Từ Hà Nội trở về sau cuộc liên hoan truyền hình toàn quốc, chúng tôi quyết định phải đi cho được một đọan đường Hồ Chí Minh, và coi đó là một dấu ấn cho chuyến đi xuyên Việt. Những người cùng đi đều có quê ở Tây Ninh, lớn tuổi thì tham gia kháng chiến ở ngay xứ quê mình. Nhỏ tuổi thì thậm chí không biết đến chiến tranh là gì. Họ có cái háo hức của họ, còn tôi, có cái háo hức của tôi. Chí ít thì tôi cũng có gần nửa của năm 1972 làm quen với Đường mòn Hồ Chí Minh, khi ấy, tôi mới là một anh nhà báo binh nhì, lấy chiến trường làm nơi thực tập cho chương trình đại học báo chí dở dang. Thực tình mà nói, cho đến hôm nay, tôi cũng chưa biết cái bằng đại học nó như thế nào. Đang học trường Tuyên giáo trung ương, khoa báo chí, thì mùa hè đỏ lửa Quảng Trị rền vang tiếng súng. Chiến dịch mùa xuân 1972, Quảng Trị, Đông Hà giải phóng. Một ngày đầu năm 1972, nhà thơ Tố Hữu đến trường. Lần ấy, ông không nói chuyện về thơ, mà nói vế chiến tranh. Ông nói về sinh viên các trường đại học đã tình nguyện lên đường vào mặt trận phía Nam. Họ đi để cầm súng, chiến đấu giải phóng Miền Nam. Cuộc chiến đấu ấy phải được ghi lại bằng hình ảnh, bằng những trang viết. Ông bảo: các đồng chí vào chiến trường nhanh lên kẻo muộn. Chúng tôi hiểu: chiến trường đã kêu gọi những phóng viên trẻ tuổi như chúng tôi. Cả trăm lá đơn tình nguyện nhập ngũ. Và tôi, đứng hàng thứ “ bốn mươi chín” trong danh sách 53 sinh viên được tuyển chọn vào lớp phóng viên tiền phương năm đó. Chỉ có hai tháng, học đủ mói thứ; bắn súng ngắn, bắn súng trường CKC, AK, lăn, lê, bò, toài và học… đại học báo chí. Hai tháng gấp rút, chúng tôi học bằng thời gian hơn một năm còn lại của các bạn ở lại trường.
Rồi chúng tôi lên đường vào mặt trận Quảng Trị.
Đầu tháng 5 – 1972, tôi đặt chân đến trạm giao liên T70, đặt ở Bãi Hà, Vĩnh Linh. Trạm nằm trên giải Trường Sơn dằng dặc dài. Trung úy, Hồ Minh Khởi, nguyên là phóng viên buổi Phát thanh quân đội nhân dân lúc ấy là đại đội phó đại đội đặc chủng chỉ có 53 ba người chúng tôi. Anh mới ở chiến trường ra, nhưng vì nhiệm vụ, anh lại cùng chúng tôi vào B thêm lần nữa. Trên con đường mòn len lách trong rừng, bỗng thấy hai ngôi mộ. Hồ Minh Khởi chỉ và bảo chúng tôi: “ Anh em mình đấy. Chôn ở đây, chắc là bị sốt rét ác tính.” Không một tấm bia mộ. Nhưng cả hai ngôi mộ đều sạch sẽ, không một ngọn cỏ. Hồ Minh Khởi dừng lại. Anh bỏ ba lô xuống, chỉnh đốn trang phục, đứng nghiêm trước hai ngôi mộ, ngả mũ, cúi đầu. Chúng tôi răm rắp làm theo.
Hơn một tháng sau, tôi đi thực tế đơn vị về. Anh em trong đơn vị không chạy ra đón tôi như mọi khi. Người ngồi gốc cây này, người ngồi ở mép hầm kia, người nằm dài trên sạp của trạm giáo liên. Đại úy Phan Tấn Trang, đại đội trưởng buông mùng, nằm yên lặng trong đó. Trung úy Trần Huy Vĩnh Ổn, người duy nhất hỏi tôi một câu: “ Thiện về đó hả?”. Tôi không nhịn được hỏi: “ Chuyện gì thế anh Ổn?”. Trần huy Vĩnh Ổn nén tiếng thở dài, tiếng như bật ra trong ngực anh: “ Hồ Minh Khởi hy sinh rồi!”. Tôi ném cái ba lô xuống đất hỏi dồn dập: “ Sao? Bao giờ? ở đâu? …”. Trần Huy Vĩnh Ổn kiệm lời: “ Ở bệnh viện tiền phương. Dưới cao điểm 94, ngoài Vĩnh Chấp. Bệnh viện bị bom B52. Anh Khởi lo cùng bệnh viện đưa anh em thương binh xuống hầm trú ẩn. Một trái bom nổ đâu đó xa lắm. Nhưng một mảnh bom đã xuyên qua bụng anh ấy. Thủng hơn 20 khúc. Không cứu được.” Anh lẳng lặng móc ra một chiếc khăn mui xoa và từ từ mở ra. Trong đó là một mảnh bom, chỉ lớn bằng đầu đũa. Nhỏ thế mà ác độc chưa? Nó đã giết mất một đồng đội, một người người chỉ huy của tôi. Ngày ấy tôi mới ngoài hai mươi, không nén được, tôi òa khóc như một đứa trẻ.Ba mươi sáu năm rồi, tôi còn nhớ nguyên con con đường mòn trên Bãi Hà- Trường Sơn ngày ấy, hai ngôi mộ ngày ấy, và Hồ Minh Khởi.
