Đời người nhiều khi thành đạt hay làng nhàng, hạnh phúc hay đau khổ, giàu có hay bị gậy, vợ đẹp con xinh hay lủi thủi thân cô có khi vì những duyên cớ lãng xẹt. Ví như làm bài thi thiếu một con số không, vừa lãnh tiền nhà băng ra liền bị cướp trắng tay, đang đi trên lề đường thì bị xe tải chồm lên vì thằng lái xe say rượu, hay vì bị mẹ người yêu hiểu lầm. Còn đời anh vuột mất một mối tình thơ dại chỉ tại cái chuồng heo.
*
Anh và nàng học chung lớp chung trường từ lớp nhất đến lớp đệ nhất, tức lớp một đến lớp mười hai bây giờ. Nhà hai đứa cùng ở trong một xóm nhỏ ven sông nhưng đâu lưng nhau, cửa trước mỗi nhà mở ra hướng khác nhau, đằng sau hai nhà đều có khoảnh sân rộng; chỉ khác là trên khoảnh sân nhà anh có một cái chuồng nuôi heo và một cây me cổ thụ rợp bóng, mỗi nắng xế hào phóng che mát luôn những chậu hoa hồng hoa cúc trên khoảnh sân nhà nàng.
Thói quen rủ nàng cùng đến trường không biết có từ lúc nào, có lẽ từ lúc hai đứa không cần người lớn cầm tay dắt qua cây cầu ván vắt ngang con sông chia thị xã thành hai. Lớn lên anh mới có cảm nhận bất cứ miền quê hay thành phố nào có con sông vắt ngang đều thơ mộng và trữ tình, chứ hồi nhỏ anh sợ chết khiếp mỗi lần phải đi qua cây cầu, ngoài lối cho xe chạy ở giữa, hai bên còn có lối đi nhỏ hơn dành cho người đi bộ, tất cả đều lót bằng ván gỗ. Ngày đó mỗi lần qua sông và về nhà, anh cứ chăm chăm nhìn các kẽ giữa hai thanh gỗ, dù rất nhỏ, anh vẫn nhìn thấy màu nước xanh chập chờn dưới sông và tưởng tượng mình sẽ rơi cái tỏm rồi chìm nghỉm, bỏ mặc nàng mặt xanh lét như tàu chuối non, đứng khóc không ra tiếng.
Mỗi sáng, anh đánh một đường vòng qua cửa nhà nàng, rồi hai đứa đi chậm dọc theo bờ sông trước khi lên dốc cầu, qua hết cây cầu chỉ cần đi thẳng một đường, qua hai cái ngã tư là đến trường tiểu học, còn qua năm cái ngã tư là đến trường trung học. Hai đứa thân thuộc như hình với bóng, hễ nàng nghỉ bệnh là anh cũng muốn bệnh theo vì sợ phải lủi thủi đến trường học một mình. Tụi bạn chọc ghẹo dữ lắm, chúng gán đôi cho anh và nàng nhưng hai đứa vẫn cùng đi cùng về, có ngày mưa còn che chung một chiếc áo mưa màu xám dầy cộm của ba nàng. Đó là những năm tháng hạnh phúc nhất đời anh.
Thị xã thật êm đềm, cư dân sống bằng nghề đánh bắt cá mực, làm nước mắm, buôn bán, lái xe … Tất nhiên có một số người hưởng lương như công chức, thầy giáo, cảnh sát, lính tráng.
Ba anh làm nghề đánh bắt cá mực, chỉ là người làm thuê trên thuyền cá nên chật vật lắm mới đủ nuôi mấy đứa con đến trường. Người làm thuê trên thuyền đánh bắt hải sản gọi là đi bạn, chủ thuyền đầu tư từ con thuyền, lưới chài đến chi phí ăn uống hàng ngày cho đám bạn thường từ mười đến mười hai người. Tiền bán cá mực sau khi trừ chi phí sản xuất, không tính vốn đầu tư phương tiện, sẽ được chia hai phần, chủ thuyền hưởng một phần, phần còn lại được chia cho tất cả bạn thuyền. Nói chung, bạn thuyền lao động cật lực, có khi đổi mạng sống của mình để kiếm miếng cơm manh áo. Vào thập niên một chín sáu mươi, miệt biển quê anh mới có thuyền đánh cá chạy bằng thủy động cơ, chứ trước kia bạn thuyền phải thức thâu đêm để chèo thuyền, vừa ngước cổ nhìn sao mà van vái đất trời ban cho cơn gió mạnh, để xổ cánh buồm giúp thuyền đi nhanh đến nơi buông lưới.
