người đối thoại. Đó chỉ là vì tâm của ta trọng thị con người, chứ tuyệt nhiên không vì đối phó. Do đó không chấp nhận nguỵ tạo, đạo đức giả hoặc chỉ theo xảo thuật tâm lí v.v…. Gặp đối tác mưu mô, cũng phải ‘lựa lời’, nhưng vì bản lĩnh, chứ không vì giả tạo cốt ‘nói dựa’ một cách hèn kém. Nếu đối tác là lương thiện và chân tình, thì không cho phép khách sáo, giả dối, phải rất chân tình. Qua mấy ví dụ trên, để thấy, bất luận Học gì cũng đều phải từ GỐC tâm hồn cả.
CHỌN HỌC GÌ NỮA? Chọn học tập DƯỠNG TÍNH (tu dưỡng tính nết). Điều này cao hơn và khó hơn một bậc so với học kiến thức. Học mà là luyện thành tập quán thuần thục. Ví dụ luyện tính tận tụy với bổn phận. Hãy làm tròn bổn phận trong mọi hoàn cảnh, tận tâm tận lực chăm chỉ hoàn thành công việc. Có thể coi đây là một trong những nội dung cần được học trước tiên vì là bửu bối bất biến dùng để ứng vạn biến trong sự nghiệp mỗi người chúng ta .
Rồi luyện tính đoàn kết hoà đồng. Nó bao gồm luyện tâm tính tránh gây gổ với xung quanh, tự trong lòng san bằng mọi xích mích; luyện trình độ giải quyết bất hoà nếu xảy ra; luyện cách giữ hoà khí với mọi người, nhưng chớ suồng sã; luyện cách làm cho đối phương hiểu rằng họ được lắng nghe, họ không hề bị coi thường mỗi khi có sự bảo lưu ý kiến v.v..
Luyện nếp suy tưởng, tự vấn, rút kinh nghiệm. Chọn nửa giờ mỗi ngày thành nếp như lời khuyên của A. Carrel, Lỗ Tấn. Có thể chọn ban đêm kiểu ‘nuôi dạ khí’ của Mạnh Tử, hoặc chọn sáng sớm - lúc này chẳng ai làm phiền, đầu óc còn sảng khoái.
Tính coi trọng sức mạnh tinh thần - thể chất (tâm-thể) thông qua quyết tâm giữ gìn và nâng cao sức khoẻ tâm-thể bằng kỉ luật rèn luyện, nếp sống không buông thả.
Và một ví dụ nữa về loại dưỡng tính hết sức quan trọng: Luyện tính quý trọng thời gian. Việc học tập này có đặc điểm là tự nó lại trực tiếp ích lợi cho việc ‘học tập không ngừng’. Bởi vì con người ta chỉ thu được kết quả học tập tốt khi biết sử dụng năng lực trí não trong từng khung thời gian nhất định mà mình có. Có thể nói mức kết quả học tập tỷ lệ thuận với mức quý trọng ngày giờ của mình. Mỗi giờ rỗi mà không xen kẽ, kết hợp học tập vào, không góp phần cụ thể cho kết quả học tập dù chỉ hiểu thêm một điều rất nhỏ thôi, thì đã uổng phí một giờ. ‘Học tập’ được cách biết tận dụng thời gian tốt nhất thì đạt kết quả nhiều nhất trong ‘học tập’. Cũng đạt kết quả nhiều nhất về sống phong phú hơn tức dài hơn, ‘sống trọn vẹn hiện tại’ hơn, biết tận hưởng ngày hôm nay, ngay giờ đang sống, luôn ý thức được là đang nỗ lực học hỏi, luôn tìm tòi tra cứu ngay những điều mà thực tiễn lúc đó cho thấy là cần phải biết mà chưa biết, không gác lại hôm sau.
Giành được thời gian nhờ chắt chiu và sử dụng có phương pháp nên sẽ an tâm tự học tập nghiên cứu không giới hạn, và cả học các nội dung luyện tính khác nữa. Không mảy may uổng phí thời gian, nên lúc nào cũng học thêm được một cái gì đó kể cả những giây phút mà hoàn cảnh cuộc đời buộc ta phải tạm dừng lại giẫm chân tại chỗ.
Chúng ta hãy quyết tâm nghiêm túc rèn luyện cho thành thói quen quý trọng thời gian, làm cho nó thành hẳn nếp sống bền vững của mình. Đến khi đó, ta dần hiểu thế nào là sống có tâm hồn, sẽ xót xa trước những cảnh đời không biết dùng thời gian làm gì cả, tới mức tìm cách “giết thời gian”(!), ta sẽ thấy xa lạ các lối sống ‘chỉ để ý ba chuyện tào lao’, ‘trong đầu óc chẳng có mảy may tư tưởng-mục tiêu nào đang đeo đuổi cả’, lối sống ‘hết hội hè, tiếp tân, lại sinh nhật, tiệc tùng liên miên’, ‘chỉ dạ hôị, xem phim, hát xướng, vũ trường, chơi bời, …’, đó là chưa nói nghiện ngập nữa. Có thể nói đây là một tiêu chí đơn giản dễ ứng dụng thực hành khi cần đánh giá nhanh một con người, ví dụ khi bạn trẻ tìm chọn người yêu, chọn bạn trăm năm chẳng hạn: hễ xét thấy ai đó không quý, ngược lại xả láng thời gian, thì có thể xa lánh ngay không thương tiếc.