Bấy nhiêu năm rồi, không biết có ai đưa anh về quê? Anh là người Nam bộ, quê ở tỉnh nào tôi không rõ. Hay bây giờ, anh có nằm ở nghĩa trang Trường Sơn? Có ai biết không, cho tôi biết với. Anh Khởi ơi!
Bây giờ nhớ lại Quảng Trị vẫn nôn nao trong tôi còn vì anh Khởi.
*
Đầu tháng 7 năm 1972. Cả một sư đoàn lính dù của quân Nguỵ Sài Gòn được lệnh bao vây và giải tỏa Thành cổ Quảng Trị lúc đó do quân giải phóng Quảng Trị đang trụ bám bảo vệ. Bom, pháo liên tục như trút xuống thành cổ. Khi bom pháo ngưng là lính dù ào lên, tấn công vào tất cả các chốt của quân giải phóng. Nhưng đã hơn hai tháng ròng, bom cứ trút, pháo cứ chụp, lính dù cứ tấn công, thành cổ vẫn vững vàng.
Tôi và Nguyễn Dĩnh, hai nhà báo binh nhì được lệnh vào thành cổ để viết và chụp ảnh về những ngày chiến đấu căng thẳng ở đây. Hồi mới vào đi cùng chúng tôi còn có ít nhất là một cậu lính trinh sát dẫn đường. Còn hôm đó chỉ có hai chúng tôi. Nhưng dẫu sao, tôi có một sự yên tâm, vì lần xuống Đông Hà lần trước, tôi đã có một cơ sở vũng chắc, đó là nhà chi Thính, ở thôn Đông Hà, năm sát bờ sông Hiếu. Rời trạm giao liên T70 Bãi Hà ở Vĩnh Linh, chúng tôi theo con đường rừng luồn lách tìm xuống đường quốc lộ Một. Đó là đường ngắn nhất để xuống Thành cổ. Hai anh em cũng phải cách nhau chừng năm mét để tránh những bất trắc. Nhưng đến bờ sông Sa Lung đoạn trên , thì buộc chúng tôi phải sáp lại nhau để dìu nhau lội qua khúc sông không sâu nhưng chảy mạnh này.
Vừa lên được bờ bên kia thì bỗng đâu giống như có tiếng sét nổ trên đầu. Cả hai chúng tôi cùng kinh hoàng. Vừa trấn tĩnh được chút ít thì lại nghe tiếng ì ì đâu đó rất gần. Nguyễn Dĩnh hét lên:
- Mẹ kiếp, máy bay…
- Máy bay gì bay thấp thế?
- F8U.
- F8U là gì- Tôi hỏi.
