Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.858 tác phẩm
2.760 tác giả
1.175
123.147.407
 
Viết ngắn 57. Vấn đề thơ tuyển
Inrasara

Dana Gioia trong tiểu mục: “Nhà thơ làm thế nào để được biết đến”, đã “nêu lên sáu đề nghị khiêm tốn”. Trong thực tiễn sinh hoạt thơ Việt nam, tôi thử rút bớt còn ba(1):

 

“Khi nhà thơ đọc thơ trước công chúng, nên bỏ ra một phần của chương trình để đọc thơ người khác”. Đây là yêu cầu dễ thực hiện hơn cả, nhưng đa số nhà thơ chúng ta ít khi làm được. Lạ! Chúng ta luôn tranh thủ cơ hội xuất hiện trước công chúng với tần số cao nhất có thể. Không để làm gì cả, ngoài trả lời phỏng vấn, thổ lộ hoàn cảnh ra đời của bài thơ rồi, đọc các bài thơ… cũ mèm của mình. Trên màn ảnh nhỏ hay sân khấu, hội trường. Đọc thơ là để tôn vinh thơ chứ không phải tôn vinh nhà thơ. Ồ, nếu các nhà thơ ta dứt bỏ được “tâm thế” chuyên đọc thơ mình trước công chúng thì thơ sẽ được nhìn nhận khác đi nhiều lắm lắm.

 

“Nhà thơ cần viết nhiều về thơ hơn, vô tư hơn và công hiệu hơn”. Bởi thơ [hậu] hiện đại hãy còn xa lạ với người đọc. Đã lâu lắm rồi, các trào lưu thơ thế giới không được giảng dạy trong các trường đại học. Nhà thơ sáng tác theo khuynh hướng mới, cần thuyết lí về hệ thẩm mĩ của mình, dĩ nhiên, bằng ngôn từ giản đơn có thể. Ở các báo chuyên lẫn không chuyên. Và, khi viết về thơ của người cùng thời, nhà thơ cần viết với tinh thần trong sáng, vô tư. Không bài xích kẻ không cùng quan điểm sáng tạo, không phủ định sạch trơn các sáng tác mình chưa hiểu; sẵn sàng ca ngợi và biết ca ngợi các bài thơ hoặc thi phẩm độc đáo. Công hiệu, tại sao? Bởi đã không ít người ủng hộ cái mới, nhưng do hạn chế ở thẩm định và diễn đạt, các lời lẽ đề cao thành phản tác dụng: người đọc càng dị ứng với cái mới hơn!

 

“Các nhà thơ biên soạn thi tập – hoặc chỉ đưa một danh sách đọc – nên thành thật một cách thận trọng, chỉ gồm những bài thơ họ thật tình hâm mộ”. Thời gian qua, chúng ta đã làm nhiều thi tuyển, đủ kiểu. Theo đề tài, theo thời đoạn, theo giới cũng có mà theo nghề nghiệp cũng xong, khuynh hướng sáng tác lẫn quen biết bạn bè cũng không chừa. Để làm phong trào, để giải ngân hay để gì nữa thì có ma mới hiểu. Người tuyển luôn mặc cho cảm tính, cảm tình hay dáng vẻ của các tên tuổi thao túng. Dù ở “lời nói đầu”, Ban tuyển bao giờ cũng tuyên vô tư khách quan đáo để. Như thể phân phối tem phiếu vậy. Thì làm sao hàng trăm bài thơ trong mấy tuyển kia đủ sức lay động tâm hồn người đọc, kích thích họ trực tiếp tìm đến thi phẩm của các tác giả riêng biệt.

 

Chúng ta dừng lại lâu hơn ở đề xuất cuối này: Vấn đề thơ tuyển.

 

1. Một thống kê chưa đầy đủ các loại tuyển:

 

– Tuyển theo địa phương, vùng miền:

      + Khoảng trời quê hương, Hội Văn nghệ Ninh Thuận, 2001.

      + Những ngả đường thơ, Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, 2002.