Học tập tích cực, sâu sắc các mặt như nêu trên - đúng là khổ luyện, nhưng học tập cũng đẹp, vui, lí thú lắm chứ, góp phần chăm sóc, nuôi dưỡng tâm hồn ngày một cao đẹp, vui đời lên mãi.
VUI ĐỜI
Nhờ vui đời không ngừng mà rèn luyện tâm hồn tốt. Đổi lại, nhờ tâm hồn được rèn luyện tốt mới có vui đời không ngừng.
Niềm vui luôn gắn với cái đẹp, với thiện chí và lẽ phải, cho nên không thể bỏ quên niềm vui khi tiến hành rèn luyện tâm hồn.
Phải rất coi trọng niềm vui, vì như một ý tưởng rất nhân văn đã nêu “đời có sẵn nguồn vui, con người cần biết hưởng thụ ngọn nguồn đó của đời”. Cuộc đời là một khúc ca, ‘hãy hát lên’. Vậy câu nói “sống nghĩa là làm việc” không được hiểu một cách cực đoan thành ‘sống chỉ là làm việc’. Con người còn cần biết hưởng thụ và bảo tồn tạo dựng niềm vui cho tâm hồn mình. Lại cần biết góp phần một cách có ý thức tạo thêm và làm phong phú thêm mãi niềm vui cho người thân và mọi người nữa chứ. Như thế hưởng thụ và tạo thêm niềm vui đều vì nhân sinh – nâng cao chất lượng cuộc sống. Bản thân niềm vui của mỗi người bắt nguồn từ nhân sinh quan người đó. Tâm hồn con người có nhiệm vụ sử dụng niềm vui hữu ích nhất cho công việc của mình. Dùng niềm vui làm cho sự sống thực sự triển nở, cởi mở, hào phóng, dẹp bớt ưu sầu ‘nơi trần thế’. Vâng, bàn cả vấn đề ‘trần thế’ đấy: cuộc đời mỗi cá thể hữu hạn “ngắn ngủi như giọt sương mai”. Lẽ tự nhiên này được chấp nhận hết sức tự nhiên trong tâm hồn nhờ niềm vui đời. Đời ai cũng cần niềm vui, tựa như một nhu cầu bản năng vậy. Niềm vui đời nảy sinh từ ý niệm rõ rệt sự trường tồn của thiên nhiên, xã hội, dân tộc, dòng họ, nhân văn
Chúng ta còn chủ động dùng niềm vui để tăng hiệu suất hoạt động của mình. Nói chung ở đời, thái độ tiếp nhận mọi sự việc phải luôn tích cực dù đời có xảy bất ngờ thế nào mặc dầu. Bởi vì tiếp nhận sự vật không chỉ để tiếp nhận, mà là để hành đỘng bằng ứng đáp thích hợp. Nếu vậy tiếp nhận bao giờ cũng phải là tiếp nhận kép gồm cả hai mặt âm-dương đi liền nhau, tức bao giờ cũng phải có niềm VUI. Niềm vui nâng cánh tâm hồn để hành động, là chỉ số về ‘mức vị tha’ nơi ta còn lại nhiều hay ít, là vũ khí bảo vệ tâm hồn trong hành động.
Ở trên vừa nhắc vấn đề hưởng thụ niềm vui. Về vấn đề hưởng thụ đó trong khung cảnh ‘luyện từ gốc tâm hồn’, cần lưu ý hai khía cạnh tế nhị:
Thứ nhất là hưởng thụ một cách thanh tao, đâu phải kiểu ‘tận hưởng lạc thú’ chìm đắm vô độ, đâu phải kiểu ‘sống gấp’. “Vui quá ắt sinh buồn” rồi trống rỗng, rồi với cảm giác ‘uổng phí đời’ mà thôi. Thứ hai là hưởng thụ niềm vui chỉ trở thành trọn vẹn, khoáng đạt nếu là trên nền an tâm đã và đang tròn mọi bổn phận với ý thức đầy đủ về TRÁCH NHIỆM đã nhận lãnh trên đôi vai mình. Vì cuộc đời chỉ thật sự vui nếu vui có ý nghĩa khi tự giác về Trách Nhiệm. Trào lưu thời đại hiện nay tiến lên nhanh chóng nên có lúc tưởng như không kịp có thời gian cho sự phán đoán về chữ Trách Nhiệm vừa nêu, và cả về ‘mục tiêu, lẽ sống, ý nghĩa cuộc sống’? Chỉ biết đã dễ sinh nhiều hẫng hụt. Nên về ý niệm Trách Nhiệm, Bổn Phận, rất cần tránh cầu kì, cố chấp, cầu toàn, mỗi người phải luôn kịp thời sửa đổi cho phù hợp để luôn ý niệm được chúng, do đó lúc nào cũng có thể dễ thật sự vui.