- Biết quái đâu được. Chạy đi không nó tương cho trái rốc két chết bây giờ…
Chúng tôi khoác vội chiếc ba lô, xốc lại dây đeo súng và lúp súp chạy theo con đường mòn từ bờ sông lên. Nhưng chúng tôi quên, chỉ lên hết con đường đó là gặp một cánh đồng trống không. Nhưng cũng yên tâm vì không còn thấy bóng dáng chiếc máy bay đâu nữa. Bỗng nghe một tiếng động chói tai. Chiếc máy bay lúc nãy giống như con yêu tinh hiện ra ngay trên đầu chúng tôi, tưởng như có thể với ta là đụng được nó. Dĩnh lại hét lên: “ Chạy”. Biết chạy đường nào. Xuống ruộng thì lầy, quay lại rừng thì xa. Chỉ có mỗi một con đường bờ ruộng thôi. Đành nhắm mắt mà chạy chớ biết sao bây giờ. Ba lô nẩy xóc trên lưng, súng ngắn đập vào dò. Túi mìn Cơ-lây-mo trong đó có cái máy ảnh Pratica đập vào bụng. Chiếc máy bay lại xà xuống, lần này nó không còn hăm doạ nữa mà xỉa xuống hai chúng tôi một tràng đạn súng máy. Đạn cày trên mặt đất cách chúng tôi chừng hai chục thước. Kiểu này là nó muốn xơi tái hai chúng tôi rồi. Phải liều thoát thân thôi. Chúng tôi chạy thục mạng. Dĩnh cao dò nên chạy trước tôi. Anh quay lại la lên: “ Kiếm cái bờ ruộng mà nấp vào”. Tôi hiểu ý anh: mỗi lần chiếc máy bay chúc xuống thì sau đó buộc nó phải nhao lên, quay ngược lại và phải bay lên thật cao rồi mới bổ nhào xuống. Thế là cuộc đuổi bắt diễn ra thực lý thú. Mỗi lần chiếc máy bay chúc xuống là một tràng súng lại rộ lên, những viên đạn cầy lên mặt đất. Chúng tôi như chọc tức nó. Khi tràng súng vừa nổ, chúng tôi lại bật dậy ào ào chạy tới. Nó quay ngoắt lại, bổ nhào nữa. Không biết chúng xả bao nhiêu tràng súng, và chúng tôi chạy không biết bao nhiêu đường đất. Thêm một lần bổ nhào nữa mà không thấy súng nổ, Nguyễn Dĩnh đứng vụt dậy la lên: “Hết đạn rồi hả? Chơi nữa không mày?” . Vừa hét xong đã thấy chiếc máy bay ngóc lên. Rồi, nó phát hiện mục tiêu rồi. Lần này thì toi. Dĩnh rút ngay khẩu K54 bên người, lên đạn nằm phục xuống. Khi chiếc máy bay xà xuống thêm một lần nữa, Dĩnh đứng dậy. Sau một câu chửi thực tục , anh bấm một lúc hết luôn cả băng đạn trong khẩu K54. Tôi quên nguy hiểm phá lên cười: “ Máy bay Mỹ có ghẻ đâu mà mày gãi, Dĩnh” . Dĩnh buông thêm một câu chửi tục nữa rồi cũng phá lên cười. Ô hay, thế mà cái máy bay bay đi luôn. “ Hết mẹ nó đạn rồi, bọn Mỹ này sài sang thực. Có hai thằng binh nhì mà tốn mấy thùng đạn mà không không ăn thua gì.” Dĩnh nói thế và lại bật cười. Cả hai chúng tôi, người chạt sinh bùn. Hai chiếc ba lô quăng đi từ lúc nào. Trên người chỉ còn có những cái túi máy ảnh và khẩu súng. Chúng tôi vừa thở, vừa quay lại tìm ba lô. Trong đó ngoài một bộ quần áo, lương khô cón có thêm cái tăng và cái võng. Đó là hai thứ không thể thiếu trong chiến trường. Tăng che mưa che nắng, còn để bó xác lỡ hy sinh. Võng để thay giường ngủ. Nhưng nó còn để cáng khi lỡ bị thương.
Quá trưa, chúng tôi đến bờ sông Bến Hải. Trong những ngày ở mặt trận Quảng Trị, đã mấy lần tôi có mặt ở bờ sông này. Lần nào cũng xúc động. Cây cầu Hiền Lương còn đó. Chiến tranh đã khắc lên mình nó những vết thương. Lâu nay, không còn người, không còn xe chạy trên cây cầu ấy. Đó là Vĩ tuyến 17, nơi cách chia hai miền Nam Bắc suốt bao năm trời. Giải phóng Quảng trị, rồi sẽ giải phóng Miền Nam, nơi này sẽ không còn là giới tuyến nữa. Tôi bảo Nguyễn Dĩnh: “ Hôm nay không đi đò nữa. Bơi qua sông?”. Bơi hả. Thì bơi. Nhưng bơi ở chỗ nào?” . “ Ngay chân cầu Hiền Lương này!”. “ Điên hả mày? Thủy lôi, bom từ trường, đầy dưới đó đó” . “Thằng F8U lúc nãy ngay trên đầu còn chẳng sợ, còn thủy lôi, bom từ trường toàn nghe người ta nói. Một lần thôi, bơi được qua sông Bến Hải, là sướng rồi”. Chúng tôi bỏ tất cả mọi thứ vào một cái bao ni lon, loại bao gạo của Trung Quốc. Thế là thành một cái phao. Chúng tôi lội xuống nước. Nước sông Bến Hải vào mùa tháng Tám miền Trung nóng như rang, mát lạnh. Chúng tôi cứ lần theo chân cầu Hiền Lương mà bơi qua. Trong cuộc hành quân vào mặt trận, đã bơi qua sông Hiếu, đã lội dòng Sa Lung, đã ngoi ngóp trên dòng sông Thạch Hãn, đã tắm ở dòng sông Mỹ Chánh, nhưng nước mát của dòng sông Bến Hải hôm đó in hoài trong trí nhớ tôi.