      + Thơ TP Hồ Chí Minh 1975-2005, NXB Hội Nhà văn, 2005.

      + Các nhà văn Miền Đông Nam bộ, NXB Hội Nhà văn, 2005.

 

– Tuyển theo ngành nghề, giới tính, lứa tuổi:

+ Nhà giáo Nhà thơ, NXB Thanh niên, H., 1997.

+ Những gương mặt thơ mới (2 tập), NXB Thanh niên, H., 1994.

+ Văn học thiếu nhi Việt Nam, tập 2 (Thơ tuyển), NXB Từ điển Bách khoa, H., 2004.

 

– Tuyển theo giai đoạn, thời kì:

      + Thơ Việt thế kỉ XX, tuyển chọn và bình, NXB Thanh niên, H., 1999.

      + Thơ Việt Nam 1975-2000, 3 tập, NXB Hội Nhà văn, 2000.

      + Thơ Việt Nam 1945-2000, NXB Lao động, H., 2000.

 

– Tuyển theo đề tài:

      + Thơ tình tặng vợ, NXB Thanh niên, H., 2000.

      + Thơ tình thế giới, NXB Hội Nhà văn, 1996.

 

– Tuyển theo thể thơ:

+ Lục bát tình, NXB Tổng hợp Đồng Nai, 1997.

+ Nghìn năm Tứ tuyệt, NXB Văn hóa Dân tộc, H., 1997.

 

– Tuyển theo dân tộc:

      + Núi mọc trong mặt gương, NXB Văn hóa Dân tộc, H., 1998.

      + Tuyển tập văn học Dân tộc và Miền núi, NXB Giáo dục, H., 1999.

 

– Tuyển sau một/một vài cuộc thi sáng tác:

+ 100 bài thơ hay, NXB Trẻ và báo Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, 1993. Tuyển các bài thơ từ cuộc thi thơ của báo Văn nghệ TP Hồ Chí Minh.

+ Giải nhất văn chương (tái bản), NXB Hội Nhà văn, 1998. Tuyển các tác phẩm được giải cao của báo Văn nghệ.

+ Cổ tích trong lâu đài, NXB Kim đồng, H., 2003. Tập thơ chọn lọc các tác giả và tác phẩm được giải Hưởng ứng cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi 2000-2001.

 

– Tuyển theo khuynh hướng sáng tác:

      + 26 nhà thơ Việt Nam đương đại, NXB Tân thư, Hoa Kì, 2002.

      + Thơ hôm nay (với 13 nhà thơ Việt Nam đương đại), NXB Tổng hợp Đồng Nai, 2003.

+ Thơ tự do (tập thơ nhiều tác giả), NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh. 1999.

+ Viết thơ, (tập thơ nhiều tác giả), NXB Thanh niên, H., 2001.

 

– Tuyển văn lẫn thơ vào chung tập:

+ Tuyển tập văn học các Dân tộc thiểu số Việt Nam, NXB Văn học, H., 1995.

+ Tuyển tập thơ văn nữ Việt Nam, NXB Hội Nhà văn, 2005.

+ Thơ văn trẻ TP Hồ Chí Minh, NXB Trẻ, 2003.

 

Có khi, thơ được tuyển theo dạng khá đặc biệt, ví dụ:

+ Nghìn câu thơ tài hoa Việt Nam, NXB Văn Học, H., 2000, chỉ tuyển những câu thơ “hay”.

2. Thử phân tích:

 

Tuyển là thao tác cần thiết, bởi – chưa nói giới độc giả đến với thơ ngẫu hứng, ngay cả các nhà nghiên cứu chuyên nghiệp – không ai có đủ thì giờ và điều kiện theo dõi hết các tập thơ in trong năm lên tới ngàn đầu sách. Mà hằng năm, thơ cứ cấp tập chào đời, từ tỉnh lẻ hay phường xã cho đến các trung tâm văn hóa lớn, từ câu lạc bộ thơ học sinh phổ thông Trung học cho đến các nhóm nhà thơ chuyên nghiệp có ý thức và ý hướng sáng tác hẳn hoi. Thơ báo, thơ in tập, cả thơ đăng trên Website,… Thơ có mặt khắp nơi, nhưng nơi chốn để người đọc dễ tìm đến nhất: hiệu sách hay thư viên, lại rất hiếm!