Để hưởng thụ niềm vui tốt hơn ta có thể xem gương cha ông đã ý niệm được niềm vui thế nào. Ngược dòng lịch sử, ta tìm hiểu tính cách sống ung dung tự tại, rộng mở của các bậc hiền nhân nước ta và phương Đông, ta thấy nói chung nó xuất xứ từ sự thể nghiệm, lãnh hội được giá trị đặc biệt của niềm Vui trên nền của lạc quan tiến thủ. “..Khi nhiệt tình học tập đã quên ăn, khi hứng thú làm việc đã quên mọi ưu phiền … Biết điều hay - không bằng biết niềm Vui” (đó là câu nói của Khổng Tử).
Chúng ta càng cần luyện cách hưởng niềm vui đời bền vững: trong mọi tình huống căng thẳng, chúng ta hãy biết tự buông lỏng và không quan trọng hóa những điều vụn vặt, biết phóng thích mọi khó chịu, bực bội, phức tạp, gây buồn phiền ra khỏi tâm trí để rèn luyện tâm hồn tốt mà một biểu hiện là không ngừng vui đời.
NỤ CƯỜI là cách biểu lộ tự nhiên của niềm vui đời chính đáng và thần thánh nữa của tâm hồn được rèn luyện. Tất nhiên có chút khía cạnh y học: cười tác dụng tốt lành đối với sức khoẻ. Thậm chí cười có thể giúp cho tuần hoàn, bài tiết, tiêu hoá, biên độ hô hấp, sự thăng bằng thần kinh-thể dịch thuận lợi hơn. Cười còn giải toả sự căng thẳng đầu óc thật tài tình, có khi hết lúc nào không biết, ngăn chặn sự đăm đăm chăm chú vào các stress. Về tác dụng của cười, ta hãy nghe một người thọ 122 tuổi nói. Bà Jeanne Calment (1875-1997), quê ở gần Marseille (Pháp) lúc sinh thời được hỏi về bí quyết trường thọ, đã khuyên: “Hãy giữ nụ cười. Có lẽ nhờ nó mà tôi sống lâu”. Tâm hồn giữ được trẻ của bà còn có đặc điểm ‘rất phóng khoáng’, ưa nói thẳng, giỏi hài hứơc không ác ý, cũng là để giữ nụ cười.
Nét mặt tươi như hoa, vâng không phải tiếng cười, chỉ là cười nụ làm gương mặt luôn rạng rỡ, quý hoá thay! Khác với muôn loài, con người có ‘gương’ mặt có thể ‘phản chiếu’ cái ánh cao quý của tâm hồn. Với tâm hồn được rèn luyện, nâng cao, không khư khư ích kỉ mà chan hoà với xung quanh, thì nét mặt tươi như hoa nếu điểm xuyết những nụ cười chân thành thì quả là tác phẩm hoàn mỹ của Tạo hoá.
Ngược lại có những người, chẳng coi ai ra gì, tự buông thả cho phép mình vênh vênh mang bộ mặt lạnh lùng, lãnh đạm như mặt nạ vô cảm (cũng là ‘chủ trương’(!) của một số tác giả nước ngoài như đã nêu trong mở đầu bài này) ‘tới mức xua đẩy mọi người’ và cứ thế mang cái lạnh lẽo thờ ơ ấy, thậm chí cao ngạo khinh người, mà đi gieo rắc nơi nơi.
Có nhân bản hơn không nếu suốt đời gương mặt luôn đồng hành với nụ cười hồn hậu xuất phát từ trái tim vị tha chân thành, nụ cười ban phát được hoà khí, có thể toả sáng làm tiêu tan u ám mỏi mệt, khơi dậy lòng tin, hy vọng và lạc quan vui đời, thậm chí có thể truyền vào mai sau (ví dụ nụ cưới vị tha từ một ân sư uy tín truyền cho cho cả cuộc đời các thế hệ học trò nối tiếp, nối tiếp mãi).
HÀI HƯỚC là một đỉnh còn cao hơn. Là gì vậy? Ai cũng có những lúc công việc gặp nguy hiểm, căng thẳng. Những lúc này tại sao ta không biết khôn ngoan (và cao cường nữa) cho đan xen một cách rất tự nhiên chất khôi hài, dí dỏm vào? Nếu đời giống như ‘tấn trò đời’ (theo cách nói của H. De Balzac) thì trong đó mỗi chúng ta rất có thể nhập vai (cách nói của Shakespeare) mà diễn đoạn nguy hiểm căng thẳng ấy cho rõ thật dí dỏm, đầy bản lĩnh. Đời đương nhiên là có chất khôi hài và rất cần phải có nó là vì vậy. Còn Hài Hước là đỉnh cao của nụ cười và niềm vui đời khi điểm xuyết một số hạt ngọc trí tuệ tinh tế có chất khôi hài. Nếu nâng lên sánh vai cùng chất văn-học-truyện-kể thì mới thành những truyện hài hước, thật dễ mến. Truyện hài hước là nhu cầu của mọi cộng đồng xưa và nay, đông và tây. Hầu như dân tộc nào cũng có kho tàng truyện hài quý báu của mình.