Má anh buôn bán cá, bà xuống bến mua cá rồi phân ra nhiều rổ nhỏ bằng bàn tay đan bằng tre gọi là cái xịa, kĩu kịt gánh gồng lên chợ miệt quê cách đó năm bảy cây số để bán. Khi thuyền đánh cá vừa đâm mũi vào bờ, những người đàn bà mua cá đã nhao nhao giành giật, họ hô lớn : thùng số một, thùng số hai, thùng số ba … Có nghĩa là khi bạn thuyền đong thùng cá có ngọn nặng Khoảng hai muơi ký đầu tiên, đổ vào giỏ cần xé khiêng lên bờ, thì người hô thùng số một sẽ được mua theo giá của người nhà chủ thuyền rao bán, rồi cứ thế tiếp tục. Có khi tới mười người bắt số nhưng thuyền chỉ đánh được năm thùng cá thì người bắt số sáu trở lên phải quáng quàng chạy tìm mua cá nơi thuyền khác cho kịp buổi chợ. Những người đàn bà phơi nắng mưa trên bãi biển trong khi chờ thuyền về bến thường xỉa bài tứ sắc, cãi cọ, mắng mỏ, thậm chí cả đánh nhau để giành giật mua cá tươi được gọi bằng cái tên có vẻ miệt thị là bọn rổi. Ở vùng biển quê anh có hai loại rổi, rổi nuớc là người dùng thuyền chèo ra cửa sông đón mua cá khi thuyền chưa kịp cặp bờ, rổi bờ là người mua cá trên bến. Mẹ anh thuộc loại rổi thứ hai. Ở vùng biển, chửi người khác “ đồ rổi rác” là khinh miệt ghê gớm.
Vậy mà có lần mẹ nàng đã chửi mẹ anh là “đồ rổi rác”.
Ba nàng làm công chức trong tòa hành chánh tỉnh, như là ủy ban nhân dân tỉnh bây giờ. Ngày đó, lương một công chức xoàng cũng đủ nuôi vợ và mấy đứa con, ba nàng lại là người có chức vụ nên gia đình nàng thuộc loại khá giả, mẹ nàng chỉ lo việc nội trợ, chăm sóc con cái; hoàn toàn trái ngược với cảnh vật lộn sóng gió, giành giật mớ cá mớ tôm để mưu sinh như gia đình anh. Mẹ nàng xinh đẹp, quý phái, nghe đâu là con một vị quan từng được triều đình Huế trọng dụng. Nàng thừa hưởng của mẹ về nhan sắc và cả sự giáo dục công – dung – ngôn - hạnh của người phụ nữ thế kỷ trước.
Anh chưa bao giờ bước chân qua cái cổng gạch có giàn hoa ti gôn để vào nhà nàng, anh chỉ dám thập thò bên kia đường nhìn sang hai cánh cổng gỗ lên nuớc đen bóng và nặng nề, chờ nghe tiếng ken két và cánh cổng mở hé vừa đủ cho nàng lách mình bước ra, cười nhỏ nhẹ với anh và hai đứa cùng đến trường. Còn ba má anh thì càng không có lý do gì để bước vào cái thế giới hoàn toàn khác biệt với cuộc sống của một gia đình nghèo sống nhờ sự hào phóng nhưng tâm tính cũng thất thường của biển cả..
Cũng tại cái chuồng heo mà sanh chuyện.