 

Thơ tuyển phải có mặt, để giải quyết tình trạng vàng thau lẫn lộn đồng thời để gút gọn lại danh sách dài ngoằng tập thơ ra lò trong năm, trong từng giai đoạn,… Người đọc cầm thi tuyển trong tay, với hi vọng thưởng thức các bài, các tác giả được tuyển kĩ lưỡng, có khi “tinh tuyển”; hay ít ra nắm được khái quát thành tựu/tiến trình phát triển của thơ ca trong thời điểm, giai đoạn nhất định. Vấn đề đặt ra: Ai tuyển? Tuyển như thế nào? Và tuyển, dựa trên tiêu chí thẩm mĩ nào?

 

Ai tuyển?

 

Thường thì một ban hay hội đồng đứng ra tuyển: Thơ TP Hồ Chí Minh, 1975-2005 (Nguyễn Chí Hiếu, Lê Thị Kim, Trương Nam Hương, Tạ Duy Anh), Tuyển tập thơ văn nữ Việt nam (Bùi Kim Anh, Lâm Thị Mĩ Dạ, Trần Thị Mĩ Hạnh, Nguyễn Thị Như Trang, Trần Thị Thắng, Nguyễn Thị Ngọc Tú, Trần Thị Trường). Có khi chỉ một, hai người đảm trách: Thơ tình thế giới (Trần Mạnh Thường tuyển chọn), Văn học thiếu nhi Việt Nam (Nguyên An – Định Hải (biên soạn).

 

Hoặc có trường hợp tréo ngoe: như Tuyển tập thơ Việt nam 1975-2000, lần đầu được phân công cho một ban tuyển, nhưng khi sản phẩm bị dư luận kêu rêu, lại thay bằng các tên tuổi khác: Vũ Quần Phương, Trần Đăng Khoa, Quang Huy, Lê Thành Nghị, Nguyễn Phan Hách. 

 

Nhìn chung, quanh đi quẩn lại cũng chỉ chừng ấy người, gần như thành một nghề – nghề tuyển thơ. Không vấn đề gì cả. Vấn đề cốt yếu là:

 

Tuyển ai, tuyển bao nhiêu?

 

Tuyển ai, tuyển mỗi tác giả bao nhiêu bài tùy thuộc rất nhiều vào Ai tuyển. Tùy góc nhìn, tùy gu, mối quan hệ, khả năng đọc và thẩm định, vân vân…

Cho chắc ăn, các nhà thơ là Hội viên Hội Nhà văn Việt nam thì không thể bị loại ra rồi; bên cạnh người tuyển còn dựa trên tiêu chí nổi tiếng ít/ nhiều; cả các tiêu chí ngoài văn chương như: chức vụ to/ nhỏ, tuổi tác, giới tính, dân tộc,…nữa! Từ đó họ định lượng bao nhiêu bài một đầu nhà thơ.

Thơ Việt Nam 1975-2000  thể hiện rõ nhất các “tiêu chí” trên. Tưởng dĩ hòa vi quý, nhưng cách làm này lại phải chịu búa rìu dư luận hơn cả. Cũng có soạn giả dứt khoát chọn đổ đồng: một bài/ nhà thơ. Đây là cách làm của Thơ Việt Nam 1945-2000, NXB Lao động, H., 2000. Mất lòng ai nấy chịu!