Một đặc điểm của khiếu hài hước là châm biếm thuần tuý để cười vui: về sinh hoạt, cười cả bản thân mình, vừa phủ định vừa khẳng định, không ẩn ác ý, không xúc phạm khuyết tật thể chất những người nghe, cũng không ngầm mang tính chất dạy đạo đức. Thế mà hài hước có công dụng tuyệt vời, khó mà kể hết. Có khi nó còn được dùng để đối đáp một cách thông minh các lời nói khích hoặc lời tấn công thậm chí trấn áp, không đáp mà là đã đáp, ‘cứ nhẹ nhàng’ kể, chuyện lấy chất liệu từ lời đối phương nói khích rồi phát triển lên cao trào, lên mãi tới thái cực, đến độ vượt các cực đoan đó nên rành rành
là phi lí. Nhờ thế, giữ được hoà khí, đưa được bầu không khí căng hoặc ‘bị đầu độc’ trở lại bình thường.
*
ĐỐI DIỆN THẤT BẠI,
HẠNH PHÚC, TUỔI TÁC...
Việc luyện từ gốc tâm hồn cũng nhằm đối đầu - xử trí các vấp ngã, thất bại, bệnh tật, tuổi tác, hạnh phúc…Mỗi khi đối diện thất bại, hạnh phúc, hoặc tuổi tác, sẽ rất rõ việc luyện này phát triển đã tốt hay chưa, và là dịp để việc luyện ấy trong thực tế được tiếp tục nâng lên.
Hiểu rõ sống ở đời không thể không trải qua nhiều THẤT BẠI có thể gây ra nhiều đau đớn. Mỗi lần như thế nếu nhăn nhó, buồn rầu, thở than lâu thì những tổn thất, có thể chỉ là ‘không đáng kể’ thôi, sẽ trở thành nặng nề hơn. Và hậu quả khác còn dở hơn nữa: tinh thần sẽ yếu đuối thêm.
Thái độ đúng đắn về tiếp nhận thất bại là: dám cắn răng, đứng dậy, mỉm cười như hứa hẹn sẽ rèn dũng khí, tự trau dồi để ứng phó với những trở ngăn sẽ còn lớn hơn nữa. Biết chấp nhận thực tế ‘đời là những thách thức’ để đối đầu và vựơt qua. Không để tự an ủi, nhưng hiểu quy luật ‘trong cái âm đã ẩn cái dương’, trong cái xui rủi bao giờ cũng ẩn chứa điều ích lợi cho mình nếu biết cách và đủ nghị lực tận dụng. Bỏ cảm tính sang một bên, hãy tỉnh táo và sáng suốt rút kinh nghiệm hoàn toàn khách quan, rồi hành động tiếp như đối với một thách đố trí tuệ. Có thể lạc quan tiếp nhận thách đố như trò chơi thuở còn thơ, hoặc trò chơi (game) trên vi tính lắm chứ. Đã chẳng có câu ‘cuộc đời là một cuộc chơi, hãy vào cuộc’ đấy sao. Vượt qua đợt thất bại đang thử thách mình lần này thì lòng tự tin và lạc quan hồi phục và nâng lên. Chính cái này mới là quan trọng hơn rất nhiều, có khi là vô giá; mua được nó chỉ nhờ giá đắt của các thất bại vừa nếm trải vậy.
Thất bại tựa như cơ hội bằng vàng để sẽ gặt hái những cải tiến cụ thể nữa, “cái khó ló cái khôn”, tăng bề dày lịch duyệt và từng trải. Người ta phải học được ở các sai lầm (dẫn đến thất bại) của mình nhiều hơn ở các thành công của mình.
Vậy phải biết luôn lòng tự nhủ lòng luyện chấp nhận thất bại như ‘một keo thua tạm thời’ trên lữ trình cuộc đời thăng-trầm, tròn-khuyết, thuận buồm-ngược gió.
Trên đây là thái độ đúng, còn ứng phó cụ thể là gì? Là nhẫn nại. Cảnh ngộ này đã từng gây thất vọng, đổ sụp, mất tinh thần. Nhưng ở tâm hồn có rèn luyện thì lúc này sinh ra nhẫn nại như một hệ luận bắt buộc mà lại là sáng suốt nhất. Hơn thế nữa, nhẫn nại được dịp ra sức mài sắc thêm. Đây chẳng phải là ‘duy ý chí hay khắc khổ chủ nghĩa mà là am hiểu quy luật. Cứ tính sơ sơ cũng đủ thấy lúc này nhẫn nại cần thiết mức nào: Nhờ nhẫn nại nên sẽ không bao giờ thoái chí bỏ cuộc, sẽ có thể dám tạm lùi một bước, nếu cần, cho thành công vẻ vang về sau. Nhờ nhẫn nại, sau thất bại thường trở nên đằm tính, bớt nóng vội, lắng nhiều vào nội tâm kiên trì bền bỉ, không quá sốt ruột, có thể lo chuẩn bị cho giai đoạn ‘nước rút ở khúc cuối đường đua’. Tầm quan trọng của giai đoạn nước rút ấy đã từng có trong một câu thơ cổ Trung Hoa:
Ngàn dặm, qua được chín trăm,
‘mới là nửa đường’.