Thành cổ Quảng Trị đã cho tôi hàng loạt bài viết. “ Trận địa phía Tây Niam Thành cổ” in báo Nhân dân. Kể về một cuộc bám chốt giữ đất hất tung những cuộc tấn công của lính dù Ngụy ra khỏi thành cổ. Ngay ấy chúng treo giải: đứa nào cắm được một lá cờ ba que lên tường thành cổ sẽ được thưởng hai mươi ngàn tiền Ngụy và 10 ngày nghỉ phép. Nhưng chỉ một cái cờ bằng bàn tay chúng cũng không cắm được lên mặt thành Tây Nam. Bài” Tổ chốt Hán Duy Long “ đăng báo Tiền phong kể về một tổ chốt có 4 người Long, Tam, Nghinh và Sừ , một ngày đáng không biết bao nhiêu trận. Giếng nước trong thành cổ lẫn xác người chết đã thối. Nước uống phải chuyển từ ngoài vào cho mỗi người, mỗi ngày chỉ có có một bi đông. Hai bi đông nước bị đạn thủng. Một bi đông chia nhau uống. Bi đông cuối cùng được biến thành giảu thưởng. Ai bắn được một tên lính dù sẽ được thưởng một ngụm nước. Đến cuối ngày bi đông nước còn nguyên môi ai cũng khô rát mà không ai muốn uống. Trận tấn công cuối ngày ồ ạt, khẩu trung liên đỏ nòng, đạn bắn ra vãi ngay trước mặt. Những giọt nước từ chiếc bi đông tưới lên nòng súng. Khẩu súng lại lên tiếng. Tổ chốt Hán Duy Long sau đó được tuyên dương anh hùng lực lượng vũ trang. Tôi còn và viết về Đỗ Mến, tiểu đoàn tiểu đoàn 3 bộ đội đia phương Quảng trị ( ngày ấy gọi theo phiên hiệu đoàn K3 Tam Đảo) đã cùng đơn vị bám trụ suốt hơn 80 ngày trong thành cổ. Đơn vị sau này đã cũng được tuyên dương anh hùng. Bao nhiêu kỷ niệm, bao nhiêu bài viết, trong những ngày làm báo ở Quảng trị vậy mà nước mát dòng Bến Hải hồi đó không quên trong ký ức người làm báo như tôi.
Nguyễn Dĩnh bây giờ là đại tá, phó cục trưởng cục Văn hoá tư tưởng, Tổng cục chính trị quân đội nhân dân Việt Nam. Mới đây, có dịp lên Tây Ninh, anh đã tìm tôi. Thời gian chỉ đủ để chúng tôi nhắc lại cái ngày bơi qua sông Bến Hải và cười nhớ cảnh Nguyễn Dĩnh dùng súng ngắn bắn máy bay ngày xưa. Đã có lần có dịp ngang qua Bến Hải, tôi xin phép được đoàn công tác dừng lại để lội ra ngày sát mép sông Hiền Lương, sờ tay và mố cầu Bên Hải cũ để nhớ lại cái lần bơi qua sông ngày xưa
*
Những ngày Quảng Trị đã lùi sâu vào dĩ vãng. Nhưng lâu lâu nó lại thức dậy trong trí nhớ của tôi. Một buổi sáng, tôi bỗng nhận được một cú điện thoại. Một giọng nói của người Quảng Trị vang lên trong tai tôi: “ Tôi, Quy, Nguyễn Xuân Quy ở Ban tuyên giáo tỉnh ủy Quảng Trị đây.”
Quy, cháu gọi chị Thính ở Đông Hà là dì đây mà. Ngày ấy, chúng tôi mỗi lần vào thành cổ Quảng Trị là mỗi lần chúng tôi trụ lại nhà chị Thính chuẩn bị kỹ cho chuyến đi. Quy lúc đó là lính trinh sát của bộ đội địa phương Quảng Trị. Tôi gặp anh chỉ có một lần trong căn nhà nhỏ của chị Thính. Nhưng với chị Thính, tôi có rất nhiều kỷ niệm. Kỷ niệm ấy, đã có lần viết trong bút ký MÙA XUÂN ẤY QUẢNG TRỊ in trên Văn nghệ quân đội. Khi bài ký viết xong, mấy tháng sau tôi nhận được một bức thư của một người phụ nữ có cái tên rất lạ: Đỗ Thị Tư. Bức thư viết:
Kính thưa anh Nguyễn Đức Thiện.