 

Trinh Đường dũng cảm đến lập dị.  Trong Thơ Việt thế kỉ XX, tuyển chọn và bình, NXB Thanh niên, H., 1999, là “tinh hoa thơ, loại vàng mười của thế kỉ XX” – như lời ông tuyên ở lời nói đầu, ông chọn mỗi người một bài đính kèm lời bình đầy cảm tính. Chủ quan hơn nữa: ông dám loại bỏ cả Tiếng thu của Lưu Trọng Lư lẫn Hổ nhớ rừng của Thế Lữ khỏi Tuyển! Trong lúc nhà thơ xuất thân đất Quảng chiếm tới 20% Tuyển thì thơ miền Nam chỉ có mỗi Diệp Minh Tuyền được hân hạnh góp mặt!

 

Tuyển cái gì?

 

Từ chủ quan do tiêu chí lỏng lẻo của cách tuyển nên chuyện bỏ sót nhà/ bài thơ là không thể tránh, bên cạnh xảy ra tình trạng dở khóc dở cười. Vài ví dụ tiêu biểu: Không hiểu sao Bùi Giáng, Nguyên Sa lại chễm chệ ngồi vào mâm Những gương mặt thơ mới, in năm 1994! Hay Nguyễn Bùi Vợi, bởi quá khoái lục bát nên, trong Thơ Việt nam thế kỉ XX (Thơ trữ tình, NXB Giáo dục, 2005), đã chọn Trúc Thông ba bài trong đó hai là lục bát, còn Nguyễn Quang Thiều thì lục bát chiếm hết một nửa. Trong khi chính qua thể thơ tự do, hai nhà thơ đậm tinh thần cách tân này khẳng định tên tuổi mình. Bên cạnh đó, có rất nhiều bài thơ tiêu biểu cho thời kì hoặc vài khuôn mặt thơ bị từ chối oan uổng. Trinh Đường không chọn bài nào khác của Chế Lan Viên mà là Trưa đơn giản; hay của Inrasara: Đoản khúc chiêu hồn. Cũng đã thấy xuất hiện trong tuyển nhiều bài thơ thường xuyên xuất hiện ở các tuyển trước đó: đây là hiện tượng tuyển từ tuyển.

 

Vậy đó, chúng ta có thể dựa vào nhiều tiêu chí, riêng tiêu chí thẩm mĩ là yêu cầu cao nhất của văn chương, chúng ta chưa thật sự đặt nặng. Các bài thơ hay, nổi bật, để lại dấu ấn rõ nét trong chuyển biến thơ ca của năm/ thời kì, chưa thấy có mặt chung trong cùng tuyển, giai đoạn qua. Cách làm của chúng ta lâu nay vẫn còn dừng lại ở phong trào, là vậy.

 

Tuyển theo khuynh hướng sáng tác:

 

Đây là cách tuyển dựa trên quan điểm thẩm mĩ rõ ràng:

 

+ Thơ tự do (tập thơ nhiều tác giả), NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh, 1998.

+ Viết thơ, (tập thơ nhiều tác giả), NXB Thanh niên, H., 2001.

      + 26 nhà thơ Việt Nam đương đại, NXB Tân Thư, Hoa Kì, 2002.

 

Các tuyển loại này không đặt nặng ở sự lớn/ bé của tên, cao/ thấp của tuổi nhà thơ để cân đong số lượng bài, mà ở các bài thơ kia đứng ở đâu trong dòng chảy của sự phát triển thi ca trong giai đoạn đó, thuộc hệ thẩm mĩ đó. Từ điểm nhìn tương đối nhất quán ấy, có thể nói các tuyển thơ vừa nêu ít nhiều thành công. Người đọc hoặc thẳng thừng từ chối hoặc trân trọng đón nhận chúng, chứ không đọc trong tâm trạng hờ hững chung chung, có cũng được, không có cũng chẳng sao.

