(Lời thưa: Bài này tôi viết để trả lời tạp chí Tia sáng. Sau khi đọc tác giả trên mạng, tôi sẽ có những bài tiếp theo, vì đây là câu chuyện dài)
Tạp chí Tia sáng số 17 ra ngày 5 tháng 9 năm 2008 đăng bài “Di truyền học và cuộc tranh luận về nguồn gốc loài người” của Tiến sĩ Đỗ Kiên Cường. Đó là khảo cứu công phu và hữu ích giúp cho người đọc tiếng Việt tiếp cận với cuộc cách mạng tri thức đang sôi động trên thế giới.
Tuy nhiên, có thực tế là, ngoài trường phái Mỹ mà tác giả sử dụng tư liệu chủ yếu, còn trường phái Anh, Úc, châu Âu (Ý, Tây Ban Nha)… nghiên cứu cùng chủ đề, công bố nhiều thông tin quan trọng. Mặt khác, cũng phải nhắc rằng, giống như lĩnh vực nghiên cứu hạ nguyên tử (sub-atomic), sinh học phân tử là khoa học đòi hỏi độ chính xác cao mà kết quả nghiên cứu phụ thuộc chặt chẽ vào phương pháp và công cụ thí nghiệm. Vì vậy nói tới chủ đề này cần có cái nhìn bao quát nhiều tư liệu của các trường phái khác nhau để rồi chọn lọc đưa ra chủ kiến của mình. Nếu chỉ tin một nguồn tư liệu, rất có thể sa vào trạng huống bi hài của những thầy bói xem voi.
Bài viết này, tôi chỉ xin trao đổi lại với tác giả về những điều liên quan tới tôi trong những dòng sau: “Không khó để thấy sai lầm của tác giả. Vì ông lập thuyết dựa trên cuốn Địa đàng phương Đông: Lục địa Đông Nam Á bị chìm, một cuốn sách phổ biến khoa học không được đánh giá cao của Oppenheimer, chuyên gia nhi khoa nhiệt đới người Anh và diễn giải sai công trình về bộ gen người Trung Quốc của Chu và 16 đồng tác giả đăng trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Science, ngày 29-9-1998”
1. Việc đánh giá cuốn Địa đàng ở phương Đông
Đáng ngạc nhiên về tư duy của một vị tiến sĩ. Thế nào là cuốn sách phổ biến khoa học không được đánh giá cao? Đấy phải chăng là tiêu chí chất lượng? Hơn nữa, ai đứng ra đánh giá? Một suy nghĩ mang tư tưởng tiểu nông, bầy đàn. Vấn đề ở đây là cuốn sách sai hay đúng, đưa lại những gì mới?
Hơn 30 năm trước, Stephen Oppenheimer là bác sĩ nhi khoa vô danh tới làm việc tại các đảo Nam Thái Bình Dương. Khi đi khám, chữa bệnh sốt rét cho một số bộ lạc thiểu số, ông bỗng nhận ra mối liện hệ giữa bệnh sốt rét và sắc tộc. Từ đó ông vận dụng kiến thức di truyền, vẽ bản đồ phân bố bệnh sốt rét. Những bài viết đầu tiên của ông thông báo về gene miễn nhiễm sốt rét liên quan tới sắc tộc đã làm xôn xao y giới. Là nhà nhân bản lớn, từ phát hiện này, ông đi sâu vào nghiên cứu ngôn ngữ, phong tục tập quán, truyền thuyết, folklor của nhiều tộc người sống “ngoài rìa thế giới”. Hàng trăm bài báo đuợc đăng trên những tạp chí uy tín. Và công trình 20 năm của ông là cuốn sách trên. Những đóng góp trong đó có Địa đàng phương Đông giúp ông trở thành Giáo sư của Oxford, Trường Đại học danh tiếng hàng đầu thế giới.
Từ giữa thế kỷ trước đã có một số ý tưởng cho rằng văn hóa Đông Nam Á lâu đời, ảnh hưởng tới văn hóa Cận Đông… Nhưng chính S. Oppenheimer là người dũng cảm gạt bỏ mặc cảm tự hào da trắng để viết Địa đàng phương Đông, tập sách lớn đầu tiên mang ý nghĩa phát hiện về Đông Nam Á với tư cách là cái nôi văn hóa của nhân loại.