Năm đó, mùa cá thất bát. Cả năm vật lộn sóng gió, khi thuyền đã kéo lên bờ, tính ra mỗi bạn thuyền chỉ được chia vài ngàn bạc. Ba anh ôm tấm nốp rách về nhà, trong túi không có lấy một đồng vì chủ thuyền đã trừ tiền mượn trước. Má anh bày chuyện nuôi mấy con heo để bỏ ống. Cái chuồng heo được xây bên gốc me, chỉ xây ba vách còn vách thứ tư mượn bức tường ngăn giữa sân hai nhà. Hai tháng đầu, gia đình nàng không hề biết có cái chuồng heo nằm sát sân sau nhà mình nhưng qua tháng thứ ba, heo lớn nên ăn nhiều, mà ăn nhiều thì chúng thải phân nhiều, do đó mà rắc rối. Một sáng chủ nhật, má nàng sang nhà anh. Nhiều năm sau anh còn ao ước phải chi không là sáng chủ nhật để anh không có mặt và phải nghe những lời nói đau lòng giữa hai người mẹ.
Anh lúng túng chào mẹ nàng. Đó là lần đầu tiên anh thấy bà ở cự ly gần nhất, bà không để ý đến lời chào của anh, mà nhỏ nhẹ nói với má anh về mùi hôi thối của phân heo nồng nặc theo gió bay vào nhà bà, phân heo còn sinh nhiều ruồi gây mất vệ sinh, ảnh hưởng sức khỏe của người trong xóm. Má anh nổi máu rổi lên, hỏi móc họng :
- Bà có quyền gì cấm tui nuôi heo?
Mặc người phụ nữ hiền hậu điềm đạm giải thích, má anh càng to tiếng và có thái độ thách thức :
- Tui cứ nuôi heo đó, bà có chê hôi thúi thì bán nhà đi nơi khác mà ở.
- Đồ rổi rác!
Buông câu khinh miệt lạnh lùng, má nàng bỏ về với thái độ tức giận.
Lúc này, anh muốn bảo mẹ hãy thôi xúc phạm người khác và chạy theo xin lỗi má nàng nhưng anh đứng chôn chân, thầm trách má mình thật quá quắt, đã đối xử y như một mụ rổi trên bến cá. Anh run sợ ôm mặt khóc nức nở. Anh cảm thấy hoàn toàn bất lực vì không ngăn chặn được một sự đổ vỡ ghê gớm đang diễn ra, một sự đổ vỡ không cách gì hàn gắn được.
Sáng thứ hai, anh đến trước cổng nhà nàng rất sớm, sắp sẵn những lời xin lỗi má nàng và cả nàng nữa, mà anh sẽ chân thành nói với nàng trên đường đến trường. Nhưng khi tiếng ken két của cánh cổng gỗ nặng nề vang lên, nàng không xuất hiện một mình mà thêm một thằng mặc đồng phục trường trung học tư thục cách trường công lập anh và nàng đang học mấy trăm mét. Thằng này dắt chiếc xe đạp ra cổng, ngồi lên yên xe, một chân đặt trên pê đan; nó chờ nàng vén tà áo dài, ngồi sau pọt ba ga, liền nhấn pê đan. Chiếc xe lảo đảo rồi bon bon, bỏ anh đứng chết trân bên đường. Anh còn kịp bắt gặp ánh mắt nàng nhìn lướt qua anh buồn bã. Đó là một buổi sáng của năm học đệ tam, tức lớp mười bây giờ, một buổi sáng không lúc nào nguôi ngoai trong ký ức kẻ không còn bình yên suốt những năm sau đó.
Vào giờ ra chơi, nàng chủ động tìm anh.
- Má Hương Giang không cho hai đứa mình đi học chung nữa. Má nhờ anh Nam, con người bạn của ba má chở Hương Giang đi học. Hùng hiểu cho, nhưng Hương Giang vẫn coi Hùng như người bạn thân nhất của mình.