 

Cũng có tập thơ tuyển nhấn vào chuẩn thẩm mĩ, 100 bài thơ hay nhất Việt Nam thế kỉ XX, do Trung tâm Văn hóa Doanh nhân và NXB Giáo dục phối hợp tổ chớc (2007) chẳng hạn. Nhưng bởi tiêu chí đặt ra và cách tuyển chưa tới, nên ấn phẩm đã tạo hụt hẫng và gây không ít hoài nghi. Người tham gia tuyển luôn bị đặt trước câu hỏi dễ mất điểm tựa: Anh/ chị quyết [tinh] tuyển bài thơ hay, nhưng thế nào là hay? Hành trình phát triển đầy biến động của thơ Việt Nam kéo dài suốt trăm năm, đã làm lung lay và sụp đổ mọi quan điểm mĩ học về thơ từng thống ngự trước đó. Cái hay của thơ Đường luật ở đầu thế kỉ khác cái hay của Thơ Mới với không dưới bốn trường phái có quan điểm sáng tạo đối nghịch, Thơ Mới khác xa thơ tự do qua bao nhiêu phong cách sáng tác khác nhau, rồi thơ Miền Nam, thơ thời đổi mới hay cả thơ người Việt ở hải ngoại nữa… Không thể vin vào gu thưởng thức nghệ thuật chủ quan để biện minh cho sự thiên lệch hay chưa bao quát, quán xuyến vấn đề. Người tuyển cần đặt bài thơ được tuyển trong tiến trình của thơ ca cả thế kỉ. Rằng nó đứng ở đâu trên hành lịch đó? Nó góp công gì vào phát triển thi pháp?

 

Ngay Thơ Mới thôi, anh/ chị đặt dòng Tượng trưng và Siêu thực ở đâu? Và đâu là bài thơ xuất sắc tiêu biểu thuộc hai dòng này? Rồi Hiện thực trần trụi nữa (như bài “Gửi Trương Tửu” của Nguyễn Vỹ chẳng hạn)? Dù ba dòng này không có thành tựu lớn như các sáng tác theo hệ mĩ học Lãng mạn, nhưng chính chúng đã đóng góp lớn vào sự phát triển và làm phong phú thơ Việt, giai đoạn qua.

 

Hay thơ tự do ở Miền Nam, đâu là “Phục sinh”, “Tĩnh vật” của Thanh Tâm Tuyền, các bài thơ của nhà thơ đậm tinh thần cách mạng mang khả tính xoay chuyển cả thẩm mĩ thơ trước đó? Còn Phạm Thiên Thư, Bùi Giáng hay Nguyên Sa, ai kẻ theo dõi thơ Miền Nam dễ dàng nhận ra bài được cho là “hay nhất” vừa không hay vừa không tiêu biểu của các tác giả này! Và nhân vật Tô Thùy Yên, thi tài hiếm hoi của thơ ca Việt Nam thế kỉ XX với bao nhiêu bài thơ xuất sắc, nằm ở xó xỉnh nào của tuyển?

 

Thử nhìn ra bên ngoài, thi tuyển gần nhất của Mĩ: The Best American Poetry – 2003 (Scribner Poetry, New York, USA), do Yusef Komunyakaa và David Lehman cùng tham gia tuyển các bài thơ hay của Mĩ trong năm. Chưa nói đến chất lượng, chỉ xét lối làm việc của họ thôi cũng xứng đáng cho chúng ta học tập. Lời mở trang trọng, thông tin chính xác, chú thích kĩ lưỡng cùng lời bình đầy trách nhiệm, đã chinh phục độc giả cả trong lẫn ngoài nước Mĩ, mấy năm qua(2). Xêri thi tuyển mỗi năm được Nhà xuất bản giao trọng trách cho một/ một vài “nhà” khác nhau tuyển. Mỗi thi sĩ chỉ đóng góp một bài, trong đó rất nhiều nhà thơ lớn và uy tín lọt sổ trong nhiều năm liền. Vài tên tuổi năm trước được vào tuyển, năm sau chưa chắc đã có mặt. Đủ thấy người đứng ra tuyển dũng cảm và tự tin như thế nào. Họ chọn thơ chứ không chọn tác giả.

 

Thiết nghĩ, tuyển như thế không là ngoài tầm với của chúng ta. Nhưng chính sự lười biếng, cẩu thả và thói quen thơ của chúng ta đã tự trói buộc tay chân mình, có lẽ!