Tôi là người được đọc bài bút ký : MÙA XUÂN ẤY QUẢNG TRỊ, đăng tháng 2 năm 2006 trên Văn Nghệ quân đội. Tôi vô cùng cảm động về những tấm gương chiến đấu thông minh, anh dũng, kiên cường của bộ đội ta trong chiến dịch Quảng Trị năm 1972. Lúc đó tôi còn là học sinh lớp 8/10 anh ạ. Nếu nhân vật Đỗ Mến và là người có trong bức ảnh minh họa của Đoàn Công Tính thì vô cùng quý giá đối với tôi và bố mẹ tôi. Bởi những năm chiến tranh chống Mỹ đó mẹ tôi thường giã gạo đến rất khuya dưới ánh đèn dầu. Thế rồi, thỉnh thoảng mẹ tôi gọi tôi với gương mặt và ánh mắt rạng rỡ: “ sắp có thư của thằng Mến gửi về đấy con ạ.” Vì mẹ tôi tin có hoa đèn là báo có tin vui. ( Hòa đèn là muội đèn dầu khi thắp cháy tạo nên như hình mầm cây mới nở). Bây giờ đọc bài anh viết và nhìn thấy anh Mến trong bức ảnh chụp ở hầm chỉ huy nơi chiến trường ác liệt tôi thấy một điều kỳ lạ: mẹ tôi có niềm tin mãnh liệt vào “ cái hoa đèn” ngày ấy. Mới biết mẹ tôi mong nhớ, lo lắng cho anh Mến nơi chiến trận vô cùng nên chỉ biết tìm thấy niềm tin, niềm an ủi ở nơi nào đó để gắng đợi ngày anh ấy trở về. Anh Mến bây giờ đã nghỉ hưu, sức khỏe không được tốt. Hôm tổ chức kỷ niệm giải phóng Quảng Trị, K3, đoàn Tam Đảo đã tổ chức một chuyến xe, chở 82 người đã từng là cán bộ chiến sĩ chiến đấu ở thành cổ Quảng Trị vào trong ấy dự lễ. Những người anh nhắc đến trong bài viết vẫn còn sống cả đấy. Anh Hán Duy Long bây giờ ở học viện quân y. Anh Sừ còn ở Hà Nội. Anh Mến vẫn nhắc đến anh và bảo tôi gửi đến anh một bức ảnh của anh bây giờ để xem anh có nhận ra anh ấy không?
Nếu còn gì là kỷ niệm với anh Đỗ Mến, xin anh kể nữa đi. Trong bức ảnh của Đoàn Công Tính minh họa trong bài viết của anh người ngồi đội mũ là anh Mến tôi đấy anh ạ. Tôi xin anh tấm ảnh đó, nếu được thì quý giá vô cùng…”
Nhận được thư, tôi ngồi ngay vào bàn và viết thư trả lời chị Đỗ Thị Tư:
Tây Ninh 6- 2- 2007
Chị Tư thân mến.
Rất cảm động khi nhận được thư của chị. Một bài ký thường thì nó bị trôi đi trong bao nhiêu bận rộn của đời thường. Ngày ấy, năm 1972, tôi là một anh lính binh nhì, nhập ngũ và làm báo ở chiến trường Quảng Trị. Công việc của tôi lúc đó là đi tới những đơn vị chiến đầu ở Quảng Trị và viết bài về họ. Lúc ấy Quảng Trị vô cùng căng thẳng, không phải nhà báo nào cũng có thể vào được Thành cổ Quảng trị. Tôi cũng là một người như thế. Hai lần đi thành cổ thì cả hai lần bị dội lại, không vào được. Lúc Thành cổ Quảng Trị bị lính dù ngụy tấn công, thì tôi vào Mỹ Chánh, theo sư đoàn 308 chống địch nống ra chiếm lại thành cổ. Vào đến nơi, chưa kịp nghỉ ngơi thì lại được lệnh rút ra ngay vì địch đã nống ra phí bờ Nam. Các nhà báo không được phép ở lại. Khi ấy, tôi viết khá nhiều bài về thành cổ Quảng Trị, nhưng hầu hết là viết khi gặp anh em thương binh từ trong thành cổ ra điều trị ở quân y viện. Cái tên Đỗ Mến quen thuộc với tôi ngày từ ngày ấy. Khi tôi viết phóng sự TRẬN ĐỊA PHÍA TÂY NAM THÀNH CỔ, in trên báo Nhân Dân, có nhân vật Đỗ Mến, nhưng ngày đó, tôi không được gặp Đỗ Mến. Những gì tôi viết trong ấy là nghe anh em thương binh đến điều trị tại trạm phẫu tiền phương kể lại. Mãi đến năm 1975, khi giải phóng Miền Nam, tôi mới gặp được anh tại trạm khách của quân đoàn 2, đóng tại Phú Lương – Huế. Lúc đó, tôi mới tìm hiểu lại về những ngày anh là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 3 bộ đội địa phương Quảng Trị. Chúng tôi ở với nhau được vài ngày, được nghe anh kể về chiếc quần bị cụt một ống nhưng lại là chiếc quần lành lặn nhất mỗi khi anh đi họp ở Trung đoàn. Nghe anh kể về ngày cuối cùng rút ra khỏi thành cổ. Chúng tôi chỉ ở với nhau được đôi ngày ở trạm giao liên quân đoàn 2. Sau đó, anh thì về đơn vị, còn tôi ra Bắc chuyển ngành. Có điều, những gì ở Quảng Trị không thể quên trong tôi. Lâu lâu, tôi lại nhớ và lại viết. Viết bằng trí nhớ, nhiều khi cũng không được chính xác lắm. Nhưng những cái tên như Đỗ Mến, Nghinh, Long, Tam, Sừ,… nó ăn vào đầu tôi, lâu lâu, tôi lại muốn viết về họ. Hơn 30 mươi năm rồi còn gì, ngay cả gương mặt Đỗ Mến thế nào tôi cũng đã quên. Nhưng những ngày chiến đấu của họ, thì nó nằm trong lòng tôi, lâu lâu lại nhớ, và lại muốn viết.
Dù sao thì tôi cũng rất vui, rất xúc động vì từ một bài viết của tôi mà có thể biết được thêm một người nữa còn tìm về quá khứ chiến tranh. Những ngày ấy ( năm 1972) các nhà báo binh nhì vào Quảng Trị có đến 50 người, nhưng chốt lại khi địch nống ra chiếm thành cổ Quảng Trị thì chỉ có 5- 6 người. May mắn tôi có tên trong số những người đó, nên mới biết đến cái tên Đỗ Mến tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 3 bộ đội địa phương Quảng trị. Rồi khi gặp lại tại Phú Lương ( Huế) chúng tôi thân nhau ngay, như đã từng quen biết từ lâu rồi. Chúng tôi có ăn với nhau vài bữa cơm tại trạm giao liên. Hơn ba mươi năm rồi, trí nhớ con người cũng có hạn. Mong thông cảm cho. Thực tình, tôi cũng rất mong được gặp lại những người tôi đã từng gặp trong những ngày sống và chiến đấu ở Quảng Trị. Nhưng thật khó khăn. Cám ơn chị đã cho những thông tin quý giá về những người mà tôi đã viết.”
Thư viết đi rồi mà tôi vẫn áy nay không yên. Mãi đến sáng hôm gặp lại Nguyễn Xuân Quy, cháu gọi chị Thính ở thôn Đông Hà là dì tôi mới biết số điện thoại của anh Đoàn Công Tính, và tôi gọi điện ngay cho chị Đỗ Thị Tư, giúp chị liên hệ xin tấm ảnh quý giá in chung với bài viết của tôi trên Văn nghệ quân đội.
Cứ mỗi lần có ai nhắc đến Quảng Trị là mỗi lần tôi nôn nao nhớ. Mấy năm phục vụ trong quân đội, có lẽ chỉ những ngày ấy là thật ý nghĩa đối với một đời cầm bút của tôi.