Đánh giá một công trình khoa học tùy thuộc vào nhận thức của từng người. Riêng với tôi, đấy là công trình quan trọng nhất, mang tính cách mạng về vận mệnh Đông Nam Á. Chẳng những đưa lại công bằng cho những tộc người từng có công khơi mở văn minh nhân loại, nó còn giúp cho các dân tộc Đông Nam Á giác ngộ, ngẩng đầu tự nhận thức về mình sau hàng trăm năm bị chủ nghĩa thực dân đầy đọa. Tôi cho rằng, sẽ tới lúc, đại gia đình ASEAN phải đúc tượng vàng vinh danh ông với tư cách người tìm lại văn hóa và nhà giải phóng tư tưởng lón nhất đối với Đông Nam Á.
Tuy quan trọng như vậy nhưng không thể lập thuyết dựa trên cuốn Địa đàng phương Đông. Cái chính yếu mà tôi nhận được từ cuốn sách là sự cổ vũ về tinh thần cùng với một định hướng công tác: đi tìm cội nguồn các dân tộc Đông Nam Á, từ đó tìm ra lịch sử, văn hóa đích thực của họ.
2. Về tài liệu của nhóm Y. Chu
Thực tế cho thấy, dù có trong tay Địa đàng ở phương Đông, Genographics của nhóm Spencer Wells hay Out of Eden của S. Oppenheimer thì ta cũng chẳng có thể nói được gì về cỗi rễ người Đông Á. Thông tin về di truyền trong Địa dàng phương Đông không dành cho mục đích này. Còn hai công trình sau là những tài liệu di truyền học đại cương (general genetics), mô tả hành trình của con người nói chung rời châu Phi chiếm lĩnh Trái đất. Không thể dùng chúng để nghiên cứu riêng từng sắc tộc. Đó là nhiệm vụ của di truyền học sắc tộc (ethnic genetics).
Rất may là từ giữa năm 2004 tôi tiếp cận công trình của Giáo sư Y. Chu: Đa dạng di truyền người Trung Hoa (Chinese Human Genome Diversity Project). Phải nói rằng, ở thời điểm ấy, khi Bản đồ gen người chưa được công bố, đó là tài liệu duy nhất tôi có trong tay. Buồn ngủ gặp chiếu manh hay chết đuối vớ được cọc chính là tâm trạng tôi lúc đó.
Tài liệu Y. Chu có mấy điểm chính:
- Người tiền sử từ châu Phi theo đường phương Nam đến Việt Nam khoảng 60-70.000 năm trước.
- Dừng lại ở đây trong 10.000 năm, họ lai giống, tăng nhân số, lan tỏa khắp Đông Nam Á lục địa rồi 50.000 năm trước di cư tới châu Úc và 40.000 năm trước chiếm lĩnh các đảo ngoài khơi Đông Nam Á.
- Cũng khoảng 40.000 năm trước, do thời tiết ấm lên, người từ Đông Dương đi lên lục địa Trung Hoa và khoảng 30.000 năm trước đi lên Siberia, rồi vượt eo Bering sang châu Mỹ.
- Đặc điểm di truyền của người Trung Quốc phương Bằc khác người Trung Quốc phương Nam. Di truyền người Việt Nam gần gũi với dân Nhật Bản, Hàn Quốc và Nam Trung Hoa.
- Người Mông Cổ, người Altaic cũng từ Đông Nam Á đi lên mà không phải từ Trung Á sang.
- Người Việt Nam có chỉ số đa dạng di truyền cao nhất trong các sắc dân Đông Á.
Trong các khảo luận của mình, tôi đã khai thác trung thành và triệt để tài liệu đó. Chính nhờ vào phát hiện mang tính đột phá của công trình này, tôi hoàn thành cuốn sách Tìm lại cội nguồn văn hóa Việt (NXB Văn học – 2007). Sau đó, bổ sung tư liệu, cho in cuốn Hành trình tìm lại cội nguồn (NXB Văn học – 2008)
Đề nghị ông Đỗ Kiên Cường chứng minh xem tôi diễn giải sai ở chỗ nào? Gán cho người khàc tội diễn giải sai công trình về bộ gen người Trung Quốc của Chu mà không hề chứng minh, là thái độ kẻ cả, chủ quan khinh suất không nên có trong sinh hoạt học thuật.
