Tôi không biết gì nhiều về Nguyễn Nho Sa Mạc, ngoại trừ khoảng giữa thập niên 60 anh em ở Tuy Hoà làm tờ báo Sóng (in ronéo) tôi ngồi đọc bài cho Nguyễn Phương Loan đánh stencil. Những số đầu với sự góp mặt của các nhà văn nhà thơ sau này thành danh: Cung Tích Biền, Phương Tấn, Cao Thoại Châu, Luân Hoán, Hoàng Lộc, Tần Vy…Đến số 2, nhận thêm nhiều bài vở của anh em từ Nam gửi ra, từ địa đầu giới tuyến gửi vào, trong đó có bài thơ Vàng Lạnh của Nguyễn Nho Sa Mạc. Đọc anh cũng như đọc bao nhiêu thơ truyện của các nhà văn nhà thơ khác thời bấy giờ, không gây một ấn tượng đặc biệt nào. Mãi cho tới khi tôi lang thang với Hạc Thành Hoa ở Sa Đéc, tình cờ gặp Nguyễn Nho Châu (sĩ quan QĐ VNCH) đóng quân gần đó ghé lại nhà trọ mới hay Châu là em ruột Nguyễn Nho Sa Mạc. Châu nói về người anh của mình đã hy sinh ngoài chiến trường, nói đến thơ anh và những ảnh hưởng nhất định đến tâm hồn của Châu sau này khi anh vẽ tranh, viết nhạc và cả làm thơ…tôi mới chợt nhớ lại bài thơ Vàng Lạnh. Và dường như đó là những dự báo về đời thơ ngắn ngủi của mối tình sớm nở - sớm đi qua.
Dòng thơ Nguyễn Nho Sa Mạc là dòng thơ tự sự, phơi bày những cảm xúc chân thật chung quanh mình: từ ngôi làng, người mẹ, mối tình đầu… đến những khắc khoải của tuổi thanh xuân trước cuộc chiến tương tàn.
Công bằng mà nói, vào thời điểm đó, thơ tình của NNSM không có những cấu tứ mới lạ (đây là điều đòi hỏi chính đáng của độc giả đối với tất cả các nhà thơ) nên người đọc lại lang thang tìm đến một Nguyên Sa, Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Xuân Diệu Những bài thơ viết về tình yêu, về người mẹ, về mảnh đất nơi anh sinh ra và nuôi dưỡng anh lớn lên ngưoqưì đọc có thể tìm thấy ở bất kỳ bài thơ nào cùng thời với anh. Có khác chăng chính ở những lời thì thầm, kể nhỏ thì thào như những lời tâm sự của anh với người đọc, không cháy bỏng nồng nàn như Nhã Ca, như Vũ Hữu Định, cũng chẳng lãng mạn như Phạm Thiên Thư hay Nguyễn Tất Nhiên sau này.
Và vì vậy tôi chọn những lời anh tâm sự về thân phận, về cuộc đời anh gánh trên vai ở tuổi hai mươi của mình, lao tới hía trước như những chàng trai trẻ thế hệ anh.
Nếu ở một Chính Hữu có một Quê hương tôi nước mặn đồng chua / Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá thì làng quê của NNSM cũng chẳng khác là bao, nhưng được mô tả kèm theo cái nghèo là hệ luỵ tất yếu của bản thân, gia đình anh:
Tôi sinh ở xóm nghèo
một khung trời nho nhỏ
kéo lê đời hắt hiu
qua tháng ngày mệt mỏi.
(Cuộc đời)
Cảnh nghèo ấy còn được anh đẩy cao hơn, bằng thứ ngôn ngữ không cần ẩn dụ cũng đủ làm se thắt bất kỳ ai lướt nhẹ trên từng con chữ: “Đất dạy tôi đời sống /Máu mặn đổi miếng cơm”. Cái se thắt ấy có từ muôn đời ở dãi đất miền Trung đã và luôn hứng chịu mọi tai ương từ bốn phương tám hướng ập tới, nên không phải ngẫu nhiên mà nhiều nhà nghiên cứu phê bình văn học cho đây là mảnh đất của thơ ca. Nghèo để có được thơ ca thì quả là tội. Nhưng trong một bối cảnh như vậy, thơ ca không bật nẩy lại là cái tội lớn hơn. Và có phải vì thế mà hầu hết những người làm thơ đất này đều đẩy câu chữ lên cao, thật cao, thành những trường đoạn nhói đau: Những màu đông giá lạnh / tôi ngồi nhìn mưa rơi / thơ cũng sầu giá lạnh / buồn chi thuở làm người.
Thuở làm người mà buồn thì ai cũng đụng mặt, nắm trong tay, chứa trong lòng. Nhưng để cho tất cả bật ra thành thơ mà là thơ hay thì không dễ mấy ai? Nỗi buồn làm người của NNSM đau chỉ dừng lại ở mái tranh nghèo, ở một hình ảnh bà mẹ còng lưng trên đường ruộng cát cháy để mẹ dạy tôi làm người / phải yêu thương đồng loại. Những đồng loại trong thời khắc thập niên 60-70 của anh giống như những tội đồ bước gãy gập tới phía trước với khói, với lửa, với nước mắt và máu chảy tràn đồng đất, rừng cây. Lớp lớp người đi, biền biệt những bước chân trong nỗi hoảng loạn kiếp nhân sinh:
Những người đi trước sầu ngơ ngác
Những người đi sau hồn xanh xao
(Sinh nhật)
Anh cũng bước đi trong đám người ấy, không phải đường rộng thênh thang mà qua một ô cửa hẹp tối đen bằng cách tự rấn an, đánh lừa mộng mị:
Ta hát và ca giữa cuộc đời
Nhìn xương với máu chiến trường phơi
Những người đi trước về trong đất…
(Sinh nhật)
Còn anh, anh đi về đâu? Đi về phương mặt trời nào, khi mà trước mắt anh là “một hàng dây kẽm gai / sắc lạnh trái tim này / cuộc đời ai bố trí / những suy tư tù đày”? (Khi người con trai khóc).