 

Tóm lại, tuyển đòi hỏi người tuyển đáp ứng một số yêu cầu:

 

– Tình yêu thơ: yêu cầu người tuyển chịu khó đi, đọc, có óc sưu tầm và thao tác thủ kho. Chỉ như thế anh/ chị mới quán xuyến được dòng chảy của thơ suốt cả năm hay thậm chí cả thời kì. Nói nôm na: cần phải có bột, nhiều càng tốt để gột nên hồ. 

 

– Tinh thần mở: chấp nhận các sáng tác theo quan điểm thẩm mĩ mới, chấp nhận chính kiến khác, không bè phái địa phương, không kiêng dè uy tín tác giả, không nô lệ tài chính của nhà xuất bản hay cơ quan. Nghĩa là người tuyển thoát khỏi mọi áp lực. Họ hoàn toàn tự do trong công việc của mình. Tự do, nên đầy trách nhiệm.

 

– Sau cùng là sự nhậy bén trong thẩm định. Giữa bạt ngàn bài/ tập thơ đã đăng/ in, nên chọn cái nào, của ai. Không ai có thể dạy người tuyển nên hay không nên thế này thế nọ. Chính sản phẩm của bạn đánh giá khả năng thẩm thơ của bạn. Sản phẩm này bị đặt trước sự khó tính của người đọc và trước thách thức khắc nghiệt của thời gian.

 

Chỉ thế thôi, chúng ta mới hi vọng người đọc thôi còn hờ hững với các tuyển, từ đó hết quay lưng lại với thơ.

 

Sài Gòn, 2004-2007.

Chú thích:

(1) Dana Gioia, Can Poetry Matter? Nguyễn Thị Ngọc Nhung dịch, Tạp chí Thơ.

(2) Ví dụ gần nhất, Thơ Việt Nam thế kỉ XX (Thơ trữ tình), NXB Giáo dục, H., 2005. Bên cạnh “Đôi lời cùng bạn đọc” được viết khá sơ sài, là các bài thơ khi thì chú thích khi thì không; rồi sau hàng loạt bài trống trơn, đột hứng có bài được in kèm lời bình. Cũng có phần tiểu sử ở cuối sách, nhưng không lấy gì làm đảm bảo tính chính xác của các thông tin này. Ví dụ, về Inrasara: Tác phẩm thơ đã in: Đứa con của Đất, Lễ tẩy trần tháng Tư. Trong khi tôi đã xuất bản 5 tác phẩm: Tháp nắng, Sinh nhật cây xương rồng, Hành hương em, Lễ tẩy trần tháng Tư, Inrasara – Thơ cho tuổi thơ. “Đứa con của Đất” chỉ là tên bài thơ trong tập thơ Tháp nắng!

Inrasara
Số lần đọc: 3490
Ngày đăng: 20.09.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Văn phong tranh luận của Thiếu Sơn trên báo chí . - Võ Phúc Châu
Bên cạnh đời sống vật chất-1 - Huy Dung
Bên cạnh đời sống vật chất-2 - Huy Dung
Thần học về Thập giá - Nguyễn Hữu An
Thơ như một định mệnh oan nghiệt - Nguyễn Lệ Uyên
Hậu hiện đại là hậu hiện đại là…. - Inrasara
Từ huyền thoại tình yêu đến Vú Cát - hành trình không mỏi - Sương Nguyệt Minh
Tiểu thuyết “Tố tâm” của Hoàng Ngọc Phách trong buổi đầu hiện đại hóa văn học Việt Nam - Võ Phúc Châu
Thơ Vũ Trọng Quang: khoảng cách và liên tục “điên…rất đều” - Cao Thoại Châu
Thử nhận diện : Chân Dung Nhà Văn - 39 - Lê Xuân Quang
Cùng một tác giả
Hành trình Katê (dân tộc học)
Muộn (thơ)
Tạ ơn (thơ)
La cà tết kinh (tạp văn)