Việc hiểu ‘nghệ thuật’ ứng phó vấp ngã-thất bại như trên với các khía cạnh cơ bản sâu sắc có thể trở thành chỗ dựa đầy ân tình cho không ít bạn trẻ nhất là vị thành niên hiện gặp thất bại đầu đời đang nghĩ tới trốn tránh đời (tự tử) một cách vô trách nhiệm với người thân và mọi người. Các bạn trẻ đó sẽ thấy ra rằng dù thất bại đến đâu, cũng chỉ là lâm thời, thể nào cũng vựơt qua được, cũng không phải ngõ cụt đường cùng, cũng không phải ngày tận số.
Việc luyện từ gốc tâm hồn cũng nhằm giành lấy, biết tiếp nhận, bảo vệ-duy trì và hưởng thụ HẠNH PHÚC.
Hạnh phúc là gì, nó bao gồm phạm vi rất rộng, nhưng đối với mỗi con người từ muôn thuở, trước hết và căn bản nhất, nó là hưởng tình yêu đôi lứa tốt đẹp, yêu trọn vẹn và được yêu đáp lại trọn vẹn. Để đạt được hạnh phúc này và mọi hạnh phúc khác nói chung, có những nguyên lí chung rất đáng đúc kết.
Không có được hạnh phúc nếu không biết chấp nhận những hạnh phúc tương đối, không biết nghệ thuật tự hài lòng.
Khoa học còn chứng minh rằng phải có những hi sinh bản thân vì người hoặc sự nghiệp mình yêu mới có thể hiểu chính mình và mới đạt được những niềm vui hưởng hạnh phúc tình yêu. Người xưa, nay và sau này đã yêu đang yêu… mãi mãi nhận ra chân lí ấy. Điều này không chỉ trong tình yêu đôi lứa, mà trong mọi tình yêu. Trong lịch sử, có biết bao nhà khoa học, nhà cách mạng, bậc hiền minh, bậc cha mẹ ... trải những khổ lụy mức cùng cực mà cảm thấy đạt hạnh phúc vô biên chỉ vì họ trải nghiệm và hiểu rằng hi sinh, hiến dâng là hạnh phúc: hạnh phúc riêng bản thân hoà làm một trong hạnh phúc những người mình yêu quý.
Trong đó thường bao gồm biết bao thống khổ chẳng thể nào tả xiết:
“Như rác dưới chân dê móng lừa,
“như bụi dơ trên chổi,
“như bóng chiếc giường qua ánh đèn,
“người nghèo bị mọi người từ bỏ" (Panchatantra do Vichnousarman viết)
Mà nhiều khi một sự quan tâm chỉ nhỏ nhoi nhưng rất tình cảm sẽ là vô giá, được ghi nhận suốt đời:
“Một người đáng kính, một niềm tin lớn
“một món quà cho đúng nơi và đúng lúc từ tay người đứng đắn,
“chừng ấy đã đủ cho kiếp sau.” (Panchatantra).
Còn như làm ‘chức năng’ vua mà không mảy may sống vì dân chúng thì bên xứ Ấn Độ từ thế kỉ II đã có câu mỉa mai:
“Mang danh vua làm gì
“Những ông vua hẹp hòi, keo kiệt?
“Đáng tôn kính các nhà hiền triết
“không phải thần giữ của, mà là Siva” (Panchatantra)
Người xưa nói thấm thía nhường vậy! Vâng, đó cũng là ý niệm hạnh phúc của người bình dân mọi nơi, đơn giản mà thâm thuý.
Hạnh phúc phải chăng là do cơ may, số mệnh? Phúc hoạ là chuyện may rủi? vậy hạnh phúc chỉ là cơ may? Trên sân khấu cuộc đời, có chuyện hạnh phúc nhờ cơ may không? Có chứ vì ‘cuộc đời cũng là những cơ may’ mà. Nhưng lại chỉ những người có lẽ sống, biết chuẩn bị, có nỗ lực đến mức đạt năng lực và tự tin thì càng luôn sẵn sàng và chủ động chớp lấy được và tận dụng được các thời cơ, các dịp may thì mới tạo ra được thành công - hạnh phúc chứ. Họ nghĩ rằng mỗi cố gắng là góp thêm vào gặt hái, họ không sống dựa vào may rủi. Cậy có chút thông minh, chỉ ngồi mát chờ cơ may thì không đủ, cần quá trình phấn đấu lao động gian khổ, chủ động nỗ lực, chứ không tiêu cực mặc theo cơ may và ‘số mệnh’. Hơn thế nữa, lại phải luôn lường trước những khả năng xấu nhất để chủ động chuẩn bị kỹ các đối sách hữu hiệu nhất. Chờ hạnh phúc kiểu ‘há miệng chờ sung’(‘ấp cây đợi thỏ’), thì bản thân cái ‘chờ’ đó dù có tới cũng đâu phải là hạnh phúc đích thực.