Những câu thơ của NNSM là tiếng lòng nức nở, là tiếng gọi thầm, không hướng tới mà quay về với những sự vật quanh mình cứ quay tròn như chiếc trục quay trong guồng máy lạnh băng:
Có hôm mình cơm bữa
Chia nhau ổ bánh mì
Nằm hút chung điếu thuốc
Nhìn mây khói bay đi
Chuyện đời mưa tiếp nắng
Cơm từng hồi muối dưa
Một thằng đi biền biệt
Không ai buồn tiễn đưa
(Tâm sự)
Cả thế hệ phải cõng vác trên vai một giai đoạn lịch sử bi hài. Đó là những cái tát tai anh em với nhau, những cái chết máu mủ, những khóc ngất ruột thịt và những tiếng cười trong buổi chiều quạnh quẽ thê lương, như tiếng cười được anh ghi lại chỉ bằng mấy câu ngắn ngủi, rất tài hoa:
Anh dừng đây một chiều
Nghe núi rừng chuyển động
Ôi những chiều hành quân
Reo hò trong khói lửa
(Những chiều hành quân).
Sau anh gần mười năm, Nguyễn Bắc Sơn đã nhìn chiến tranh dưới con mắt của một hành giả phương Đông: “Ta bắn trúng ngươi vì ngươi bạc phước / Vì căn phần ngươi xuôi khiến đó thôi”. Còn anh, NNSM thì:
Tôi đã thấy ngày Trường Sơn quằn quại
Ôm cánh tay Việt Bắc khóc đau thương”
(…)
Tôi khôn lớn nhìn nỗi buồn đất nước
Một giòng sông biên giới hai loài người
Nỗi đau đớn chất chồng cao bằng núi
Ôi Sài Gòn – Hà Nội cháy trong tôi
(Còn ở đó)
Những ai đã từng mang ba lô vác súng hành quân trong những cánh rừng tràn muỗi vắt, những cánh đồng sình, kênh rạch chằng chịt mới có thể cảm hết nỗi dằn vặt đau khổ của người trong cuộc, như Nguyễn Bắc Sơn đã từng kêu lên: “Chiến tranh này cũng chỉ một trò chơi / Suy nghĩ làm gì lao tâm khổ tứ / Lũ chúng ta sống một đời vô vị / Nên chọn rừng sâu núi cả đánh chơi”. Tuổi trẻ của các anh của tôi của tất cả mọi người chẳng khác những cây đuốc bị đốt cháy,cháy ngùn ngụt, bạo tàn mà chỉ có những người chủ mưu mới có thể hiểu mọi ngọn nguồn. Chính những nghịch lý này đã dẫn đến những kêu gào “buồn nôn”, những buông thả, cô đơn đến tận cùng trong đời sống thường nhật. Đọc lại giai đoạn văn chương thời đó, những tiếng kêu bi thống như vậy không hiếm, đến độ các nhà đạo đức gải, chính trị lừa bịp cho đó là sự tha hoá, vong thân của giới trẻ. Biết làm sao được khi mà, đáng lẽ ra họ phải được hưởng niềm hạnh bé nhỏ, thì ngược lại bị xô đẩy vào cảnh “xách súng bắn nhau”, để cuối cùng chỉ còn “đôi giày cỏ rơm” cùng một nỗi buồn cao ngất:
Những khi buồn lang thang trên hè phố
Đống rác, cột đèn, chó đói và anh
Mái tóc hai mươi tâm hồn loang lổ
Thích cô đơn vào những chuyến viễn hành
(Tự thuật).
Đọc NNSM, tôi không thấy trong thơ anh có cái kiểu cách làm dáng, kêu gào như những người làm thơ đấu tranh ở miền Nam, một công cụ hữu ý nhiều hơn vô tình, không kể đám theo đốm ăn tàn. Những dung dị mộc mạc trong anh là sự phơi trải lòng mình, bauỳ tỏ nỗi thất vọng nhói tim. Tính chân chất ấy cứ tự nhiên đi vào câu chữ thành thơ mà không cố ý, lên gân, đánh bóng:
Tôi còn lại nửa mùa xuân phiêu lãng
Giữa lênh đênh tìm nắm một bàn tay
Trời tháng giêng những ngày sầu nổi gió
Nhớ Sài Gòn thương Hà Nội mây bay
(Mùa xuân của một người).
Những ước mơ tưởng chừng quá nhỏ bé kia, đối với anh lại trở thành điều không tưởng. Và anh đã vĩnh viễn nằm xuống, chia tay với thơ ca, chia tay với tất cả chúng ta với niềm hoài vọng tha thiết:
Nếu khi chết tôi rở về cát bụi
Xin cho thêm chút lửa đỏ mặt trời
(Tình khúc của một người)./.