Ở trên tôi có nói: vấn đề chúng ta đang bàn là đề tài nghiên cứu của nhiều trường phái, đưa ra những kết quả có khi mâu thuẫn nhau. Nếu không biết chọn lọc mà chỉ nghiêng hẳn về một trường phái có thể dẫn tới những ngộ nhận đáng tiếc.
Trong bài viết của Tiến sĩ Đỗ Kiên Cường, có những điểm đáng bàn sau:
- Theo Wells, tác giả khẳng định 60.000 năm trước mới có đợt di cư quyết định cuối cùng và phủ định công bố của S. Oppenheimer cho rằng di cư chủ yếu từ 80-90.000 năm trước. Nhưng khảo cổ học đã phát hiện bộ xương Mongoloid ở LiuJiang, Quảng Tây có tuổi 68.000 năm trước. Cố nhiên nếu 60.000 năm mới rời khỏi châu Phi thì trước đó 8.000 năm không thể hiện diện ở Quảng Tây!(1)
- Ông nói: “Theo Wells và nhiều người khác, từ Trung Đông lên Trung Á (Bắc Afginistan) mới là hành trình chủ yếu. Khoảng 90% cư dân ngoài châu Phi là hậu duệ của những nhá thám hiểm con đường này từ 50-40 ngàn năm trước.”
Nhưng tôi cũng có tài liệu của các nhà khoa học Tây-ban-nha, Ý và Georgia. Khi phân tích AND của 5000 chiếc răng hóa thạch tìm được ở châu Âu, đã phát hiện rằng, khoảng 40.000 năm trước, khí hậu cải thiện, những người từ Trung Đông đi lên châu Âu. Ở đây họ hòa huyết với những người từ châu Á tràn sang, sinh ra tổ tiên người châu Âu. Do số lượng người châu Á quá đông nên trong bộ gene người châu Âu, dòng máu châu Á là chủ thể! (2)
- Ông Đỗ Kiên Cường viết: “vậy người Hán có nguồn gien chủ yếu từ đâu? Chủ yếu từ người Mongoloid phương Bắc (có nguồn gốc Altai thuộc Siberia; Trung Á và Đông Nam Á, mà ban đầu cũng từ Trung Á), và từ người Mongoloid phương Nam (hậu duệ của người Mongoloid phương Bắc di cư xuống Tây Nam Trung Quốc, Tây Bắc Đông Nam Á. Người Việt có thể có nguồn gốc Mongoloi là vì vậy.”
Có thể nói rằng, đó là cách hiểu sống sít đầy tính sách vở, thiếu thực tế. Xin hỏi: Có đúng người Hán có nguồn gen chủ yếu từ Mongoloid phương Bắc? Nếu vậy thì mã di truyền (genome) đại đa số người Hán phải là Mongoloid phương Bắc! Nhưng trên thực tế, chủng Mông cổ chỉ là một trong 53 tộc thiểu số bao gồm 200 triệu, trong khi 1.100 triệu là Mogoloid phương Nam!
Điều này tôi đã trình bày rõ trong bài Cội nguồn người Hán và sự hình thành nước Tàu. (3)
Những dòng ông Đỗ Kiên Cường dẫn trên có thể không sai. Nhưng lỗi chính là do ông không nắm được thời điểm hình thành rồi di chuyển của từng chủng người cho nên đưa ra một mớ bòng bong khiến người đọc bối rối.