Hạnh phúc có thể ở ngay trong mỗi hành động vị tha? Hành động vị tha hướng thiện vừa nêu trên có thể đơn giản là làm việc thiện, nhân ái, dù rất nhỏ :
“Dù có một miếng chăng nữa,
“tại sao không chia cho người nghèo khổ một nửa?” (Panchatantra).
Cái rất nhỏ ấy có khi lại chẳng gì so sánh được:
“Cái ích lợi sinh ra từ tài sản lớn ở người giàu,
“Thì người nghèo có thể có được với một kâkini
(Kâkini:tiền lẻ làm bằng vỏ ốc)”(Panchatantra).
Ngay bên cạnh, quanh chúng ta biết bao tấm gương vị tha trong sáng. Trong đó có những hành động vị tha bật dậy như một phản xạ tự nhiên nhanh như tia chớp, đẹp như huyền thoại: ví dụ em Thạch Hưng, 11 tuổi học sinh trường Bình Điền, huyện Hương Trà (Thừa Thiên) ngày 11 tháng 4 năm 1999 khi chợt thấy 3 em bé té xuống bị trôi ra giữa vực nước (thôn Phú Tuyên, thượng nguồn sông Hương), Hưng đã lập tức nhảy xuống vực một mình cứu 3 đứa trẻ, cứu xong Hưng cũng suýt chết đuối, chân bị cây đâm thủng chảy máu. Qua lời Hưng trả lời nhà báo, ta thấy em nghĩ chuyện đó là ‘tự nhiên’, dường như là ‘bình thường’. Nhưng chúng ta hiểu dường như là ‘thiêng liêng’, là tiệm cận lẽ huyền của hạnh phúc.
Những hành động vị tha - như sự hi sinh đương nhiên - hoàn toàn không tính toán, bất vụ danh lợi, không vì để được đáp lại! Như thế, lòng vị tha đích thực sẽ chẳng bao giờ đánh giá người khác, người ‘đời’ vong ân nhiều hay ít, luôn nhẹ nhàng nhận thức chuyện không có đền đáp cũng là lẽ ‘bình thường’, gần như đương nhiên.
Hơn nữa người thực sự vị tha còn coi hành động vị tha của mình như một trách nhiệm trả ân với đời, và còn như một nguồn vui to lớn mà mình cảm nhận được, nó sẽ tạo sức sống, tạo hạnh phúc cho chính mình. Vả lại hi sinh vì tha nhân (vị tha) mà tha nhân lại là cái TA (mình với quê hương, gia đình, người thân, ..) vốn rất hài hoà với cái TÔI trong truyền thống văn hoá Việt Nam.
Lại có những tấm gương vị tha cảm động mà chỉ đơn giản là nhẫn nhịn hoặc chia sớt đau thương: sau chiến tranh, trên đất mẹ đã thấm bao máu và nước mắt nhỏ xuống, một số những con người Việt Nam vô danh, mà nhân hậu thuỷ chung, vốn mang trên đôi vai nhỏ bé của mình cả sứ mệnh nước non, đã biết tự hàn gắn vết thương mà chiến tranh đã để lại ở cõi lòng và cuộc đời mình bằng phẩm chất cao quý là vị tha: biết vì nhau nhẫn nhịn, biết sẻ chia những mất mát đau thương của nhau và cả tình yêu - chút hạnh phúc bé nhỏ bình dị của bản thân cũng nhường nhau.
Hạnh phúc trong hành động vị tha ở những bình diện khác: quan tâm người khác, đối thoại thực sự, yêu nước- yêu tự do…
Đó là sự quan tâm tới bạn bè một cách chân thành, vun đắp tình bạn chân chính, sẽ có nhiều bạn, có nhiều niềm vui, và cảm thấy hạnh phúc. Nghĩ nhiều về bạn hữu, về người khác thì những stress, những lo lắng ôm nặng trong lòng mình, nếu có, sẽ tự nhiên vơi nhẹ hẳn.
Mà rộng hơn, cao hơn một bậc thì đó là tinh thần “tiên ưu hậu lạc” cao quý mà Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hồ Chí Minh thường nhắc tới.
Những người luôn hứng thú quan tâm chân thành tới người khác, thân thiết tìm hiểu hoàn cảnh và động cơ của người khác, không tiếc thời gian cùng họ đàm luận những vấn đề mà họ quan tâm, và làm việc tốt cho họ với nụ cười rạng rỡ thì hẳn tạm quên được chính mình, tự nhiên cuộc đời mình thêm rộng mở hạnh phúc mà lại ‘giàu bạn’ nữa.
