Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.272
123.159.992
 
Văn hoá cốc chén
Ngô Phan Lưu

Dường như trong bàn nhậu kế bên, có ai đó vừa nói “Văn hoá cốc chén”. Tôi nghe bốn tiếng ấy là thích ngay, cảm tình liền. Ừ, cốc dùng để uống, chén dùng để ăn...Uống ăn là ẩm thực. Có khác gì đâu. Vậy mà nghe nói “Văn hoá ẩm thực” cứ như thức ăn nguội, còn nói “Văn hoá cốc chén” nghe cứ nóng hổi, bốc khói...

 

Anh bạn ngồi cạnh tôi, suốt ngày nhuần nhuyễn văn hoá cốc chén, ấy vậy mà lại chê bai hai tiếng “cốc chén”. Anh ta bảo:

- Cốc chén à ? Văn hoá cốc chén ư ? Phải gọi là văn hoá ẩm thực. Còn nói văn hoá cốc chén, thì cốc chén sẽ bôi xoá hai tiếng văn hoá.

 

Một anh bạn khác liền phản đối:

- Cốc chén nghe hay hơn ẩm thực. Cốc chén nghe có âm thanh va chạm, sống động và bắt mắt...Còn ẩm thực nghe nhợt nhạt, tĩnh lặng và vô hồn. Ẩm thực là tiếng của nghĩa địa, còn cốc chén là tiếng của đời sống.

Nghe thế, tôi gục gặc đầu, thích ý kiến này.

 

Lại một anh bạn nữa chen vào:

-Tôi được biết có cả mấy trăm định nghĩa về “văn hoá”, nhưng riêng tôi vẫn thích định nghĩa cũ rích này: “Văn hoá là những gì còn lại sau khi người ta đã quên hết”. Từ nhận định này, áp dụng vào ngay bàn nhậu này, thì...sau khi chúng ta đã say bí tỉ, lăn ra ngủ khì – nghĩa là sau khi chúng ta đã quên hết – thì còn lại cái gì ? Đó,có phải là cốc chén không ? Vậy,cốc chén là văn hoá, còn có chạy đằng trời ?

 

Tôi nghe thế lại càng thích. Ừ, tôi là người ưa mới, cho dù cái mới ấy được lôi ra từ cái cũ. Lại cũng là người ưa nghị luận, thậm chí còn khoái những bậc trí tuệ cao siêu dư sức nghị luận tầm bậy. Tôi bèn vỗ vai anh bạn vừa phát biểu,  mời cụng ly.

 

Lúc này, một anh bạn khác, đang bị hậu quả của văn hoá cốc chén, giọng dẻo như kẹo cao su, thều thào tham gia:

- Để khỏi cãi, tôi tổng hợp, cứ gọi văn hoá ẩm thực cốc chén. Vừa nghĩa địa vừa cuộc đời. Bởi vì nghĩa địa nằm trong cuộc đời.

Nghe vậy, một anh bạn khác , nóng nảy cướp lời:

- Vừa là nhà thương nữa chứ? Chà ! Ẩm thực cốc chén ư? Là nuốt cái cốc, nhai cái chén à? Đấy đâu phải “văn hoá” mà là “ cấp cứu”. Văn hoá cấp cứu.

 

Lúc này, chủ tiệm nhậu, một tay văn hoá cốc chén đến mức văn nghệ, sà tới chạm cốc, phát biểu:

-Tất cả mọi văn hoá đều phải đi qua bao tử. Việc này rất cụ thể. Thậm chí ngay các cuộc hội thảo về văn hoá, kết thúc cũng phải qua bao tử. Nghĩa là “Mời quí vị dùng bữa cơm thân mật”.Theo tôi, dĩ nhiên là chủ quan, cốc chén hay hơn ẩm thực nhiều. Vì sao ? Vì ẩm thực có thể áp dụng cho bò ngựa, chó mèo...trong khi cốc chén là dành riêng cho con người. Xã hội loài vật khó mà có văn hoá cốc chén. Chúng chỉ có ẩm thực.

Một anh bạn nữa chen vào:

- Anh bênh vực cốc chén, vì anh là chủ quán cốc chén. Điều này tôi sẵn sàng thông cảm. Nhưng gọi văn hoá ẩm thực nghe đàng hoàng hơn, còn gọi văn hoá cốc chén, nghe cứ như là say xỉn, sa đà nhậu nhẹt, có nguy cơ làm rơi văn hoá.

Anh bạn chủ tiệm cũng không vừa:

-Tại sao anh ưa dùng hai tiếng ẩm thực? Để nó che đậy sự cốc chén của anh chứ gì? Tại sao anh ghét hai tiếng cốc chén? Tại vì nó trần truồng làm anh ngượng chứ gì? Anh chưa đủ bản lĩnh văn hoá.

 

Thấy tình hình có vẻ cốc chén quá, tôi bèn góp ý trên nền tảng hoà bình:

-Cứ mãi cãi nhau về văn hoá, ắt sẽ hết văn hoá - Đặc biệt ở phạm vi ẩm thực, mà cũng có người gọi là văn hoá cốc chén – Vì văn hoá cũng như tiền bạc, xài vung tay quá trán sẽ khánh kiệt. Cất lại việc này để lần sau cãi tiếp, còn bây giờ, tối ưu là hãy ẩm thực, hãy cốc chén, còn văn hoá chúng ta phải giữ trong mình, đừng để rơi mất. Nào, xin mời chư vị cụng ly, chạm đũa....

Ngô Phan Lưu
Số lần đọc: 2747
Ngày đăng: 19.09.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nghề văn sĩ - Thiếu Sơn
Cám cảnh nhà văn ! - Trần Nhương
Hoan nghênh nụ cười thằng Bờm - Ngô Phan Lưu
Đà lạt phiên khúc đêm - Ngọc Tuyết
Nguyễn Ngọc Bạch - một đời sân khấu - Nguyễn Quang Sáng
Thương người không thể cầm trong tay - Nguyễn Lệ Uyên
Triết lý sống của anh chàng Nghĩa ngố! - Trần Huy Thuận
Nói về “ Đã hết giờ của lọ lem ” (*) - Sơn Nam
Thời của thánh thần - tiếng nổ của văn xuôi Việt Nam 2008 ? - Nhiều Tác Giả
Bình Định qua ba bài thơ của Yến Lan - Mang Viên Long