- Tôi xin lỗi má Hương Giang, cả Hương Giang nữa …
Không để anh dứt lời, nàng buồn buồn :
- Hương Giang không trách má Hùng đâu. Thôi, bỏ qua chuyện đó đi. Cũng không phải vì chuyện đó mà má không cho đi chung đâu, má nói lâu rồi nhưng Hương Giang không vâng lời. Hương Giang thích đi bộ với Hùng hơn …
Dưới chân cầu bên kia sông có một công viên nhỏ trồng nhiều cây vông. Những cây vông già vươn cành khẳng khiu lên nền trời xanh, điểm lác đác những chiếc lá mềm mại bằng nắm tay em thơ, đến mùa hoa vông nở, những cánh hoa thanh mảnh đỏ rực bay loang loáng trong nắng sớm mỗi khi có cơn gió từ phía biển nồng nàn vị mặn vô tình tạt qua. Những cánh hoa đỏ thắm lượn lờ rồi êm đềm phơi mình trên cỏ non, trên mặt đường hay đôi khi rất dịu dàng đậu trên một bờ vai, một mái tóc của cô nữ sinh tha thướt trong chiếc áo dài trắng. Không được cùng nàng sánh bước, mỗi sáng sớm, anh đến ngồi trên hàng trụ công viên xây thấp chờ Hương Giang ngồi sau chiếc xe đạp chạy ngang. Có khi nàng khuất lấp trong dòng sông trắng, anh vội vàng đến trường, nhìn thấy nàng để yên tâm là nàng không bệnh họan phải nghỉ học. Mà đâu xa xôi cách trở, đợi đến giờ vào lớp là anh được nhìn thấy Hương Giang, nói vẩn vơ với nàng vài câu nhưng sao anh cứ bồn chồn, lo lắng làm như không còn được đi chung đường đến trường là anh sẽ mất nàng vĩnh viễn. Bóng hình nàng đã chập chờn suốt đêm qua khiến anh thao thức, hai mắt anh cay sè và đôi tai thì lùng bùng tiếng thầy cô giảng bài, trong khi đầu óc anh bị ám ảnh bởi những vần thơ con cóc của kẻ tưởng tượng mình bị người tình phụ bạc.
Rồi câu chuyện tình chưa có thật của anh và nàng cũng đến hồi có chiều hướng thành có thật, khi anh quyết tâm gửi cho nàng lá thư qua “ bưu điện hộc bàn”. Trời ạ, nàng đã hồi âm lá thư than mây khóc gió gửi gắm tình cảm của anh một cách bóng gió xa xôi. Đến bây giờ, sau bao nhiêu năm, anh vẫn còn thuộc lòng từng nét bút nghiêng nghiêng của nàng trên tờ giấy vở học trò : “ Hùng mến, Hương Giang rất mến Hùng. Hương Giang cảm nhận được tình cảm của Hùng dành cho Hương Giang nhưng hai đứa mình còn là học trò, hãy ráng học hành đỗ đạt, ra trường đi làm rồi hãy tính chuyện xa xôi, Hùng nhé …”.
Mùa hè năm đó anh trèo cây rất giỏi. Hương Giang hầu như không đi ra khỏi nhà, má nàng thuê thầy đến nhà ôn tập hè cho nàng, họa hoằn lắm nàng mới đi chợ nhưng lúc nào cũng có má kè kè. Nhớ cô bạn có mái tóc dài xỏa lưng và đôi mắt long lanh, anh chỉ còn cách trèo lên cây me um tùm cạnh chuồng heo để nhìn sang sân nhà nàng.
Hương Giang có hai em gái. Chiều mát, ba chị em thường chơi nhảy lò cò trên khoảnh sân rộng. Ba chị em ném cục mảnh sành vào các ô hình vuông vẽ trên đất, chân co chân nhảy lò cò, rồi cúi lượm mảnh sành và lò cò về điểm xuất phát, ai ngã thì thua cuộc. Người được người thua đều cười giòn tan, tiếng cười bay qua khỏi bức tường thấp, đến tai anh đang núp kín đáo ở một chạc ba cây me. Có lẽ Hương Giang chơi lò cò vì muốn chiều cô em út, nàng thường vờ ngã, chịu thua cho các em vui. Ba chị em mê mải chơi, còn anh mê mải ngắm nàng, nàng cột tóc đuôi ngựa nên mỗi lần lò cò, cái đuôi ngựa quất qua quất lại trên lưng, gương mặt nàng sáng rỡ hồn nhiên, tươi tắn chứ không nghiêm trang và lặng lẽ như lúc ở trường. Trong bộ đồ hoa màu nhạt mặc ở nhà, trông nàng thật nhỏ nhắn và thân thương. Cũng có khi nàng bắc ghế ngồi đọc sách, tóc lòa xòa rủ trước trán, ánh mắt nhìn xa xăm.