Giữa những con người này, có thể nảy nở những ‘đối thoại thực sự’ tức không bình phẩm chung chung mà có phần bộc lộ chân thành cái tâm của cả hai phía đối thoại, có vang lên ngọt ngào tên của nhau, trò chuyện cùng nhau trúng vào chủ đề hứng thú nhất của nhau. ‘Đối thoại thực sự ’ quả là nâng cao tâm hồn, và cũng là thấu đạt hạnh phúc. Những người như thế nếu làm những nghề như nghề thầy thuốc, thầy giáo thì phải nói là rất thích hợp. Trong khi đó, người vị kỉ một cách cực đoan, vốn dĩ không từ một thủ đoạn nào, không bỏ sót một cơ hội nào chỉ nhằm lợi lộc cho bản thân, thử hỏi làm sao có thể chung vui với mọi người, nói gì đến ‘thương người như thể thương thân’ hoặc biết ‘lấy ân báo oán’, làm sao không xa lạ với hạnh phúc!
Vấn đề ‘hạnh phúc’ và ‘vị tha’ không thể tách rời lòng yêu tự do, yêu nước. Vì sao?
Hành động vị tha là không vụ lợi cho bản thân, như vừa nêu trên. Nhưng nói theo các từ ngữ của Trang Tử, vị tha đích thực còn có nghĩa là ‘vô ngã’, không do ‘Tư ngã’ chỉ do ‘Thiên tánh’, ‘Bản tánh’, ‘Chân thể’, hành vi thuận theo ‘Tự nhiên’; đó là ‘đức’ vậy. Hành vi vị tha hiểu theo nghĩa rộng còn là, vẫn theo khái niệm của Trang Tử, trừ khử những gì trở ngại cho sự sống ‘tự nhiên’ ấy - tức tự do thiêng liêng của con người. Từ đó ta thấy vấn đề vị tha’ không thể tách rời lí tưởng yêu tự do, giải phóng con người. Cũng tức là không thể tách rời chuyện lo cho dân cho nước được phồn vinh; vươn tới nền văn minh toàn thiện, chứ không phải kiểu ‘văn minh’ thèm muốn và tranh cướp phúc và lợi của người khác, kiểu ‘văn minh’ đạp lên đầu nhau mà ‘tiến’, kiểu ‘văn minh’ đeo bám quyền lực chẳng qua vì danh lợi. Tóm lại, dù học sâu biết rộng mà nhẹ về nâng cao lòng vị tha, quên bồi bổ tình thương yêu tha nhân, tình yêu nước thì làm gì có hạnh phúc đích thực.
ĐỐ KỊ – đối kháng của hạnh phúc. Hạnh phúc thường bị cướp đi bởi đố kị. Đã nói hạnh phúc dứt khoát phải diệt tính đố kị, ghen tỵ. Đố kị, không chỉ là chuyện gây stress, mà là chuyện mất còn của hạnh phúc. Theo triết gia La Mã Epictê thì:
“Ghen tỵ là kẻ thù của hạnh phúc.”
Điều dở của tính đố kị này không chỉ ở mức :
“Gà tức nhau tiếng gáy” ;
mà ở mức: xoá đi niềm hạnh phúc của bản thân và của nhau; và nặng tội nhất là ở mức: tổn hại cho việc chung - bất cộng tác
Hiềm một nỗi, đố kị, ghen tỵ là bệnh vô cùng phổ biến ! Trong nghề y, khi viết mấy chục cuốn sách phổ thông phòng chống bệnh tim mạch, hoặc sách ‘Nuôi dưỡng tâm hồn’ (NXBPhụ nữ-2000) chúng tôi có dịp rất nhiều lần nêu đố kị, nhiều độc giả nói họ tâm đắc nhất phần viết về ‘Stress do đố kị’. Nhưng lại có mấy một độc giả nữ góp ý riêng rằng phần ấy “viết kỹ quá, như tác giả có tâm tư riêng”, nhưng quên thú thật rằng: “viết rất đúng về tính của cô ta, chịu không xiết!”. Vâng quả nữ độc giả ấy đã lộ rằng bản thân mình bị ‘chạm nọc’. Vậy phần được tâm đắc là hay nhất đã trùng hợp với phần bị coi là dở nhất. Sự trùng hợp ấy vô tình đã cùng đề ra một nhận định thống nhất: đố kị là vấn đề liên quan tất cả mọi người.
Nó cũng chứng minh giùm rằng điều lâu nay mọi chúng ta vẫn đều suy ngẫm về tính xấu nào là của tuyệt đại đa số người xưa và nay, nhất là ở người Việt Nam ta, nay đã rõ: chính là đây rồi - đố kị, tất nhiên độ đậm nhạt có khác nhau.
Tính xấu này tuy không phải là nặng nhất, nhưng rõ ràng là thuộc bệnh phổ biến nhất và lẵng nhẵng dính bám theo có khi suốt đời, và cướp đi hạnh phúc của bao người. Chúng tôi chứng kiến anh S bị bạn T đố kị cả khi T sắp qua đời! Chúng tôi rất buồn khi thấy cụ A gạt đổ hết ấm chén trên bàn xuống đất mà quát: “Thế ra là B nổi tiếng hơn tôi sao?!”. Và còn v.v.. , và ‘một ngàn lẻ một’ chuyện như vậy.