Phải mất nhiều tâm trí, tôi mới gỡ được từ mớ bòng bong đó những sợi như sau:
- 84.000 năm trước đang thời Băng hà. Rời khỏi châu Phi, những người trụ lại Trung Đông, do thời tiết khắc nghiệt, không thể đi lên phía bắc, chịu đựng trạng thái tiềm sinh: mấy chục ngàn năm nhân khẩu tăng chậm và hầu như dậm chân tại chỗ về văn hóa. Trong khi đó những người đi về phía mặt trời mọc, tới được địa đàng. Khí hậu ấm áp, thức ăn dồi dào, họ hòa huyết, tăng nhanh nhân số, sáng tạo dồ Đá mới, lan khắp Đông Dương và các đảo Nam Thái Bình Dương. Khoảng 40.000 năm trước, khi khí hậu phia bắc tốt hơn, người từ Đông Dương đi lên Trung Hoa, rẽ về phía Tây, vượt cao nguyên Tibet, vào Trung Á. Cũng lúc này, cái nhóm người nhỏ nhoi sống èo ọt ở Trung Đông mới có thể đi lên châu Âu qua eo Bosporus. Nhưng chính ở đây họ đã gặp rất đông đảo người mạnh mẽ, giỏi giang hơn từ châu Á sang. Hai dòng hòa huyết tạo ra tổ tiên người châu Âu hiện đại. Chuyện người từ châu Âu quay lại Trung Á, vào Tây Tạng rồi đi lên Đông Bắc châu Á, sang châu Mỹ là có thực, nhưng muộn hơn, vào khoảng 20.000 năm trước. Những người Altaic trong số đó chỉ tạo thành nhóm thiểu số ở Đông bắc Trung Hoa, Triều Tiên và Nhật Bản (4). Họ không có vai trò đáng kể trong bộ gene dân cư Trung Quốc. Nhưng truy nguyên, chính họ cũng từ gốc Đông Nam Á đi lên theo con đường ngoắt ngoéo. Trên đường di cư, họ tiếp nhận ít nhiều yếu tố Europid (da trắng, rậm lông).
Một thực tế là, nếu chỉ có dữ liệu di truyền học, thì ngay cả di truyền sắc tộc như của nhóm Y. chu, cũng không giải quyết được những vấn đề phực tạp của dân cư Đông Á. Cùng lắm, chúng chỉ là cái la bàn cho ta phương hướng.
Tổng hợp tài liệu nước ngoài, dịch rồi công bố là công việc mà Khổng Tử gọi là “thuật nhi bất tác.” Nhưng khi chưng cất tinh túy của dữ liệu di truyền đem luyện với hồn vía những tri thức khảo cổ học, cổ nhân học, ngôn ngữ học, folklor, truyền thuyết… đề xuất ý tưởng chưa từng có thi đích thị là “tác”rồi. Mọi sự “tác” khi mới ra đời đều mong manh, dễ bị tổn thương, nếu vùi dập sẽ gây ra oan nghiệt. Trong bài Thưa chuyện với sử gia tạ Chí Đại Trường (5), tôi phải cân nhắc nhiều mới dám hạ bút: “Dù với sự thận trọng của người dám chịu trách nhiệm, chúng tôi cũng buộc phải thưa rằng, sử gia Tạ Chí Đại Trường không thể chối bỏ tội lỗi với văn hóa dân tộc!” Nếu muốn trung thực, không thể viết khác. Vị sử gia này đã phủ định sạch trơn triết gia thiên tài Kim Định, góp phần đẩy lui học thuật và tư tưởng dân tộc nhiều thập kỷ!
Khi làm việc, tôi gắng sức tách mình ra, đứng cao hơn những tư liệu trước mặt để nắm bắt cái “hồn vía” của chúng. Điều mấu chốt với tôi là người tiền sử đã theo con đường phương Nam tới Việt Nam. Người Việt cổ đã từ Việt Nam đi lên khai phá đất Trung Hoa. Tổ tiên chúng ta mang theo rìu đá rồi giống lúa, giống kê, giống gà, giống chó xây dựng nông nghiệp lúa nước từ sông Hồng, sông Mã tới Trường Giang, Hoàng Hà, đưa Đông Nam Á thành trung tâm nông nghiệp tiên tiến và rực rỡ nhất thế giới cổ đại.
Sài Gòn Trung Thu 2008- Bản của tác giả
1. Karen Rosenberg. University of Delaware, Deparment of Anthropology. New York. De 19716. USA
A late pleistocene human skeleton from Liujiang, China suggests regional population variation in sexual dimorphism in the human pelvis. Variability and Evolution 2002.vol.10:5-7
2. Proceedings of the National Academy of Sciences
(http://www.radio-canada.ca/nouvelles/Science-Sante/2007/08/07/004-europe-colonisation-asie.shtml?ref=rss)
3. Hà Văn Thùy. Hành trình tìm lại cội nguồn. NXB Văn học. Hà Nội, 2008.
4. Hà Văn Thùy. Góp một cách nhìn về lịch sử Nhật Bản. havanthuy.ourprofile.net; vanchuongviet.org
5. Hà Văn Thùy. Sách đã dẫn.