*
Đó cũng là nguyên nhân mà tôi đòi cả đoàn truyền hình Tây Ninh phải đi trên một đoạn đường Hồ Chí Minh. Đó là đoạn từ Quảng Bình, đến Cam Lộ và rẽ xuống Đông Hà. Cam Lộ, ngày ấy không lạ gì với tôi. Năm 1974, tôi được bổ xung lần thứ hai vào chiến trường và biên chế quân số vào Cục chính trị Quân đoàn 2. Cho đến hôm nay, tôi không nhớ làm sao tôi có thông tin về nơi đóng quân của bộ tư lệnh Quân đoàn 2 ở thượng nguồn sông Ba Lòng. Hồi đó là tháng mười, mùa mưa. Vào đến Đông Hà, tôi lại tìm đến nhà chị Thính. Vẫn ngôi nhà ngày ấy, lợp tôn hai mái. Trong nhà vẫn chỉ có ba người: mạ, chị Thính, và bé Thám. Trung đội thông tin của cậu Vững, người Hải phòng đã rút đi kể từ ngày hiệp định Pari được ký kết. Mấy ngày nghỉ tránh mưa ở đó, tôi vẫn được sống trong sự trìu mến của những người phụ nữ bên cạnh bờ sông Hiếu này. Nhưng không còn khó khăn như hồi năm 1972 bom đạn nữa. Chợ Đông Hà đã họp lại, đông đúc. Không còn phải ra ruộng hái những ngọn rau trai, rau rệu cho bữa ăn của mình. Cũng không phải bó những bó tre gai, thả xuống sông Hiều bắt con rạm như ngày còn bom đạn xưa. Cũng không còn những trái đạn pháo bắn vu vơ từ ngoài biển vào như năm 1972, giết chết những con bò vô chủ trên đất Đông Hà. Nhưng tôi không thể ở lâu được, đành phải chia tay gia đình chị Thính, đội mưa cuốc bộ theo đường 9 lên Cam Lộ, nơi tôi nghe nói có trạm giao liên của quân đoàn 2 ở đó. Cuộc chia tay quyến luyến dưới mưa. Tiếng mạ lẩm bẩm đến hôm nay tôi còn nhớ:
- Răng mà khổ rứa. Mưa gió ri mà mi đi được sao? Vội mần chi nỏ biết.
Cũng vì thế mà đã bao nhiêu năm rồi, tôi vẫn cứ ao ước có một ngày trở lại ngôi nhà xưa của gia đình chị Thính. Và đây là thời cơ tốt nhất.
Ngay sáng hôm sau, tôi để cả đoàn lên Lao Bảo, còn tôi ở lại Đông Hà. Tôi kêu một anh xe ôm chở tôi đến thôn Đông Hà. Anh xe ôm là một người dễ gần. Biết tôi đã từng ở đây ngày còn chiến tranh, anh ta bảo tôi:
- Bữa nay con dành riêng để đi với chú đó. Chú muốn tới mô, con đưa tới đó. Sao, chú chỉ đến thôn Đông Hà thôi hả? Chú biểu chú đã từng ở bên thôn Điếu Ngao nữa mà. Chú không quen ai ở Điếu Ngao sao? Chú đừng có lo. Đông Hà là xứ con mừ. Chú nói sao? Để chú tự tìm xem còn nhớ đường không hả. Không còn con đường chạy dọc đường sắt mô. Họ mở con đường khác rồi, rộng lắm chú ơi.
Phải như thế nào mới chọn nghề chạy xe ôm ai mà không biết. Thế mà anh xe ôm này chẳng than thở gì về cuộc sống của mình. Trái lại anh khoe liên miên về xứ mình suốt trên chặng đường. Nào là đường bây giờ rộng hơn. Nào là nhà hàng khách sạn nhiều lắm, khách muốn chọn nơi ăn, nơi nghỉ chỗ nào cũng được. Rồi từ ngày cửa khẩu Lao Bảo được hưởng quy chế đặc biệt Đông Hà đông hẳn lên. Hàng hóa tràn về ngày càng phong phú… Tôi nghe nhưng vẫn không quên tìm những nét quen thuộc của thôn Đông Hà ngày xưa. Tôi bảo anh xe ôm, cứ chạy ra bờ sông Hiếu, sẽ có một cái bến, có bậc lên xuống bằng gạch là tôi sẽ nhận ra đường vào nhà chị Thính liền. Chẳng là, tại bến sông đó, năm 1972, tôi và Nguyễn Dĩnh đã có lần ra đó định bấm cho nhau mấy tấm ảnh kỷ niệm. Nhưng khi ra đến nơi, chưa kịp dở máy thì máy bay địch ở đâu nhào tới. Vừa nghe tiếng rít của bom, chúng tôi chày ào về nhà chị Thính, chẳng kịp xuống hầm đã nghe bom nổ ngoài sông. Cũng bến sông ấy, đã mấy lần chúng tôi bơi qua, bơi lại để ra ra vào vào Quảnh Trị ngày xưa. Và hôm nay, bến sông ấy đã hiện ra trước mắt. Những bậc thềm xuống sông bây giờ đã phủ đầy rong rêu. Bến nước thì vẫn vậy, trong veo dòng nước sông Hiếu. Tôi tìm ngay được vào căn nhà chị Thính. Một hàng rào cây chè rào. Căn nhà ngay mí ruộng. Nhưng, không, không còn căn nhà ấy nữa. Thay vào đó là một căn nhà xây khang trang và chủ nhà là một người đàn bà khác. Chị đon đả:
- Cô Thính hả. Cô ấy là em chồng tôi. Đất đai ở đây cô ấy bán hết rồi. chỉ chừa miếng này cho tôi cất nhà. Chú ra ngoài đường 9, đến chỗ khách sạn Trường Sơn nhìn qua, nhà cô ấy bây giờ ở đó.