Mùa me chín, anh chọn hái những quả đẹp mắt nhất, ném qua phía sân nhà nàng. Cây me không biết có phải nhờ phân heo không mà mùa này cho trái chín ngòn ngọt, không chua nhiều như trước. Ngồi khuất sau chạc ba rậm rạp, anh thích thú nhìn nàng và hai em nhặt me. Mãi mãi Hương Giang không biết vì sao me chín rụng rất nhiều ở phần sân nhà nàng. Anh muốn tặng me chín cho nàng một cách đàng hoàng nhưng sợ má nàng biết, rồi lộ chuyện anh leo lên cây nhòm ngó nhà người khác. Anh biết, trong mắt má nàng, anh là thằng hư hỏng, thằng du côn, thằng con mụ rổi …
Đến bây giờ, anh vẫn cho rằng anh đánh thằng Nam là vì nó xứng đáng hưởng như thế. Anh đang có những buổi sáng mùa đông cùng nàng bước chậm qua cây cầu ván cong cong mờ tỏ trong hơi nước và sương mù quyện nhau thì con kỳ đà Nam cản mũi. Anh đang có buổi trưa bụng đói cồn cào nhưng cứ muốn con đường dài ra mãi vì không muốn xa nàng thì có thằng hớt tay trên. Chỉ tưởng tượng thằng Nam vờ đạp xe lọang chọang để nàng sợ hãi ôm choàng thắt lưng nó là máu nóng phừng phừng lên mặt anh. Khoảng nửa tháng sau ngày anh không còn được phép đi học chung với nàng, vào một đêm, anh phục kích thằng Nam ở một khúc cua vắng người, bất thần nhào ra trút tất cả nỗi giận dữ lên người nó.
Sáng hôm sau, Hương Giang đến lớp trễ. Nàng căm giận ném cho anh cái nhìn sắc như dao cắt cau ăn trầu của bà nội anh. Có lẽ chính thằng Nam cũng không biết ai đã đánh mình và vì duyên cớ gì, nhưng nàng thì đoán biết. Giờ ra chơi, nàng chặn anh nơi cửa lớp.
- Hùng độc ác lắm. Sao Hùng lại đánh anh Nam?
- Tôi đánh Nam hồi nào? Ai làm chứng?
Anh chối phắt, còn nàng cứ đổ tội cho anh :
- Sáng nay tôi đi trễ vì chờ anh Nam nhưng anh không đến. Em gái anh nói là đêm qua anh bị người ta đánh, có lẽ vì ghen ghét …
- Tôi có quen biết gì anh Nam của Hương Giang đâu mà nói tôi ghen ghét rồi đánh anh ta?
Anh lý sự, cố tình nhấn mạnh “ anh Nam của Hương Giang”. Nàng nhìn thẳng vào mắt anh, gằn từng tiếng :
- Mình làm mà không dám nhận thì … hèn lắm!
Nhìn ánh mắt thất vọng và căm giận của nàng, anh muốn hét to : “ Ừ, tôi đánh nó đó, tôi đánh nó không phải vì ghen ghét mà vì … ghen tuông”, nhưng nàng đã quày quả bỏ đi.
Mấy cú đấm đá của anh vậy mà có hiệu quả. Nam không còn chở nàng đi học, nhưng anh cũng không bao giờ còn được đi cùng nàng trên con đường đến trường nữa. Nhiều lần núp trên cây me, nhìn bóng dáng thân thương đi lại, anh chỉ muốn mua thuốc chuột suốt mấy con heo cho nó rồi đời nhưng sợ má anh nợ nần, đành thôi.
*
Tình bạn giữa anh và nàng trong sáng biết bao, và một tình yêu lãng mạn êm đềm đã len lén lan tỏa trong tâm hồn thơ dại của hai đứa học trò. Biết đâu, tình yêu lãng mạn và thánh thiện này không là căn bản cho một gia đình hạnh phúc của anh và nàng. Và chắc chắn rằng, được cưới nàng làm vợ, anh sẽ nên người hơn chứ không lông bông suốt những năm sau đó. Biết bao nhiêu cái biết đâu sẽ tốt đẹp hơn cho đời anh nếu không có cái chuồng heo …