Chúng tôi thường nghĩ đố kị có thể sử dụng như một test (trắc nghiệm) về mức hạnh phúc của mỗi con người? Mức đố kị tỉ lệ nghịch với mức hạnh phúc và với kết quả rèn luyện tâm hồn. Chúng ta mỗi người thử dùng nội dung đố kị để tự xét lòng mình, và tự trắc nghiệm kết quả của từng giai đoạn trên con đường rèn luyện tâm hồn của mình.
Cách tiếp nhận TUỔI TÁC cũng là một trong các thước đo mức luyện từ gốc tâm hồn. Trong đó có tiếp nhận tuổi già và cái chết. Lòng chúng tôi thầm khâm phục cách tiếp nhận tuổi tác ở Giáo sư Bác sĩ Hồ Đắc Di, người Thầy kính mến của chúng tôi. Lúc sang tuổi 80 Thầy vẫn giữ nguyên niềm say mê làm việc, Thầy vẫn say mê với mấy cuốn sách Thầy đang viết, đang dự kiến viết, đang đọc, Thầy vẫn khuyên các học trò nên làm những việc gì… Thầy còn tự tay viết lời tựa cho cuốn khảo luận tâm lí xã hội đầu tay của chúng tôi. Trong lời tựa đó có những tư duy liên quan cách tiếp nhận tuổi tác và sống chết như:
“Sự trẻ trung của bộ mặt cần phải được thay thế bằng sự trẻ trung của trí tuệ và tâm hồn”.
“Tuy số phận sinh vật học (của con người) là không thay đổi được- định mệnh...nhưng con người là vô tận”.
“Con người là hữu tử, đồng thời là bất tử ”.
Hôm chúng tôi từ thành phố Hồ Chí Minh ra thăm Thầy đang phải nằm bệnh viện, Thầy nói:
“Tôi sống cái tuổi 80 của tôi
“cũng thú vị như những năm tôi tiếp nhận “tuổi 30 và 50 (ý muốn nói 30 + 50 = 80).
Ít lâu sau, cũng tại chiếc ghế đá trong vườn bệnh viện này, với nét mặt bình yên, với ánh mắt vẫn bỡn cợt, hài hước, cởi mở, thẳng thắn, Thầy đã dí dỏm chơi chữ cho chúng tôi nghe :
“Dưới 80 tuổi, ta bám lấy đời
Ngoài 80 tuổi, đời bám lấy ta”
Và vẫn là sở trường chơi chữ rất đắt suốt cuộc đời Thầy, nhưng sâu xa nhường nào, lòng các trò thấy thương Thầy vô hạn, Thầy như đang vĩnh biệt trước khi về cõi vĩnh hằng:
“Làm cho ra trò, chết cho ra thầy.
Đó là khẩu hiệu đời sống của tôi”.
Chúng tôi liên tưởng tới một nữ sĩ nổi tiếng nước Nga là Olga Forch, năm 80 tuổi viết xong cuốn tiểu thuyết lớn (“đi đầu vì tự do”), năm 1961 ngoài 80 tuổi đã có những suy tưởng về tuổi tác thật trẻ, thật đẹp và đầy ắp đạo lí giao lưu :
“Nửa trước của cuộc đời
“là sự tích lũy tư tưởng, tình cảm, kinh nghiệm
“để sau đó trả lại cho mọi người”
Một tâm hồn thật trẻ ở tuổi ngoài 80!
Cho hay người ta chỉ già vì điều tệ hại nhất là thờ ơ, bàng quan – sự lạnh lẽo của tâm hồn.
Chủ tịch Viện Hàn lâm Pháp một thời là A. Guéniot (1832-1935, thọ103 tuổi), cho rằng con người có thể duy trì được thông minh nếu chống được tâm trạng buồn chán nó làm mất thú vị cuộc sống. Chấp nhận tuổi tác với ý thức tiếp tục hữu ích cho người khác mà thích thú cho bản thân, A. Guéniot thủ thỉ với người bạn thân :
“Khi nào anh vượt tuổi 80 anh sẽ thấy
“anh thông minh ra biết chừng nào”
Cũng ý đó, nhưng C. Fiessinger nói bằng hình ảnh:
“Tựa như mặt trời sắp lặn đỏ rực cánh đồng,
“trí thông minh sáng láng hơn bao giờ hết
“sẽ lóe lên rực rỡ những tia chói lọi nhất”
Và Williams James có thái độ đầy tự tin về tuổi tác :
“Càng cao tuổi tôi càng cảm thấy
“sẵn sàng bắt đầu cuộc sống”
Những thái độ tiếp nhận tuổi tác đẹp, đầy nghị lực như thế không hiếm ở đời, treo tấm gương sáng cho mỗi chúng ta.
*
T hế mới hay ở mỗi con người ta, bên cạnh đời sống vật chất, còn mênh mông cả một đời sống tâm hồn đa dạng rất cần được quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng, rèn luyện một cách toàn diện, bền bỉ bằng khoa học và bằng cả một nghệ thuật
Tp Hồ Chí Minh 1984-2008