Cậu chạy xe ôm săng xái:
- Chú lên xe, con chở đi liền. Con biết chỗ đó.
Lát sau, tôi tìm được nhà chị. Chị vắng nhà. Buồn chưa. Mấy người quanh đó bảo tôi: “ Cô Thính không đi mô xa mô. Chốc lát cô về chừ…”. Không biết có phải vì những lời nói ấy mà tôi ráng nán lại chờ chị hay không, và có phải linh tính mách bảo chị rằng tôi đang chờ chị không, mà đúng là chốc lát sau chị về thật. Hai chị em đứng sững nhìn nhau. Không hình dung được. Người đàn bà cách đây 36 năm, linh lợi, hoạt bát bây giờ lại là một người đàn bà chậm rãi, già nua thế kia? Hơn bẩy mươi tuổi rồi chú Thiện ơi. Bị tai biến mạch máu não một lần rồi, còn nhìn thấy chú, còn gặp được chú còn nhận ra chú là may đấy. Mấy đứa thông tin ngày xưa ở nhà đó, mấy năm lại vô thăm tui một lần. Thằng Vững này, thằng Nước này, thằng Hạnh này, thằng Dũng nữa. Lần nào gặp, chị em cũng mất nước mắt. Chỉ mấy chú nhà báo tăng cường là chẳng thấy chú mô quay lại. Chú gì trẻ hung mà tóc bạc trắng, phải rồi chú Chiến. Chừ chú ấy ở mô. Hà Nội? Răng chưa thấy chú ấy về. Tôi trông mấy chú hoài. Chú Dĩnh nữa, chừ chắc làm to, không biết đường về Đông Hà nữa rồi. Hồi mạ còn sống, lâu lâu lại nhắc đến các chú. Nhớ chi, nhớ lạ chú ơi. Chú là chú Thiện, gầy như que củi hồi đó đây hả. Răng chứ béo thế. Con Thám nhà tui hả, lấy chồng rồi, ba đứa con rồi. Nó làm bên mặt trận tỉnh. Để tôi gọi nó về gặp chú nghe. Ngày xưa nó ngồi lòng chú hát hoài. Thằng Quy chừ làm ở tuyên giáo tỉnh. Lâu lâu chúng nó mới thăm chị. Công việc nhiều quá mừ. Còn vợ chồng, con cái nữa. Chị chừ ở một mình. Nhà nước nuôi tháng một triệu. Không. Khó khăn chi mô. Ăn một mình, ở một chắc lo chi. Tôi cho các cháu nó thuê mở tiệm may, cũng có thêm chút tiền. Dư giả rồi. Cực như hồi đó còn chịu nổi, chừ là sướng hung rồi. Mong chi nữa…
Chị nói tôi nghe. Tiêng chị cứ nghèn nghẹn mỗi khi nhắc đến chúng tôi, những người đã từng ở nhà chị trong những năm tháng ác liệt xưa.
Thời gian không nhiều. Chào chị tôi đi. Chị ôm lấy vai tôi như chẳng muốn rời:
- Mấy chục năm trời răng không ở ăn với chị bữa cơm.
Giọng nói của chị sao giống y hết giọng nói mạ chị ngày xưa: “ Răng mà khổ rứa. Mưa gió ni mà mi đi được sao? Vội mần chi nỏ biết?”
Chẳng có cuộc gặp gỡ nào có thể kéo dài, cũng phải chia tay thôi. Nhưng mỗi lần chia tay lại một lần nặng tình, nặng nghĩa. Bày tay chị Thính chẳng chịu rời vài tôi. Khi dứt ra được, tôi vẫn còn nhận ra sự níu kéo từ bàn tay ấy. Nhưng xót xa hơn khi chị bảo: “ Chị nói với mấy đứa chúng nó, bây giờ bận rộn công tác, nhưng lỡ chị chết, ráng về với chị đó”.
Dạ, em không dám hứa. Những đứa từng ở với chị trong những tháng ác liệt của Quảng Trị năm 1972 kia chắc cũng chẳng dám hứa. Và em cũng tin rằng: chị dặn thì dặn vậy thôi, chị dư biết rằng non nước dặm dài, làm sao về hết được. Mắt tôi cay sè, không khóc được như lúc ban đầu khi chị em nhận ra nhau, nhưng cũng đủ làm tôi nghẹn ngào và vội vã quay lưng.
Đúng là không biết bao giờ mới gặp lại Quảng Trị, gặp lại chị Thính. Mỗi lần nghĩ đến điều ấy, tôi lại nao nao.
Tháng 9- 2008